Thursday 18 December 2014

Kinh tế Nga trong cơn cuồng phong



mediaTrị giá đồng rúp không ngừng xuống dốc - REUTERS /Maxim Zmeyev
    Chỉ trong ngày hôm qua (16/12), cùng lúc đồng rúp mất giá 10%, thị trường chứng khoán và giá dầu lửa cùng đua nhau lao dốc đã khiến cho kinh tế Nga vốn từ nhiều tháng nay đang lao đao chống đỡ với các biện pháp trừng phạt cấm vận của Âu Mỹ do khủng hoảng Ukraina nay đang có dấu hiệu qụy ngã.




    Tựa trang nhất của Le Figaro : « Kinh tế Nga tuột dốc, châu Âu lo sợ lây lan ». Trong khi Matxcơva không thể khống chế được đà mất giá đến chóng mặt của đồng tiền rúp so với đồng đô la Mỹ, một bầu không khí dè chừng và cực kỳ căng thẳng đang lan truyền trong thị trường tài chính thế giới.
    Theo Le Figaro, giá dầu giảm và lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Matxcơva đã bắt đầu gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Nga. Từ đầu năm đến nay, đồng tiền Nga đã mất giá gần 100% so với đồng đô la Mỹ mà riêng ngày hôm qua đã mất giá 10%. Trang kinh tế của Figaro gọi là « Sự hoảng loạn tài chính ở Matxcơva ».
    Nhật báo Công giáo chạy tựa lớn trang nhất « Nước Nga trong trận cuồng phong kinh tế ». Tờ báo nhận định : "đồng tiền rúp hôm qua lại tiếp tục mất giá làm trầm trọng thêm cơn khủng hoảng của nước Nga kể từ sau khi sáp nhập Crimée và bị phương Tây trừng phạt ..... Cuộc khủng hoảng kinh tế của Nga có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến úy tín kỷ lục mà ông Vladimir Putin đã chinh phục được người dân Nga nhờ các phát biểu đề cao tinh thần dân tộc".
    Việc đồng rúp phá thêm kỷ lục mất giá mới, mặc dù chính quyền đã có biện pháp can thiệp nâng lãi suất chỉ đạo ngân hàng lên tới 17%, đã gây hoang mang lo ngại cho chính giới làm ăn ở nước Nga. Phóng viên của La Croix thường trú tại Matxcơva Nga ghi nhận, dư luận Nga có cảm giác như « Kremlin không còn kiểm soát được gì nữa... ».
    Còn lãnh đạo một chi nhánh doanh nghiệp Pháp tại Matxcơva nhận thấy : « nền kinh tế Nga đang chìm xuống mà không một ai nhìn thấy đáy.... » Các doanh nghiệp làm ăn tại nga đang nhìn thấy nguy cơ phá sản khi đồng rúp cứ rơi tự do như thế này và họ lo ngại điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Một doanh nhân Nga chủ nhân một quỹ đầu tư nói : « Kremlin đã chơi quá đà với lửa. Họ không còn làm chủ được tình hình nữa ».
    Tại sao Kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng ?
    Nhiều tờ báo khác cố gắng tìm các giả thích cho việc kinh tế Nga tuột dốc không phanh. Libération cho rằng nguyên nhân chắc hẳn là do giá dầu mỏ thế giới giảm, nhưng theo tờ báo thực ra « kinh tế Nga giờ đây đã bị mòn mỏi bởi hơn sáu tháng bị Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu trừng phạt về kinh tế và tài chính do chính sách của Matxcơva đối với Ukraina. Các biện pháp trừng phạt đó đã cắt thị trường vốn của ngân hàng và của các doanh nghiệp Nga, đồng thời đẩy mạnh tốc độ sụt giảm nhanh đầu tư, thất thoát vốn ».
    Ghi nhận các ý kiến của nhiều chuyên gia phân tích Nga, Libération nhận thấy, cái mà Nga cần đó là một chính sách kinh tế mới, một loạt các biện pháp giúp vực dậy dần dần như : Hủy bỏ cấm vận thực phẩm ; thông báo tạm hoãn thuế cho các doanh nghiệp... Nói tóm lại là tìm cách kích thích kinh tế phát triển trở lại. Tuy nhiên theo Libération, thay đổi như vậy có nghĩa là chính quyền chấp nhận những sai lầm và quyết định hiệu chỉnh, không chỉ trên phương diện chính sách kinh tế.
    Hậu quả lan truyền
    Thế nhưng đồng rúp mất giá không chỉ là chuyện riêng của kinh tế Nga của chính quyền Nga nữa. Nếu như trang kinh tế của Le Figaro có bài « sự sụp đổ của đồng rúp khiến thị trường (tài chính) thế giới lo ngại », thì Nhật báo kinh tế Les Echos cảnh báo : « Nước Nga đang gieo rối loạn trên thị trường quốc tế. Các thị trường chứng khoán hôm qua đã có một phiên giao dịch đầy biến động » và « thế giới đã nếm thử trước hương vị kinh tế Nga sụp đổ sẽ gây hậu quả ra sao ».
    Xã luận của báo Les Echos cho rằng , « điều quan trọng là phải tránh một kịch bản lây lan. Để làm được điều này cần phải nối lại đối thoại với ông Putin. Tránh xỉ nhục mà làm sao để Matxcơva hiểu được rằng tương lai của Nga nằm ở châu Âu ». 
    Xã luận của tờ báo kết luận : « Số phận của Nga không thể không tính đến châu Âu nhưng ngược lại là phải tìm lại mối quan hệ tin cậy thông qua một thỏa hiệp về Ukraina. Sự ổn định kinh tế Nga, dỡ bỏ trừng phạt, nguồn vốn trở lại... tất cả phụ thuộc vào chiến lược tiên quyết đó. Không ai cấm lạc quan nhưng Matxcơva không còn nhiều thời gian ».  
    Thế giới sốc nhưng bất lực với khủng bố của Hồi giáo cực đoan ?
    Các báo Pháp ra hôm nay vẫn trong cơn sốc sau vụ Taliban tấn công thảm sát hơn một trăm học sinh hôm qua ở một trường học ở Peshawa, Pakistan. Trên trang nhất hầu hết các nhật báo ra tại Pháp hôm nay đều đăng tải những hình ảnh chết chóc đau thương sau vụ thảm sát. Những từ ngữ như « man rợ, đê hèn, khủng khiếp hay bỉ ổi.... » có thể thấy lặp lại trên nhiều trang báo Pháp đề cập về cuộc tấn công khủng bố hôm qua ở Pakistan.
    Hàng tựa lớn trang nhất của Libération đơn giản : « Pakistan : Thảm sát ở trường học ». Trong khi đó, xã luận của tờ báo với tiêu đề cũng rất ngắn : « Man rợ » đã lên án mạnh mẽ : « Không một hệ tư tưởng, không một tôn giáo nào có thể lý giải hay biện minh cho hành động man rợ giết hại hàng trăm học sinh, trong đó có những em bị đạn bắn thẳng vào đầu. Đây là hành động tái phạm nhiều lần của quân Taliban. Chính chúng đã từng muốn sát hại cô bé Malala, giải Nobel Hòa bình, chỉ vì dưới con mắt chúng em là một cô gái muốn đến trường đi học. Chính chúng đã truy đuổi, sát hại các nhóm nhân viên y tế đi tiêm phòng bại liệt cho người dân ».
    Libération thốt lên rằng : « Thật kinh hoàng và vô nhân tính, những kẻ nhân danh đức tin » để làm những việc như vậy. Còn xã luận báo Le Figaro chạy tựa : « Đê tiện », mở đầu bằng một câu hỏi : « Loại người nào, nhân danh loại lý tưởng gì để có thể coi việc tấn công vào trường học sát hại lạnh lùng hơn 130 học sinh là một « cuộc chiến đúng đắn » ?
    Liệt kê hàng loạt tội ác khủng bố của những kẻ Hồi giáo cuồng tín cực đoan, tờ báo nhấn mạnh, hành động man rợ này chỉ nuôi dưỡng thêm sự kinh tởm và phẫn nộ nhất đối với chúng. Xã luận của Le Figaro kết luận : "Giờ đây các nước phương Tây đang lao vào tổ ong bò vẽ của những kẻ thánh chiến ở Irak và Syria mà không biết đến bao giờ chiến thắng và cũng không có nhiều sự lựa chọn".
    Làm gì với khủng bố Hồi giáo cực đoan ?
    Trở lại với nhật báo Libération vẫn trên chủ đề nóng này. Tờ báo có bài phỏng vấn chuyên gia Afzal Ashraf thuộc Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh tại Luân Đôn.
    Trả lời câu hỏi liệu có giải pháp nào cho vấn đề, cụ thể là đối với Taliban ? Chuyên gia Afzal Ashraf cho rằng « giải pháp tồi tệ nhất là tìm một thỏa hiệp nào đó về chính trị. Nhưng vậy khác nào là thưởng cho Taliban về những hành động khủng bố mà chúng đã gây ra. Thời kỳ đối thoại, đàm phán đã qua ». Quả là nan giải cho các nhà chính trị trong chúng ta tiếp tục phải sống trong một thế giới ngày càng trở nên bất an hơn. 
    Thierry Henri huyền thoại mới của bóng đá Pháp giải nghệ
    Thoát khỏi không khí căng thẳng ngột ngạt nặng nề của những trang báo với các vụ khủng bố đẫm máu, sự náo loạn của thị trường kinh tế, chúng ta đến với thông tin thể thao.
    Thêm một người khổng lồ của bóng đá Pháp chia tay với sân cỏ. Từ New York, hôm qua, danh thủ bóng đá Pháp, Thierry Henri đã gửi thông báo chính thức từ giã sự nghiệp cầu thủ. Tin này tin khiến người hâm mộ bóng đá Pháp cũng như cả thế giới không khỏi thấy bùi ngùi. Nhiều tờ báo đã có bài viết dành những lời ca ngợi tốt đẹp nhất dành cho danh thủ Pháp của bóng đá quốc tế.
    « Sau hai mươi năm trên sân cỏ, tôi đã quyết định chia tay với bóng đá chuyên nghiệp. Đó quả thực đã là một cuộc du hành kỳ diệu » . Với ít dòng nhắn gửi ngắn ngủi đó đăng tải trên mạng xã hội hôm qua, như vậy là thêm một tượng đài lớn của bóng đá Pháp từ giã sự nghiệp sân cỏ.
    Thierry Henry, 37 tuổi, 123 lần khoác áo đội tuyển ghi được 51 bàn thắng, vượt qua cả danh thủ Platini, trở thành cầu thủ có cống hiến nhiều bàn thắng nhất cho đội tuyển Pháp từ trước tới nay. Trang thể thao của Libération dành hai trang báo với hàng tựa « Thierry Henry, tự mình làm nên huyền thoại” để điểm lại quá trình hơn 20 năm cống hiến của danh thủ không chỉ cho bóng đá Pháp mà còn cả bóng đá quốc tế.
    Le Figaro có bài : « Thierry Henry, người muốn làm vua » để trở lại những mốc lớn trong sự nghiệp của danh thủ mà tờ báo tôn vinh là một huyền thoại của bóng đá Pháp. Với 21 năm của sự nghiệp cầu thủ, Henry đã có tất cả các danh hiệu vô địch từ cấp câu lạc bộ với Monaco năm 1997, với Arsenal năm 2002 và 2004, với Barcelona năm 2009 và 2010 cho đến cấp độ đội tuyển quốc gia với danh hiệu vô địch thế giới 1998 và vô địch châu Âu năm 2000.
    Thông báo chia tay với sân cỏ của Henry đã được đón nhận trong giới bóng đá đỉnh cao cũng như người hâm mộ trên khắp thế giới qua những lời ngợi ca đầy cảm xúc và người ta sẽ còn nhắc nhiều đến anh như một tên tuổi lớn của làng bóng đá thế giới.

             Đồng Rúp tuột giá : Trách nhiệm của Putin ?
            Minh Anh



    mediaMột cửa hàng đổi ngoại tệ tại Matxcơva ngày 17/12/2014.REUTERS/Maxim Zmeyev

    Tuy nhiên, tình hình khủng hoảng đồng Rúp vẫn là phần tin thời sự quốc tế nổi cộm nhất trên các nhật báo. Nếu như thế giới có vẻ như hoan hỉ với tin vui cho Cuba, Le Figaro trong bài xã luận đề tựa « Từ Cuba đến Matxcơva » cảnh cáo Châu Âu đừng vì « sự xích lại gần lịch sử » đó mà quên lãng một hồ sơ khác có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của cả khối.

    Tờ báo viết, Châu Âu có thể vui mừng cho sự hâm nóng địa chính trị trong khu vực biển Caraibe, nhưng Châu Âu cũng chẳng hưởng được chút lợi ích gì từ sự kiện đó. Bởi vì Nga mới chính là mối bận tâm hàng đầu. Chính tại đây mà thị trường tài chính Châu Âu đang bị chao đảo.

    Các lệnh trừng phạt đưa ra nhằm mục đích gây áp lực buộc Matxcơva phải chấm dứt các hành động can thiệp gây hấn vào Ukraina. Trong bối cảnh căng thẳng đó, mỗi bên đều chứng tỏ khả năng gây bất ổn của mình. Nhưng bài xã luận cho rằng giờ cũng không phải là lúc để gia tăng các lệnh trừng phạt như Hoa Kỳ vừa tuyên bố. Cách duy nhất để giúp Nga thoát khỏi bế tắc tại Ukraina và bảo vệ quyền lợi của mình là Châu Âu phải giang tay ra với Matxcơva.

    Nếu như Cuba là một thành công ngoại giao của ông Obama, thì Châu Âu đang ở vào giây phút quan trọng trong quan hệ với Nga. Kinh tế Nga sụp đổ hay chế độ bị suy yếu đều đe dọa đến sự ổn định của cả châu lục trong những thập niên sắp tới. Thay vì ngoan ngoãn đi theo đồng minh Hoa Kỳ thông qua các lệnh trừng phạt mới, Châu Âu nên cho thấy hướng đi và cùng Matxcơva tiến đến việc dỡ bỏ lệnh cấm vận.

    Đồng Rúp mất giá, trách nhiệm thuộc về Putin
    Ngược lại, nhật báo thiên tả Libération trong bài xã luận đề tựa « Sô-vanh » lại cho rằng chính Tổng thống Nga Vladimir Putin phải xem xét lại các đường lối chính sách của mình với các nước láng giềng.

    Bài viết chắc chắn rằng nhờ vào uy tín được củng cố mạnh mẽ, như thường lệ trong buổi họp báo hôm nay ông Putin lại sẽ sử dụng chiêu bài « âm mưu quốc tế » đe dọa nước Nga. … Nhưng đồng Rúp mất giá lộ rõ cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế Nga, một hệ thống tham nhũng tô tức và bổng lộc, lệ thuộc hoàn toàn vào dầu hỏa. 

    Cũng như Le Figaro, nhật báo thiên tả cho rằng Châu Âu chẳng có lợi gì khi có một nước Nga thù địch và suy yếu nằm ngay sát cạnh biên giới của mình. Nhưng ông Putin phải đo lường các hệ quả từ những chính sách do ông tiến hành chống lại các nước láng giềng.

    Chính Putin phải xem xem ông thích hòa đồng cùng với các quốc gia khác hay là tiếp tục theo đuổi các cuộc chiến của mình dẫn đến nguy cơ làm sụp đổ đất nước và mất cả quyền lực.

    Thị truờng tài chính thế giới mất phương hướng

    Về phần mình, Le Monde quan sát thấy « Khởi đầu hoảng loạn tại Matxcơva ». Đồng Rúp đã bị mất giá đến 20% vào ngày thứ Ba (16/12/2014) vừa qua. Người dân Nga đã ồ ạt đi mua sắm và trữ hàng do e sợ giá cả sẽ bị đội lên. Tại các hiệu đổi ngoại tệ, những hàng người dài dằng dặc để đổi lấy đồng đô-la hay euro do có những lúc đồng Rúp tụt giảm mạnh đạt đến mức trần 100 Rúp/đô-la.Các ngân hàng buộc phải giới hạn rút tiền bằng ngoại tệ ở mức 2000 euro/người.

    Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải bán ra một số ít ngoại tệ dự trữ nhằm ổn định đồng nội tệ. Nhưng điều Le Monde quan tâm đến là tác động của cuộc khủng hoảng đồng Rúp lên thị trường tài chính thế giới. Trên trang nhất phụ trương kinh tế, nhật báo đưa tít lớn « Bất ổn Nga làm kịch phát nỗi lo sợ của thị trường tài chính ».

    Hôm thứ Ba (16/12/2014), thị trường tài chính Châu Âu kết thúc phiên giao dịch với mức tăng. Nhưng sang đến ngày thứ Tư, cũng giống như Châu Á và Mỹ, thị trường lại rớt xuống. Tình hình chính trị chưa rõ ràng tại Hy Lạp, giá dầu sụt giảm cộng thêm với bất ổn đồng Rúp Nga có nguy cơ dẫn đến hiện tượng giảm phát trong khối đồng euro và trì hoãn tăng trưởng của Trung Quốc.

    Trong tình hình tài chính tồi tệ này, không một nhà đầu tư nào giữ được « máu lạnh ». Các chỉ số sàn chứng khoán trong những ngày qua rất căng thẳng. Có thể thấy hiện giờ « Các thị trường tài chính đã bị mất phương hướng », đúng như tựa đề nhận định của Le Monde.

    Matxcơva săn lùng thủ phạm

    Le Figaro trong bài viết có tựa đề « Matxcơva cố dập tắt cơn hoảng loạn tài chính » cho hay, song song với các biện pháp can thiệp, thì cuộc săn lùng thủ phạm cũng đang diễn ra. Đứng đầu danh sách là Ngân hàng Trung ương Nga, do cựu cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga, bà Elvira Nabioullina, điều hành. Định chế này bị chỉ trích là đã có những phản ứng quá chậm chạp.

    Thủ phạm thứ hai bị Putin chỉ mặt điểm danh là những « kẻ lũng đoạn ». Theo giải thích của vị giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị tại Đại học Tài chính, « Chắc chắn không phải là người dân, mà những cơ chế, những người đại diện cho tầng lớp đặc quyền đặc lợi ở Nga, những người có đủ khả năng sử dụng đồng Rúp trong ngân sách quốc gia để thao túng với lãi suất hấp dẫn ».

    Còn trong con mắt người dân Nga, thủ phạm chính là những nhà lãnh đạo đất nước, nhưng ngoại trừ ông Putin.

    Một cú sốc chính trị ?

    Nhật báo kinh tế Les Echos dự đoán rằng « Đối mặt với đồng Rúp mất giá, Putin rất có thể thử một ‘cú sốc chính trị’ ».

    Nhiều tin đồn cho rằng ông Koudrine – cựu Bộ trưởng Tài chính, nổi tiếng nghiêm khắc, sẽ lên lãnh đạo đất nước. Chính lưu ý của ông đăng trên Twitter còn làm thổi phồng thêm các tin đồn : « Đồng Rúp rớt giá không chỉ do tác động của giá dầu thô sụt giảm và các lệnh trừng phạt, mà còn do sự thiếu tin tưởng vào các chính sách kinh tế của chính phủ ». Nếu thế đây quả là một cái tát mạnh dành cho Thủ tướng Medvedev, vốn bị mất uy tín trong giới ủng hộ tự do thị trường