Con người với bộ óc siêu đẳng mà Tạo Hóa đã dựng lên trong một cơ thể hoàn hảo, nhưng nếu hình dáng bên ngoài không được trang điểm để trở nên xinh đẹp, bộ óc thiếu giáo dục nhằm phát triển thì đến thời đại bây giờ loài người vẫn có thể còn ở trong tình trạng sơ khai. Do vậy, văn hóa của nhân loại đóng một vai trò quan trọng qua nhiều biến đổi và bồi đắp để thăng tiến từ thời đại nầy qua thời đại khác. Nhờ đó, con người chẳng những đã tiến bộ về mọi mặt mà còn hấp thụ được khả năng sáng tạo, từ vấn đề sinh tồn, tự vệ cho đến phát triển…để phục vụ bản thân, gia đình và xã hội. Chỉ còn một vấn đề là kéo dài sự sống thiên nhiên cũng như cải tử hoàn sanh các loài sinh vật, thì con người vẫn còn bó tay trước quyền năng của Tạo Hóa. Tóm lại, có thể xác định rằng, nhờ vai trò giáo dục qua văn hóa con người trở thành một động vật siêu đẳng và tột bực thông minh, để từ đó trở thành chủ nhân của muôn loài.
Nhìn một cách tổng quát đời sống con người, dù ở đâu hay dưới thời đại nào, văn hóa nhân bản cũng là nền tảng giúp cho loài người phát triển và đi lên theo chiều hướng tốt về mọi phương diện. Đồng thời văn hóa đã dạy con người biết xử dụng khối óc và bàn tay, kể từ khi đủ trí khôn cho đến lúc nhắm mắt, để đem lại một cuộc sống thật đẹp, thật hoàn hảo về vật chất cũng như tinh thần. Vậy, một khi bàn đến vấn đề văn hóa nhân bản, người ta cần phải đề cập về nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó giáo dục là điều kiện chính yếu và cần thiết để đào tạo cũng như huấn luyện con người trở thành một sinh vật thật hoàn mỹ.
Một trẻ nhỏ, nếu từ lúc lọt lòng mẹ đã sống cô đơn trong rừng hoặc một mình trên hoang đảo, đời sống hoàn toàn cách biệt với loài người thì suy nghĩ cũng như hành động tương tự như loài thú hoang. Chỉ có bản năng sinh tồn mà rừng rú hoang dã đã dạy cho nó những điều cần thiết để chống đở tai ương, bảo vệ bản thân và mưu tìm sự sống. Tuy cơ thể phát triển nhưng trí óc đứa trẻ bị hóa đá. Những suy nghĩ và phản ứng nếu có, đều hạn chế trong hoạt động bình thường như phục vụ hệ thống tiêu hóa và chống đở nguy cơ liên quan đến tính mạng. Vậy, việc giáo dục cần được xem là tối quan trọng trong đời sống con người và phải được thể hiện bởi ba môi trường.
Gia đình chính là môi trường quan trọng và hữu hiệu đối với việc giáo dục căn bản của người :
Từ ngày chập chửng học đi, ông bà cha mẹ đã dạy cho con cháu những bài học lễ phép đầu tiên. Trong gia đình, biết kêu cha mẹ ông bà, biết cúi đầu dạ người lớn, khi ra đường thưa bẩm những người cao tuổi. Rồi những ngày tiếp đến đứa trẻ được gia đình huấn luyện từ lối phục sức, cách ăn, câu nói để chuẩn bị bước xã hội mở đầu bằng ngưởng cửa mẫu giáo. Thật ra công việc giáo dục của gia đình ông bà cha mẹ không đừng ở lại khi con cháu cắp sách đến trường, mà suốt cả một đời, dù sau đó trưởng thành cưới vợ gả chồng hoặc ra riêng…Do đó, vai trò gia đình không thể chối bỏ trong cuộc sống con người, vì đây chính là tổ ấm tình thương mà trong nơi đó, dù ở hoàn cảnh nào, con người cũng tìm thấy tấm lòng bao la của cha mẹ, đùm bọc thiết tha của anh em máu mủ. Gia đình còn là nơi đào tạo, là đơn vị căn bản sản xuất thành phần tốt và hữu ích cho xã hội. Cũng chính tại đây đạo đức, tình người, lối xữ thế, trách nhiệm với gia đình, xã hội cũng như tổ quốc được ông bà cha mẹ gieo vào đầu con cháu kể từ lúc chập chửng tập đi và bập bẹ học nói. Đến lúc con cháu khôn lớn, vai trò gia đình trở nên môi trường hướng dẫn khuyến khích con cháu theo con đường hướng thiện hoặc sẽ biến thành rào cản để ngăn chận những sai lầm mà con cháu vấp phải. Đó là thiên chức của ông bà cha mẹ đã thể hiện dưới các chế độ tự do với một nền văn hóa nhân bản. Nhưng kể từ ngày cộng sản ‘giải phóng’ Miền Nam và ‘thống nhất’ đất nước xong, Hà nội chủ trương thuyết ‘tam vô’, trong đó âm mưu xóa bỏ vai trò giáo dục của gia đình để ‘nhà nước quản lý’ thế hệ trẻ bằng những hình thức phản giáo dục được phát xuất từ thành phần vô học từ rừng chui ra. Kết quả cuộc cách mạng văn hóa của cộng sản đã đem lại cho xã hội Việt Nam những sự thật mà cả thế giới tự do đều sửng sốt : đạo đức gia đình biến mất, trật tự xã hội đảo lộn, bản chất con người thay đổi từ hiền lành, nhân hậu, khoan dung và trở thành hung dữ, ích kỷ từng miếng ăn đối với người thân trong gia đình dòng họ. Một xã hội vô đạo lý, thiếu nhân tâm, không tình người, ở nơi đó, nấc thang đánh giá con người là vật chất giả tạo, tiền bạc phi pháp và quyền lực bất chánh.
‘Trung-Hiếu-Lễ-Nghĩa’ và ‘Công-Dung-Ngôn-Hạnh’ là những bài học căn bản đầu tiên mà ông bà cha mẹ ngày đêm ân cần dạy dỗ khuyên bảo con cháu ngày trước. Nhưng nay dưới chế độ cộng sản, tiếc thay, không bao giờ nghe nói đến các chữ nầy…để rồi một số lớn thanh niên nam nữ sinh và lớn lên sau năm 1975 được xếp vào loại thiếu giáo dục gia đình, họ trở nên những phần tử ngổ nghịch trong nhà và cặn bả xã hội ngoài đời : trong nhà chống lại cha mẹ anh em, ra đường cướp của giết người. Đó là thiếu đạo đức căn bản của con người mà gia đình chính là môi trường huấn luyện tối cần thiết cho giới trẻ.
Học đường là nơi đào tạo con người trở nên hữu ích cho xã hội :
Học đường, nơi đào tạo con người trở thành hữu dụng, phát triển trí óc để phục vụ bản thân, gia đình cũng như xã hội. Một người sống ở thành phố, nhất là các xứ tự do, ít ra cũng mất năm sáu năm để bước qua ngưởng cửa tiểu học, bảy năm trung học và khoảng chừng 6, 7 năm đại học…tính ra thời gian đến trường đã chiếm một phần ba đời người. Đây là mốc thời gian dài và quan trọng để học làm người. Chính môi trường học đường đã ảnh hưởng rất quan trọng trong đời sống con người. Nếu môi trường học đường tốt, bạn học tốt, giáo viên, giáo sư tốt có đạo đức thì học đường sẽ cung cấp một số công dân tốt cho xã hội. Thực tế người ta có thể đánh giá một người khi biết họ xuất thân tốt nghiệp ở trường nào. Điều nầy đã được chứng minh, khi một sinh viên vừa nhận vào học tại những trường nổi tiếng thế giới thì đã có những cơ quan đề nghị ký hợp đồng và yểm trợ tài chánh hàng tháng. Việc làm của họ không ngoài mục đích đầu tư chất xám đối với thành phần trẻ thông minh xuất chúng sau nầy. Học đường là nơi không những đào tạo con người về học vấn mà còn một môi trường rộng lớn huấn luyện và phát triển văn hóa rất quan trọng. Cô thầy, giáo sư với thiên chức của người dạy học, họ bắt buộc phải đủ khả năng, đạo đức và tinh thần trách nhiệm trong viện đào tạo thế hệ trẻ. Gần hai mươi năm trên ghế nhà trường con người đã chịu ảnh hưởng rất nhiều môi trường học đường. Nếu trở thành người tốt thì thật hữu ích cho xã hội, nhưng nếu không may mắn, gặp ai đó đó lợi dụng học đường làm bàn đạp cho mưu đồ bất chánh thì họ trở nên lưu manh và gian ác gấp trăm ngàn lần một người dân bình thường ít học khác.
Vậy với điều kiện nào để học đường trở nên một môi trường đào tạo tốt ? Trước tiên, chính sách giáo dục của nhà nước, phải nhắm vào việc đào tạo thành phần trẻ để họ trở thành những công dân tốt, đồng thời tạo điều kiện cho cơ quan trường sở, thầy cô đầy đủ khả năng và phương tiện để chú tâm vào việc giáo dục. Thứ đến, chính phủ phải có chương trình giúp gia đình người dân đủ khả năng cho con cháu đến trường. Tại các nước văn minh Âu-Mỹ, việc học hành của lớp trẻ hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra chính phủ còn giúp cung cấp học bổng cho những gia đình với mức lợi tức trung bình đồng thời trợ giúp một phần sách vở áo quần cho con em thuộc gia đình có lợi tức thấp hầu giải quyến vấn đề học hành cho con cái họ.
Trở lại vấn đề giáo dục dưới chế độ cộng sản, từ những ngày đầu, vùng nào bị nhuộm đỏ, cha mẹ đều bị tập trung vào nhà máy, ông bà ra đồng cày cuốc. Con cháu giao cho thành phần giáo viên từ nhà trẻ, mẫu giáo lên đến trung đại học dạy dỗ. Điều cần phải nói ra, một số giáo viên dưới chế độ cộng sản muốn sống thì phải tự biến thành những con vẹt, hót một chiều theo các chương trình giáo dục ‘đỉnh cao trí loài người’, là giáo điều khuôn vàng thước ngọc do những tên vô học từ rừng chui ra, đã không văn hóa, lại thiếu đạo đức mang về từ cộng sản Nga-Tàu …thì tương lai của dân tộc sẽ đi về đâu ? Số còn lại, dù vẫn còn một chút ít thiên chức nhà giáo nhưng đời sống kinh tế một giáo viên của thiên đường xã hội chủ nghĩa; cơm ăn không đủ no, áo quần chỉ một bộ, cuốn tập cây viết cục phấn phải xử dụng đúng chỉ tiêu, thì chỉ còn cách đến trường ca bài con vẹt cho xong giờ. Xong lớp học, cô thầy phải chạy đôn cháy đáo làm nghề tay trái kiếm tiền sống qua ngày. Giáo viên, giáo sư chẳng còn giờ đâu soạn, giảng và chấm bài cho học sinh, nếu dụ được học sinh nào đem về nhà dạy kèm thì phải cho điểm thật cao trong mỗi lần kiểm bài định kỳ hoặc thi lên lớp ! Đó chưa nói đến thành phần giáo sư ‘nhảy vọt’ do ‘đỉnh cao trí tuệ’ đào tạo mà khả năng sư phạm đôi lúc chỉ bằng hoặc thấp hơn trình độ học trò. Như vậy việc giáo dục dưới chế độ cộng sản chỉ là một hình thức phô trương của một tập đoàn thiếu văn hóa.
Gần đây thế giới còn khám phá được những chuyện động trời của nền giáo dục do nhà nước Việt Nam ‘quản lý’ : trường học trở thành ổ bán dâm mà hiệu trưởng chính là ma cô chủ động bán dâm nữ sinh của trường cho các quan thầy đầu tỉnh. Trong lúc đó các chương trình giáo dục mà học sinh tốt nghiệp cấp 2 (tú tài) trong nước không làm nổi một bài luận văn ngoài những câu sáo ngữ ca tụng chế độ như một con vẹt ! Người Việt hải ngoại đã bật ngữa ra đọc được các đề tài luận văn thi tú tài của bộ giáo dục trong nước, đề tài thi vừa ngu vừa dốt vừa bôi bác nền văn học cổ truyền. Trong lúc đó thí sinh vừa ngây thơ vừa kém cỏi làm bài thi một chiều theo cái loa tuyên truyền của cộng sản !
Thật vậy, ngay từ lúc vừa bước chân vào vườn trẻ và mẫu giáo trẻ con phải học bài đầu tiên là nói láo trắng trợn do bộ giáo dục soạn ra chung quanh huyền thoại của đảng, ‘cha già dân tộc’, chiến thắng thần thánh của quân đội nhân dân và thành quả tốt đẹp của xã hội chủ nghĩa. Tiếp đến là bài căm thù chế độ tư bản tự do và Việt Nam Cộng Hòa. Hà nội ngụy tạo những hình ảnh xấu xa cũng như tội ác chiến tranh của thành phần quân-cán-chính Việt Nam Cộng Hòa ngày trước với mục đích gây căm phẩn để cấy vào đầu óc non dại trẻ thơ những hình ảnh sặc mùi máu, căm thù, chém giết giữa đồng loại là người Việt da vàng máu đỏ với nhau. Lớn lên một chút nữa, chương trình nhồi sọ cái lý thuyết giẻ rách cộng sản và huấn luyện cho tuổi trẻ một nền văn hóa đỏ, tức là văn hóa cộng sản để chuẩn bị chương trình phục vụ cho chúng sau nầy. Chưa có một chế độ thối nát nào trên quả đất nầy mà bài thi lên lớp, lấy bằng cấp cũng như lúc ra trường mà điểm chính trị chiếm một hệ số quan trọng ! Văn hóa, trí tuệ và khả năng tuổi trẻ không bằng một góc những bài thuộc lòng ngây ngô dốt nát mà đảng cộng sản đem ra để ‘ngu muội hóa’ người dân. Như vậy khi vào đời, kết quả vốn liếng của những năm miệt mài trên ghế nhà trường được lớp trẻ xử dụng như một cái loa để tuyên truyền cho chế độ.
Kết quả của học đường dưới chế độ cộng sản đối với thành phần con ông cháu cha thì chúng chỉ cần học lấy vài ba chữ để tiếp tục nắm quyền lãnh đạo. Đại đa số thành phần thứ dân còn lại, mục tiêu của đảng nhằm biến thành những con thiêu thân để phục vụ theo lệnh của đảng.
Xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục bổ túc cho suốt đời sống của con người :
Đây là chuổi thời gian thật dài, thật rộng lớn và bao quát mà thầy dạy thì gồm đủ hạng người. Bài học ngoài đời, dù tốt hay xấu, con người không cần gấp rút thuộc lòng, không có bài làm kiểm soát…nhưng những hình ảnh cũng như hoạt động thường nhật chung quanh sẽ xâm nhập ngấm ngầm vào tim óc, và một lúc nào đó sẽ bộc phát ra. Có thể hiểu một cách đơn giản, kẻ ở nhà chùa có thể trở thành người tốt. Ngược lại, một ai rơi vào động bán trôn nuôi miệng, nếu con gái sẽ thành đĩ điếm và con trai thì sớm muộn gì cũng trở nên ma cô rước mối dẫn đường. Từ đó có thể suy ra, con cháu của những gia đình có căn bản đạo đức thì thường được giáo dục chu đáo và sẽ trở thành người tốt của xã hội. Người xưa thường nói ‘Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài’, vậy, trong một xã hội tự do văn minh đạo đức, tội phạm thường ít xảy ra vì con người có văn hóa, biết tôn trọng, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, đồng thời biết bổn phận đối với bản thân gia đình cũng như xã hội. Thật vậy, những hoạt cảnh xã hội là môi trường giáo dục không cần trường lớp, bài vở nhưng thật hiệu nghiệm bởi những hình ảnh xấu xa ăn sâu vào trí óc con người và sẽ thay đổi suy nghĩ, tâm trạng và thái độ của các thành phần trong xã hội, nhất là những người thiếu căn bản giáo dục gia đình cũng như của trường học.
Tình trạng đạo đức của xã hội Việt Nam dưới chế độ cộng sản chính là đề tài viết không bao giờ chấm dứt. Trước hết phải ghi nhận rằng Việt Nam hiện giờ là một xã hội quái đảng do ‘đỉnh cao trí tuệ loài người’ và cái ‘nôi văn hóa của nhân loại’ tạo ra. Quái đảng vì xã hội chỉ biết tạo ra những phương tiện tiêu thụ nhằm thỏa mãn nhu cầu tầm thường của con người, từ hình thức ăn uống đến nhục dục chăn gối. Trong nhà, ngoài đường công sở…ở đâu cũng nghe nói đến ‘ăn’, ‘ôm’ và ‘chơi bời’ và tiền bạc. Như vậy, cả một dân tộc, nhất là thành phần trẻ dưới chế độ cộng sản chỉ biết nhắm mắt lao mình vào lạc thú thì tương lai đất nước sẽ đi về đâu ? Thủ phạm chính của âm mưu đầu độc dân tộc chính là đảng cộng sản. Hãy đọc kỷ những giòng sau đây của bộ chính trị trung ương đảng cộng sản về âm mưu đầu độc thế hệ trẻ : (Trích) Chúng ta đã tạo ra một thế hệ trẻ thờ ơ vô cảm với tất cả các loại tư tưởng và ý thức hệ, chai sạn với lý tưởng và hoài bảo mà thanh niên thường có, trở nên thực dụng và ích kỷ hơn bao giờ hết (hết trích). Và (trích) Thế hệ trẻ hôm nay ngoài các đức tính thực dụng và tinh thần chụp giật, cũng như niềm tự hào khao khát tiền bạc, công danh, ám ảnh bởi chủ nghĩa hưởng thụ, thì chỉ còn le lói trong máu huyết của mỗi người Việt (hết trích). Đảng cộng sản kết luận (trích) Chúng ta đã thành công trong việc làm cho sinh viên trở nên lãnh cảm về các loại ý thức hệ, thờ ơ với những tư tưởng tự do khai phóng từ Tây Phương. Chúng ta chỉ còn đối phó với tinh thần dân tộc của sinh viên đang có nguy cơ thức dậy, mục đích là để nó ngủ yên, nếu không, phải lèo lái nó theo hướng có lợi cho chúng ta (hết trích).
Trên đây xin trích dẫn vài giòng trong hồ sơ của trung ương bộ chính trị đảng cộng sản để chứng minh rằng đảng đã dùng tất cả phương tiện nhằm vô hiệu hóa sự hiếu học, lòng nhiệt tình và tinh thần yêu nước của giới trẻ. Như vậy chính đảng cộng sản đã tạo ra một xã hội, ở đó, sức mạnh đồng tiền và hưởng thụ thể xác được xem như mục đích để khuyến dụ và huấn luyện nhằm biến con người thành những khối thịt, để sau đó những khối thịt biết đi nầy sẽ tự động hủy diệt theo đà tiến triển văn minh thế giới.
Trường đời không thầy, không sách nhưng những bài học thực tế được lập lại nhiều lần rồi xâm nhập vào trí óc con người rất nhẹ nhàng và hiệu nghiệm. Chúng ta không ngạc nhiên khi vài câu chưởi thề vô giáo dục thường xử dụng ngoài đường, sau đó lại được phát ra một cách tự nhiên từ miệng của những người có căn bản giáo dục và ngay với những người lãnh đạo tôn giáo. Sống dưới một xã hội như vậy, trước sau gì những hình ảnh và hành động đánh giá thiếu văn minh nầy, dù khó tính đến đâu, nhưng với thời gian, những người học thức, có đạo đức cũng từ từ bị xâm nhập một cách dễ dàng. Hơn nữa hình ảnh đâm chém ghê rợn, hiếp dâm, giết người cướp của xảy ra thường xuyên giữa ban ngày dưới chế độ cộng sản thì ngày nay cũng không còn là hình ảnh khó chịu, chướng mắt, lạ lùng và vô nhân đạo đối với người dân. Việt Nam đã quá quen thuộc với lối sống nầy hàng chục năm qua, từ đó tình người, đạo lý, nhân cách đối xử với nhau trong xã hội đã nhường chỗ cho dối trá, tàn bạo của những người vô văn hóa nhân bản và thiếu giáo dục gia đình đang cai trị đất nước.
Ngày nay du khách ghé qua Hà Nội không tìm được những hình ảnh đẹp, quyến rũ của một thành phố ngàn năm văn hóa ngày trước. Trước mắt họ toàn cảnh lật lọng, tráo trở, chụp giựt ngay giữa đường phố, trong tai họ toàn những lời chưởi thề tục tủi phát ra từ miệng trẻ con cho đến người già cũng như từ giới bình dân đến thành phần có học. Đây chỉ là một hình ảnh nhỏ, ghi nhận tại trung tâm thủ đô cộng sản mà chúng thường huênh hoang gọi là cái nôi của nhân loại và đỉnh cao trí tuệ loài người. Vậy đi ra thủ đô vài trăm thước thì hoạt cảnh đời sống văn hóa người dân còn tồi tệ đến thế nào nữa ? Đó là kết quả một cuộc ‘giải phóng’ vĩ đại và cai trị ‘anh minh’ của những người vô học chỉ biết dùng kẽm gai nhà tù súng đạn để đàn áp người dân.
Kết luận, muốn được giáo dục một cách toàn hảo, con người cần phải trải qua ba môi trường từ gia đình, học đường đến xã hội. Tuy rằng mỗi môi trường thích hợp cho một thời điểm khác biệt, nhưng vẫn luôn luôn bổ túc cho nhau. Đời sống con người như một chiếc máy thu hình, luôn luôn tiếp nhận bất cứ một yếu tố xấu tốt nào từ lúc chào đời cho đến khi nhắm mắt. Nếu một hình ảnh xấu được tiếp nhận, dù ở môi trường hay tuổi tác nào cũng sẽ ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống. Một ngày nào đó, nếu không được trang bị một hành trang nhân bản đạo đức thì hình ảnh nầy sẽ biến thành hành động tội ác xã hội. Tại các quốc gia văn minh tiến bộ và có một nền văn hóa nhân bản thì vấn đề giáo dục con người đều đạt được thành quả tối đa, trong đó, gia đình là căn bản của đạo lý, học đường là nơi đào tạo khả năng trí tuệ và xã hội là môi trường để hoàn chỉnh con người. Trở về với hoàn cảnh hiện tại trong nước, tại sao xã hội Việt nam trở thành sa đọa, tình người biến mất, đạo lý không còn ….đó chẳng qua là thành quả một nền giáo dục của thành phần hoàn toàn không có văn hoá lại đi làm văn hóa !
Vậy muốn đánh giá văn minh văn hóa của Việt Nam dưới chế độ cộng sản hiện giờ, dĩ nhiên không thể căn cứ vào đời sống xa hoa chụp giựt và phương tiện sinh hoạt, du hí của một số người từ rừng chui ra tập thói ăn chơi sa đọa để rút ngắn giai đoạn ‘từ vượn lên người’. Chỉ cần nhìn qua một vài khía cạnh thô sơ để đánh giá kiến thức căn bản của người dân : họ có được nhà nước dạy dỗ để biết tôn trọng đời sống vật chất cũng như tinh thần của kẻ khác không ? Có biết tự giác tôn trọng của công và tài sản quốc gia không ? Có biết tuân hành an ninh trật tự chung cũng như gìn giữ vệ sinh nơi công cộng ? Hay là từ trên xuống dưới chỉ biết giành giật, chôm chĩa, trộm cắp đổ rác nước thải ra đường và đứng đâu thì tiểu tiện tại đó… Đây chỉ những hoạt cảnh bình thường và xảy ra hằng ngày mà chính gia đình cán bộ đảng viên cộng sản là thủ phạm, tạo gương xấu cho người dân thì nhà nước nên im miệng, đừng rêu rao ‘thiên đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ là ‘đỉnh cao trí tuệ loài người’ và ‘cái nôi của nhân loại’ ! Nghe thật xấu hổ và nhục nhã lắm !
Đinh Lâm Thanh