Kính thưa quý thính giả,
Khoảng thời gian từ khi nhà Hồ sụp đổ vào năm 1407 cho đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vào năm 1418 là khoảng thời gian nước Đại Việt đầy loạn lạc tang thương. Nhưng nhờ truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, những anh hùng hào kiệt nhà Trần, nhà Hồ đã đánh đuổi giặc Tàu xâm lăng, giành lại giang sơn xã tắc. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Danh tướng Đặng Tất" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
*****
Quốc sĩ vô song, song quốc sĩ,
Anh hùng bất nhị, nhị anh hùng.
Đó là hai câu đối của vua Lê Thánh Tông ban chiếu tặng hai cha con ông Đặng Tất và Đặng Dung.
Đặng Tất sinh năm 1357 tại Thiên Lộc, châu Nghệ An, nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tỉnh. Ông thi đậu Thái học sinh thời nhà Trần và được bổ làm Tri phủ Hóa Châu nay là vùng Hải Lăng, Quảng Trị.
Khi tôn thất nhà Trần là Trần Ngỗi (Giản Định Đế) khởi nghĩa ở Ninh Bình, lập nên nhà Hậu Trần, chiêu binh chống quân Minh, nhưng bị quân Minh đánh bại, phải rút vào Nghệ An.
Đặng Tất cùng Nguyễn Cảnh Chân mang quân đến trợ giúp Giản Định Đế. Giản Định Đế phong Đặng Tất làm Quốc công điều quân ngoài mặt trận và phong cho Nguyễn Cảnh Chân làm Đồng tri Khu mật Tham mưu quân sự.
Đầu năm 1408, Đặng Tất điều quân đánh Nghệ An và Diễn Châu, tiêu diệt lực lượng của hai quý tộc nhà Trần theo hàng quân Minh là Trần Thúc Dao và Trần Nhật Chiêu.
Tháng 5 năm 1408, Giản Định Đế từ Hóa Châu tiến ra đánh chiếm lại Nghệ An, sau đó tiến chiếm Tân Bình do viên tướng người Việt theo quân Minh tên Phạm Thế Căng trấn giữ. Từ đó quân nhà Hậu Trần làm chủ từ Nghệ An đến Thuận Hóa.
Giản Định Đế tiến quân ra Bắc. Đặng Tất huy động 5 lộ quân từ vùng Thanh Hóa - Thuận Hóa, tiến ra Trường Yên (Nam Định), chia ra đánh đồn Bình Than, cửa Hàm Tử, chận đường giao thông ở Tam Giang và đánh phá bên ngoài thành Đông Quan.
Minh Thành Tổ sai hai tướng Mộc Thạnh và Lưu Tuấn mang thêm 4 vạn quân sang tiếp viện. Mộc Thạnh họp với Lữ Nghị ở Đông Quan, tập trung quân ở bến Bô Cô (Nam Định) chuẩn bị tiến đánh quân Đại Việt.
Ngày 30/12/1408, quân Đại Việt đánh bại 10 vạn quân Minh, giết chết Thượng thư bộ binh Lưu Tuấn, Đô đốc Lữ Nghị, Tham chính Giao Chỉ là Lưu Dục, Đô sứ Liễu Tông. Bại tướng Mộc Thạnh dẫn tàn quân chạy vào thành Cổ Lộng.
Giản Định Đế muốn thừa cơ đánh ngay vào lấy Đông Quan, nhưng Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân chủ trương thanh toán xong số tàn quân địch còn sót lại rồi mới tiến quân. Trong khi vua tôi bàn chiến thuật tấn công, thì quân Minh đã gửi viện binh tiếp ứng cho Mộc Thạnh rút về cố thủ Đông Quan.
Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân chia quân bao vây các thành gần Đông Quan và gửi hịch trên toàn cõi Đại Việt kêu gọi dân chúng hưởng ứng đánh đuổi quân Minh. Hai ông bao vây thành Đông Quan (Thăng Long), tiêu diệt viện binh Tàu và chuẩn bị những trận đánh cuối cùng quét sạch giặc Tàu khỏi bờ cõi.
Nhưng hoài bão đánh đuổi giặc Tàu ra khỏi bờ cõi của hai ông bị dở dang vì lời sàm tấu của một số quan viên phục dịch cho Giản Định Đế. Giản Định Đế sợ uy tín của hai người quá cao và nghi ngờ hai ông "làm phản" nên triệu hai ông về và giết chết.
Thi hài Đặng Tất được các con ông mang về chôn ở làng Thế Vinh, huyện Sĩ Vang, ngoại thành Hóa châu (nay là xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên). Mộ ông nằm ở ven bờ Nam sông Hương, cách thành Hóa châu khoảng 7 cây số, người dân trong vùng tôn ông làm Thành Hoàng.
Hai người con của hai ông là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bất bình vì cha bị giết oan, bỏ đi lập Trần Quý Khoáng làm vua, tức là Trần Trùng Quang Đế.
Quân Hậu Trần mất đi hai tướng tài giỏi, thế lực dần dần suy yếu và cuối cùng bị quân Minh đánh bại vào năm 1413.
Riêng Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đã tận lực giữ cho ngọn lửa dũng khí cháy mãi trong tâm khảm những kẻ sĩ thời loạn lạc để rồi vào năm 1418, ngọn lửa gặp "cơn gió lớn" của vị anh hùng Lê Lợi và các hào kiệt Lũng Nhai thổi bùng thành cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, quét sạch giặc Tàu ra khỏi giang sơn Đại Việt.
Như đức Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại Cáo sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi:
"Thế nước có lúc thịnh lúc suy,
Nhưng hào kiệt thời nào cũng có".
Chắc chắn khi viết hai câu này, đức Nguyễn Trãi cũng cảm khái về sự trung dũng của những người như Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Họ là những nhân tài xuất hiện trong lúc đất nước rên siết dưới gót giày xâm lược của giặc Tàu và họ đã gây tổn thất cho hàng vạn tướng sĩ quân Minh. Họ đã chết oan uổng chỉ vì lời gièm pha của bọn nịnh thần bên cạnh một hôn quân, khiến cho đạo quân kháng chiến mà họ dốc sức xây dựng bị tan rã, kéo dài sự đô hộ của quân Minh thêm nhiều năm nữa, cho đến khi có cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của đức Bình Định Vương Lê Lợi.
Thế nhưng, công lao của cha con Đặng Tất và Đặng Dung không bao giờ bị quên lãng. Vì họ là một trong những biểu tượng cho truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt. Họ chính là niềm hy vọng trong giờ phút đen tối của đất nước vào lúc đó, và là tấm gương sáng cho thế hệ hiện nay noi gương trong bối cảnh tập đoàn lãnh đạo CSVN đang hiến dâng mảnh giang sơn gấm vóc cho đế quốc Tàu Cộng và hủy hoại nền văn hiến ngàn đời của dân tộc.