Thursday, 17 September 2015

Đòi Hỏi Công Đạo Cho Người Miền Nam - Trần Mộng Lâm

Bài viết này tôi viết hoàn toàn không vì lý do cá nhân hay gia đình vì  hầu như hoàn toàn đại gia đình của tôi và  vợ tôi  đã thoát ra khỏi Việt Nam từ lâu rồi. Tôi viết bài này chỉ vì mới đây có người quen còn kẹt lại trong nước có con học rất giỏi nhưng không thể vào Đại Học chỉ vì lý lịch không tốt. Cháu nhỏ nghe nói "đạt" được điểm học vấn gần như tối đa nhưng khi nộp đơn vào một Đại Học cháu mong ước thì người ta từ chối vì có ông hay cha dính dáng đến nguỵ quân, ngụy quyền. Tôi tự hỏi  người Miền Nam có mấy ai không kẹt ở điểm này.

Nếu như tôi không liều chết và may mắn vượt biên được sau khi đi học tập cải tạo về, thì chắc chắn các con tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự và không thể nào thành đạt được như chúng đã thành đạt trong xã hội Canada hiện nay. Kể từ 1975 đến nay, khi xét lý lịch (hình như đến 3 đời) để tuyển sinh vào các trường Đại Học, nhất là các trường nổi tiếng, có nhiều cơ may có việc làm sau khi tốt nghiệp, thì người thanh niên gốc Miền Nam bị kỳ thị một cách tàn nhẫn. Làm sao họ có được sự công bằng so với các học sinh gốc Miền Bắc??? Bởi vậy cho nên không có gì là ngạc nhiên khi thấy người Miền Nam hoàn toàn lép vế trong bộ máy lãnh đạo, có chăng chỉ là mấy anh du kích vườn, có khi lại là con rơi con rớt của mấy Việt Cộng gộc, mà số này có được bao nhiêu??

Tôi đã từng viết nhiều lần là dù lý luận cách nào cũng được, song không thể chối bỏ một sự thực, là Miền Nam là một Xã Hội hoàn toàn khác Miền Bắc, nói theo kiểu dân Québec ở đây, đó chính là một société distincte. Canada là một quốc gia đã lập quốc được cả mấy trăm năm, nhưng họ đã phải công nhận sự thực này, và cho đến ngày nay, vẫn có phong trào đòi Độc Lập.

Bên Tầu, khi Hồng Kông được Anh Quốc trả về cho China, thì China cũng không dám áp dụng cho Hồng Kông cùng một chế độ như dân lục địa. Vậy thì tại sao người Miền Nam lại phải chịu sự kỳ thị bất công đó, trên mọi phương diện mà điển hình là việc tuyển sinh cho các trường Đại Học??

Người Miền Nam vốn hiếu hòa, họ quá hiền lành nên có thể nói là hơi nhu nhươc. Bốn chục năm nay , có lẽ vì mặc cảm Việt Nam Cộng Hòa, chưa thấy một đòi hỏi nào của giới sinh viên chống lại sự bất công này. Tuy nhiên, ở thời điểm 2015, còn nghe được tiếng than của một thanh niên mà tương lai bị chận đứng chỉ vì không có lý lịch tốt, không có ông cha «chống Mỹ, cứu nước», thì quả thật đây là một giọt nước đã làm tràn ly nước bất công mà người Miền Nam phải uống từ đời này sang đến đời kia, khi mà các nhà lãnh đạo đương thời cũng bon chen ve vãn Mỹ, và được Mỹ «đá lông nheo», như vụ scandale mới đây tại Ca Li..

Đã đến lúc Người Miền Nam phải đòi hỏi công đạo cho tập thể mình. Việc xét lý lịch các sinh viên chỉ là một trong rất nhiều bất công mà họ phải chịu đựng. Không có can đảm đấu tranh, thì sự đào thải là lẽ đương nhiên.

Những ai còn tha thiết đến Miền Nam ngày xưa không khỏi buồn lòng khi chứng kiến sự đào thải này, nó đến một cách từ từ, nhưng chắc chắn, từ cách ăn, cách nói.


Cũng phải, Sài Gòn đâu còn nữa, mà tiếc, mà thương.