Trong bài trước, mục này đã bàn về bức thư “góp ý tâm huyết, thẳng thắn” với “Ban Chấp Hành Ðảng Bộ” đảng Cộng Sản ở thành phố Sài Gòn; trong đó 20 vị ký tên đã xác nhận Sài Gòn có địa vị dẫn đầu cả nước là nhờ thành phố này có một đội ngũ trí thức, chuyên gia, doanh nhân một thời đã sống tương đối tự do trước năm 1975. Nhận định này là một “ý kiến phá rào” trong một chế độ vẫn tự xưng là “đỉnh cao trí tuệ” vì các tác giả dám nói thẳng rằng “Sài Gòn dẫn đầu cả nước.” Nhưng rất tiếc, ngay trong lúc phá một thứ hàng rào, các tác giả vẫn tự trói buộc bên trong những hàng rào cũ khác, không tự thoát ra ngoài. Một rào cản vẫn còn trói buộc cách suy nghĩ của họ; là bám lấy một khẩu hiệu tuyên truyền cũ kỹ, gọi là “hòa hợp dân tộc.”
Bức thư nhận xét về bản báo cáo chính trị của thành ủy, viết rằng: “Một trong những điều cần đặc biệt xem xét là trong báo cáo này hoàn toàn vắng bóng tư tưởng hòa hợp dân tộc,...” Trong đoạn sau, bức thư nhắc lại lần nữa: “chẳng có một câu, một chữ nào biểu tỏ tinh thần hòa hợp dân tộc.” Họ muốn đảng Cộng Sản cấp thành phố phải “hòa hợp dân tộc,” một vấn đề không thuộc thẩm quyền của một thành phố.
Nhưng lời kêu gọi này, dù gửi đến cấp trung ương, cũng hoàn toàn vô nghĩa. Ai sống ở miền Nam trước và sau năm 1975 đều biết khẩu hiệu “hòa giải, hòa hợp dân tộc” chỉ được dùng để tuyên truyền lừa dối; Ðảng Cộng Sản Việt Nam không bao giờ có thực tâm muốn hòa hợp với bất cứ ai. Bằng cớ, từ thời 1945, 46 là họ đã thủ tiêu những Khái Hưng, Tạ Thu Thâu, Huỳnh Phú Sổ, Phan Văn Hùm. Sau năm 1975, mấy trăm ngàn người vào “tù cải tạo,” hàng triệu người liều chết vượt biển tìm tự do là những bằng cớ khác. Ðối với người dân miền Nam, nhắc lại khẩu hiệu “hòa hợp dân tộc” cũng không khác gì nghe Sở Khanh rủ Thúy Kiều đi trốn... lần thứ hai!
Tiếp tục sử dụng một khẩu hiệu tuyên truyền 50 năm cũ chứng tỏ những người viết thư vừa thiếu sáng kiến vừa bám lấy quá khứ của chính họ không rời ra được. Nhắc lại khẩu hiệu đó chứng tỏ 20 vị ký bức thư “tâm huyết” không hiểu tâm trạng của người dân miền Nam. Không những thế, họ tỏ ra vô tình, tàn nhẫn, không thông cảm nỗi khổ đau của người miền Nam trong 40 năm qua.
Có lẽ chính các tác giả bức thư cũng cảm thấy lời hô hào của họ là vô nghĩa, vô duyên. Cho nên tỏ ra lúng túng khi nhắc đến khẩu hiệu đó. Bức thư viết rằng “...tư tưởng hòa hợp dân tộc (là) một đòi hỏi nóng bỏng để hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư, tạo nguồn động lực cho giai đoạn mới...” Các tác giả muốn “tạo nguồn động lực cho giai đoạn mới,” bằng cách sử dụng đội ngũ trí thức và chuyên gia miền Nam, kể cả những người đang sống ở nước ngoài; do đó có hy vọng “thu hút đầu tư.” Nhưng người đọc không thể hiểu tại sao một khẩu hiệu tuyên truyền thời 1970 đến năm nay lại trở thành một “đòi hỏi nóng bỏng để hội nhập quốc tế?” Hòa hợp dân tộc liên can gì đến hội nhập quốc tế mà nó lại được coi là vấn đề nóng bỏng?
Chỉ có thể tạm giải thích rằng quý vị soạn bức thư này dùng bốn chữ “hội nhập quốc tế” chỉ cốt nói đến chiều hướng “kết thân với Mỹ,” qua triển vọng thỏa ước Mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ở Việt Nam hiện nay TPP là giấc mơ của những người theo dõi thời cuộc, cứ nêu ra là ý kiến nào nghe cũng lọt tai.
Tất nhiên, “hòa hợp dân tộc” bao giờ cũng là một mục tiêu tốt. Bất cứ dân tộc nào cũng nên “hòa hợp” với nhau, bất cứ lúc nào. Nhưng đem ghép nhu cầu “hội nhập quốc tế” với “tư tưởng hòa hợp dân tộc” thì quá gượng ép, hai ý tưởng, hai phạm vi không liên hệ gì với nhau. Hơn nữa, nêu khẩu hiệu này lên bây giờ thì không hợp thời nữa.
Khi bức thư kêu gọi đảng Cộng Sản Việt Nam (đại diện là Thành Ủy Sài Gòn) “hòa hợp dân tộc” để tạo “nguồn động lực cho giai đoạn mới,” các tác giả nhắm nêu ra một sự thật đau lòng không dám nói trắng ra. Ðọc thư, chúng ta hiểu điều họ muốn nói là “dân Sài Gòn” hiện vẫn bị đảng Cộng Sản kỳ thị. Nạn kỳ thị đã kéo dài hơn 40 năm!
Bức thư công nhận có “phân biệt đối xử.” Lại cảnh cáo rằng “sự phân biệt đối xử làm xói mòn sức dân.” Ðối tượng bị đối xử phân biệt là “những người dân bình thường vốn từng là công dân thành phố Sài Gòn trước 1975... và con cháu họ sinh ra và lớn lên trong thành phố từ sau 1975 cho đến nay và bà con, họ hàng của họ đang sống ở nước ngoài...” Bức thư nhấn mạnh “các công dân Sài Gòn trước 1975,” cùng với “con cháu họ sinh ra sau 1975.” Họ giải thích rằng thành phần này không phải là những người từ R hay tập kết trở về hay những người từ Miền Bắc vào sau 1975.
Lời kêu gọi chấm dứt cảnh đối xử phân biệt này xác nhận một sự thật mà đảng Cộng Sản vẫn che giấu: Từ năm 1975 đến nay đảng Cộng Sản vẫn kỳ thị, không những đối với dân Sài Gòn mà với tất cả người miền Nam đã sống dưới chế độ Cộng Hòa.
Nhưng muốn chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử này thì kêu gọi “hòa hợp dân tộc” không đủ. Trước hết, những người từng đối nghịch với đảng Cộng Sản, những người mà đảng Cộng Sản từng dụ dỗ bằng chiêu bài hòa giải hòa hợp, hiện nay phần lớn đã trên dưới 70 tuổi rồi. Lớp người này này họ không tin bất cứ khẩu hiệu nào do Cộng Sản đưa ra. Họ cũng không thể trở thành “nguồn động lực cho giai đoạn mới,” có hô hào cũng vô ích.
Chỉ những bạn trẻ dưới 55 tuổi mới hy vọng tạo nên nguồn động lực mới. Các tác giả bức thư góp ý biết rõ điều này. Họ muốn thúc đẩy đảng Cộng Sản hãy sử dụng những người dân Sài Gòn thuộc lớp tuổi 25 đến 55, dù đó là con cháu của các công dân Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Lớp người đó có thể thành “đội ngũ trí thức và doanh nhân” trong giai đoạn phát triển sắp tới, nếu họ không bị kỳ thị.
Nhưng chính sách kỳ thị của đảng Cộng Sản không giới hạn trong một thành phố Sài Gòn hay riêng tại miền Nam Việt Nam. Bản chất chế độ Cộng Sản là kỳ thị. Tại Nam Phi trước đây chế độ “apartheid” phân biệt mầu da trắng, đen. Xã hội Cộng Sản cũng phân biệt hai loại công dân: Các đảng viên Cộng Sản là “da trắng;” tất cả những người ngoài đảng là “da đen.” Ở miền Nam Việt Nam, mức độ kỳ thị nhân lên gấp đôi. Các đảng viên Bắc da trắng hơn đảng viên gốc miền Nam; dân miền Nam thì đen hơn dân gốc Bắc vào sau 1975!
Lá thư góp ý kêu gọi chính quyền thành phố Sài Gòn phải “hòa hợp” với những công dân còn đang bị đối xử phân biệt: “Làm sao để những công dân thành phố đó hiểu được rằng, và tin được rằng, họ cũng nằm trong “thế trận lòng dân,” cũng là nền tảng của sự “ổn định chính trị.” Lời kêu gọi này chứng tỏ các tác giả có thiện chí; nhưng chính sách kỳ thị của đảng Cộng Sản được áp dụng trên cả nước, đảng bộ tại thành phố Sài Gòn không có quyền thay đổi. Cho nên kêu gọi họ “hòa hợp dân tộc” là điều vô ích. Ngược lại, nêu lên một khẩu hiệu cũ kỹ đó trong lúc này chỉ che lấp các vấn đề quan trọng khác.
Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là trả lại các quyền tự do cho dân Việt Nam được tham dự vào việc quản lý đất nước. Ðảng Cộng Sản đã cướp quyền, tiếm vị từ hơn nửa thế kỷ nay, dùng bộ máy công an tước đoạt hết mọi quyền tự do của người dân từ Bắc vào Nam.
Khi nào tất cả mọi người dân Việt được hưởng các quyền tự do hội họp, tự do phát biểu, tự do bàu cử và tranh cử, thì chính các nạn nhân của chính sách kỳ thị ở Sài Gòn sẽ biết cách tranh đấu để họ không còn bị đối xử phân biệt nữa. Những người đang bị đối xử phân biệt phải đấu tranh đòi tự do dân chủ cho toàn dân, chứ không cần lo cho quyền lợi riêng của họ. Nhất là họ không cần “năn nỉ, cầu xin” ai ban ơn ngưng chính sách kỳ thị.
Nếu người dân Việt được tự do phát biểu, tự do hội họp và tự do bỏ phiếu, thì mọi chính quyền chủ trương kỳ thị sẽ bị người dân gạt bỏ bằng lá phiếu. Chủ trương đối xử phân biệt là hậu quả của chế độ độc tài đảng trị. Khi chế độ độc tài chấm dứt, người dân Việt Nam được phục hồi quyền sống làm người sẽ biết cách cư xử hòa hợp với nhau mà không cần chờ chủ trương, mệnh lệnh của một nhóm tiếm vị độc quyền nào cả.