Saturday, 5 December 2015

Trần Quí Cao: Nhân dân Việt Nam Đang ở đâu?

66f8f91c002c806a4dc18858
Trần Trung Đạo là tác giả đã nêu lên và thảo luận nhiều đề tài sâu sắc. Trong bài viết mới có tựa là một câu hỏi: “Nhìn sang Miến Điện, nhìn lại Việt Nam đang thiếu ai?” (1), ông trả lời trực tiếp: “Nhưng phân tích cho cùng, những người mà Việt Nam thiếu nhất không không phải là Aung San Suu Kyi hay Thein Sein mà là Nhân dân”
Câu trả lời như trên của tác giả gợi trong tôi nhiều suy nghĩ.
TÔI HIỂU NHÂN DÂN NHƯ THẾ NÀO?
Tôi hiểu rằng Nhân Dân là một tập hợp bao gồm tất cả những người sống trong một quốc gia và đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý để chính thức là công dân của quốc gia đó. Trong Nhân Dân có những người cao thượng và những người ích kỷ, những người gan dạ và những người nhút nhát. Người thẩm phán với tù nhân có thể có lý lịch tư pháp khác nhau, nhưng đều cùng là hai thành viên của Nhân Dân.
Hiểu như vậy thì một quốc gia không bao giờ thiếu Nhân Dân, vốn là bộ phận cấu thành chủ chốt của quốc gia (nhân dân, lãnh thổ, chính quyền). Nhân Dân lúc nào cũng là Nhân Dân, và trong một quốc gia dân chủ thì quyền làm chủ thực sự của quốc gia thuộc về Nhân Dân, theo nguyên tắc tuân theo đa số trong khi vẫn tôn trọng thiểu số.
Nếu tôi hiểu không hiểu lầm thì chữ Nhân Dân trong đoạn văn trên của của Trần Trung Đạo chỉ một thành phần trong Nhân Dân, thành phần đó có tri thức, có tinh thần trách nhiệm và dám đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng cho cộng đồng và cho thế hệ sau. Vậy, theo ý Trần Trung Đạo, thì Nhân Dân Việt Nam thiếu, hay nói cách khác là chưa có đủ, những người hiểu biết, quả cảm, dám tranh đấu và hy sinh, cho nên Nhân Dân Việt Nam chưa thể sớm thể giàu mạnh và văn minh.
Tôi là người có niềm tin rất mạnh mẽ vào Nhân Dân Việt Nam, rằng Nhân Dân này rồi sẽ vượt qua nhiều sóng gió, khó khăn để quật khởi. Như lịch sử mấy nghìn năm của nó đã chứng minh.
Hiểu như vậy thì đoạn văn của Trần Trung Đạo có mâu thuẫn với niềm tin mạnh mẽ nói trên của tôi không?
KHÓ KHĂN LỚN NHẤT CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY LÀ CHẾ ĐỘ ĐỘC ĐẢNG VÀ TOÀN TRỊ
Quả thật, Việt Nam chúng ta đang đối mặt với thách thức rất lớn đang cản trở sự phát triển và nền tự chủ của dân tộc. Không vượt qua thách thức này, chúng ta sẽ chậm tiến và lệ thuộc.
Thách thức đó chính là chế độ độc tài, độc đảng và toàn trị đang áp đặt chủ nghĩa xã hội (cộng sản) biến tướng lên Việt Nam. Thách thức này kéo theo hệ quả Việt Nam lệ thuộc nhiều mặt vào Trung Cộng đang lấn chiếm bờ cõi. Chính vì vậy nhiều người mong muốn Việt Nam “thoát cộng”, “thoát Trung”.
Tôi tin rằng thách thức cốt lõi là ách độc tài độc đảng và toàn trị. Khi gỡ bỏ được ách này, Việt Nam tự khắc sẽ thoát cộng và thoát Trung.
Nhân dân Việt Nam có làm được điều này không?
Tới hôm nay, dù có bao nhiêu đề tài thời sự cấp bách, người Việt Nam vẫn còn rất quan tâm về cuộc bầu cử dân chủ của Myanmar cách nay 3 tuần. Cuộc bầu cử chỉ trong một ngày, nhưng nhân dân Myanmar đã chuẩn bị cho nó từ ròng rã mấy năm nay, và nếu thực sự nhìn lại xa hơn thì quá trình chuẩn bị đã tới vài thập niên. Cách thức tổ chức bầu cử, kết quả cuộc bầu cử và cách tiếp nhận kết quả cuộc bầu cử của bên đối lập thắng lớn và bên cầm quyền thua to (nếu xét trên số phiếu bầu cho mỗi bên) cho thấy cuộc bầu cử thực sự tự do dân chủ. Dù có thể còn nhiều khó khăn phía trước, trình độ dân trí về tự do dân chủ của Myanmar được chứng tỏ đủ cao để có cách ứng xử được thế giới khâm phục trong hoàn cảnh đất nước đang dưới chế độ độc tài nhưng có quyết tâm tiến bước về dân chủ từ mấy năm nay. Quyết tâm tiến về dân chủ của Myanmar, theo nhiều nhà quan sát, có nguồn gốc từ quyết tâm độc lập với Trung Cộng của nước này.
Việt Nam có làm được như vậy không?
NHÂN DÂN VIỆT NAM Ở ĐÂU?
Ngược với dự đoán của một số nhà quan sát, báo chí trong nước, được kiểm soát rất chặt chẽ bởi Ban Tuyên Huấn Trung Ương, đã đưa tin tương đối mạnh tay về cuộc bầu cử này. Theo Trần Trung Đạo, đảng CSVN không kiểm soát chặt chẽ thông tin (như Trung Cộng hay Bắc Hàn) là vì đảng coi thường nhân dân, đảng không tin rằng nhân dân Việt Nam sẽ làm được điều nhân dân Myanmar đã làm được.
Tôi có cùng quan sát với ông Trần Trung Đạo, tuy nhiên tôi hiểu sự việc từ một góc độ khác. Tôi hiểu rằng sự việc đó xảy ra là vì cuộc tranh đấu của nhân dân đã có kết quả nhất định.
Vốn tin vào câu cách ngôn “nhân dân nào, chính quyền đó”, tôi không chia hai phe dân chúng và chính quyền như hai thực thể trên hai chiến tuyến hoàn toàn đối lập và cách ly nhau (dù cách nhìn này có căn bản của nó), trái lại tôi nhìn thấy mối tương tác mạnh mẽ giữa hai bên bởi vì nhân dân có mặt cả trong dân chúng và trong chính quyền.
Trong những năm qua, phong trào dân chủ tại VN phát triển. Ngày càng có nhiều dân chúng tranh đấu, càng có nhiều viên chức chính quyền và đảng viên công khai dấn thân và ủng hộ.
Nhìn từ bên ngoài, lực lượng đấu tranh còn quá yếu. Vài trăm người, vài chục hội đoàn, mỗi hội đoàn vài chục thành viên! Tuy nhiên nếu xét trong bối cảnh chính quyền độc tài CS đang nắm các phương tiện bạo lực tuyệt đối, đang không ngần ngại đàn áp bằng những biện pháp tàn bạo, không lương thiện và đôi khi phi nhân tính, thì những con số nhỏ nhoi trên có ý nghĩa không nhỏ. Một người tranh đấu nên được đếm bằng cả ngàn, cả chục ngàn người trong chính thể tự do.
Đây chính là giai đoạn ủ, trong giai đoạn này số người tham gia tranh đấu phát triển theo cấp số cộng. Sau giai đoạn “ủ” sẽ tới giai đoạn phát triển bùng nổ theo cấp số nhân. Đây là bài học của các cuộc “cách mạng” tại những quốc gia độc tài trong vòng 25 năm trở lại, từ các nước Đông Âu cuối thập niên 1980 cho tới các nước Bắc Phi.
Xã hội Việt Nam đang chuyển động, cả dân thường lẫn chính quyền. Nếu xét trên cấp độ cộng đồng, dù chưa có thống kê nào chúng ta cũng nhận thấy rõ rệt rằng hiện nay, so với 5 năm trước:
1) Số người tham gia bày tỏ chính kiến đòi các quyền tự do căn bản cho dân chúng tăng lên rất nhiều. Nói chung, phong trào đấu tranh cho nhân quyền trong Việt Nam đã lớn mạnh lên hẳn. Vậy, tính toàn trị của xã hội đã giảm.
2) Số người tham gia trên các trang mạng, và số trang mạng thảo luận về các đề tài chính trị xã hội trên mọi khía cạnh, mọi khuynh hướng… cũng tăng rất đáng kể. Vậy, tính đa nguyên trong xã hội đã tăng.
3) Số dân chúng bình thường quan tâm tới chính trị gia tăng. Trong các buổi gặp mặt bạn bè, buổi nhàn đàm nơi công sở, quán cà phê…, họ phê phán các hiện tượng bất công, độc tài, tham nhũng, bất lực của chính quyền, nhất là tính hèn yếu của chính quyền không bảo vệ được lãnh thổ quốc gia lẫn tính mạng dân chúng…. Họ cho rằng chính thể độc tài và toàn trị của đàng CSVN là nguyên nhân. Vậy, trình độ dân trí của dân chúng đã tăng.
4) Số người trong bộ máy lãnh đạo đảng, Ban Chấp hành Trung ương, có thiện cảm và/hay ủng hộ các quan điểm cải cách đã tăng. Tư tưởng đấu tranh giữa các khuynh hướng chính trị đang dần thay thế quan điểm sắt máu “địch, ta, bạn, thù”. Trong khi các chính sách kiểm soát, cấm đoán và đàn áp tư tưởng dường như được siết chặt bởi Ban Tuyên Huấn, trong thực tế tư tưởng các ủy viên trung ương đã rộng rãi hơn nhiều. Ở cấp độ đảng viên thông thường, mức độ “thoáng, rộng rãi” về tư tưởng có thể xem đã gần với mức độ của dân chúng! Điều này có nguyên nhân từ, và nó thúc đẩy mạnh mẽ, ảnh hưởng lẫn nhau giữa chính quyền và dân chúng. Vậy, tương tác chính trị của dân chúng và chính quyền đã lớn mạnh, và nội bộ đảng đang có “diễn biến hòa bình”.
Đảng CSVN hiện nay, dù thiếu tri thức trong việc quản lý đất nước, lại rất ranh ma trong việc bám giữ quyền lực. Họ không tàn bạo như các thế lực độc tài Iraq, Lybia, Trung Cộng, Bắc Hàn… nhưng biết quân bình quyền lực giữa các nhóm chóp bu, khéo mị dân và biết theo dõi, truy bức dân chúng. Cho nên, các chuyển biến tích cực trong vòng năm năm qua là bước tiến bộ lớn của Việt Nam, có sự góp công và hy sinh của nhiều người.
Có người nóng ruột cho rằng các chuyển biến của Việt Nam quá chậm. Tôi cũng nóng ruột, nhưng đôi khi lại tự hỏi phải chăng tốc độ biến chuyển đó phản ánh mối tương quan lực lượng thực sự giữa các thành phần trong nhân dân, phản ánh hoàn cảnh thực tế của nhân dân. Nhanh hơn thì có sẽ gây đổ vỡ chăng? Chậm thì chắc hơn vì sẽ đạt đồng thuận cao hơn chăng? Tốc độ đó phản ánh sự hèn yếu hay sự khôn ngoan của nhân dân?
Nhớ rằng trong vòng 70 năm qua nhân dân Việt Nam đã trải qua những bài học quá đớn đau và tàn khốc:
a) Mấy thế hệ “nóp với dáo” “lao vào giặc” không tiếc mạng sống giành độc lập, thì nay đời con cháu đang chứng kiến tổ quốc bị uy hiếp nghiêm trọng và bị mất từng phần lãnh thổ bởi kẻ xâm lăng truyền thống trong lịch sử. Còn các quốc gia “đồng trang lứa” không tốn máu xương, nay lại đang thực sự độc lập, tự chủ, giàu mạnh, ấm no!
b) Mấy thế hệ hừng hực tin vào và triệt để đi theo chủ nghĩa cộng sản để rồi thấy chủ nghĩa bị thế giới vứt bỏ; chống lại chế độ đang có, chiến đấu cho một chế độ mới với các giá trị sống cao đẹp hơn để bây giờ thấy xã hội xuống tới đáy của đạo đức suy thoái, phong hóa suy đồi, các giá trị sống trở về gần với bản năng sinh vật!
Từng chứng kiến những cuộc biểu tình rung rinh Sài Gòn trước năm 1975, những bài báo hừng hực lửa tiến công vì lý tưởng, tôi không nghĩ đa số trong nhân dân Việt Nam “không biết đòi quyền lợi, không ý thức về quyền hạn và không quan tâm đến trách nhiệm phải hoàn thành đối với đất nước họ, đối với tương lai con cháu họ”.
Biết rằng một phần không nhỏ trong số người tạo nên các sự kiện đó, hiện nay, đang tự vấn, đang hối hận xót xa…tôi nghĩ trong nhân dân có nhiều người như chim bị ná sợ cây cong, e rằng vội quá, lý tưởng quá, sẵn sàng hy sinh quá… thì dễ bị lôi kéo vào con đường bồng bột sai lầm. Tôi tin rằng hiện nhân dân Việt Nam có sự lựa chọn, sự chín chắn của mình. Như con hổ nép mình lâu chờ thời cơ chắc chắn.
Thời cuộc quốc tế đua nhau phát tín hiệu tốt lành: Hoa Kỳ, Nhật, Úc công khai tỏ thái độ chống hoạt động bá quyền của Trung Quốc; TPP đã được ký kết; các nước ASEAN có liên quan trực tiếp tới Biển Đông hòa cùng tiếng nói chống bá quyền Trung Quốc; Myanmar từ độc tài khét tiếng chuyển hóa về dân chủ vững vàng và bình yên…
Các sự kiện trong lòng Việt Nam cho thấy có thể nhân dân nước này đang tận dụng thời cơ để chuyển mình bước ra khỏi giai đoạn ủ. Tăng tốc liên kết chiến lược về kinh tế và quân sự với các cường quốc thế giới và khu vực, tham gia các hiệp định thương mại tự do; không chính thức đàn áp các hội đoàn độc lập… không dựng tường lửa ngăn cản các trang mạng tự do đang đăng tải tin tức về chuyển biến thời cuộc thế giới và phê bình chính quyền, trên báo chính thống xuất hiện các bài bình luận chống Trung Cộng cùng lúc với thông tin về cuộc bầu cử tưng bừng ở Myanmar…
Chính nhân dân hiện diện đằng sau tất cả các sự kiện và chuyển biến tích cực nói trên. Những chuyển biến làm nền cho sự phát triển trong tương lai. Những chuyển biến chuẩn bị cho đất nước bước vào giai đoạn bùng nổ cải cách theo cấp số nhân.
Lúc đó dân chủ, công bình, tri thức, văn minh cùng nhau ùa về hỗ trợ cho tổ quốc phát triển. Lúc đó Nhân Dân Việt Nam sẽ cùng nhau cần cù, khiêm tốn và tự tin xây dựng tương lai.
Không biết Trần Trung Đạo có cùng quan điểm với tôi không, nhưng chắc rằng chúng ta, cũng như đa số trong nhân dân Việt Nam, có cùng ước mong và mục đích về một nước Việt Nam thực sự dân chủ.
© Trần Quí Cao
© Đàn Chim Việt

Nhìn sang Miến Điện, nhìn lại Việt Nam đang thiếu ai?

cm-miendienCuộc bầu cử Quốc Hội tại Miến Điên vừa qua đã diễn ra trong tương đối tự do sau 25 năm với phần thắng lớn nghiêng về phía Liên minh Dân tộc vì Dân chủ (National League for Democracy, NLD) dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi. Hơn ba phần tư trong số 84% số phiếu bầu được kiểm, đã bầu cho NLD. Đảng Union Solidarity and Development Party (USDP) với sự hậu thuẫn của quân đội chỉ chiếm được 5% số phiếu. Đương kim Tổng Thống Miến Điện Thein Sein, một tướng lãnh đã dành 40 năm trong quân ngũ,  tuyên bố sẽ chấp nhận ý dân về kết quả của cuộc bầu cử.
Ngoại trừ Trung Cộng, thế giới ca ngợi bà Aung San Suu Kyi và TT Thein Sein vì những đóng góp của họ cho tiến trình chuyển tiếp dân chủ trong hòa bình tại Miến.
Một chủ đề đang được thảo luận khá hăng say trên các mạng xã hội, Việt Nam đang thiếu ai.
Phải chăng Việt Nam đang thiếu một Aung San Suu Kyi tài ba, can đảm, kiên trì với mục đích dân chủ hóa đất nước?
Phải chăng Việt Nam đang thiếu một Tổng Thống Thein Sein thức thời, thấy được hướng đi của đất nước trong thời đại toàn cầu, có khuynh hướng dân chủ, thân Tây Phương và ý thức hiểm họa Trung Cộng tại Á Châu?
Nhìn chung, đa số cho là Việt Nam đang thiếu một lãnh tụ tài ba, can đảm, uy tín cả quốc nội lẫn quốc tế như Aung San Suu Kyi. Một số khác cho rằng Việt Nam thiếu một Thein Sein có uy tín trong quân đội và cũng không có quá khứ bàn tay dính máu đồng bào như một số tướng lãnh cai trị Miến Điện trước ông. Một số khá đông cho rằng Việt Nam cần có cả hai mới có thể dẫn tới một cách mạng dân chủ ôn hòa, không đổ máu, và một tương lai tốt đẹp cho các thành phần trong xã hội.
Nhưng phân tích cho cùng, những người mà Việt Nam thiếu nhất không không phải là Aung San Suu Kyi hay Thein Sein mà là Nhân dân.
Nhân dân, theo định nghĩa về pháp lý, là những người sinh ra hay được thừa nhận của một đất nước, có những quyền lợi, quyền hạn và trách nhiệm phải hoàn thành đối với đất nước, và trong quan điểm dân tộc, là những người cùng chia sẻ một sắc tộc, lịch sử, nền văn hóa, ngôn ngữ và nguồn gốc.
Bà Aung San Suu Kyi có trí tuệ sáng suốt và can đảm khi chấp nhận được tự do mặc dù nhiều bạn chiến đấu của bà còn ở trong tù. Đừng quên, suốt 20 năm trước đó bà đã từ chối tự do cho bản thân bà. Lần này, bà biết được ý định của Tổng Thống Thein Sein muốn chuyển hóa đất nước sang dân chủ một cách hòa bình vì dân chủ là cánh cửa duy nhất để Miến Điện có thể đuổi kịp các nước trong vùng và hội nhập vào thời đại toàn cầu hóa.
Nhưng dù tài ba, đảm lược, có tầm nhìn xa bao nhiêu bà Aung San Suu Kyi cũng không thể vực dậy một dân tộc không có khả năng đứng lên. Kết quả cuộc bầu cử tại Miến Điện hiện nay là kết quả của bao hy sinh xương máu mà nhân dân Miến đã đổ xuống từ 1962, 26 năm trước khi bà Aung San Suu Kyi tham gia phong trào dân chủ Miến. Tương lai Miến Điện vẫn còn rất khó khăn nhưng cũng đầy hy vọng.
Nelson Mandela cũng thế. Đêm 10 tháng 1, 1990 của Nelson Mandela tại nhà tù Victor Verster hẳn là một đêm trăn trở. Sau 3 năm đàm phán, phần lớn là bí mật từ nhà tù và ngay cả các bạn chiến đấu thân cận nhất cũng không biết, ngày hôm sau ông sẽ được trao trả tự do. Với ông, tự do chỉ là bước đầu tiên trong hành trình hòa giải quốc gia đầy gian nan mà ông vừa mới lên đường.
Dù Nelson Mandela đã thức tỉnh trong nhà tù và chọn lựa một phương pháp đấu tranh mới nhưng liệu nhân dân Nam Phi và chiến hữu của ông có thức tỉnh như ông không. Nelson Mandela nghĩ đúng và chọn lựa đúng. Hơn 60% nhân dân Nam Phi thức tỉnh, các bạn chiến đấu của ông trong African National Congress thức tỉnh và điều này đã dẫn tới chiến thắng của ANC trong cuộc bầu cử ba năm sau.
Nếu Nelson Mandela hay Aung San Suu Kyi là người Việt Nam rồi hai vị đó cũng chỉ là những tiếng kêu thương trong cô đơn tuyệt vọng. Hai ngọn gió thổi qua không làm nên bão tố cách mạnh, họ sẽ bị tù và có thể rồi sẽ chết trong tù. Lý do, như đã viết ở phần trên, bởi vì Việt Nam chưa có khối nhân dân đủ mạnh để làm hậu thuẫn cho một Nelson Mandela Việt Nam hay một Aung San Suu Kyi Việt Nam.
Do đó, không lạ gì khi thấy Đảng CSVN rất coi thường người Việt trong nước.
Tin tức về bầu cử dân chủ tại Miến rất hạn chế phổ biến tại Trung Cộng. Biến cố Thiên An Môn cho lãnh đạo Trung Cộng thấy sức mạnh của nhân dân. Theo Foreign Affairs số tháng 6, 2015, chỉ riêng đối ngoại, Trung Cộng dành một ngân sách 10 tỉ đô la một năm cho mục đích tuyên truyền. Ngân sách dành để kiểm soát 1.3 tỉ dân tại lục địa không kiểm chứng được nhưng chắc chắn cao hơn nhiều. Cơ quan Thông tin thuộc Hội Đồng Nhà Nước tại Bắc Kinh có nhiệm vụ kiểm soát toàn bộ các phương tiện văn hóa thông tin của Trung Cộng trong đó gồm Nhân Dân Nhật Báo, Global Times, truyền hình trung ương, Tân Hoa Xã. Ám ảnh bởi biến cố Thiên An Môn, đảng CSTQ che đậy mọi tin tức liên quan đến dân chủ ngoại trừ những bản tin ngắn phải loan vì liên quan đến chính sách đối ngoại.
Lãnh đạo CSTQ làm vậy vì họ rất sợ nhân dân nổi dậy.
Ngay cả Kim Jong-un cũng sợ nhân dân. Người dân Bắc Hàn hoàn toàn không biết những gì đang xảy ra tại Miến Điện. Bắc Hàn là chiếc lồng sắt và người dân không biết gì ngoài những tin do cơ quan thông tin chính thức của đảng loan ra. Chính phủ Bắc Hàn không chỉ hạn chế tin tức mà còn thay đổi nội dung để phục vụ cho mục đích tuyên truyền của đảng. Korean Central News Agency là cơ quan duy nhất tại Bắc Hàn có quyền hạn về tin tức. Các báo chí, truyền thanh, truyền hình đều nhận tin từ cơ quan này.
Kim Jong-un kiểm soát chặt chẽ đến mức như vậy cũng chỉ vì y sợ người dân nổi dậy.
Việt Nam thì khác. Các báo chí đảng và nhà nước CS tương đối thoải mái trong việc loan tin về bầu cử tại Miến Điện. Các báo Nhân Dân, Lao Động, Thanh Niên, VNExpress v.v. đều loan tin về bầu cử tại Miến, ca ngợi bà Aung San Suu Kyi. Báo Nhân Dân, cơ quan chính thức của đảng CS không chỉ loan tin mà đăng cả hình ảnh nhân dân Miến Điện vui mừng chiến thắng của NLD trong cuộc bầu cử dân chủ.
Đảng CSVN đánh giá người Việt Nam thấp như vậy chỉ vì họ biết Việt Nam có 92 triệu người đang sinh sống, trong đó 60% là trong tuổi lao động, nhưng có rất ít “nhân dân”.
Ngoài một số nhóm nhỏ đang hoạt động dưới dạng tôn giáo, tranh đấu trong phong trào dân oan và dấn thân trong các tổ chức xã hội dân sự, phần còn lại của năm mươi lăm triệu người trong tuổi lao động không biết đòi quyền lợi, không ý thức về quyền hạn và không quan tâm đến trách nhiệm phải hoàn thành đối với đất nước họ, đối với tương lai con cháu họ.
Đại đa số sống theo chủ nghĩa định mệnh tất định, nhắm mắt đưa chân. Với số người này đảng là mùa xuân mai nở, mùa hạ ve kêu, là nắng mưa, là bão lụt, là động đất.
Một số hiểu được lẽ đúng sai nhưng thỏa hiệp để sống một cuộc sống ích kỷ cho bản thân và gia đình được an nhàn, chấp nhận là xăng nhớt cho bộ máy độc tài tiếp tục cày xéo lên đất nước.
Một số khác hoàn toàn bị tẩy não để tin vào đảng cuồng nhiệt, bịnh hoạn như những tín đồ tà đạo, phát biểu như bị ma nhập trong những phim kinh dị.
Để có một cuộc cách mạng dân chủ thật sự, phải tập trung nhiều hơn nữa vào việc xây dựng tầng lớp nhân dân không chỉ có tình cảm yêu nước mà còn thể hiện lòng yêu nước bằng hành động.
Có người sẽ hỏi làm thế nào để có nhân dân?
Mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi phong trào, mỗi đoàn thể đấu tranh cho dân chủ Việt Nam có khả năng riêng và nhắm vào các thành phần xã hội khác nhau. Do đó, không có một phương pháp nào độc nhất mà là tất cả các phương pháp có khả năng tác động vào mọi lãnh vực của đời sống và nhận thức của người Việt Nam. Tất cả cố gắng của người Việt Nam từ nhiều ngã, nhiều giới, nhiều thế hệ có thể khác nhau miễn là cùng dẫn tới một điểm hẹn huy hoàng của lịch sử: cách mạng dân chủ tại Việt Nam.
© Trần Trung Đạo
Nguồn: trantrungdao.com