Saturday 5 December 2015

Nga-Thổ và những đường biên giới mềm - Nguyễn Giang BBC World Service

Image copyrightAFP
Image captionHai ông Putin và Erdogan từng rất thân nhau
Câu chuyện quốc tế tuần này là xung khắc Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đột nhiên lên cao sau vụ bắn hạ Su-24.
Image copyrightAFP
Image captionÔng Putin ở Biển Đen: quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đang xấu đi
Tình bạn Erdogan và Putin bỗng đổi thành thù.
Nước Nga thấy bị tổn thương, thậm chí bị 'phản bội' vì Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ công khai lên án việc Nga ném bom vào nhóm sắc tộc Turkmen đồng minh của họ mà còn nói Nga là 'lừa đảo'.
Nhưng sự bực bội hiện rõ của Putin với Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ còn đến từ chỗ hai người từng khá thân.
Vì hai vị này khá giống nhau.
Một nhà báo của BBC Tiếng Nga theo dõi vụ Su-24 cho hay "cuộc đấu khẩu của Putin với lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ giống như hai tay làm ăn nói về nhau, không phải hai chính khách".
Hai người này đều dùng bàn tay sắt xử lý đối lập trong nước.
Họ đều dùng trọng pháo, phi cơ và đặc nhiệm khét tiếng để "xử lý" hoạt động vũ trang chống đối trong nước.
Ông Putin ra tay không khoan nhượng ở Chechnya, còn ông Erdogan bắn phá ở vùng người Kurd.
Cả hai dùng các nhóm vũ trang thân hữu cho mục tiêu ở biên giới mềm.
Ông Putin hỗ trợ cho phiến quân chống Kiev tại Đông Ukraine, còn ông Erdogan có vài nghìn tay súng Turkmen ở Syria để chống lại Damascus.
Image copyrightReuters
Image captionDân quân Turkmen ở Syria
Họ còn cùng đang thổi lên chủ nghĩa dân tộc để tạo tính chính danh.
Image copyrightAFP
Image captionPhiến quân thân Nga tại Đông Ukraine
Học thuyết Putin nói Moscow có quyền đem quân bảo vệ "các cộng đồng nói tiếng Nga" ở bên ngoài.
Ông Erdogan thì vừa ve vãn phái Hồi giáo bảo thủ vừa hô hào bảo vệ các sắc tộc nói tiếng Thổ, từ người Uighur ở Tân Cương, Trung Quốc cho đến người Turk ở Đức và khắp vùng Trung Đông.
Cả hai cùng quay lại quá khứ nên những bóng ma thời xưa đẩy họ vào thế đối mặt.

Biên giới mềm hay cứng?

Image copyrightmil.ru
Image captionĐiểm rơi của chiếc SU-24
Đầu tiên là vấn đề biên giới quốc gia và 'không gian dân tộc'.
Để hiểu Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, ta không thể quên Đế quốc Ottoman từng chiếm các vùng nay là Ai Cập, Hy Lạp, Bulgaria, Romania, Macedonia, Hungary, Palestine, Jordan, Syria, Lebanon và Bắc Phi.
Tồn tại hơn sáu thế kỷ, từ 1301 đến 1922, Đế quốc Ottoman mà người Thổ Nhĩ Kỳ làm chủ có tuổi lâu hơn bất cứ một triều đại Trung Hoa hay Anh Quốc nào.
Dù Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay là nước cộng hòa nhưng làn sóng phục hồi hào quang Ottoman gần đây cũng rất mạnh.
Các đồng nghiệp ở BBC Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay tại nhiều đô thị không chỉ có mốt mặc lại quần áo quý tộc Ottoman mà còn có triển lãm nghệ thuật, thành tựu văn hóa của thời đó.
Nga và NATO đang tranh cãi dữ dội về chuyện chiếc Su-24 bị bắn rơi tại đâu, trong hay ngoài không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Image copyrightn
Image captionĐế quốc Ottoman từng tồn tại hơn 600 năm
Image captionChiến tranh Crimea trong thế kỷ 19 đã làm chảy máu cả đế quốc Ottoman và Nga
Nhưng đó là đường biên giới hiện đại, còn trong tiềm thức không ít người Thổ thì không chỉ vùng Bắc Latakia mà thậm chí cả Syria đều từng thuộc đế quốc Ottoman.
Vùng xung đột hiện nay lại là địa bàn của dân nói tiếng Thổ đã ở đó từ thế kỷ 11.
Đường biên và quốc tịch hiện đại ở Trung Đông đôi khi không phải là tác nhân chính để đánh giá vùng ảnh hưởng của một nhóm người và lòng trung thành của họ.
Giống như vậy, Moscow từng nói nhóm phiến quân nói tiếng Nga ở Đông Ukraine có "quyền lịch sử" để tự vệ trước "phát-xít Kiev".
Nay Nga gặp phải cảnh có những tay súng Turkmen ở Syria thân hữu với Ankara bắn và giết lính Nga mà chẳng làm gì được.
Vẻ mặt ngạc nhiên của ông Putin ở Sochi khi lên án Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy Nga muốn tham chiến ở Trung Đông để trở lại 'bàn tiệc lớn' với Hoa Kỳ và châu Âu nhưng không chuẩn bị kỹ cho các yếu tố địa phương tại Syria.
Nhưng vấn đề của Nga không chỉ dừng lại đó.

Lằn ranh tôn giáo

Nga vốn quen đối đầu với Phương Tây nhưng khi vào cuộc chiến Trung Đông sẽ phải dính líu tới các tuyến xung khắc tôn giáo lâu đời.
Theo Hồi giáo Sunni, đảng của ông Erdogan ở vị trí 'tự nhiên' chống lại trục Tehran - Damascus theo Hồi giáo Shia.
Iran và Syria dưới quyền ông Bashar al-Assad lại là đồng minh của Moscow.
Sau khi xảy ra vụ Su-24, hai nước Hồi giáo Sunni, Ả Rập Saudi và Qatar ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, còn Iran nghiêng về Nga.
Những xung khắc lâu dài này không dễ xóa nhòa.
Image copyrightAFP
Image captionBiểu tình phản đối Thổ Nhĩ Kỳ ở Moscow
Image copyrightAFP
Image captionNgười Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Nga hôm 24/11 ở Istanbul
Đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ giao chiến với Nga.
Crimea là nơi quân Nga đánh nhau đẫm máu với Đế quốc Ottoman mấy năm liền, từ 1853 đến 1856.
Nhưng nay, chuyện Ankara và Moscow đánh nhau chắc khó xảy ra.
Biến Thổ Nhĩ Kỳ, nước chiếm trọng vùng Nam Hắc Hải thành vùng thù địch phải canh gác như thời Chiến tranh Lạnh không nằm trong lợi ích an ninh của Nga.
Dù trả đũa kinh tế là điều chắc chắn, các ràng buộc quá phức tạp của Moscow và Ankara trên quốc tế và trong khu vực có thể khiến Moscow đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Chiếc Su-24 và sinh mạng mấy binh sỹ Nga rất có thể sẽ được tính vào phần "chi phí" trong cuộc chơi 'đại cường' của ông Putin tại Trung Đông.
Image copyrightRIA Novossti
Image captionNga có chung Biển Đen với Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia khác