Đến Tokyo trong chiếc chăn điện
Muốn kéo những kỷ niệm vào thời giai đoạn du học tại Nhật nhanh nhất cho tôi, là nhắm mắt khoảng chục giây để nhớ về nhà ga Okubo. Cái mốc đó đã neo giữ hàng tấn dữ kiện về âm thanh, mùi vị, khung cảnh, người, vật, thời tiết, sinh hoạt của Tokyo... vào giai đoạn Showa 46 - Showa 50 (1971-1975) mà sau này hầu như đã thay đổi hoàn toàn.
Đến Tokyo vào một đêm mùa đông tháng 2, trời vừa mưa vừa hơi rơi tuyết. Tôi hoàn toàn không thông báo ai để ra đón, trong tay chỉ có một tờ giấy với tên của một sinh viên sau này nổi tiếng và coi như dính liền với sinh hoạt của cộng đồng người Việt sinh sống tại Tokyo, là anh Đ T*.
May mắn cho tôi, đi cùng chuyến máy bay là một người bạn đồng niên trường V T T, tên Nguyền M*. M*. thấy chỗ ngồi bên cạnh tôi còn trống, nên đã đề nghị cô chiêu đãi viên đổi đến đó ngồi, mục đích đường xa đỡ buồn và có người tâm sự về chuyện M* đang có điều tức tối về vụ "hai người tình" của chàng đụng độ nhau giữa sân bay.
- Tao xui quá, mời con nhỏ bồ ruột đưa tiễn, nó không chịu đi, tao năn nỉ nhiều lần không được, đành mời con bồ thứ hai cho đỡ mất mặt với gia đình, là "đời tôi cô đơn lúc ra đi vẫn cô đơn". Không ngờ, hồi nãy, cả hai con nhỏ đều ra phi trường đưa tiễn. Gặp nhau, vỡ lẽ ra chuyện tao bắt cá hai tay, hai đứa thay vì cãi nhau, quay qua xỉ vả tao quá chừng, làm tao phải chạy qua bên này xin lỗi rồi chạy qua bên kia giải thích. Thôi rồi, coi như kỳ này tao mất cả hai...
Nói một chặp, rồi M*. lấy hình hai cô bồ cho tôi coi. Thấy cả hai cô đều xinh đẹp, tiếc cho bạn, tôi quay qua tính an ủi M*, và ngạc nhiên khi thấy M*. khóc, tôi hỏi:
- Ủa, sao tao không thấy mày khóc vì chia tay với gia đình, mà bây giờ lại khóc.
- Cái gì? tao không khóc vì buồn, mà khóc vì tức, mày biết không, từ bé đến lớn tao chưa bao giờ bị ai chửi mà lại phải còn xin lỗi nữa... Còn chuyện đi Nhật, có gì mà buồn, tao có ông anh ở bên đó, mỗi năm đều về VN chơi, hoặc bà già tao qua thăm... Còn mày, mày có quen ai bên Nhật không?... Nếu không, tới nhà ông anh tao ở một đêm, rồi sáng ngày hôm sau tính.
Thế là nhờ lòng tốt của người bạn cùng trường, tôi đã được đón tại phi trường Haneda.
Anh của N M* lúc đó đang học năm thứ tư trường Meisei, rất đẹp trai và ăn mặc đúng fashion "semi Beatles" thời đó, ria rậm, để tóc dài chẻ ngôi giữa, mặc bộ veste màu nhạt có gilet, ngoài khoác coat đen, thắt cà vạt to như con mực có màu đẹp đẽ (sau này tôi mới biết là do hãng Louis Feraud sản xuất khá mắc tiền). Cô bồ Nhật của anh N M* tay ôm bó hoa chờ sẵn N M*, khi thấy bạn tôi đến, liền rời đám đông, chạy ra ôm hôn rất "đầm" và trao hoa cho N M*. Anh của N M* nghe xong lời giải thích, sẵn sàng đưa tôi về nhà, và nóí đùa:
- Ai chứ Đ T* anh biết quá, anh này là đàn em học cùng trường anh. Anh chàng này nổi tiếng đến mức, đi xe taxi bên Nhật, chỉ cần đưa tài xế cái tên của hắn là nó chở đến ngay nhà.
N M* đang nói chuyện bằng tiếng Anh như gió với cô bồ Nhật của anh mình, mà tôi không hiểu được một chữ, quay qua nói:
- Đó, anh thấy thằng này liều không, nó khoác cái chăn điện, đi giầy da trâu made in Chợ Lớn mà dám tới Tokyo một mình, một tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết đừng nói gì tiếng Nhật.
Tôi không muốn cãi lại, vì quả thật đôi giầy mua khá mắc tiền nhưng gặp lạnh đang thắt lại bóp đôi bàn chân quen đi dép của tôi đau muốn chết. Còn cái chăn điện chính là cái áo coat của lính Mỹ bỏ lại bán tại chợ Cao Đồng Hưng, tuy đã được "tu chỉnh" cho hợp với thân hình 48 ký của tôi, nhưng chắc có lẽ cũng không khác cái chăn dúm dó là bao.
Căn phòng nằm gần một ga trên đường xe điện Keio
Khi ngồi trong chiếc xe hơi do anh của N M* lái trên đường cao tốc từ phi trường về nhà, tôi vừa thán phục sự lịch lãm, lái xe đẹp như tài tử James Dean, vừa tài nói tiếng Nhật như giông như gió của người anh bạn mình, vừa nhìn qua cửa kính xe chiêm ngưỡng nét văn minh của đường phố Nhật. Dù rằng lúc đó, Tokyo về đêm dưới mưa cho thấy rất ít tòa cao ốc chọc trời, nhưng so với VN thì đúng là khác hẳn.
Sau khoảng 40 phút lái xe, chúng tôi ra khỏi đường cao tốc và anh N M* ghé xe vào một quán ăn bên đường ăn nhẹ vì hai người đi đón chờ lâu nên đã đói bụng.
Quán ăn đầu tiên tại Tokyo cho tôi cảm giác giống như quán Givral mà tôi thỉnh thoảng ăn bánh uống cà phê tại Sài Gòn, nhưng khá rộng hơn và có cửa kính bóng loáng bao quanh. Đặc biệt là mấy anh chị bồi đeo nơ, có găng tay, sau khi mời khách ngồi thì đặt trên bàn một cái khăn nóng và một ly nước lạnh cho mỗi người. Tôi với N M* chỉ uống cà phê và ăn cái bánh ngọt nhỏ vì ăn trên máy bay còn no. Bánh khá ngon, vị hơi ngọt so với VN.
Đến khi ăn xong, về đến nhà của anh N M*, mà anh nói là gần một cái ga nhỏ trên đường Keio là đường xe điện mà anh đi học mỗi ngày, tôi và bạn hì hục khuân mấy cái va li vào thì mới nhận ra "nhà" ảnh chỉ là một cái phòng trần thấp khá nhỏ, tuy nhiên còn mới, trang bầy tươm tất, cho thấy chủ nhân là một người dư dả tiền, đời sống ngăn nắp.
Trên chiếc thảm sạch sẽ mầu trắng ngà có kê một cái bàn học, một bộ âm nhạc stereo, một cái Ti Vi. Trên tường có dán những posters hình các ca nhạc sỹ Âu Mỹ. Tất cả mang một không khí rất hiện đại vào năm 1971. Đặc biệt nhất là sau khi đã thay quần áo ngủ, anh N M* lôi ra một cái bàn gọi là bàn cô tát shừ (kotashu) để ba anh em ngồi uống trà nói chuyện. Cô bồ Nhật của ảnh đã lái xe về nhà.
Chiếc bàn kotashu của anh N M* là một chiếc bàn gỗ nhỏ hình vuông, mỗi bề khoảng dưới 1 thước, 4 chân có thể gấp lại khi không dùng. Ở dưới mặt bàn có gắn một chiếc lò sưởi điện tỏa nhiệt. Một cái khăn khá dầy được để lên trên cái bàn che xuống phủ luôn ngang bụng người ngồi.
Phần dưới đã được "hâm" nóng trong chiếc kotatsu, phần trên thân hình bọn tôi lại được sưởi ấm bởi một cái máy sưởi điện nên cái giá lạnh của đêm mùa đông đầu tiên trên đất Phù Tang đã được chế ngự.
Hai anh em N M* tíu tít nói chuyện gia đình với nhau, và lôi album hình ra coi chung. Lần đầu tiên tôi uống trà bao clipton màu nước đỏ lừ, khi bỏ vào một lát chanh vàng cắt mỏng, trong ra thành mầu hồng. Không muốn xen vào câu chuyện của hai anh em, tôi chỉnh giờ mới và lên giây lại cái đồng hồ đeo tay cũ, ngồi yên ngắm bao quát căn phòng và nhận thấy rằng đâu cũng có bóng dáng của cơn bùng phát công nghệ gia dụng tại xứ Nhật, từ chiếc đồng hồ báo thức cho đến chiếc Ti Vi màu, mà chương trình có vẻ như rất xôm tụ, vui vẻ, qua chiếc máy chụp hình Canon với cái ống zoom dài ngoẵng... Nước Nhật chỉ cách xa Việt Nam khoảng 10 giờ bay, nhưng dường như ở hai thế giới hoàn toàn cách biệt. Việt Nam đang nằm trong cơn khói lửa mù mịt chiến tranh, trong khi nước Nhật đang chứng kiến cảnh phép mầu kinh tế của một nước đã hoàn toàn hồi phục từ cuộc thế chiến thứ hai.
Đến khoảng 2 giờ sáng, chừng đã mệt, anh N M* kêu gọi đi ngủ. Anh gấp chân bàn kotashu lại để dựa trên tường, và mở cánh cửa kéo của một tủ âm, lôi ra hai chiếc nệm gấp mà anh gọi là futon, phủ khăn trắng lên rồi sau đó là hai chiếc chăn dầy. Sau khi đánh răng, ba anh em chui vào chăn ngủ.Tiếng mưa nho nhỏ vẳng từ ngoài sân đến tai tôi mang lại một nỗi buồn tha hương khó tả, pha lẫn sự bỡ ngỡ lẫn cô đơn của cuộc sống từ đó sống xa đất nước và gia đình mà lúc đó tôi không hề ngờ tới.
TiVi do kỹ sư Mhật chế bắt đầu từ 1953, tức đã 17 năm. tivi boom 1957, nhiều nhà đã có TiVi (máy giặt và tủ lạnh). 1958 tháp Tokyo phát sóng TiVi, 1959 đám cưới thái tử được hàng trăm máy quay truyền hình phát trong vòng 15 phút (15 triệu người coi). Gần như nhà nào cũng sắm TiVi vào lúc Tokyo tổ chức Olympic vào năm 1960, năm có tivi mầu (Nhật và Mỹ xài NTSC. VN theo Pháp xài SECAM - Anh & Đức xài PAL - PAL và SECAM cho hình rõ hơn vì dùng bandwith rộng hơn. NTSC có từ 1954 - PAL và SECAM có từ 1967
NHK
Đường điện Keio đi Shinjuku
Khi chân tôi bị cái chân của người bạn đạp mạnh đánh thức, chiếc đồng hồ đeo tay mới chỉ khoảng 7 giờ sáng. Bạn tôi vì háo hức muốn đi xem phố phường Tokyo nên đã thức sớm, sau vài giờ ngủ lơ mơ. Cũng bị đánh thức, anh N M* lầu bầu, trong giọng ngái ngủ:
- Ngủ tiếp đi hai em, ở bên Nhật giờ này chưa có hàng quán nào hoạt động hết. Trước 9 giờ xe điện đông lắm, xách cái va li của D~ không có chỗ chen chân đâu. Chờ khoảng 10 giờ đề pạc tô mở cửa rồi bọn mình đi.
Nói xong, anh N M* chui đầu vào chăn ngủ tiếp, tôi và người bạn chui ra ngoài mặc quần áo, đánh răng và háo hức chờ.
Tiếng xe điện bắt đầu rầm rầm nghe rất gần.
Khoảng 10 giờ hơn, trời nắng lên đẹp, anh N M* chờ bọn tôi xách va li ra ngoài đường rồi khóa cửa lại đi ra. Một bà Nhật khoảng 45 tuổi có vẻ là chủ nhà thuê đang lom khom quét rác, thấy bọn tôi liền cong lưng cúi đầu chào. Anh N M* cũng cong lưng chào một cách điệu nghệ, rồi họ xi xa xi xô tiếng Nhật với nhau. Nhìn nét mặt tươi cười của bà ấy, tôi nghĩ rằng có vẻ như anh N M* rất được lòng bả.
Tôi một quai, bạn tôi một quai xách cái va li nặng gần 30 kí, theo chân anh N M* ra ga. Con đường chỉ khoảng 15 phút, nhưng vì không quen đi bộ trong đôi giầy bó chặt, nên tôi cảm thấy khá khó chịu. Anh N M* giải thích cách đi xe cho bạn tôi:
- Nhà mình ở trên tuyến Keio có xe điên màu đỏ chạy, bây giờ mình mua vé đi ga Okubo và sẽ đổi tại ga chánh là Shinjuku, từ đó, mình sẽ đổi qua đi chuyến xe mầu vàng một ga là đến ga Okubo. Hai em đều phải biết cái ga này, vì từ đó là nơi đi bộ đến khu sinh viên VN học Nhật Ngữ gần nhất.
Chúng tôi đến nhà ga và mua vé. Vì tôi chỉ có đô la Mỹ nên anh N M* cho luôn tiền mua vé, chắc khoảng trên dưới một trăm yen. Khi vào sân ga phải trình vé cho một nhân viên mặc đồng phục ngồi chắn ngay cửa ra vào, với một cái kìm bấm lỗ.
Cảm tưởng đầu tiên mà N M* nói với tôi khi nhìn các cô gái Nhật là:
- Sao gái Nhật lùn và chân to quá.
Anh N M* nghe vậy quay qua cười nói:
- Có lẽ vì họ đi bộ nhiều và vì vậy có tên gọi là chân củ cải (daikon asi)
Cảm tưởng của tôi là người Nhật đông quá, và có vẻ rất kỷ luật, có hàng có lối khác hẳn tại quê nhà VN, ở bên đó đàn ông tà tà, thiếu nữ tha thướt. Ở bên này, mặt ai cũng có vẻ nghiêm trang và ít cười nói ngoài đường phố.
Trên platform giờ đó không có bao nhiêu người chờ, có người đọc báo, có vài cô gái mặc đồng phục đen có viền trắng mang cặp đi học. Tôi không thấy mấy cô để tóc thề như ở VN. Phần đông cắt tóc ngắn, một vài cô thắt bím. Lên xe điện, chỉ thấy hai băng dài trong toa, ở giữa trống cho hành khách đứng. Những bảng hiệu và quảng cáo đều viết bằng tiếng Nhật, đối với tôi như những hình vẽ vuông vắn. Có tiếng nói nhắc tên ga sắp tới, nhưng đương nhiên tôi không hiểu gì cả. Xe điện còn băng qua đường phố, khi đó có đèn và cây ngáng ngăn khách bộ hành, trong khi xe chạy chậm lại.
Anh N M* và chúng tôi đều có chỗ ngồi, nhưng N M* thích đứng và nắm giây treo phía trên, ngắm nhà cửa bên cạnh đường rầy. Đi chừng vài ga, anh N M* nhắc:
- Đến ga Shinjuku rồi đó, coi chừng lạc nhé, mỗi ngày ga này có khoảng 1 triệu hành khách lên xuống đó.
Ga Shinjuku
Bọn tôi rời xe đi theo dòng người đông khủng khiếp như một giòng lũ ùa vào một đường hầm sáng, đẹp. Nơi đó có một số những hàng quán, và rất nhiều máy bán tự động. Hình ảnh quảng cáo, ánh đèn mầu làm cho cảnh tượng náo nhiệt như một khu phố lớn. Người Nhật đi rất đông mà không thấy có vẻ chen lấn, dù rất hối hả. Người đi ngang kẻ đi dọc mà không va chạm nhau.
Anh K M* dặn bọn tôi phải ráng thuộc những chữ Tầu (mà anh gọi là Kanji, Hán Tự chẳng hạn như chữ Xuất Khẩu, và màu của những tuyến đường):
- Đừng đi theo hướng Xuất Khẩu vì đó là ra ngoài phố, phải đi về hướng Chuo Seine là màu vàng.
Thế rồi, loay hoay một lát chúng tôi cũng lên được con tầu đưa đến ga Okubo, tên một chính trị gia nổi tiếng trong thời Minh Trị canh tân, và là một khu sinh hoạt quan trọng vào bậc nhất của cựu sinh viên du học tư phí người Việt Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Vì một lý do lịch sử, tại khu này có trường Quốc Tế Nhật Ngữ mà đa số sinh viên Việt Nam đều theo học.
Ga Okubo nằm trên đường điện Chuo
Ga Okubo là một trong những nhà ga đầu tiên được xây tại thành phố Đông Kinh vào năm 1895, trong giai đoạn thứ nhất của lịch sử giao thông đường sắt tại thành phố này (1872-1906).
Vào năm 1869, sau vài năm mất mùa, chính quyền Minh Trị quyết định nghe theo lời cố vấn của một bộ trưởng người Anh tên là Harry Parkes, thiết lập hệ thống đường sắt như một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt hoàn toàn chế độ phong kiến, và hướng đến sự tập trung quyền lực tại Tokyo. Người Anh nhận ứng tiền đầu tư và cho chính phủ Nhật trả góp trong dự án.
Ga Okubo do đó mang đường nét kiến trúc của Anh, thực tiễn, hữu dụng nhưng thiếu vẻ nghệ sỹ như những kiến trúc người Pháp tại thủ đô Paris mà người Việt đã quen mắt.
Trước mặt cửa ra phía Bắc của nhà ga Okubo là con đường mang cùng tên (Okubo dori). Con đường này quẹo theo hướng phải khoảng 150 thước sẽ gặp nhà ga Shin Okubo nằm trên tuyến Yamanote, quẹo theo hướng trái sẽ có đường đi về hướng nhà ga Higashi Nakano và cũng để đến trường Kokusai. Trường này có cư xá nhận cho sinh viên ngoại quốc ở nội trú, và còn được gọi là Quốc Tế Học Hữu Hội Nhật Bản Ngữ Học Hiệu (Kokusai Gakkyukai Nihongo Gakko).
Những nơi chốn quen thuộc từ ga Okubo đến Kokusai
Cuộc sống vốn dĩ là vô thường, mọi sự mọi việc đều không thể trụ với thời gian. Nhà ga Okubo cùng đường phố hàng quán chung quanh cũng thay đổi nhiều trong vòng gần nửa thế kỷ qua (tính ngược lại từ năm 2015). Nhiều cựu sinh viên du học tại Nhật có dịp về thăm lại khu nhà mình ngày xưa sinh sống gần ga Higashi Okubo, nhưng không còn có thể tìm ra dấu vết. Ngỡ ngàng như chuyện Từ Thức từ cõi tiên trở về chốn cũ.
Tiệm rửa hình bên trái cửa Bắc nhà ga Okubo vẫn còn và bây giờ (năm 2015) nhận chụp hình căn cước, nhưng quán cà phê (kissaten) phía phố trước mặt, gần cái máy bán thuốc lá tự động nghe rằng không còn nữa. Cùng dẫy với quán cà phê đó đi về phía Kokusai ngày đó có tiệm bắn bi điện (Pachinko), rồi hai nhà băng tên là Sanwa và Sanfuku Kaikan, trước khi băng qua ngã tư (Kita Shinjuku Ichome) đến một cái ngã rẽ để đi về hướng tiệm ăn nhỏ ngày xưa tên là Kurakunam do người Việt Nam là bà Định làm chủ.
Ở ngay cái ngã rẽ đó, vào khoảng những năm Showa 46-50, còn có một tiệm Đại Hàn mà sinh viên VN hay đến ăn những món thịt rô sừ hay karubi nướng, chân giò heo luộc chấm tương, cháo karubi...
Chung quanh cái ngã rẽ đó về phía phải ra đường Okubo có một tiệm chuyên bán quần áo và cả chăn màn, mà sinh viên VN hay tới mua. Về phía phải cái ngã rẽ ngay đầu con đường nhỏ sau những cái máy bán lon nước uống tự động là một tiệm bán trái cây và mì gói, sau đó vài căn là tiệm thịt gà nướng trước khi tới quán bà Định nằm ở dẫy nhà phía đối diện.
Bà Định là một phụ nữ miền Nam có nhan sắc khá đẹp, ông chồng bà Định nghe nói là lính Nhật ngày xưa lấy bà ở VN, mang nhau về đây sinh sống. Cái tiệm vừa là nhà ở và cho ở trú, trên và dưới lầu, chỉ chứa được chừng hai chục người khách một lượt là tối đa.
Thực đơn coi như rất "căn bản" gồm chính là món phở (một số người nhận xét là ngon dù không có mùi vị phở VN), canh cải bọc thịt, chả giò, thịt kho... Tuy nhiên, vào những năm đó muốn ăn món Việt Nam ở Đông Kinh rất khó, nên coi như bao giờ cũng có khách hàng vào giờ ăn trưa và chiều, phần đông đều là sinh viên du học, đến để ăn khi đã chán món ăn cư xá hay căng tin nhưng cũng là có chỗ gặp nhau nói chuyện.
Ông bà Định có hai cô con gái xinh xắn được một vài sinh viên VN để ý, nhưng hình như sau này không có duyên phận với một cựu sinh viên Việt Nam nào cả. Thời đó, để giúp việc cho ông bà, còn có một cô cháu bà Định, vừa đẹp vừa hiền, lúc nào bưng đồ lên cũng mở miệng nói "xin mời, xin mời". Mấy người bạn tôi hay ghẹo, và trả lời "xin nhận xin nhận" làm cô ta mắc cở, đỏ hồng mặt càng xinh. Có điều, lúc đó những con đò tình còn chưa chịu ngừng bến nên ngày nay có lẽ có người đành hoài cảm nhớ về người đẹp và hỏi câu "cố nhân xa rồi biết ai về lối xưa?"
0o0
Khi đi hết con đường nhỏ sẽ đến một ngã ba thẳng ngay cây cột đèn cao chắn truớc mặt một bức tường, quẹo phải là đổ con dốc về Kokusai. Trên cột đèn hồi đó có bảng quảng cáo văn phòng bác sỹ Cao Kiều (Takahashi) mà một số sinh viên Việt Nam vẫn tới xin khám bệnh (Hiện nay là Takahashi Clinic ở tại 3 Chome-21-10 Kitashinjuku, Shinjuku, Tokyo 169-0074, Japan).
Từ ngã ba con dốc thoai thoải đó còn phải băng qua một ngã ba về phía tay phải mới đến một ngôi chùa cổ thờ Phật tên là Enshoji, chùa này do phái Shingon trụ trì. Xéo phía trước chùa Enshoji chính là cái cổng vào trường Kokusai.
Trường Nhật Ngữ Kokusai
Trường Kokusai được chính phủ Nhật chính thức thành lập vào khoảng năm 1940 (Showa 15) nhằm mục đích để tiếp nhận các sinh viên nước ngoài, đặc biệt từ vùng phương Nam châu Á, đến Nhật du học trong chương trình giao lưu giáo dục.
Sau thế chiến, vào tháng 6 năm 1951 (Showa 26), trường Kokusai dạy tiếng Nhật được cho hoạt động trở lại. Trường dạy sinh viên từ nhiều nước vùng Đông Nam Á ghi tên theo học.
Năm tôi vào học tiếng Nhật, trường Kokusai có sinh viên tư phí nhiều nước tới ghi danh học như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Đài Loan, Việt Nam...
Vì quyết định đi Nhật quá trễ, tôi đã không chuẩn bị học tiếng Nhật tại VN, và sự thực lúc đầu cũng không hứng thú gì cả với thứ chữ lạ kỳ này. Sau khi quờ quạng thi xếp lớp, tôi được vào học lớp Nhật ngữ kém nhất trong khóa. Trong lớp phần đông là nam sinh viên Việt Nam, 1 anh Nam Dương, 1 anh Thái, 1 anh Mã Lai và một nữ sinh viên VN.
Sau này tôi mới biết là mình may mắn lắm mới được nhà trường danh tiếng Kokusai nhận vào học "vớt" vì tội nộp đơn ghi danh quá trễ. Người giúp tôi ghi tên và cho luôn tiền ghi danh lại là một người tôi chưa hề gặp mặt, và không hề ngờ mình lại quen. Đó là một ông công chức cao cấp người Nhật trong ngành ngoại giao từng phục vụ tại Việt Nam dưới thời ông Diệm, con gái ổng chẳng hiểu vì sao lại lấy một ông cậu sỹ quan không quân của tôi. Bà này, tôi gọi là mợ, và cứ tưởng là người Việt 100%, đã điện thoại từ Sài Gòn qua cho thân phụ tại Tokyo, nhờ giúp tôi ghi danh học Nhật Ngữ và xin tòa đại sứ VN (bác Toản) làm sponsor cho đúng thủ tục hồ sơ, tất cả chỉ trong vòng vài ngày trước khi tôi hết hạn bổ túc hồ sơ xin đi ngoại quốc du học.
Lớp bét, nhưng tôi may mắn có một bà giáo sư Nhật, năm đó vào khoảng trên dưới 50 tuổi, lúc nào cũng mặc bộ kimono ngay ngắn. Bà đẹp và nghiêm nhưng có tật hơi mắc cở khi nhắc đến tên một người cựu sinh viên người Bê Tô Na Mư rất đẹp trai và rất thông minh của bà khi bà còn trẻ. Hình như đó là tiến sỹ Nguyễn Xuân Oánh, vào năm 1971 đang là Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia VNCH, và là phu quân của nữ nghệ sỹ Thẩm Thúy Hằng.
Số phận đưa đẩy làm sao, hôm đi Nhật, tôi đã nhìn thấy hai mỹ nhân tuyệt thế tại sân bay Tân Sơn Nhất, một là nữ nghệ sỹ Thẩm Thúy Hằng đi cùng phu quân là ông Oánh; và một cô Nhật cao ráo đi cùng một ông Việt Nam bé con mà sau này tôi gặp lại tại shokudo Kokusai và được anh tự giới thiệu là ký giả Anh Lâm Lâm Văn Út (mà một số senpai đặt hỗn danh là Út Tặc).
Bà giáo Nhật có cái tật là hay la tôi về tội lười biếng học, và mỗi lần như thế bà lại nhắc đến O An Nu San của bả để so sánh cái hay cái đẹp của senpai, chọc cho tôi giận. Có lần tôi hỏi tại sao mỗi lần nhắc đến tên ông Oánh mặt bà lại ửng hồng, mặt bà lại càng hồng hơn và la tôi "dame ne Jun kun!".
Cũng trong lớp học này tôi được quen với đại đầu bếp Đ C*, người sinh viên VN nấu ramen ngon siêu đẳng với một công thức gần như là bí mật.
Bê Tô Nam Mư Jin Nô Re Yia Tô Ri (Lê Gia Trí) San O Denwa Desu
Hai chi tiết khó quên của trường Nhật ngữ Kokusai là tên trường chữ Hán khắc trên cột vào và cái cánh cổng sắt dài, thường thì để mở toang hoác và chỉ đóng khi có chuyện gì đặc biệt.
Sân trường Kokusai, thoạt trông, giống như sân một ký túc xá nhỏ, hơn là một trường có tính quốc tế mà chắc hẳn có nhiều nhân vật quan trọng tại vùng Đông Nam Á đã theo học.
Vừa vào sân trường lát xi măng, mắt tôi đã bị "choáng" ngay bởi một chiếc xe hơi du lịch màu vàng, mới toanh như mới cắt chỉ, và mấy sinh viên người Nam Dương và Mã Lai ăn mặc trẻ trung, đang đứng nói chuyện với nhau có lẽ phê bình về cái xe.
Phía phải của chiếc sân là một căn nhà lầu dùng làm lớp học và hình như tầng trên cùng là chỗ ở của các nữ sinh viên nội trú. Nơi chứng kiến vài cuộc tình thơ mộng lãng mạn nhưng cũng để lại "giọt lệ cho tình" của một thời "ngày đó chúng mình".
Phía trái của sân là cửa vào một building mang rất nhiều kỷ niệm của các sinh viên thời bấy giờ, gồm hai tầng, tầng dưới là phòng ăn (shokudo) và tầng trên là nơi chứa vài bàn ping pong, còn được dùng làm phòng khánh tiết khi có hội hè.
Văn phòng nhà trường mà tôi nghe gọi là jimusho (sự vụ sở ?), nằm ngay chính diện của cổng, có cho đặt trước một chậu cây to về phía trái khi nhìn vào..
Trường Kokusai có một hệ thống tổ chức nhân viên qui củ, theo hành chánh Nhật, vì tính cách truyền thống vừa có tính chính trị vừa ngoại giao, vừa giáo dục của nó. Thế nhưng, ngoài những thày cô dạy tiếng Nhật, tôi thấy sự giao tiếp giữa sinh viên và nhà trường thường chỉ qua các obashan làm việc trong shokudo và bà receptionist giữ điện thoại.
Sau một thời gian tiếp xúc, có lẽ tôi không lầm lắm khi cho rằng nếu các obashan có vẻ thân thương với các sinh viên gốc Hoa từ Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan thì bà giữ điện thoại gần như 90% quí mến các sinh viên người Việt.
Người bạn thân tôi sống trong cư xá, đã được bả chọn là cháu rể hụt, và đã dẫn tôi đi "đết" chung, nên tôi đã chứng kiến sự "hết lòng" của bả trong cuộc mai mối hôn nhân bất thành Nhật-Việt này.
Cách gọi điện thoại của bả coi như độc nhất vô nhị trong cõi trần ai ô trọc thuở đó. Bà có khả năng nghe và chuyển qua cách phát âm tiếng Nhật bất kỳ một ngôn ngữ Đông Nam Á nào rất nhanh chóng.
Người Nhật chỉ dùng một số đơn âm căn bản, rất có hệ thống, để đọc những tiếng đa âm phức tạp kiểu như tiếng Việt, làm cho người mang tên mới, dù bỡ ngỡ cũng sớm nhận ra ngay.
Từ đó chẳng hạn chữ Nguyễn khó đọc trở thành chữ グエン phát âm ngược lại thành Gê Ên, chữ Huy thành chữ フイ phát âm trở lại thành Phư Ê nghe gần chữ phê hơn là chữ gốc...
Vào trong shokudo, lên phòng ngủ, vào phòng học, thậm chí vào phòng tắm tiếng bà giữ điện thoại vẫn đến tai mọi người rõ ràng, bà luôn đọc đúng bài bản, trước là quốc tịch sau là tên họ.
Người được xướng tên, ba chân bốn cẳng, chạy xuống nhận điện thoại, dịch vụ hoàn toàn miễn phí. Nhờ đó mà bạn bè, gia đình, người quen có thể giữ liên lạc và trao đổi thông tin với nhau. Không cần biết người nhờ gọi là ai, người được gọi là ai, tiếng bà giữ điện thoại vẫn vang lên như những âm thanh thân thương không thể nào quên khi nhớ về những tháng ngày Kokusai.
Trước kỳ thi monbusho tôi trốn học vài ngày, nằm thủ trong phòng người bạn ở tuốt lầu hai của cư xá dành cho nam sinh viên, mà còn nghe bà giáo nhắn qua bà O Denwa Desu, riết chịu không thấu, đành phải ra "trình diện cải tạo" điền đơn đi thi, và cuối cùng lãnh hạng D, cũng chót như lớo học Nhật ngữ. Lúc ra đồng đẳng khi vào.
Người ơi một mai nếu tôi đi trường
Tháng Hai và tháng Ba tại Kokusai năm Showa 46, là tháng mà tôi được dự nhiều bữa tiệc rượu chia ly của những người bạn thương yêu nhau sau gần một năm sống tại Nhật và học tiếng Nhật chung.
Tôi cảm nhận rằng xã hội Nhật cũng như xã hội Mỹ đều là những nơi mà khi mình đi vào sống, nó sẽ biến mình thành một con người khác. Nước Mỹ là một cái nồi melting pot tuyệt hay để khi ai vào đó đều hãnh diện là mình làm công dân Mỹ. Mới đây có người còn tuyên bố: "Nước Mỹ là nơi mà những người không yêu quê hương họ đã sinh ra nhưng yêu chung một quê hương Mỹ mà họ tìm đến". Tôi không biết có đúng không khi mới ngày hôm qua (3 Dec. 2015), súng đạn lại nổ chết người trong một ngày tiệc mừng Giáng Sinh cuối năm tại Mỹ.
Đối với nước Nhật, theo tôi, đây không là một cái cối mochi để giã nát mọi người trộn chung thành một thứ bột chung, ngược lại, những người ngoại quốc (gaikokujin) sống tại Nhật, luôn có cảm giác đây chỉ là một trạm dừng chân, một giai đoạn sống trong cuộc đời còn phải đi. Sau một số năm sống tại Nhật, người ta có thể khâm phục những thành quả văn minh của xứ Nhật, yêu người Nhật và văn hóa Nhật, nhưng rất ít người Việt mà tôi biết thực sự "xin chọn nước Nhật làm quê hương dẫu rằng rất thương".
Tiếng Nhật khó nhưng không đến nỗi không học được. Lối sống của xứ đầy hải đảo nhiều núi lửa không thực sự quá khó khăn, ai sao thì mình cũng có thể sống. Người tình Nhật và sau này thành vợ chồng cũng không khác người đồng hương gì hết, thế mà vẫn có một cái gì để khiến những cựu sinh viên du học tại Nhật cứ tìm cách rời đi, để rồi ở những nơi xa cách ngàn trùng với xứ Phù Tang, vẫn luôn nhắc nhở về kỷ niệm thời còn ở Nhật, hãnh diện và "nổ" về nó, tổ chức về đó "hành hương", nhớ thương về những người bạn đã cùng mình chia xẻ kinh nghiệm Nhật... Nhưng vẫn lắc đầu mà không chọn đó là chốn sống đến mãn đời. Tại sao? Câu trả lời nằm ở mỗi người. Nhưng tôi gần như khẳng quyết một điều: "cuộc sống tại Nhật làm cho người ta thấy gần nhau hơn, thân nhau hơn". Có thể ví như thời gian thụ huấn trong quân trường và chiến đấu chung vậy đó.
Tôi đã thấy những nam sinh viên VN ngang tàng đến từ một nơi bom đạn chiến tranh, qua đây có thể nhỏ nước mắt khóc dầm dề khi chia tay với bạn đi trường xa ở tỉnh, kể cho nhau nghe những tình cảm phải gọi là rất sâu kín, và ủy mị trong tiệc rượu phân ly., làm những điều mà ngày thường họ không làm Không ai trong bàn tiệc cảm thấy khó chịu như ở những xã hội Âu Mỹ, thậm chí Việt Nam.
Uống say, có người còn nắm dây điện đu như Tarzan, còn có cả một exryu mà ai đánh sao tôi cũng không khai tên, bây giờ khá nổi danh tại Mỹ, tuy sắp vào trường đại học nằm gần ngay Tokyo, có nghĩa không cần phải buồn, và chẳng cần phải uống rượu nhiều vì tửu lượng anh khá thấp. Thế mà cũng uống, và say khướt đến nỗi ra ngoài đường, trong màn đêm lạnh phủ sương mù, vừa đi vừa vạch quần đái suốt cả vài chục thước, vừa đái vừa tự cho mình là "thiên hoàng"...
Có người ngày thường hiền lành, cậy miệng không ra nửa lời, thế mà khi say, cởi hết quần áo ngoài, chỉ còn mỗi bộ "người nhái" vừa uống vừa chỉ mặt từng người bạn quanh bàn tiệc, cấm nói, bắt im, để cho mình anh ta nói. Ai cũng nghe lời im lặng mà cảm khái.
Đối với một người mới từ Việt Nam qua, tới dự những buổi tiệc chia tay đi trường từ những người qua trước một năm, tôi nhận ngay ra tầm mức quan trọng của cuộc thi monbusho, rồi kỳ thi vào những trường đại học.
Thời gian mấy tháng học Nhật ngữ có thể ví như những ngày tháng quân trường, nhưng đi vào đại học mới thực sự là gia nhập cuộc chiến.
Tôi được những người qua trước một năm cho biết, qua hơi rượu Suntory Whisky đen, đỏ pha hay uống sếch, đẳng cấp của những trường đại học Nhật, từ đế quốc qua quốc lập, công lập, tỉnh lập, rồi tên những trường nổi tiếng cùng ngành học. Những trường tư phí danh lừng thế giới như Waseida, Keio... mà thi vào đã khó, đóng tiền còn mệt hơn. Điều đặc biệt và lạ lùng cho kiến thức mà tôi học được là tên những "dai senpai" học rất giỏi, học và tốt nghiệp ưu hạng những trường "cồ bà dền" như Tokyodai, Kyotodai, Hokaiddodai...để lại tiếng thơm và do đó trường sẵn sàng nhận thêm sinh viên người Việt Nam. Thoáng trong câu chuyện của họ với nhau, tôi được nghe nói đến cư xá Đông Du, một "lò" đào tạo sinh viên với thành quả đi trường rất cao, và sinh hoạt kỷ luật trong tinh thần tương thân tương trợ.
Những câu chuyện về "địa danh và chiến công" của lớp người đi trước làm tôi khớp, và sợ, vì khi hỏi tại sao mà không đi tỉnh xa học để đỡ phải "lãnh đạn", có người nào đó trả lời:
- Đi tỉnh buồn, không có người VN, dễ lấy vợ Nhật, mà còn ít có arubaito để làm thêm. Hay nhất là thi được vào các trường công càng gần Tokyo càng tốt.
Nhớ đến những chữ Hán viết chằng chịt trên những bảng hiệu dọc con đường Obubo Dori, giống như những lá bùa, rồi nhớ về khu Chợ Lớn, tôi nghĩ thầm: "thôi rồi mình đã lầm khi qua đây".
Lúc đó trong men say tôi nghe có người an ủi:
- Mày ghi danh học điện tử khi du học, đừng lo, nếu khi đi trường gặp khó khăn, lên Sendai với tao, tao hứa là mày sẽ được chính ông giám học và tao mang dù ra tận ga đón.
Nghe vậy, trong lòng tôi còn hoang mang hơn, nhưng sau đó tiếng của tất cả người dự tiệc đồng cất lên, hát chung một bài nhạc Nhật hay lạ mà tôi chưa từng nghe và chưa hiểu lời nhạc, làm nỗi buồn lo chợt vơi đi. Bài hát đó sau này tôi mới được biết tên là bài Mata Au Hi Made.
Quê Huơng Để Lại
Sau vài ngày, rồi vài tuần sống tại Tokyo, hình ảnh quê hương dần dần nhạt bớt đi trong tôi, dù tình thương vẫn đậm. Giấc mộng làm phi công đã tàn từ lâu, bây giờ coi như chết hẳn. Mối tình đầu học sinh non yểu cũng không có lý do để tiếp tục nuôi dưỡng trước một tương lai chưa định. Vài lá thư về gia đình gần như là những vẫy tay ngậm ngùi chuẩn bị cuộc sống xa cách thiên thu.
Ở một góc căn phòng 6 chiếu, anh L*, qua trước tôi một năm, gốc Quảng Ngãi, có mái tóc bồng sớm có sợi bạc ở tuổi hai mươi, ôm đàn guitar hát vọng cổ mấy câu bài anh chế "thân tôi ba vợ", rồi nói với tôi:
- D~ biết không, có người nói Việt Nam là nơi đi để mà nhớ chứ không phải ở để mà thương.
Nhớ quê hương? lúc đó trong tôi thật ra là thiếu quê hương. Vì chuyến đi Nhật được quyết định quá đột ngột. Trước và sau khi đậu tú tài, tôi hoàn toàn dửng dưng trước việc đi ngoại quốc du học. Nói đúng hơn là tôi không đặt chuyện học ở đâu, ngành gì, sự nghiệp là quan trọng. Học trong lớp hay đi thi cũng chỉ mong cho đậu là vui rồi, ngoại ngữ hầu như học bao nhiêu cũng không tiến về mặt đàm thoại, mà không có khả năng hiểu và nói lưu loát tiếng Pháp hay tiếng Anh thì coi như bí lù việc xuất ngoại. Nhà thì từ ngày vào Nam, không giầu có dư giả gì, cũng không nghĩ đến chuyện quen biết lớn hay hối lộ, chạy chọt gì hết.
Bạn thân tôi, chung trường, chung lớp, có hai người đã chuẩn bị con đường xuất ngoại từ nhiều năm trước. P Q* lo học tiếng Đức và chuẩn bị hồ sơ qua đó học ngành hàng hải gì đó. G. B*, người bạn nối khố từ năm đệ thất, vì có chị ruột qua Nhật theo chương trình gì đó của thày Thích Tâm Giác, đã chuẩn bị qua Nhật du học ngành cơ khí một cách kỹ lưỡng sau khi rủ tôi đi thi cho biết và cùng rớt học bổng đi Canada.
Chuyện đời như người ta nói "người tính không bằng trời tính", sau khi bị một nhân viên người Việt làm việc tại tòa đại sứ Đức gây khó dễ, đòi tiền "mãi lộ", P Q*, dù gia đình khá giả dư sức "mua đường", bất mãn quyết định không đóng góp cho "tham nhũng của giới đặc quyền đặc lợi", chuyển hồ sơ du học qua đi Nhật, và nhờ chị của G B* lo giấy tờ. Tuy trễ để ghi danh học trường Kokusai, nhưng được chị Đ T* giúp cho ghi tên học tại trường Nhật ngữ khác, hình như tại Shibuya.
Sau khi ra phi trường đưa tiễn hai người bạn đi Nhật về, mấy ngày hôm sau tôi trở về đi lại những con đường thời trung học, ra quán cà phê nghe Duy Trác hát bài "Người Đi Qua Đời Tôi" rồi qua thắp nhang trên bàn thờ người bạn hàng xóm đã cùng hòa đàn chơi nhạc boléro, năm trước đi trung sỹ ra trường vài tháng đã chết trận..., trong lòng tự nhiên trống vắng lạ thường.
Cha tôi đã có một hướng đi khác cho tôi, ông muốn tôi ghi tên học đại học khoa học rồi sau đó thi vào y khoa, đi tiếp con đường ông đã dang dở. Nhưng tôi lại cương quyết không học ngành y, dù hồi thiếu niên cũng có ý thích. Lý do có thể là vấn đề trách nhiệm trước vấn đề sinh-tử của con người quá lớn chăng? Tôi cũng có một "đường binh" tình cờ, đó là nhờ đi thi "giùm" người em họ vào Nông Lâm Súc, mục đích cho chàng ta cóp bài, nhưng xui sao khi chia phòng, số ký danh hai người bị cắt ngay giữa, tôi đành ngồi thi mình ên và kết quả đậu. Số mệnh học ngành nông sẽ trở về tôi sau này, cũng rất tình cờ đầy oan trái.
Một trong những lý do chính thúc đẩy tôi đột ngột xin đi Nhật là vì hai lá thư của hai người bạn gửi từ Tokyo. Nhưng quan trọng hơn cả, là vào một buổi chiều khi đi coi xi nê ngoài phố về, tôi thấy cha tôi đang ngồi đọc báo trên hiên nhà. Ánh nắng chiều vàng vọt chiếu qua những cành lá trước sân cho tôi thấy ông đã già. Mẹ tôi đã mất hơn 5 năm, tôi nghĩ thầm, có lẽ giờ là lúc nên chuẩn bị cho ông bước đi bước nữa, trước khi quá trễ, vì ba anh tôi đã vào quân đội, đều ở đơn vị tác chiến xa nhà, mấy chị tôi rồi cũng phải lấy chồng, lý do duy nhất làm cha tôi bị "kỳ đà cản mũi" trên bước đường nhân duyên cuối đời là tôi, thằng con út.
Nghĩ vậy nên tôi đã tỏ ý đi Nhật vào bữa cơm tối, dĩ nhiên là không nói lý do hôn nhân của cha tôi, và bị cha tôi chống trả quyết liệt, ông cương quyết không giúp đỡ tài chánh hay phương tiện, và cho rằng đã trễ. Một trong những bà chị tôi ủng hộ và cho tôi ý kiến đi nhờ một người mợ họ hình như có quen ai đó bên Nhật. Riêng bà nội tôi, tuy rất buồn, nhưng sau khi suy nghĩ, đã đồng ý.
Rốt cuộc là cha tôi cũng đành lòng để thằng con út ra đi, nhưng ông cũng chẳng hề lập lại gia đình cho đến khi mất tại xứ người, may mắn không cô đơn.
Quê Huơng Mang Theo
Trong chiếc va li made in Chợ Lớn nặng gần 30 ký mà tôi mang theo, ngoài quần áo, còn có mấy tập nhạc, thơ, hồ sơ cá nhân, xấp hình và quà mà gia đình tôi cùng bè bạn gửi mang theo.
Hình như, sau này tôi nghiệm lại, tất cả những món quà thân nhân gửi cho các sinh viên du học ở Nhật đều tương tự nhau, ngoại trừ một phong bì trong đó có mấy lá thư kèm, còn có vài bao bánh phồng tôm, một gói lạp xưởng, một gói tôm khô, một gói mực hay cá khô, một hộp gi-gô trong đó phần trên là gói ruốc chà bông, phần dưới là một bao ni lông chứa "đồ quốc cấm" có thể là nước mắm đã kho đặc quánh, hoặc mắm miền Nam... Những món nói chung là để lâu được, dành cho các sinh viên ăn dần trong vài tháng, chờ đợt tiếp tế sau.
Nếu gia đình những sinh viên đang du học mà biết có bạn bè họ sắp qua là thế nào cũng đến nhờ chuyển quà qua. Nếu nặng quá sẽ buộc lòng chấp nhận bớt đi tí chút. Cò kè qua lại. Giờ đây nhớ lại khuôn mặt những người mẹ, người cha, người chị... tất tả mang quà đến gửi, với bao nhiêu tình thương và đôi khi, rất nhiều hy sinh, tất cả đều là những mảnh quê hương mà mình đã mang theo. Một quê hương đang rách nát, tả tơi đau thương, quằn mình trong chiến cuộc, gửi cho những người con, anh chị em du học phương xa.
Bỡ Ngỡ
Khí hậu của nước Nhật hoàn toàn khác với khí hậu Việt Nam đã buộc những sinh viên VN đến đó trong mùa lạnh phải mặc quần áo thích ứng. Một trong những điều tôi cần mua ngay là một cái áo khoác mới để thay cái áo Cao Đồng Hưng bị gọi là chăn điện, và đôi giầy mới cho khỏi đau chân.
Hai người bạn tôi cho hai ý kiến khác biệt, người thứ nhất đề nghị mua cái áo khoác mà salaryman Nhật hay mặc, giá khoảng 8 ngàn yen, người thứ hai đề nghị mua cái áo giống như cái jacket ngang đầu gối mà những sỹ quan hải quân hay mặc, giá khoảng 5 ngàn yen. Nghe cả hai lời đề nghị, tôi đi mua một cái áo mắc hơn cả hai cái cộng lại nhiều, và vì không quen tự mình tiêu pha, tôi đã nhanh chóng tiêu gần hết số tiền 600 đô la cần thiết cho y phục cả năm. Quả thật hai người bạn tôi đều đã chín chắn trong việc quản lý tiền bạc hơn tôi nhiều.
Trong vòng hai tháng đầu tiên, tôi ở chung một a pạc tồ với 4 anh qua trước, với tôi là 5. Đó là nguyên tầng dưới khang trang của một căn nhà nằm cách ga Higashi Okubo chừng 10 phút đi bộ về phía phải, tức nghịch hướng với Kokusai. Tầng này gồm hai phòng ngủ cộng lại khoảng 9 chiếu, có bếp và phòng vệ sinh sạch sẽ.Tiền thuê mỗi tháng là 25 ngàn yen, chia làm 5 thành thử không là vấn đề. Tuy nhiên, qua đến tháng 4, ba anh đi trường dọn ra, chỉ còn tôi với P Q*, mỗi người ở lại cưa đôi giá phòng thành ra tới 12 ngàn 500 yen mỗi người hàng thàng, so với những ai có được phòng trong Kokusai, thì tốn và xa hơn nhiều.
Tuy nhiên, có người nghe thế còn cho là không quá mắc, vì ở Tokyo, một sinh viên ngoại quốc không dễ mà kiếm được một phòng có thể đi bộ gần ga. Chưa kể phải đóng cho văn phòng địa ốc (fudosan) 1 tháng đến 2 tháng lễ kim, 1 tháng đến 2 tháng tiền cọc, và 1 tháng tiền nhà trả trước. Lãnh lại căn phòng, chúng tôi đỡ phải trả lễ kim và hơn nữa, tiếng Nhật mù tịt, biết đi đâu mà mướn.
Còn phòng trong các cư xá Kokusai thì không đủ cho các sinh viên, nên ai đã ở thì tìm cách ở lại luôn cho hết bực đại học và nhiều khi hậu đại học, nếu may mắn cho ai học tại một đại học ở ngay Tokyo hay gần đó, còn nếu phải đi thì nhường lại cho đàn em hay người quen.
Cái mặc và cái ở may mắn tạm yên, còn cái ăn tương đối dễ dàng hơn, là có tiền thì đi ăn tiệm Chuka Ryori (Trung Hoa Liệu Lý) gần đầu ngõ, hết tiền thì chịu khó đi bộ lên Kokusai ăn cho rẻ, đánh ping pông và đôi khi tắm ké, đỡ phải trả tiền tắm ofuro.
Chuyện đi tắm ofuro mọi người ở Nhật đều biết, và chuyện bị người qua trước lừa bước vào phòng đàn bà để bị chửi hầu như ai cũng hay. Nhưng ít ai kể về cái thú tắm ofuro xong sau đó đi ăn Chuka Ryori, uống Kirin Birừ, rồi đi uống cà phê hút thuốc lá Seven Stars hay Hilite, mà không ý thức là số tiền tiêu đó đổi ra tiền VN là bao nhiêu, và khi tiền cạn lấy gì mà lo toan. Những tháng đầu tiên sống xa nhà tại Tokyo, đối với tôi, quả là vô tư lự và vô trách nhiệm về vấn đề tài chánh.
Navy Jacket thời đó bạn tôi mặc dài hơn xuống ngang đầu gối, và khuy bằng plastic
Machintosh pardessus
Trang phục salaryman tại Tokyo giờ cao điểm
Xứ Tuyết tại Fukushima
Thành phố Fukushima nằm về phía cực Bắc của huyện Fukushima, tên tiếng Hán là Phúc Đảo, đảo giầu có. Tuy nhiên, ngày 11 tháng Ba năm 2011, từ Úc tôi rất buồn khi nghe tin về sự kiện đau buồn xẩy đến cho lò nguyên tử Fukushima Daiichi (Phúc Đảo Đệ Nhất Nguyên Tử Lực Phát Điện Sở Sự Kiện) và cầu mong sự tái ổn định nhanh chóng cho thị trấn và người dân.
Kiến thức về lịch sử và văn hóa Nhật của cá nhân tôi trước khi đến nước Nhật chỉ thuộc loại sách vở. Ngoại trừ những lời kể về sự kỷ luật quá nghiêm khắc của quân đội Nhật, trách nhiệm của quân phiệt Nhật về trận đói năm Ất Dậu tại VN, chúng tôi còn được học về những thành quả đáng phục của nước Nhật sau khi canh tân dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng; phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và Cường Để qua Nhật bị dở dang, chuyện Nhật tham gia chiến tranh với chủ thuyết Đại Đông Á, oanh tạc không báo trước Trân Châu Cảng và Mỹ đã thả hai trái bom nguyên tử giết hại hơn 200 ngàn người tại Hiroshima và Nagasaki...
Thời đó, nói chung, người trẻ Việt Nam có cảm tình nhiều với người Nhật qua nghệ thuật trồng cây chậu bonzai, cắm hoa Ikebana, về nghệ thuật in ấn, về mì gói, về nhu đạo (judo), hợp khí đạo (aikido), không thủ đạo (karaté). Những người theo tư tưởng Á Đông cũng cảm thấy rất gần với thiền học Suzuki, thư pháp và thơ Haiku...Khá đông nhà sư, chú tiểu người miền Nam và Trung đã qua du học về đạo Phật tại Nhật.
Ngành điện ảnh Nhật cũng chinh phục được một số khán giả chọn lọc VN nhất là những phim được giải ngoại quốc của nhà đạo diễn Akira Kurosawa như Rashomon, 1951 Sư tử vàng; Bẩy Người Hiệp Sĩ, 1954 giải Sư tử bạc;Yojimbo, 1962, giải nam diễn viên xuất sắc tại Venice, hay Người Phu Xe (... Nam tài tử Mifune Toshiro, người thủ vai nam chính trong hầu hết phim của Akira Kurosawa được người VN coi như là nét đẹp nam tính của người Nhật.
Nhân vật hiệp sỹ Zatoichi, một người mù lang thang làm nghề đấm bóp, đánh xóc đĩa giỏi, có tâm hồn hào hiệp và đánh kiếm qua hơi gió tuyệt hay cũng được khán giả VN tán thưởng ngang hoặc hơn các nhân vật kiếm hiệp Hồng Kông như Độc Thủ Đại Hiệp Vương Vũ...
Về văn chương, người Việt Nam tán thưởng hai nhà văn của Nhật là Yasunary Kawabata tác giả Ngàn Cánh Hạc, Xứ Tuyết, Vũ Nữ Đảo Izư... và Yukio Mishima, tác giả Kim Các Tự... Có lẽ vì hai tác giả trên, Kawabata lãnh giải Nobel văn chương năm 1968, và Mishima được xướng danh ba lần giải cao quí này.
Vì ở Sài Gòn đã đọc và yêu thích Ngàn Cánh Hạc do một sinh viên VN đang du học tại Nhật, trú tại cư xá Komaba là anh V T T (đã quá cố) dịch, tôi đã sung sướng đi cùng hai người bạn lên vùng nổi tiếng là xứ tuyết của miền Bắc nước Nhật là thị trấn Fukushima, khi vừa chân ướt chân ráo đến Nhật, để thăm chị của G B*
Trước đây ở VN, tôi có đọc vài bài về du lịch nước Nhật cũng do một exryu VN, cựu học sinh Nguyễn Trãi là Chu Ngọc Sơn (?) viết gửi đăng trên tờ Kiến Thức Ngày Nay, bây giờ chính mình được trải nghiệm vào một tháng mà Tokyo chưa hết tuyết.
Ba bọn tôi mua vé và khởi hành tại ga Ueno đi về hướng Bắc. Đến ga này hơi sớm trước khi chuyến xe khởi hành, chúng tôi vào uống cà phê để chờ, tôi uống một ly bia và mua đâu phộng từ cái máy nhỏ trên bàn để ăn vặt, ngạc nhiên khi thấy có một tờ giấy cuộn tròn, giống như coi xâm (bói) rơi ra. Hỏi hai ông bạn vàng xem thử xâm nói gì, nhưng cả hai cùng lắc đầu không hiểu rõ. Hóa ra người Nhật tân tiến hàng đầu về khoa học kỹ thuật ứng dụng vẫn tin "dị đoan, nhảm nhí". Sau này, tôi mới biết nước Nhật thật sự chứa nhiều điều lạ lùng, mâu thuẫn, và khác xa với nước Nhật trên sách vở mà mình đã được biết.
Những Tâm Hồn Thánh Thiện
Vào đầu năm 1971, đường sắt Tohoku Shinkansen chưa được khởi công, hình như chúng tôi đáp chuyến tàu phương Bắc Cấp Hành 'kyuko' đi Koriyama.
Đến Koriyama chúng tôi được ban giám đốc nhà trường và chị T* cùng chị Y* đón tiếp nồng hậu. Hai chị tuy đã có học lực tú tài tại VN vài năm trước, nhưng có lẽ để lầu thông tiếng Nhật, đã học lại chương tri bên đó, và sắp tốt nghiệp một trường loại trung học hay đoản kỳ đại học gì đó. Hình như là trường Kōriyama Women's University Junior College.
Hai chị chắc chắn phải học chăm, giỏi và ngoan, nên được bạn bè cả trường và dân chúng quanh vùng mến yêu, Chúng tôi, ba chàng Từ Thức được lên tiên một đêm, vì nhà trường cho ở trú qua đêm ngay trong cư xá nữ.
Sau giờ ăn một hồi, chúng tôi đột nhiên nghe còi hụ báo động y như là máy bay Mỹ sắp oanh tạc vào thời thế chiến thứ hai tại đây, rồi thấy mấy trăm nàng koko mặc áo yugata hay áo cánh, chạy vội vã ngoài hành lang từ phòng tắm công cộng của cư xá về phòng, như một đàn bướm xinh tươi ngàn mầu sắc. Lúc đó ba đứa chúng tôi mới được hướng dẫn ra ngoài hành lang, âm thầm nhưng "hoành tráng" tiến về phòng tắm. Trên đường đi, một số cô tinh nghịch mở hé cửa ra nhìn và vẫy tay nhè nhẹ.
Sau khi cánh cửa được khép và khóa lại từ bên ngoài, ba đứa chúng tôi thoát y và ngại ngùng bước vào một phòng tắm rộng thênh thang, tắm thật nhanh, gõ cửa xin ra và mau chóng đào tẩu về phòng. Sau khi thay quần áo, chúng tôi được mời ra sinh hoạt hát hỏng nhạc dân ca với mấy cô exryu người Đông Nam Á đang học tại đó, phần đông đều đi quốc phí Nhật. Đã hơn 44 năm, mà lúc đó trong tình trạng thảng thốt, tôi không biết những chi tiết tôi viết đoạn này có trúng không. Nếu sai hay thiếu, chắc hai người bạn tôi còn nhớ sẽ chỉ cho viết lại.
Tôi chỉ còn nhớ khi đi ngủ nhìn ra ngoài cửa kính thấy toàn tuyết là tuyết, tuyết trắng xóa mọi nơi và gió thổi bay những bông tuyết to bằng những trái banh giữa vùng đồi núi.
Sáng ngày hôm sau, tỉnh dậy sờ soạng xem lại mình, may quá cả ba chúng tôi đứa nào cũng vẫn còn trọn vẹn là người, chắc nhờ có tâm hồn thánh thiện như vị cao tăng Sucho núi Cao Dã trong truyện của nhà văn Izumi Kyoka viết trong câu truyện ghê rợn Kôya Higi.
Người Phụ Nữ Việt Nam thứ ba nơi Xứ Tuyết
Ngày hôm sau chúng tôi được đài truyền hình NHK mời lên chương trình tin tức, tôi chẳng nhớ họ hỏi gì và bọn tôi trả lời ra sao. Không biết có liên quan gì đến kinh nghiệm sống một đêm trong một cư xá nhiều trăm tiên nữ đang sống mà còn thoát được yên lành, hay chuyện gì khác.
Đài truyền hình Nhật làm việc chu đáo, chúng tôi đều được quà tặng đàng hoàng là một tập album để dán hình, có chữ NHK lưu niệm.
Sau đó chúng tôi được mời đến thăm một phu nhân người Nhật gốc Việt, bà lấy chồng người Nhật và ở đây đã vài chục năm. Bà đẹp, nghiêm trang, nhưng không còn nhớ tiếng Việt.
Cô con gái bà tên là Phương Tử (Yoshiko) lúc đó khoảng tuổi bọn tôi, vừa đẹp, vừa mi nhon. Lần đó cô ta không biết cười nói sao mà đã lấy mất trái tim của một trong hai ông bạn tôi. Khi về đến Tokyo, chàng Trương Chi tân thời không biết hát phải chờ đến vài tháng sau học Nhật ngữ mới đủ chữ viết một bức thư tỏ tình. Kết cục ra sao thì chỉ có hai đương sự biết với nhau.
Chúng tôi ba đứa còn được vinh dự mời đi ăn với ông thị trưởng Fukushima. Tất cả điều này đều nhờ công ba phụ nữ Việt Nam đã là ba đại sứ văn hóa tuyệt vời cho người Việt Nam tại vùng xứ tuyết.
Cõi Shokudo tại Kokusai
Nhà thơ lớn Bùi Giáng có biệt tài dịch văn thơ tiếng Pháp qua tiếng Việt. Theo thiển ý cá nhân, có lẽ là nhờ ông có tài làm thơ trác tuyệt, và hơn nữa, ông thực sự yêu và hiểu biết kỹ càng văn chương và tư tưởng Việt Nam cũng như của Pháp.
Bài thơ "Mùa Thu Chết" của tác giả gốc Ba Lan Guillaume Appolinaire được đăng trong tập Alcool xuất bản năm 1913. Cùng trong tập đó có bài Automne (có thể dịch qua tiếng Việt là Thu, Mùa Thu)
nguyên văn như sau:
nguyên văn như sau:
Dans le brouillard s’en vont un paysan cagneux
Et son boeuf lentement dans le brouillard d’automne
Qui cache les hameaux pauvres et vergogneux
Et son boeuf lentement dans le brouillard d’automne
Qui cache les hameaux pauvres et vergogneux
Et s’en allant là-bas le paysan chantonne
Une chanson d’amour et d’infidélité
Qui parle d’une bague et d’un coeur que l’on brise
Une chanson d’amour et d’infidélité
Qui parle d’une bague et d’un coeur que l’on brise
Oh! l’automne l’automne a fait mourir l’été
Dans le brouillard s’en vont deux silhouettes grises
Dans le brouillard s’en vont deux silhouettes grises
Guillaume Apollinaire, Alcools, 1913
Với một lòng tự tin cao độ là với khả năng luôn yếu kém về sinh ngữ Anh-Pháp-Nhật của tôi, không ai có thể trách tôi tội cao ngạo hay khoe khoang, mà cùng lắm là liều lĩnh, nói ngang hay đường đột, tôi có thể mạnh dạn trình bày những suy nghĩ cá nhân về sự khó khăn trong lãnh vực dịch thơ từ một thứ ngôn ngữ lạ đến ngôn ngữ quê nhà, dịch chứ không phải là phóng dịch.
Thứ nhất là nghĩa và chữ để dịch sao cho dễ hiểu, cho hợp với ngữ cảnh, vần điệu. Câu đầu của bài thơ có ngay tĩnh từ cagneux, có nghĩa là chân khuỳnh ra, tiếng Anh có thể dịch là knock-kneed (avoir les genoux cagneux được dịch là to be knock-kneed). Dịch làm sao bây giờ cho nó có vẻ thơ Việt đây? Trong sương mù, một nông dân khuỳnh khoàng đi cùng con bò của ông ta trong màn sương thu? Câu này gần như dịch nghĩa từng chữ, không phải thơ, mà cũng không nói lên được những gì mà tác giả muốn nói, lại còn điệp ngữ điệp ý.
Sau này sinh sống ở vùng quê nước Pháp khá lâu, có nhiều dịp thấy những nông dân Pháp ra ngoài đồng làm việc, tôi nhận ra hình dáng nặng nề, xiêu vẹo, mà thân thể đã bị thời gian và công việc đồng áng khó nhọc bào mòn làm cho méo mó, dáng đi trở nên khuỳnh khoàng của những người đàn ông vào tuổi trung niên trở lên. Sự can đảm hòa với sự ẩn nhẫn của một đời lao động, và sự đối xử thân thiện, gần như cha con hay bạn bè đối với con bò của ông ta trong lúc cùng đi làm vào một buổi sáng mùa thu tờ mờ hơi sương, thì quả là vừa đẹp vừa đưa đến những suy nghĩ sâu. Hình ảnh đó, không khí đó, suy tưởng đó, nhà thơ Appolinaire đã tả một cách tuyệt vời nổi bật lên chỉ qua một tĩnh từ cagneux. Điều này cho thấy giá trị của từng "con chữ" trong một bài thơ cổ điển.
Dịch thơ làm sao mà cho người chưa từng qua Pháp, chưa từng thấy mùa thu của nước này, mà ngửi được cả mùi hương rất nhẹ của một loài hoa mà người Pháp gọi là bruyère, nở hoa vào cuối hạ cho suốt một mùa thu rồi tàn vào mùa đông, để hiểu được nỗi sầu tình tuyệt vọng của nhà thơ ngang tàng nhưng lãng mạn với tâm hồn đa cảm vi tế này, qua chỉ bốn câu thơ đã vào lâu đài thơ huyền thoại của nhân loại với tựa là l'Adieu (Vĩnh Biệt):
L'Adieu
J'ai cueilli ce brin de bruyère
L'automne est morte souviens-t'en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t'attends
L'automne est morte souviens-t'en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t'attends
Bài này, rất nhiều người tại miền Nam VN đã biết qua nhạc phẩm Mùa Thu Chết mà nhạc sỹ Phạm Duy đã cho ra đời vào năm 1965. Hai câu đầu ông dùng trong bài là:
"Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi..."
Tôi được may mắn nghe bài này tại Sài Gòn do chính nhạc sỹ Phạm Duy hát và đàn vào khoảng năm 1969-1970, và còn nhận được một ấn bản nhạc viết tay phát cho người nghe. Rồi sau đó có đọc trên báo là thi sỹ Bùi Giáng có dịch bài đó vào năm 1969, và đăng trong tập "Đi Vào Cõi Thơ" của ông dưới tựa: "Lời Vĩnh Biệt". Nhưng tôi lại nhớ Bùi Giáng đã dịch một cách trác tuyệt trước đó như sau, theo thiển ý, hơn hẳn ba bài mà ông đã cho đăng, mà có lẽ nhà thơ đã quên đi, không cho là quan trọng và nó chỉ được loan truyền trong mấy quán cóc cà phê lẩm cẩm:
Ta ngắt đi một nhành hoa thạch thảo
Em nhớ cho, mùa thu đã chết
Hương thời gian,
Mùi thạch thảo.
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.
Không biết Phạm Duy và Bùi Giáng, ai là người ảnh hưởng ai, ai là người dịch chữ bruyère thành "thạch thảo" trước.
Riêng tôi, tôi thích đoạn thơ dịch phía trên mà tôi không thể quên, và gần như chắc chắn không thể "tự sáng tác" bịa ra, vì lúc đó chẳng hiểu gì lắm, chỉ bị quyến rũ về lời ca tiếng nhạc quá hay của hai thiên tài thơ nhạc đó.
Sau này suy đi nghĩ lại, tôi mới thấy cách dùng động từ "ngắt" hợp với chữ nhành mà Bùi Giáng dùng khi nhắc về hoa thạch thảo hơn chữ cụm. Dịch nhóm chữ "brin de bruyère" ra "nhành hoa thạch thảo" thì đúng là tuyệt chiêu. Trong khi "ngắt" một cụm (tiếng Anh linflorescence, tiếng Pháp là floraison) thì làm mất đi tính nhẹ nhàng của hành động. Nhất là hương của một nhành hoa bruyère khi bị ngắt bằng hai ngón tay sẽ dễ đưa lên mũi để thoảng hương từ nhưa tiết ra có vẻ dễ gây ngây ngất hơn là mùi cả cụm hoa mà phải lấy sức cả bàn tay mà vặn hái.
Bùi Giáng còn dịch cả truyện dài nữa, nhưng cá nhân tôi chỉ khoái những viên ngọc tình cờ xuất hiện đâu đó trong các bản dịch của ông. Nó sướng như gặp một nụ cười duyên dáng, hình như dành riêng cho riêng mình thôi, nụ cười có vẻ gửi cả trời yêu trong một tiếng sét ái tình im lặng nhưng dữ dội. Chẳng hạn như tựa đề "La Symphonie Pastorale" của nhà văn Pháp André Gide mà Bùi Giáng dịch là "Hòa Âm Điền Dã" thì quá hay, không thể là "Bản Hòa Âm Điền Dã", một chữ Bản biến đi cho một trời thơ ập đến.
Nhưng, tôi cà kê dê ngỗng, lẩn thẩn lạc đề trong loạt bài viết về "mấy tô ramen" này là vì nhà thơ Phùng Quân khi đọc mấy bài trước, đã gửi đăng bốn câu thơ:
CÕI ẤY BÂY GIỜ
Nơi đâu cõi ấy bây giờ
Cõi riêng cõi tạm cõi hờ chiêm bao
Mai kia tắm mát sông đào
Nơi đâu cõi mộng cõi nào trần gian ?!
Làm tôi đang bí chữ để đặt cho một chốn không gian lạ lùng, trói đựng bao nhiêu là điều, vật, chuyện... bừng nhớ lại nhóm chữ "Cõi Người Ta", mà Bùi Giáng đã dùng để dịch tác phẩm Terre des Hommes của nhà văn Pháp Saint Exsupery. Ba chữ này ông đã "thuổng" từ thi hào Nguyễn Du, nhưng "thuổng" quá hay, như danh họa sư Picasso đã tuyên bố: "Một họa sỹ có tài là một họa sỹ bắt chước giỏi, nhưng một họa sỹ siêu đẳng là một họa sỹ biết thuổng".
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Chọn cái tựa "Cõi Shokudo tại Kokusai" có đúng chỗ cho những "điều trông thấy" ngày đó hay không? Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.
image: http://images.jardiner-malin.fr/2014/04/1315836719bruyere.jpg
Chiếc thuyền bào ảnh
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh (Cung Oán Ngâm Khúc)
Shokudo của cư xá Kokusai không rộng lắm, chỉ có thể chứa khoảng trên dưới 100 thực khách. Sau khi đi qua cánh cổng nằm bên phải của Jimusho, vào giờ ăn trưa, người ta nghe ngay thấy tiếng đập banh lát chát cùng tiếng lốp bốp của những trái ping pông dội vào bàn. Những âm thanh này hòa với tiếng người vui nhộn tuột từ lầu trên xuống bằng một cầu thang lót gạch. Nếu không bị những âm thanh không có vẻ Nhật tí nào này quyến rũ, quẹo phải là rơi ngay vào cõi shokudo.
Lọt qua cánh cổng shokudo, xứ Nhật hiện về nguyên trạng nhưng dưới lớp áo quốc tế. Bên trái cổng là cái máy tự động bán mấy bao ăn vặt, sau đó là cái cửa vào bếp cùng quầy bán thức ăn. Phía đối diện ngay cổng vào, có hai cái máy bán nước tự động, một máy bán coca cola, một máy bán cà phê. Bỏ 40 yen vào cái máy bán coca cola, một cái ly giấy rớt ra, sau đó là đá và nước coca cola. Bỏ 40 yen vào cái máy bán cà phê, chọn cà phê sữa lạnh, máy đẻ ra một cái hộp cạc tông mầu nâu như cái bánh ú, có thể nằm lọt trong một bàn tay hộ pháp, dùng một cái ống hút xuyên qua cái lỗ bít bằng giấy bạc sẽ thưởng thức được ngay hương vị đặc biệt của cà phê Nhật.
Trong phòng ăn, được kê ba dẫy bàn song song. Những chiếc ghế tròn có bọc plastic được bắt vào những chân bàn, khi không được kéo ra để ngồi hoặc vào giờ mấy obasan lau sàn, những chiếc ghế đó được lò xo kéo lên nằm khuất dưới mặt bàn.
Vào những năm showa 46-51, "nam quốc sơn hà" giành cho các "nam đế cư" chiếm một giải "giang sơn gấm vóc, coi như ba bốn cái bàn dài ở dẫy giữa, và dẫy ngoài đều đã được "tạm giải phóng" (chiếm đóng) qua nhiều đời Nhật ngữ, kết quả từ những "buổi hòa đàm quốc tế" không thành văn. Những sinh viên Mã Lai chiếm vài cái bàn phía góc phảị Những sinh viên Nam Dương chiếm góc trái. Những sinh viên Thái Lan hay Đài Loan gốc Hoa thường ngồi với họ.
Có thể nói đây đã là một Aseans thâu nhỏ, nhưng thiếu những cường quốc như Mỹ, Ấn Độ và Trung Cộng., hoặc những nước nhỏ như Lào, Căm Bốt và ngay cả Miến Điện. Ảnh hưởng của nền văn hóa Nhật, trên lãnh vực tư doanh và kinh tế, đã chớm thấy trong vùng "sóng cồn cửa bể" này.
Sự hội tụ của hàng trăm dòng duyên mệnh người Việt, trong vài năm, nói theo tư tưởng triết học nhà Phật, chỉ bằng mấy sát na trong cõi thời gian sinh hoại trên hành tinh xanh của thái dương hệ, nhưng cũng đủ để hơn 40 năm sau nhìn lại, thấy đa diện và đa sự không kém "cõi người ta" của truyện Kiều.
Biết bao nhiêu tiểu vũ trụ mà mỗi cá nhân đã vừa chứng kiến vừa sống trong giai đoạn sau biến cố 1975. Có người đã đi vào chốn miên viễn, trả thân cho cát bụi tại quê hương, hay tại xứ Mỹ, Pháp, Nhật, Úc...thậm chí ở một nơi không rõ vùng biên giới Thái-Miên. Có cuộc tình duyên những tưởng keo sơn mà gẫy gánh, lại có những "người dưng", cùng sống ngay Tokyo mà không để ý gì nhau nhưng sau đó nên duyên tơ hồng ở một nơi xa lắc xa lơ. Có những người trở thành giáo sư đại học, chuyên gia, kỹ sư, bác sỹ, nhưng cũng có người khoác áo công nhân, thậm chí vô gia cư vô nghề nghiệp. Có người xuất thân giầu có, tiền tiêu như nước tại xứ VN chiến tranh, nhưng tự lìa bỏ cõi đời trong cảnh kém giầu hơn nhiều tại nước Mỹ an bình và phú cường. Có người trở thành mục sư, có người tu thiền tại nhà. Có người trắng tay thành cự phú, có người cự phú thành trắng tay. Có người đã từng tay dao thách đấu chốn giang hồ, về già lại ẩn mình không muốn dây dưa chuyện cuộc đời. Có người thoát thân cuộc sống cơ cực tại Nhật, lại bỏ mình vì lao động tại Âu Châu. Có bao nhiêu thân gái dặm trường...
Thời còn ở VN, trong một kỳ thi tôi đã gặp một đề tài luận thuyết "Anh/chị nghĩ sao về hai câu 'thời thế tạo anh hùng' hay 'anh hùng tạo thời thế'. Bây giờ, nhớ về cõi shokudo ngày đó, đừng nói chi đến chuyện luận về thời thế hoặc anh hùng, chỉ nghĩ đến chuyện ai sống cho được như mình muốn tựa lời bài "My Way" đã là quá đẹp, và chắc chắn không dễ:
My Way
And now, the end is near;
And so I face the final curtain.
My friend, I'll say it clear,
I'll state my case, of which I'm certain.
I've lived a life that's full.
I've traveled each and every highway;
And more, much more than this,
I did it my way.
Regrets, I've had a few;
But then again, too few to mention.
I did what I had to do
And saw it through without exemption.
I planned each charted course;
Each careful step along the byway,
And more, much more than this,
I did it my way.
Yes, there were times, I'm sure you knew
When I bit off more than I could chew.
But through it all, when there was doubt,
I ate it up and spit it out.
I faced it all and I stood tall;
And did it my way.
I've loved, I've laughed and cried.
I've had my fill; my share of losing.
And now, as tears subside,
I find it all so amusing.
To think I did all that;
And may I say - not in a shy way,
"Oh no, oh no not me,
I did it my way".
For what is a man, what has he got?
If not himself, then he has naught.
To say the things he truly feels;
And not the words of one who kneels.
The record shows I took the blows -
And did it my way!
And so I face the final curtain.
My friend, I'll say it clear,
I'll state my case, of which I'm certain.
I've lived a life that's full.
I've traveled each and every highway;
And more, much more than this,
I did it my way.
Regrets, I've had a few;
But then again, too few to mention.
I did what I had to do
And saw it through without exemption.
I planned each charted course;
Each careful step along the byway,
And more, much more than this,
I did it my way.
Yes, there were times, I'm sure you knew
When I bit off more than I could chew.
But through it all, when there was doubt,
I ate it up and spit it out.
I faced it all and I stood tall;
And did it my way.
I've loved, I've laughed and cried.
I've had my fill; my share of losing.
And now, as tears subside,
I find it all so amusing.
To think I did all that;
And may I say - not in a shy way,
"Oh no, oh no not me,
I did it my way".
For what is a man, what has he got?
If not himself, then he has naught.
To say the things he truly feels;
And not the words of one who kneels.
The record shows I took the blows -
And did it my way!
Yes, it was my way.
Anh Đi Đường Anh Tôi Đường Tôi
Vào đầu tháng Tư năm Showa 46, khi những cánh hoa đào nở rộng trắng ngát những công viên tại Tokyo đã rủ nhau lìa cành thật mau chóng, để lại những thân cây và cành trơ trụi, cũng là lúc những sinh viên VN qua trước tôi nhập trường đại học. Một vài người tôi mới quen đã rời Tokyo đi Tohoku ở phía Bắc, hoặc Himeiji ở phía Nam... Tuy nhiên phần đông ở lại Tokyo vào học những trường như Meisei, Nodai, Tokai, Nichidai, Suisandai..., và hai người vào Todai.
Nếu ở một cư xá khác tại Tokyo, sinh hoạt của những sinh viên VN qua diện quốc phí Nhật có vẻ khuôn mẫu, "trí thức khoa bảng" và nếu hơi lộng ngôn để sẽ bị phê bình, như được "định hướng xã hội chủ nghĩa", có quan niệm về chính trị rõ rệt với những buổi triển lãm mảnh máy bay Mỹ bị bắn rớt trong "thắng lợi" của "quân dân ta" tại Hà Nội đánh "đế quốc xâm lược" nhằm cứu nước, hoặc chiếu phim Thánh Gióng đem từ Hà Nội sang... Ngay như một số nếu không quá lộ nét chính trị thì cũng ráng học, hoạt động xã hội, thể thao giúp đời và giúp đỡ lẫn nhau để làm "nở mày nở mặt" dân tộc (đang chống Mỹ), làm gương tốt như những "tiểu Khổng Tử", "tiểu Quản Trọng", "tiểu Fukuzawa" cho đời cho người, thì ở Kokusai, thủ đô của sinh viên tư phí Việt Nam, đúng là một xã hội "kinh tế thị trường tự do" theo định hướng "cá nhân chủ nghĩa".
Tại Kokusai, một senpai tư phí tóc dài, ăn mặc quần áo jean đã nói với một người bạn quốc phí, vừa lên giọng "dạy đời" ảnh về sự cần thiết để học trường lớn, lấy bằng cấp cao, hòng mai mốt về làm việc xây đắp đất nước:
- Mày ráng học đị lấy bằng bác sỹ (tiến sỹ) rồi mai mốt về làm cho tao. Gia đình tao đã để sẵn chức giám đốc chờ khi tao học xong đại học rồi về. Bây giờ tao lo vui chơi và học đủ cho tốt nghiệp, sau đó về VN chờ mày mấy năm rồi cho mày một cái ghế.
Chuyện này, tôi nghe kể lại, có thật hay không thì nó cũng phản ảnh đúng phần nào hai hướng đi chánh của hai cộng đồng người Việt đi học bổng và tự túc tại Nhật. Ai cho đây là tính chia rẽ truyền thống cũng đúng. Ai cho đó là sự khác biệt tự nhiên của cuộc sống cũng đúng luôn. Tùy theo ý nghĩ và con đường mình chọn.
Như có người bạn ngoại quốc đã bàn với tôi về ba thành phố lớn của Việt Nam: Hà Nội luôn gần với nền văn hóa cổ như Pháp và Trung Hoa; Huế có vẻ như gần với các đảo quốc như Nhật hay Anh; còn Sài Gòn là một Hợp Chúng Quốc lẫn một Hợp Chủng Quốc tiêu biểu, rất gần và yêu văn hóa Mỹ. Người miền Nam phóng khoáng ăn to nói lớn, bất chấp quá khứ, chuộng thực tiễn, yêu tự do đến nỗi:
Ra đường thấy vịt cũng lùa
Thấy Chúa cũng vái, thấy chùa cũng tu
Thấy Chúa cũng vái, thấy chùa cũng tu
Những sinh viên VN tại Kokusai theo nhiều "môn phái" khác nhau, phần đông có tính cá nhân, nhưng cũng có những nhóm bạn chơi thân với nhau vì những lý do nào đó. Có thể vì cùng học chung trường trung học tại VN, xuất thân cùng quê, cùng do một người lo qua, đã cùng hoạt động chung với nhau để tranh đấu cho qua Nhật đúng hạn khỏi kẹt lính, cùng ở chung một dẫy apạctồ, cùng học một lớp Nhật ngữ, cùng thích ăn mặc một mốt nào đó, cùng goûts văn nghệ, cùng thích đá banh và sau đó cùng vào học một đại học, thậm chí cùng yêu hay cùng ghét một giai nhân nào đó...
Tinh thần cá nhân và chuộng tự do rất cao trong cõi Shokudo, có người có hai ba anh em cùng du học, nhưng khi gặp nhau tại shokudo lại không nói chuyện lâu, mỗi anh em chơi thân với một ai đó khác. Có người học trên kohai cả 4-5 năm, thậm chí 7-8 năm, lại khoái gặp, chơi thể thao hay tâm sự với kohai đó. Có người không chuộng XHCN (còn được gọi là xanh nhẹ) rất thân và đánh ping pông hay tennis với mấy người bạn yêu XHCN (còn được gọi là hồng)... "Vừa sống, vừa yêu, vừa ghét, vừa gần vừa xa nhau" trong một "cõi" một "tính cách" rất Kokusai, rất "kool", hơn cả phong cách "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" sau này.
Cá nhân tôi đã bị dội khi tới thăm một người bạn trước đây cùng trường VTT, sửng sốt khi thấy hình ông Hồ Chí Minh còn dán trên tường do người chủ phòng exryu qua trước một năm để lại. Người bạn tôi vẫn hề hề không tìm cách gỡ đi, nhưng cũng không quá đổi hướng qua sùng bái "bác".
Trong một tập hợp "dân chủ tự do" với tiềm năng tương lai như vậy, thế nào chẳng có những James Bond kiểu Vũ Ngọc Ngạ hay Phạm Xuân Ẩn hoạt động. Nhưng tuổi trẻ thời đó ai mà để cho những ý nghĩ không đẹp đó vướng vào làm chi cho mệt xác, mất vui, giảm thọ. Que sera sera.
Nhớ Rất Nhiều Câu Chuyện Đó...
Tình yêu giữa nam nữ exryu tại Nhật, trong những ngày tháng đó có thể được coi là hàng cấm và xa xỉ, riêng đôi với một số cá nhân. còn là một trải nghiệm vừa "ngây thơ vừa thực tiễn" cực kỳ nguy hiểm
Thứ nhất: lý do chính của đa số sinh viên cả nam lẫn nữ VN để đi du học là lấy bằng cấp rồi về nước. Chuyện tự do yêu nhau đưa đến tự do hôn nhân còn là chuyện Love Story của mấy nàng và chàng "Âu Mỹ tư bản". Có nhiều gia đình còn cài chuyện hứa hôn cho con cái trước khi đi du học cho nó chắc và lành.
Thứ hai: tuổi còn quá trẻ, cám dỗ còn nhiều, mà trong một xã hội bé tí teo, đừng nói là đã cặp nhau, mới chỉ là bạn bè thôi mà tiếng lành, tiếng dữ đã đồn xa. Ở bên Nhật, yêu nhau, cặp nhau là coi như "bước chân đi cấm kỳ trở lại"
Thứ ba: sự khác biệt về quan niệm sống, tính tình, giầu nghèo, tôn giáo, địa phương... trước sức mạnh của trái tim của tình yêu đôi lứa có thể bị xóa tan, nhưng sau này khi phải đối diện với hai gia đình, hai giòng họ thì sao?
Thứ tư: trong cuộc đời, thực tế khác xa với phim ảnh ở nhiều điểm như mơ và thật, như muốn và làm, như bản tự đánh giá trị và bản kết quả khảo nghiệm khách quan...
Thứ năm, thứ sáu...thứ mười...
Nhưng khó cách mấy vẫn đã có những con thuyền tình ái êm đềm cập được bến bờ. Cũng có những con thuyền nhọc nhằn khác cũng đến được bến bờ. Với những lời chúc lành cho họ.
Đương nhiên cũng có biết bao nhiêu mối tình đổ vỡ, biết bao đêm thức trắng, biết bao trăn trở trong cuộc chiến giữa tim và óc, biết bao nhiêu tiếng cười che nước mắt, biết bao nhiêu giọt lệ và có cả máu đã đổ...
Một người bạn tôi nói với tôi cách đây gần 20 năm: "bây giờ nhớ lại tình trạng phái nữ VN thời du học tại Nhật, tao sẽ không để con gái tao đi du học phương xa, theo tao đó là một điều ác!"
Một anh khác khi cùng tôi xem lại hình ảnh những "nữ kohai" VN trong hai năm showa 45 và 46, xuýt xoa: "ủa, mấy cô này ở đâu mà xinh đẹp quá nè, nhứt là cô này, gặp tay tao là chết rồi, ủa mà lúc đó tao ở đâu mà không biết hé?"
Kỷ niệm mà, kỷ niệm lúc nào chẳng đẹp, và con cá vuột bao giờ cũng là con cá lớn.
Riêng tôi, tôi xin chép lại bài thơ sau:
Cô gái Việt Nam ơi!
Từ thuở sơ sinh lận đận rồi
Tôi biết tình cô u uất lắm
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi
Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa
Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha
Khi cô vui thú, là khi đã
Bồng bế con thơ, đón tuổi già
Cô gái Việt Nam ơi!
Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi
Thế hệ huy hoàng không đủ xóa
Nghìn năm vằng vặc ánh trăng soi
Tôi đến đây tìm lại bóng cô
Trở về đường cũ, hái mơ xưa
Rau sam vẫn mọc chân rào trước
Son sắt, lòng cô vẫn đợi chờ
Dãi lúa cô trồng nay đã tươi
Gió xuân ý nhị vít bông cười...
Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa
Trong một làng con, đã héo rồi!
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi
Từ thuở sơ sinh lận đận rồi
Tôi biết tình cô u uất lắm
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi
Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa
Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha
Khi cô vui thú, là khi đã
Bồng bế con thơ, đón tuổi già
Cô gái Việt Nam ơi!
Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi
Thế hệ huy hoàng không đủ xóa
Nghìn năm vằng vặc ánh trăng soi
Tôi đến đây tìm lại bóng cô
Trở về đường cũ, hái mơ xưa
Rau sam vẫn mọc chân rào trước
Son sắt, lòng cô vẫn đợi chờ
Dãi lúa cô trồng nay đã tươi
Gió xuân ý nhị vít bông cười...
Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa
Trong một làng con, đã héo rồi!
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi
Nguồn: Hồ Dzếnh, Quê ngoại,
Kẻ Thù Ta Nó Đâu Phải Là Người...
Những phản hồi tôi nhận được cho đến nay từ loạt bài này, đều quay qua hai điểm tôi luôn cảm nhận trong lúc viết là kỷ niệm và thời gian đi mau quá.
Nhớ lại cách đây mà thấm thoát đã khoảng10 năm, khi lần đầu nhìn thấy hình anh Sáu T* và tôi trên diễn đàn exryu sau vài chục năm không gặp, anh VT đã viết ra một câu thật là "đỉnh":
- Nhìn hình anh Sáu T* và Dzung san, tôi bỗng thấy thù thời gian
Mạnh và đột ngột như một cú đấm trúng ngay mũi, đối với tôi, không một nhận định nào hay hơn để tả về sự "hành hạ khủng khiếp" của thần thời gian trên dung nhan của hai chúng tôi.
Tôi nhớ về ngày đầu tiên gặp anh Sáu T* và anh VT tại cõi shokudo Kokusai. Cả hai đều học Nodai nên xuất hiện khá thường vào giờ cơm tối.
Hai người lúc đó đều để ria, tóc dài chải ngôi giữa, đều ăn mặc trẻ trung, điệu bộ theo thời trang mà một số nhạc sỹ folk songs Nhật năm đó cũng hay mặc, là quần hơi loe, áo len ngắn cổ tròn thay gilet nằm dưới jacket màu sậm.
Cả hai đều có mặt trong những tấm hình kỷ niệm chụp đêm ca sỹ Khánh Ly qua Nhật hát vào năm Showa 45, anh VT đệm đàn guitar cho ca sỹ hát, còn anh Sáu T* đang được nữ hoàng chân đất hôn (không phải hôn môi mà là hôn má thôi), vì đã thắng kỳ đấu giá cứu trợ. Ông Hoàng Căm Bốt tuy thua về hạng hai, nhưng lại được Khánh Ly nâng lên hàng hoàng gia của xứ Đế Thiên Đế Thích. Những năm đó quả là những năm vàng son của sinh viên tư phí Việt Nam tại Kokusai, lý do đơn giản là hối suất chuyển ngân còn quá nhẹ: 1 đô la Mỹ chỉ ăn 118 đồng Việt Nam.
Vì quen nhìn nhau vào tuổi 19-23 của những ngày tươi đẹp cũ, nên khi lâu ngày không gặp lại, làm sao mà không thảng thốt khi thấy mớ tóc bạc, mặt nhăn, lưng khòm và những cái bụng phì lũ của nhau.
Được một điều an ủi là không phải chỉ có "nhan sắc" hai chúng tôi tàn phai không thôi, mà cả không gian và thành phố cũng đổi thay. Có anh khi về thăm lại Tokyo nhân kỳ đại hội 2004 (?) đã ôm mặt khóc khi không thể tìm lại hoàn toàn dấu vết của giai đoạn ngày xưa.
Nhưng, trước mặt công tố viên VT, tôi cũng xin biện hộ cho thời gian. Chính thần thời gian đã nuôi nấng kỷ niệm. Không có sự tàn phai do thời gian đem lại, sẽ ít ai biết yêu quí những hình ảnh trong quá khứ của những gì không còn nữa, đã biến thành kỷ niệm. Kỷ niệm được đẻ từ hiện tại và đẹp dần khi thời gian trôi qua. Chính kỷ niệm đã cứu cái thực tế phũ phàng.
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến hai tiếng hát nam của năm Nhật ngữ showa 45, anh N V*, cao ngòng với giọng hát mạnh trình diễn bài "Một Ngày Như Mọi Ngày" tại cư xá Đông Du trước khi anh đi trường Kanto, và ca sỹ nhà thơ Phùng Quân, với giọng hát nhung bài "Làng Tôi".
Không, kẻ thù ta nó đâu phải là người, mà nó cũng không phải là thời gian.
Không Thày Đố Mày Làm Nên
G B*, thằng bạn "nối khố" mà tôi biết rõ lịch sử từng cái sẹo trên mặt nó, qua Nhật trước tôi vài tháng, khệnh khạng ngồi hướng dẫn tôi về cách sống và học tiếng Nhật:
- Thế là coi như mày qua đây cũng được cả tháng, cả ngày chỉ lo ăn chơi đàn đúm, hôm nay anh mày sẽ chỉ bảo cho mày cách ăn cách ở bên này, chứ cái thằng con út cả đời sống bám vào bố như mày, tao mà không 'dạy dỗ' sẽ không thể nên người được. Nhưng như thế, theo đúng truyền thống Nhật, mày sẽ phải gọi tao là senpai, còn mày là kohai, gọi là senpai G B* mày biết chưa?
- Senpai là cái gì mậy?
- Đấy thấy chưa, đã nói là mày còn ngu lắm, còn phải học hỏi nhiều, 'con' ạ! Senpai là 'tiền bối' có nghĩa 'đàn anh', là người có đẳng cấp xã hội cao hơn và kinh nghiệm nhiều hơn mầy, là người sẽ lo lắng, uốn nắn mày nên người.
- Vậy thì cho mày làm senpai cái củ chuối. Tao vãi vào!
- Mày lại tự ái rồi, con ạ. Muốn thành công tại xứ Nhật phải biết nhẫn nhục, và lễ độ. Mày phải biết ganman ( 我慢) suru, hiểu không?
Bên này hầu như ai cũng có ít nhất một senpai đỡ đầu, hướng dẫn cho mày bước vào đời sống Nhật, cho mày ở tạm một thời gian, kiếm nhà cho mày thuê với giá rẻ, dậy căn bản tiếng Nhật cho mày, chỉ mày biết khi đau răng, đau bụng phải làm gì... vân vân và vân vân, mày biết chưa. Thôi được rồi, nếu mày không nhận tao làm senpai cũng tốt thôi. Tao sẽ không giận mà còn làm phúc chỉ cho mày phải học tiếng Nhật từ senpai nào.
Nếu mày muốn học tiếng Nhật giọng phụ nữ, mày phải học anh N M*, tức là anh cho mày trú đêm đầu tiên tại Nhật đó. Bạn bè bên này gọi ảnh là "N M* xí xọn", anh này nói tiếng Nhật rất nhanh, lưu loát, nhưng vì ảnh chỉ nói chuyện nhiều với mấy bà mấy cô thành thử riết ảnh nói giọng kính ngữ đầy nữ tính. Kiểu như tự xưng mình lúc nào cũng bằng watashi thay vì có lúc phải xài ô rê (俺), bố cu (僕) vậy đó.
Còn mày muốn học tiếng Nhật kiểu đàn ông, đầy nam tính, thì mày phải bắt chước Sáu T*, anh này chẳng những xài thả giàn những chữ như ô rê, omae (お前) mà còn xài giấy 500 tiếng Nhật một cách hào phóng rôm rả, giọng gầm gừ trong cổ nghe dễ nể, rất otokorashi sa (男らしさ)
Hoặc mày muốn học tiếng Nhật để thành sư đi tu, thì học anh T Đ G*, senpai của "Ông Hoàng Căm Bốt"..., vừa giỏi Kanji vừa giỏi tiếng địa phương.
Ngoài ra, nếu mày vừa muốn tiết kiệm tiền, vừa muốn học Nhật ngữ, vừa muốn được chuẩn bị đi trường tốt thì xin vào sinh hoạt trong cư xá X. Nhưng tao nghĩ, lười như mày chắc người ta không nhận, nhất là...
- Nhất là sao?
- Tao nghe nói vào trong đó người ta tiết kiệm điện và nước, không cho tắm đều, đứa nào cũng bị lác, nhẹ thì lác đồng tiền ngay bắp chân, nặng hơn thì lác đĩa ở mông, mà nặng nữa thì lác mâm ở lưng. Mày không tin hôm nào mày thử vén quần một 'nạn nhân' thì biết liền...
- Mày lại bôi bác rồi, phét lác như vậy, người ta nghe thấy là mày phiền to.
- Tao cũng chỉ nghe nói làm sao, học lại làm vậy. Có muốn đánh thì tao chỉ cho ai nói đầu tiên cho mà đánh. Cũng như chuyện mày mà không muốn bị hói thì đừng ăn mì gói nhiều quá, và nhất là đừng đi chơi đêm ô rư nai tồ quên đội nón. Lôi thôi là mày bị sương đêm Tokyo ô nhiễm rất độc ăn rụng hết tóc con ạ!
Sau câu chuyện này, chờ hoài mà tôi không có duyên với một senpai nào như định nghĩa bạn tôi nói, do đó sống cu ki mấy năm không có "tư tưởng" của ai để noi theo. Và đương nhiên không thày thì chẳng làm nên được cái chi ở đất Phù Tang cả
Xấu Đều Hơn Tốt Lẻ hay Tốt Lẻ Hơn Xấu Đều...
Sự bỡ ngỡ qua đi, đưa tôi đến nỗi ngạc nhiên rồi bàng hoàng khi tự mình phiêu lưu và khám phá xã hội Nhật. Dần dà, sự thay đổi của hình ảnh nước Nhật trong tôi càng ngày càng mạnh. Thời còn ở VN, qua những bài học về lịch sử và văn chương trong trường, hình ảnh về xã hội xứ Phù Tang ban đầu đã được phác bởi những nét rất đơn sơ nhưng đậm nét, bởi hai cụ Phan miền Trung nước Việt: cụ Phan Bội Châu đất Hà Tĩnh, với niềm thán phục những võ công mang lại bởi những "samura tân thời" phò một bậc minh quân còn rất trẻ, đã có can đảm lột xác, chấp nhận đi học nền văn minh của lũ "bạch quỉ" để lập quốc hội và học tập chính trị, quân sự theo mô hình Âu Châu, rồi sau đó, đủ sức đánh tan hải quân của đế quốc Nga tại eo Đối Mã (對馬海戰, Đối Mã hải chiến), gỡ nhục và tạo niềm tin cho toàn thể giống dân da vàng mũi tẹt; cụ Phan Chu Trinh đất Quảng Nam, với những suy nghĩ thiên hẳn về tấm gương văn nghiệp, kinh tế và cải tạo xã hội đặt căn bản trên sự phát triển tư doanh, tự do ngôn luận, dân sinh, dân trí và dân quyền...
Làm sao cho hai khái niệm gần như trái ngược đó đã kết hôn được với nhau mà không phải qua một cuộc nội chiến tàn phá nát xã hội, hay ít nhất là một nửa xã hội thuộc phe "thua cuộc", để cuối cùng "kẻ thắng cuộc" trở thành "hiệp sỹ mù" hay "độc thủ đại hiệp", với giấc mộng "xưng hùng xưng bá" không bao giờ thành sự thật, chỉ trở thành miếng sushi khéo nắn phủ lát cá tươi sẵn sàng cho các cường quốc, đại công ty quốc tế bỏ vào miệng?
Qua Nhật, tôi cảm nhận thấy ngay một điều là hai dân tộc Việt và Nhật như hai mặt một đồng tiền, như hai anh em sinh đôi đối nghịch, như hai thần Sơn Tinh và Thủy Tinh trong huyền thoại VN.
o0o
Người Nhật chuộng sự đồng nhất, xấu đều vẫn hơn là tốt lẻ. Cả nước không hẹn mà nên, chọn chung một khuôn mẫu, rồi từ đó cặm cụi, kiên nhẫn phát triển khuôn mẫu đó thành sản phẩm chung. Thoạt đầu thô thiển, máy móc sau đó tinh vi dần lên, rồi với một duyên may có một tinh hoa nào đó, trở thành những tác phẩm bậc thày. Mạch sống chính của cả xã hội, tức đại đa số người dân sống đồng nhất đã đành, những nhóm thiểu số, những "kẻ đứng bên lề" cũng sống trong mẫu đồng nhất của từng nhóm họ. Có biểu hiệu riêng, luật lệ riêng, lề lối riêng. Ở Nhật Bản phải mẫu mực mới tuyệt.
Người Việt Nam thù ghét sự đồng nhất, tốt lẻ đương nhiên là hơn xấu đều. Nguyễn Du, thi hào nổi tiếng chẳng những vì tài văn chương mà còn nhờ hiểu rõ và biểu hiện được nét chung con người Việt Nam, đã viết như sau để tả về Kim Trọng: "Một vùng như thể cây quỳnh cành dao". Ý nói cao cách khác người, khó mà bắt chước được, hay tìm thấy được ở người phàm tục chung quanh. Nhân vật Cao Bá Quát, một mình "chơi" luôn hai bồ chữ của thiên hạ, ngông không thua ông vua ghét ông ta, và ông ta cũng ghét, là vua Tự Đức. Ông vua này cũng thuộc loại thích mình "không giống ai" trong văn chương và tình yêu. Văn nghệ sỹ muốn được yêu thích phải sống và sáng tác khác người, như Tản Đà, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Công Thiện, Trúc Phương... Rất ít những nhà văn, nhà giáo, nhạc sỹ xuất thân trường ốc mà được cả nước yêu mến. Ca sỹ nào nhại lối trình diễn của người khác đều chỉ được xếp vào hạng hai là cùng. Ở Việt Nam phải phá cách mới tài, phải đặc biệt mới quí. Thiên tài là điều nhân tài khó thể nào xánh được.
0o0
Người Nhật trọng hình thức ngang với nội dung. Người Việt thích xuề xòa, "tốt gỗ hơn tốt nước son". Điều này đặc biệt hiện rõ trong cung cách bầy thức ăn của hai dân tộc. Người Nhật ăn uống đơn giản nhưng bài trí, sắp xếp khéo léo, từ cái nắm cơm dù bên trong chỉ có một quả mai chua lét, cho đến hộp bentồ đủ món ăn. Người Việt dồn hết nội công và thời giờ để làm nhiều món ăn cực ngon, rồi khi dọn lên, nhiều khi chỉ cho vào một cái đĩa mẻ, hay cái mâm gỗ lót lá.
0o0
Người Nhật chuộng kỷ luật, người Việt yêu tự do, phóng khoáng.
Người Nhật xưa cũng chia xã hội ra bốn giai cấp sỹ, nông, công thương, nhưng giai cấp sỹ của người Nhật là ông Khổng dùng kiếm để cai trị, còn giai cấp sỹ của người Việt là ông Khổng dùng nghiên bút để cai trị
Người Nhật chỉ có một đời vua từ đó đến giờ. Đụng vào Thiên Hoàng là đụng vào dân tộc Nhật. Người Việt thay vua xoành xoạch, vua giòng mới lên giết cả giòng họ vua cũ là chuyện thường tình. Người dân vẫn sống thoải mái miễn sao là ông vua mới mang lại đời sống an bình, ấm no.
Khi một đầu lãnh, chỉ huy bị chết, bị tử trận, các thuộc hạ Nhật sẵn sàng chết theo hay rã đám thành ronin, hay sau này về quê đuổi gà làm nông; trong khi các thuộc hạ người Việt sẵn sàng gia nhập nhóm khác hay kiếm một lãnh tụ khác để phò, miễn được việc.
Những lãnh chúa, samurai của từng clan cai trị nghiêm khắc, bắt dân nộp thuế đâu ra đó, bắt dân hy sinh cho chuyện công, nhưng khi gặp nguy, họ đưa thân, đưa óc ra trước bảo vệ dân. Những ông vương, ông quan VN không đến nỗi đè dân ra cai trị quá khắc nghiệt, hay chém đầu dễ dàng người dân mà không chịu hậu quả, ít dám tận dụng sức dân, nhưng khi gặp khốn, thường thì bất lực thậm chí vọt trước.
Người Nhật thờ Thái Dương Thần Nữ, nhưng phụ nữ Nhật khó can dự chuyện triều chính (trừ vài ngoại lệ rất nhỏ). Người Việt chẳng những có Hai Bà Trưng, Bà Triệu, mà còn có nhiều nữ nhân nhiếp chính được yêu mến như Ỷ Lan Phu Nhân, Bà Chúa Chè, Ngọc Hân công chúa...
Người Nhật buộc phải học người Âu Mỹ nhưng thâm tâm bảo tồn kỹ lưỡng văn hóa của mình. Bằng cấp Âu Mỹ chỉ là phương tiện để học tập. Người Việt chống người Âu Mỹ đến cùng nhưng trong thâm tâm rất yêu lối sống và văn hóa Âu Mỹ. Ai mà có bằng cấp Âu Mỹ là được trọng vọng, coi như sẵn sàng giữ chức chỉ huy.
Chuyện trông tưởng giống nhau, nhưng thật ra đối nghịch giữa hai dân tộc còn rất nhiều, kể không thể hết. Ngay như sự mâu thuẫn trong cả hai xã hội cũng đối nhau. Như một samurai giòng họ kiêu hùng Nhật có thể gác bỏ kiếm để trở thành một đầu bếp hay một chuyên viên kế toán xử dụng bàn tính, miễn là phục vụ cho chủ nhân sứ quân hay lãnh chúa của họ; nhưng khó ai có thể ép một thư sinh người Việt trói gà không chặt vào bếp làm cơm cho ông quan đàn anh hay nhà vua được.
Vì khác biệt như thế, có những điều mà người Nhật phải chịu như một định mệnh khủng khiếp là thua cuộc chiến mà chính họ đánh trước. Trong khi người Việt lại chiến thắng nhiều cuộc chiến mà họ là nạn nhân.
Một điều lạ lùng khác, tính cho đến năm showa 46, sau hơn ngàn năm, dân Nhật oai hùng, tiên tiến, niềm tự hào của châu Á lại không thể giữ bảo toàn sơn hà tổ tiên, đành chịu mất đất về tay người Nga (Bắc phương lãnh thổ). Trong khi đó, người Việt bị rẻ khinh, vừa chui ra ách nô thuộc người Pháp lại rơi vào cảnh con mồi của hai khối cộng sản-tư bản trong lò thiêu cực khủng khiếp cháy đỏ của cuộc chiến tranh người ta gọi là "lạnh", chẳng những không chịu mất một tấc đất nào của ông cha, mà lại phồng và dài ra cho đến khi gặp biển mới chịu ngừng lại.
Rồi nữa, người Hoa, kẻ thù truyền kiếp của người Việt nhưng nhiều thế hệ vì nhiều lý do khác nhau lại qua sinh sống tại VN, và cùng người VN làm chủ đất Nam, chống lại sự xâm lăng Bắc phương, biến thành người Việt không cần và không qua chính sách đồng hóa nào. Trong khi, người Nhật, một trong những học trò của Trung Hoa từ mãi tận nhà Đường, chỉ chấp nhận có một cộng đồng người Hoa rất nhỏ, sống gần như cô lập tại cảng Hoành Tân (Yokohama).
...
0o0
Đứng trước một thế giới hoàn toàn lạ lùng và khác biệt đó, tôi như bị quyến rũ, dè dặt, mê say nhưng tự chủ, nói khống là như được thần Thủy Tinh phù hộ trôi vào lãnh thổ của thần Sơn Tinh phiêu lưu, chắc chắn vì tò mò và ham vui là chính.
Takadanobaba: xóm học của Exryus tư phí VN
Nếu Quartier Latin là xóm học của Paris, có giòng sông Seine thơ mộng chảy gần, thì trong kỷ niệm của tôi, Takatanobaba là xóm học của Tokyo, cũng có giòng Kandagawa chảy gần đó.
Không phải chỉ vì nơi đây có những trường đại học tư nổi tiếng như Waseida hay Gakushūin Daigaku (学習院大学), mà còn vì Takadanobaba là ga thứ nhì sau ga Higashi Okubo trên đường Yamanoté về hướng Ikebukuro, và là nơi có nhà một số bạn tôi, vì không thể tìm nhà gần Kokusai, đã thuê ở trong năm Nhật ngữ. Takadanobaba còn là nơi có cư xá Đông Du ltụ họp khá đông sinh viên VN ăn ở, và là môi trường sinh hoạt, kiếm việc làm, coi rạp xi nê chuyên chiếu phim cũ Nhật, ăn uống ở những quán giá phải chăng, đượm nét không khí 'quốc tế' tuy nhỏ và ít 'búa xua' hơn Shinjuku...
Có thể nói là vì nhiều lý do khác nhau như ngôn ngữ, giá cả, tinh thần đi trước đi sau, senpai & kohai ảnh hưởng từ người Nhật..., Tokyo vào những năm đó có những 'cụm nhà trọ do sinh viên VN thuê ở và truyền từ "đời này qua đời khác".
Đương nhiên, rõ rệt nhất là một số nhà apạctồ và mansion chung quanh trường Nhật ngữ Kokusai. Về hướng Higashi Nagano đặc biệt có căn nhà hai lầu, trong đó có phòng do thi sỹ P Q và anh Đ T M, N C D, A D S... đã từng ở, mà có người gọi đùa là "học xá Tây Du" để đối với học xá Đông Du. Về phía bên kia đường Okubo Dori phía Shinjuku, có ba-bốn căn phòng trên một gác hoàn toàn do sinh viên VN thuê ở như anh P ku, hiện nay làm chủ hai nhà hàng rất thành công tại Paris, và anh P C T mà anh em gọi đùa là em triết gia Phạm Công Thiện đã ở nhiều năm. Khu mansion anh S T* và nhà vợ anh N M* cũng nằm về hướng đó.
Ở gần ga Higashi Okubo có vài căn nhà do mấy chị Exryus VN đã ở. Cách đây khoảng một năm, có chị hiện nay đang sống tại Melbourne, về Nhật chơi, đã nói với tôi:
- Tôi về đó, bỏ mấy tiếng đi tìm lại căn phòng chúng tôi ở thuê mà không thể nhận ra, cảnh cũ người xưa thay đổi hết trơn rồi anh à.
Tôi hỏi chỉ có còn thấy cái chợ mở 24 giờ trên 24 giờ gần nhà ga hay không, chỉ nói không để ý.
Cái chợ đó vào năm showa 46 là nơi mà cỡ 1 giờ sáng, người ta còn có thể thấy những người con gái rất đẹp, ăn mặc rất điệu, nhuộm tóc nhiều mầu, đi bốt da, áo da... vào mua hàng. Đó là những kiều nữ chuyên làm việc về đêm đói bụng đi taxi về đó kiếm cái gì về nhà lót bụng.
Mấy Tô Ramen Với Cách Nấu Bí Mật
Món ăn chính tự nấu của hầu hết nam sinh viên VN sống nhà ngoài thời đó là mì gói. Tới nhà nhau ăn gần như 90% là mì gói.
Mấy bạn tôi đi chợ, gần như 10 người như một, đầu tiên hốt mì gói, sau đó là trứng, hành tây, rồi đồ hộp như cá mòi, bánh Ritz..., sau mới đến cà chua, rau...
Thịt bò quá mắc chỉ để dành cho "tiệc thịnh soạn" thường ăn với món sukiyaki. Thịt heo cũng được chiếu cố cho những "đại đầu bếp" biết nấu thịt kho ngọt, hay thịt kho tầu, hoặc dám bắt chước Chuka Ryori làm món niku yasai itamé...
Gặp nhau tại Kokusai, đánh ping pông hay bù khú đã rồi, nhắn bạn trước khi lên tắm ké rồi về:
- Ê tắm xong, xuống chờ tại shokudo rồi bọn mình kéo nhau về phòng thằng X ăn mì gói nhen.
Coi thì đơn giản, nấu mì gói cũng là một công phu nghệ thuật, có thể chấm giải Michelin từ 0 sao đến 3 sao.
Hồi đó, Đ C* được giới "giang hồ" truyền tụng và đánh giá là một trong những đại cao thủ về cách nấu mì gói.
Một ngày chủ nhật Đ C* và hai người bạn ở chung phòng tại gần ga Takabanobaba mời bọn tôi đến ăn mì gói.
Trời vào hè, Tokyo nóng can không nổi, chiếc quạt quay không đủ để làm mát phòng, nên mấy tên nào không chịu nổi, phải thoát y dần dần gần như 95%, nhưng đối với đàn ông con trai VN quen ở xứ nóng, thì chẳng có gì lạ lùng mà sợ bị coi là "gay" hay quái như người xứ lạnh nghĩ.
Đâu bếp chính Đ C*, còn mỗi một cái "khố" nhỏ che thân, tiết lộ dần dần nghệ thuật nấu mì gói với giá thành bình dân:
- Trước hết, phải nấu nước dùng bằng hai cỗ xương gà, và tôm khô cho ngọt nước. Trong lúc đó, rửa rau sắt cà chua, luộc và tráng trứng, phi hành thơm, rán lạp xưởng, nấu mì cho chín rồi chắt bỏ nước đi. Sắp mì, trứng, lạp xưởng và một hai lát cà chua sắt mỏng vào từng tô. Quan trọng nhất là nêm nếm nước dùng với muối, bột ngọt, nước mắm (nếu có), và sốt cà chua sao cho vừa miệng. Cuối cùng là đổ nước vào từng tô và ăn với chút rau cải luộc chín sơ.
Trong lúc hứng khởi, Đ C* tiết lộ "giấc mơ một đời người" của mình cho bạn bè nghe:
- Bọn mày biết không, khi tao có vợ, tao sẽ "bắt" vợ tao ăn mặc đơn giản như vầy, cùng lắm là cho mặc thêm cái tạp dề che đằng trước thôi. Để khi đi làm về, tao lặng lẽ bước đến sau lưng nàng, thò hai bàn tay ra đằng trước, "toe toe" hữu nghị vài cái, thì chao ôi là hạnh phúc.
...
0o0
Hôm đó, ăn uống cười cợt cho đã, đến khoảng gần tối, một vài người đã bỏ về, nhóm rửa bát cũng đã hoàn thành nhiệm vụ. Hai cỗ xương gà bị hầm coi như tơi tả đi cùng đám tôm khô vào cái bao ny lông trong thùng rác cùng đủ mọi thứ hầm bà lằng. Trời đã mát lại, ai nấy đều quần áo tươm tất uống trà rồi sẽ chia tay.
Đúng lúc đó, trời phạt kẻ "gian thần" Đ C*, bỗng dưng chúng tôi nghe tiếng gõ cửa cùng tiếng người khúc khích. Thì ra có mấy chị VN sống gần đó, hàng ngày vẫn nghe đầu bếp Đ C* "nổ" về tài nấu ramen, hôm đó, trời xui đất khiến sao mấy chị qua xin "nếm" thử
Không thể từ chối, mà chợ thì đã đóng hết làm sao mà tìm ra xương gà, Q M*, một trong ba chủ nhà nói nhỏ với Đ C*:
- Hay là mình lấy xương gà ra rửa rồi nấu lại.
Trong lúc các bạn khác tiếp khách, đóng cửa bếp lại, Đ C* và tôi hai đứa âm thầm móc ra hai bộ xương, không dám rửa quá sạch, rồi bỏ vào nồi nấu đợt hai.
Thế mà, tài nấu của Đ C* vẫn tuyệt chiêu đến độ không ai trong mấy chị khám phá ra điều gì cả. Còn khen lấy khen để.
0o0
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua.
Nghe nói bây giờ Đ C* đã lập gia đình, yên bề gia thất. Chẳng hiểu Đ C* có còn nhớ giấc mơ ngày xưa mà thực hiện mỗi ngày, hay đã quên rồi?
Đinh Thế Dũng