Tuesday 12 January 2016

Ngư dân Lý Sơn 'bị TQ đánh, vẫn bám biển' - Humphrey Hawksley BBC News, Việt Nam


Ngư dân Việt Nam nói họ ngày càng bị Trung Quốc tấn công. Tàu của họ bị đâm, đồ đạc bị phá, thủy thủ đoàn bị đánh.
Việt Nam tố cáo Bắc Kinh tìm cách đẩy ngư dân ra khỏi vùng biển, nơi các gia đình đã đánh cá hàng nhiều thế hệ.
Lúc bình minh lên với quầng mặt trời đỏ nơi chân trời Biển Nam Trung Hoa, Võ Văn Giàu quỳ trên boong trước của tàu cá, khóa tay sau đầu.
“Họ bắt tôi làm thế này,” ông giải thích, đầu cúi gằm. “Rồi họ đánh tôi bằng roi thép và búa như thế này.”
Ông lấy ra một cái vồ gỗ từ đống ngư cụ và gõ nhẹ lên vai và thân người mình.
Ông Giàu, 42 tuổi, cho xem các bức hình trên điện thoại chụp vết thương của ông – những vết thâm tím sâu, to, những vết xước. Vụ tấn công kéo dài một tiếng và ông phải nhập viện.
Ông cho hay rằng hồi tháng Bảy, tuần duyên Trung Quốc đã đâm vào tàu gỗ của ông, làm nó hư nặng, trong khi ông đánh cá gần Hoàng Sa.
Ông Giàu sống trên đảo nhỏ Lý Sơn. Trong năm qua, Việt Nam tuyên bố gần một nửa tàu cá của đảo đánh cá trong vùng này đã bị Trung Quốc tấn công.
Ngư dân Lý Sơn quan trọng cho an ninh quốc gia Việt Nam đến mức họ được miễn nghĩa vụ quân sự. Công việc của họ là tiếp tục ra khơi, đối diện đe dọa của Trung Quốc đối với lãnh thổ Việt Nam.
Ngày càng nhiều vụ đụng độ với tuần duyên và hải quân Trung Quốc.
Hòn đảo nằm bên rìa khu vực mà Việt Nam gọi là đường Lưỡi Bò, chiếm đến 90% diện tích Biển Nam Trung Hoa mà Bắc Kinh nói là của họ.
Yêu sách này không mới. Nhưng năm 2009, Trung Quốc chính thức nộp hồ sơ lên Liên Hiệp Quốc. Kể từ đó, nước này cố gắng khẳng định lý lẽ bằng cách xây đường băng, cảng trên các đảo mới tạo ra ở Trường Sa. Tại quần đảo Trường Sa năm 1988, Bắc Kinh đã tấn công và chiếm một trong những đảo Việt Nam đóng quân, khiến nhiều người chết.
Trung Quốc chiếm Hoàng Sa trong hai đợt vũ trang năm 1956 và 1974. Vào năm 2012, Trung Quốc tăng cường kiểm soát bằng loan báo thành lập thành phố Tam Sa, thuộc tỉnh Hải Nam.
Image copyrightGettyImage captionÔng Trần Ngọc Nguyên
Bắc Kinh chưa bao giờ công bố chính xác địa giới của khu vực họ đòi chủ quyền, vì thế ngư dân Việt Nam không hiểu có thể ra xa tới đâu mà không đụng tàu Trung Quốc.
“Ngư dân Việt Nam không sợ hãi,” theo lời Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn.
Dùng bút vẽ lại đường Lưỡi Bò trên bản đồ ở bàn ông, ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh cá ở vùng biển đó. Dĩ nhiên chúng tôi đối diện các vụ tấn công của Trung Quốc và ngày càng xấu hơn. Năm nay, 50 tàu vào vùng đó thì 20 tàu bị tấn công.”
Gần văn phòng tồi tàn của ông Nguyên là một bảo tàng nhỏ gồm nhiều bản đồ cũ của Anh, Mỹ và Trung Quốc. Mục đích muốn nói không có bản đồ nào nhắc đến sự kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa.
Ngư dân Lý Sơn trở thành những người lính của tranh chấp, được chính phủ giao nhiệm vụ kháng cự lại yêu sách của Trung Quốc.
Việt Nam cũng bổ sung tàu ngầm và tàu chiến của Nga cho hải quân lạc hậu, tăng cường liên lạc quân sự với Mỹ, Nhật, Anh và các chính phủ phương Tây.
“Có sự tăng cường chia sẻ tình báo nên Việt Nam hiểu rõ hơn những gì Trung Quốc đang làm,” theo lời Murray Heibert, từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington DC. “Hành động của Trung Quốc rõ ràng đang đẩy Hà Nội gần hơn với Mỹ.”
Trung Quốc nói họ có quyền thực thi biện pháp với các tàu xâm phạm vùng biển. Một người phát ngôn ngoại giao không nói về cáo buộc của Việt Nam nhưng tuyên bố Trung Quốc “cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp với các nước”.
Trung Quốc đã thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm từ tháng Năm đến tháng Tám, nhưng Việt Nam không công nhận. Ông Văn Giàu bị đánh vào tháng Bảy khi đang có lệnh cấm, tuy cũng có tin nói về các vụ khác trong cả năm.
Ông Võ Văn Giàu nói ông không định ngừng đánh cá. Sau khi tàu sửa xong, ông sẽ lại đi ra vùng biển tranh chấp.

“Chúng tôi cần đánh cá mà không bị đe dọa, và hy vọng đàm phán ngoại giao sẽ đem lại hòa bình. Nhưng chúng tôi muốn Trung Quốc ngừng tấn công.”