Wednesday, 19 August 2015

HIỆN TƯỢNG “XÌ-TRUM” - Mai Loan



Như đã thưa trong lời mào đầu của bài viết tuần trước, trong số những sách truyện hình hoạt hoạ nổi tiếng phổ biến tại Việt Nam trước năm 1975, chuyện Xì-Trum có lẽ không nổi tiếng bằng những loạt truyện khác như Lucky Luke, Tintin hoặc Asterix. Đó là các loạt truyện hoạt hoạ của các tác giả Pháp-Bỉ rất nổi tiếng, được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ khác nhau, lôi cuốn hàng trăm triệu độc giả trên khắp thế giới.Còn chuyện Xì-Trum (Les Schtroumpfs) chủ yếu xoay quanh cuộc sống thường ngày của một chủng tộc tí hon được gọi là Xì Trum, định cư ở một nơi biệt lập với loài người.
Gần đây, trên chính trường Hoa Kỳ xuất hiện một nhân vật nổi tiếng khác là Trump, một nhà tài phiệt chẳng có thành tích gì xuất sắc, nhưng rất ma-lanh và biết khai thác nhiều lợi điểm để trở thành trung tâm thu hút sự chú ý của nhiều người. Trong một chừng mực nào đó, người ta có thể ví von ông Trump này cũng đang sống xa lánh với cuộc sống thực sự nghiêm túc của đa số người dân tại Hoa Kỳ.
Trong cuộc tranh luận đầu tiên cho mùa vận động bầu cử tổng thống năm 2016 được trực tiếp truyền hình trên đài FOX News vào tuần qua, nhiều người đã có dịp nhìn thấy nhân vật Donald Trump tiếp tục củng cố “tiếng tăm” của hiện tượng Xì-Trum trên chính trường Hoa Kỳ, đặc biệt là trong nội bộ của đảng Cộng Hoà đang có tham vọng giành lại được chiếc ghế chủ nhân Toà Bạch Ốc để có thể khống chế cả hai ngành lập pháp và hành pháp trong chính quyền Hoa Kỳ.
Cuộc tranh luận công khai này đã giúp cho người dân được nhìn thấy rõ hơn sự chia rẽ giữa các ứng viên có cùng tham vọng giành được sự ủng hộ của khối cử tri bảo thủ. Nó không phải là một cuộc phân chia giữa 2 nhóm ứng viên bảo thủ cứng rắn và bảo thủ ôn hoà như nhiều người thường quan niệm. Nó cũng không đơn giản là một cuộc phân chia giữa những thành phần đã nắm quyền với những kẻ đứng ngoài muốn nhập cuộc, tương tự như cuộc tranh đua giữa những thành phần truyền thống của đảng (party establishment) với những ứng viên quá khích đại diện cho phong trào Tea Party.
Đúng hơn, đây là cuộc tranh đua giữa những ứng viên có thành tích điều hành chính quyền so với những chính trị gia thích quậy phá, gây rối theo ý thức hệ. Trong nhóm đầu, có thể kể những tên tuổi như các ông cựu hay đương kim thống đốc Jeb Bush, John Kasich, Chris Christie hoặc nghị sĩ liên bang Marco Rubio. Trong nhóm thứ nhì, tiêu biểu là những nhân vật như Mike Huckabee, Ben Carson và Ted Cruz, nhưng có lẽ nổi đình đám nhất chính là Donald Trump.(Riêng 2 nhân vật Scott Walker và Rand Paul thì có phần lẫn lộn nằm trong cả 2 nhóm.
Những người trong nhóm đầu thì cho rằng việc nắm giữ quyền hành là mục tiêu cần đạt được để cải tổ chính quyền qua các chính sách theo ý thức hệ bảo thủ. Trong khi đó, những người thuộc nhóm sau thì cho rằng thành tích nắm quyền lâu năm của nhiều ông bà chính trị gia chỉ là bằng chứng cho thấy sự bất tài của họ, những người chỉ biết “tham quyền cố vị”, và đây là một tật xấu cần phải được loại bỏ để thay thế bằng lớp người mới. 
Chỉ trong vài phút đầu khi tranh luận, người tiêu biểu cho khuynh hướng thứ hai là ông Trump đã không ngần ngại chê bai tất cả những chính trị gia cầm quyền lâu năm là những kẻ bất tài khi ông nhận định về hồ sơ di dân: “Các lãnh tụ của chúng ta đều ngu ngốc cả. Các chính trị gia của chúng ta cũng đều ngu ngốc.” Theo ông Trump, các lãnh tụ của Mễ Tây Cơ thì thông minh, “đáo để” hơn nhiều (phải chăng vì họ đã để cho nhiều thành phần dân chúng trốn lậu sang nước Mỹ).
Nên nhớ là sau khi chính thức tham dự vào cuộc chạy đua vào Toà Bạch Ốc hồi tháng 6 vừa qua, ông Trump đã không ngần ngại nêu đích danh những di dân gốc Mễ là thành phần “đầu trộm đuôi cướp”, “những kẻ hãm hiếp” v.v. Tuy có bị phản ứng quyết liệt của nhiều cơ quan truyền thông như NBC, Telemundo và nhiều tổ chức, công ty tư nhân khác tẩy chay nhưng tiếng tăm của ông vẫn nổi trội trong các cuộc thăm dò dư luận với tỉ lệ luôn là người về đầu, bỏ xa các đối thủ khác. Và sự xuất hiện của ông vẫn thu hút nhiều khán giả đến tham dự trong các buổi mít-tinh khắp nơi, đặc biệt là ở các tiểu bang miền Nam có đông nhóm di dân lậu.
Trước những lời lẽ chỉ trích những chính trị gia nắm quyền lâu năm là những thành phần bất tài, gần như không có một đối thủ nào trong cuộc tranh luận lên tiếng phản đối chiếu lệ hoặc là bênh vực cho thành tích của mình như là công cụ đắc lực để phục vụ lý tưởng cải thiện dân sinh. Ông Jeb Bush có nói chút ít về sức mạnh của những chính sách cải tổ giáo dục.Ông Kasich cũng có nói đôi điều về sự hiệu nghiệm của nhiều chính sách dân sinh nâng cao đời sống của giới nghèo. Hoặc là ông Christie cũng hô hào về kế hoạch của ông muốn cải tổ chế độ An sinh Xã hội. Nói chung, luận điệu của họ cũng na ná như những lời biện luận của một chính trị gia tài ba khác là Bill Clinton, nhưng có điều yếu kém và không hay ho bằng, bởi vì dù sao ông Clinton khi đưa ra những lời kêu gọi cải tổ chính sách thì bao giờ cũng hô hào kèm theo với những lời biện minh hùng hồn cho vai trò của chính quyền trong sứ mạng đem lại phúc lợi cho người dân.
Vì thế cho nên lần này, các ứng viên của đảng Cộng Hoà gần như “đứng lặng chết trân” để cho ông Trump mặc tình chê bai tất cả những chính trị gia đang phục vụ trong chính quyền như là những kẻ “bất tài vô tướng”. Chẳng hạn như ông Kasich, với thành tích đã từng làm dân biểu liên bang trong suốt 18 năm dài và sau đó đắc cử 2 nhiệm kỳ thống đốc tại Ohio. Khi được hỏi cảm nghĩ ra sao về nhận định của ông Trump cho rằng các lãnh tụ của Hoa Kỳ đều ngu ngốc, ông Kasich còn có phần ngợi khen nữa: “Tôi nghĩ chúng ta cũng cần học nhiều điều từ ông Donald Trump. . . Mọi người chúng ta ai cũng có những giải pháp.”
Theo nhận định của nhà báo Matt Bai, bình luận gia chính trị của diễn đàn Yahoo News, có lẽ những ứng viên nghiêm túc của đảng Cộng Hoà đều không muốn “đổ dầu vào lửa” để cho tiếng nói của Donald Trump được vang dội thêm nữa khi lên tiếng “ăn thua đủ” với ông ta. Có thể họ tiên đoán rằng thế nào thì hiện tượng Trump này cũng “sớm nở tối tàn”, và như vậy thì họ sẽ chẳng có cơ may trong tương lai thu hút được những ủng hộ viên của ông Trump nếu như họ tỏ ra là kẻ thù công kích ông ta vào lúc này.
Điều đáng trách là cũng không có một ứng viên nào dám can đảm nói cho ông Trump biết rằng việc chỉ trích như ông thì quá dễ, ai làm cũng được, nhưng điều quan trọng hơn hết là những lời chỉ trích của ông hoàn toàn sai trái. Bởi vì việc tham gia trong chính quyền, việc đề ra những chính sách điều hành có tầm mức quan trọng, đòi hỏi người nhập cuộc phải “lao tâm tổn trí” chứ không phải là đơn giản “ngồi mát ăn bát vàng”. Và vì thế nên ông ta cần phải biết rõ công việc điều hành chính quyền phức tạp ra sao trước khi ngoác mồm để chỉ trích tất cả những chính trị gia đã bỏ suốt đời và sự nghiệp để phục vụ trong chính quyền.
Đã đành là không phải bất cứ nhân vật tham chính nào (dù là được đắc cử hay được bổ nhiệm vào chính quyền) cũng đều là những người tài ba xuất chúng. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ đều ngu ngốc, có chăng là nó chứng tỏ rằng họ đã cam kết theo đuổi con đường này. Trong lúc ông Trump thoải mái ngồi trong các phòng thu hình trong các chương trình truyền hình mua vui để ông mặc sức phê phán hoặc sa thải các thí sinh, thì đa số các chính trị gia khác trong chính quyền đang phải ngày đêm đắn đo trước nhiều quyết định ảnh hưởng đến sự an nguy hoặc phúc lợi của hàng triệu gia đình người dân tại Hoa Kỳ.
Cũng trong cung cách “ăn nói bạt mạng” như trên khi chỉ trích đủ mọi thành phần trong xã hội, vốn là điều tạo tiếng vang khiến ông Trump luôn dẫn đầu trong những cuộc thăm dò dân ý gần đây trong khối cử tri bảo thủ, lần này người dân cũng được dịp chú ý đến những lời chỉ trích khá thô bạo của ông đối với phụ nữ, mà nạn nhân chính là nữ xướng ngôn viên Megyn Kelly của đài FOX News, cũng là 1 trong 3 người trong ban điều hợp để đặt các câu hỏi cho các ứng viên. Nhiều lời bình luận được đưa ra sau đó, đi kèm với nhiều bài báo phân tích khá kỹ lưỡng về biến cố này, để hiểu vì sao ông Trump lại có những lời phát ngôn táo tợn như vậy, và quan trọng hơn hết, là liệu những lời chỉ trích nặng nề cay độc như vậy có làm cho uy tín của ông tụt giảm chút nào hay không. Bởi vì cho đến nay, hầu như tất cả những tiên đoán về hậu quả tai hại của những lời phát biểu chỉ trích tứ tung của ông Trump cũng đều chưa hiện thực đúng như nhiều chuyên gia bình luận, một hiện tượng mới lạ và hi hữu trong chính trường bầu cử tại Hoa Kỳ.

MỘT CUỘC ĐỐI ĐÁP HI HỮU
Một ngày sau cuộc tranh luận diễn ra, ông Trump đã xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN để quả quyết rằng cô phóng viên Megyn Kelly đã cố ý “chơi” ông ta trong cuộc tranh luận vừa rồi và sau đó còn đưa ra một giả thuyết để phân tích lý do. Đó là khi ông phát biểu: “Cô ta mới lên tiếng thì bắt đầu hỏi tôi những câu hỏi lố bịch. Anh thấy đó, máu cô ta nổi xung lên, máu vọt ra từ mắt, máu cũng vọt ra từ chỗ . . . của cô ta, chỗ nào đó trên người.
Cái chỗ . . . máu chảy ra nào đó tuy không nói ra, nhưng lại được hầu hết các nhà báo Mỹ hiểu theo cùng một nghĩa duy nhất. Họ đều suy luận rằng ông Trump muốn ám chỉ cô phóng viên xinh đẹp Kelly có lẽ đang “có tháng”, cho nên tâm tính con người dễ thay đổi bất thường mỗi khi chu kỳ kinh nguyệt của họ bị xáo trộn, và từ đó mới dẫn đến những câu hỏi kỳ quặc như vậy đối với ông Trump, không xứng đáng là những câu hỏi bình thường của một nhà báo nghiêm túc.
Thật ra, câu hỏi của cô Kelly cũng không có gì là kỳ quặc, tuy rằng nó có phần hơi nhức nhối, và có thể được hiểu theo nghĩa là “gài bẫy”, hoặc “chơi xấu” người được hỏi theo suy nghĩ của những người ủng hộ ông Trump. Chính vì vậy mà ông Trump đã chê bai cô ta là hạng “tép riu” (lightweight), và sau đó, một thỉnh nguyện thư trên mạng Change.org đòi loại bỏ cô Kelly ra khỏi danh sách các nhà báo tham dự trong các cuộc tranh luận từ nay về sau đã xin được gần 30 ngàn chữ ký chỉ trong vòng có 2 ngày đầu.
Câu hỏi đầu tiên của nhà báo Kelly đã phanh phui ngay bản chất xem thường phụ nữ của ông Trump cho mọi người được biết khi cô chất vấn: “Ông thường gọi những phụ nữ mà ông không ưa thích là ‘heo nái, là đồ chó, là những thú vật ghê tởm’. . .”
Ông Trump đã vội cắt ngang câu hỏi để biện minh: “Tôi chỉ nói đến cô Rosie O’Donnell mà thôi”. Ông vừa nói vừa cười tươi một cách rất “ăn tiền” với nhiều khán giả đã từng quen thuộc với hình ảnh của ông xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình ăn khách như “The Apprentice”.
Nhưng cô Kelly cũng không vừa, và nhanh chóng trả đũa: “Có bằng chứng thu thập đàng hoàng, không phải chỉ có Rosie O’Donnell không thôi đâu. Trang mạng Twitter của ông cũng có nhiều lời lẽ phê bình một cách trịch thượng bề ngoài của các phụ nữ. Ông cũng đã từng phát biểu với một cô thí sinh dự thi trên chương trình ‘Celebrity Apprentice’ rằng nếu như cô chịu quỳ gối xuống thì chắc là hình ảnh sẽ đẹp lắm. Theo ông thì đây có phải là tâm tính của một người đàn ông mà dân chúng nên bầu làm tổng thống? Và như vậy thì ông sẽ trả lời ra sao đối với bà Hillary Clinton, nhiều phần sẽ là ứng viên của đảng Dân Chủ, nếu như bà ấy chất vấn rằng ông là một thành phần trong cuộc chiến chống lại phụ nữ?
Cách trả lời sau đó của ông Trump được nhiều chuyên gia đánh giá là cách “ứng xử thần sầu” của những ông chủ có đầu óc “gia trưởng”, luôn xem thường những lời cáo buộc về óc kỳ thị nam nữ để nhanh chóng quay lại tấn công người buộc tội mình. Thứ nhất, ông đã cắt ngang lời của cô Kelly với lời xác nhận rằng ông ta chỉ có chê bai cô Rosie O’Donnell mà thôi, với ngụ ý rằng lời chất vấn của cô Kelly không đáng tin cậy.
Nhưng thực tế khác hơn nhiều so với lời thú nhận của ông Trump. Trước đây, khi một nữ luật sư xin được tạm nghỉ trong một phiên lấy khẩu cung trong cuộc tranh tụng để đi ra ngoài bơm sữa cho đứa con nhỏ 3 tháng, ông Trump đã chê bai đó là một điều “ghê tởm” (disgusting).
Trong cuộc tranh luận, ông Trump phản pháo rằng lời cáo buộc của cô Kelly chỉ mang tính chất bắt bẻ về hình thức ăn nói cho phải phép trên chính trường, thường gọi là “political correctness”, chứ không có nội dụng thực sự là một điều gì sai trái khi ông biện luận: “Tôi nghĩ rằng vấn nạn lớn cho đất nước chúng ta là cứ chú ý về chuyện hình thức ăn nói cho phải phép. Tôi đã bị nhiều người thử thách trên chuyện đó, nhưng tôi cũng không có thì giờ để bận tâm về chuyện ‘political correctness’ này.Và nói thật cho cô nghe, đất nước này cũng không có thì giờ để lo chuyện đó.
Và vì thế cho nên người bị cáo buộc không có gì phải bận tâm đến nó vì họ chứng tỏ mình còn phải lo giải quyết nhiều vấn đề trọng đại hơn nhiều. Với lối xoay trở nhanh nhẹn như vậy, ông Trump, giống như nhiều chủ nhân bị cáo buộc về tội gia trưởng xem thường phụ nữ, có thể biến mình thành một nhân vật quan trọng, lúc nào cũng bận rộn giải quyết các hồ sơ chính yếu, nói một cách bình dân là “rỗi hơi đâu để chú ý đến ba cái chuyện lẻ tẻ”.
Nếu như kiểu này chưa đủ sức thuyết phục, ông Trump liền bồi thêm một cú nữa, khi nói rằng những lời lẽ có phần xem thường phụ nữ như trên chỉ là lối “nói đùa mà thôi” (just for fun). Lối biện luận kiểu này có thể biến kẻ cáo buộc trở thành như là một kẻ khó tính, không có óc khôi hài mà chỉ thích bắt bẻ những chuyện tiểu tiết.
Sau cùng, ông Trump quay sang tố ngược lại rằng nếu như cô Kelly cáo buộc ông ta về cung cách đối xử với phụ nữ không được hay ho cho lắm, phải chăng là vì chính cô ta đã không ưa thích gì cá nhân ông, và muốn lợi dụng cơ hội này để tấn công: “Nói thật nhe cô Megyn, nếu như cô không thích như vậy thì tôi cũng đành lấy làm tiếc. Từ trước đến nay, tôi đã rất tử tế với cô, mặc dù tôi có thể không cần tử tế như vậy, xuyên qua cung cách cô xử sự với tôi. Nhưng mà tôi chẳng thèm làm điều đó đâu.”
Tuy nói như vậy, nhưng ông Trump liền sau đó đã làm đúng cái điều mà ông nói rằng chẳng thèm làm, xuyên qua câu nói tấn công cô Megyn Kelly trong cuộc phỏng vấn trên đài CNN vào ngày hôm sau với câu cáo buộc “máu chảy ra từ cái chỗ . . . nào đó trên người.” Đến khi nhiều nhà báo bình luận và cho rằng tại sao một ứng viên tổng thống lại có thể buông ra những lời lẽ tầm thường và thô tục như vậy, ông Trump cũng nhanh chóng phản pháo khi nói rằng chỉ có những kẻ bệnh hoạn mới nghĩ rằng ông ta muốn ám chỉ cô Kelly đang “có tháng”: “Khi tôi nói máu bật ra từ mắt của cô ta, máu chảy ra từ chỗ . . . nào đó nữa, . . . là tôi nói đến chuyện máu chảy ra từ mũi của cô ta.” Đúng là khẩu khí của một chính trị gia rất ma-lanh, quỉ quyệt, chuyện gì cũng có thể nói được theo kiểu ăn nói bạt mạng.

CHIẾN DỊCH CỦA FOX NEWS NHẰM HẠ BỆ DONALD TRUMP?
Liệu những lời nói kiểu này có làm cho uy tín của ông Trump tụt giảm đáng kể hay không, chúng ta phải chờ đợi phản ứng của dân chúng ra sao trong những ngày tháng tới, đặc biệt là khối cử tri bảo thủ trong đảng Cộng Hoà, đang là thành phần được chú ý đến trong các cuộc thăm dò dân ý. Tuy nhiên, khách quan mà nói, những lời phỏng vấn của cô Kelly, cùng với hai nhà báo khác của đài truyền hình FOX News là Bret Baier và Chris Wallace, đều có cùng nội dung dẫn đến những câu trả lời rất bất lợi cho ông Trump. Và do đó, nhiều người bắt đầu đặt ra câu hỏi phải chăng đã có một nỗ lực nào đó từ bên trong của ban biên tập đài Fox hoặc là chủ nhân của đài là nhà tỷ phú Rupert Murdoch cũng muốn kềm hãm lại “con ngựa không cương” Donald Trump đang phóng như bay trên chính trường bầu cử hiện nay mà người ta không tiên đoán nổi hậu quả có thể tai hại ra sao đối với hy vọng của đảng Cộng Hoà.
Thật vậy, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là đã nhằm gây khó khăn cho ông Trump trước một cử toạ trên toàn quốc của những cử tri đảng Cộng Hoà khi ông Bret Baier đặt vấn đề: “Trong các ứng viên trên sân khấu này, có người nào dám đưa tay lên để nói rằng mình không sẵn sàng cam kết sẽ ủng hộ người sau cùng sẽ được lựa chọn là ứng viên chính thức của đảng Cộng Hoà, và do đó họ sẽ không ra ứng cử như là một ứng viên độc lập để chống lại ứng viên chính thức này?
Trước đó, ông Trump đã từng nhiều lần nói rằng ông ta không chịu cam kết như vậy, ngụ ý là nếu như đảng Cộng Hoà không lựa chọn ông, thì ông cũng có thể tự mình ra ứng cử vì ông có dư tiền để vận động, không cần phải ngửa tay xin tiền của những thế lực nào khác (như hầu hết các ứng viên còn lại của cả 2 đảng Cộng Hoà cũng như Dân Chủ). Và chính nét độc lập ngang ngược này cũng là một yếu tố then chốt thu hút phần lớn nhiều người bảo thủ cực đoan muốn ủng hộ ông ta, khi họ không hài lòng đối với các chính trị gia cầm quyền khác mà họ cho là “cá mè một lứa”.
Cho nên câu hỏi trên chỉ có mục đích duy nhất là nhằm “hạ nhục” ông Trump một cách công khai để cho mọi cử tri đảng Cộng Hoà thấy rằng ông Trump không phải là một người trung thành với đảng. Nhất là khi ông Baier còn giải thích rõ thêm nữa: “Các chuyên gia đều tin rằng một cuộc xuất hiện của một ứng viên độc lập coi như sẽ đem lại chiến thắng cho phe Dân Chủ và một người khác tên là Clinton sẽ được đắc cử. Như vậy mà tối nay ông cũng không chịu nói rằng ông không thể cam kết sẽ không ra hay sao (như là một ứng viên độc lập)?
Câu hỏi của nhà báo thứ 3 trong ban tổ chức của FOX News cũng chỉ có mục đích duy nhất là hạ phẩm giá của ông Trump cho mọi người đều thấy rõ, đó là khi ông Chris Wallace đặt ra câu hỏi: “Ông Trump, mọi người đều biết là ông nói rằng chính phủ Mễ Tây Cơ đã gửi những thành phần phạm tội như hãm hiếp, buôn lậu ma tuý v.v. chạy trốn qua biên giới để vào nước Mỹ. Ông đã nhiều lần nói rằng mình có những bằng chứng rõ ràng, nhưng ông chưa hề đưa ra cho mọi người biết. Vậy thì tại sao ông không dùng cơ hội của cuộc tranh luận này giữa các ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hoà để đưa ra những bằng chứng cho mọi người dân Mỹ biết được?
Đã thế, công cuộc “hạ bệ” ông Trump không chỉ ngừng ở những câu hỏi của 3 người trong ban biên tập đài Fox. Liền sau khi cuộc tranh luận kết thúc, đài Fox cũng quay hình ngay sang một nhóm khán giả đang theo dõi cuộc tranh luận để được lắng nghe tiếng nói bình phẩm của họ dưới sự điều động của chuyên gia tham dò dân ý Frank Luntz. Toàn bộ những người tham dự đều nói rằng trước khi bắt đầu cuộc tranh luận, họ đều ưa thích ông Trump nhưng liền sau đó đã quay sang chỉ trích ông ta do những lời lẽ được đưa ra trong cuộc tranh luận.
Phải gọi đây là 1 chiến dịch hạ bệ vì không thể có sự tình cờ khi mà cả 3 nhà báo chính trong ban tổ chức cuộc tranh luận của đài FOX lại nhắm vào ông Donald Trump để chất vấn những câu hỏi rất bất lợi cho ông, nhất là khi còn đến 9 ứng viên khác cùng xuất hiện và đáng lý ra thì họ cũng phải bị chất vấn tương tự nhưng thời gian quá eo hẹp trong 2 giờ đồng hồ của cuộc tranh luận không cho phép.
Điều khá ngộ nghĩnh và đáng chú ý nhất là dường như chính đài FOX News là cơ quan truyền thông đã đánh bóng, thổi phồng ông Trump mạnh mẽ nhất trong thời gian trước đó để biến ông ta trở thành 1 nhân vật lôi cuốn sự chú ý của đông đảo khán giả. Đài Fox từ nhiều năm qua đã luôn tự hào về sự thành công của mình như là 1 đài truyền hình có số lượng khán giả theo dõi đông đảo nhất, và khi số người theo dõi đông thì đài cũng dễ thu tiền nhiều hơn nhờ quảng cáo thương mại.
Theo nhà báo Erza Klein phân tích trong một bài báo trên diễn đàn Vox.com đề ngày 9/8 mới đây, nhiều phần là nhân vật chủ động chiến dịch hạ bệ Donald Trump lần này không ai khác hơn chính là chủ nhân của hệ thống truyền thông này, nhà tỉ phú Rupert Murdoch. Điều trái khoáy là sự nổi bật của Donald Trump trong thời gian ngắn vừa qua lại chính là do thành tích của nhiều nhà báo, phóng viên của đài Fox News, dưới sự điều động của một nhà truyền thông lão thành, đó là tổng giám đốc Roger Ailes của hệ thống FOX News.
Thật vậy, cho đến khi những gì xảy ra vào tối thứ Năm của cuộc tranh luận, đài Fox News được coi như là một trong những đồng minh quan trọng nhất cho Donald Trump. Theo quan sát của cơ quan Media Matters thì trong khoảng thời gian từ đầu tháng 5/2015 cho đến cuối tháng 7 vừa qua, Donald Trump là người được cho xuất hiện nhiều nhất trong số các ứng viên đảng Cộng Hoà, có mặt tổng cộng đến 31 lần trên màn hình của đài Fox; trong lúc đó ứng viên gạo cội khác là ông Jeb Bush chỉ được xuất hiện có 7 lần trong cùng thời gian.
Không những chỉ được cho xuất hiện nhiều lần, một hình thức quảng cáo không công rất đắc lực ở thời điểm vận động bầu cử, nhiều xướng ngôn viên điều khiển trên các chương trình hội luận trên đài Fox cũng luôn bênh vực ông Trump trong khi hầu hết giới truyền thông đều đả kích những lời bình phẩm “ăn nói bạt mạng” của ông ta. Khi ông Trump chỉ trích nước Mễ Tây Cơ chuyên gửi những thành phần tội phạm, hãm hiếp sang nước Mỹ, thì cô Monica Crowley của đài Fox lại nói rằng ông Trump “chỉ nói những gì cần phải được nói ra”.
Khi ông Trump chê bai nghị sĩ John McCain chẳng có gì là anh hùng bởi vì đã bị quân Việt Cộng bắt giữ làm tù binh, phóng viên Steve Doocy của đài Fox News cũng biện minh: “Nếu quý vị nghe đầy đủ lời của ông ta thì sẽ thấy là ông Trump không hề chỉ trích cá nhân một cựu quân nhân anh hùng trong thời chiến, mà ông ta chỉ chê bai thành tích của nghị sĩ McCain mà thôi.
Một xướng ngôn viên khác của Fox News trên chương trình “The Five” là ông Erik Bolling cũng khen ngợi với lời bình luận: “Tôi rất thích những gì ông ta đang nói. Tôi thích những gì ông ta đang làm.” Một bình luận gia nổi tiếng của Fox News là Sean Hannity còn đưa ra lời khen ngợi tốt đẹp nhất khi so sánh Donald Trump với Ronald Reagan (thường được xem như là lãnh tụ anh hùng của khuynh hướng bảo thủ và đảng Cộng Hoà): “Một trong những hình ảnh vĩ đại của TT Ronald Reagan xảy ra trong cuộc họp thượng đỉnh tại Reykjavik khi ông ta bị người đối tác là lãnh tụ Gorbachev của Liên Sô thúc ép để từ bỏ Chiến lược Phòng Thủ mà nhiều giới cấp tiến hay chỉ trích là chiến lược Stars Wars (Cuộc Chiến các vì Sao). Nhưng ông Reagan đã thẳng thắn nói ‘Nyet’ (Không) và bước ra khỏi bàn thương nghị. Cung cách này cũng giống như nghệ thuật điều đình của Donald Trump.
Thế nhưng cũng có ít nhất 1 người trong đài Fox News không thích ông Trump, và điều này cũng tạo ra một sự mâu thuẫn bên trong nội bộ của cơ quan truyền thông này theo như lời tiết lộ của nhà báo Gabriel Sherman trong một bài viết trên tờ New York Magazine vào ngày 22/7 vừa qua. Nhiều nguồn tin nội bộ tiết lộ rằng nhà tỷ phú Rupert Murdoch, chủ nhân của hệ thống Fox, đã cố gắng nhưng không thành công áp lực Tổng giám đốc của đài Fox News là ông Roger Ailes để ngăn chặn việc thổi phồng và đánh bóng Donald Trump. Mới đây, ông Ailes đã chia sẻ với các viên chức cao cấp của ban giám đốc rằng ông Murdoch đã gọi cho ông để hỏi xem rằng liệu đài Fox có nên hay không rút lại việc tường thuật quá nhiều về nhân vật Trump. Trước đó, ông Ailes đã không ngần ngại khoe rằng việc tường thuật đánh bóng cho Trump trong thời gian qua là do chính ông ta chủ động theo đúng như ý mình muốn.
Việc ông Murdoch không hài lòng ông Trump cũng được mọi người biết đến khi ông ta đã không dằn lòng để viết trên mạng Twitter của mình câu bình phẩm: “Đến bao giờ thì Donald Trump mới chịu chấm dứt các trò hề làm các bạn của ông phải xấu hổ, nói gì đến cả 1 đất nước cũng phải xấu hổ lây theo?” 
KẾT QUẢ THĂM DÒ SAU CUỘC TRANH LUẬN
Mặc dù bị 3 nhà báo của ban tổ chức FOX News hỏi những câu cắc cớ thấy rõ nhằm hạ gục Donald Trump (chưa kể đến những đòn tấn công từ các đối thủ khác như nghị sĩ Rand Paul), nhưng dường như uy tín của ông ta (đối với cử tri bảo thủ phe Cộng Hoà) vẫn không có dấu hiệu bị sứt mẻ nặng như nhiều chuyên gia tiên đoán (và những tiên đoán này đã bị sai lầm từ vài tháng qua trong phạm vi này).
Những cuộc thăm dò mới nhất được thực hiện (với khối cử tri dự trù bỏ phiếu sơ bộ bên đảng Cộng Hoà) vào các ngày cuối tuần vừa qua, liền sau khi cuộc tranh luận kết thúc, đều cho thấy là ông Trump vẫn luôn dẫn đầu và bỏ xa các đối thủ khác. Một vài ứng viên khác cũng có tỉ lệ tăng vọt bất ngờ, phần lớn là nhờ vào thành tích ứng khẩu lưu loát và thông minh trong cuộc tranh luận dưới mắt nhìn của khán giả.
Cuộc thăm dò đầu tiên của 2 cơ quan NBC và SurveyMonkey cho thấy ông Trump vẫn về đầu với tỉ lệ 23%, tăng chút ít với tỉ lệ 22% vào tuần trước. Tỉ lệ sai sót là 3.4%.
Cuộc thăm dò thứ nhì của cơ quan Morning Consult cho thấy tỉ lệ ủng hộ của Donald Trump tăng vọt từ 25% (tuần trước) lên đến 32%. Hãng thông tấn Reuters cũng đưa ra kết quả một cuộc thăm dò toàn quốc cho thấy mức ủng hộ cho Donald Trump vẫn vững bền, tuy rằng tỉ lệ sai sót hơi cao là 6.7%.
Và cơ quan Public Policy Polling cũng đưa ra kết quả cuộc thăm dò tại tiểu bang Iowa, là nơi sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu đầu tiên vào năm 2016, cho thấy ông Donald Trump cũng về đầu với 19%, bỏ xa người về nhì là bác sĩ Ben Carson với tỉ lệ 12%.
Theo nhận định của phần lớn các chuyên gia, một vài ứng viên được coi là vượt trội hơn hết trong hai cuộc tranh luận lần này đều có tỉ lệ ủng hộ tăng vọt: đó là Ben Carson, Marco Rubio, Ted Cruz, và bà Carly Fiorina (trong cuộc tranh luận phụ diễn ra cho 7 ứng viên lọt sổ). Tuy nhiên, điều khiến mọi người ngạc nhiên nhất vẫn là chuyện ông Donald Trump tiếp tục về đầu, cho dù những lời đối đáp của ông tiếp tục là đề tài gây nhiều tranh cãi sôi nổi nhất, đặc biệt là lời bình luận của ông về cô Megyn Kelly khá “bạo mồm bạo miệng” về chuyện “thấy máu chảy ra từ khoé mắt, chảy ra từ chỗ . . . nào đó nữa”.
Tưởng cũng cần nói thêm là một số các bình luận gia tỏ vẻ nghi ngờ về tính xác đáng của một số các cuộc thăm dò này vì nó được thực hiện theo hình thức Online, tức là phỏng vấn trực tuyến qua mạng truyền thông Internet. Từ nhiều năm qua, những cuộc thăm dò Online thường bị đánh giá là không hoàn toàn chính xác vì chỉ phản ảnh được ý kiến của giới trẻ, vốn là thành phần có kiến thức và thói quen lên mạng Online, và vì thế nên không được coi là phản ảnh trung thực của 1 mẩu sampling tiêu biểu của quần chúng.
Tuy nhiên, gần đây các cuộc thăm dò Online này cũng đã đem lại những kết quả khá chính xác. Chẳng hạn như trong kỳ bầu cử toàn quốc tại Mỹ vào cuối năm 2014, và cuộc bầu cử quốc hội tại Anh mới đây, cuộc thăm dò của SurveyMonkey đã đưa ra kết luận rất đúng với kết quả sau cùng, trong khi đa số các cuộc thăm dò khác theo truyền thống cũ đều đã bị hố khá nặng.
Kết quả của 2 chiến dịch đối chọi này sẽ ra sao, có lẽ cũng phải chờ thời gian sắp tới để biết rõ hơn.Tuy nhiên, trong chính trường (cũng như trong chiến trường và tình trường), có nhiều điều người ta không thể ngờ được. Và trong trường hợp này, nhiều người tự hỏi rằng phải chăng đài FOX News, tiếng nói hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho đảng Cộng Hoà trong khoảng hai thập niên qua, phải chăng đã tạo ra một quái kiệt nổi tiếng là Donald Trump, tương tự như nhà khoa học Frankenstein trong tiểu thuyết đã tạo ra một quái vật có sức mạnh khủng khiếp, trước hết là để gây kinh hãi cho nhiều người khác, nhưng rồi cuối cùng người sáng chế ra nó đã không thể kiểm soát nổi nữa, khiến cho con quái vật này cũng quay sang tấn công chính chủ nhân của nó.
Hiện tượng hay quái kiệt Donald Trump có lẽ là sản phẩm của một đài truyền hình bảo thủ cực đoan thích khai thác phong trào phản kháng quá khích của khối cử tri bảo thủ vô lối, để rồi nó lớn mạnh khiến họ không còn khả năng kiểm soát hay khống chế được nữa. Phải chăng đây là cái hậu quả tất nhiên phải xảy đến, theo nghĩa của nhà Phật thường hay nói, đó là “gieo gió thì gặt bão”. 

Mai Loan