Thursday, 26 November 2015

Món nợ đồng lần - Hạ Vũ, thông tín viên RFA

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 File Photo
Nếu bạn giành ra một ngày, đứng tại bất kỳ một ngã tư phố nào của Hà Nội để quan sát, bạn sẽ bắt gặp, trong ngày đó, không dưới 60 bà bầu. Và tất cả mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đi qua bạn, đều chở theo ít nhất một đứa trẻ con. Chiếc xe máy của họ, luôn tất bật với đồ ăn, cặp sách của con và trong đầu họ, hàng ngày đều quay cuồng với câu hỏi “hôm nay ăn gì”.
Dường như, mục đích sống của cuộc đời mỗi người phụ nữ Việt đều dựa vào mỗi đứa con và gia đình. Toàn bộ mục tiêu cuộc đời họ là lập gia đình và sinh con.
Nguyên nhân vì sao? Và họ có hạnh phúc với cuộc đời đó của mình hay không?
Chữ “Trinh”, có thể nói, là yếu tố quan trọng nhất đối với đàn ông Việt Nam trong việc chọn vợ. Họ có thể lấy người con gái mà mình không yêu, chỉ cần cô ấy còn trinh. Mẹ chồng Việt xưa, có rất nhiều cách để kiểm tra sự trinh trắng của cô con dâu. Những phương cách đó, vẫn còn được các bà rỉ tai nhau áp dụng, cho tới ngày nay. Mặc dù vậy, bên cạnh những bà mẹ chồng “cổ hủ” đó, ngày nay, có rất nhiều bà mẹ chồng chỉ mong muốn con dâu có bầu trước khi cưới, như một cách để chắc chắn rằng bà không cưới phải cô con dâu vô sinh.
Có thể sinh con, và sinh đẻ dễ dàng là một trong những tiêu chí lựa chọn con dâu của các  bà mẹ chồng giàu kinh nghiệm ngày xưa. Các bà thường viện dẫn câu tục ngữ, rằng “những người thắt đáy lưng ong, vừa giỏi chiều chồng, vừa khéo nuôi con. Những người béo trục béo tròn, mồm như mỏ khoét, đánh con cả ngày”, v.v..Và những phụ nữ không có con được xem như những “cây khô không có quả”, những người bị trừng phạt do đã làm điều gì đó không phải trong kiếp trước.
Ở Việt Nam có khoảng 18.000 trẻ sơ sinh tử vong hàng năm (theo Báo cáo của UNICEF, WHO, WB, UN – Mức độ và xu hướng Tử vong trẻ em, 2011). Và theo thống kê trong những năm gần đây của Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy, mỗi năm cả nước có khoảng 1,2 triệu đến 1,6 triệu ca nạo phá thai; Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ bùng nổ dân số do số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang không ngừng tăng, từ 21,5 triệu người năm 1989 lên 24,2 triệu người năm 2005. Con số này dự kiến sẽ đạt mức cực đại vào năm 2020, với hơn 27 triệu người. Dân số Việt Nam đang ở mức trên 91 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới. Mật độ dân số cao gần gấp đôi Trung Quốc và gấp 10 lần các nước phát triển. Chất lượng cuộc sống mỗi ngày một đi xuống do rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân của mọi nguyên nhân là sự gia tăng dân số chóng mặt. Mặc dù vậy, mỗi năm Việt Nam vẫn có thêm trên 1,6 triệu trẻ em được sinh ra, lớn hơn dân số ở một số nước Châu âu như IcelandCyprusAndorra, v.v..
Dọc hành lang các bệnh viện Phụ sản Trung ương, Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện K...bất cứ lúc nào bạn cũng có thể bắt gặp cảnh người nhà bệnh nhân, thậm chí cả bệnh nhân nằm, ngồi ngổn ngang. Đã thế, thi thoảng bệnh viện còn mất nước, mất điện. Nỗi khổ cực mang thai 9 tháng, 10 ngày có lẽ sẽ nhân lên gấp bội trong những ngày sinh đẻ tại các bệnh viện chật chội, thiếu thốn về cả cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ lẫn sự cảm thông và tình yêu thương của các y bác sỹ.
Đón con từ bệnh viện trở về nhà cho tới ngày nhắm mắt, xuôi tay, không một ngày nào người phụ nữ Việt Nam được thảnh thơi với cuộc sống riêng của mình. Không có bảo hiểm y tế, không có trợ cấp nuôi con, không miễn phí giáo dục, không giảm giá cho các dịch vụ công, v.v. như ở các quốc gia phát triển; thậm chí họ còn phải đối mặt với biết bao hiểm nguy trong quá trình nuôi con, từ việc tiêm phòng với vắc xin hết hạn sử dụng, từ những hiểm họa trong đồ ăn, sữa uống hàng ngày cho tới đồ chơi, quần áo và đặc biệt là những vấn đề nghiêm trọng hơn về đạo đức, lối sống, v.v. trong sách giáo khoa, sách tham khảo và nạn bạo lực học đường khiến người phụ nữ phấp phỏng lo âu mỗi ngày con đến lớp…
Và ngay cả khi về già, họ cũng không được thảnh thơi bởi còn phải trông nom, dạy dỗ, bao bọc các cháu. Người Việt có câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” để chỉ sự “vô can” của người đàn ông đối với việc giáo dục trẻ con trong gia đình. Ngồi ở cổng bệnh viện phụ sản với một nhóm các bà ngoại đi trông cháu, Hạ Vũ có dịp trò chuyện cùng các bà về niềm vui và những nỗi vất vả khi có cháu.
Bà Lan, ở Hà Nội, cho biết:
"Trông cháu, trông thì phải vất vả chứ. Nhưng thích thì vẫn thích. Còn tùy có điều kiện mà nuôi nổi hay không thôi.Dào ôi, nghĩ một đứa ra, ôi mệt lắm. Kinh tế là một này, còn đi làm đi ăn. Đấy, nhiều sự xẩy ra lắm. Sau này ôi mới mệt chớ. Nuôi lớn trưởng thành chứ có phải xong rồi là xong đâu. Xong rồi thì con mà còn hư hỏng, đua đòi, v.v. ôi giời ôi. Gái lo đường gái mà trai lo đường trai. Bình thường thì ai cũng thích đông con nhiều cháu. Ai cũng thế, cụ nào cũng thế. Các cụ ai cũng thích đông con nhiều cháu, những ngày tết lễ xum họp, đông con nhiều cháu có phải sướng không”.
Các phụ nữ mang thai trong một buổi hướng dẫn về sức khỏe bảo vệ thai nhi
Các phụ nữ mang thai trong một buổi hướng dẫn về sức khỏe bảo vệ thai nhi

Hạ Vũ đã mô tả cuộc sống của phụ nữ Phương tây, khi họ không phải sinh con (và thực hiện việc nạo phá thai nhiều lần để “kế hoạch hóa gia đình”), họ có thể giữ gìn được vóc dáng và sức khỏe của mình, đồng thời được thảnh thơi, không phải lo lắng cho con cái và các công việc đối nội đối ngoại bên nhà chồng, họ có thể đi du lịch vòng quanh thế giới, gặp gỡ những người bạn mới và trải nghiệm cuộc sống dưới nhiều góc độ khác nhau. Mỗi con người đều chỉ được sống có một lần, nếu được sống lại các bà sẽ lựa chọn cuộc sống tự do, vui sướng như phụ nữ Phương tây hay tiếp tục lựa chọn cả đời hy sinh cho con cái như cuộc đời đã sắp qua của mình? Câu trả lời mà các bà đều thống nhất, cũng giống như mọi câu trả lời cho mọi câu hỏi liên quan đến sự khác nhau giữa Việt Nam và phần còn lại của thế giới. Đó là:
“U thấy cả 2 đằng đều sướng. Ai cũng thích sướng nhưng điều kiện của mình không cho phép chứ ai chẳng thích ăn sung mặc sướng, nhàn hạ, v.v.. thì ai cũng thích. Mình được như người ta, v.v.. mình cũng không thể ước mơ được. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” mình không thể bì với người ta là sao người ta sướng thế, mình khổ thế. Cũng là một đời người nhưng mình sống ở hoàn cảnh nào phải theo hoàn cảnh đó. Nếu được chọn lại thì ai mà chả thích sướng”.
Nếu được lựa chọn, nếu được ước mơ, nếu được dạy dỗ đầy đủ về các tác động tiêu cực của việc mang thai, sinh nở và các trách nhiệm trong quá trình nuôi con, cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay; chắc chắn hầu hết phụ nữ Việt sẽ trả lời như các bà mà Hạ Vũ đã gặp trong bệnh viện phụ sản sáng nay. Vậy tại sao họ, cho dù được cưới xin tử tế, hay bị bỏ rơi, hay quá thất vọng về đàn ông mà không muốn có chồng, hay thậm chí là những người khuyết tật, không tự mình chăm sóc được bản thân mình, v.v… đều mong muốn có một đứa con.
Chính quyền, bằng cách phương tiện truyền thông, bằng cách điều hành nền kinh tế một cách ngu ngốc đã khiến cho đất nước quay cuồng trong những thất bại và thất bại. Sự nhiễu nhương trên mọi mặt của đời sống đã đẩy mỗi người dân Việt vào những nỗi sợ hãi khó diễn tả. Trong họ, luôn có một nỗi cô đơn lớn, rất lớn, và một sự hoài nghi với tất cả mọi thứ, mọi mối quan hệ xung quanh. Khiến cho, mỗi người đều tìm cách đề phòng, tìm một chỗ dựa về mặt tinh thần cũng như vật chất. Đặc biệt trong những lúc khó khăn. Còn chỗ dựa nào đáng tin cậy hơn là đứa con do chính mình đẻ ra!?
Hồng Hạnh, một phụ nữ khuyết tật ở ngoại thành Hà Nội chia sẻ:
Ai cũng mong muốn có một đứa con để về già nương tựa. Nếu không có con thì sống cô đơn suốt đời cũng chết. Mặc dù có con không biết mai sau có được nương tựa vào con hay không nhưng không có con thì cuộc đời cô quạnh quá, đã buồn đã khổ rồi mà không có con thì còn khổ nữa.
Có con thì đương nhiên nuôi con vất vả nhưng cũng chỉ 3 – 4 năm đầu tiên là vất thôi. Sau đó, 2 – 3 tuổi, nhiều hoàn cảnh mẹ ốm đau, con chỉ mới 3 tuổi nhưng cũng biết chăm sóc mẹ ở bệnh viện đấy nhé! Mẹ bảo lấy khăn mặt, lấy nước, v.v. còn sai được. Không có con thì sai hàng xóm à. Có con vui chứ. Bầu bạn luôn. Mình phải vừa làm bố, vừa làm mẹ, lại vừa làm bạn luôn với con”.
Bất chấp hầu như tất cả những bà mẹ Việt, khi tuổi già ập đến cũng chỉ vò võ chờ con ở nhà. Hạ Vũ thăm hỏi bà Hồng, ở Hà Nội, về cảm nghĩ của bà khi đã dành cả cuộc đời nuôi con, tới cuối cùng lại ngồi một mình ăn bát mỳ thay bữa tối, hỏi rằng “bà có hài lòng với những hy sinh của mình cho con cái không”. Sau một lúc tìm cách bênh vực con cái, Bà đã bỏ dở câu trả lời của mình:
Bây giờ mỗi đứa đi làm ăn một nơi chứ có phải bắt chúng nó ở nhà đâu. Chúng nó phải có điều kiện, phải đi làm ăn, kiếm ăn. Chả nhẽ cứ ngồi ở nhà rồi lấy gì mà ăn. Chứ có khác gì là không có con đâu. Sao mà khác được. Có con vẫn sướng hơn chứ. Giả sử như nó mà biết nghĩ ra thì sẽ là sướng. Còn như nhiều đứa nó lại không biết đường sướng. Mình lúc nào cũng hết mực, hy sinh vì chúng nó nhưng ….
Sau này, để chúng nó nuôi con, tới khi nào bằng tuổi mình thì chúng nó mới biết được….”
Vì nỗi cô đơn.
Vì họ không nhận thức được trách nhiệm.
Vì họ không tìm ra một cách giải quyết nào tốt nhất cho thực trạng cuộc sống của mình.
Vì họ chỉ biết làm theo đám đông, theo những người đi trước.
Vì rất nhiều nguyên nhân khiến cho dân số Việt Nam ngày một tăng lên, tỷ lệ thuận với nó là những nỗi đau của những người làm mẹ. Chỉ có chính quyền, sau khi bán rẻ hết mọi tài nguyên của quốc gia “rừng vàng biển bạc”, lại tiếp tục được sung sướng với những đồng ngoại tệ có được từ việc bán rẻ những “cô dâu Việt”, từ việc xuất khẩu lao động Việt giá rẻ cho các nước sản xuất trong khu vực, v.v.
Tạp chí Trang phụ nữ kỳ này kết thúc tại đây. Hẹn gặp lại quý vị cũng vào kỳ này tuần sau.
Mọi ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ email: havu082008@gmail.com