(Trích “Hậu chuyện kể năm 2000 – Thời biến đổi gien”)
Tôi ra tù (từ trại Vĩnh Quang) tháng 4 năm 1973. Một năm cuộc sống khó khăn không hình dung nổi, và càng không hình dung nổi trong những năm tiếp theo. Khi tôi kêu lên: Các ông ấy bần cùng hóa nhân dân ghê quá, Nguyên Bình nghiêm mặt bảo tôi: Cuộc sống này gần với cuộc sống loài vật. Đâu phải cuộc sống con người. Bình nói đúng. Cuộc sống này là một sự đầy đọa. Hãy nghe một câu trong tham luận của một thuyền trưởng Liên Hợp đánh cá Hạ Long tại đại hội công nhân viên chức: “Tầu cá về, người xuống như dòi.” Câu đó nói lên tất cả! Hơn thế. Biết bao nhiêu người thèm được như chúng tôi (nhân viên một xí nghiệp thực phẩm) ao ước là dòi!
Đã ba mươi năm chiến tranh. Từ lúc tôi còn là một thiếu niên. Đến khi ấy đã là quá nửa đời. Con người chỉ là công cụ phục vụ cho cuộc chiến. Và phải chiến thắng.Không thể thất bại.Dù phải đốt cháy dẫy Trường Sơn. Dù phải đánh đến cái lai quần.Bởi thất bại hay chỉ không chiến thắng thôi, cũng có nghĩa là đổ vỡ tất cả.
Chiến tranh kết thúc cùng với bao hậu quả mà thời gian khắc phục kéo dài cho đến hôm nay và còn kéo dài không biết đến bao giờ. Tôi nghĩ tất cả những bê bối khó khăn, những xuống cấp về đạo đức, nhân phẩm, những thói quen xấu về quản lý xã hội, về quản lý sản xuất, về quan hệ giữa người với người đang thống trị cuộc sống, phân tích đến cùng, đều có nguồn gốc từ những cuộc chiến tranh trong thế kỷ trước.
Sự thiếu lòng tin vào thắng lợi có lẽ đã xuất hiện cả trong những cán bộ trung cao cấp nên Tổng bí thư Lê Duẩn mới nói trong một hội nghị rằng: Đảng ta biết phát động chiến tranh thì cũng biết kết thúc chiến tranh. Trong tù, bọn phạm chúng tôi đánh hơi thấy sự chuyển đổi trong chính sách qua những buổi học tập. Không sỉ vả mạt sát chúng tôi như trước, ông chánh giám thị nói với chúng tôi rằng chúng tôi phải quên quá khứ (có nghĩa là chúng tôi phải quên “tội lỗi” của chúng tôi đi) vì tất cả cùng là con Hồng cháu Lạc, rằng thế nào là đồng bào, là cùng một bào thai. Chúng tôi không phải gọi cán bộ là ông là bà nữa mà là anh là chị, rằng chúng tôi sẽ được giao chìa khoá buồng, tự quản, tại sao lại không nhỉ?… Chúng tôi cảm thấy sau những câu nói lạ tai ấy là những tình thế khác về khả năng kết thúc cuộc chiến. Nhưng rồi lại quay về quỹ đạo cũ. Vẫn phải gọi cán bộ là ông là bà.Và vẫn không bao giờ được quên quá khứ, quên tội lỗi của mình. (Điều đó có nghĩa là địch đã yếu đi hoặc ta đã mạnh lên rồi!)
Khoảng năm 1974 (tôi không nhớ rõ) nghe qua cái loa nón Ngã Sáu một tin làm tôi bật cười: Các ký giả (nhà báo) ở Sài gòn biểu tình chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bằng cách bị gậy giả làm ăn mày đi diễu phố. Tôi, một nhà báo miền Bắc vừa đi tập trung cải tạo về nằm dài thất nghiệp xó nhà, lẩm bẩm một mình: Các cậu ơi! Các cậu được tự do, được sung sướng cả tinh thần lẫn vật chất mà không biết. Cứ giả làm ăn mày biểu tình đi. Rồi sẽ được ăn mày thật! Ăn mày thật nhưng không được biểu tình đâu! Rồi sẽ trắng mắt ra các con ạ. Tôi nghĩ thầm: Miền Nam không thể thắng được vì tự do biểu tình, (lại cả tự thiêu nữa mới khủng khiếp), vì tự do báo chí, tự do công kích chính phủ, vì phe nọ đảng kia; không thực hiện được như miền Bắc đã làm: chỉ có một luồng thông tin duy nhất từ những chiếc loa công cộng ngoài đường phố, quản lý chặt dạ dầy, hộ khẩu, duy trì tình trạng thiếu đói ở cả nông thôn và thành phố, chia nhau từng mét chỉ, nửa cây kim, nửa cái bát sành (1) đồng thời thực hiện phương châm bắt nhầm còn hơn bỏ sót, đưa đi tập trung cải tạo những phần tử nghi vấn, những phần tử nguy hiểm cho xã hội như tôi chẳng hạn, pha lê hóa hậu phương.
Cuối cùng miền Nam đã thua nhanh hơn dự đoán.Chiến thắng thuộc về những người lì đòn hơn, tận dụng thời cơ tốt hơn. Một chiến thắng có rất nhiều nguyên nhân (chiến lược chiến thuật, tài nghệ chỉ huy, tinh thần binh sĩ, vũ khí khí tài, rồi công tác tình báo, mặt trận ngoại giao…) nhưng chắc chắn có sự đóng góp không nhỏ của các loa công cộng (2), chế độ quản lý bao cấp, các nhà tù, của chính sách tập trung cải tạo, một sản phẩm của chế độ toàn trị. Và dĩ nhiên chân lý thuộc về người chiến thắng.Không biết suốt 30 năm chiến tranh bao nhiêu triệu người Việt đã chết? Cả bên này và bên kia? Bao nhiêu triệu người cầm súng và không cầm súng. Tôi mong có một thống kê số xương máu Việt ấy. Công bố trước thanh thiên bạch nhật để biết được cái giá của cuộc sống hôm nay. Để những người cướp đất nông dân Văn Giang, Nam Định, Thái Bình, Cần Thơ, những người đang rút ruột các công trình, những “đầy tớ của dân”… bớt đi một chút hung hăng, bạo ngược trong đối xử. Bọn này hẳn chưa bao giờ xem mục “Đi tìm đồng đội” trên tivi để nhìn những gương mặt trẻ măng trong những bức ảnh cũ ố vàng với câu cửa miệng của phát thanh viên: ai biết mộ liệt sĩ ở đâu…
Cuộc sống càng khốc liệt sau chiến tranh. Lạm phát tăng gần 1.000%, ngân khố vét voi chỉ còn trên dưới một triệu đô la. Gạo không có mà bo bo bán sang kỳ cũng chẳng thấy. Điện không. Các cháu học thi đêm đêm ra phố cầm sách đứng dưới cột đèn đường mà sôi kinh nấu sử dưới ánh sáng tù mù. Nước, nhu cầu không thể thiếu cũng cực kỳ khan hiếm.Có được một thùng nước trong nhà, cảm giác yên tâm như có một tài sản.Các con gái tôi tối tối ra vòi nước công cộng với một cái nút chai bằng nhựa vẫn chụp lên chai rượu quốc doanh, một cái nắp phích bằng nhôm và một cái xô.Ông dẫn nước chôn sâu dưới đất rỉ vào một chiếc cóng bằng xi măng đặt chìm (một cái hầm cá nhân thời chiến tranh bắn phá). Chúng dùng cái nắp chai to hơn lọ thuốc đau mắt và dài hai đốt ngón tay đó vét nước dưới đáy cống đổ vao “trạm trung chuyển nắp phích” cho tới khi đầy thì đổ vào xô. Nước quay vòng. Vo gạo xong, dùng nước vo gạo rửa rau. Dùng nước rửa rau đó rửa bát. Hoặc lau nhà. Lấy nước đã lau nhà dội nhà vệ sinh.
Ngày ấy Mạc Lân, Dương Tường bán máu. Châu Diên theo đi bán máu nhưng thất bại vì máu không đông. Nguyễn Xuân Khánh cũng bán được máu. Ngoài bán máu Khánh còn có hai việc làm khác nữa: Dạy kèm con một ông làm ngành thương nghiệp mà tháng tháng được trả công bằng tóp mỡ (thật may mắn anh có một việc thơm đến thế, tuyệt vời đến thế! Tóp mỡ thơm lừng! Tóp mỡ giòn tan!). Và chặn các cống nước thải, nhặt nhạnh những cọng rau, những hạt cơm những sợi mì, những hạt bo bo… lẫn trong bùn cống, mang về nuôi lợn.
Ngày ấy vợ tôi rất “mưu mô, láu cá” trong chuyện tem phiếu. Nhà hai vợ chồng, bốn đứa con, sáu người nhưng có tới bốn phiếu N- phiếu Nhân Dân. Cái gì có chữ nhân dân cũng hay: Đại Học Nhân Dân, Chiến Tranh Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Toà án Nhân Dân, Viện Kiểm Sát Nhân Dân, Hội Đồng Nhân Dân, uỷ Ban Nhân Dân, Báo Nhân Dân (cho đến hôm nay thêm cả Nghệ Sĩ Nhân Dân, Nhà Giáo Nhân Dân)… đều rất tuyệt vời. Chỉ có cái Phiếu Nhân Dân là khốn nạn! Phiếu Nhân Dân được mua ít nhất trong các loại tem phiếu, chưa kể nhiều khi hàng không có, còn bị cắt tiêu chuẩn.
Bởi vậy khi cháu Bùi Quang Dũng (đứa con sinh khi tôi đã vào tù) lên 7 tuổi từ lâu, đã được đổi phiếu Nhân Dân, tiêu chuẩn gạo tăng từ 6 kí lên 9 kí một tháng, nhưng vợ tôi làm như quên, như không biết đến điều ấy, không đi đổi phiếu mà cứ sử dụng cái phiếu TR (phiếu trẻ em) cho đến hết năm, làm tem phiếu mới, không thể giả đò “quên” được nữa. Bởi vì phiếu N (Nhân Dân) 9 kg gạo nhưng chỉ được đong một phần ba (còn lại là 6 kg độn) có nghĩa là chỉ được mua 3 kí, mất đi 3 kí gạo mà cháu mới bước sang tuổi thứ 7, chẳng thể nào nhá được ngô được sắn, nhai được bo bo! Chưa kể đường từ 5 lạng xuống còn 1 lạng và thịt cũng từ 3 lạng chỉ còn 1 lạng. Ngay những tiêu chuẩn tối thiểu này nhiều khi cũng bị nợ và rồi… xù nợ! Do đó vợ tôi cũng như các bà mẹ khác đều làm như không nhớ con mình đã bước sang tuổi thứ 7, lùi lại cái ngày con nhận phiếu N, lùi lại cái ngày “tiễn con lên Nhân Dân” ấy. Và bà mẹ nào cũng thấy mình đã gỡ gạc được tí chút, tận hưởng niềm vui nho nhỏ trong sự khốn cùng.
Nhưng dù có cố gắng đến đâu, khem khổ đến đâu, ranh ma chịu thương chịu khó đến đâu chúng tôi cũng vẫn bị ngã gục nếu không có bố mẹ tôi. Giờ đây hai cụ đều đã khuất nhưng tình thương của Người vẫn còn đó, nhìn thấy, chạm vào và tồn tại ngay trong huyết quản của vợ chồng con cái chúng tôi. Mênh mông như bầu trời tôi vẫn ngước nhìn lên và cũng thật gần gũi sống động ngay trong cơ thể những đứa con tôi. Không có bố mẹ, tôi khó có được cuộc sống như tôi sống.
Lúc nào chúng tôi cũng có một đứa con ở quê với ông bà. Khi hai, khi ba. Bốn đứa con, đứa nào cũng được ông dạy vỡ lòng, dạy những phép tính đầu tiên và học ở quê cho đến hết cấp một, nghĩa là đến năm mười tuổi, có khi đến hết cấp hai, tùy theo tình hình chiến sự. Chúng được ông bà chăm bẵm thương yêu. Chúng được ông bà dạy từ cách sống, sự nhường nhịn, phép cư xử, tình cảm gia đình anh em ruột thịt cho đến những điều nhỏ nhất mà bố tôi gọi là “học ăn học nói, học gói học mở”. Suất gạo, suất mì chúng tôi mang về khi đủ, khi thiếu, nhờ đó, sáng sáng chúng tôi có được tí ngô bung, lưng cơm nguội va vào miệng để đi làm.
Bố mẹ tôi đối với các con tôi có thể nói gọn trong bốn tiếng: Yêu thương, tận tuỵ. Không chỉ nuôi nấng các cháu khi khoẻ mạnh cũng như lúc ốm đau mà còn cả trong việc học tập. Con tôi, đứa nào cũng là học sinh giỏi, điều đó không chỉ nhờ ở gien mà còn có phần đóng góp của ông nội. Và, giống tôi, đứa nào cũng học được tính hài hước từ ông (3).
Hàng tuần chúng tôi về thăm chúng. Và khi có những ngày nghỉ kéo dài trên một ngày như quốc khánh mùng 2 tháng 9, quốc tế lao động mồng 1 tháng 5, chúng tôi đón các con ra thành phố chơi. Chúng hớn hở xếp sách vở. Chuẩn bị quần áo. Ra vườn với vợ chồng tôi hái rau dền, rau ngót, vặt ớt, hái chanh và cả rau thơm nữa, dù chưa biết sẽ có món gì ăn với rau thơm, đủ cho cả tuần lễ không phải bỏ tiền mua, rồi tay xách nách mang, đến trước ông bà, cặp mắt long lanh:
-Cháu chào ông bà.
Mẹ tôi nhìn lũ cháu khuôn mặt tươi ngời lên vì được ra phố cùng bố mẹ, chép miệng:
-Rõ thật con không chê bố mẹ khó, chó không chê chủ nhà nghèo.
Biết bao nhiêu xót thương trong câu nói ấy của mẹ!
Tất nhiên chúng tôi chỉ đèo được hai đứa bé nhất. Còn là phải đi ô tô buýt. Ông mở cái hòm cắt tóc của ông, lấy ra những đồng tiền đẫm biết bao mồ hôi của thôn quê kiệt quệ xơ xác cho cháu và dặn cháu trước khi khi đi: Tiền lấy vé thì soạn sẵn cả tiền lẻ để riêng ra, ai bảo đưa xách hộ túi tắm cũng không đưa, ngồi trên xe không bắt chuyện với ai, ai hỏi cháu về đâu cũng không nói, khi chờ ô tô, ai mời uống nước cũng không, đến bến xuống xe là về nhà ngay đừng la cà ở đâu…
Bắt đầu cấp 2 hoặc cấp 3, chúng chuyển ra Hải Phòng ở với chúng tôi. Nhìn chúng đã là những thiếu niên, bên cạnh việc nuôi ăn, một điều quan trọng khác đến với tôi là dạy chúng sống. Dạy chúng làm người. Một mối băn khoăn lớn của tôi. Dạy các con sống thế nào đây?Dạy chúng sống trung thực ư? Điều đó cực kỳ nguy hiểm mà cái gương tầy liếp là tôi, là những gì tôi đã trải qua và hậu quả chính các con tôi đang gánh chịu. Trong tù tôi đã nghiền một câu Kiều có thay hai chữ: “Chút lòng trung thực từ sau xin chừa”. Cứ cho là không tù tội thì cũng nghèo khổ, không được tin dùng, không được đề bạt. Trung thực còn chắc chắn sẽ không được cấp trên tin cậy, không được kết nạp đảng. Mà không được kết nạp đảng thì cứ hết đời là kẻ bị lãnh đạo, là tầng lớp bị trị dù tài giỏi đến đâu. Trung thực còn đồng nghĩa với việc có một cái mũ chờ sẵn: Bất mãn. Cái mũ ấy có nhiều nhãn mác tiếp theo mà tôi biết quá rõ. Nó đã đẩy tôi tới nhà tù, nó cung cấp thức ăn cho các trại tập trung cải tạo. Trung thực là khốn nạn cả đời. (Nói vậy thôi, chứ chứng nào vẫn nguyên tật ấy, có bao giờ tôi thay đổi được đâu. Trung thực đã ngấm vào máu mất rồi!)
Nhưng không thể dạy các con luồn lách nịnh hót, bợ đỡ, xu phụ. Tôi ghê tởm cách sống này. Là một người đã đi tù vì được ông Trần Đông thường vụ thành ủy, giám đốc sở công an Hải Phòng úm ba la thành một cái lễ ra mắt cấp trên, tôi càng ghê tởm nó gấp bội. Tôi muốn nói với các con tôi: Hãy sống cho ra một con người! Nhưng câu ấy chưa bao giờ được thốt ra. Tôi quá hiểu sống cho ra một con người khó khăn như thế nào, nguy hiểm như thế nào…
Thôi thì đành phó mặc cho số phận. Tôi cầu mong cái cách sống, cái đạo làm người từ ông bà, từ bố mẹ tôi có trong chúng tôi sẽ tiếp tục nơi chúng. Chúng sẽ biết yêu quý mọi người, thương xót những người bất hạnh, biết làm một người lương thiện, một người tử tế, trọng nghĩa khinh tài, không bao giờ hại người khác… Tôi chỉ can thiệp một việc thôi: Không để chúng đi vào con đường văn chương của tôi. Trong việc này tôi đã thành công. Cả bốn đứa con tôi không đứa nào sa vào con đường nghệ thuật. Có một sự trợ giúp quan trọng: Khi tôi đi tù về, câu chuyện giữa tôi với các bạn bè (kể cả cũ, mới) đến nhà đều không phải là chuyện văn chương, một yếu tố quan trọng kích thích và hình thành lòng yêu nghệ thuật của “thế hệ thứ hai” trong các gia đình văn nghệ sĩ, điều dễ nhận thấy trong một số trường hợp như gia đình Kim Lân, Lưu Quang Thuận chẳng hạn. Bởi các bạn tôi là những người tế nhị. Hơn nữa, các bạn cũng rất ít khi về Hải Phòng. Người bị bắt, người đang chân trong chân ngoài cánh cửa nhà tù, bị theo dõi rất sát sao, từng bước không rời, và có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể kiếm được 2 đồng 3 hào để lấy vé ô tô hay 2 đồng 5 xu lấy vé tầu từ Hà Nội về Hải Phòng thăm tôi đâu phải chuyện đùa! Tôi thường lẩm bẩm một mình mỗi khi nhớ bạn: “Đánh một trận sạch không kình ngạc. Đánh hai trận tan tác chim muông…” Mà đâu chỉ một trận, hai trận.Đánh năm năm, mười năm, hai mươi năm và lâu hơn nữa, dòng dã, liên miên. Ngày xưa bạn gần, bạn xa, bạn cũ, bạn mới đi về. Bây giờ chỉ còn Nguyên Bình, Thọ Vân ngay tại Hải Phòng. Và Nguyên Hồng năm thì mười họa về Hải Phòng, ghé qua. (Chưa kể một anh phóng viên báo Hải Phòng làm đặc tình của công an chuyên theo dõi tôi. Anh đã mất, cầu cho linh hồn anh được yên nghỉ, không bị ai quấy rầy, bắt làm đặc tình ở cõi âm.) Nhưng chính Nguyên Hồng, Nguyên Bình, Thọ Vân cũng họa hoằn lắm mới nói với tôi vài câu về nghệ thuật.Một đề tài kiêng kị khi chuyện cùng tôi.
Nhà tôi lại càng không còn chút bóng dáng của nghệ thuật khi tất cả tủ sách còm cõi của tôi mà tôi đã đem đi gửi (để tránh bom Mỹ vì nhà tôi gần Cảng chính, được coi là khu trọng điểm hay còn gọi là tuyến 1) đều không còn nữa. Người ta đã làm mất hết. Tôi nghe những người tôi gửi sách nói vậy và cũng chẳng hỏi gì thêm, cũng không tiếc nuối. Bởi cái va vào miệng, cái đút vào dạ dầy, nỗi sợ hãi chính quyền chiếm toàn bộ suy nghĩ của tôi, lòng dạ đâu mà nghĩ tới sách, mà đọc sách. Bởi bao nhiêu năm đã qua rồi, một thời đại đã qua rồi, một kiếp quen đọc sách đã qua rồi, chưa kể đem sách về nhà làm gì, khi sách đã là nguyên nhân của tai hoạ. Cả nhà trống trơn. Chỉ còn hai tập Anna Karenina đã cũ bởi đã qua tay bao người đọc, nhầu nát. Hai trong số ba tập tiểu thuyết của Lev Tolstoi Dương Tường tặng tôi và người công an mặc sắc phục (duy nhất anh ta mặc sắc phục) hôm đến bắt tôi, nhìn thấy ba quyển Anna ở đầu giường đã bảo tôi: “Anh đang đọc quyển này à? Mang vào mà đọc”. Trong xà lim, tôi đã rất nhiều lần cảm ơn anh công an ấy, người ngay phút đầu tiên đã nhìn thấy quãng thời gian vô tận tôi sẽ phải trải qua trong các xà lim, trong các trại giam. Ba tập sách dầy cả ngàn trang mà tôi đã đọc đến gần như thuộc và ghi vào lề sách, vào những chỗ trống chuyển chương, những dòng nhật ký nhợt nhạt cô đọng.
Khi chuyển đi trại trung ương, tôi đã dúi cho một người bạn tù tin cậy cả ba quyển và dặn anh ta cố giữ, đừng đánh mất. Được tha về nhà, tôi không ngờ lại gặp chúng, tuy rằng có thiếu đi một quyển. Thế là trong nhà tôi vẫn có hai tập sách. Nó đã vào tù cùng một ngày với tôi, cùng chia sẻ đắng cay hoạn nạn, chia sẻ thận phận xà lim tối tăm với tôi, im lặng trò chuyện cùng tôi, giúp tôi giảm được bao nhiêu đòn tra tấn của những phút giây ngục tối.
Vợ tôi gói kỹ hai quyển sách cất vào trong tủ như những vật gia bảo. Đó là những người bạn tù chung thuỷ của tôi! Đã rất nhiều bạn tù chết, nhưng người bạn tù có ghi tên một đại văn hào này vẫn sống dù là một đời sống thực vật: Nằm im trong tủ. Thú thật là tôi không muốn giở ra xem lại. Bởi những dòng chữ từ cựa gà chiếc bút máy Pilot thôi ra tí nước uống của tôi, thứ chữ li ti bợt bạt như thoi thóp ấy cứa vào lòng tôi. Nó làm tôi sống lại những phút giây căm phẫn đắng cay tuyệt vọng. Nó làm tôi đau lại nỗi đau của bố mẹ tôi giờ đây khuất núi, nỗi đau của vợ tôi của các con tôi. Tôi cũng không muốn các con tôi đọc nó. Đừng làm tổn thương thêm những tâm hồn non nớt trong trẻo của chúng. Đôi mắt chúng, trái tim chúng đã trúng thương rồi.
Tôi cố giữ sự trong sáng trong đôi mắt nhìn đời của các con tôi, nhưng đó là cuộc chiến đấu không cân sức, đúng hơn, cuộc chiến đấu trong tuyệt vọng. Bởi chính quyền đâu muốn thế. Họ tìm mọi cách để vợ chồng tôi, các con tôi luôn nhớ mình là ai và không bao giờ được phép quên điều đó. Những buổi gọi bố rồi gọi con ra đồn khai lại lý lịch. Những giấy tờ của các con tôi trong khi đi học cần được chính quyền, công an chứng nhận đều bị ngâm cứu, kéo dài từ ngày nọ sang ngày kia, nhiều lần lên đồn xuống phủ khiến chúng tôi lo lắng, mất ăn mất ngủ và thêm một lần thấm thía thân phận của mình, thêm một lần ngấm cụm từ “triệu lần dân chủ hơn”. Hơn mười năm sau, khi cháu Bùi Quang Dũng học Đại học hàng hải, nhà trường có chủ trương tất cả các sinh viên đều làm hộ chiếu. Tôi biết điều gì sẽ đến với cháu, nhưng chẳng lẽ bảo con đừng khai, đựng nộp hồ sơ lên công an. Quả nhiên hồ sơ cháu được Công an phường ghi: “Bố đi tù 5 năm về tội phản tuyên truyền”. Tôi đã không giữ được bình tĩnh, xé ngay tờ đơn có lời nhận xét của các nhà đương cục, ném vào sọt rác. (Thật là một sai lầm. Nếu bây giờ còn, làm một cái scan kẹp vào giũa những trang này có thích không).
Các con tôi đều hiểu nỗi lo của bố mẹ chúng nhưng làm như không biết và giấu biệt nỗi buồn kém chúng kém bạn ấy để tránh cho chúng tôi những tiếng thở dài. Nói đến thở dài thì cực nhất là những buổi kiểm tra hộ khẩu. Nửa đêm. Rầm rầm lên thang. Náo động xóm láng.Vợ chồng tôi quần áo chằm đụp ra khỏi màn đứng để các ông ấy đếm. Các con tôi đang ngủ, ngồi bật dậy hoặc ngóc đầu lên như tằm ăn rỗi trong chiếc màn xô rách phải dán bằng giấy báo, để các ông ấy đếm. Chỉ đập cửa kiểm tra nhà tôi. Với nhà anh Hồng Sỹ(4) liền bên. Mỗi nhà không quá năm phút.Và rầm rầm xuống thang. Không ai nói một câu, trừ ông tổ trưởng dân phố ra đến cửa bỗng quay lại nói với vợ chồng tôi vừa như động viên vừa như trách móc:
-Sao không cố mua cho các cháu cái màn.
Khi yên tĩnh trở lại, chúng tôi, vợ chồng con cái nằm im không ngủ.Không một tiếng thở dài.Cả hàng chục lần, hàng trăm lần như vậy nhưng tuyệt nhiên không một tiếng thở dài sau những buổi kiểm tra hộ khẩu. Bố mẹ, con trai, con gái, lớn, bé, tất cả không ai bảo ai đều nuốt tiếng thở dài vào bụng, lặng lẽ tiêu hóa nó, với vợ chồng tôi là một uất hận vón cục, còn với các con đang tuổi ăn tuổi học của tôi là sự biết thân biết phận và tránh cho bố mẹ thêm buồn.
Tôi thương các con tôi còn bé đã có ý thức về việc nuốt tiếng thở dài. Bài học vỡ lòng về cuộc sống của chúng là bài học ấy: Nuốt tiếng thở dài vào bụng.
Rõ ràng cuộc chiến đấu của tôi giữ cho đôi mắt các con trong trẻo để tâm hồn chúng khỏi méo mó đi trước tuổi là cuộc chiến đấu vô vọng. Những ngón võ gia truyền của mấy ông làm tôi đo ván. Đo ván và ghê sợ. Mà cái loa Ngã Sáu thì cứ oang oang (cho đến tận hôm nay là năm thứ 13 của thế kỷ 21, khi cuộc sống đã tồi tệ một cách khủng khiếp):
Tôi lại nhìn như đôi mắt trẻ thơ
Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ…
Sao tôi thèm đôi mắt của ông nhạc sĩ nào đó đến thế.Thèm cho tôi và thèm cho các con tôi đang tuổi trẻ thơ. Để xanh núi xanh sông xanh đồng xanh biển, xanh cuộc đời xanh cả ước mơ.
Tôi không muốn chút nào các con tôi nhìn đời bằng đôi mắt của tôi, đôi mắt của những người bị giầy xéo dưới đáy mà tai luôn nghe những điều tốt đẹp “triệu lần hơn” của chủ nghĩa, của các bậc chí thánh, tôi cũng hoàn toàn không muốn chúng có đôi mắt mang tia X nhìn thấu tới gan ruột cốt lõi của chế độ, để thấy trước những gì cuộc sống đang chờ chúng. Xin các người đừng tước đoạt của chúng tuổi thơ!
Nhà tôi không có sách văn chương (và tất nhiên không có sách lý luận!) vẫn chưa làm tôi thật yên tâm khi hai cháu Bùi Thị Hải Yến và Bùi Quang Dũng rất giỏi văn. Học lớp 4, Hải Yến đã được chọn đi thi giỏi văn thành phố. Thật may, Hải Yến học giỏi toàn diện. Khi ra thành phố học cấp 2, Yến rất mê môn toán. Lên cấp ba, Yến học chuyên toán, mỗi tháng được học bổng 9 đồng. Món tiền này rất quan trọng, có thể nói một cách dễ hiểu, giống như cách mạng Cuba đối với phe xã hội chủ nghĩa vậy (bằng Cu ba thôi chứ không thể như cách mạng Trung Quốc được). Vợ tôi tháng nào cũng ngóng cũng nhắc: “Yến chưa lĩnh lương nhỉ?” Hoặc: “Mãi chưa thấy Yến lĩnh lương.” Còn cháu Bùi Quang Dũng thì giỏi văn đấy nhưng không thích học văn. Bởi cô giáo dạy văn không thể nào chấp nhận những bài văn không đúng với bài mẫu, không chịu được những nhận xét ngây thơ hồn nhiên của cháu khi tả cuộc đi chơi tắm biển hay một buổi sáng ở làng quê. Tôi đã đi họp phụ huynh cho cháu, biết cô giáo có chồng là một sĩ quan hải quân, thường xuyên sống xa chồng, đành cắt nghĩa sự “khó tính” của cô, ngoài trình độ, còn do hoàn cảnh ấy và tự an ủi rằng thôi cũng may, sự thui chột về văn này của cháu càng có lợi.
Kết quả thật như ý. Bùi Thị Hải Yến và Bùi Quang Dũng có năng khiếu văn, nhưng đều học kinh tế, kỹ thuật. (Gần đây Hải Yến muốn giải trí với những kỷ niệm ấu thơ khi còn ở với ông bà, đã viết bài Những ngày giáp tếthưởng ứng cuộc thi của báo Phụ Nữ thành phố Hồ Chí Minh và đã được giải nhì.)
Do phúc ấm gia đình, tổ tiên để lại, các con tôi đều ngoan, thương bố thương mẹ. Nhìn bạn chúng đến nhà, tôi yên tâm. Toàn chuyện học, chuyện bài vở, và thật mừng làm sao… chúng cãi nhau về những bài toán khó. Không đứa nào phải giục giã, nhắc nhở trong việc học. Hơn thế, nhiều đêm ngủ một giấc, tỉnh dậy vẫn thấy con cặm cụi bên bàn, tôi phải giục: Đi ngủ thôi. Khuya rồi. Sáng mai còn biết đường mà dậy.Dù học khuya hay đi ngủ sớm bao giờ Giáng Hương cũng là người đầu tiên trở dậy vào sớm hôm sau. Nhồi bếp mùn. Đun nước. Nấu cơm ăn sáng. Ngày ấy ăn cơm sớm lắm. Làm hai tầm sáng, chiều. Các cháu đi học còn sớm hơn. Hai bữa cơm lên đèn. Đèn dầu hỏa (vì không có điện) nên chúng tôi hay đọc câu ca dao thời yên bình làng xóm làm ăn thuở xa xưa một ngày hai bữa cơm đèn, còn chi má phấn răng đen hỡi chàng.
Các con tôi đều hiểu chúng đã chẳng may sinh trong một gia đình đối tượng của cách mạng. Phải cố gắng hơn mọi đứa trẻ khác. Sống không đòi hỏi một điều gì, từ quyển vở cho đến chiếc quần phíp may bằng vải vụn, lại càng không nghĩ tới một chiếc áo len. (Mãi sau này khi đã lấy chồng, Hải Yến vẫn còn kể lại hồi học cấp 3, đã là thiếu nữ, mặc chiếc quần phíp đen can nối ngang hông, thầy gọi lên bảng, mỗi khi với tay lên cao để viết lại xấu hổ về chiếc sơ mi ngắn bị kéo lên không che nổi đường can ở phía sau.) Mùa rét, chăn không có, vợ tôi nhờ sự quen biết, xin được từ nhà máy Thảm Len một bao tải “đề sê gầm”, thứ phế thải từ lông súc vật ẩm bết, vụn, rơi ra trong quá trình chế biến len thảm, đầy vi khuẩn, đem về trải ra, dàn ra như một thứ lõi bông. Vỏ chăn là những miếng vải bao bì, in hằn những vết han gỉ của nẹp sắt, của những dòng chữ hắc ín không thể tẩy sạch. Yên tâm là hai đứa con gái đã có chăn “len” chống rét nhưng đến khi chúng nằm xuống chiếc chiếu trải trên sàn gỗ giữa buồng, thử cái chăn mới mà ba mẹ con khâu khâu, níu níu chần chần ấy mới thấy cái yếu kém của nó: Những mũi kim đường chỉ của suốt một buổi tối vất vả không thể giữ được những vụn đề sê gầm. Chúng rời ra, xô vào nhau, chỗ là một cái túi phồng lên, chỗ trơ ra hai lượt vải bao bì. Nằm trong chăn, bốn cái đầu gối của hai đứa con gái đội lên hai lượt vải, trong khi dưới chân chúng, những vụn lông thú dồn lại, cộm lên. Chúng cười rúc rích về cái kết quả bất ngờ này và lấy chân hất hất cho lớp ruột chăn bên trong dàn đều trở lại nhưng đâu có được và lại cười. Tiếng cười của hai đứa con gái đang tuổi ăn tuổi lớn cứa vào lòng tôi.
Không chỉ túng đói, cuộc đời chúng tôi còn là liên tiếp những mối lo sợ. Một nỗi lo mới ám ảnh chúng tôi khi cậu con lớn Bùi Ngọc Hiến vào học lớp 10, lớp cuối cấp 3 chuẩn bị thi đại học. Liệu cháu có được thi không? Muốn thi đại học, điều kiện trước tiên phải là đoàn viên thanh niên cộng sản. Với cái lí lịch tối tăm, con một tên phản động, bố là một phần tử chống đảng chống chế độ, đi tù 5 năm mới về, làm sao được vào đoàn? Cái cánh cửa đại học như đã đóng chặt trước cháu.
Nhưng như một chuyện cổ tích, một chuyện thần kỳ, và cũng có thể do học giỏi và hiền ngoan, cháu Hiến được kết nạp vào đoàn. Cái huy hiệu tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên cài trên ngực áo cậu con trai lớn làm sáng cả khuôn mặt vợ chồng tôi. Từ cháu Hiến được kết nạp đoàn, có thể lãng mạn cách mạng nghĩ rằng các em nó, Bùi Thị Giáng Hương, Bùi Thị Hải Yến và Bùi Quang Dũng cũng có thể sẽ được kết nạp. Bởi trong bản lý lịch mục kê khai về anh chị em sẽ có một dòng sáng ngời: Bùi Ngọc Hiến đoàn viên thanh niên cộng sản. Đó là dòng chữ ghi chất lượng chính trị cao nhất của gia đình tôi: Có một cậu con trai là đoàn viên thanh niên cộng sản!
Việc cháu Hiến được vào đoàn ngoài kết quả sự phấn đấu của cháu chắc chắn có sự đóng góp của cả sáu người chúng tôi mà bằng chứng là tờ giấy khen “Gia Đình Văn Hóa Mới” của khu phố trao tặng. Một kết quả tổng hợp của mọi thành viên. Ngày này sang ngày khác, ngày cũng như đêm, căn buồng của chúng tôi không một tiếng nói to. Chúng tôi im thin thít trong khi xóm láng thường xuyên cãi nhau, chửi nhau, đã có những vụ chửi nhau hẹn giờ kéo dài cả tháng, chỉ nghỉ ngày chủ nhật mà tôi đã viết trong tiểu thuyết. Chúng tôi biết phải chịu thiệt, tuyệt đối không tham gia vào cuộc chiến tranh đất đai âm ỉ và sục sôi bên dưới. Các con tôi lễ phép, chăm học, học giỏi trong khi con các ông bà thì bỏ học, lêu lổng… cũng đã góp phần quan trọng vào cái chứng chỉ này, cái chứng chỉ bằng văn bản có đóng dấu son hẳn hoi. Và tôi suốt tháng này sang năm khác im lặng như một người câm. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất chắc chắn là những cố gắng phi thường của vợ tôi, những cố gắng của một người biết rằng cuộc đời mình đã chấm hết, chỉ còn một mục đích, một ý nghĩa duy nhất: Sống vì những đứa con. Dọn vệ sinh hàng tuần trong xóm ngày thứ bẩy. Tổng vệ sinh khu phố nhân ngày quốc khánh mùng 2 tháng 9, ngày Quốc tế lao động mồng 1 tháng 5. Họp xóm, họp tổ dân phố tới tối khuya dù đi làm cả ngày mệt nhừ người. Vợ tôi luôn là một trong những người bỏ phiếu bầu cử các cấp ngay sau lễ khai mạc khi các vị chức sắc long trọng bỏ những là phiếu đầu tiên, hơn thế, bao giờ vợ tôi cũng gạch đúng tên những người đã được phổ biến bằng cách rỉ tai hoặc nói xa xôi trong những cuộc họp trước đó. Riêng tôi trong những lần đi bầu để cho có mặt đã định gạch văng tê ngẫu hứng, nhưng rồi lại thôi, nhỡ có ai trông thấy thì toi đời, vả lại có bầu thế nào thì những người họ giới thiệu vẫn trúng. Cũng phải thú thật là lần đầu tiên được đi bầu sau khi ở tù ra tôi phấn khởi vô cùng. Phấn khởi hơn cả những người được đi bầu quốc hội lần đầu tiên năm 1946. Khi danh sách cử tri được trương lên quanh khu bầu cử từ nhiều ngày trước đó, vợ chồng tôi nhìn nhau mà đọc thấy mối lo không thành lời: Trong những dòng chữ ghi tên họ cử tri chi chít như kiến bò kia có tên tôi không? Không có tên trong danh sách đi bầu thì không chỉ nhục nhã cho mình, cho vợ mà còn khốn nạn suốt đời mình, khốn nạn suốt đời con. Vợ tôi đi thám thính, làm như có việc ra Ngã Sáu mua bán cái gì đó, ghé qua xem danh sách như những người vô công rồi nghề và trở về nhà cố nén để khỏi reo lên: “Có tên bố nó. Em xem rồi. Bùi Ngọc Tấn. Mười. Điện Biên Phủ”.Tôi như vừa qua được một căn bệnh hiểm nghèo, thoát khỏi chứng ung thư di căn. Tôi lại được vào Nhân Dân rồi! Tôi lại đứng trong hàng ngũ những người được đảng lãnh đạo rồi! Không bị đảng ruồng bỏ nữa!
… Tôi đem dán cái chứng chỉ dấu son Gia Đình Văn Hóa Mới, vốn liếng chính trị và cũng là tài sản lớn nhất của gia đình, ngay phía trên bàn tiếp khách của tôi và cũng là bàn học của các con tôi. Nơi đập vào mắt mọi người. Để ai đến nhà cũng nhìn thấy ngay, biết gia đình tôi đã lại được là một gia đình bình thường như mọi gia đình khác, hơn thế còn là một gia đình văn hóa mới.
Là đoàn viên, cháu Bùi Ngọc Hiến đã có được bộ hồ sơ thi đại học đầy đủ. Đành rằng học tài thi phận nhưng chúng tôi tin cháu sẽ thi đỗ. Bởi cháu học rất giỏi.Văn thì trung bình (thật trúng với mong ước của bố mẹ cháu) nhưng những môn tự nhiên thì vào loại giỏi.Còn đang học lớp bẩy, lớp tám, cháu đã nghĩ ra những đề toán khó đăng trên báo Toán học và Tuổi trẻ của ông Nguyễn Cảnh Toàn. Nộp đơn thi vào Đại học Đường Thủy, cháu đỗ rất cao: 21,5 điểm. 11,5 điểm được vào trường, 18 điểm được đi học nước ngoài, nhưng cháu không được gọi. Cái điểm thi của cháu cũng phải mãi về sau mới biết, mặc dù ông Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đại học Chuyên nghiệp ngày ấy đã có quyết định công khai các điểm thi của các thí sinh. Cá chuối đắm đuối vì con. Quên cả nhục nhã, quên cả sợ hãi, tôi đã vác cái mặt của một kẻ đi tù, một kẻ chống đối, phản cách mạng, một cái mặt ai cũng có quyền khinh bỉ đến gặp nhà trường, gặp công an, gặp ủy ban, gặp tuyển sinh thành phố. Dân thường đến những nơi tôn nghiêm ấy cũng còn nem nép sợ hãi nữa là tôi. Đến đâu cũng là những cái lắc đầu không biết, hồ sơ của cháu không có ở chỗ chúng tôi, con anh cũng như con tôi, nếu cháu thi đủ điểm chúng tôi cho cháu đi học chứ giữ cháu làm gì. Cho đến khi biết điểm thi của cháu, mà vẫn không được gọi, tôi càng thấm thía tội lỗi làm bố của mình. Chỉ vì tôi. Chỉ vì tôi nên con tôi có thể thất học. Mà có thể gì nữa. Thất học rõ ràng, rành rành ra rồi. Con người ta vào học một tháng rồi. Con mình vẫn nằm nhà. Người tôi sôi lên. Hỡi bọn chó đểu kia. Chúng mày làm gì tao thì làm, bỏ tù lại tao cũng được. Nhưng đừng triệt hạ con tao!! Các đồng chí ơi. Hãy cho con tôi vào học. Chúng vô tội. Chính đảng đã nói: Con làm con chịu, bố làm bố chịu cơ mà! Con tôi cũng như con các đồng chí… Tôi cơ hồ tuyệt vọng. Hoàn toàn không nghĩ là con mình được vào đại học, bởi con em nông dân không vào hợp tác xã cũng không được vào đại học huống hồ con một tên phản động!
Tôi không dám nhìn vào mặt cháu. Còn vợ tôi sinh ốm. Ốm thật, không phải “bệnh tư tưởng” như người ta thường nói. Sau này hễ cứ có một đứa con thi đại học là vợ tôi đổ bệnh thật sự. Một triệu chứng mới xuất hiện là đau thắt ngang ngực, khó thở, triệu chứng này xuất hiện thường xuyên hơn trong những năm tháng căng thẳng hậu Chuyện kể năm 2000 và được bác sĩ xác định là thiểu năng động mạch vành, phải dùng vastarel suốt đời.
Trong những ngày đằng đẵng tuyệt vọng chờ mong ấy, thật may, cháu được một người quen nhận vào làm bốc vác cho mậu dịch. Cháu không phải nằm dài ở nhà nữa. Đã có công việc làm. Đỡ buồn chán. Lại có thu nhập.
Cháu Hiến năm ấy mới mười sáu tuổi, người nhỏ nhắn giống mẹ, mặt búng ra sữa. Những tưởng cháu làm theo sức của mình, nào ngờ đâu, trong một đội bốc vác, cháu phải làm như mọi người, cũng vác những bao đường nặng một tạ như những công nhân bốc vác chuyên nghiệp người Hoa cao lớn khác. Và khi giải lao, những ông phu poóc tê uống rượu với đùi gà (một thứ thức ăn khủng ngày ấy để bồi bổ lại sức khỏe đã tiêu hao) thì cậu học sinh duy nhất trong đội ngồi một mình dựa lưng vào gốc cây ba giăng ngoài vỉa hè, lấy bút chì và giấy trong túi áo ra làm toán.
Làm bốc vác được gần hai tuần, cháu bị sút lưng, nằm nhà, không ngồi dậy được. Ăn uống tại giường, đái ỉa tại giường. Các bạn cháu đã vào học biết tin, đến nhà xúm quanh giường và động viên cháu: Cứ yên tâm. Chưa học gì đâu. Mới là học nội quy và tập quân sự thôi.
Cuối cùng cháu cũng được vào học, vào cái khoa ngày ấy không cháu nào muốn học, chỉ những học sinh xuất thân trong những gia đình kém cỏi mới phải vào: Khoa công trình! Không phải khoa máy, khoa điện… những khoa có thể xuống tầu, tới Nhật tới Hồng Kông, tới Xanh ga po, kể cả tới Bắc Âu, tới Mỹ để có cơ hội buôn bán làm giầu.
Cứ yên tâm mà ở lại với đất nước, với đói nghèo!
Bùi Ngọc Hiến. Rồi Bùi Thị Giáng Hương. Và tới Hải Yến.Có lẽ cũng cần nói thêm về trường hợp Hải Yến thi đại học. Cũng như khi hai đứa con đầu đi thi, chúng tôi cũng lo cháu có đỗ hay không nhưng điều lo lắng nhiều hơn là người ta có cho con mình vào học hay không. Dù hai cháu lớn học đại học, chuyên nghiệp đã như một tiền lệ. Chúng tôi luôn sợ hãi. Việc gì cũng có thể xẩy ra. Vợ tôi ngày nào cũng thắp hương khấn vái rồi theo lễ hết đền này phủ khác. Và ốm khi Yến đến ngày thi như đã ốm khi hai đứa lớn đến ngày thi.
Thi xong ít lâu, một cháu gái, bạn học với Hải Yến đến chơi nhà. Là con ông cháu cha, cháu được ban tuyển sinh thành phố cho chép danh sách và điểm thi của các thí sinh đại học, một hình thức làm thêm trong dịp hè để có thu nhập. Cháu đến nhà chơi và hỏi Yến một câu rất vô tư:
-Hải Yến ơi. Sao không có tên cậu?
Như có một luồng gió độc đánh mạnh vào ngực, tôi biết người ta đã ra đòn. Tưởng đến Giáng Hương là thôi. Nhưng vẫn tiếp tục.Ngón đón này dù đã nhiều lần làm tôi thổ huyết nhưng vẫn không sao quen được.
Thương con. Uất hận. Nhưng đừng để lộ ra. Vẫn phải giữ vẻ mặt nhẫn nhục cam chịu của một kẻ biết thân biết phận. Giữa trời mưa to, tôi cùng con gái đạp xe đến trường Thái Phiên. Người ta phát giấy báo điểm. Cháu này nhận. Cháu khác nhận. Mặt xịu xuống, mắt rơm rớm nước vì điểm dưới chuẩn. Nhẩy lên trong mưa vì thừa điểm vào trường. Ấp tay vào ngực, xuýt xoa vì may mắn: vừa đủ điểm… Cho đến cháu cuối cùng. Rồi sân trường chỉ còn lại hai bố con tôi. Tôi tiến lại cái bàn kê ở hành lang hỏi một thầy giáo về phiếu điểm của cháu. Ông ta nhìn tôi nửa như khinh bỉ, nửa như ái ngại:
– Không có. Chúng tôi không nhận được. Khi nào nhận được chúng tôi sẽ báo…
Vẫn phải vác cái mặt một kẻ đi tù về mà đến những nơi cần đến, những căn phòng tượng trưng cho quyền uy cách mạng để dò hỏi. Tuyển sinh thành phố, công an khu phố, ủy ban, và lại quay lại trường trung học.
Chầu chực. Chờ đợi. Tùy từng nơi, từng lúc mà gặp nhưng vẻ mặt khác nhau. Khinh bỉ. Khinh khỉnh. Ái ngại. Lanh nhạt. Làm ra thông cảm. Nhưng những lời nói thì giống nhau. “Chúng tôi chưa nhận được giấy báo điểm, chưa nhận được hồ sơ của cháu. Anh cứ yên tâm. Hễ nhận được là chúng tôi sẽ báo cho anh ngay. Con anh cũng như con tôi…” Đến đâu cũng cái điệp khúc “con anh cũng như con tôi”. Các cán bộ công nhân quốc doanh đánh cá Hạ Long (tôi đã được đi làm ở đây nhờ sự cứu giúp của ông Hoàng Hữu Nhân, Tổng cục trưởng tổng cục Thủy Sản và sự vượt rào của ông Tưởng, trưởng phòng lao động khu phố Ngô Quyền, những người tôi hàm ơn suốt đời) nghe tôi kể lại cơ đận con gái tôi thi đại học đã đặt cho tôi cái tên: Chết-Giữa-Tình-Thương.
Cuối cùng chúng tôi cũng biết điểm thi của Hải Yến: 20,5 điểm so với điểm chuẩn 18. Về số điểm của cháu một thầy giáo quen tôi có nói với tôi:
-Con Yến nó thương hai ông bà đấy. Nếu nó được thêm nửa điểm nữa, 21 điểm là điểm được đi học nước ngoài ông bà lại càng đau hơn. Thằng Hiến đã thế rồi…
Chúng tôi đã chịu cái đau ấy khi cháu Hiến thi. Và cũng thuộc lòng bài học của ông Trần Đông và Sở Công an Hải Phòng dạy, một bài học không thành lời nhưng thấm thía: Con mày được đi học đại học là tốt lắm rồi. Vâng. Cảm ơn các ông.Cảm ơn các đồng chí của tôi. Chúng tôi đâu dám mong ước gì hơn. (Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến lời ông Bill Clinton, tổng thống Mỹ nói với sinh viên tại Hà Nội một câu mà tất cả các ông bố bà mẹ, các trẻ em còn đang bú mẹ hay đã chuẩn bị thi vào đại học ở Việt Nam đều mơ ước: Tất cả trẻ em ở Mỹ đều có cơ hội ngang nhau. Ai cũng hiểu rằng ông Tổng thống đang nói một sự thật chứ không phải đọc một câu ghi trong hiến pháp để không bao giờ thực hiện.)
Biết điểm nhưng không biết hồ sơ của con gái nằm ở đâu. Tôi cố giữ bình tĩnh để đừng phát điên lên, đến những nơi cần đến. Vẫn là không biết. Vẫn là Chết Giữa Tình Thương. Hay thất lạc đâu rồi. Trong khi ngày hết hạn nộp hồ sơ cứ đến dần. Và rồi ngày cuối cùng của hạn nộp cũng đến. Buổi chiều trước cái hạn định cuối cùng ấy, anh Bùi Đức Thành, anh thứ hai tôi, người quen nửa thành phố và đã dành rất nhiều công sức dò hỏi điểm thi và hồ sơ của cháu Yến, đạp xe đến nhà với khuôn mặt tươi ngời lên:
-Hồ sơ con Yến xong rồi. Tuấn tuyển sinh gặp anh nói sáng mai chú lên gặp nó nhận hồ sơ cho cháu rồi chú trực tiếp cầm lên nộp cho trường.
Tôi vội chuẩn bị ngay mọi thứ để đi Hà Nội như sửa lại xe đạp cho thật tốt, tránh mọi trục trặc khi tới Hà Nội, xin giấy lấy vé ô tô ưu tiên (thật may mắn Giáng Hương, con gái tôi học với con gái ông bí thư đảng uỷ công ty xe khách, đã xin được một cái giấy viết tay của ông gửi quầy bán vé).
Tôi đến tuyển sinh sớm. Chờ. Chờ lâu. Hàng tiếng đồng hồ. Tôi đâu hiểu rằng ông Tuấn tuyển sinh, người tôi đã nhiều lần tìm gặp để hỏi về hồ sơ thi đại học của các con tôi, không thể đi thẳng từ nhà đến cơ quan được. Sáng nào cũng có người chờ ông sẵn ở cửa. Người ta bắt cóc ông. Người ta mời ông. Người ta đèo ông (bằng xe đạp- thời ấy làm gì có xe máy và cũng không có kiểu phong bì như hiện nay) đi ăn sáng. Ăn xong vào hiệu cà phê. Không ngày nào ông được (phải) ăn sáng một mình hay ăn sáng với vợ con.
Chín giờ, ông Tuấn mới bước vào phòng làm việc. Thấy tôi ngồi chờ, ông Tuấn cười động viên tôi và nhanh nhẩu bắt tay vào công việc. Ông lấy dao rọc một tờ báo Nhân Dân, phết hồ dán lại làm túi đựng hồ sơ cho Hải Yến, những tờ giấy quyết định cả một đời người. Cầm túi hồ sơ ông đưa, tôi đứng dậy định đi ngay, nhưng ông nói:
-Gượm đã. Anh chờ tôi một tý.
Ông làm rất nhanh một cái phong bì khác:
-Còn trường hợp này nữa. Cháu này cũng giống như con anh.Cũng đến hôm qua mới có quyết định chính thức. Con người ta cũng như con anh. Một công đôi việc, nhờ anh cầm lên hộ cháu. Đại học sư phạm.Cũng gần trường thương nghiệp. Anh biết trường sư phạm chứ. Cùng khu Cầu Giấy cả.
Tôi không biết trường Sư phạm ở đâu. Trường Thương nghiệp mà Hải Yến vào học tôi cũng chưa biết, nhưng Cầu Giấy thì tôi biết. Sáu năm làm báo ở Hà Nội thật đắc dụng trong trường hợp này. Tôi cầm hồ sơ ông Tuấn đưa và hứa với ông sẽ chuyển tận nơi cho cháu, nhưng thật may, ông bố bất hạnh như tôi cũng vừa lò mò đến. Tuấn reo lên và đưa hồ sơ của con ông cho ông. Đó là một người có bộ mặt lo lắng sợ sệt, ngơ ngác, không dám nhìn vào mặt ai, chỉ một kiểu nhìn xuống đất. Tôi nghĩ hẳn tôi cũng có bộ mặt ấy, bộ mặt của người biết thân biết phận vừa nhận một cái ơn trời bể. Muốn nói với ông mấy câu xã giao, nhưng ông đã giơ hai tay nắm lấy tay Tuấn lắc lắc, cúi thấp đầu chào Tuấn, không nhìn tôi lấy một lần, cầm hồ sơ của con bước nhanh ra cửa. (Hình như ông không biết tôi cũng cùng một thân phận như ông nên ông thu mình lại, không muốn bắt chuyện.) Tôi cũng ra theo ông. Tôi rất vội. Mặt trời đã lên cao.Đạp thẳng ra bến ô tô Niệm Nghĩa. Không thể quan niệm được cái bến ô tô nhất là phòng bán vé thời đó. Chen. Huých. Cãi cọ. La hét. Sừng sộ. Dòng người cứ dài mãi. Và bâu vào cửa bán vé, vòng trong vòng ngoài những người chen ngang, không muốn xếp hàng mà vẫn có vé. Đó là nguyên nhân của những tiếng la hét chửi bới, cãi cọ nhiều khi đi đến ẩu đả. Cửa ưu tiên cũng đông cực kỳ.Nhiều loại ưu tiên lắm. Giấy viết tay như tôi. Nhà báo. Cán bộ công nhân trong ngành. Dân phe vé đã móc ngoặc thành nếp làm ăn. Và thương binh nhiều vô kể. Thương binh xếp hàng mua vé, bán lại giá cao, một nghề kiếm sống. Chuyến ô tô tôi đi khởi hành 12 giờ trưa. Xe đạp vất trên nóc xe. Tháng tám nắng rám cành bưởi. Tôi đã xì bớt hơi trong lốp xe để dù có phơi nắng cũng không bị nổ lốp và đến bến Nứa có thể cứ thế guồng ngay. Tôi lấy luôn vé khứ hồi. Tôi nghĩ nếu không có cái giấy viết tay ưu tiên của ông bí thư đảng uỷ công ty xe khách chắc con gái tôi sẽ thất học. Vì đã là thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ.Và nếu ô tô nổ lốp hay bị sự cố gì đó, con tôi cũng chẳng được nhập trường. Ngày ấy ô tô Hải Phòng Hà Nội chạy thông đồng bén giọt mất bốn tiếng đồng hồ. Phải bốn giờ chiều mới tới bến Nứa.
Chuyến xe suôn sẻ, không pan cũng không nổ lốp. Bốn giờ chiều tới bến. Nhận xe đạp, tôi phóng nhanh về Cầu Giấy. Đến Cửa Nam, va vào xe một cháu gái cũng trạc tuổi Hải Yến đi từ phía Hàng Bông lại, hai chú cháu ngã xoài, rồi cười với nhau, dựng xe lên, ai đi đường nấy. Tới trường đại học Thương nghiệp là gần 5 giờ. Hơn nửa tiếng nữa mới tan tầm. Nhưng phòng giáo vụ vắng tanh. Nộp hồ sơ cho ai bây giờ. Còn đang đứng lơ ngơ giữa chốn xa lạ với mặc cảm về thân phận hèn kém của mình cùng nỗi lo không biết bấu víu vào đâu thì có tiếng nói lễ phép:
-Chú đi đâu đấy hở chú?
Thật là chết đuối vớ được cọc. Một giáo viên của trường, anh của một cháu bạn học với Giáng Hương. Còn may mắn nào hơn. Anh giáo viên trẻ nhận hồ sơ và bảo đảm với tôi rằng sẽ nộp được cho phòng giáo vụ. Tôi vội đạp xe trở ra bến Nứa. Không còn chuyến ô tô nào dù có vé khứ hồi. Rất nhanh, tôi quành về ga Trần Quý Cáp, lấy vé tầu đêm, để sáng hôm sau có mặt tại xí nghiệp đón Ban Thi đua khen thưởng thành phố về làm việc tại xí nghiệp theo lịch đã thông báo trước…
______________
Chú thích của tác giả:
Chú thích của tác giả:
(1) Hai người chung nhau một chiếc bát Móng Cái, bởi vậy nên ở Rế (Hải Phòng) có một ông già sống độc thân được cô bán hàng hợp tác xã ưu tiên cho ông mua cả một chiếc bát, ông đã khăng khăng không nhận: “Tôi không lạm vào tiêu chuẩn của người khác. Cô cứ chặt đôi ra cho tôi một nửa”.
(2) Tôi đánh giá rất cao vị trí của chiếc loa công cộng, điều miền Nam không làm được. Khi gặp Huy Đức, tác giả Bên Thắng Cuộc, nhìn cái bìa vẽ chiếc loa đen treo trên cột điện, tôi bảo anh: “Anh rất thích cái bìa này”.
(3) Cho đến bây giờ chúng vẫn nhắc lại những chuyện ông kể mỗi khi “hồi ký cách mạng” như chuyện đi ăn cỗ ngày xưa, mẫm cỗ ngồi 4, nhưng có một cụ lại dắt theo cả cháu cùng đi. Thằng bé bảo ông: Cháu thích ăn hồng. Thế là vừa ngồi xuống mâm, một cụ đã cầm quả hồng:”Mời các cụ xơi hồng đi nào.” Mỗi cụ một quả, xơi ngay món đét xe tráng miệng ấy trước khi ăn cỗ.
Bốn đứa con tôi, đứa nào cũng thuộc bài thơ “Đi ăn cỗ đám” của ông rất hiện thực xã hội chủ nghĩa: Cỗ chẳng muốn đi họ cứ mời / Cũng vì tình cảm phải đi thôi / Nước vừa rót ra chưa kịp uống / Cỗ đã bưng lên thỉnh cụ xơi / Thịt sắm bao giờ ăn ngấy ngấy / Rượu pha phân đạm uống hôi hôi / Cơm đơm ra rá rời như củ / Ăn vội ăn vàng đứng dậy thôi.
(4) Trung tá công an bị bắt trước tôi và tha trước tôi (Xem Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên)