Thursday 4 December 2014

Trường Hàng Hải Việt Nam tại Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ - Bùi Ngọc Hương, cựu hoa tiêu sông Sàigòn

Lời nói đầu

    Mở đầu sự suy tầm về lịch sử Trường Hàng Hải Việt Nam, tôi xin gởi đến các bạn đồng nghiệp những tài liệu sau đây do tôi thu thập được qua sự tiếp xúc trực diện và điện đàm của tôi với các niên trưởng Hàng Hải, Hải Quân và nhiều bạn cùng khóa của tôi. Vì tôi là một Sĩ quan Ban Chỉ huy (Section Pont) nên những tài liệu gom góp có lẽ nặng nhiều về Ban Chỉ huy, còn về Ban Cơ khí kính xin quí niên trưởng cơ khí góp ý để phần tài liệu này được đầy đủ hơn.

    Bản tường trình này có tính cách tham khảo thôi, chắc chắn sẽ có nhiều thiếu sót và sai lầm về thời gian và chi tiết, kính xin các bạn thông cảm, bổ túc giùm nếu có.
     
                                *  *  *


    Trong thời kỳ Pháp thuộc, trước năm 1942, có rất nhiều Sĩ quan Hàng Hải được đào tạo như các anh Phan Hữu Hài, Khưu Ngọc Đức, Nguyễn Văn Ba, Tạ Nhựt Hy, Huỳnh Văn Thử, Nguyễn Văn Trí, Lê Văn Tỷ, Nguyễn Văn Hóa, v.v… Các anh kể trên phần lớn đã qua đời hoặc trên 90 tuổi thành ra sự tìm hiểu suy tầm gặp khó khăn.

    Nghe nói anh Nguyễn Văn Hóa là một trong những Sĩ quan đầu tiên của ngành Hàng Hải anh đi theo kháng chiến và ở ngòai Bắc cho đến năm 1975. Anh là một chiến sĩ tham gia trận đánh Sông Lô trong thời kháng chiến chống Pháp.

    Năm 1955, anh Hóa dẫn chiếc tàu đầu tiên vào cảng Hải Phòng cách nay đã hơn 50 năm. Đến năm 1975, anh Hóa về day Trường huấn luyện về hàng hải cho các thủy thủ ở Sàigòn. Anh hiện nay đã ngòai 90 tuổi.

    Qua sự tiếp xúc với các niên trưởng Phan Văn Dy, cựu Hoa tiêu Sông Saigòn và niên trưởng cơ khí Trần Văn Đúng, tôi được biết tiền thân của Trường Hàng Hải có danh xưng là École des Mécaniciens Asiatiques đưọc thành lập do nghị định ngày 20-2-1940 của Thống Đốc Nam kỳ Rodier.

    Vị Giám đốc sáng lập là ông Emmanuel Rosel, một Đại úy Hải quân Pháp cũng là một Kỷ sư Công nghệ. Có một thời Trường mang tên là École Rosel.

    Trường đào tạo Sỉ quan Hàng Hải gồm các Ban Chỉ huy (Section pont), Cơ khí (Section machine) và Vô tuyến (Section radio). Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây để báo cáo cho các đồng nghiệp biết có một ông Sĩ quan Hàng Hải có cả ba bằng gồm các ngành trên. Đó là niên trưởng Trần Văn Chơn cựu Đề Đốc Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. 

Năm 1942,

    Trong Đệ nhị Thế chiến, Nhựt bổn chiếm đóng tất cả các trường học ở Sáigòn làm trại lính, trường được dời vô Bason, các sinh viên được học trên hai chiếc tàu, một chiếc là Administrateur Royer dành cho học viên Ban Chỉ huy. Khóa này gồm có 8 học viên là các anh Phan Văn Dy, Từ Huy Hoàn, Lê Văn Tốt, Lê Bích Hà, v.v…

    Còn một chiếc tàu khác dùng vào việc huấn luyện các tài công (Patron de chaloupe). Niên trưởng Phan Văn Dy cựu hoa tiêu sông Sàigòn, còn cho biết lúc bấy giờ anh Lê Văn Tỷ cựu Hoa tiêu Sông Cửu long, dạy về Thủy thủ công (Metelotage).

    Trường Ecole des Mécaniciens Asiatiques tọa lạc tại đường Đỗ Hữu Vị, Chợ Củ Sàigòn.

Năm 1943

    Trường lấy tên là Collège Technique (Trường kỹ thuật hay nôm na là Trường máy). Theo niên trưởng Nguyễn Chánh Trực, cựu Hoa tiêu sông Sàigòn, khóa Hàng Hải 1943-1944 gồm có các anh Nguyễn Chánh Trực, Trần Đức Lưu, Nguyễn Văn Liêm, Châu Văn Mùi, Cao Thái Phó, Reboul, v.v… Các niên trưởng xuất thân từ các khóa kể trên họp thành một thế hệ Sỉ quan Hàng Hải thương thuyền, thuyền trưởng và cơ khí trưởng lão thành chỉ huy các con tàu đầu tiên, tiếp thu các đoàn hoa tiêu từ tay người Pháp và có mặt trên các thương cảng, bến nước từ Bắc chí Nam.

    Sau Đệ nhị Thế chiến, trường Kỷ Thuật họat động bình thường trở lại. Mỗi khóa đào tạo lối 20 Sỉ quan Ban Chỉ huy (Pont) và 20 Sỉ quan cơ khí (machine).

Năm 1947 – 1948

    Theo các niên trưởng Lâm Nguơn Tánh, cựu Đề Đốc Tư Lệnh Hải Quân, Niên trưởng Đỗ Bá Ngữ cựu Hoa tiêu Sông Sàigòn, Trường vẫn có tên là Trường Kỹ thuật, tọa lạc ở đường Đổ Hữu Vị, chợ cũ Sàigòn.

    Khóa 1947-1948 gồm có các anh Tôn Thọ Khương, Đòan Luyện, Nguyễn Văn Danh, Đào Quan Ngãi, Tôn Thất Tuyên, Chung Tấn Cang, Trần Văn Chơn, Lâm Nguơn Tánh, Trần Văn Phấn, Lê Quang Mỹ, Hồ Đắc Tâm, Đỗ Bá Ngữ, Lê Xuân Long, Võ Bá Nhu, Đòan Ngọc Bích, Nguyễn Văn Lịch, Nguyễn Hùng Trương, Nguyễn Văn Thiệu, v.v… Có tất cả 20 sinh viên ban Chỉ huy và 20 sinh viên ban Cơ khí.

    Một số người tốt nghiệp khóa nầy về sau trở thành các vị Tư Lệnh và Chỉ Huy Trưởng cao cấp của Quân chủng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Đặc biệt là ông Nguyễn Văn Thiệu là một Tướng lãnh của Quân đội và cũng là vị Tổng Thống của Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam.

Năm 1948 – 1949

    Theo niên trưởng Lương Quang Thọ cựu Hoa tiêu sông Sàigòn, Trường Hàng Hải Việt Nam nằm trong khuôn viên trường Petrus Trương Vĩnh Ký.

    Khoá này gồm có các anh Lương Quang Thọ, Chế Công Tá, Nguyễn Văn Nghiêm, Huỳnh Trịnh Tường, v.v… Tổng giám thị lúc bấy giờ là Ông Bùi Quang Khánh, giáo sư Thiên văn hàng hải là ông Patron, giáo sư Hải hành là ông Apex và giáo sư Luật hàng hải là ông Corbin.

Năm 1949-1950

    Theo niên trưởng Hòang Phước Qủa cựu Hoa tiêu Sông Sàigòn, Trường Hàng Hải vẫn còn trong khuôn viên trường Petrus Ký. Khoá nầy gồm có các anh Hoàng Phước Quả, Tô Ngọc Tuấn, Huỳnh Minh Tuấn, Mai Hữu Lễ, Tôn Thất Ấn, Nguyễn Đôn Thỏa, Hồ Tấn Quyền cựu Tư Lênh Hải quân thời Đệ Nhất Cộng Hòa.

Năm 1950-1951

    Đến năm 1950, do nghị định 155-CAB/SG ngày 27-12-1948, trường Hàng Hải được giao lại cho chính phủ Việt Nam. Trường được chính thức thành lập với danh xưng “Việt Nam Hàng Hải Học Liệu”. (École de Navigation Maritime Vietnamienne).

    Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, trường được chuyển đến khu Hỏa xa Việt Nam, đường Colonel Grimaud tức Phạm Ngũ Lão về sau. Khóa 1950-1951 được gọi là khóa 1 Hàng Hải Việt Nam. Khóa nầy gồm có các anh Trương Văn Tây, Bữu Hạnh, Lưu Văn Quãng, Võ Thành Tuấn, Phạm Bá Vân, Nguyễn Văn Thu, Đỗ Quý Hợp, Hà Văn Kim, Phùng Văn Đán, anh Tích, v.v… Bên cơ khí có anh Đặng Cần Chánh cựu Đại tá Hải quân.

Năm 1951-1952

    Đây là khóa 2 Hàng Hải Việt Nam. Trong nữa năm đầu, trường vẫn còn tọa lạc trong một căn phòng của cơ sở Hỏa xa Việt Nam và trong nữa năm sau trường được chuyễn về địa điễm củ trong khuôn viên trường Petrus Trương Vĩnh Ký bên cạnh các trường Công Chánh, Vô Tuyến Điện, v.v… với danh xưng là Hàng Hải Học Liệu.

    Trường Hàng Hải là một gian nhà bốn phòng đâu lưng ra đường Thành Thái, cửa chính của gian nhà có để bảng Việt Nam Hàng Hải Học Liệu “École de Navigation Maritime Vietnamienne”. Phòng thứ nhất là phòng Giám thị, phòng thứ nhì là phòng học của Ban Chỉ huy, phòng thứ ba là phòng học của Ban Cơ khì và phòng thứ tư dùng vào việc linh tinh.

    Khóa 2 Hàng Hải gồm có các anh Phạm Ngọc Lũy, Tạ Cảnh Hi, Nguyễn Phong, Bùi Ngọc Hương, Nguyễn Nhơn Đức, Khương Hữu Bá, Lê Trung Hiếu, Nguyễn Đình Quảng, Đinh Mạnh Hùng, Phùng Nhật Tân, Nguyễn Ngọc Trụ, Nguyễn Đình Vượng, Ngô Khắc Luân, Nghiêm Văn Phú, Nguyễn Thành Châu, Trương Ngọc Lực, Nguyễn Năng Thông, Huỳnh Kim Gia, Nguyễn Hồng Báu, v.v…

    Phần đông các sinh viên tốt nghiệp khóa 2 gia nhập khóa 2, 3, 7 Hải quân. Có ba anh được thăng cấp Phó Đề Đốc còn đa số là sỉ quan cấp tá Chỉ huy trưởng các lực lượng của quân chủng Hải quân.

    Trong khóa nầy ông Bùi Quang Khánh vừa là Tổng giám thị vừa là Giáo sư Kỹ nghệ họa cho ban Cơ khí. Ông Trần Văn Bạch vừa là Hiệu trưởng vừa là Giáo sư Tóan cho ban Chỉ huy. Giáo sư Patron dạy về Thiên văn Hàng hải (Astronomie nautique), Hải hành (Navigation), Hải đồ và Hải cụ (Cartes marines et instruments Nautiques). Kỷ sư Giraud dạy Kỹ thuật Hàng hải (Technologie navale). Giáo sư Moreuil dạy về Phòng tai (Sécurité navale). Ông Blachère dạy về vận chuyển tàu buồm va thuỷ thủ công (Bateaux à voiles et Matelotage). Ông Corbin Giám đốc sở Đăng ký Hàng Hải (Administrateur de l’inscription maritime) dạy về luật Hàng Hải (Législation Maritime). Giáo sư Phương từ trường Petrus Ký biệt phái qua dạy Toán học, một Đại uý Y sĩ Hải quân dạy về Y tế Hàng hải (Hygiène Navale).

Năm 1952-1953

    Khóa này gọi là khóa 3 Hàng Hải gồm có các anh Nguyễn Văn Phước, Nguyễn Văn Liêm, Trần Bình Sang, Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Văn Huấn, Lê Thanh Truyền, Vũ Đình Đào, Lộ Công Dần, Diệp Quang Thủy, v.v… Cũng như khóa trước cũng có một số sinh viên tốt nghiệp khóa này gia nhập khóa 3 Hải quân.

    Thời gian nầy trường Hàng hải vẫn còn toạ lạc trong khuôn viên trường Petrus Ký cho đến năm 1957, sau đó trường được xác nhập vào Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ trên đường Nguyễn Văn Thoại. Trường vẫn tiếp tục đào tạo Sĩ quan Hàng hải đến khóa 22.

    Sau biến cố tháng 4 năm 1975, trường được tiếp thu bởi trường Hàng hải Hà Nội.

    Trường Việt Nam Hàng Hải đã đào tạo có thể nói cả ngàn sĩ quan Hàng hải hiện đang sống rãi rác khắp bốn biển năm châu hoặc đã vào cõi hư vô. Song với tinh thần “Tứ hải giai huynh đệ”, một tình cảm sâu sắc đậm tình biển cả đã thắt chặt những người đi biển chung với nhau trong một tập thể riêng biệt, chứa chan nhiều kỷ niệm về trường học, tình thầy trò và tình bạn khó phai mờ được….