Monday 1 June 2015

Tìm hiểu về: Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc - Dương văn Phương


*- Ngọn Núi Sam:
Trong bia Vĩnh Tế sơn của Thoại Ngọc Hầu, Núi Sam giống như một bức tranh  sơn thủy hữu tình. Người dân gọi là Núi Sam vì nhìn từ xa thấy núi có dáng dấp như một con sam đang bám trên cánh đồng xanh mênh mông. Theo truyền thuyết nơi đây từng là hòn đảo nhô lên trên biển có nhiều sam sinh sống nên được gọi là Học Lãnh Sơn ( Núi Con Sam ).

Người dân Châu Đốc mô tả Núi Sam như một ngọn đồi thơ mộng với vị trí tiền Cửu Long Giang, hậu Thất Lãnh. Ở đây ta có thể tìm lại vị thanh thanh ở món ăn vương vấn là canh chua lá Vang. Mùa lá Vang từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch, nhờ những cơn mưa người ta có thể hái lá ở sườn Đông của núi, sẽ cho hương thơm và vị chua đậm đà hơn lá Vang hái ở sườn Tây, nhờ nhận được những tia nắng ban mai của mặt trời.


Ngoài ra Núi Sam còn có “Hồn đá” bên chân Núi Sam, sau 40 ngày thao tác nghệ thuật, 62 nhà điêu khắc trong và ngoài nước tham gia trại điêu khắc quốc tế, đã thổi hồn vào những khối đá vô tri nặng hàng tấn, tạo nên 68 tác phẩm sinh động gợi cảm, mang tính triết lý sâu sắc… Các tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ điêu khắc khác nhau, nhưng tạo được một sự giao thoa nghệ thuật tinh tế, tập hợp kiến thức của nhiều nghệ sỹ đến từ nhiều nơi.

Cùng với 38 tác phẩm thực hiện lần trước, tất cả 106 tác phẩm sẽ tạo thành một khu công viên vườn tượng, góp phần làm đẹp thêm cảnh quan của vùng Thất Sơn huyền bí.

*- Miếu Bà :
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam tọa lạc nơi chân Núi Sam, thuộc xã Vĩnh Tế thành phố Châu Đốc An Giang. Cách đây khoảng 200 năm, tượng Bà được dân địa phương phát hiện và khiêng xuống từ đỉnh Núi Sam bằng 9 (hay 12) cô gái đồng trinh, theo như lời dạy của Bà qua miệng “Cô Đồng” nên người dân lập miếu để tôn thờ.

Có ý kiến cho rằng Thoại Ngọc Hầu hoặc vợ là Bà Châu thị Tế là người đã ban hành và hổ trợ việc xây dựng Miếu, mang lại lợi ích cho lưu dân và dân bản địa, Năm 1824 Miếu được xây hoàn tất, ban đầu bằng tre lá, nằm trên phần đất trủng phía Tây Bắc Núi Sam, lưng quay về vách Núi, chính điện nhìn ra con đường  và cánh đồng làng. Năm 1870 ngôi Miếu được xây dựng lại bằng gạch hồ, năm 1962 được tu sửa khang trang bằng đá miếng và lợp ngói âm dương. Năm 1972 được tái thiết lớn hơn tạo nên dáng vẻ như ngày nay, và người thiết kế là 2 kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng.

*- Tượng Bà:
Khi xưa Tương Bà ngự trên đỉnh Núi Sam gần Pháo Đài. Chứng minh cho điều nầy là bệ đá Bà ngồi vẫn còn tồn tại, bệ có chiều ngang 1,60m, dài 0,30m chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34m, loại trầm tích thạch màu đen, hạt nhuyễn, không có ở địa phương.
Theo lời truyền miệng của nhân gian, thì xưa có một nhóm người đến quấy nhiễu nơi đây, gặp Tượng Bà họ muốn lấy đi nhưng xê dịch không được nên tức giận đập gãy cánh tay trái của pho tượng, Theo sách kỷ lục An Giang thì Tượng Bà là pho tượng đá sa thạch xưa nhất Việt Nam, và có áo phụng cũng nhiều nhất.

*- Lễ Vía Bà:
Vía Bà được tổ chức hằng năm từ đêm 23/4 đến 27/4 âm lịch, trong thời gian nầy lần lượt sẽ được tổ chức thành 5 lễ:

Lễ tắm Bà:
Lễ tắm Bà được tổ chức vào lúc 24 giờ đêm 23 rạng sáng 24, nói là tắm Bà nhưng thực tế là lau bụi bặm trên tượng thờ và thay áo mão cho Bà, nước tắm tượng là nước thơm, bộ y phục cũ của Bà được cắt nhỏ ra phân phát cho khách trẫy hội và được coi như bùa hộ mạng giúp cho người khỏe mạnh và trừ ma quỷ. Lễ tắm Bà được kéo dài khoảng 1 giờ, mở đầu lễ, 2 ngọn nến to được đốt sáng lên trong chánh điện, bức màn vải có viền ren lộng lẫy kéo ngang bệ thờ, che khuất khu vực đặt tượng, 9 cô gái trẻ được phân công trước, bắt đầu vén màn tắm cho tượng Bà, đầu tiên là cởi mũ, áo, khăn đai từ lớp ngoài vào trong để lộ toàn thân pho tượng. Những cô gái lần lượt nhúng từng chiếc khăn mới vào chậu nước thơm, vắt ráo rồi lau tượng nhiều lần, sau đó họ dùng nước hoa xịt khắp bức tượng rồi chọn đồ mới đẹp nhất khoác lên bức tượng, thắt chặt đai, chít khăn, đội mão, gắn lại những ngọn đèn màu trang trí như cũ, sau đó bức màn ngăn được kéo lên để cho khách tự do chiêm bái, dâng hương, hoặc xin lộc Bà. Nước tắm Bà còn lại sẽ đem hòa trong 2 thùng nước lớn để phân phát cho du khách trẫy hội.

Lễ thỉnh sắc:
Cử hành vào khoảng 16 giờ chiều 25/4, một đoàn người gồm bô lão trong làng, quần áo chỉnh tề, tiến từ Miếu Bà sang Lăng Thoại Ngọc Hầu để thỉnh sắc (thật ra đây là lễ rước bài vị, vì sắc đã không còn) Dẫn đầu có đội múa lân, các học trò lễ tay cầm cờ phướn đi hầu phía trước và sau chiếc kiệu sơn son thiếp vàng. Đến điện thờ làm lễ niệm hương, rồi thỉnh bài vị đưa lên kiệu trở về miếu Bà. Ba chiếc bài vị mang tên Thoại Ngọc Hầu và tên bà vợ chánh Châu thị Tế, bà vợ thứ Trương thị Miệt được đặt lên bàn thờ ở chánh điện. Bài vị thứ tư mang tên Hội Đồng ghi công lao các quan quân đã theo Thoại Ngọc Hầu xưa kia, được đặt riêng ở bàn thờ phía trước.

Lễ Túc Yết:
Được tổ chức 0 giờ đêm 25 rạng sáng 26/4 âm lịch, gồm có 2 phần, phần nghi thức cúng tế và phần xây chầu:

Lễ dăng hương cúng gồm
: 1 con heo trắng, một dĩa huyết heo có kèm theo nhúm lông nhỏ. Một mâm trái  cây, trầu cau, gạo muối, sau 3 hồi chiêng trống, nhạc lễ nổi lên, lễ dâng hương dâng trà bắt đầu. Nghi thức cúng tế kết thúc khi ông Chánh lễ đốt bản văn tế cùng giấy vàng bạc. Tiếp theo nghi thức cúng tế là phần xây chầu được tiến hành ở nhà Võ Ca (đặt ở khu vực cuối của chánh điện). Sau phần cầu nguyện của ông Chánh bái, xin cho mưa thuận gió hòa, đất đai phì nhiêu, mùa màn bội thu, dân chúng khỏe mạnh, yên vui, các loài quỷ dữ bị tiêu diệt, lễ xây chầu bắt đầu bằng 3 hồi trống lệnh, sau đó chiêng trống rộ lên, chương trình hát bội bắt đầu.

Lễ chánh tế:
Được tổ chức vào tờ mờ sáng ngày 27,gần giống nghi thức cúng Túc Yết

Lễ Hồi Sắc:
Cử hành khoảng 15 giờ ngày 27/4, đoàn hành lễ sẽ rướt bài vị Thoại Ngọc Hầu và nhị vị phu nhân từ miếu thờ trở về Sơn Lăng. Kết thúc Lễ Hội Vía Bà Núi Sam Châu Đốc

Dương văn Phương
(Cựu học sinh Thủ Khoa Nghĩa, lớp đệ tứ “D” niên khóa 64-65)