Tuesday, 30 June 2015

Đẹp và Xấu - Nguyễn thị Cỏ May

Những

Hằng ngày, nhận được một số thư từ của bạn xa gần gởi tới qua e-mail là niềm vui và sự mong đợi của người thất nghiệp lâu năm như Cỏ May tôi . Thật vậy, trước kia, mỗi sáng, cầm chìa khóa ra mở hộp thư thì nay, mở hộp thư trong máy computer . Cầm trên tay xắp thư, mắt liếc qua vội . Vui mừng hoặc hồi họp . Mở máy, lướt qua tít thư trên máy cũng có những xúc động nhưng kém hơn . Phải chăng ở máy nó thiếu nét chữ quen thuộc . Nó thiếu vắng hình ảnh của người viết thư .

Nhưng vui vì nhận thư của bạn là biết bạn mạnh giỏi . Vẫn bạn với nhau tuy lâu không gặp .

Sáng nay, tôi nhận được thư của một ông bạn ở Montréal, Canada, gởi cho đọc một bài viết về người phụ nữ, mà là nói về người phụ nữ xấu « Luận bàn phụ nữ xấu », không thấy tên tác giả . Vì cùng phe nên Cỏ May đọc ngay .

Người gởi cho Cỏ May nguyên là một người làm khoa học có tên tuổi lớn từ Trường Đại Học Khoa học Sài gòn tới Liên Hiệp Quốc nhưng chỉ gởi về văn chương . Làm khoa học nhưng lúc giải trí phải tìm âm nhạc, văn nghệ, chớ chẳng lẽ lại trở vào phòng thí nghiệm nữa ?

Đọc « Luận bàn phụ nữ xấu » thấy cũng hay hay . Cỏ May xin đọc lại làm quà bạn đọc, mong được góp một phần nhỏ thư giản cho bạn sau thời gian dài với chuyện thời sự Việt Nam và Thế giới .

Thế nào la xấu, là dở ?

Xưa nay, trong văn học hay hội họa, người ta chỉ thấy người phụ nữ đẹp . Thi ca thì phải hay, phải là thứ tuyệt tác, mới được người đời khen thưởng, nhắc nhở như chuẩn mực của cái đẹp, cái hay . Chưa thấy người ta nhắc tới, khen thưởng cái xấu, cái dở . Và đặt cho nó, cái dở, một giá trị chuẩn mực . Như nói « dở như vậy mới đúng là dở » !

Trong thi ca, có bài thơ « Con Cóc ” thuộc loại dở và có giá trị ít nhiều chuẩn mực vì mỗi khi chê bài thơ nào, người chê chỉ cần phán một câu « Ối, thứ thơ « Con Cóc » ! Thế là số phận bài thơ đó đã được an bài !

Bài thơ « Con Cóc » là biểu tượng cái dở của thơ nhưng dở như thế nào, thì chưa thấy có nhà phê bình văn học phán xét . Nhưng dở đến thành một thứ giá trị tiêu chuẩn thì cái dở đó tự nó phải có giá trị cao . Có khi cao hơn nhiều cái hay chỉ tương đối thôi .

Dở mà gần như hầu hết người làm thơ đếu biết, đều thuộc lòng bài thơ dở « Con Cóc » ! Và bài thơ dở « Thơ Con Cóc » trở thành bất tử, không trong các tác phẩm lịch sử thi ca, mà trong ký ức của người làm thơ . Người yêu thơ .

Còn phụ nữ xấu ? Xấu như thế nào là xấu ? Xấu có chuẩn mực ? Trong hội họa, chỉ có người đẹp mới được làm người mẫu nên chỉ có những bức họa vẽ người đẹp và tồn tại qua nhiều thế kỷ để người đời chiêm ngưởng sắc đẹp . Xưa nay chưa thấy có bức tranh vẽ người phụ nữ xấu và bức tranh đó nổi tiếng như bài thơ “ Con Cóc ” . Trong văn học cũng chưa có người phụ nữ xấu, xấu thật xấu, để đủ đạt tiêu chuẩn xấu . Biểu tượng của dung nhan xấu .

Một thiếu xót vĩ đại từ cổ thời cho tới ngày nay !

Trái lại, người đẹp thì nhiều . Văn học, hội họa giới thiệu, ca ngợi không thiếu . Tây Thi, Hằng Nga, Dương Quí Phi, Thúy Kiều, Vương Chiêu Quân,…Ca ngợi người đẹp, và người ta không biết bao giờ mới có cơ hội gặp lại :

“ …Nhất cố khuynh nhân thành,
       Tái cố, khuynh nhân quốc .
       Ninh bất tri khuynh thành dữ khuynh quốc .
       Giai nhân nan tái đắc .” ( Lý Diên Niên)

(…Một cái liếc nghìêng thành,
Liếc cái nữa, đổ nước .
Nghiêng thành, nước đổ, mặc bây
Người đẹp nào dễ gặp hoài được sao ?)

Và Cao Bá Quát cũng không tiếc lời với người đẹp :

“ Giai nhân nan tái đắc
   Trót yêu hoa nên dan díu với tình .
Mái Tây hiên, nguyệt gác chênh chênh
Rầu rỉ bấy xuân về, oanh nhớ .” (Nhớ Người) .

Người ta ca ngợi ngươì đẹp mà không hề nhắc tới có ngưới xấu, phải chăng vì phần nhiều người đẹp đều gian truân và mệnh bạc ? Gây cho người đời sự thương cảm ray rứt ?

(…Kiếp hồng nhan có mong manh,
      Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương .” (Kiều)

Còn người xấu không được ai nói tới nhưng được luật vô thường thương cho nên không phải “ Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu ” .

Thị Nở có xấu không ?

Hình ảnh Chờ tới già, Thị Nở mới được phong Nghệ sĩ ưu tú số 1

Trong văn học cận đại Việt Nam có truyện Chí Phèo với nhân  vật nữ Thị Nở :

“ Trông xa thì tưởng Thúy Kiều
    Lại gần mới rõ người yêu Chí Phèo ”

Hai câu thơ lục bát này mô tả được ít nhiều dung nhan xấu của “ người yêu Chí Phèo ”, tức Thị Nở, bằng cách so sánh sắc đẹp của Thúy Kiều . Không biết tác giả là ai, lời thơ tuy bình dị nhưng thật là ác .

Tuy Thị Nở, nhân  vật trong truyện của Nam Cao, có dung nhan xấu lắm . Phải nói, qua ngòi viết của Nam Cao, Thị Nở phải xấu đến “ Ma chê, quỉ hờn ” . Thường người ta nói “ xấu như ma ” hay “ xấu như đồ quỉ ” thế mà Thị Nở lại còn bị ma, quỉ chê nửa là :

 Cái mặt của thị thực là một sự mỉa mai của hóa công; nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang hơn bề dài, thế mà hai má hóp vào mới thật là tai hại, nếu má phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn... Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi; có lẽ vì cố qua quá cho nên chúng nứt nở như rạn rạ .Đã thế thị lại ăn trầu thuốc, hai môi dày được bôi cho dày thêm một lần, cũng may chất trầu sánh lại, che được cái màu thịt trâu xám ngoách …”

Nhưng Thị Nở chỉ biểu hiện cái ngoại hình xấu, mà xấu đủ đạt giá trị tiêu chuẩn xấu như tiêu chuẩn dở của bài thơ “ Con Cóc ” chưa tuy ở ngoài đời, người ta khó bắt gặp một Thị Nở bằng xương, bằng thịt  . Và ở Thị Nở còn ẩn một giá trị nhân  bản nào khác nữa không ?

Thị Nở đã có “ tình cảm ” với Chí Phèo sau “ đêm trăng định mệnh ” đã xảy ra. Một kẻ khật khùng, ba trợn, xấu xí gặp một kẻ cùng đinh, mạc vận và họ “ yêu nhau ”. Có lẽ, đây là lần đầu tiên trong đời, họ được yêu thương đúng nghĩa con người hơn hết . Và cũng chính sau đêm đó, lần đầu tiên, Chí Phèo biết nghĩ vẩn vơ, biết rưng rưng nước mắt. Nghĩa là biết rung động trước cuộc đời. Điều đó phải chăng chỉ do bản năng sinh học ? Hay ở con người nhân bản được Thị Nở đánh thức ?

Thị Nở trở về nhà sau đêm trăng và nghĩ : “ mình bỏ hắn lúc này thì cũng bạc. Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau ! Ăn nằm với nhau như vợ chồng. Tiếng vợ chồng, thấy ngường ngượng mà thinh thích... Thổ trận ấy thật là phải biết. Cứ gọi hôm nay nhọc đừ. Phải cho hắn ăn tí gì mới được. Đang ốm thế thì chỉ ăn cháo hành. Ra được mồ hôi thì là nhẹ nhõm người ngay đó mà…. » .

Có phải kỳ diệu không ?

«Thị Nở thì chỉ nhìn trộm hắn, rồi lại toe toét cười . Trông thị thế mà có duyên …».

Phải chăng « mọi thứ đều đẹp dưới con mắt của kẻ đang yêu ? »

Vợ xấu là tiên trên đời

Photobucket

Người ta kể chuyện rằng ngày xưa có người hỏi nhà hiền triết hy-lạp Aristote  « Tại sao có nhiều phụ nữ đẹp lộng lẫy lại đi lấy chồng những người đàn ông chẳng ra gì ? » . Aristote trả lời ngay « Bởi vì đàn ông thông minh chẳng dại gì đi lấy phụ nữ đẹp » .

Đông Tây gặp nhau . Việt nam có câu « Vợ xấu là vợ của mình » .

Ai cũng biết Khổng Minh là thiên tài, đẹp trai và quyền quí của Trung Hoa cổ thời . Ông dư sức lấy cả chục phụ nữ tuyệt thế giai nhân làm vợ . Vậy mà ông lại chọn người vợ xấu không còn chổ nào chê thêm được .

Sách viết « Đừng bắt chước Khổng Minh chọn vợ, chỉ lấy được con gái xấu của A Thừa ". Tức A Nữu . Mà bà lại là con gái của thầy học của Khổng Minh . Nhưng bà tuy xấu xí nhưng là người phụ nữ tài ba .

Đọc những áng văn mượt mà của A Nữu, nhiều người trong giới công thương đem lòng hâm mộ không nguôi, cứ nghĩ A Nữu là một học giả tài hoa và xinh đẹp . Song gặp mặt, tất cả đều " co giò mà chạy " . Hay nói như người nặng khẩu nghiệp " Nhìn một cái, hối ba năm " !

Thế mà
Khổng Minh lại đem lòng yêu A Nữu . Yêu thiệt tình, chớ không vì A Nữu là con gái của thầy mình .

Khổng Minh là một chàng đẹp trai có tiếng nên rất nhiều cô gái đẹp thầm yêu ông . Nhưng làm sao chàng trai đẹp này lại lấy cô gái xấu như vậy ? Không ai hiểu nổi .
 A Nữu giải đáp những thắc mắc của mọi người về cuộc hôn nhân  của hai người :
« Không phải Gia Cát Lượng không thấy tóc em nhuộm vàng, mặt có nốt ruồi, cũng không phải thẩm mỹ của chàng có vấn đề, mà chính vì chàng biết vượt qua hình thức để thưởng thức vẻ đẹp nội tâm . Cũng vì điều đó, em mới lấy chàng . Em tìm thấy một tình yêu siêu phàm, thoát tục từ Gia Cát Lượng  » .


Về phần Khổng Minh, ông trả lời : « Thật sự, trong mắt trong tim tôi, A Nữu còn đáng yêu hơn nhiều cô gái đẹp khác » .

Ông giải thích « Phụ nữ xấu như tách trà » :

« Ngồi trong sân vắng vẻ, tách trà như tâm tình của cô gái. Xuân qua thu lại, thế sự như mây. Người đời hay nói : rượu, thuốc lá, trà là ba báu vật của đàn ông. Tài nữ như thuốc lá, mỹ nữ như rượu nồng, còn phụ nữ xấu chỉ lặng lẽ như trà tỏa hương. So với hương trà man mác, vô luận khói thuốc đắng cay hay men rượu nồng nàn, đều thành dung tục. Song người đời lại say mê sự kích thích của rượu và thuốc lá, ít ai thư thái để tận hưởng vị thanh khiết của trà » .

Đúng vậy, phụ nữ xấu không lồ lộ vẻ đẹp trời ban, song tâm hồn họ thanh tao như hương trà. Xa lánh thế gian huyên náo mới có thể giữ được sự thuần khiết của tâm hồn, mới có thể hiểu nhã thú của đời người. Phụ nữ xấu, bất kể đi làm hay ở nhà, việc gì họ làm cũng chu chí . Phụ nữ xấu lương thiện, biết hy sinh, không cầu báo đáp, không tranh giành, hệt như hương trà u mặc khi ẩn khi hiện.
Đọc đến đây chắc các bạn đã có quan điểm riêng cho mình và đang  hạnh phúc  về người phụ nữ mình đã chọn cho đời mình ?


Nguyễn thị Cỏ May