Friday 9 October 2015

TPP: Chính phủ chuẩn bị gì cho làn sóng thất nghiệp - Nam Nguyên, phóng viên RFA

Ngay tại Hà Nội những thanh niên thất nghiệp ngồi chờ hàng ngày ở các ngã ba ngã tư đường xem có ai mướn làm bất cứ công việc gì theo giờ hay theo ngày.
Ngay tại Hà Nội những thanh niên thất nghiệp ngồi chờ hàng ngày ở các ngã ba ngã tư đường xem có ai mướn làm bất cứ công việc gì theo giờ hay theo ngày.
 AFP
Bên cạnh lợi ích lớn lao về tăng GDP, tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư và cải cách thể chế, Việt Nam có thể đối diện một làn sóng thất nghiệp lớn, vì một số lĩnh vực sản xuất bị xóa sổ hoặc thu hẹp do không có khả năng cạnh tranh khi hàng rào thuế quan của 12 nước thành viên TPP được gỡ bỏ. Chính phủ Việt Nam có chuẩn bị gì để đối phó với tình hình này.
Thiệt hại khó tránh khỏi
Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng tuyên bố ở Atlanta Hoa Kỳ hôm 5/10 rằng, khi TPP có hiệu lực, lực lượng lao động trong một số ngành sản xuất kém cạnh tranh sẽ bị thất nghiệp. Theo trích thuật của báo chí Việt Nam, ông Bộ trưởng dự kiến ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn nhất. Kế đến là những doanh nghiệp nhà nước dựa vào bao cấp và những doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu.
Được biết 52% GDP tổng sản phẩm nội địa được tích góp từ nền kinh tế hộ gia đình ở Việt Nam. Hầu hết hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp. Cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế hộ gia đình là bất khả, vì qui mô quá nhỏ bé, ít vốn và không có năng lực cạnh tranh. Sự thật hiển nhiên đến nỗi kinh tế gia Lê Đăng Doanh ở Hà nội từng nhận định:
“Nếu Việt Nam cạnh tranh quốc tế mà lại cạnh tranh với các hộ gia đình quá nhỏ thì điều ấy là mối nguy cơ rất lớn.”
Diện mạo nền kinh tế hộ gia đình ở Việt Nam với khoảng từ 15 tới 17 triệu hộ, sẽ có nhiều thay đổi dù muốn dù không, cùng với tốc độ hội nhập chóng mặt của kinh tế Việt Nam. Sẽ có nhiều loại cây trồng phải thay đổi vì không thể cạnh tranh, đặc biệt là ngành chăn nuôi sẽ gần như xóa sổ hoặc thu hẹp đến mức giới hạn nhất. Điều mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ từng nhận xét trên báo chí. Bà nói, trong hội nhập Việt Nam phải biết chấp nhận từ bỏ một số ngành không có lợi thế vì nhiều ngành khác…Hội nhập cũng đặt ra bài toán lựa chọn ngành để đầu tư, phát triển và phải biết từ bỏ một số ngành yếu kém.
Nếu Việt Nam cạnh tranh quốc tế mà lại cạnh tranh với các hộ gia đình quá nhỏ thì điều ấy là mối nguy cơ rất lớn
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh
Tác động tích cực
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình kinh tế Fulbright TP.HCM nhận định rằng, Việt Nam cần có nhiều nỗ lực để nhanh chóng thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động và việc làm sang những lĩnh vực hiệu quả. Ông nói:
Thí dụ về nông nghiệp chẳng hạn, những cây trồng, vật nuôi mà không có lợi thế cạnh tranh có thể chuyển ngay sang những cây trồng vật nuôi có lợi thế cạnh tranh. Như thế phần lợi ích sẽ được nhiều, ngược lại nếu quá trình chuyển đổi không diễn ra nhanh chóng mà để chậm trễ, thì số người bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn, lúc đó nó sẽ gây ra những trục trặc trong xã hội.”
Trả lời Nam Nguyên, TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương ở Hà Nội cho rằng, khi TPP có hiệu lực thì bên cạnh các tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam như  tăng xuất khẩu, tăng GDP, tăng đầu tư và nâng cao hơn mức độ cải cách thể chế, còn là những ảnh hưởng không mong muốn đối với một số lĩnh vực. Ông nói:
Nghề mua bán ve chai, đồ phế thải cũng rất thịnh hành vì số người thất nghiệp ngày một nhiều
Nghề mua bán ve chai, đồ phế thải cũng rất thịnh hành vì số người thất nghiệp ngày một nhiều. AFP
“ Gắn với các tác động tích cực ấy cũng hàm nghĩa về lao động và dịch chuyển lao động, sẽ có rất nhiều công ăn việc làm có thể là hàng triệu công ăn việc làm mới được tạo ra cho những ngành Việt Nam có lợi thế. Đây cũng là một cách để thu hút lao động từ các lĩnh vực khác, có thể chịu những tác động tiêu cực TPP như là ngành chăn nuôi. Thứ hai nữa rất quan trọng là sự dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp chế biến này, tạo điều kiện rất tốt cho Việt Nam tiến hành cải cách cơ cấu cho Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, mà ở đó vẫn còn khoảng 47% lực lượng lao động và năng suất tương đối là thấp…”
Gắn với các tác động tích cực ấy cũng hàm nghĩa về lao động và dịch chuyển lao động, sẽ có rất nhiều công ăn việc làm có thể là hàng triệu công ăn việc làm mới được tạo ra cho những ngành Việt Nam có lợi thế. Đây cũng là một cách để thu hút lao động từ các lĩnh vực khác
TS Võ Trí Thành
TS Võ Trí Thành cho rằng dịch chuyển lao động nằm trong tiên liệu của chính phủ. Trong mục đích thu hút người lao động bị thất nghiệp không chỉ trong chăn nuôi, mà còn những lãnh vực khác chịu ảnh hưởng bất lợi của TPP, cũng như quá trình cải cách doanh nghiệp doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, một thành phần người lao động sẽ phải rời bỏ thị trường từng gắn bó với doanh nghiệp mình. Và chính phủ sẽ có sự hỗ trợ nhất định để giúp doanh nghiệp chuyển dịch, hoặc tìm một thị trường ngách trong lĩnh vực của mình mà vẫn còn khả năng cạnh tranh.
TS Võ Trí Thành tiếp lời:
“ Thứ hai là vấn đề đào tạo lao động, thứ ba là là có những chương trình hỗ trợ. Bài học này cũng không quá mới đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập, tuy rằng qui mô và mức độ có thể khác nhau, Ví dụ khi Việt nam ký hiệp định BTA với Hoa Kỳ thì cũng nằm trong giai đoạn Việt Nam tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam. Lúc ấy rất nhiều doanh nghiệp kể cả những nhà hoạch định chính sách cũng rất lo ngại việc Việt Nam có thể tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, luật rất cao đòi hỏi các tiêu chuẩn cũng khá cao. Nhưng mọi việc cho thấy Việt Nam đã tận dụng được các cơ hội và Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.”
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành kết luận, ở đây có hai vấn đề. Một là nhìn thấy tác động tích cực mà tác động ấy có thể lan tỏa đến cả những lĩnh vực có khả năng chịu nhiều thiệt thòi. Hai là một chương trình chính sách hổ trợ tích cực của nhà nước để giảm thiểu chi phí điều chỉnh trong quá trình cải cách, cũng như hội nhập và thực thi GDP.
Tiên liệu của chính phủ trong dịch chuyển lao động trên thực tế đã được hoạch định, hai năm sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Cuối năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Báo cáo năm 2013 cho thấy sau ba năm thực hiện, chương trình này đã dạy nghề cho 1,1 triệu nông dân trên toàn quốc. Tuy nhiên có tới 61% số nông dân hoàn tất học nghề vẫn trở lại làm nghề nông. Nông dân học nghề xong muốn ly nông bất ly hương, nhưng không có nhiều doanh nghiệp quyết định đầu tư vào nông thôn. Gần đây chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi hơn, nhưng tiến bộ cụ thể chưa thấy rõ.
Các nhà hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu, giảm tỷ lệ lực lượng lao động trong nông nghiệp từ 47% xuống 30% vào năm 2020, để giúp tăng thu nhập cho khu vực nông thôn, thực hiện kế hoạch công nghiệp hóa và phát triển kinh tế bề vững. Phải chăng TPP sẽ tạo ra cơ hội này cho Việt Nam? Nhưng các chuyên gia nói có cơ hội là một chuyện, còn có tận dụng được nó hay không là một chuyện khác.