LITTLE SAIGON - Hẳn bạn đọc còn nhớ, cách đây không lâu, vào những dịp mừng Ngày Quân Lực 19 tháng 6 hay dịp Tết Nguyên Đán, trên bầu trời Little Saigon , Nam California thường xuất hiện một máy bay trinh sát L.19 kéo theo lá đại kỳ Quốc Gia Việt Nam và tấm biểu ngữ “Mừng Ngày Quân Lực” v.v... Nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ bay lượn trên bầu trời, nhiều người trong chúng ta không khỏi xúc động và cũng rất tự hào về lá cờ vàng, biểu tượng của Người Việt Quốc Gia yêu chuộng tự do, dân chủ. Người đem đến niềm tự hào dân tộc và sự xúc động trong lòng mọi người chính là Thiếu Tá Phi Công Lê Hưng. Nhân dịp ông về Nam Cali tham dự ngày Đại Hội 3 các Phi Đoàn Quan Sát của Không Quân VNCH, chúng tôi được dịp gặp người phi công VNCH mà đến giờ này vẫn còn “đi mây về gió”. Chúng tôi rất ngưỡng mộ ông nên đã mời ông đến tòa soạn Viễn Đông để làm cuộc phỏng vấn, và khám phá ra nhiều điều thú vị về cuộc đời của một phi công tài hoa, nhiều may hơn rủi.
Thiếu tá phi công Lê Hưng và hiền thê của ông (Thanh Phong/Viễn Đông)
Sinh ra và lớn lên tại thành phố biển Nha Trang, nơi có Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân, hàng ngày anh nhìn thấy những máy bay quân sự lên xuống, và những chàng trai khôi ngô, tuấn tú trong bộ đồ bay oai phong ngồi trong phòng lái và phút chốc bay vút lên không trung đã làm anh say mê, ngưỡng mộ và mong ước sẽ trở thành một phi công của Không Lực VNCH . Niềm mơ ước đó được thực hiện vào tháng 5 năm 1972 khi anh được trúng tuyển vào binh chủng Không Quân và thụ huấn tại TTHL Không Quân Nha Trang 1 tháng rưỡi, sau đó về Saigon thi Anh văn. Sau khi đậu Anh văn, anh là nhóm đầu tiên trong khóa đi du học Hoa Kỳ vào năm 1973 để trau dồi Anh ngữ và qua trường học lái máy bay. Tốt nghiệp xong, anh về nước vào tháng 9/1974 và được chuyển về Quân Đoàn IV tại Cần Thơ, lái A.37. Thời gian này là thời gian đất nước sắp bị mất vào tay giặc cộng, anh về Saigon và sau đó rời khỏi Việt Nam trên một chuyến máy bay vận tải qua Utapao, Thái Lan. Vài ngày sau anh được qua Guam và chừng một hai tuần sau thì được đưa qua Hoa Kỳ. Đặt chân đến trại tỵ nạn Fort Chaffee, Arkansas vào tháng 5/1975, lúc đó anh mới 22 tuổi. Phi công Lê Hưng nghĩ tới người thầy cũ đã huấn luyện và bảo lãnh mình là một vị Đại Tá Mỹ, anh liên lạc với vị Đại Tá đó, và được ông giúp đỡ tận tình. Vì tuổi đời còn quá trẻ, mộng bay bổng trên không trung chưa đạt, anh quyết chí vừa đi học vừa đi làm để nuôi mộng trở lại cầm lái máy bay. Sau khi hoàn tất bằng Cử Nhân Cơ Khí tại Đại học Texas Tech, anh xin gia nhập Không Lực Hoa Kỳ.
Dù đã thụ huấn xong về chương trình điều khiển phản lực cơ F5 từ những năm 1973 nhưng anh vẫn phải học lại từ đầu về căn bản quân sự, chịu huấn nhục gần nửa năm, sau mới được chuyển qua một Trung Tâm Huấn Luyện bay học gần 2 năm. Tại đây, tùy theo số điểm học, mỗi học viên được chỉ định học lái một loại phi cơ khác nhau từ phản lực cơ chiến đấu đến phi cơ vận tải, trực thăng các loại. Với điểm số tối ưu, anh Lê Hưng được chọn học lái oanh tạc cơ phản lực tại căn cứ gần Corpus Christi, Texas. Sau khi tốt nghiệp, anh được đưa về căn cứ Không Quân San Diego, California và giao cho lái chiếc S3, một loại khu trục phản lực chuyên săn tàu ngầm của Liên Xô trên vùng biển Đông.
Sau khi phục vụ tại đây hơn một năm, phi công Lê Hưng được chuyển sang phục vụ tại Hạm Đội 7 Thái Bình Dương, đóng tại Phi Luật Tân, bay trên vùng trời Đông Nam Á. Anh kể, vài lần anh bay tuần thám trên biển Đông, anh đã nhìn thấy những chiếc thuyền vượt biên của đồng bào ta. Anh bay sà xuống quan sát thấy ghe chết máy trôi vật vờ trên biển, đồng bào mình nằm la liệt trên ghe, anh đã thả máy đánh dấu tọa độ rồi gọi tàu Hải Quân Hoa Kỳ đến cứu. Có một lần, sau khi vớt người xong, Hải Quân cho trực thăng bốc anh đến gặp đồng bào mình. Mọi người hết sức ngạc nhiên không ngờ trong Không Lực Mỹ lại có một phi công Việt Nam có tình đồng bào tốt đẹp cao quý như thế. Họ cho biết ghe đã bị trôi lênh đênh trên biển 20 ngày rồi, không đồ ăn, nước uống, nếu không có anh kịp thời giúp đỡ thì không biết số phận họ ra sao. Trở về căn cứ, anh đem quần áo, thuốc men đến giúp đồng hương mình tại trại tỵ nạn, anh cũng gặp lại một số đồng đội xưa, cuộc trùng phùng diễn ra thật cảm động. Một vài lần khác, khi bay ngang vùng Cà Mau, anh đã nhìn thấy những đồng bào mình đang đốt rừng làm rẫy, mở tần số đài phát thanh Saigon, anh nghe hát bội, hát cải lương mà lòng dạ xót xa!
Là một phi công Hải Quân Hoa Kỳ, anh bắt buộc phải học đáp máy bay trên Hàng Không Mẫu Hạm (HKMH), và đã từng đáp phi cơ nhiều lần trên đó, anh nói, mặc dù đã được huấn luyện rất kỹ lưỡng nhưng lần đáp đầu tiên anh vẫn cảm thấy rất hồi hộp vì khi bay ngang thấy phi đạo nó ngắn quá, nhưng chỉ vài lần đáp là quen và thích thú lắm. Tuy nhiên, bất cứ người phi công Hải Quân Hoa Kỳ nào cũng phải hồi hộp, căng thẳng khi phải đáp xuống HKMH vào ban đêm, không có lần đáp nào giống nhau, mỗi lần đáp đều khác nhau . Anh cũng từng lái loại máy bay tiếp tế nhiên liệu trên không. Khi chúng tôi tỏ vẻ thán phục về việc làm thế nào để hai chiếc máy bay có thể ráp nối ống dẫn xăng nhỏ xíu từ chiếc máy bay này qua máy bay kia. Anh Lê Hưng đáp: “Khi hai chiếc bay cùng một tốc độ thì không có gì khó khăn cả, hơn nữa máy bay của Mỹ trang bị dụng cụ rất tối tân, người phi công được huấn luyện rất chu đáo nên việc điều khiển phi cơ ném bom hay tiếp tế nhiên liệu trên không hoặc khi phải đáp khẩn cấp đều không có gì khó khăn trở ngại.
Trong cuộc chiến vùng Vịnh, phi công Lê Hưng cũng từng lái oanh tạc phản lực cơ A6 Intruder đi ném bom tại Iraq mặc cho hỏa lực phòng không của địch thi nhau nhả đạn, nhưng anh vẫn đánh trúng mục tiêu và bay về căn cứ an toàn.
Sau khi giải ngũ, anh được thuê mướn chuyên chở các khách VIP và các yếu nhân nước ngoài. Anh đã từng làm việc ở Arabia Saudi , Kualalumpua, Ấn Độ, Kazakistan, qua Ai Cập và bây giờ lái máy bay tư nhân bên Nigeria (Phi Châu) hai năm nay. Trả lời một câu hỏi khác của Viễn Đông, phi công Lê Hưng cho biết, anh cảm thấy anh là người rất may mắn, được công ty bên Canada chọn và giao cho anh những phi cơ đặc biệt chở các yếu nhân và nhiều lần chở các tài tử nổi tiếng (anh kể khá nhiều tên các giai nhân ) đi đây đi đó, và họ rất có thiện cảm với anh. Biết anh là một phi công Việt Nam, họ rất thán phục và quý mến. Loại phi cơ anh đang lái là loại máy bay chỉ có 14 chỗ ngồi. Trước đây lái phi cơ quân sự có vẻ chật hẹp với đầy những khí cụ và nút bấm, bây giờ lái loại máy bay này anh thấy nó rộng rãi, thoáng và tối tân, mình điều khiển dễ như một em nhỏ chơi game vậy; chỉ có lúc cất cánh và đáp thôi còn khi đã lên cao rồi thì cứ như ngồi chơi game vậy, computer làm việc hết cho mình.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng có khi nào anh nghĩ đến việc viết hồi ký hay viết sách về cuộc đời bay bổng của mình? Phi công Lê Hưng trả lời: “Tôi không hiểu tại sao, trong lòng tôi lúc nào cũng say mê vấn đề bay bổng; hiện tại tôi đang say mê ngồi trên buồng lái, bay bổng trên không trung, đi huấn luyện cho những phi công trẻ ở các nước khác và gặp gỡ những nhân vật quan trọng trên thế giới, đi đây đi đó, học hỏi được rất nhiều, nhìn thấy những tiến bộ và các sinh hoạt của các quốc gia khác để có dịp so sánh với đất nước mình, nên lúc này chưa thể làm chuyện đó vì đang rất bận bịu với công việc.”
Vào năm 1994 đến 1997, Thiếu tá phi công Lê Hưng là người khởi xướng việc kêu gọi các anh em cựu quân nhân QL/VNCH tại Nam Cali mặc lại quân phục, anh đã mua cả ngàn bộ quân phục về để phân phát cho các cựu quân nhân mình, nhưng một số niên trưởng tỏ ra ái ngại vì mặc cảm thua trong cuộc chiến, không mặc, nhưng sau này khi biết rõ ràng chúng ta không thua Việt cộng về mặt quân sự, chúng ta thua về chính trị thôi nên không lấy thế mà mặc cảm. Và sau đó, không chỉ ở Cali mà khắp nơi trên thế giới có phong trào các cựu quân nhân VNCH hãnh diện mặc lại bộ quân phục của mình. Ngay chính tại VN bây giờ, các bạn trẻ cũng đang thích thú được mặc quân phục của người lính VNCH. Anh cũng từng bay chở các chiến sĩ nhảy dù biểu diễn trong ngày khánh thành Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Westminster, ngày Tết tại Garden Grove Park và bay nhiều lần trên bầu trời Little Saigon, Nam Cali kéo theo đại kỳ VNCH cũng như biểu ngữ, đóng phim và cuộc tranh cử Nghị Viên Westminster vào năm 1992, đem trực thăng đến tham dự trong những dịp diễn hành Tết Nguyên Đán tại Little Saigon... Anh cho đó là những việc đóng góp vào việc phục vụ cộng đồng..
Trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn, chúng tôi xin anh đưa ra một lời khuyên đối với giới trẻ VN tại hải ngoại để họ có thể tiếp nối các anh, đem khả năng của mình phục vụ đất nước Hoa Kỳ và sau này khi chế độ cộng sản sụp đổ, họ có thể trở về xây dựng quê hương? anh Lê Hưng nói: “Khi về đây, tôi có sinh hoạt với Cộng Đồng, với Hội Không Quân miền Trung Cali, tôi thấy một điều đáng tiếc là có nhiều anh em Không Quân có nhiều kinh nghiệm phi hành nhưng không có cơ hội, không có chương trình để truyền lại kinh nghiệm cho giới trẻ và cho con em mình trong tương lai. Tôi thiết nghĩ, một ngày nào đó tôi mong muốn làm được điều đó, vì trong quá khứ tôi đã huấn luyện cho những người bạn bè cùng khóa đi bay, lấy bằng bay, bay biểu diễn v.và Tôi đã giúp một em lúc đó mới 17 tuổi nay đã trở thành một phi công dân sự. Trong tương lai, tôi hy vọng thành lập một công ty, xin được học bổng của những công ty lớn và cấp học bổng cho những con em mình thích về phi hành, dân sự cũng như quân đội, để các em sẽ trở thành những phi công cho Không Lực Hoa Kỳ và cho tương lai của ngành Hàng Không VN khi đất nước mình không còn cộng sản.”
Anh tâm sự: Trong suốt cuộc đời anh, anh chỉ tiếc một điều là chưa có dịp đem những điều đã được học hỏi, đem kiến thức và khả năng của mình phục vụ quê hương vì quê hương đã rơi vào tay giặc cộng. Trong hàng ngũ tướng lãnh VNCH, anh rất ngưỡng mộ Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang, Tư Lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân, vị Tướng đã chấp nhận ở lại chiến đấu với địch quân và bị chúng bắt đi tù 17 năm. Chuẩn Tướng Sang qua đời tại Nam California ngày 08.12.2002, phi công Lê Hưng đã cùng hai đồng đội lái 3 chiếc máy bay Cessna bay lượn trên bầu trời để tiễn biệt cố Chuẩn Tướng về an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.