Lũ lụt ở Quảng Ninh: bức tranh “phát triển” của VN hôm nay?
Hiện trạng: sự cân bằng tự nhiên bị phá vỡ
Chỉ vài trận mưa lớn nhưng rất bình thường vào mùa mưa bão vùng duyên hải cả nước, trong đó có Quảng Ninh, mà Quảng Ninh đã bị ngập lụt sâu (1.5-2 mét nước và bùn than, đất đá) nhiều ngày trên hầu như toàn tuyến đường 18 từ mỏ than/thị trấn Mạo Khê đến Tiên Yên, Ba Chẽ, ở giữa là các thành phố Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả... Hậu quả là 17 người chết, thiệt hại trên 2,200 tỷ vnđ (trong đó hơn 1.200 tỷ là thiệt hại của tập đoàn TKV), làm đổ sập hay cuốn trôi 104 ngôi nhà, ngập gần 9.000 ngôi nhà, trên 100 mỏ than, nhà máy lớn bị hư hỏng thiệt hại, cắt điện nhiều khu vực nhiều ngày đêm (171 cột điện bị đổ, 251 trạm biến áp bị hỏng), ô nhiễm môi trường sống (hàng ngàn gia súc gia cầm chết trôi) và tắc nghẽn giao thông trên QL18 (chưa kể hậu quả lâu dài tiếp theo sẽ là ô nhiễm môi trường biển Hạ Long và Bái Tử Long do các chất độc hại công nghiệp trôi ra biển - hai vịnh kỳ quan thiên nhiên này đang và sẽ chết dần nhanh hơn nữa).
Tôi dùng chữ “mưa bình thường”, là vì không có gì báo hiệu những trận mưa lũ bất thường năm từ phía các cơ quan khí tượng thủy văn, từ sự thản nhiên “bình chân như vại” của chính quyền và người dân địa phương khi mưa đến và trong mưa: chỉ mưa thôi mà, mùa mưa hàng năm thực sự đến rồi. Và bình thường cả từ ghi nhận lượng mưa thực tế nữa – 1-2 trăm mm mước/ngày. Tôi gọi điện hỏi ông anh tiến sĩ khí tượng thuỷ văn, dân Hạ Long, đã có nhiều năm làm đại diện VN trong Ủy ban Sông Mêkông, anh (tiến sĩ Hoài) nói: thời tiết Quảng Ninh không có gì bất thường cả, thậm chí không có gì bất thường hơn trong vòng 10 năm gần đây, chứ không nói đến là bất thường trong 40 năm nay như VTV nói (mà không chứng minh bằng con số).
Lý do chính mà người dân và nhà cầm quyền Quảng Ninh luôn và đã “bình chân như vại” trước những cơn mưa lớn vào các mùa mưa là vì toàn tỉnh nằm trên thế đất dài, hẹp và dốc ngang: dựa dọc theo một bên là vòng cung núi Đông Triều dài đến 200-300kms và một bên là sông Bạch Đằng rồi vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long... Đơn giản là thế đất nghiêng của Quảng Ninh luôn thóat nước mưa nhanh chóng sau mọi cơn ưa, nhanh hơn ở nhiều địa phương khác.
Thế nhưng, chỉ khi hậu quả tàn khốc của mấy đợt mưa bình thường dồn lại như trên mới làm chính quyền và người dân Quảng Ninh hoảng hốt “ứng phó”, và trước tiên tất nhiên là họ đổ cho ông Trời “mưa lớn ‘chưa từng thấy’ trong vòng 40 năm qua”! Lạ là sao chỉ 40 năm mà không là 100 năm luôn thể, vì 100 năm qua cũng có lũ lụt thế ở Quảng Nình bao giờ?!
Ngoài “tội đồ” là ông Trời, chưa thấy các quan chức Quảng Ninh và đài báo trung ương hay địa phương đổ cho “thủ phạm” nào khác cả? Thực ra thì ai cũng biết, chỉ các hậu quả thiệt hại lớn lao về người và tài sản của đợt mưa trên là chưa từng thấy thôi, còn nguyên nhân không phải tại ông Trời. Ngược lại, đây cũng là cơ hội hiếm có để người ta ca ngợi “công lao của đảng và chính quyền các cấp ở Quảng Ninh đã kịp thời chỉ đạo người dân khắc phục hậu quả thiên tai”... (sic!).
Vậy chuyện gì thực sự đã xảy ra với trời đất Quảng Ninh? Kết luận của chúng tôi là: một hoặc nhiều cái ngưỡng tự nhiên của vùng đất này đã bị con người (hay sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương) phá vỡ, đảo lộn, sự cân bằng ổn định của môi trường tự nhiên đã mất. Tại sao?
Nguyên nhân tích tụ: từ “phát triển kinh tế”
Mọi sự kiện đều có nguyên nhân đích thực của nó đã tồn tại trước đó. Không chỉ khơi khơi đổ tại “ông Trời” là các nguyên nhân đó không tồn tại. Ngoài việc khắc phục hậu quả nặng nề đã xảy ra, mà nhiều thứ không thể “khắc phục” được như mạng sống con người, thì việc tìm ra, không chế và triệt tiêu các nguyên nhân đích thực của các hiện tượng nguy hại mới là trách nhiệm và nhiệm vụ quan trọng nhất của chính quyền nói chung và Quảng Ninh nói riêng: đảm bảo phát triển an toàn và bền vững cho địa phương và người dân.
Quảng Ninh là tỉnh phát triển kinh tế “nóng” của VN ấy chục năm gần đây. “Nóng” có nghĩa là giống như kinh tế Tàu, bất chấp hủy hoại môi trường, cân bằng sinh thái, bất chấp phát triển văn hóa giật lùi và công đẳng xã hội bị đảo ngược... vì tăng trưởng. “Nóng” tức là phát triển không bền vững, sẽ có (tiềm ẩn) nhiều sự cố lớn như khủng hoảng môi trường, kinh tế và xã hội. Và Quảng Ninh hiện nay đang “nóng” như vậy. Khoan hãy nói đến các nguyên nhân xã hội, đợt lũ lụt hiện nay ở Quảng Ninh là hậu quả của khủng hoảng môi trường bắt nguồn từ các sai phạm quản lý môi trường và kinh tế, nên nó là khủng hoảng môi trường và cả kinh tế.
Hãy nhìn lại, chuyện gì đã xảy ra với môi trường Quảng Ninh trong vòng khoảng 15-20 năm qua, vì lý do (phát triển) kinh tế? Đã và đang có năm xu hướng chính sau:
Thứ nhất, gia tăng khai thác than vô tội vạ, từ vài chục mỏ than lên vài trăm mỏ than khắp dọc tỉnh, từ phía tây (thị xã Đông Triều) đến đông (các huyện Ba Chẽ Tiên Yên) mà không chú trọng việc phục hồi môi trường trong và sau khi khai thác, tạo nên các núi đất đá và than lớn dọc bên trái (đi từ Hà Nội) đường 18 xuyên gần cả tỉnh, gây ô nhiễm đất, không khí, nước những vùng rộng lớn.
Thứ hai, tăng tốc qui hoạch và gọi đầu tư các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư dọc bên phài đường 18 và bên trái sông Bạch Đằng hoặc bờ biển - vịnh Hạ long và Bái tử long, vốn là những vùng đất thấp xấp xỉ mặt nước giúp thoát nước mưa lũ từ trên rừng núi cao. Quảng Ninh là tỉnh đứng thứ ba trên cả nước về số lượng các KCN, KĐT, KDC... được quy hoạch (chỉ sau khu vực HN và Tp.HCM), nhưng đứng đầu về độ bao phủ đầu tư thấp nhất: các KCN, KDC, KĐT đó đều đa số trống rỗng. Trong khi đó, để phát triển như Singapore (có GDP gấp rưỡi VN, trên 307 tỷ USD), Singapore chỉ cần số lượng và diện tích KCN, KĐT, KDC bằng khoảng 1/3 như tỉnh Quảng Ninh đang có.
Thứ ba, người ta lấy đất đá khai thác than bên trái QL18 đổ sang bên phải QL18 để nâng cao mặt bằng, một công đôi việc, vừa khai thác than rẻ hơn (không phải có chỗ chứa và xử lý các núi đất đã thải) vừa có mặt bằng các KCN, KĐT, KDC lớn để kêu gọi đầu tư, bán rẻ. Thế cho nên Quảng Ninh thừa mứa các KCN, KĐT, KDC nhưng cũng không dừng việc “đầu tư” vào chúng được, còn than thì bán phá giá sang Tàu theo đường tiểu nghạch bao nhiêu cũng hết.
Đặc điểm của ba trào lưu “phát triển kinh tế” trên là người ta xem nhẹ các yêu cầu bảo vệ môi trường cả trong khai thác than và trong đầu tư các hệ thống thoát nước trong các KCN, KDC, KĐT đó - chỉ đủ cho việ thoát nước mưa bình thường, không phải mưa “sự cố” tích tụ như hiện tượng lũ lụt vừa qua.
Thứ tư, trong khoảng chục năm gần đây, phong trào đào núi san đồi làm nhà, làm trang trại của dân phát triển rầm rộ do thu nhập tăng cao và thu hoạch của việc khai thác “than thổ phỉ”, “than tự phát” mà chính quyền “không quản lý được”... tạo thêm hàng ngàn hàng vạn “mỏ đất”, mỏ đá lộ thiên khắp trong tỉnh Quảnh Ninh, tạo nguồn cung đất đá trôi nổi tự do dồi dào vô tận cho các cón mưa lớn nhỏ cuốn đi. Ở các thành phố lớn như Hạ long, Cẩm phả, nhà trên núi nhìn ra vịnh Hạ Long và Bái Tử long là biểu hiện của quyền lực và tiền bạc, ngày càng nhiều và chiếm hết các ngọn đồi dãy núi bên các vịnh.
Thứ năm, là “chuyện cũ nói mãi”, phong trào chung của cả nước thi đua phá rừng đầu nguồn xưa nay. Rừng đầu nguồn của các con suối của Quảng Ninh (chi có một con sông là biên giới tỉnh với Hải Dương, Hải phòng là sông Bạch đằng) vốn đã trơ chọi nay đã trọc lốc vì toàn đất đá.
Năm quá trình “phát triển kinh tế” trên của Quảng Ninh đã hồn nhiên, liên tục và dữ dội, đan xen nhau, nương tựa nhau tồn tại, tăng tốc, suốt mấy chục năm qua phớt lờ mọi nguy cơ đã được cảnh báo hay có thể nhìn thấy trước, tích tụ những hậu quả tang tóc mà cơn “đại hắc thủy” hôm nay chỉ là kết quả tất yếu của một đợt mưa dài ngày, bình thường, nhưng phá vỡ cân bằng sinh thái - môi trường sống của người dân Quảng Ninh.
Kịch bản mà đợt mưa dài ngày bình thường có thể tạo nên lũ lụt diện rộng ở Quảng Ninh như sau: mấy ngày đầu mưa sũng đất đá than “tự do” trên thượng nguồn, mấy trận mưa tiếp theo sẽ mang số đất đá tự do tích tụ trong mùa khô cuối đó nhanh chóng lấp kín những đường thoát nước ít ỏi còn lại bên đường 18 và lấp kín các đường thoát nhỏ hẹp trong các KCN, KĐT, KDC ven biển ven sông - tạo thành một con đê lớn rộng dọc theo bờ sông, bờ biển... dọc tỉnh Quảng Ninh! Và những trận/ngày mưa tiếp theo nước của tất cả lưu vực hàng trăm các con suối nhỏ dồn về đường QL18 làm úng lụt các khu dân cư, thị trấn, thị xã, thành phố dọc trên trục đường 18, vì không có đường ra biển ra sông. Các đô thị Quảng Ninh đã trở thành mương, hồ chứa nước bùn đất đất của những ngày mưa tiếp... như ta đang thấy hiện nay.
Hậu quả: trước mắt và lâu dài
Hậu quả tước mắt là rất lớn: 17 mạng người và trên 2200 tỷ vnđ thiệt hại cùng bao nhiêu công sức phục hồi môi trường không tính hết được sau đó. Hậu họa cho mai sau còn nguy hại hơn: môi trường nước sông và viển bị độc hại không thể phục hồi: một lượng lớn các chất kim loại nặng (độc hai) như chì, arsenic, boron, barium, cadmium, manganese, selenium, thallium... Các phong trào môi trường Quốc tế (như Waterkeeper Alliance) đã phải lên tiếng cảnh báo.
Khác với đa số vụ thiên tai khác, nơi hứng chịu tàn phá và thiệt hại về người và của tang thương như Quảng Ninh hiên nay, thường rất xa nơi tạo ra nguyên nhân của những tai họa đó. Với Quảng Ninh thì “thủ phạm” và “nạn nhân” đều nằm trong một tỉnh đó, chia sẻ chung một mội trường kinh tế và tự nhiên đó. Thủ phạm và nạn nhân đều là chính quyền và nhân dân địa phương Quảng Ninh, mà tất nhiên, chính quyền là thủ phạm chính và dân Quảng Ninh phương là nạn nhân chính.
Và sẽ chả có ai chịu trách nhiệm, ngoài ông Trời. Năm xu thế “phát triển kinh tế” trên của Quảng Ninh sẽ vẫn vô tư phát triển tiếp, vì than là “đặc sản” Quảng Nình, đất (các KCN, KĐT, KDC) bây giờ càng là “đặc sản” của quan chức địa phương. Người dân bị hại (gia đình 17 nạn nhân) sẽ được “hỗ trợ” chút đỉnh (vài triệu đến vài chục vnđ cho một mạng người chết oan), hàng trăm công ty, mỏ than “nạn nhân - thủ phạm” sẽ được nhà nước cứu trợ hay miễn thuế, ưu đãi hàng ngàn tỷ đồng (từ tiền dân) chính quyền, các địa phương sẽ được “tuyên dương khen thưởng vì tận tụy” và được “biết ơn sâu sắc”.
Đại hắc thủy: Bức tranh phát triển “định hướng” bán than, bán đất của VN?
Điều tôi muốn nói ở đây là thái độ và cách xử lý “hậu quả thiên tai” của nhà cầm quyền từ trung ương đến địa phương: người ta tránh né các nguyên nhân đích thực (như tôi nói trên) và hậu quả lâu dài (như các hội bảo vệ môi trường thế giới chỉ ra). Người ta chỉ đổ cho ông trời mưa lớn 40 năm chưa từng thấy.
Vì thế, lấy gì đảm bảo là từ nay sẽ không có những vụ “đại hắc thủy” sau nữa ở Quảng Ninh, sẽ ngày càng dầy đặc hơn và phạm vi dữ dội hơn - khi mà các nguyên nhân đích thực của nó người ta vờ như không biết và sẽ càng đẩy mạnh và mở rộng “chúng” (năm phong trào “bán nước” trên), để kiếm tiền, bằng mọi giá?
Lũ lụt là tại... thiên tai,
Thoát lụt là tại... thiên tài đảng ta!
Rồi mưa sẽ dừng, nước sẽ rút, nhưng đó là nhờ đảng và nhà nước lãnh đạo dân kịp thời sơ tán và khác phục hậu quả lũ lụt! Càng lụt to, lụt nhiều, đảng “ta-ù” càng thiên tài!
Đảng luôn lãnh đạo nên ông trời luôn lãnh đạn (tội nghiệp ổng!), còn dân đen luôn lãnh đủ, thế thôi!
03.08.2015
PS: Các bạn tôi khi đọc bài này xin đừng vội chụp mũ là tôi chỉ viết để chửi đảng “ta-ù” (của các bạn). Có, tôi có “phê bình” đảng ta-ù một hai câu, nhưng tôi viết hàng trăm câu khác để chỉ ra nguyên nhân đích thực của lũ lụt ở Quảng Ninh hiện nay để ai đó (đảng ta-ù?) muốn khắc phục thì hãy cân nhắc xem có đúng không? Và tôi còn đọc thơ ca ngợi đảng ta-ù thiên tai đấy chứ?