Wednesday, 19 August 2015

“Về Đâu Sóng Dữ Biển Đông”



Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Khỏi cần bàn đến thái độ quyết liệt dàn chào của cộng đồng người Việt hải ngoại tại Washington D.C tháng 9 này (ngoại trừ ở trong nước cũng tính hòa nhịp theo, sao không hỡi những tinh thần “Ngày Mai Tới Hoàng Sa”, hoặc No-U Sài Gòn, No-U Hà Nội?) ở đây chúng ta có thể tiên đoán chuyến đi Mỹ của Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình là cố làm giảm bớt sự căng thẳng, khác biệt về chính những tham vọng độc chiếm Biển Đông, vùng lưỡi bò chín đoạn mà ai cũng biết thuộc ngoại vi lãnh thổ của Tàu.
Nguy cơ nào hay đã là hiện thực?

Trước đây không lâu, để dọn đường cho cuộc gặp gỡ viếng thăm này, Ngoại trưởng Tàu cộng Vương Nghị tưởng là che giấu được những dã tâm của mình, đại khái nói rằng Bắc Kinh đã dừng lại những xúc tiến đảo nhân tạo. Dĩ nhiên không ai không biết họ nói một đàng làm một nẻo, và luôn miệng tỏ ra mình là “nạn nhân” của những xung đột giành giựt chủ quyền, cũng như sẵn sàng hợp tác thỏa đáng những đường dây nóng ngoại giao, để cùng giải quyết những trường hợp khẩn cấp ở Biển Đông v.v...

Trên thực tế thì theo Đô đốc Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương là Harry Harris, đã khẳng định rằng chính đây là những tiền-đồn-tiềm-năng của quân đội Tàu Cộng. Hôm 13/8/2015, Đại Sứ Tàu cộng tại Phillippines là Triệu Giám Hoa vẫn luôn miệng cho rằng Bắc Kinh lúc nào cũng tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông. Sự việc họ “cảnh báo” tới 8 lần máy bay Mỹ vần trên không phận quốc tế hôm tháng 5 vừa rồi, theo ông này là vì “Bắc Kinh sẽ không cho phép nước ngoài dùng quyền tự do hàng hải để đưa tàu chiến và máy bay quân sự xâm nhập vào khu vực”, mà dĩ nhiên theo ông ta là “lãnh hải của Trung Quốc”.

Một nhận định làm chúng ta phải suy nghĩ và liên tưởng đến câu khuyên bảo chí lý của cố Thủ Tướng Singapore Lý Quang Diệu là chỉ có ngu mới chống Mỹ. “Không thể có hai bá chủ cùng một lúc trong cùng một khu vực ảnh hưởng, chiến tranh có thể sẽ nổ giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông”, G.S ngành Quan Hệ Quốc Tế ở Texas là ông Christopher Layer đã nói khá chắc nịch như thế.

Không đòi, ai trả núi sông ta?

Không ngờ một câu thơ cũ của Vũ Hoàng Chương lại quá thích hợp với những trăn trở, ray rứt của những người con dân Việt yêu nước hôm nay. Cũng như 2 câu thơ của nhà thơ “Ta Đợi Em Từ 30 Năm” này, Vũ Hoàng Chương đã rất tiên tri về những hình ảnh bất định của những thuyền nhân Việt Nam: “Nhổ neo rồi thuyền ơi xin mặc bến. Xô về Đông hay lặn ở phương Đoài?” khi một nửa triệu thuyền nhân đã bỏ mình trên biển cả.

Ở nước ta thì chừng như chẳng ai muốn đòi, “dám” đòi mà còn chỉ muốn dâng, muốn nhượng. Một mặt không dám nêu tên đích thực thủ phạm, mà chứ phải e ngại chạy lòng vòng nào là Tàu lạ, Nước lạ, Người lạ..., rồi thì tất cả thay phiên nhau ùn lại món nợ bảo vệ đất nước, máu xương của tiền nhân để lại, mặc cho con cháu nai lưng gánh chịu. Mới đây Phó Chủ Tịch Quốc Hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng xuống giọng thiểu não, và gần như vô can vô trách nhiệm: “Nhiều lần ta cũng nghĩ tới việc lấy lại, nhưng trong lúc này chưa thể lấy lại được. Để đời con đời cháu chúng ta lấy lại. Trung Quốc bây giờ họ củng cố gần như bất khả xâm phạm rồi.”Còn Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam thì vừa rồi tính đốt tiền mà không đốt thần tượng dự định bỏ 1400 tỉ đô “xây Boác” mà không củng cố, “xây” được niềm tin của bất cứ ai, đâm ra lại đốt triển vọng trèo lên cây cao chức vị của mình nhưng cú thất thế té nặng nhất vẫn là câu tuyên bố nhão như bún thiu này: “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam... Đời tôi và các bạn chưa đòi được thì đời con cháu chúng ta sẽ phải “đòi được”.

Khi không lại vơ luôn “các bạn” vào đây, trong khi các bạn tuổi trẻ Việt Nam đang vừa giật mình tỉnh ra vì một câu nói của một tuổi trẻ chí khí Hồng Kông: “Tôi không muốn cuộc đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông phải để cho thế hệ kế tiếp. Đây là trách nhiệm của chúng ta hôm nay.” (Hoàng Chí Phong, Joshua Wong).

Chí ít có ông Thiếu Tướng Nguyễn Thanh Tuấn tại Hội Nghị Việt Kiều về Biển Đông cũng có thể nói là gầy lại được chút nhiệt huyết, qua những lời phát biểu khá mạnh mẽ như: “Chủ quyền của Việt Nam là bất khả xâm phạm”, dù đôi lúc tôi thấy ông cũng phải ngấm ngầm cay cú: “Chúng tôi muốn đánh Trung Quốc nhưng không đủ sức... Vậy thì lúc nào cần đánh thì đánh như thế nào...”

Việt Nam là của Việt Nam!

“Về Đâu Sóng Dữ Biển Đông”, hay “Vì đâu” Sóng Dữ Biển Đông, có lẽ là những câu hỏi cũng đã tốn khá nhiều giấy mực, nước bọt, tâm trí của nhiều thức giả học giả, hoặc cơ quan chức năng nghiên cứu tìm tòi và lý giải. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, mọi tranh chấp vẫn chưa đi về đâu và đến đâu. Lý lẽ của kẻ mạnh là có thể ngồi trên cả chính nghĩa và lẽ phải, và lắm lúc không cần phải đo lường bằng những chứng minh lịch sử? Nếu họ thoái thác luật pháp quốc tế, và chúng ta cứ như bị một sợi dây thòng lọng nào quấn chặt, nên cũng sẽ tiếp tục ngụy biện, thay vì phản biện tới LHQ đàng hoàng và rốt cuộc chỉ dừng lại ở những cuộc Hội Nghị Biển Đông, cho dù có được mở ra với tầm vóc quốc tế thì cũng chỉ đáng khích lệ, nhưng cần phải thay đổi “kế sách” để có thể mạnh đủ mà tự vệ và nói chuyện hòa hoãn hòa bình được.

“Về đâu?”, khi những cáo buộc và những hung hãn xấn tới, trấn lột sự an ninh của khu vực vẫn tiếp tục, cung với giấc mơ Trung Quốc trỗi dậy vẫn luôn tiềm ẩn. HD-981 đã ngang nhiên trở lại và thì HD-982 vẫn sẽ ngang ngược dự trù vào năm 2016. Mỗi ngày trôi qua với não trạng hèn nhược và không một phép lạ thổi tới cho Việt Nam một minh quân biết đặt những lợi ích của dân tộc lên hàng đầu, và như thế sẽ là mỗi ngày chúng ta phải lần lượt đối diện với những nguy hiểm đe dọa. 16 chữ vàng và 4 tốt chỉ là lớp son phấn và không nghĩa lý gì!

Bài “Về Đâu Sóng Dữ Biển Đông?” có câu cuối: “Việt Nam là của Việt Nam!” nằm trong ý nghĩ Việt Nam không thể đánh mất chủ quyền đất nước, chủ quyền quốc gia, và dĩ nhiên chúng ta sẵn sàng từ chối thứ Hòa Bình giả hình giả nghĩa để “đánh giặc”, một khi chủ quyền độc lập của Việt Nam bị đe dọa tước đoạt. Nói chi đến sự toàn vẹn lãnh thổ của cha ông gìn giữ để lại. 

Trong bài phổ nhạc, nhạc sĩ Quốc Toản vì muốn giữ cái “melody” đang có, buộc sửa lại bằng tiếng kêu trầm thống, thất thanh “Việt Nam, Việt Nam...”, nghĩ cũng xoáy động không ít cho những nhắc nhở cuối cùng điều còn lại trong chúng ta.

Tại sao phải yếu mềm “muốn khóc”?

Như chưa bao giờ, Biển Đông trở thành tên gọi của những ám ảnh thường trực, không chỉ mất biển đảo mà là mất nước mất chủ quyền Tổ Quốc. Theo “logic”, CSVN còn, lũ bán nước khinh dân mà còn thì hẳn nhiên nước cũng sẽ không còn. Nước mất thì nhà tan và Việt Nam cũng sẽ không tài nào Thoát... Tàu, Thoát Hiểm Họa Thành Đô.

Ở đây một lần nữa chúng ta lại càng mặc định, như đã mặc định trước quốc tế phải dành đúng tên Southeast Asia Sea, hay the East Sea, thay cho cách gọi âm mưu của kẻ muốn nuốt trọn Biển Đông: “South China Sea”. Biển Nam Trung Quốc, hoặc Biển Hoa Nam, hay như thành phố đã bị mất tên, cuỗm tên Sài Gòn, mà có thể thế giới cũng vô tình quen miệng, quên bẳng sẽ có một ngày “Cái gì của Cesar phải trả lại cho Cesar”. Dù sao cũng không nên đánh phủ đầu thiên hạ bằng thứ tên gọi chói tai, áp đặt ngạo ngược như vậy.

Và bây giờ, bài thơ “Về Đâu Sóng Dữ Biển Đông?” cũng chính là những câu hỏi bất ổn chưa lời giải tỏa, để ca khúc này tiên phong có mặt, và Thế Sơn đã diễn tả, đã hát hay muốn khóc bằng cả xúc động của chính mỗi người con nước Việt.

“Muốn khóc”, tôi nghĩ bạn cũng sẽ cảm thấy như vậy, nếu bạn còn là một người Việt Nam vốn yêu thương gắn bó với đất nước nhược tiểu của mình, dù với dân số đứng thứ 12, 13 trên thế giới chứ ít ỏi gì cho cam (Dù “tượng đài” hay con người xi-măng Hồ Chí Minh đã có công nướng hết 1.7 triệu con số dân Việt, chỉ nói đến miền Bắc qua 24 năm cầm quyền kể từ 1945-1969, theo Polska Times “Thời Báo Ba Lan”).

“Muốn khóc” không hẳn vì lòng mình chùng theo một tiếng hát, một lời ca, một âm hơi giai điệu, hay thậm chí một vài hình ảnh trong “video clip” mà chính là những cảm giác bất lực, tủi phận và đau nỗi đau không gột rửa được của một con dân nước nhỏ mà không được biểu tỏ lòng yêu nước. 

Động cơ nào để thoát Tàu?

















Phải nói tệ nhất là chỉ viết hai bài nhạc chống Tàu cũng lãnh đủ 4 năm tù như Việt Khang và nhiều hơn thì 6 năm như Trần Vũ An Bình. Còn vô số những tù nhân lương tâm khác bị tống vô khám cũng chỉ vì thể hiện chính kiến chống quân xâm lược. Thử hỏi bao giờ nhà cầm quyền này mới chịu thả ra, mà không cần phải đi lùng bắt thêm để tỏ ra lấy điểm lấy lòng quan thầy, hay nói theo Boác Hồ thì là “đồng chí, anh em” của nhau?

Không trách ở Hà Nội cách đây không lâu lắm có một “loại” sinh viên khá quái đản, chắc là phải mắc bịnh hoang tưởng vì bị nhồi sọ tẩy não kinh niên, nên quyết tâm sẽ không nghe nhạc, mà chỉ chú tâm nghe những bài giảng về chủ nghĩa Mac-Lenin. Và cũng thật “chết người” khi cuối cùng được lãnh “món quà” (hay phát súng ân huệ?) là được kết nạp vào đảng CSVN, góp mặt vào con số hơn 3 triệu đảng viên tha hồ ra oai tác quái với hơn 90 triệu dân mình.

Trở lại nhạc phẩm này, nếu được Thượng Đế ghé mắt, cho “thấy” được Chủ tịch Tập Cận Bình từ xa xa như người-đi-trong-sương-mù vào tháng 9 này, có lẽ lúc ấy tôi sẽ nhanh nhẩu ước gì được vặn hết “volume” để mời “Ngài” rủ xuống tâm tư cho vui. Nói vậy chứ không tới được Bắc Kinh, chắc cũng tới được Ba Đình. Lý do tôi có nghe Trung Quốc vừa ra lệnh cấm tới 102 bài nhạc, có lẽ đa số thuộc dạng văn hóa đồi trụy như hôm nào tôi tớ Hán nô cũng đã tùng xẻo hết sách báo của miền Nam Việt Nam, và điều này cũng tàn nhẫn đâu kém thời nhà Tần đốt sách, nhưng đốt... nhạc như “Ngài” Tập mới thật là siêu nhân, danh nhân hay vĩ nhân của nhân loại. Ý tưởng lạ và thâm!

Bài ca này dù sao tôi tin sẽ không bị gặp số phận hẩm hiu như vậy. Có thể vì Biển Đông là đề tài nhức nhối nóng sốt được mọi người chú ý. Và một khi nó ra đời ở một đất nước Dân Chủ Tự Do, tôi nghĩ nó sẽ được lắng nghe và chia sẻ, chứ không bị cấm đoán trù dập. Tất cả chúng ta cần cất lên tiếng hát, tiếng lòng này để giữ lửa. 

Nói thật nếu những sự việc như giàn khoan HD-981, HD-982... cứ hống hách cắm vào thềm lục địa chủ quyền Việt Nam, và nhất là thái độ nhẫn nhịn, cam chịu, hèn nhát của Ba Đình thì khỏi tìm động cơ, dân Việt cũng sẽ đoàn kết để đứng lên. Có khi còn vươn tới ước mơ Minh Châu Trời Đông, hay con Rồng Châu Á cũng nên. 

Trong ý nghĩa đó, tôi xin được viết tặng như một nỗi đồng cảm bên nhau và cùng nhau. Bài nhạc không dưng bỗng rơi đúng thời điểm gợi hừng hực của chớm thu tháng tám lãng mạn như cách mạng. Lãng mạn và ngu ngơ hay u mê vì chỉ giỏi áp đặt phá hoại mà không xây dựng tiến hóa, nên đúng là... “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” thế mới đau cho dân tộc mình!


19.08.2015