Xưa nay, trong mối quan hệ với những nước đang có hiềm khích, các chính khách, sứ giả thường dùng những đòn ngoại giao. Đòn ngoại giao là chỉ những cử chỉ, lời nói trong giao tiếp rất nhẹ nhàng nhưng thâm thúy, làm cho đối phương đau dai dẳng, càng ngẫm càng đau, đau hơn là bị mắng thẳng vào mặt. Để ra được những đòn ngoại giao ấy, đòi hỏi ngoài kiến thức sâu rộng, thông kim bác cổ cần phải có tiết tháo, bản lĩnh nữa. Xin điểm qua vài mẩu chuyện:
Giang Văn Minh (1573 – 1638), làm quan nhà Lê Trung Hưng. Ông từng đỗ Thám Hoa nhưng đỗ đầu khoa thi vì khoa ấy không có ai đỗ Trạng nguyên hay Bảng nhãn.
Năm 1638, ông được cử làm chánh sứ dẫn đầu đoàn sứ bộ đi sứ nhà Minh. Khi chờ đã lâu mà vẫn không được vua nhà Minh cho tiếp kiến, ông vờ khóc lóc rất thảm thiết. Vua Minh liền cho mời ông đến hỏi nguyên do. Ông nói:
-Hôm nay là giỗ cụ tổ năm đời của thần, nhưng thần không có mặt ở nhà để cúng giỗ. Thật là bất hiếu với tổ tiên.
Vua Minh vặn:
-Không ai giỗ người đã chết từ năm đời. Sứ thần khóc lóc như vậy thật không phải lẽ!
Giang Văn Minh nói:
-Vậy, tướng Liễu Thăng tử trận đã mấy trăm năm, sao hằng năm nhà vua vẫn bắt nước tôi cử người mang lễ vật sang cúng giỗ?
Ý ông muốn nhắc lại chuyện quân Minh sang xâm lược nước ta bị nghĩa quân Lam Sơn chém cụt đầu.
Biết trúng mưu Giang Văn Minh, vua Minh đành nói:
-Từ nay trở đi, nước ngươi không phải góp giỗ Liễu Thăng nữa.
Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ
Cũng trong chuyến đi sứ ấy của Giang Văn Minh, vua Minh ngạo mạn ra cho sứ bộ một vế đối như sau:
"Đồng trụ chí kim đài dĩ lục"
(nghĩa là: Cột đồng đến nay rêu đã xanh). Ý vua Minh nhắc tới việc Mã Viện sau khi dẹp xong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, y cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ - tức Đại Việt - bị diệt vong).
Giang Văn Minh đối lại bằng câu:
"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”
(nghĩa là Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ). Ý ông nhắc tới chuyện quân Nam Hán, quân Nguyên đã từng bị Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo đánh cho đại bại trên sông Bạch Đằng khi xâm lược nước ta.
Vua Minh nổi giận đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem "bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu".
Ông được mệnh danh là vị sứ thần "Bất nhục quân mệnh" (Không để nhục mệnh vua)
Vế đối của ông “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” xuất hiện nhiều lần trong các cuộc biểu tình chống Trung Cộng.
Đằng giang tự cổ huyết do hồng
Trăng sao bắn rụng mặt trời
Mạc Đĩnh Chi (1280 - 1346), làm quan đời Trần, đỗ Trạng nguyên. Năm 1308 ông đi sứ nhà Nguyên. Tới kinh đô nhà Nguyên, Mạc Đĩnh Chi được vời vào tiếp kiến vua Nguyên. Vua Nguyên ra một vế đối:
Nhật: hỏa; vân: yên; bạch đán thiêu tàn ngọc thố.
(nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói; ban ngày đốt cháy vầng trăng). Vế đối thể hiện vẻ kiêu ngạo của một nước lớn và có ý đe dọa của vua Nguyên.
Mạc Đĩnh Chi đối:
Nguyệt: cung; tinh: đạn; hoàng hôn xạ lạc kim ô.
(nghĩa là: Trăng là cung, sao là đạn; chiều tối bắn rụng mặt trời).
Ông còn đáp nhiều câu đối khác do vua quan nhà Nguyên đặt vế, rất chỉnh, hay và nhanh. Vua Nguyên cảm phục tài và đức của Mạc Đĩnh Chi, phong cho ông "Lưỡng quốc Trạng nguyên" (trạng nguyên hai nước), chữ do chính tay hoàng đế nhà Nguyên viết.
Ăn cỗ đầu người
Nguyễn Biểu mất năm 1413, không rõ năm sinh. Ông đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) cuối thời Trần, làm quan đến chức Điện Tiền Thái sử (Ngự sử). Ông phò Trùng Quang Đế tổ chức kháng chiến chống quân Minh.
Ông nhận mệnh vua đi sứ nhà Minh. Tướng Minh là Trương Phụ sai quân dọn ra một mâm cỗ chỉ có một cái đầu người luộc chín để thử bản lĩnh sứ giả nước Nam thế nào.
Nguyễn Biểu ung dung ngồi vào mâm, nói rằng: "Mấy thuở được ăn thịt người phương Bắc. Nói đoạn, lấy đũa khoét đôi mắt, chấm muối ăn. Vừa ăn, vừa ngâm bài thơ Cỗ đầu người khiến Trương Phụ phải kính nể, định cho ông về.
Hàng tướng là Phan Liêu ton hót với Trương Phụ rằng, Nguyễn Biểu nói: "Năng sảm nhân đầu, năng sảm Phụ"(có khả năng nuốt được cỗ đầu người, tất cũng có khả năng nuốt được Trương Phụ). Trương Phụ giận lắm, đưa câu ấy ra bắt ông phải đối lại, nếu đối được mới cho về, không thì chém. Nguyễn Biểu ung dung đối: "Hựu tồn ngô thiệt, hựu tồn Trần" (Lưỡi của ta còn, nhà Trần vẫn còn!). Trương Phụ thấy ông có dũng khí định mua chuộc nhưng không được bèn sai trói ông vào chân cầu Yên Quốc để cho nước thủy triều dâng lên dìm chết. Ở dưới chân cầu ông dùng móng tay vạch vào thân cầu tám chữ: "Thất nguyệt, thập nhất nhật Nguyễn Biểu tử" (Nguyễn Biểu tử tiết ngày 11 tháng 7).
Các bậc quan lớn ở xứ Bắc đều ở chỗ ấy mà ra
Một lần, có đoàn sứ thần Bắc Quốc sang nước ta, bà Thị Điểm được bố trí ngồi bán nước ở quán gần phủ. Đoàn sứ thần nghỉ chân vào quán uống nước. Thấy cô hàng nước xinh đẹp, nói năng lưu loát, họ liền trêu ghẹo bằng một vế đối:
Nam bang nhất thốn thổ, bất tri kỉ nhân canh”, nghĩa là: có một tấc đất ở nước Nam, không có người biết cày. Đoàn Thị Điểm đáp trả luôn: “Bắc quốc đại trượng phu, giai do thứ đồ xuất”, nghĩa là: các bậc quan lớn ở xứ Bắc đều ở chỗ ấy mà ra.
Riêng câu chuyện này có thể là chuyện dân gian mà nhân vật là Thị Điểm, chưa chắc đã phải là bà Đoàn Thị Điểm (1705-1748), hiệu Hồng Hà nữ sĩ, tác giả Chinh phụ ngâm.
Gò Đống Đa cũng là của Trung Quốc sao
Chuyện đối đáp thông minh, thể hiện khí phách của người Nam đối với vua quan phong kiến Trung Quốc ở các triều đại thì nhiều lắm, trên đây tôi chỉ xin tóm lược một vài mẩu chuyện. Nhân đây xin nhắc đến hai mẩu chuyện về thời nay. Từ cuối năm 1978, quan hệ Việt Nam Trung Quốc xấu đi nghiêm trọng dẫn đến nổ ra cuộc chiến tranh biên giới tháng 2 năm 1979. Việt Nam bắt đầu lên tiếng khẳng định chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa.
Phía Trung Quốc cũng khẳng định chủ quyền của họ đối với hai quần đảo này. Lý lẽ họ đưa ra là họ tìm thấy xương người Trung Quốc ở đấy. Một nhà lãnh đạo Việt Nam lúc bấy giờ đáp trả: “Gò Đống Đa có rất nhiều xương người Trung Quốc vậy chẳng lẽ cũng là của Trung Quốc hay sao?”. Câu này nghe nói là của ông Lê Duẩn, Tổng bí thư Đảng CSVN thời ấy. Đây là một đòn hiểm độc đối với tham vọng của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Cả các ông nữa chúng tôi cũng đánh
Về công tội của ông Lê Duẩn, còn nhiều điều cần bàn nhưng rõ ràng ông có thái độ đoạn tuyệt rất dứt khoát đối với Trung Cộng, hiểu thấu tim gan họ. Mỗi lần sang Trung Quốc, ông rất đàng hoàng sánh vai Mao Trạch Đông, ăn miếng trả miếng chẳng hề nể sợ. Câu chuyện sau đây được cho là nằm trong tài liệu lưu tại thư viện quân đội:
Mao Trạch Đông nói: “Đồng chí, có đúng là người của các đồng chí đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên?”
Ông Duẩn: “Đúng”
Mao: “Có phải cũng chính người của đồng chí đã đánh bại quân Thanh?”
Ông Duẩn: “Đúng”.
Mao: “Và quân Minh nữa, phải không?”
Ông Duẩn: “Đúng. Và cả các ông nữa, chúng tôi cũng đánh. Các ông có biết điều đó không?”
Sao không đề nghị Tập Cận Bình đến Gò Đống Đa thắp hương?
Vừa rồi, Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam 2 ngày, từ 5-6/11/2015. Trong chuyến đi này, Tập có phát biểu trước quốc hội Việt Nam. Đây là chuyện bất thường làm cho dư luận bức xúc. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giải thích rằng việc Tập Cận Bình phát biểu trước quốc hội Việt Nam là do phía Trung Quốc đề nghị.
Họ Tập còn vào lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh viếng. Vậy sao phía Việt Nam không khuyên Tập Cận Bình đến thắp hương ở Gò Đống Đa? Một lời đề nghị họ Tập thắp hương cho cha ông hắn đã “hy sinh” vì chủ nghĩa Đại Hán khó có thể từ chối vì không thể tìm ra lý do và càng không thể quở trách.
Sao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không nghĩ ra điều này nhỉ?
19/11/2015
NTT