Hình hát nói/ hát ca trù, có gõ phách và đàn đáy
Hát thơ? Nghe có vẻ lạ tai nhưng việc lại là việc cũ. Từ thời nhà Đường, tại các nhà hát bên Trung Quốc, người ta đã đem thơ của Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Vương Xương Linh… ra mà ca hát. Đó là những bài Từ khúc, có những câu dài, ngắn không đều, âm vận du dương; người giỏi nhạc có thể cầm bài thơ, ngẫu hứng mà hát thành một ca khúc. Nghiêm túc hơn thì soạn thành bài bản, có đàn sáo tấu lên phụ họa cho giọng ca; sáng tác nên những điệu như Bồ tát man, Ức Tần nga, Ức Giang nam, Đảo luyện tử… Về sau, ai thích điệu gì thì cứ theo điệu ấy mà soạn lời ca mới, gọi là “điền từ”.
Xin đơn cử bài “Biệt tình” của Bạch Cư Dị đã được phổ thành điệu Trường tương tư:
“Biện thủy lưu, Tứ thủy lưu,
Lưu đáo Qua Châu cổ độ đầu,
Ngô sơn điểm điểm sầu,
Tứ du du, hận du du
Hận đáo qui thời phương thỉ hưu
Nguyệt minh nhơn ỹ lâu”.
Nghĩa:
“Hai sông Biện, Tứ chảy quanh
Qua Châu bến cũ hai ngành gặp nhau
Non Ngô lấm tấm điểm sầu
Tương tư dằng dặc hận sâu muôn đời
Khi về mối hận mới nguôi
Lầu tây nguyệt rạng có người tựa trông”
Và một bài thơ khác, bài “Biệt ý – Khuê tình” của Lý Bạch đã được hát lên theo điệu Bồ Tát man. ( Bồ Tát man có nghĩa là cô gái rừng. Niên hiệu Đại Trung đời Đường, nước Nủ man lai cống phẩm vật, con gái nước ấy bới tóc cao, đội mũ vàng, cổ đeo chuỗi hạt ngọc như vị Bồ Tát mà ca múa nên gọi là Bồ Tát man)
“Bình lâm mạc mạc yên như chức,
Hàn sơn nhất đới thương tâm bích
Minh sắc nhập cao lâu
Hữu nhơn lâu thượng sầu
Ngọc giai không trữ lập
Túc điểu quy phi cấp
Hà xứ thị quy trình?
Trường đình liên đoản đình.”
Nghĩa:
“Rừng bằng man mác khói lên như tơ dệt,
Rặng núi Hàn Sơn xanh biếc như tơ mối thương tâm
Lúc trời nhá nhem, bước lên lầu cao
Có người đang ở trên lầu buồn bã
Đứng trước thềm ngọc luống đợi chờ ai
Đàn chim nhớ tổ hấp tấp bay về
Mà về chốn nào đây?
Kìa trạm dài và trạm ngắn
(theo bản dịch trong Bạch hương Từ phổ của một tác giả khuyết danh)
Hát trống quân
Ở nước ta cũng vậy, từ lâu lắm, tại các nhà hát ả đào, thơ đã được hát lên bằng nhiều điệu như: Gửi thư, Dựng Huỳnh, Nói sử, Tỳ Bà, Cung Bắc… thịnh hành nhất là điệu Hát nói. Hát nói là một bài thơ hợp thể gồm thơ 4 chữ, lục bát, song thất lục bát, thơ thất ngôn, thơ 8 chữ. Bài Hát nói mẫu mực gồm 11 câu, chia làm 6 khổ: khổ nhập đề, khổ xuyên tâm, khổ thơ, khổ xếp, khổ rải và khổ kết. Khổ thơ nằm giữa bài thường là hai câu thơ thất ngôn bằng chữ Hán hay chữ Nôm, khổ kết bao giờ cũng là một câu sáu chữ. Nếu thấy 11 câu chưa diễn hết ý tình, có thể làm thêm câu, vì đó mà có bài Hát nói dài đến 27 câu. Có điểm đặc biệt là các cụ xưa áp dụng thơ 8 chữ vào hát nói; sau này, trong phong trào thơ mới, nhiều nhà thơ tên tuổi đã rút từ “hát nói” ra lối thơ này để phát triển thành thể thơ tám chữ, người dùng nhiều nhất thể thơ này là Thế Lữ, sau đó là Huy Cận, Xuân Diệu, Huy Thông…
Nổi danh trong sáng tác hát nói phải kể đến tên tuổi của Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương, Cao Bá Quát, Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải… Còn rất đông văn nhân, tài tử khác mêca trù, đã sáng tác “hát nói” rồi đến nhà hát nhờ đào nương ca lên để tác giả và bạn bè thưởng thức. Thú chơi phong lưu này khá tốn tiền hình như chỉ dành cho người giàu sang, trí thức; còn giới bình dân yêu thơ thì sao? Đã có những nghệ nhân hát rong mang thơ đi phổ biến khắp đầu thôn cuối xóm, ga xe lửa, bến xe đò, bến phà, góc chợ… nơi nào có thể quy tụ được vài chục người xúm lại để nghe họ hát thơ thì họ sẵn sàng khua trống, vặn đàn mời gọi. Đây là một hình thức diễn xướng mà sau này người ta gọi đùa là “xuất bản mồm” vì trước đây nghề xuất bản, in ấn cò nghèo nàn; các phương tiện truyền thông cũng chưa có mấy, đành phải áp dụng cách hát rong,truyền khẩu vậy. Cái hình ảnh một đám đông ngồi xổm trên một khu đất, vây quanh một nghệ nhân khiếm thị, đánh đàn bầu dưới ánh đèn vàng vọt tỏa ra từ chiếc đèn gương, im lặng lắng nghe tiếng hát thơ ê a kể lại những câu chuyện xa xưa.
Những chuyện đó họ đã nghe qua nhiều lần, thật là cảm động. Có người đã thuộc lòng nhưng vẫn còn muốn nghe mãi. Thỉnh thoảng lại có tiếng tiền đồng, tiền xu rơi vào chiếc thau bằng nhôm nghe rỏn rẻng, đó là tiền thưởng của người nghe thơ tặng cho người hát thơ. Ở miền Trung gọi đó là Nói vè; miền Bắc thì có hát xẫm và miền Nam gọi là hát thơ.
Hát nói
Sở dĩ không gọi là hát vè mà là nói vè vì vè là một câu chuyện bằng thơ, đa phần là thơ lục bát, chủ yếu nói lên, kể lại một câu chuyện đặc biệt xảy ra tại địa phương hoặc những truyện nôm cổ do các tác giả vô danh sáng tác. Những vè Mã Long, Mã Phụng, vè Thất thủ kinh đô, vè Phạm Công – Cúc Hoa, vè Thầy Thông Tằm… từ lâu đã trở thành tài sản chung của dân gian, được đón nhận với thái độ thân ái xen lẫn sự kính trọng vì truyện thơ nào cũng đề cao đạo lý, nghĩa tình, dạy người ta làm lành, lánh dữ. Về mặt dựng truyện, truyện nào cũng có mở đầu, kết thúc lớp lang, có thắt có mở, có mâu thuẫn xung đột y như tiểu thuyết và kịch. Vì phải dùng vần điệu để diễn tả hành động nên lời thơ ít được trau chuốt, hoa mỹ. Nhằm phục vụ giới bình dân nên lời thơ vô cùng dung dị, rất gần gũi, dễ hiểu. Kể chuyện một viên chức nhà nước tên là Thông Tằm, làm chức Thông phán tại tỉnh Bình Định, có vợ bị tên phu xe cưỡng hiếp và giết chết, sau đó hiện hồn lên chỉ lối cho chồng đi tìm xác mình, bài vè mở đầu như thế này:
“Có người Bình Định tỉnh thành
Làm việc nhà nước mỹ danh Thông Tằm…”
Thật không gì dễ hiểu, rõ ràng hơn. Tả cảnh quân ta đánh nhau với giặc Pháp thời chúng tiến chiếm kinh đô Huế, bài vè “Thất thủ kinh đô” có những câu:
“Súng Tây bắn chết thiệt nhiều
Súng mình cứ bắn phiêu phiêu lên trời…”
Chỉ hai câu mà gợi lên được hình ảnh cuộc chiến tranh không cân sức giữa bọn thực dân có xe tăng, đại bác, súng ống tối tân với một bên tuy lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu có thừa nhưng vũ khí quá thô sơ, thiếu thốn. Bắn “phiêu phiêu” là bắn không trúng đích, “thiệt nhiều” là thật nhiều… những tiếng phương ngữ miền Trung tạo cho câu vè thêm nét đặc biệt.
Ở miền Nam, người ta gọi loại hình nghệ thuật này là Nói thơ. Thơ không chỉ được hiểu là những bài thơ ngắn, riêng lẻ mà còn dùng để gọi “một truyện thơ” dài như truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu hay truyện “Thơ Sáu Trọng”… Người ta gọi đó là một “bổn thơ” và hình thức diễn xướng được gọi một cách đơn giản là “Nói thơ Lục Vân Tiên” hay “Nói thơ Sáu Trọng”.
Giai điệu “nói thơ” không có gì cầu kỳ, chỉ tới lui một điệu, chủ yếu là nói, là kể chuyện còn lên bổng, xuống trầm, ê a nhịp với tiếng đàn, tiếng trống để cho dễ nghe thôi vì thế mà gọi là “nói” chứ không dùng tiếng “hát”.
Nói rộng ra, từ xưa đến nay, khắp cả nước ta, đâu đâu người ta cũng “hát thơ” và không ngừng phổ biến những điệu dân ca, những điệu hát cổ truyền của dân tộc. Hát dân ca tức là hát thơ vì hầu hết các điệu lý, điệu hò, hát ru, hát ví, hát dặm, hò kéo gỗ, hò chèo thuyền… đều xây dựng trên thơ lục bát. Ông cha ta xưa đã đem thơ lục bát cắt ra từng đoạn, đảo trước ra sau, sau ra trước, lặp lại nhiều chỗ, thêm các tiếng đệm, những trợ từ mà biến hóa câu thơ thành một ca khúc lạ tai; hấp dẫn, tình tứ, thiết tha. Những tiếng đệm như: ối a, tình bằng, tình như, hò ơ, khoan hỡi hò khoan, hò dô ta, ô tang tình tang, qua lối, ầu ơ… thêm vào câu hát đã phong phú hóa giai điệu.. Chỉ hai câu :
“Ai đem con sáo sang sông
Để cho con sáo sổ lồng bay xa”
Mà có thể chuyển thành rất nhiều bài Lý con sáo như Lý con sáo Bắc, Lý con sáo Huế, Lý con sáo Quảng, Lý con sáo Gò Công, Lý con sáo Cải lương… Cũng chỉ do hai câu lục bát:
“Ngưạ ô anh khớp kiệu vàng
Anh tra khớp bạc đưa nàng về dinh”
Mà không những ta có Ngựa ô Nam:
“Khớp con ngựa ngựa ô
Ngựa ô anh khớp, anh khớp cái kiệu vàng
Ứ ư ừ ứ ư
Anh tra khớp bạc…”
Mà lại có thêm ngựa ô Huế:
“Ngựa ô…à ô, ý a ơ ngựa ô à ô
Ngựa ô anh khớp”
LIỆU ĐỊNH NGHĨA “HÁT THƠ” NHƯ THẾ NÀY CÓ CHÍNH XÁC CHĂNG?
Hát thơ là dùng những điệu hát dân ca của cả 3 miền đất nước để hát với những câu thơ, khổ thơ, bài thơ. Tùy tính chất, nội dung thơ mà người trình diễn chọn cho mình một điệu hát dân ca cho phù hợp, có thể là hò, vè, lý, chầu văn, ca trù, tài tử... Hát thơ cũng là công trình khoa học do tiến sĩ Nguyễn Nhã chủ trì nghiên cứu để dùng như một phương tiện hỗ trợ cho việc giảng dạy môn Tiếng Việt và môn Văn cho học sinh cấp 1, 2, 3. (Trích báo)
Ta thấy các tác giả đã cắt thơ ra, đảo lên, đảo xuống, lặp lại nhiều chỗ và sử dụng tiếng đệm mà tạo nên những giai điệu vui tươi, duyên dáng. Nước ta có 3 miền, mỗi miền một giọng. Các câu dân ca đi qua các địa phương được người bản địa chỉnh sửa, thêm thắt, càng ngày càng trở nên phong phú về lời ca cũng như giai điệu. Tập thể đã góp phần sáng tác, thời gian đãi lọc, cái dở mất đi, cái hay còn lại và đặc biệt là không ai đòi bản quyền, không ai ký tên, cái kho tàng hằng chục ngàn bài dân ca trở thành của chung của dân tộc. Có một điều rất thú vị là chỉ với hai câu lục bát, bạn có thể hát lên một lúc thành hai ba chục điệu ca khác nhau.
Ví dụ bài Qua cầu gió bay, dân ca Quan họ Bắc Ninh:
“Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”
Bạn có thể hát thành: Trống Quân, hát ru miền Bắc, Sa mạc, Bồng mạc, hò Huế, Lý tình tang, hò Đồng Tháp, Ngâm Kiều, Nói thơ Lục Vân Tiên, Hò mái nhì, mái đẩy, Chầu văn… Đó là một lối hát thơ hình như ở ta mới có cũng như thơ lục bát vốn là “đặc sản” của riêng Việt Nam ta.
Vui cũng hát, buồn cũng hát, làm việc cũng hát, nghỉ ngơi lại càng hát, đánh giặc cũng hát; hát trên công trường, trên đồng ruộng, trên sông dài, biển lớn, trên thao trường, trong rừng, trên đồi… đâu đâu cũng nghe tiếng hát. Tiếng hát bay lượn giữa đời, mà lại toàn hát… thơ; thật không còn gì đẹp hơn, lãng mạn hơn và dễ thương hơn.
TIÊU LANG