Thursday, 18 December 2014

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc 19-12-2014

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc

Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta
 
THE LONE WOLF

Cứ mỗi lần xẩy ra những vụ khủng bố gây chết người như ở Ottawa, ở Sydney, ở Fort Hood … những vụ không do những nhóm võ trang (nhiều người như vụ 911 hay vụ Mumbai, vụ đánh bom ở trạm xe điện ngầm ở Luân Đôn…) mà do một cá nhân đơn lẻ thực hiện là y như rằng người ta lại dùng danh từ “lone wolf”, để mô tả hung thủ.

“Lone wolf”, con sói cô đơn, là hình ảnh thật đẹp, kiêu hùng và lãng mạn biết bao nhiêu. Nó có thể là con sói già, có thương tật, bị bầy gạt ra ngoài đàn, phải sống cô đơn ở bìa rừng, không được tham dự những chuyến săn mồi của bầy sói mà nó đã từng có thời sống chung. Nó phải đi săn một mình. Nó cô đơn là vì thế. Cô đơn nhưng kiêu dũng.

Trong tác phẩm The Jungle Book của Rudyard Kipling, Akela, con sói già cầm đầu của đàn sói Seeonee gồm khoảng trên dưới bốn chục con đã nuôi nấng cậu bé Mowgli cũng được tác giả gọi là con sói cô đơn. Akela trong tiếng Urdu, ngôn ngữ chính của Pakistan, và tiếng Hindi của người Ấn có nghĩa là một mình hay cô đơn. Akela vừa khoẻ mạnh vừa thông minh, sáng suốt. Akela được gọi là con sói cô đơn vì nó đứng ở vị thế lãnh đạo, độc lập một mình trên hết cả bầy sói mà nó dẫn dắt. Akela là hình ảnh oai hùng và khôn ngoan nhất trong khu rừng. Tác giả Rudyard Kipling đã dùng kiểu mẫu của một British gentleman để vẽ lên Akela. Một mình, anh hùng, trách nhiệm, can đảm.

Năm 1927, Charles Lindbergh, người phi công trẻ tuổi một mình lái chiếc máy bay một động cơ Spirit of St Louis vượt Đại Tây Dương từ New York bay một mạch sang Paris, chuyến bay đầu tiên của thế giới, cũng được đặt cho một cái biệt hiệu rất đẹp và lãng mạn là con đại bàng cô độc, “the Lone Eagle”.

Lucky Luke, một nhân vật một nửa là người thật, nửa hư cấu từng sống tại miền viễn tây nước Mỹ trong những năm cuối của thế kỷ 19 cũng mang biệt danh là “the Lone Cowboy”. Trong các truyện bằng tranh của Morris và Goscinny mà tôi đọc mê say trên tuần san Spirou hồi những năm trung học, bao giờ bức tranh cuối cùng cũng có cảnh chàng cưỡi con ngựa Jolly Jumper đi về phía mặt trời lặn, vừa đi vừa nghêu ngao : “I’m a poor and lonesome cowboy…”


Nhưng bây giờ, hai chữ “lone wolf” đang bị làm bẩn đi khi nó được dùng để gọi những thứ như Timothy McVeigh trong vụ đánh bom ở Oklahoma, hay Malik Hasan trong vụ nổ súng ở Fort Hood… Và mới nhất là Man Horon Manis trong vụ bắt con tin ở tiệm bánh và quán cà phê Lindt ở Sydney. Tất cả đều hành động một mình, nhưng nét anh hùng thì hoàn toàn không thấy ở những con sói cô đơn ấy. Người đàn ông gốc Iran vác một khẩu súng vào tiệm bánh Lindt ở khu thương mại tài chính Sydney lúc 10 giờ sáng, khi tiệm đang đông những người khách vào mua ly cà phê, chiếc bánh cho bữa sáng trước khi đến sở. Người đàn ông 50 tuổi này mấy năm trước đã được nước Úc mở rộng vòng tay cho tị nạn, buổi sáng hôm ấy, đã trả ơn nước Úc bằng cách bắt tất cả những người khách trong tiệm làm con tin và đòi được cung cấp một lá cờ đen, lá cờ của bọn chó dại ISIS là một con sói cô đơn, “a lone wolf” đang bắn giết điên cuồng ở Syria, Irak … và đòi được nói chuyện với thủ tướng Úc thì không nên. Dĩ nhiên đòi hỏi điên khùng đó không bao giờ được thỏa mãn. Cảnh sát Úc, sau gần 10 tiếng đồng hồ, đã phải quyết định hành động để giải thoát các con tin. Hai con tin đã thiệt mạng trong nỗ lực giải thoát. Man Horon Manis cũng bị cảnh sát bắn chết. Vụ bắt giữ con tin chấm dứt.

 

Nước Úc mà tôi biết, quốc gia lành mạnh, tử tế, hoà bình, thân thiện, độ lượng, nhân ái đã được trả ơn như thế đấy.

Các bản tin báo chí truyền thanh, truyền hình sau đó khi đề cập tới hung thủ đều dùng danh từ “lone wolf”, con sói cô đơn để gọi Man Horon Manis.

Lý do có thể là một phần cũng để trấn an người dân Úc rằng đó chỉ là một cá nhân hành động đơn lẻ chứ không phải là một vụ khủng bố qui mô do một nhóm hay một tổ chức thực hiện. Việc đó đúng. Không nên để cho việc làm đơn lẻ của một cá nhân, Man Horon Manis, tạo hốt hoảng, lo sợ cho người dân Miệt Dưới (Down Under). Nhưng gọi Man Horon Manis, người đàn ông đang bị truy tố về mấy chục vụ xâm phạm tình dục, tình nghi nhúng tay vào một vụ giết người (bạn gái của đương sự) thì không nên.

Không nên làm bẩn danh từ “lone wolf” bằng cách gọi Man Horon Manis là con sói cô đơn.

Vì nó chỉ là một thằng chó đẻ, một son of a bitch thì đúng hơn. Một con chó đẻ mà còn mắc bệnh dại nữa mới đúng. Một con chó đẻ mắc bệnh điên thì đúng hơn.

A rabid son of a bitch có lẽ đúng nhất.

Nó không phải là một con sói cô đơn! Không bao giờ!

MẮC NẠN

Không biết nàng đến Úc trong trường hợp nào.

Có thể nàng đã vượt biên trên một con thuyền sau chuyến đi kinh hoàng trần ai khoai củ mới đến được một hòn đảo ở Indonesia hay Thái Lan, Malaysia… Và sau một thời gian chờ đợi dài cổ, nàng được chính phủ Úc nhận cho đến Úc tị nạn. Hay cũng có thể nàng được thân nhân (cũng là người tị nạn) bảo lãnh từ Việt Nam sang Úc. Nhưng rõ ràng là nàng được sang Úc sống cho bõ những ngày cơ cực.

Sau vài năm, nàng được cho nhập tịch để thành công dân xứ Kangaroo, niềm mơ ước thầm kín cũng như lộ liễu của rất nhiều người. Nếu nàng sang Úc sớm thì có thể nàng cũng đã đi làm một số năm trước khi về hưu. Nếu sang muộn, có thể nàng trở thành … của nợ của nước Úc ngay sau khi tới Úc. Nàng được bọn Kangaroo bỏ vào … túi nuôi ngay, mỗi tháng cơm bưng nước rót đến nơi đến chốn.

Thế là nàng no cơm ấm cật rậm rật làm trò. Nàng “y cẩm hồi hương”, áo gấm về làng cho chòm xóm ở cái quê hương khốn khổ là Việt Nam đó ghen tức phát điên lên với những câu chuyện bao giờ cũng bắt đầu bằng câu “Ở bên Úc nó như dzầy nè…”

Nàng về Việt Nam chơi đều đều, quần là áo lượt, ai cũng lé mắt luôn. Mỗi năm nàng về Việt Nam vài ba chuyến. Từ Úc về Việt Nam không bao xa nên nàng về thăm quê hương cũng dễ. Chính phủ Úc còn nhiều chuyện khác để lo vì thế không để ý tới những chuyến đi của nàng nên nàng, tuy là tị nạn, vẫn về chơi ở cái xứ sở mà nàng đã bỏ chạy thừa sống thiếu chết để tới Úc (xin tị nạn) ngày nào.

Đi về cũng tốn kém tiền hưu hay tiền già (như người ta vẫn gọi ở bên Mỹ) nên nàng cũng phải tìm cách cải thiện ngân sách. Có người tốt bụng đề nghị mang hộ một số xà bông từ Sài Gòn sang Úc và được trả công bội hậu. Thế là nàng nhận ngay. Nàng đồng ý bỏ trong hành lý 36 cục xà bông để đưa sang Úc giúp bọn Úc tắm rửa cho sạch sẽ hơn, cho hết mùi mỡ và thịt cừu, nhân tiện đầu độc bon Kangaroo cho chúng nó chết bớt đi theo đúng chủ trương qua sông phụ sóng của nàng. Những cục xà phòng mà nàng nhận mang sang Úc trong ruột chứa khoảng 3 kilô bạch phiến thừa sức gây khốn khổ cho hàng ngàn thanh niên Úc. Nhưng tại phi trường Tân Sơn Nhất, người ta khám phá ra số bạch phiến đó.

Nàng bị giữ ở phi trường. Hình chụp trên báo cho thấy nàng ngồi cạnh ngổn ngang những bánh xà bông trong ruột chứa đầy heroin. Hú vía cho bọn Kangaroo. Suýt nữa thì chúng mày tàn đời với bà. Chuyến đi mà trót lọt thì bọn thanh niên Úc chết với bà. Ba kilo heroin chứ bộ ít sao. Chúng mày hít vào mũi cho chúng mày khốn khổ khốn nạn với bà ngay. Còn bà thì lại được trả công bội hậu. Tiền bà lại về Việt Nam chi tiêu thoải mái…


Bản tin cho biết nàng năm nay 71 tuổi. Bản tin gọi nàng là cụ bà. Tuổi đó gọi là cụ bà thì cũng đúng. Chuyện cụ bà định đưa 3 kilo bạch phiến sang Úc để trả công nước Úc chắc chắn là đã bị mật vụ Úc biết trước và chặn ngay trước khi cụ bà trở lại Úc. Chắc chắn sắp tới cụ sẽ qua những ngày cuối đời trong một nhà tù nào đó thay vì bế mấy đứa cháu, chơi với chúng nó trong buổi hoàng hôn của cuộc đời.

Bạn có thể sẽ kêu lên một tiếng thương cảm cho nàng, tội nghiệp cho nàng, tuổi chiều xế bóng mà con ngồi bóc lịch nhưng tôi thì không. Chắc nàng, gia đình nàng sẽ yêu cầu chính phủ Úc can thiệp cho nàng được hưởng những biện pháp giảm khinh. Nhưng tôi thì chỉ mong nàng mục rữa trong nhà tù cho đáng kiếp một con chó đẻ khốn nạn. Tiên sư cái con cụ bà khốn kiếp đó. Một con đàn bà khốn nạn đã đền ơn cái nước đã cưu mang nó như vậy đó.


Nó hơn tôi 1 tuổi. Năm nay nó 71 tuổi. Khi tôi ở Úc hồi những năm 60 trong vòng tay nhân ái cưu mang của nước Úc thì nó ở đâu mà sao nó khốn nạn như vậy chứ?