Một tuần sau khi Bắc Kinh can thiệp vào thị trường ngoại hối để hạ giá đồng Nguyên, thị trường cổ phiếu của Trung Quốc lại rớt giá mạnh vào hôm Thứ Ba 18 khiến thế giới quan tâm đến một quốc gia có sản lượng đứng hạng thứ nhì thế giới, sau Hoa Kỳ và trước Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra ngoài, người ta còn thấy được triệu chứng đình trệ kinh tế toàn cầu, đó là sự sụt giá liên tục của các loại thương phẩm như nguyên nhiên vật liệu. Nguyên Lam sẽ tìm hiểu hiện tượng sụt giá ấy qua phần trao đổi sau đây với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về những nguồn thông tin xác thực hơn hệ thống thông tin của Trung Quốc.
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, một tuần sau khi lãnh đạo Bắc Kinh phá giá đồng Nguyên thì hôm Thứ Ba 18 vừa qua, cả thị trường cổ phiếu lẫn ngoại hối của Trung Quốc lại sụt giá mạnh, và gây biến động cho các thị trường Châu Á làm thế giới vô cùng lo ngại. Vì vậy, Nguyên Lam xin trở lại thị trường Trung Quốc và từ đó nhìn rộng ra ngoài, xem tình hình kinh tế toàn cầu sẽ xoay chuyển ra sao và làm sao ta biết được. Ông nghĩ sao về thắc mắc này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng chúng ta sẽ phải tìm hiểu hai chuyện là, thứ nhất điều gì đang xảy ra tại Trung Quốc, và thứ hai, có những thông tin gì cho chúng ta biết được về kinh tế trong tương lai?
- Về Trung Quốc thì ta nhớ rằng quốc gia này đang đi vào giai đoạn giao thời sau hơn 30 năm tăng trưởng thiếu phẩm chất và phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải. Vì bản chất độc tài của hệ thống chính trị, khi lãnh đạo Bằc Kinh xoay trở trước các bài toán thực tế thì họ không nói ra sự thật nên ta cần thấy ra một quy luật. Đó là “nếu Bắc Kinh phủ nhận việc gì thì việc ấy tất sẽ xảy ra!”
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đấy chỉ là hậu quả của việc chính trường muốn điều tiết thị trường mà thị trường cũng là nơi vận hành của tâm lý quần chúng với nhiều thông tin mau lẹ hơn trước đây.
- Khi chính trường hay giới lãnh đạo kinh tế mà nói rằng họ không can thiệp vào thị trường, hoặc như khi Ủy ban Quản lý Thị trường Chứng khoán Trung Quốc tuyên bố hôm Thứ Sáu 14, là sẽ để thị trường tự điều chỉnh, thì những ai quan sát động thái của nhà nước bèn kết luận rằng giá sẽ rơi. Đấy là điều vừa xảy ra trên thị trường chứng khoán.
- Nhìn sang thị trường ngoại hối, nếu chịu khó tìm hiểu tương quan tỷ giá của đồng Nguyên với ngoại tệ của các nước đối tác, thí dụ như qua “Chỉ số Thương mại Gia trọng”, là Trade-Weighted Index TWI để tính ra thực giá của một đồng bạc, ta có thể thấy đồng Nguyên vẫn còn quá cao giá, bình quân là tới 10%, và không thể được treo mãi trên đó. Nếu nhà nước Bắc Kinh mà nói rằng họ hết can thiệp vào thị trường thì người ta kết luận rằng tỷ giá hay hối suất của đồng bạc sẽ lại rớt. Kết quả là nhà nước lại lật đật can thiệp vào thị trường với nhiều tốn kém để chặn đà tuột giá cổ phiếu hay hối suất của đồng bạc!
- Chuyện thứ ba cũng nên để ý vì là một điển hình. Đó là vụ nổ tuần qua của các trung tâm hóa chất độc hại tại cảng Thiên Tân. Năm nay, Trung Quốc bị quá nhiều tai nạn dồn dập như vậy và điều ấy cho thấy hậu quả của nạn tăng trưởng thiếu phẩm chất và khả năng ứng phó rất kém của bộ máy công quyền. Nó cũng tệ như khi chính trường muốn điều tiết thị trường mà bị quật ngược! Kết luận chung về Trung Quốc là sau 30 năm cải cách kinh tế thì hệ thống quản lý cũ đã bị lỗi thời nên lãnh đạo đi từ khủng hoảng này qua khủng hoảng khác với đà gia tốc đáng ngại cho thiên hạ.
Nguyên Lam: Ông Nghĩa có vẻ tổng hợp được vài quy tắc quan sát và thẩm đoán về kinh tế và chính trị Trung Quốc nên ít ngạc nhiên vì những gì đang xảy ra tại đây. Bây giờ, thưa ông, ta bước qua phần hai là có chỉ dấu gì cho phép mình dự báo tình hình kinh tế thế giới trong thời gian tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta cũng vẫn phải khởi đi từ Trung Quốc, một xứ đông dân, đói ăn, khát dầu và thiếu nước nên cần nhập khẩu rất nhiều nguyên nhiên vật liệu, kim loại và cả lương thực kể từ khi được gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO.
- Vào năm 2002 là hơn 20 năm sau khi bãi bỏ chế độ tập trung quản lý kế hoạch và cải tổ kinh tế theo hướng cởi mở hơn trước, Trung Quốc được gia nhập tổ chức WTO. Đấy là lúc thế giới bị bất ngờ vì một chuyển dịch lớn của trật tự kinh tế thế giới. Khối công nghiệp tiến tiến Âu-Mỹ đã đẩy lãnh vực chế biến của họ qua Trung Quốc là nơi có nhân công rẻ và cần tạo ra việc làm cho mấy trăm triệu người được giải phóng khỏi nông thôn. Trung Quốc trở thành “công xưởng toàn cầu” và cần nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu từ bên ngoài. Ngày nay chẳng hạn, xứ này tiêu thụ hơn 40% sản lượng toàn cầu về đồng, thau, thiếc, chì và nhiều thứ kim loại ngoài sắt, lại còn tích trữ một khối lượng rất lớn nào là dầu, khí, quặng sắt và đủ mặt hàng thương phẩm, kể cả nông sản.
- Khi ấy, các nước sản xuất và xuất khẩu thương phẩm trên thế giới đều tin tưởng sẽ thành nhà cung cấp cho kinh tế Trung Quốc. Họ ào ạt đầu tư vào việc khai thác và sản xuất nguyên nhiên vật liệu qua các dự án quy mô, tốn kém và mất cả chục năm mới hoàn thành. Từ đó, thương phẩm đã lên giá vùn vụt, với cao điểm mà chúng ta còn nhớ là vào năm 2008. Thế rồi từ năm 2011, tức là 10 năm sau khi Trung Quốc gia nhập WTO thì tình hình đã khựng mà ít ai chú ý. Tình hình khựng lại chỉ vì lý do cung cầu, là cung cao hơn cầu. Thương phẩm bắt đầu tuột giá.
Nguyên Lam: Như ông vừa nhắc lại thì tình hình đã kém khả quan từ năm 2012, chứ không là điều gì mới lạ bất ngờ vừa xảy ra năm nay. Có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nhớ là vào năm 2011, diễn đàn của chúng ta đã rọi đèn vào giá đồng. Đồng là thứ kim loại tiêu biểu nhất vì không thể thiếu trong ngành chế biến hàng công nghiệp mà lại không có các “carten” hay liên minh làm giá của người mua kẻ bán như dầu thô, cho nên giá cả mới phản ảnh trung thực tương quan cung cầu. Giá đồng đã bắt đầu sụt từ đầu năm 2011 rồi và khi ấy tôi còn nghịch ngợm gọi kinh tế Trung Quốc là kinh tế “đồng nát” vì số cầu giảm mạnh.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin hỏi ông rằng nếu thị trường đã có chuyển động từ năm 2011 thì vì sao các nước xuất khẩu đồng không giảm đà sản xuất để giữ giá?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì một quy luật kinh doanh tôi xin tạm gọi là “đâm lao thì phải theo lao!”
- Đa số các quốc gia bán đồng đều là nước nghèo, nói lịch sử là đang phát triển. Họ phải vay tiền đầu tư, phần lớn là vay nước ngoài, để khai thác các mỏ đồng rất tốn kém và xuất khẩu được thì có ngoại tệ trả nợ. Việc đầu tư ấy đòi hỏi thời gian thực hiện có khi mất cả chục năm mới đi vào trình độ vận hành bình thường. Thế rồi, khi số cầu giảm tại Trung Quốc và nhiều xứ khác thì các nước sản xuất đã lỡ đầu tư vẫn cần ngoại tệ để trả nợ. Họ làm thế nào bây giờ? Họ tiếp tục bán. Giá đồng càng hạ thì họ càng phải bán mạnh để có đủ ngoại tệ trả nợ và họ càng bán thì giá lại càng hạ trong một vòng xoáy tai hại. Hậu quả là ngày nay giá đồng đã giảm gần phân nửa và tồn kho ế ẩm trong khi chủ nợ réo đòi là một hiện tượng phổ biến.
- Ngoài đồng ra thì nhiều thương phẩm khác cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Thí dụ như vì kinh tế suy trầm, số cầu sút giảm, Trung Quốc từng có núi thép ế. Họ lẳng lặng tung ra ngoài thị trường với giá quá rẻ và phẩm chất kém làm các nước than trời, diễn đàn của chúng ta đã nói về chuyện ấy. Nói về than thì khi bớt chế biến thép, các nước cũng dùng ít than hơn và than bị ế nên tuột giá tới hơn 40%! Nếu theo dõi thị trường thương phẩm thì ta biết rằng số than đá nhập khẩu vào Trung Quốc đã giảm 50% so với năm ngoái nên các nước bán than, kể cả Hoa Kỳ, đều la trời như bọng!
Nguyên Lam: Nếu vậy thì phải chăng là người ta còn có nhiều cách dự báo tương lai cho dù là Bắc Kinh vẫn kiểm soát thông tin? Một cách cụ thể thì dù lãnh đạo Trung Quốc đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế là 7%, khi nhìn vào số cầu về nguyên nhiên liệu xứ này tiêu thụ thì, thưa ông, ta đã có thể biết trước tình trạng sa sút của thị trường cổ phiếu hay ngoại tệ, có phải vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy và mình có thể nói đến một khái niệm rất lạ là “Chỉ số Lý Khắc Cường”.
Nguyên Lam: Thưa ông, Lý Khắc Cường có phải là Tổng lý Quốc vụ viện, tức là Thủ tướng của Trung Quốc không? Cái “Chỉ số Lý Khắc Cường” đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước khi lên làm nhân vật thứ hai trong Bộ Chính trị và là Thủ tướng từ đầu năm 2013, ông Lý Khắc Cường từng giữ nhiều chức vụ khác. Thời còn làm Bí thư tỉnh Liêu Ninh, ông Lý Khắc Cường có lần phát biểu với một Đại sứ Mỹ vào năm 2007 rằng ông không tin vào thống kê về sản lượng kinh tế Trung Quốc vì đấy là con số “nhân tạo”, tức là giả tạo. Khi được hỏi lại rằng ông tin vào những số liệu nào khác, Lý Khắc Cường nêu ra ba dữ liệu là 1) số điện tiêu thụ, 2) lượng hàng hóa vận chuyển bằng xe lửa và 3) luồng tín dụng của ngân hàng.
- Căn cứ vào đó, các tờ báo của thế giới văn minh như The Economist hay tờ Guardian của Anh quốc thử tìm ra chỉ dấu đáng tin hơn về tình hình kinh tế Trung Quốc. Tờ Economist của tháng trước thì tính ra dữ liệu tổng hợp các tiêu chuẩn thẩm định của Lý Khắc Cường và gọi đó là Chỉ số Lý Khắc Cường. Còn tờ Guardian thì áp dụng ngay. Rằng lượng hàng vận chuyển bằng hỏa xa tính đến Tháng Sáu đã sụt 11,7% so với một năm trước, lượng điện tiêu thụ chỉ tăng có 2,8% so với năm ngoái, là mức thấp nhất kể từ Tháng 10 năm 2009. Một doanh nghiệp tư vấn tại thủ đô Anh là Fathom cũng dùng cách tính đó để ước lượng rằng kinh tế Trung Quốc có đà tăng trưởng là 3,1% một năm chứ không thể là 7%! Nểu sản xuất chỉ tăng 3% thì làm sao cổ phiếu tăng được 150% trong 12 tháng? Suy ngược lại thì ai cũng có thể đoán rằng cổ phiếu Trung Quốc sẽ tuột giá.
Nguyên Lam: Nguyên Lam bắt đầu thấy môn kinh tế này có nhiều điều hấp dẫn vì người ta vẫn còn nhiều cách thấy sự thật bị che giấu và chính là các chế độ che giấu thông tin mới bị lúng túng bất ngờ! Câu hỏi cuối thưa ông: chúng ta còn có thể ngó vô tin tức gì khác để dự đoán tương lai?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là vì đa số thương phẩm trên thế giới lại được mua bán bằng đồng Mỹ kim và khi đô la ên giá thì giá thương phẩm cũng tăng. Nhưng suy luận thêm thì nếu số cầu cho sản xuất sút giảm mà chi phí mua thương phẩm để đầu tư hay đầu cơ tích trữ lại tốn hơn thì giới đầu tư bèn bán tháo thương phẩm và mua đô la để thủ thân. Tức là giá thương phẩm còn sụt nữa và đô la lại càng lên giá so vói các ngoại tệ khác. Hậu quả cho Trung Quốc là đồng Nguyên sẽ còn bị sức ép và lại hạ giá nữa, dù Bắc Kinh có gọi là phá giá hay không! Và nhìn rộng ra ngoài thì chúng ta còn nên e ngại một thảm họa khác là nguy cơ giảm phát mà diễn đàn của chúng ta đã cảnh báo từ Tháng 10 năm ngoái.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nghĩa về một cách truy tìm thông tin xác thực để hiểu ra sự vận hành của kinh tế.