Thursday 31 March 2016

DI CẢO CỦA NHÀ SỬ HỌC TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG

LTS Diễn Đàn Thế Kỷ.- Tòa soạn DĐTK rất cám ơn Bác sĩ Ngô Thế Vinh đã gửi bài viết cuối cùng của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, sau khi đã bỏ rất nhiều công phu soạn lại từ bản in và thêm nhiều hình ảnh có tính cách tư liệu, trong đó quý nhất là bức ảnh hai anh Tạ Chí Đại Trường và Phùng Nguyễn chụp trước khi anh Tạ Chí Đại Trường lên máy bay về Việt Nam, đầu tháng 10 năm 2015 vừa qua.

Bác sĩ Ngô Thế Vinh có được các tài liệu này là do gia đình của anh Phùng Nguyễn cung cấp.

Chúng tôi rất hoan nghênh ý định của Bác sĩ Ngô Thế Vinh trong việc phổ biến rộng rãi những ý kiến, những tâm sự về Sử học sau cùng của sử gia Tạ Chí Đại Trường. Theo ý chúng tôi, hiểu được tất cả những gì sử gia đã viết trong bản Di Cảo này không phải là điều dễ dàng, có thể vì nhiều vấn đề quá chuyên môn, có thể vì tác giả viết về những trường hợp quá riêng biệt mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu hết. Nhưng nhìn tổng quát, chúng ta có thể cảm nhận được tinh thần muốn mang lại công bằng cho một số vấn đề của Sử học mà tác giả gặp phải, và thấy cần ghi lại trước khi ra đi. Và chúng ta đón nhận những dòng ghi lại ấy như là một Di Cảo.
Đối với một Di Cảo, vật chứng của người vừa rời khỏi cuộc sống, chúng ta phải tôn trọng và việc công bố rộng rãi cho nhiều người biết là cần thiết. Việc giải thích các trường hợp lịch sử quá cá biệt, giải mã những đoạn ngôn ngữ quá cô đọng, nếu được càng đông người tham gia, nhất là những vị có chuyên môn Sử học cao, thì các nỗi u ẩn của người quá cố sẽ sớm được bạch hóa.
DĐTK


ĐỂ VÀO ĐÂU
Để vô chỗ Huỳnh Thị Ánh Vân
viết về "Bình Nam đồ" trên tờ Nghiên cứu Lịch Sử.

TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG

Lời Dẫn Nhập: Tuần lễ đầu tháng Mười 2015, Phùng Nguyễn từ miền Đông về California thăm Mẹ. Ngày 3 tháng 10 năm 2015, cũng là ngày thứ Bảy cuối tuần, buổi sáng sớm như thường lệ, Phùng Nguyễn hẹn tôi cùng đi bộ trên bãi biển Huntington Beach. Sáng hôm đó là ngày phát tang nhà văn Võ Phiến. Phùng nhận được điện thoại của chị Diệu Chi Nguyễn Mộng Giác cho biết, buổi tối cùng ngày anh Tạ Chí Đại Trường sẽ lên máy bay về Việt Nam. Như lá rụng về cội, anh TCĐT chọn về chết ở quê nhà. Nghĩ rằng đây là dịp cuối cùng được gặp anh TCĐT, bậc đàn anh mà Phùng rất quý mến và thân tình từ những ngày sinh hoạt với nhóm Văn Học, cũng là nơi Phùng Nguyễn khởi sự nghiệp văn. Quyết định không đến Peek Family dự đám tang Võ Phiến, Phùng đã tới gặp được anh TCĐT, đang trên con dốc tử sinh với sự sống được đếm từng ngày, và Phùng nghĩ rằng đó là một cuộc gặp mặt và chia tay vĩnh biệt. Tôi gặp lại Phùng sáng Chủ nhật hôm sau cũng trên bãi biển Huntington Beach. Dù biết anh TCĐT không còn ăn được gì nhưng Phùng vẫn mua và đem tới món gỏi cuốn Brodard mà TCĐT thích. Phùng Nguyễn còn cho biết, TCĐT có tặng Phùng một ít sách quý mà anh không thể mang theo về Việt Nam, cùng với bản thảo một bài viết mà anh dặn để Phùng đọc trước và chỉ cho phổ biến sau khi anh TCĐT mất. Nhưng rồi chẳng thể ngờ, người ra đi trước lại là Phùng Nguyễn[17.11.2015]. Nay thì anh TCĐT cũng vừa mất [24.03.2016]. Việc tìm lại và phổ biến bài viết như một di cảo của anh TCĐT, là một nghĩa vụ cần thiết. Rất may là bài viết ấy đã được gia đình em gái Phùng Nguyễn gìn giữ và cung cấp cùng với mấy tấm hình hiếm quý như di ảnh cuối cùng của hai cố tri Tạ Chí Đại Trường và Phùng Nguyễn. Sự ra đi của hai anh Tạ Chí Đại Trường và Phùng Nguyễn là một mất mát lớn cho ngành sử học và văn học của Việt Nam. Đây cũng là nén hương tưởng nhớ của bằng hữu gửi tới hai Anh. [Ngô Thế Vinh, California 26.03.2016]

Hình 1: di ảnh cuối cùng của đôi bạn vong niên Tạ Chí Đại Trường và Phùng Nguyễn do Huy Văn chụp ngày 03.10.2015 bằng chiếc iPhone của Phùng Nguyễn [source: tư liệu gia đình Phùng Nguyễn]

Bắt đầu sáng 31-8-2015.

Nằm chờ chết cầm chắc trong tay nên không thể gọi là "sợ" được, tuy cũng thấy mỏi mệt, lờ đờ trước các dấu hiệu chầm chậm tiến tới, vậy mà Nguyễn Bá Dũng vẫn gởi sách "đọc chơi". Lúc thường vẫn phân vân trước hai vấn đề: làm việc tới ngày cuối hay tự thấy phải dừng Iại? Bây giờ thì đã rõ. Lúc mới ở bệnh viện về nói chuyện chơi đã thấy quên tên người này người nọ, ráng hết sức cũng không ra, càng lặn mất, tìm cách kết hợp liên tưởng nào đó thì chợt bùng ra ghi nhanh trên giấy mới còn. Nói gì đến "chữ". Đọc tiếng Anh, ngày thường trên sách trinh thám chợ trời, chỉ cần biết thằng nào giết thằng nào... Vậy mà cũng chỉ được vài trang là muốn buông sách, mắt mờ... Bạn bè tới chơi, thấy "khỏe mạnh" khuyên chỉ cho cách làm việc vừa sức, đủ thứ!

Hình 2: thủ bút Tạ Chí Đại Trường nơi trang đầu bài viết: "Phùng đọc chơi cho vui" ngày 3 tháng 10 năm 2015 với lời dặn chỉ phổ biến bài viết sau khi anh TCĐT mất; nhưng rồi không thể ngờ người bạn trẻ Phùng Nguyễn lại ra đi trước Anh. [nguồn: tư liệu gia đình Phùng Nguyễn]

Hình 3: chân dung Phùng Nguyễn, California 05.2015 [photo by Ngô Thế Vinh]

Và Dũng gởi cho cái file luận án tiến sĩ: Reconceptualizing Southern Vietnamese History from the14th to 18th Centuries: Competition along the Coasts from Guangdong to Cambodia, của Brian A. Zottoli trình cho The University of Michigan, năm 2011. Nhìn lại mình có mấy cái bằng gom góp trong thời loạn điên đảo ai biết chắc cũng chê cười óc ham mê bằng cấp. Không kể mấy cái chứng chỉ cử nhân "nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ" nhưng là khởi đầu khác người, dẫn đến cái bằng Cử nhân Văn khoa không được chấp nhận ngay là thầy giáo khiến phải vùi sâu vào quân đội suốt hơn 10 năm. Trường Văn khoa xin về làm phụ khảo mấy lần không được chỉ vì lời phê của cấp trên "Quân đội đang cần người như anh ta" - mà thật ra là vì tự ái của "cấp trên" không muốn kẻ dưới vượt quyền. Rốt lại phải nhờ Hiệp định Paris có "hòa bình", dãn lính nên được về dạy lại trường cũ ở tỉnh, ăn lương Giáo cấp I với cái bằng Tiến sĩ què, trong khi với người khác có Cao học thì đã làm Phụ khảo Đại học rồi. Chưa hết, bằng Cao học của tôi có phụ cấp là ba tháng quân lao Gò Vấp vì nhảy ra nhảy vào cái cổng Trung tâm Huấn luyện Quang Trung (hình như bây giờ là "tài sản" của Ông Dũng Lò vôi). Cái sườn của bằng Cao học đó là quyển Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771đến 1802, ông Nguyễn Phan Quang mà biết đến "sự tích" này hẳn là có lửa để đốt tác giả chết lăn quay từ 1976! Mà tội đào ngũ cũng đã được nhóm Thí sinh đầy quyền lực, lại thi rớt năm thứ nhất Tiến sĩ, hồi đó tố cáo lên đến Thượng, Hạ Viện rằng Giáo Sư Nguyễn Thế Anh, Trưởng ban Sử học đã bênh vực một tội đồ. Chuyện bây giờ mới kể, ông Anh không nói, tôi cũng ngu ngơ không chú ý nhưng có vẻ lúc làm đơn xin nhập học lớp Tiến sĩ, ông ấy đã tự đánh máy làm hết giấy tờ nên tự động điền ngày làm đơn đúng quy củ, thật ra tôi ở Bình Thuận về đã trễ thời hạn rồi! Tôi có học ông Anh giờ nào đâu! Nhưng mà chuyện xưa thì nói đến bao giờ cho hết, dù là để đền đáp hay đay nghiến với những ân oán giang hồ. Chỉ khó ở trường hợp này là với cái quá khứ bằng cấp nội hoá lộn xộn như thế, với cái gan chỉ còn một miếng nhỏ lại tự động sưng vù hung hăng không gì cản nổi mà nói chuyện chữ nghĩa với tiến sĩ Mỹ thì cũng hơi ngần ngại... Chỉ nhờ có cái sai lầm của ông ta về Bình Nam đồ, dính dáng tới cái sai lầm của thời đại ít nhiều gì cũng bởi sự phân biệt chính ngụy của mảng kiến thức, nên có điều để nói, với ý định ghép vào với bài Huỳnh Thị Ánh Vân.

Lại thấy bằng cớ Bình Nam đồ bị suy đoán sai lạc mà phải động đến cả toàn thể luận án tiến sĩ. Thật tội trạng muôn vàn. "Conceptualizing..." chữ nghĩa đại học cũng thật oai phong nhưng nôm na ở đây là tác giả không chịu cách giải thích nặng về vai trò của chúa Nguyễn trong công trình Nam tiến ở thế kỷ 15-18 như người ta đã làm lâu nay. Làm người viết sử Việt thì thấy Competitionalong the Coast...như thế vẫn là đem quyền bính của chúa Nguyễn đến tận mũi Cà Mau! Vậy mà tác giả vẫn cố đi tìm một nội dung khác cho giai đoạn này. Và thế là, theo tác giả, sự kiện Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa thật đáng nghi ngờ, quyền uy của chúa Nguyễn ở Quảng Nam hình như không qua mặt được một nhân vật của Mạc cho rằng đã tung hoành sâu vào triều chính Cao Miên đến cuối thế kỷ 17, những sự kiện vốn thường được ghi là của chúa Nguyễn can thiệp vào để bênh vực đám lưu dân Việt hồi ấy. Chuyện quân tướng Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu thì người ta cũng đã nói, duy có điều ông cứ muốn người ta tin rằng Mạc đây là một hậu duệ của nhà Mạc Việt -tuy không dám nói hẳn như thế vì không làm sao có bằng cớ văn bản, hay cả lời đồn, nhưng cứ làm chuyện dẫn dắt như bài bác hình dạng Hán tự của chữ Mạc, nhắc mãi chuyện ở sử thư Minh Thanh ghi việc phản thần Mạc qua chiếm đất trên đảo Hải Nam, hoặc thua quân Trịnh qua trốn tránh ở đấy, hoặc táo bạo hơn, cho rằng tên một đơn vị quân sự của Mạc: (vệ) Khang Hải có lẽ là tên quận Hải Khang ở Quỳnh Châu, cách đấy một cái eo biển nhỏ, quê hương của Mạc Cửu!

Hình 4: một số tác phẩm Sử học của Tạ Chí Đại Trường [nguồn: internet] 

Muốn làm mới sử học thì ai cũng có quyền. Có điều muốn có một lực lượng đáng kể của nhà Mạc trên đất Quảng Nam mà chỉ dựa vào một bảng gia phả được phát hiện gần đây và được trình bày trong một cuộc hội thảo, hợp với các nhân vật Mạc được sử Nguyễn nêu tên. Tôi hiện giờ cũng không đọc được bản tham luận ấy nhưng cứ theo cách trình bày của ông tiến sĩ Mỹ thì chứng cớ như thế quả cũng hơi mỏng manh. Nhưng đã có Bình Nam đồ vào cuộc! Và đây thực ra cũng là kết quả do khả năng yếu kém của tác giả ngay trong lĩnh vực sử học.

Thấy ông ta dẫn chứng tài liệu rối mù mà hết hồn. Kiến thức về ngôn ngữ Việt chưa đủ cho tác giả biết rằng các dấu chữ của Việt khiến cho mỗi chữ có nghĩa khác: Nguyễn Phúc Chu khác với Nguyễn Phúc Chú! Chăm và Chàm khác nhau là do sự chọn lựa ngày nay cho cách gọi dân tộc chứ không phải là hai nhóm thiểu số khác nhau. Hai vị trí Trấn Biên dinh khác nhau là cách nhìn về vị trí quyền lực của mình mà chỉ định tên chứ không phải sử ghi sai. Không biết vì lẽ gì mà một tácgiả là nhà giáo của Đại học Tp. Hồ Chí Minh tên Nguyễn Khắc Thuần cứ bị gán cho tên Nguyễn Khắc Viện, một chính khách đã chết - dấu hiệu yếu kém tiếng Việt đấy, bởi vì ở chú thích tương ứng vẫn là Nguyễn Khắc Thuần! Nhóm từ "Hán Việt" nhắc chừng: Đừng có lẫn lộn khi gặp trườnghợp một hình dạng Hán tự sử dụng trong văn bản Trung, Việt. Ví dụ tác giả thấy có chữ Bắc Hà liền nghĩ tới một tên sông ở Bắc Kinh rồi liên hệ tới nhân vật được nhắc nhở mà nghi ngờ rằng người ấy phải ở bên Tàu sang - chưa kể chữ "Bắc Hà" ở đây có nghĩa Tàu là "Hà Bắc", nghĩa là chỉ một người từ vùng Trịnh vượt biên sang Nguyễn! Thấy họ đánh nhau ở (lũy) Trấn Ninh, lại chỉ biết có một tên Trấn Ninh bên Lào nên cho rằng họ đã đánh nhau sâu vào nội địa, hợp với nhữngluận chứng khác của tác giả. Chết ở chỗ đây cũng là một chương làm đổ cả quyển sách! Nói tóm lại, tác giả không hiểu gì nhiều về vùng đất tác giả chọn lựa nghiên cứu. Tác giả không biết tên, chức phận các ông vua được gọi khác nhau là như thế nào. Tác giả cho rằng các sử quan muốn sao cũng được, từ quyển Toàn thư đến các sách sử triều Nguyễn! Cho nên nhiều lúc tác giả nghi ngờ các sách có hệ thống tạo dựng trông coi của triều đình hơn là của các ông thầy tu, thương nhân đến nghe ngóng rồi đi, được gì hay nấy. Khi có ý kiến gì khác, tác giả có các chữ it is possible, if true... thì làm sao người ta theo cho được? Nghe theo các thầy tu, đất Đàng Trong trước Tây Sơn toàn là dân Công Giáo, anh em Tây Sơn được rửa tội rồi, sao lên làm vua họ không dựng được một nước Công Giáo mà để ông Bá Đa Lộc phải chạy lăng quăng trên kênh rạch phía Nam?

Trở lại với Bình Nam đồ. Nó nằm trong một quyển sách tập họp các bản đồ được gọi chung một tên "Hồng Đức bản đồ" xuất bản dưới vai trò điều khiển (không có sách ở đây, nói tạm) của ôngTrương Bửu Lâm, Viện trưởng Viện Khảo Cổ VNCH (Institut des Recherches Historiques, cũng ghi tạm chỉ để khỏi lộn với... archeologiques). Chú thích Nôm, Hán thì hẳn là của các phụ tá trong tình hình kiến thức sử học chung lúc bấy giờ. Và vì thế mới có chuyện cho là bản đồ của Nguyễn Hoàng cho vẽ năm phụng mệnh vào Nam 1558. Nhiều tranh luận đưa ra về niên đại và người thực hiện bản đồ này. Trương Bửu Lâm cho hạn cuối là 1690. Tôi dựa vào bài của Huỳnh Ánh Vân mà biết Li Tana đồng ý với con số 1690 nhưng cũng cho biết năm Giáp Ngọ đúng là 1694 chứ không thể 1558. Rồi lại nảy đâu ra con số 1774 trong bài của Huỳnh Ánh Vân? Chúng tôi là người đi sau -không "sau" lắm, nên quả quyết đó là bản đồ của Đoan quận công Bùi Thế Đạt vẽ dâng lên Trịnh Sâm, sử dụng cho chiến dịch Bình Nam 1774, chiếm kinh thành Huế. Điều này được ghi trongThần, người và đất Việt, viết trước năm 1988, in ở Mỹ 1989, Nxb. Văn Nghệ. Và dám quả quyết điều xác định này là tuyệt đối. Chỉ có ông Zottoli dựa vào bản văn của Benedict Thiên 1659, bám vào các tên Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng, in lại phần Bình Nam của Hồng Đức bản đồ, đặt tiểu mục cho sách của mình "An Of Early Map Cambodia” để thêm bằng chứng có "A Mac interventionin Cambodia" của tiểu mục tiếp theo...

Thân phận trôi nổi của những bài văn của chúng tôi không cần đợi ông tiến sĩ quan tâm tới nhưng quả nó đã được sử dụng đầy dẫy trong nước. Theo một cấp độ ưu ái vùng miền rõ rệt. Phía Nam, bạn bè quen biết cũ sử dụng thoải mái, xác định câu chữ, gốc gác rành rẽ, như trong ngầm ý còn có sự đồng cảm, chia xẻ quan điểm. Phía Bắc, tư thế chiến thắng với sự mở đầu của cú phang Nguyễn Phan Quang đăng liền trên hai sốNghiên cứu Lịch sử đã là bản án chung thân cho người mang tên TCĐT. Người nói hùa theo đã đành mà người chưa đọc một chữ của TCĐT cũng quả quyết mình chỉ danh phản động là đúng! Năm 2009, khi tái bản Lịch Sử nội chiến... một quan chức Văn hóa còn kêu lên: "Sao lại in sách phản động?" Nhà nước không bao giờ sai lầm. Cho nên kẻ hùa theo dù không nói nhân danh nhà nước, cũng không bao giờ sai lầm. Kẻ nào tự ái chờ một sự xin lỗi chính thức thì hãy đợi đến kiếp sau, hay nếu có công lớn thực sự thì chờ một thời gian sau khi đậy nắp quan tài. Còn lúc sống, nếu thuộc thành phần lí nhí thì chờ người quen, hay nếu bản thân nén được tự ái, nhỏ nhẹ phân trần thì cũng có thể ngóc đầu lên được. Quyển Lịch sử nội chiến... in ra được (2006), không biết có bao nhiêu là công sức của ông Đào Hùng (đến bâygiờ mới có thể nói lên lời cảm ơn) nhưng hẳn là chỉ Nxb Công an Nhân dân mới cấp được giấy phép (khiến BBC kêu lên "Gốc bự!"), mà vẫn có chút tránh né với tựa đề thêm vào: Việt Nam thời Tây Sơn: Lịch Sử nội chiến... Mà trong những chuyện lách/luồn được như thế này thì cũng phải do người bên trong lượng định, chớ để cho sợi dây nhạy cảm Ta/Địch lộ hình.

Bởi vậy ít thấy Thần, người và đất Việt lộ hình ở miền Bắc, nói chi đến Bình Nam đồ! Ông Trần Quốc Vượng từ thế kỷ trước đã đem ông thần Phù Đổng của tôi nói với Đại học Cornell, nhờ đọc Đại Học Cornell, nhờ đọc sách Những bài dã sử Việt in ở Mỹ (1996). Thế mà trong cuộc tranh luận với Liam Kelley, những nhà nghiên cứu lớp sau ở Hà Nội tỏ vẻ không biết đến những điều nói đến trong sách này, dù nó đã được tái bản ở Sài Gòn năm 2009! Lại cũng có thể do họ nể nang, nhưng điều này lại chứng tỏ họ bị vướng víu trong một sự tự phụ địa phương (có ẩn giấu tư thế chiến thắng?) một đằng, hay chỉ là một sự sa đà trong truyền thống, trong lối suy nghĩ cũ (như dù có ngầm bỏ Mác-xít, văn từ vẫn đầy tinh thần chống phong kiến, chống xâm lăng làm lao đao ông Gia Long rất là lâu, qua cả thế kỷ XXI!). Đường xưa lối cũ khiến ông Nguyễn Hùng Vĩ bài bác ý kiến chuyển đổi Trương Ma Ni của tôi thành Ni Sư Trương Ma, mà không nén giận, kiêu kỳ bảo là tôi "vu khoát". Người ta tìm cách giải thích các sự kiện được cho là hiểu sai trong quá khứ thì muốn bài bác hãy cố gắng tìm chứng cớ vững chãi phủ nhận ngay trong các lập luận đã nêu chớ còn cứ giở từ điển lớn nhỏ ra hù dọa thì đâu đủ thuyết phục ai được? Trong "truyền thống" có chữ "yêu nước" cho nên "nhiều chữ" như ông An Chi cũng bài bác chuyện tôi chê Đinh, Lê quê mùa chỉ vì chữ "Cồ" Việt được tôi hiểu theo nghĩa thông thường nhất, trong lúc ông Lê Hoàn đặt tên vợ con toàn lấy từ sách vở uyên áo nhất- nhà phê bình sử học quên ông Tống Cảo lẽo đẽo theo vua chân trần đi câu cá! Nói gì đến chuyện tôi bảo (Lý) Thường Kiệt là "Thằng Cặt"! Đang viết thì lại có bạn bè gởi "chữ" (lại cứ làm mệt nhau hoài) đăng trên tờ An ninh Thế giới giốngcủa ông An Chi. Ông vua Đinh không quê mùa nhưng ở nhà trệt, uống rượu nằm say giữa sân không ai canh gác, phạm nhân trốn dưới mái nhà mà ba ngày tìm không ra. Còn chuyện yêu nước thì tôi đã được ông Nguyễn Phan Quang và tập đoàn phù thịnh dạy hơn 10 năm vẫn không thuộc bài thì cái ông già có vẻ đồng tuổi kia, chưa đủ khôn ngoan để đừng nhắc tới nữa sao?

Ấy thế mà những người yêu nước, yêu địa phương trên đã cố gắng vượt được sự ràng buộc một chừng mực của thời đại đấy. Nhân ông L.Kelley viết blog khen ngợi Kim Định là "Sử gia lớn nhất (không ai biết đến / không được công nhận) của Việt Nam", tôi tò mò tìm hiểu thêm, thấy ở Hà Nội có đề nghị hội thảo về Kim Định năm 2009 không thành, rồi lần tưởng niệm Kim Định năm 2012, và mới đây, 15-6-2015 tưởng niệm 100 năm ngày sinh của ông ta. Không tự trách mình nhiều về chuyện không theo kịp thời đại, mà thấy thích thú về lời phê phán của một đồ đệ Kim Định thuộc lớp người có danh vọng hiện nay: "Khác với "Tạ chi đại Tràng", mọi thứ tín ngưỡng đều quy về tục thờ "đá", "cây", "ác thú", "lũ lụt", "Sấm Chớp"... Kim Định rất đề cao giá trị người trong những "nhân thoại" (Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Minh triết). Chuyện bắt bẻ về nội dung câu nhận định trên sẽ dài dòng nếu động đến "chữ nghĩa", mà tôi cũng có thể nhờ các bạn trẻ ngoài ấy bênh vực giùm. Ở đây chỉ nên chê nhẹ rằng ông trí thức đã thiếu sự tự trọng khi nêu tên tôi mà không đúng tên, còn muốn nặng lời hơn thì chỉ ra ông ta đã không nén được thái độ xấc xược đối với tôi. Còn về bài của Kelly thì gặp phản ứng rất mạnh của một đồ đệ khác để ta có thể hiểu con đường sử học của Kim Định đã dẫn người ta đi tới đâu trong sự mê muội phản sử học.

Tôi cũng thấy phải nói lời cảm ơn Liam Kelley về sự sắp xếp cho tứ trụ sử học miền Nam, trong đó ông đặt tên tôi vào. Chuyện xưa bây giờ mới kể nhưng chắc Liam Kelly đã thấy đâu đó. Và vẫn còn những những điều chưa nói. Hồi đó, trường Đại học Văn khoa mở èo uột nhưng cũng có mấy ông thầy tốt nghiệp ở châu Âu về. Và chiến tranh một mặt mở rộng tầm nhìn vào thế giới nhưng lại hạn chế bước chân người không có phương tiện, ở đây là các cậu học trò leo lên bậc đại học nhờ tổ chức học hành phát triển hơn. Thầy thì tốt nghiệp Tây u ở cái xứ có ông Sartre biểu tình cùng với các trí thức đồng chí nên về lại xứ, khi mang cả kiến thức cao, Thầy cũng lôi theo sự kiêu hãnh riêng, trút tai họa cho trò. Thầy giữ đúng nguyên tắc "tự trị Đại học" (mà chắc cũng ỷ thị cái thế Công giáo Linh mục của mình) viết sách về chủ nghĩa Marxisme với các con chữ triết lý ngây thơ mà đầy lôi kéo, hay thổ lộ tâm cảm thời đại để giữa lớp báo tin Hồ Chí Minh đã chết. ÔngNguyễn Văn Trung khuyên trò "đi nói chuyện với người anh em phía bên kia", người tay không, ba hoa mồm mép "nói chuyện" với kẻ miệng răng đầy AK! Kiến thức nhân văn của ông Kim Định thâu thái từ các bậc đại gia Pháp, Âu Mỹ, ông L. Kelly đã rõ nhưng nhẹ lời khi với loại "phát hiện động trời: "Việt vào Tàu trước" thì tha hồ ông kia ba hoa. Hồi đó tôi mải rong chơi bên ngoài nhưng qua năm tháng, trường Văn Khoa cũng có Ban Sử đầy đủ, nghe nói ban đầu họ cũng lưu ý đến thuyết giảng của ông Kim Định và rồi họ lảng xa. Ông nói về thuyết Anvi của ông, tôi mù tịt biết gì mà chen vào? Chỉ khi ông "lâu lâu nói chơi cho vui" trong sách của ông theo kiểu giải thích sự kiện giỗ Tổ (?) vào mồng Mười tháng Ba: "Ba là Tam Miêu, Mười là Bách Việt, 100 cũng như 10" thì tôi mới lên tiếng.

Mới đây, tình cờ thấy một bài của ông Lê Việt Thường, chắc là học trò chính phái từ lớp triết trường Văn Khoa, mắng mỏ tôi "... 'nhà sử học' lạc đường vào thế giới văn hóa". Xin lỗi, vào nước Mỹ làm "thợ đụng", kỹ thuật kém, đụng gì làm nấy miễn có tiền sống, không có thì giờ bao quát hết những điều người ta nói về mình. Mà có biết cũng không làm sao thỏa mãn một người nhiệt tình bênh vực Thầy trong một tình hình đủ thứ gán ghép. Chỉ xin nhắm vào một chi tiết nhỏ: Thầyviết một đoạn văn nối kết về cái đình và hồ Động Đình ở xứ Nghệ An, mà Trò bảo rằng phải hiểu xứ Nghệ đó là xứ của cõi Linh tượng, phải hiểu chữ "nghệ" đó không theo thành phần của một địa danh mà phải theo nghĩa của hai vạch chéo... Viết sách mà đánh đố độc giả như thế thì đúng là tiên triệu của bậc giáo chủ lúc qua Mỹ ngày sau, có ai bảo là mang bằng cấp Tây đi hù dọa học trò bản xứ, có oan chút nào đâu! Tuy nhiên đây là chuyện Trò thay mặt Thầy. Không biết nếu căn cứ vào cái bia ở ngay đền Hùng (1917) thì ngày cúng lễ hàng năm chỉ giản dị là lấy trước thông lệ của dân gian (thường là 11-3) để Vua Khải Định (hay quan đại diện) đến tế trước một ngày, thì con số 10 và 3 ấy nằm ở đâu trong xâu chuỗi lý số Việt, hay là cái khâu mốc gì đấy của cấu trúc Tây ông Thầy đem giảng trên giảng đường?

Cho nên Kelly nói Kim Định là sử gia lớn nhất không ai biết ở Việt Nam có đúng một phần. Gốc gác linh mục chống Cộng của Kim Định tỏ rõ hơn với những hoạt động hải ngoại của ông chắc đã khiến người ta dè dặt với ông một thời gian. Ông Viện trưởng Nguyễn Khánh Toàn, nhân cơ hội của giai đoạn chống Trung Hoa sau 1979, bịa ra chuyện một quyển sách có dáng võ hiệp là Vô Đỉnh Nguyên Vương của Kim Dụng vốn là của Ta mà Tàu lấy. Còn học giả Trần Ngọc Thêm thì xây dựng sự nghiệp tông phái ở Tp. Hồ Chí Minh trên sự "phát hiện" có sự đối kháng văn hóa TrungViệt là của tính chất Du mục và Nông nghiệp, của hai tính chất Dương và Âm. Mà giấu giếm lời của Thầy đầy dẫy. Tuy Lê Thành Khôi đã có bài dài dòng về chuyện Âm Dương này nhưng thấy ông Trần Ngọc Thêm có vẻ ưa thích cái ý tưởng gốc gác của Kim Định để gần đây lại quảng diễn về lý do chịu đựng không nổi loạn của dân Việt Nam. Trí thức lớn của Việt Nam về sau không còn nịnh nọt ra mặt (như lúc tán tụng Hồ Chí Minh) nhưng đã biết phục vụ người cầm quyền khéo léo hơn. Và với thời gian, hình như len lén đi theo sự trỗi dậy của Công Giáo miền Bắc thì Kim Định trở về Việt Nam công khai to lớn hơn như đã thấy. Cũng dễ hiểu. Mấy ngàn năm học Trung Hoa mà Việt Nam không có nhà Trung Hoa học nào cho ra hồn. Bây giờ nảy ra một Kim Định với học thuyết Anvi với kiến thức Đông Tây tập hợp, đáng theo lắm chứ! Chưa kể dấu vết cục bộ, địa phương thấy ràng ràng trong nhân vật chủ trương cốt cán. Hãy nghe nhà Minh triết Hà Nội tán tụng: "... một người Việt Nam đã ra đời. Như Sách Thi thiên trong Kinh Thánh, quyển III, mục 75, câu 6 viết 'vì chẳng phải phương Đông, phương Tây hay là từ phương Nam mà có sự tôn cao đến. Đó là sự báo trước của Thiên Chúa về 'một sự tôn cao đến' với đất nước, với nền Văn hoá Việt vào thế kỷ XX..." Để sau đó là giảng giải ra thuyết Việt vào Tàu trước rồi sẽ đi kèm với thuyết Anvi! Đủ để nhà nước để qua một bên cái tội chống Cộng. Ông học trò này chỉ tóm gọn một luận thuyết mà sự lúng túng đã bày ra trước mắt: Nói là của Việt mà trích dẫn toàn của Tàu! Có ai bài bác thì bảo rằng tại Tàu nó lấy hết, xóa hết, lập luận dễ dãi chỉ vì không hiểu lời lẽ uyên áo của Thầy!

Hình 5: Tạ Chí Đại Trường vui cười bên người bạn trẻ Phùng Nguyễn do Huy Văn chụp ngày 03.10.2015 bằng chiếc iPhone của Phùng Nguyễn [source: tư liệu gia đình Phùng Nguyễn]

Ông Hà Văn Thùy khôn ngoan hơn. Lúc đầu, cũng như nhiều người Bắc vào Nam sau 1975, đọc được các sách không phải là Mác-xít, khi tán tụng Kim Định là Copernic thời mới, ông ba hoa về giá trị Đạo học hơn khoa học như của mấy ông học trò VNCH bỏ học, ngồi nhà ăn gạo lức, muối mè, tu thiền, rêu rao đi tìm chân lý mới, để ông dựa vào đó nói chuyện sử không cần theo bằng chứng (mới đây còn chê L. Kelly), thế mà vẫn chen vào chuyện biến đổi xương cốt (bị một nhân vật trên net ngạc nhiên hỏi một người phát biểu tương tự, sao lại có chuyện xoay mongoloid bắc nam gì đó, dễ dàng như thế!) Muốn là hơn Thầy, ông lôi DNA ra, nhưng cũng thật khó là 40 - 50 ngàn năm trước, đã có trống đồng, có ai nói đến tên "Việt" chưa (dù là "Việt" của chữ quốc ngữ, của chữ Hán bất đắc dĩ ông Thùy gọi lên, hay của chữ nòng nọc, óc nóc chắc đã sản sinh ra loại giáp cốt Văn). Nhưng cứ muốn là được, ông cho là đã công bố độc lập với Thầy về công trình "Không có cái gọi là từ Hán Việt" mà gốc nó chỉ là từ Việt, chứng cớ là nhân vật Trụ Vương quen thuộc của Phong Thần, vốn phải là Đụ (Vương)! Dù sao cũng nên nhân tiện mà cảm ơn nhà nghiên cứu đầy nhiệt tình cứ réo gọi "lần thứ X thưa với sử gia TCĐT..."

Chuyện trống đồng, DNA... thấp lè tè, một đồ đệ khác của Kim Định, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, tuy bận vì "một độ phong thủy" có hẹn trước với thân chủ, cũng gởi đến Hội thảo một tham luận đầy chữ nghĩa "trí thức", mượn lời ca tụng "giá trị khai sáng" của Kim Định để vẽ ra một hướng tiến khác mang tính khoa học hơn, vì "cách đây 50 năm (thời Kim Định) ở Việt Nam và thế giới cũng chưa đủ khả năng hình thành những luận cứ chứng minh một cách chặt chẽ cho cội nguồn Việt Sử, qua những giá trị văn hoá truyền thống Việt." Hội thảo trở thành nơi chốn cho một đệ tử ba hoa một thứ kiến thức chưa kịp tiêu hóa nhân tiện được dịp "tranh luận" với học giả nước ngoài

Liam Kelly thấy lỗi có phần nào là của ông Kim Định không? Người học trò chính tông của ông Kim Định cũng chỉ cho tôi một cách viết sử cao cấp hơn, trong Les écoles historiques. Quyển này thì tôi cũng có, được chị Đặng Phương Nghi tặng khi nghe tôi ra tù, có gói thuốc tây đem ra bán lấy tiền tiêu thì được chỉ lên (nhà thương điên) Biên Hòa! Chút thân phận điên đảo, mở đầu học vấn với ông thầy đại học giở Việt Nam sử lược đọc ngay tại lớp, hay dịch sách Lê Thành Khôi ra giảng thì mày mò nơi khác, ráng được chút danh vọng đã là đuối rồi, làm chi việc "tham đó bỏ đăng"! Ấy vậy mà cũng vẫn có lúc được vạch ra tính chất nội hóa của mình. Những học giả đã kể nay nếu còn sống, hẳn không chịu lối thu xếp của ông Liam Kelly.

Một hôm Nguyễn Nhã, Chủ nhiệm Tập San Sử Địa ném cho quyển Việt Nam thời bành trướng:Tây Sơn (hình như có các năm kèm theo), bảo: "Đọc đi rồi phê bình, cho tập san của mình có thêm mục bài." Lính văn phòng cũng rảnh rang, lại thấy cùng đề tài đã viết nên nhận lời. Bây giờ nghĩ lại, tại cái vị trí lính của mình tạo ra sự cách biệt với dân sự, không có sự dè dặt nên chỉ biết "phang" thôi! Chê viết sử mà chỉ dịch thẳng từ các sách của Quốc sử quán, chê viết sử kiểu (đại khái) "Nguyễn Nhạc có linh cảm triều đại mình không bền" là không đúng ngành nghề, liền được phản ứng bằng lời nhắc nhở "có một độc giả", trên một bài khác. Hồi ấy các thư viện ở Sài Gòn chỉ có một mớ hỗn độn các thư viện di cư, trường sở nào siêng thì mang theo riêng rẽ nên cũng thật có nhiều thư viện, cộng với thư viện của phủ Thống đốc cũ, loay hoay trong vòng vây chiến tranh, ai có gì đọc nấy. Tôi làm tiểu luận thấy Thực lục đệ nhất kỷ (độc nhất thời gian này) thiếu mấy quyển, than thở thì được ông Nghiêm Thẩm xin Huế để bù vào. Không có Toàn thư. Nói điều này để thấy mình thật liều mạng khi chê thuyết Việt là Hán của ông Nguyễn Phương. Căn cứ chỉ là thấy những đoạn văn sách sử cũ thời Bắc thuộc toàn là di địch, thổ dân nổi loạn! Đâu có biết ông linh mục đi Tây về, từng viết sách cho Tây đọc, mình không học ông để biết tác phong "dạy như đang làm lễ trên giảng đường", hay "ghét Tây Sơn không để đâu cho hết" qua lời một học trò khác (nhưng như vậy mới giúp ông tranh luận được với ông Văn Tân miền Bắc!). Đòn trả hơi nặng (nay cũng chỉ đại khái lặp lại): "Có cái họ rặt Tàu mà không chịu là Tàu". Chỉ mới gần đây nhờ đọc báo thể thao trong nước, tôi mới biết câu trả lời: "Bỏ bóng đá người".

Thế rồi đầu óc hoang mang, cứ nhớ tới cảnh người anh con bác xách cái mobylette cà tàng đi tìm chỗ dạy tư nuôi sống gia đình - và hình như cho cả một nhóm nhỏ đàn em thất nghiệp, thế mà lại bước lên diễn đàn đại hội nước, hô hào trung lập chế để cứu nước, thoát vòng cộng sản, và tất nhiên bị la ó om sòm, không kịp nghe tiếng đại bác ngoài xa! Con đường trước mặt của anh không sáng sủa nhưng cũng là chung với cái ảo vọng chính trị của các chính khách miền Nam thời bấy giờ, là đi tìm con đường cứu nước vượt chế độ cộng sản. Và đây cũng là "điểm tới" của triết lýAn vi, theo lời Người học trò: [T]hành quả Công trình 'cả một đời người' của cố triết gia Kim Định, là một TỔNG HỢP có tính chất Đông, Tây, Kim, Cổ, Đạo, Đời... (thôi để người khác đọc hết). Anh tôi chỉ đi đến bế tắc vì đã đi theo một cựu Mác-xít, cố gắng theo cái nguyên tắc praxis nào đó để tôi phải chịu nghe tiếng Ba tôi nửa khuya bước vào nhà rền rĩ: "Bọn nó giết thằng Châu rồi, trời ơi là trời!" Đó là nỗi đau của kẻ mất người thân hay là tiếng gào của kẻ tuyệt vọng trong trường chính trị, gươm đâm giáo chém xa lạ? Chút danh vọng phù hoa từ buổi được ông Diệm đón ngoài cửa Khám Lớn, không giúp ông khỏi lạc loài khi từ bỏ kiến thức đào tạo để thi Hương, thi Hội mà dấn thân vào thời đại tranh chấp nguyên tử. Vậy mà qua thế kỷ XXI, người cháu gái tôi đi làm việc, còn được phường nhà phê: "Ông nội cô này là bạn thân với Tổng thống Ngô Đình Diệm". Sao dân ta thù dai quá!

Hơi xa. Trở lại với Bình Nam đồ. Không hiểu vì vai trò địa phương đứng giữa hay sao mà các chú thích của những nhà nghiên cứu ở Huế đều xuất hiện giản dị: Bình Nam đồ 1774, hay "Bùi Thế Đạt, 1962, 'Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ' Hồng Đức bản đồ, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn." Người ta đành chỉ trách về cách chủ thích nhưng ông Tiến sĩ có đọc cả tham luận của Huỳnh Công Bá và người ở Quảng Nam khác... mà sao không thấy chuyện Bình Nam đồ này? Không thấy không là điều đáng trách, chỉ có làm hại cho lập luận của ông mà thôi. Cái luận cứ có vai trò của một chi nhánh họ Mạc nằm ở Điện Bàn, Quảng Nam chen vào chính tình Cao Miên vào cuối thế kỷ XVII, cũng như Trịnh Nguyễn đánh nhau ở Trấn Ninh, sâu trong đất Lào. Những chứng cứ đó làm mờ nhạt các sử sách cứ nhấn mạnh về vai trò của họ Nguyễn trong cuộc Nam tiến ở các thế kỷ này mà ông có vạch ra trong đoạn văn mở đầu, vạch hướng mới cho luận án của ông. Nói vậy chứ rốt lại ông cũng phải có những chương riêng biệt về sự hiện diện của họ Nguyễn trong vùng đất, kéo dài đến cả lúc tranh chấp với Tây Sơn.

Hình như ông bị ám ảnh hơi nhiều về quan niệm Nam tiến mang tính chính trị sôi động ở Việt Nam từ 1945 mà nhà cầm quyền khai thác tận lực cho vai trò giành được thống nhất của họ. Mới đây nằm ngửa đọc bản dịch Cổ sử các nước Ấn Độ hóa ở Viễn Đông của G. Cœdès, thấy có chữ Nam tiến trên toàn vùng rồi! Ở Việt Nam, thông thường thì Nam tiến là mặc nhận có một giốngViệt thuần túy, hay có pha trộn thì cũng không mất hết phần đa số thuần túy, đã tiêu diệt dân Chàm, suýt nữa thì lấy hết đất Cao Miên, tuy có lúc được nhắc trong viễn cảnh thực dân chửi mắng người ta, thì lại tránh né xác nhận như khi ông Tổng Bí thư Lê Duẩn mắng mấy bà cán bộ miền Nam thấy dân xứ Bắc động chạm gì đó đến gia đình, làng xóm của mấy bà: "Thì người Nam cũng là từ người Bắc mà ra chứ gì." Nghĩa là phải nín thinh chịu đựng, trách móc là "mất lập trường" như anh tài xế ở Côn Đảo đã hiểu.

Ông Tổng Bí thư mới qua bậc tiểu học, làm ký ga xe lửa tỉnh nhỏ, ngay lúc thường cũng chỉ thấy người Bắc vào Nam tìm sinh kế chứ không ai từ Nam ra Bắc để ôm ấp mả ông Hùng Vương cả. Ông sắp phải lo trả nợ chiến tranh ít nhiều gì cũng là do ông gây ra, là công lớn của ông, món nợ bây giờ bị người ta đòi riết nên tính sai chặt hết rừng (làm ván sàn?) để trả nợ, về vấn đề sử Việt đã có hàng hàng lớp lớp người chứng minh tính chất độc đáo, xưa cũ bốn ngàn năm, ông quan tâm nữa mà làm gì?

Cái nguồn gốc xưa cũ bốn ngàn năm đó là của các ông nhà nho Trần chắp nối mớ sách vở các ông đọc được với phần nghe ngóng về cái đền Hùng Vương/ Lạc Vương ở xứ sở các ông, đem lập ra một tông phả không kể gì đến sự bình thường của luận lý, quên cả sự nhờ cậy để đến ngày nay người ta mỉa mai "bám víu trèo cao"! Nhưng đó cũng được coi là sự bình thường của lịch sử nên Ngô Sĩ Liên đưa vào quyển quốc sử, trở thành chân lý của muôn đời. Người Pháp, ông chủ mới của vua chúa Việt, không bằng lòng với chuyện rồng tiên đẻ trăm trứng như thế. Ông L.Aurousseau đặt giả thuyết dân Việt là di chủng của đám dân Việt Câu Tiễn thời Chiến Quốc đi lầnvề phía Nam, có tên là Lạc Việt, tổ tiên của dân Việt ngày nay. Chứng cớ có căn cứ lấy từ sách vở có dáng khoa học dễ tin nhưng mắc phải vấn nạn về đường đất cách trở và chạm tới "tự ái dân tộc": dân Việt oai hùng không thể là mở đầu bằng một sự tan tác, trốn chạy như thế. Tuy vậy nó cũng hấp dẫn được ông triết gia - sử gia "Việt vào Tàu trước" sắp xếp vào đoạn thứ hai của "Bốn chặng huyền sử của nước Nam". Lập luận có vẻ khó nuốt cho dù đối với những người còn mang hơi hướng Kim Định.

Nhờ internet, kiến thức sách vở chồng chất tiện tìm kiếm với người quen, với kỹ thuật mới. Sự lén lút bắt chước Kim Định (bị người trong nước [?] tố cáo) vẫn đẻ ra được một khoa Văn hoá học đạt cơ sở vững chắc trên tầng cấp Đại học, ở Tp. Hồ Chí Minh, giúp nhà nghiên cứu đủ uy tín làm người đại diện mời người tham dự hội thảo 2015. Mới đây, từ cái gốc Văn hóa học của ông lại có người lập thuyết có dáng vực dậy một phần thuyết L. Aurousseau, thấy trong Nguyễn Ngọc Thơ, "Nhận diện Văn hóa Lạc Việt", trong Nhiều tác giả, Di sản lịch sử và những tiếp cận mới, Nxb Thế Giới, H. 2011). Công trình của những nhà nghiên cứu Trung Hoa về Bách Việt và các tính cách văn hóa thuộc các thành phần của nó, công trình của các học giả thế giới về trống đồng vốn không thể thiếu khi nói về Việt Nam, tất cả giúp cho tác giả đỡ công rất nhiều để làm sáng tỏ bài viết. Phần riêng biệt của tác giả, theo chúng tôi, có vẻ là phần "hiện đại hóa" nội dung giai đoạn Lạc Việt tách rời với những Việt lêu bêu kia. Cũng nên nói, vì ham bám với chữ "Việt" quá nên tác giả sắp xếp trên các tấm bản đồ về sự di chuyển /tiến triển của các nhóm Việt lại mang tập họp Nam Việt vào, quên rằng các Lạc, Âu, Đông, Tây Việt là danh xưng chỉ các bộ lạc, còn Nam Việt là một "nước" của Triệu Đà có thể bao gồm những "Việt" gì đó. Như nơi khác ta gặp ý: Nam Việt là của Đông và Tây Việt, lại cũng của Âu và Lạc đã được tách rời trên bản đồ 5, (nhưng vị trí không ở hồ Động Đình!) Đây cũng là một trong vô số khuyết điểm do sa đà ham hố dẫn chứng và dẫn chứng...

Dài dòng, mệt quá, chỉ xin nói chuyện khởi đầu về các ý niệm Lạc Việt nguyên thủy và Lạc Việt mới mà ông đã sáng tạo ra. Ông phân chia Lạc Việt theo tên gọi chung cũ làm hai nhóm, nhóm Tây Việt nằm ở đồng bằng sông Hồng, sông Mã. Ông cũng gọi Tây Lạc Việt bằng cái tên mới mà hình như để thêm xác định, ông âm thêm chữ Anh: Original Lac Viêt. "Ở giai đoạn chuyển tiếp từ Phùng Nguyên sang Đông Sơn, một bộ phận Tây Việt (cụ thể là Âu Việt, Điền Việt) tiếp tục xuống đồng bằng sông Hồng sông Mã, hòa trộn với Lạc Việt nguyên thủy để hình thành cư dân Đông Sơn - Lạc Việt mới (Synthetic Lạc Việt) (trang 109). Thật khó hiểu. Original Lạc Việt đã nằm ở sông Hồng sông Mã sao còn níu kéo "một bộ phận Tây Việt (có bản đồ 9 phân định rõ ràng) đi xuống đồng bằng sông Hồng sông Mã" nữa làm chi? Có lúc ông lại cho cư dân Lạc Việt nguyên thủy tự biến chuyển được khi ở đồng bằng sông Hồng sông Mã, "Vào giai đoạn Phùng Nguyên trải qua các giai đoạn Đồng Đậu bước đến đỉnh cao ở giai đoạn Đông Sơn thì phát triển thành Lạc Việt mới." Có thể thấy rằng tác giả tự cho phép mình đặt ra chữ mới, vận dụng dẫn chứng tùy tiện làm rối trí độc giả để lập thuyết chen đầy sách. Bởi vì nơi khác tác giả viết "tộc danh Lạc Việt nguyên thủy (Original Lac Viêt) hình thành từ sự tổng hòa nhánh cư dân Đông Việt (?!) từ sông Dương Tử kéo xuống và cư dân nói tiếng Mon Khmer tại đồng bằng sông Hồng sông Mã". Và "Trên cơ sở tổng hợp Lạc Việt, Âu Việt, Nam Đảo, Australoid... đã định hình Lạc Việt mới (Synthetic Lac Viêt)”.

Tác giả muốn mượn các khái niệm khoa học - hóa học có lẽ để níu kéo làm-mới thành phần LạcViệt vốn nằm trong nội dung Bách Việt cho trở thành của Việt Nam nhưng ông quên rằng qua một tổng hợp hóa học, các thành phần cũ biến mất, chất mới cũng không mang dạng hình gì của các thành phần cũ cả. Cho nên không thể có cái gì gọi là Lạc Việt nguyên thủy và Lạc Việt tổng hợp trong phương trình hoá học của ông Nguyễn Ngọc Thơ cả. Nói về sự chuyển hóa Lạc Việt thấy ông còn dè dặt với câu chữ "sự tổng hòa cư dân", "trên cơ sở tổng hợp Lạc Việt..." Nhưng với thời đại xa xưa hơn, với khu vực bàn luận chắc cho là sơ đẳng thì ông cho các cư dân chuyển hóa theo một trình tự giản dị hơn: "Sự hòa trộn Tây Việt và Đông Việt giúp hình thành tộc người mới (Nam Việt)", và lại cũng có "sự hòa trộn giữa Âu và Lạc thời An Dương Vương." Một phần thế giới nhân loại đâu có phải để cho nhà nghiên cứu bỏ vào lọ phù phép lắc mạnh thì thành ra giống mới!

Bài luận văn có hai kết quả: một là lấp liếm được tính chất tự ái của dân tộc Việt mà L. Aurousseau chắc chưa thấy ra lúc trình bày vấn đề, hai là vẽ giùm cho Kim Định hình ảnh cụ thể của "Bốn chặng huyền sử..." dưới "ánh sáng của khoa học", một loại khoa học sử học mà ông học trò cho rằng phải nâng cấp lên mới kịp tầm nhìn của Thầy! Nhưng nhìn chung thì thấy cả một sự hù dọa chữ nghĩa ghê quá. Sách Tây Tàu, mới cũ, cao cấp đủ cả, chỉ để chứng minh một điều đã cũ (chưa biết có thuyết phục được ai hay không). Tính chất ăn to nói lớn của người mình thật khó bỏ. Học giả thế giới thu thập được kiến thức gì ở luận văn này? Trong lúc họ thấy chỉ cần đọcNgàn năm áo mũ của Trần Quang Đức (Nhã Nam 2013) là đỡ tốn thì giờ hơn...

Hình 6: Thăm anh Tạ Chí Đại Trường trước khi về Việt Nam, từ trái Từ Mẫn Võ Thắng Tiết, Tạ Chí Đại Trường, Ngô Thế Vinh. Anh Từ Mẫn nguyên giám đốc Nxb Văn Nghệ, đã xuất bản một số tác phẩm về sử học của TCĐT ở hải ngoại.[photo by Phan Nhật Nam]  

Người ta vẫn quen nghĩ rằng chuyện sử học là về thời xa xưa, phải tìm tài liệu trong Hán Nôm nên Nam Bộ với Tây lù lù, còn sách vở chỉ hơi xưa một chút đã đem về Hà Nội (như bộ Châu bản) nên thật khó tìm phát hiện hấp dẫn. Lịch sử gần cận thì đã có Đảng lo hết rồi. Hai ông Trần Bạch Đằng, Trần Văn Giàu tưởng có thể tụ tập người viết một bộ Lịch sử ViệtNam khác rồi cũng đành buông tay. Trần Văn Giàu lấy tiền bán nhà, được tiền nhờ vị trí đắc địa chứ nhà có lúc không còn cửa, quá thừa gió để hai ông bà già chộp bắt, nhớ về quá khứ vinh quang của mình. Mai mốt chủ nhà đòi lại có Đảng trả, bây giờ ông lập Giải nghiên cứu riêng, cho vùng Nam Bộ, phát cho một ông Khảo Cổ (Phạm Đức Mạnh) [bản gốc TCĐT ghi là Nguyễn Đức Mạnh]. Ông này giở tiếng Anh tiếng u, bạo gan tán tụng mấy cái qua đồng là vũ khí của dân thời sơ sử Nam Bộ, đã mang dáng một chiefdom có thủ lãnh nằm dưới mộ đá Xuân Lộc, thế rồi giật mình vì thấy lập thuyết có vẻ tranh chiếm địa vị Đông Sơn cội nguồn dân tộc, gây tranh chấp chia rẽ nên trước khi tán tụng qua loa người phát giải, ông đã chứng minh khoa học không quên người sáng lập đất nước mới: "... Nam Bộ quả đúng là 'máu của máu ViệtNam, thịt của thịt Việt Nam'." Và, 'Sông có thể cạn núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi (Bác Hồ)" (Nam Bộ, đất và người, tập VII, trang 62). Hiểu rồi, nhưng sao không có ai cố gắng thêm một chút?

Khó lắm, bởi vì chuyện xưa thì như thế, còn chuyện nay thì ông Nguyễn Tuấn Triết ngồi lù lù ở ngay thành phố, theo chính sách của Đảng, còn cho rằng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên còn thưa thớt người, phải đem vào tiếp thêm nữa, không ngại các dân tộc Tây Nguyên đã mất rừng, mất đất, ngay trên quê hương mình. Nam Bộ dù có dư tán tụng nhiều vẫn được coi là khu vực phải dè chừng, còn có Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh làm việc bảo vệ chính trị khôngmệt mỏi, từ sự kiện chống đối Phan Thanh Giản, nhà Nguyễn, dài qua đến thế kỷ XXI, thấy đủ sức đỡ che để mạt sát cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cũng thấy lập được công lớn lúc đẩy vấn đề lên tới ban Bí thư! Họ tỏ ra không chỉ lẹt đẹt ở địa phương với những vấn đề lịch sử cũ kỹ khi báo cho Trung ương biết mà đề phòng cả những mầm mống phản động mới, chẳng hạn phát sinh từ phía Nam lan ra phía Bắc trong vụ luận văn Nhã Thuyên!

Cái lối sợ vượt ra khỏi thân phận đàn em này, ngoài những điều kiện khách quan ràng buộc trước mắt, cũng còn là dấu vết của một quan niệm Nam tiến được chứng minh bằng chiến thắng 1975 mà ông Tiến sĩ Michigan cắt ngang cho luận án của ông. Thật ra hình tượng Nam tiến chỉ gây sôi động từ những đoàn quân tuyển mộ vào Nam chống Pháp các năm 1945, 46, có thêm chút nhắc nhở lãng mạn của nhân vật anh hùng thảo dã Huỳnh Văn Nghệ; "Từ lúc mang gươm đi mở cõi..." Trừ chữ Nam tiến trên các khảo cứu như đã nói, bình thường cho đến ông Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh - và trong dân gian, người ta chỉ nói đến chuyện "vào Nam" giản dị là để làm ăn, đi phu đồn điền cao su... Còn trong sử thì chỉ thấy Nguyễn Trung Ngạn khuyên vua đánh Chàm dễ hơn đánh Ai Lao. Lời khuyên thì theo thực tế còn vua mở rộng đất nước là theo lý thuyết cầm quyền:  đánh kẻ Di Man không theo Vương hóa. Tất nhiên thực tế đem lại kết quả cụ thể nên người Việt lấn đến mũi Cà Mau. Vấn đề đối với chúng ta ngày nay là người Việt nào Nam tiến?

Ở đây chỉ có giải đáp của kẻ đương quyền là mạnh nhất. Đó là người Việt con cháu của ông HùngVương được nói trong sử sách, và có đền thờ cụ thể ở Phú Thọ chứng minh. Tạm quên 53 tập họp khác. Tạm quên lời công kích các vua Hùng làm chuyện loạn luân. Lại cũng tạm quên tập họp Âu Lạc vốn gốc ở hồ Động Đình. (Chỉ có cô/bà Đỗ Ngọc Bích còn nhớ để nhắc người khác: "Dân Việt cũng từ người Tàu mà ra, Vua Việt cũng là em Vua Tàu..." nhắc đúng mà lại bị chửi mắng!). Chỉ còn các Vua Hùng thêm vào sách, được dựng tượng ở Tây Nguyên, sống năm bảy trăm năm, có hàng trăm vợ, đẻ hàng trăm nghìn con... Chỉ có các Vua Hùng có đền đài trùng tu hàng nghìn tỉ đồng, có tượng đủ vợ con chứng minh thân xác hiện diện chứ không phải chỉ mơ hồ trong truyện tích. Vua Hùng chết lâu rồi nhưng cũng đi được vào Nam cho dân Miên nhận làm quốc tổ. Bởi vì Vua Hùng đã chết nhưng cuộc sống của ông vẫn được các vị trong Bộ Chính trị (lúc này là 16 vị) thay mặt họ giám sát đời sống của con cháu các vị. Sự thống nhất "độc nhất" của dân Việt là điều không thể chối cãi.

Người Việt có tính chất "âm", như theo lý thuyết của ông Trần Ngọc Thêm, nên tuy cũng có kỳ kèo với Đảng và nhà nước nhưng cũng đồng ý với tính chất độc nhất của dân Việt nói trên. Ý tưởng (bất chợt?) của Võ Phiến về nguồn gốc ca dao Việt Nam có thể là từ Chàm mà ra, sau chiến tranh được nhắc lại, và gặp phản ứng của một cô gái Việt yêu nước nồng nàn (đại khái, vì không tìm ra bài cũ ở đây): "Người Việt không cần ai khác để sáng tạo ra một thể thơ!" Nhưng người trí thức "cao cấp" nào có khác gì đâu. Họ cố sức đào bới đất đai để chứng minh ông Hùng Vương có thậttheo đúng lời Bác, không được, bèn gỡ gạc chuyển qua một thời đại Hùng Vương có thật. Chủ thể không có, chỉ có cái bóng cũng đủ thỏa mãn kẻ cầm quyền đem ra phủ dụ kẻ dễ bảo, dẫn đến sự in trí như cô gái kia. Thế là người Việt thuần túy, có thể là từ nhóm Synthetic Lạc Việt của ông Nguyễn Ngọc Thơ cứ thong dong mở cõi, bởi vì các ông sử gia khác cứ cố chứng minh là từ khởi thủy người Việt đã có một nền văn hóa riêng, có tiếng nói riêng (và có người còn mạnh dạn chứng minh có chữ viết riêng nữa). Chứng minh mãi vẫn không ra cho nên ta hiểu tại sao Kim Định được vồ vập như thế.

Lỗi chỉ ở chỗ người ta cứ mơ mộng, không nhìn vào thực tế, không chịu tạm học một thứ sử thực chứng bị học trò Kim Định chê (mới đây là Hà Văn Thùy chê Liam Kelly tuy chắc là Kelly không quan tâm đến cái ông "thấy chỗ nào động dao động thớt" cũng lết tới). Chuyện thời đô hộ, quan Tàu đánh Chiêm không lấn đất bởi quan thấy cụm đất Tống Bình đã là đủ rồi. Cùng một hoàncành, một tâm lý nên Lê Hoàn cũng chỉ bắt gái về hưởng thụ, lấy vàng bạc về phơi chật sân hù dọa sứ Tàu. Dọn về đất mới, còn vướng tâm lý cũ nên Lý Thái Tông lần đầu vẫn không biết dùng tù binh làm gì, cho đến lúc vỡ ra, cho chúng chen vào chỗ còn trống của các ông thủ lĩnh địa phương cũ, mới. Có người dưới tay để trấn áp kẻ bất phục tùng, có nô lệ để khai thác ruộng đất, kiếm thêm lúa gạo tích trữ. Hiệu quả thấy rõ nên ông con ra quân bắt thêm, nhiều gấp bội. Không chỉ làmruộng mà còn xây chùa tháp, vô số, để bây giờ nhìn lại, thấy ngạc nhiên: nếu không có tù binh Chàm thì có cái gì là của Lý? Số tù binh này sau sự sụp đổ của Lý, trở thành kẻ tự do, chen vào trong truyện tích của ông thần Lý Phục Man, làm chủ ruộng đất, giàu đủ để vào Kinh đánh bạc với vua Trần, chung chiếu với con cháu triều Lý cũ. Họ giữ gìn truyền thống, tiếng nói đến hơn ba trăm năm, vững vàng về khu vực rộng rãi đến mức tướng Trần Nhật Duật "cỡi voi, đến chơi vài ba ngày mới về". Những cấm đoán cuối Trần, qua Lê khiến họ mất truyền thống, lẫn lộn vào lớp người chung quanh, thành Người Việt. Dấu vết của họ còn giữ lại xa hơn: Các "Chùa" Bà Đanh, Bà Banh, có lúc mất chùa, chuyển danh xưng nhưng còn cái tên trống trơn trong báo cáo cho Phủ ThốngSứ năm 1938. Và cái xứ Bắc Ninh vốn thường được xem là nơi tiêu biểu cho tính chất gốc gác ViệtNam, cái nôi của dân tộc Việt Nam đó, lại còn giữ địa điểm Bà Chúa Kho, cái trống cơm Chàm vỗtheo con đĩ đánh bồng trong các hội lễ điển hình Việt. Và chỉ nói riêngtrường hợp Lê Thánh Tông, khi lập ra tuyển trường lấy lính Nam chinh, ông có lùa đám Việt gốc Chàm (đã quên gốc rồi) và đám người dưới quyền đồng chủng còn ắc-xăng Việt, cho quân vụ hay không? Năm 1471, thắng trận Chà Bàn, Lê Thánh Tông bắt thêm một mớ tù binh về rải cho các quan, riêng cho Nguyễn Xí là cả một làng "Kim Ổ". Ở Kinh đô thì có Viện Châu Lâm sau biến thành Chùa Bà Đanh cùng với những chùa Bà Đanh khác không rõ gốc tích. Không thấy nói nơi khác, nhưng ba thế kỷ sau còn thấy có bạn thân Chàm của Trịnh Kiểm là người tự do, có vẻ cũng có thế lực mới tận tâm giúp đỡ ông Chúa Trịnh đầu tiên này. Cư dân bậc cao thấp trên đất Đại Việt lại thêm một tầng nữa theo với đà thắng lợi của tập đoàn Thái Mường Lê và Thái Lào Trịnh sau tranh chiến với Minh, và còn tiếp máu thêm với thời Trung Hưng.

Trước khi họ Lê Thái Mường xuống đồng thì chủ nước là họ Lý gốc Mân, có nhiều người gốc Mân giúp việc đến nỗi có một ông Tiến Sĩ Tống xúi Lý đánh Tống, và dấu vết quan chức Mân còn thấy nơi những pho tượng làm mẫu trong một hội Thiên Phật có dáng rất là Tàu, được chúng tôi nhận ra năm 1994! Chủ nước tiếp theo cũng từ đất Mân nhưng lặn lội dài trên biển khiến năm đời được nhớ đều là tên cá: Trần Kinh Còn là con Cá kinh vẫy vùng trên biển khơi nhưng ông cuối leo lên bờ thì tên Cá lành Canh (Trần Cảnh), vừa cho một bữa ăn. Nhưng không lâu sau đó còn giữ được nước thì họ đi đâu? Chủ nước tiếp theo thay thế họ cũng chẳng phải là "người Việt". Họ có lúc quyết định dân trong nước - và chính họ, không được nói tiếng Miên, Lào nhưng Phạm Đình Hổ đã chỉ ra là nhóm Lam Sơn khởi đầu là dân Thái Lào thuần túy. Ông chỉ cho biết về cội rễ thật của tổ tiên chủ nước của ông chứ không ra dáng kẻ vạch, kỳ thị chút nào. Và không phải chỉ có một nhóm nhỏ Lam Sơn "xuống đồng". Trừ những bộ tộc theo chính sách nhà nước vào làm quan Lê, những kẻ "làm ăn riêng" cũng không hiếm: "Người đánh giặc thì nghèo còn những kẻ rong chơi thì giàu... (Lê Thánh Tông).

Đã thấy sự thay đổi chất Việt (cho là có từ vua Hùng) không phải chỉ xảy ra với người thất thế. Cao Biền đánh tan quân Nam Chiếu có giết hết toán đông đảo người gặt lúa trên đất An Nam Đô hộ Phủ không? Trên đất Thanh Hóa, Lý Thái Tổ có đi tìm giết từng tên lính Mãng Xà Vương mà cũng chính sử Việt cho là nhóm Thái đó có lúc đã xuống tận bờ biển? Họ đã chạy ngược vài trăm dặm để về nơi xuất phát hay lẩn khuất trong vùng làm dân Việt mới?

Châu Ô, Rí đã trống quyền bính từ thời Lý Thường Kiệt đến mãi 1306 mới được xác nhận chủ quyền Việt. Dân ở đấy vào thời gian trống quyền lực, là những ai? Việt (Việt nào?), Chàm, Kà-tu, Kơho, Vân Kiều...? Đọc Ô Châu Cận Lục mới thấy tội nghiệp cho các ông quan lớn nhỏ được phái đến bị các ông dân ăn hiếp! Có thế, khi củng cố quyền lực thành công, họ Nguyễn "mới tự phụ" Nhà ta phát xuất tự Châu Ô!"

Bị người ta xúi dại, ngồi viết với cái lá gan tràn ngang bụng "Bây giờ mấy tháng rồi hỡi em?" thấy sưng hai cái chân, chịu đựng nắng nóng trong đường luồng nhà, không thấy ở đâu là dưới 90 cả.

Không phải bỗng nhiên mà Li Tana gọi Đàng Trong là một nước Việt khác khi chặn xét về một giai oạn lịch sử. Phía nam sông Gianh, trong hai trăm năm, họ Nguyễn từ vị trí chủ đất của mình, đã tạo ra một lớp người Việt khác bao gồm tầng cơ bản là "người Việt của thế kỷ XVII", chuyển hóa những người bản thổ trên vùng đất xâm lấn hay thu phục được, gồm trong các tổ chức cơ sở thuộc, nậu... hay của các thế lực địa phương mới cũ thất thế (Mạc, Chàm, Việt, Thanh...) Hãy nhìn bản vẽ người lính Tây Sơn năm 1793, ăn vận như một người Mã Lai, không phải ở xứ Phan Rang, Phan Thiết để tưởng là một ông Sãi Bà-la-môn, mà là ở tận xứ Quảng Nam của ông Hồ Trung Tú đã lục tìm được gia phả của những người Chàm trên đất ông, gia phả còn cho thấy ông tổ là trùm địa phương. Từ cái khung xứ Quảng mời gọi giao tiếp rừng biển, phát triển ra như một trung tâm văn hóa, kinh tế của Đàng Trong, tạo ra một phương ngữ Việt sẽ làm cơ sở thu phục không những đám dân, quân Minh lưu vong mà còn dài đến đám Thanh nhân thời Pháp thuộc. Không có Tây Sơn phá vỡ sự cân bằng Nam, Bắc lúc bấy giờ thì ta sẽ có một nước Việt khác ở phía Nam, như tên nước Nam Việt Gia Long đòi Thanh ghi vào sổ bộ, tách bạch như nước Lào đối với Thái Lan vậy. Chớ có dựng lông mày lên mà sừng sộ! Và ông Zottoli sẽ có luận án khác. Đây là cách tạm giải quyết vấn đề Nam tiến để dân Việt khỏi lo mất biển Đông.

Dài quá làm sao để vào chỗ Huỳnh Thị Ánh Vân được?Nói cho hả cho hết những điều chưa kịp nói, không dám nói khi còn sốngchăng? Không biết để làm gì nhưng chữ đã lên giàn như chính mình rồi, che chắn làm gì nữa.

TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG
California, 9-9-2015