Khi được tin Thái Thanh bị bệnh Quên, Thái Thanh vào sống ở Nursing Home, tôi đăng bài viết này về Nàng. Phần đầu của bài này được tôi viết ở Sài Gòn khoảng năm 1970.
Hôm nay – ngày 15 Tháng Tư 2015, sống những ngày cuối đời ở Kỳ Hoa Đất Trích, tôi sửa lại bài này, tôi viết thêm một số đoạn vào bài này, để tưởng nhớ Thái Thanh, để thương tiếc Thái Thanh.
Tôi tưởng nhớ Thái Thanh, tôi thương tiếc Thái Thanh ngay khi Nàng sống trong cõi đời này như tôi.
Nay Thái Thanh đang sống những ngày cuối đời nàng.
Nay tôi đang sống những ngày cuối đời tôi.
Thái Thanh – Phạm Thị Băng Thanh – sinh ngày 5 tháng 8 năm 1934 tại Hà Nội – được mệnh danh “Tiếng hát vượt thời gian” – là một nữ ca sĩ nổi tiếng, được xem như một trong những giọng ca tiêu biểu nhất của tân nhạc Việt Nam. Bà thành danh từ thập niên 1950. Bà thường được coi là “Đệ Nhất Danh Ca” của dòng nhạc tiền chiến cũng như nhạc tình miền Nam giai đoạn 1954-1975. Bà không theo học một lớp nhạc chuyên nghiệp nào, chỉ tự luyện giọng từ nhỏ theo các lối dân ca của đồng bằng Bắc Bộ và các sách nhạc tiếng Pháp. Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 bà ở lại Việt Nam cho đến năm 1985 thì chuyển sang định cư ở Hoa Kỳ. Tại đây bà tiếp tục trình diễn và thâu âm cho đến khi bà nói lời giải nghệ vào năm 2002.
Năm 1946, Băng Thanh tản cư cùng gia đình vào Chợ Đại, Thanh Hóa vùng kháng chiến, nơi bà bắt đầu hát lúc 14 tuổi với nghệ danh Thái Thanh. Cũng năm này bà chị của bà là bà Thái Hằng kết hôn với nhạc sĩ Phạm Duy. Năm 1950 gia đình Phạm Duy dinh tê về Hà Nội rồi chuyển vào Sài Gòn, Thái Thanh theo vào Sài Gòn.
Năm 1956, Thái Thanh kết hôn với diễn viên điện ảnh Lê Quỳnh tại Sài Gòn. Năm 1965 bà ly dị Lê Quỳnh sau khi đã có chung với nhau 3 con gái và 2 con trai. Sau biến cố 1975, bà ở lại Việt Nam cho đến năm 1985 thì sang Hoa Kỳ.
Từ đó, tôi – CTHĐ – thấy Thái Thanh không một lần trở lại Sài Gòn.
Phạm Thị Băng Thanh bắt đầu sự nghiệp ca hát từ năm 13-14 tuổi..
Thời kỳ đầu, bà đi hát theo chị là ca sĩ Thái Hằng ở các chiến khu Việt Minh với các bài tân nhạc thời kỳ đầu, hay các bài dân ca mới của Phạm Duy. Đến năm 1951, bà chính thức lấy nghệ danh Thái Thanh cho giống người chị Thái Hằng.
Năm 1951, bà theo gia đình Phạm Duy vào Sài Gòn. Bà nổi tiếng trong thập niên 1950, được rất nhiều giới yêu thích từ giới trí thức cho tới bình dân. Bà được coi như một diva tầm cỡ nhất của Việt Nam thời đó. Tiếng hát của bà ngự trị trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh, truyền hình của Việt Nam Cộng Hòa. Trong giai đoạn đầu thập niên 1970, bà cùng với ban hợp ca Thăng Long thường xuyên biểu diễn tại vũ trường ăn khách Đêm Màu Hồng.
Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, Thái Thanh ở lại Việt Nam. Bà bị cấm hát suốt 10 năm, cho đến khi rời khỏi Việt Nam.
Năm 1985, Thái Thanh sang Hoa Kỳ định cư. Năm 2000 bà bị tai biến mạch máu não phải vào bệnh viện. Sau đó tuy hồi phục nhưng năm 2002, bà chính thức tuyên bố giải nghệ.
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn là tác giả của nhiều bài viết về Thái Thanh, phần lớn là những bài phát biểu cảm tưởng. Theo ông, trường hợp của Thái Thanh là một “trường hợp hãn hữu”, và “Máu lửa, chiến tranh, bom đạn, chia cắt, người sống, người chết, nước mắt, mồ hôi, thấm nhập vào âm nhạc của chúng ta như thế nào, đều được phản ánh qua tiếng hát Thái Thanh.” Giọng ca Thái Thanh là đề tài ca ngợi của giới văn nghệ sĩ tại miền Nam trước 1975 và tại hải ngoại sau 1975. Nhạc sĩ Phạm Duy, người song hành với Thái Thanh trong phần lớn các ca khúc của mình, từng cho rằng không ai có thể thay thế được Thái Thanh trong sự diễn tả những sáng tác của ông.
Bên cạnh đó, nhiều nhà phê bình, văn nghệ sĩ cũng có những bài nhận định về Thái Thanh, những bài này thường mang tính ca ngợi, như Thái Thanh – tiếng hát trên trời của Thụy Khuê, Thái Thanh – tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi của Đỗ Việt Anh, Nụ tầm thanh của Hoàng Hải Thủy…Giọng hát Thái Thanh được nhà văn Mai Thảo tặng một biệt danh mà sau này thường được người ta nhắc đến, một cách trân trọng, bên nghệ danh của bà: Tiếng hát vượt thời gian.
o O o
Trích “Lời Tác Giả” Phóng Sự Tiểu Thuyết YÊU NHAU BẰNG MỒM:
CTHĐ: Năm 1970 tôi xuất bản quyển “Yêu Nhau Bằng Mồm.” Tôi tặng Thái Thanh quyển này.
Tôi viết “Yêu Nhau Bằng Mồm” để đăng báo tuần năm 1960. Ðến Tháng Bẩy năm 1970, mười năm sau ngày Kiều Ly – nhân vật chính trong Yêu Nhau Bằng Mồm – xuất hiện trên báo, tôi sửa lại bản thảo Yêu Nhau Bằng Mồm để đưa cho Nhà Chiêu Dương xuất bản.
Buổi sáng mùa thu, một mình tôi trong căn phòng nhỏ, bên bàn viêt của tôi là chiếc Akai xoay đều một băng nhạc do Phạm Mạnh Cương thực hiện. Tôi viết, tôi sửa bài, tôi lơ đãng nghe nhạc.
Ðến một phút nào đó tôi ngừng tay trên bản thảo vì tiếng hát của Thái Thanh. Nàng hát bài “Mùa Thu Trong Mắt Em” của Phạm Mạnh Cương. Tôi xúc động vì tiếng hát và tôi chợt nhớ từ lâu rồi, từ nhiều năm nay, tiếng hát Thái Thanh đã làm tôi nhiều lần xúc động; tôi yêu đời, yêu người nhiều hơn, đời tôi sung sướng hơn, đẹp hơn, một phần là nhờ sự ca tụng Tình Yêu của Tiếng Hát Thái Thanh.
TÌNH YÊU viết Hoa Bẩy Chữ, Hoa luôn Dấu Huyền, Dấu Mũ.
Tôi nhớ một buổi sáng cách buổi sáng hôm nay, khi tôi viết những dòng chữ này, đã gần hai mươi năm. Ðó là một buổi sáng năm 1952. Buổi sáng đó tôi là một thanh niên vừa hai mươi tuổi, những bước chân tôi đang bỡ ngỡ bước vào đường đời; tôi vừa từ Hà Nội vào Sài Gòn, tôi đang đi tìm việc làm trong những toà báo ở Sài Gòn. Viết rõ hơn: năm 1952 tôi đã bỏ học, tôi chưa có việc làm để sống, tôi chưa biết tôi sẽ làm nghề gì, tôi chỉ biết tôi muốn làm báo, viết truyện. Với tôi năm ấy một chân phóng viên báo chí với số lương tháng hai ngàn đồng bạc là một cái gì thật là lý tưởng và quí báu nhất đời.
Buổi sáng ấy – một sáng Sài Gòn đầu mùa thu – tôi đứng trên con tầu điện từ Chợ Lớn chạy về Sài Gòn, tôi thấy Thái Thanh cùng đi trên con tầu điện ấy. Năm 1952, gần hai mươi năm trước đây, Thái Thanh và tôi cùng rất trẻ – Thái Thanh sinh năm 1934, kém tôi một năm – chúng tôi đang cùng bước vào con đường văn nghệ, nàng ca hát, tôi viết truyện, làm thơ. Năm ấy tôi chưa có chút danh tiếng nào, tôi còn chưa kiếm được tiền, dù chỉ là tiền đi xem xi nê, tiền mua mấy tở báo Cine Revue, Cinemonde được gửi đến Sài Gòn bằng tầu thủy – par bateau – Thái Thanh và Ban Thăng Long đã bắt đầu nổi tiếng. Và năm đó Sài Gòn còn có đường xe điện chạy từ Sài Gòn vào Chợ Lớn trên đường Galliéni, nay là đường Trần Hưng Ðạo.
Xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn năm xưa ấy chạy giữa đường. Khi xe ngừng ở trạm, khách xuống giữa đường nên đề đề phòng tai nạn, khoảng năm 1960 chính quyền Sài Gòn triệt bỏ đường xe điện này.
Và như thế là từ buổi sáng ấy cho đến sáng hôm nay, khi tôi ngồi sửa truyện và nghe Thái Thanh hát qua băng nhựa, thời gian đã hai mươi năm trôi qua đời tôi. Và đời Thái Thanh. Tôi thấy Nữ ca sĩ Thái Thanh, với tiếng hát không có dĩ vãng của nàng, đã làm cho đời tôi đẹp hơn, phong phú hơn là tôi với những truyện ngắn, truyện dài của tôi làm cho đời nàng thêm đẹp. Vậy để trả ơn nàng, tôi trang trọng đề tặng nàng tập truyện này. Bạn đọc thông minh chắc thừa hiểu nữ nhân vật Kiều Ly của phóng sự tiểu thuyết này không phải là hình ảnh của Thái Thanh; tôi chỉ cần nói thêm rằng những đoạn nào “tả chân” về Kiều Ly là tả Kiều Ly, còn những đoạn nào tả thơm, tả sạch về Kiều Ly thì Kiều Ly đó có phảng phất hình ảnh Thái Thanh.
o O o
Bài viết ở Sài Gòn ngày Một Tháng Chín 1970..
Thời gian vỗ cánh bay như quạ.. Thơ Ông Tchya Ðái Ðức Tuấn. Ðây là nguyên thơ bốn câu của ông tôi tìm được trong Hồi Ký “Nhớ Nơi Kỳ Ngộ” của ông Lãng Nhân:
Thì giờ vỗ cánh bay như quạBay hết đường xuân kiếm chỗ ngồiRượu đến, gà kêu, cô cuốn chiếuQuay về, còn lại mảnh tình tôi…
Tôi chỉ đổi tiếng “thì giờ” thành “thời gian..” Ðúng là thời gian vỗ cánh bay như quạ. Năm 1970 tôi trong căn gác nhỏ ở Ngã Ba Ông Tạ, Sài Gòn, nghe tiếng hát Thái Thanh, viết những giòng trên đây làm lời nói đầu tập phóng sự tiểu thuyết “Yêu Nhau Bằng Mồm” của tôi. Tôi đăng Yêu Nhau Bằng Mồm từng kỳ trên tuần báo Kịch Ảnh của Quốc Phong. Truyện viết xong được Nhà Xuất Bản Chiêu Dương ấn hành thành sách. Năm 1970 tôi nhớ hình ảnh của Thái Thanh trên chuyến xe điện Chợ Lớn-Sài Gòn hai mươi năm trước – năm 1952, năm ấy hai chúng tôi rất trẻ…
Năm ấy – năm 1952 – Thái Thanh hai mươi tuổi, tôi hai mươi tuổi.
Tôi tặng Thái Thanh tác phẩm Yêu Nhau Bằng Mồm.
o O o
Thế rồi… thời gian vỗ cánh bay như quạ.. năm nay, năm 2000, buổi sáng Tháng Mười, mùa thu về trên đồng đất Virginia của người Mỹ, tôi ở Rừng Phong, viết lại bài tôi đã viết năm 1970 – ba mươi năm trước – bài tôi viết về Thái Thanh, người nữ ca sĩ của vợ chồng tôi, tôi lại tưởng như tôi nhìn thấy tôi ba mươi năm trước ngồi viết về Tiếng Hát Thái Thanh trong căn gác nhỏ của vợ chồng tôi ở Ngã Ba Ông Tạ, Sài Gòn; năm 1970 ấy tôi mới bốn mươi tuổi.
Tính ra thời gian đã qua năm mươi năm kể từ buổi sáng tôi nhìn thấy Thái Thanh – Nàng hai mươi tuổi bận toàn y phục trắng, trên chuyến xe điện Chợ Lớn-Sài Gòn.
Nếu còn sống ở Sài Gòn tôi sẽ chẳng bao giờ được thấy lại, được đọc lại Yêu Nhau Bằng Mồm. Sau cuộc biến thiên 30 Tháng Tư 75 ở Sài Gòn tất cả những sách tiểu thuyết của chúng tôi đều bị tịch thu, cấm tàng trữ, tiêu hủy, chúng tôi mất hết tác phẩm. Ở Hoa Kỳ người Việt ta in lại nhiều sách truyện của những văn sĩ Sài Gòn, trong số sách được in lại ở Hoa Kỳ có quyển Yêu Nhau Bằng Mồm của tôi.
Bánh xe tị nạn khấp khểnh sang Hoa Kỳ tôi lại có quyển Yêu Nhau Bằng Mồm; nhờ vậy hôm nay tôi mới có điều kiện và cảm hứng để viết bài này. Alice và tôi có hai ca sĩ Thái Thanh và Anh Ngọc, với vợ chồng tôi Thái Thanh và Anh Ngọc là nhất. Có lần, cũng những năm 1970, tôi đã viết:
“Tôi quen mở máy nhạc khi ngồi viết, vừa viết vừa nghe nhạc. Nhưng khi tiếng hát Thái Thanh cất lên, tôi phải ngừng viết để nghe.”
Tôi vẫn nghĩ khi Thái Thanh hát mà tôi làm bất cứ việc gì là tôi có lỗi. 30 Tháng Tư 75 đến, số văn nghệ sĩ may mắn bỏ của chạy lấy người được lơ thơ như lá mùa thu, số văn nghệ sĩ kẹt giỏ ở lại đông vô số kể, những ngày tháng đen tối, u sầu, lo âu kéo dài như vô tận.
Một đêm cuối năm 1976 tôi gặp lại Thái Thanh. Ðêm ấy có Hoài Bắc, Lê Trọng Nguyễn. Vi-la số 203 đường Hiền Vương, gia chủ mời chúng tôi ăn bữa tối. Khoảng 11 giờ đêm Thái Thanh ngồi vào piano, nàng vừa đàn, vừa hát. Thấy tôi đến bên đàn, nàng mỉm cười nhìn tôi. Tôi hiểu nàng hỏi tôi:
“Muốn nghe bài gì?”
Tôi nói:
“Thôi thì thôi nhé…”
Nàng nhắc lại:
“Thôi thì thôi nhé..”
Và nàng hát cho tôi bài Ðộng Hoa Vàng, Thơ Phạm Thiên Thư, Nhạc Phạm Duy. Đứng bên nàng, tôi lặng người nghe nàng hát cho riêng tôi nghe.
Sau đó tôi làm bài thơ:
TIẾNG HÁT THANH
Tiếng mẹ ru từ thưở nằm nôi,Mẹ thôi Mẹ không hát nữa,Khi Anh chân bước vào đời.Tiếng hát Mẹ nằm trong ký ứcTung cánh bay khi Em hát cho người!
Ngày xưa xa lắm ở bên trờiCó người xưa hát lúc đi rồiMười hôm tiếng hát còn vương vấnTrên mái nhà xưa âm chửa rơi.Tiếng hát Em tim Anh nức nởHai chục năm rồi Thanh chửa thôi!
Em hát khi Anh vừa bỏ học,Em hát khi Anh sắp bỏ đời.Em hát khi Anh hồng tuổi ngọc, Em hát khi Anh giấc ngủ vùi,Em hát khi Anh chưa biết khóc,Em hát khi Anh biết mỉm cười.Em hát tan vàng, ca nát đá.Em hát cho Anh biết ngậm ngùi.
Nắng chia nửa bãi, chiều rồi.Ðêm tàn Em hát, buồn ơi lá sầu.Ðộng Hoa Vàng có tên nhau,Thương thì thương nhé, qua cầu gió bay.Tiếng Em buồn cuối sông này,Mây đầu sông thẫm bóng ngày khóc nhau.
o O o
Khoảng Tháng Hai, Tháng Ba năm 1984 người Sài Gòn báo cho nhau biết có người nghe được tiếng nói của đài phát thanh kháng chiến. Nghe nói những người ở Nha Trang đầu tiên vô tình mở radio bắt được đài này. Tháng Tư năm ấy tôi nghe được tiếng nói của Ðài Phát Thanh Hoàng Cơ Minh, đài phát thanh năm lần một ngày, mỗi lần lâu một giờ. Nhạc hiệu của đài là bài Việt Nam Minh Châu Trời Ðông, tiếp đó là Thái Thanh hát bài Quê Em:
“Quê Em miền trung du.Ðồng quê lúa xanh rờn.Giặc tràn lên cướp phá.Anh về quê cũ.Ði diệt thù giữ quê.Giặc tan đón Em về..”
Ðêm khuya, khoảng 11 giờ, tiếng Thái Thanh hát Quê Em từ đâu xa lắm vọng về làm Alice và tôi ngây ngất. Nghe tiếng Thái Thanh từ radio phát ra tôi nghĩ:
“Thật lạ kỳ. Giả chân, chân giả. Ðây là tiếng hát Thái Thanh – không ai có thể nói đây không phải là tiếng Thái Thanh – nhưng cũng có thể nói không phải tiếng Thái Thanh vì lúc ấy Thái Thanh đâu có hát. Thái Thanh đang ở Sài Gòn. Nghe tiếng hát của mình từ góc trời nào vọng lại, không biết Thái Thanh có cảm nghĩ gì.”
Thế rồi sau khi đã phải sống đến năm năm trong ba bức tường, một hàng song sắt của nhà tù lớn Chí Hòa, tôi cô đơn, tôi sầu buồn nên tôi làm thơ. Thơ vẩn, thơ vơ thôi.
Năm 2000, thế hệ lão liệt chúng tôi đã và đang dắt nhau đi vào quên lãng. Thời gian tới biết có ai còn xúc động vì tiếng hát Thái Thanh, vì nhạc Phạm Duy, Hoài Bắc, Ðoàn Chuẩn?
Tôi viết bài này để hoài niệm nhau lúc chúng tôi sống; tôi viết nhớ người mà cũng là nhớ những ngày hoa niên, những ngày trung niên của đời tôi:
NỤ TẦM THANH
Tóc mai sợi vắn, sợi dàiLấy nhau chẳng đặng, thương hoài tình nhân.Tiếng Em trời đất vang ngânÂm vàng, thanh ngọc bội phần xót sa.Trèo lên cây bưởi hái hoa,Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm thanh.Nụ tầm thanh nở ra cánh biếc,Em vượt biên rồi, Anh tiếc lắm thay.Nhớ nhau gọi một chút nàyMất nhau ta tiếc những ngày có nhau.Nửa hồn thương, nửa hồn đau,Nửa hồn ta tím ngắt mầu thời gian.Nghìn trùng xa cách quan sanBiết Em chớp biển, mưa ngàn ở đâu.Hạc vàng bay mất từ lâuMà sao hoàng hạc trên lầu còn Thanh.Lan huệ sầu ai.. Lan huệ sầu thành…Quê Em tiếng hát em xanh đất trời.Từ ly người đã xa ngườiCòn đây tiếng hát một đời xôn xao.
Ta đốt lên một cành hương dạ thảoEm biết cho… Tình Ta vẫn nhớ Người.Thăng Long từ độ Thanh hồng hảo.Tình khúc, thương ca động đất trời.Tà áo xanh ngời hương mộng ảo,Hồ điệp, Trang Châu hát giữa đời.Người đi mùa ấy thu giông bão,Tà áo Văn Quân mấy khóc cười.Mái nhà xưa nhớ trăng huyền thảo,Viễn xứ thuyền đi, biển nhớ ngườiNgười đi vắng một trời châu bảo,Vượn hú, chim kêu, nước ngậm ngùi.Lâu đài tình ái sương dăng ảoÐồi tím hoa sim gió ạ…ời…À… ơi.. ơi.. à …ơi…Ngày ấy có Thanh, Thanh nhẹ vào đờiVà Thanh ca đến với lời thơ nuối.Ngày ấy có Tôi mê mải tìm lời..Và Thanh… Thanh..suốt một đời… Tình ơi..!
Nhớ người mười tám, đôi mươi,Cỏ hồng, chiều tím, xanh trời, Người đi.Chúng mình ngày đó xuân thì,Tiếc không khăn gấm, quạt quỳ trao tay.Gìn vàng, giữ ngọc cho hay,Lửa hương ta hẹn kiếp này, kiếp sau.Áo bay thương lúc qua cầuTrăng vàng, mây bạc mái đầu thướt tha.
Trèo lên cây bưởi hái hoaBước xuống vườn cà, hái nụ tầm thanh.Nụ tầm thanh nở ra cánh biếc,Em vượt biên rồi, Anh tiếc lắm thay.Của tin gọi một chút này:Tóc mai sợi trắng, sợi phaiLấy nhau đặng cũng thương hoài ngàn năm!
Thơ làm tai Phòng Giam 20 FG Nhà Tù Chí Hòa Tháng 10, 1988, khi nghe tin Thái Thanh đã sang Mỹ.
o O o
Rừng Phong. Ngày 16 Tháng Tư, 2015.
Tôi viết bài này để ghi dấu : Thái Thanh bị Bệnh Già – Quên – đã bốn năm. Đã hơn 1000 ngày đêm Nàng sống trong một Nursing Home ở Cali. Nghe nói nay Nàng không nhớ, không biết – Nàng đã quên – những người thân quen của Nàng.
Tôi mong trong vài sát-na, Thái Thanh đọc và hiểu những giòng chữ này tôi viết về Nàng.
Trên Wepekeida, trong bài viết về Thái Thanh, người viết kể câu thơ của tôi là:
“Em hát cho tan vàng, nát đáEm hát cho Anh biết ngậm ngùi..”
Câu Thơ Thái Thanh của tôi là:
“Em hát tan vàng, ca nát đáEm hát cho Anh biết ngậm ngùi…”
CÔNG TỬ HÀ ĐÔNG
Dzô Dzang.
Thư gửi đến Rừng Phong Ngày 5 Tháng 4, Năm 2015.
Kính gởi Ông Công Tử Hà Đông
Tôi có đọc bài “Théc Méc Tháng Tư” của ông và theo thiển kiến của tôi thì có lẽ ít ai chịu hoang phí thì giờ để đọc một câu chuyện mà tôi nghĩ là hơi vô duyên một chút về một ông bà nào đó đã sống với nhau 60 năm, đã cùng nhau qua Cầu Đoạn trường; hoặc ông nào đó là NGƯỜI VN YÊU VỢ NHẤT THẾ GIỚi (!) ..v..v..trừ phi ông ta là một người phi thường xuất chúng như Mahatma Gandhi hoặc Lý Quang Diệu, hoặc cụ bà Nhật Bản thọ 117 tuổi vừa qua đời cách đây vài tuần lễ.
Tôi làm thơ ( có lẽ nói là làm vè thì đúng hơn):
Người khiêm tốn thì ai cũng mếnÔng kiêu căng, kẻ ghét, người khinhDẫu nằm “phơi rốn”, khoe hìnhNgười người ngoảnh mặt, thối rình, trời ơi!!
Kính chào Ông.
Công Nương Hà Tây, một độc giả của Saigon Nhỏ viết ở Rừng Xim.
Sao Y Bản Chính