Saturday, 19 March 2016

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc 18-3-2016

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc

Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta

MỘT ĐÒN NHU ĐẠO
Một buổi tối sau một ngày làm việc với rất nhiều "sì trét" như lối nói nghe thấy rất nhiều ở trong nước ngày nay, tôi đi ăn ở một tiệm ăn quen. Tiệm lúc ấy đang đông khách, tôi và người bạn được đưa tới ngồi ở một bàn gần góc tiệm. Nhưng vừa kéo ghế ngồi xuống thì tôi đã thấy ngay là không ổn, bữa tối có nhiều phần sẽ không yên lành. Cách bàn của chúng tôi một bàn khác có 5 hay 7 khách người lớn và thêm vào đó là 3 thiếu niên. Những thiếu niên này chừng 8 hay 9 tuổi, rất ồn ào. Chuyện ồn ào là chuyện rất thường trong các tiệm ăn mà những thành phần gây ồn ào lại không phải là các thiếu niên như trong tiệm ăn tối hôm ấy. Thường là những người lớn. Không hiểu những người này tại sao không biết điều chỉnh cái volume to nhỏ của họ như trong các máy khuyếch âm. Lúc nào những cái ampli ấy cũng được mở to hết cỡ như những chương trình tiếp vận cải lương hồi trước hào phóng cho cả xóm nghe. Trong những lần được nghe chuyện miễn phí như thế, nhiều người trong chúng ta thường chỉ biết cố gắng chịu đựng cho qua cơn... cơ cực, ăn cho nhanh rồi về nhà đau khổ tiếp. Quyền của chúng ta, quyền được bình an cho xong bữa ăn như ông Trời cũng tránh không ra đòn trong lúc đang dùng bữa.

Ông Trời đã nương tay với chúng ta biết bao nhiêu lần trong khi nhiều, rất nhiều, người khác chung quanh chúng ta thì lại không nhẹ nhàng với chúng ta bao giờ cả.

Người lớn nhiều người như vậy đó. Còn 3 đứa trẻ trong tiệm ăn hôm ấy cũng không một chút nhẹ tay với đám khách chút nào. Ba đứa gồm 2 trai và một gái, không phải chỉ to tiếng cười đùa la thét, mà còn nhẩy lên nhẩy xuống, coi góc tiệm như chỗ chơi đùa của chúng. Tôi quay sang ngó những người lớn ngồi ở bàn. Chắc họ cũng thấy khuôn mặt khó chịu của tôi mà tôi phải tập luyện nhiều năm mới có được. Tôi nhìn họ. Họ nhìn tôi. Như thế là có "eye contact", không có ai né ai hết. Lũ trẻ vẫn tự nhiên đùa nghịch như ở nhà của chúng. Chúng tôi đọc menu và gọi mấy món cho bữa tối. Lũ trẻ thì vẫn "business as usual", vẫn bình thản ồn ào. Tôi nghĩ chắc những người lớn dùng bữa cũng sắp xong nên cố chịu đựng thêm ít phút nữa, cả bàn sẽ ra về, và "bình an dưới thế" sẽ đến với "người thiện tâm".

Nhưng khi nhà hàng đem thức ăn đến bàn chúng tôi thì "bình an dưới thế" vẫn chưa chịu đến. Chúng tôi bắt đầu ăn. Tiếng la hét, tiếng cười nói rất lớn vẫn làm xao động cả một góc tiệm ăn. Tôi và người bạn muốn nói với nhau vài ba chuyện mà cũng không được. Tiếng ba đứa bé vẫn ào ào lấn sang, át giọng chúng tôi. Chúng vẫn nhẩy lên nhẩy xuống như đang ở nhà hay đang ở sân chơi. Ngồi chịu đựng thêm một lúc thì tôi thấy sự chịu đựng của tôi cũng chỉ có hạn. Tôi quyết định phải làm một cài gì thay vì "suffer in silence" như các nhà quí phái Ăng Lê, để "carry on", đau đớn chịu đựng để và chịu trận một cách theo kiểu các "British gentlemen". Tôi muốn cứu vãn bữa ăn tối của chúng tôi, không thể ngồi tiếp để "keep calm and have a cup of tea" như tôi đã học được của người Anh mấy chục năm trước. Tôi không thể có một "cuppa" để chịu đau khổ (suffer in silence) trong im lặng được. Sức người có hạn.
Tôi đứng dậy, bước tới bàn của mấy thiếu niên nọ, và nói (hơi lớn một chút): "Hey kids! Be quiet will you?"

Lũ trẻ im ngay. Cả một góc tiệm không còn một tiếng động nào. Tôi trở lại bàn và tiếp tục bữa tối.

"Bình an dưới thế" đã đến với "người thiện tâm (?)". Khoảng ít phút sau, tôi thấy những người khách ở bàn đó ra về. Tôi biết cả bàn đi ngang qua bàn chúng tôi. Tự nhiên tôi tưởng tượng những người ấy có thể ghé lại bàn của chúng tôi và... cho tôi một trận. Có thể lắm chứ. Họ có thể rất bực bội về chuyện tôi to tiếng với mấy đứa nhỏ. Họ thấy bị xúc phạm khi tôi lớn tiếng la mắng, dậy dỗ con của họ, việc mà họ nghĩ chỉ có họ mới có quyền làm. Họ đi qua bàn chúng tôi ngồi, ra quầy trả tiền. Tôi nghĩ như thế là xong chuyện. Không có gì rắc rối như tôi đã nghĩ. Như thế là xong một bữa tối. Tôi nói lên được sự bực bội của tôi. Gia đình của mấy đứa bé bị tôi... cho một trận đáng đời. Tưởng như thế là hết chuyện.

Nhưng bỗng một người đàn ông tuổi trạc ngoài bốn mươi tiến đến bàn chúng tôi. Ông chào tôi, gọi tôi bằng "chú", xin lỗi về chuyện ồn ào của mấy đứa nhỏ làm phiền tôi trong bữa ăn. Tôi cầm tay, vỗ vai ông nói với ông là không có chi. Tôi xin lỗi đã  (hơi) lớn tiếng với lũ nhỏ trước mặt ông. Tôi nghĩ đáng lẽ ông đã gây sự với tôi, cự nự việc tôi la mắng các con của ông. Nếu thế, chắc chắn tôi đã phải đôi ba lời phải quấy với ông. Nhưng việc đó bỗng trở thành không cần thiết. Tôi thấy hơi ngượng trước mấy câu nói của ông. Chúng tôi ngồi ăn tiếp mặc dù tôi bắt đầu thấy tiếc về sự to tiếng của tôi. Đúng lúc ấy thì một người đàn ông khác, cũng từ cái bàn ấy đến bàn của chúng tôi và cũng nói đôi ba lời giống hệt như người đàn ông trước đó. Và tôi cũng đứng dậy, nói với ông là tôi tiếc là đã (hơi) lớn tiếng với mấy đứa nhỏ.

Tôi ngồi xuống tiếp tục bữa tối, lòng nhẹ nhàng hẳn. Những người trong cái bàn ấy đi về. Những bực bội tan biến hết. Bữa tối bình yên trở lại cho "người thiện tâm".

Ít phút sau, ông chủ nhà hàng lại bàn chúng tôi và cho biết những người khách đó đã "mời" chúng tôi và đã trả tiền cho bữa tối của chúng tôi!

Tôi thấy nghẹn ở cổ. Những lời xin lỗi của hai người đàn ông ấy đã quá đủ, đã làm cho người đàn ông đáng tuổi cha chú của hai ông ân hận biết bao nhiêu về cái thái độ to tiếng đó. Hai ông không cần phải giáng thêm một đòn khác mà người đàn ông này không cách chi đỡ được.

Trong nhu đạo, tôi là người ra đòn. Đối phương đã không trả đòn, chỉ né nên đòn của tôi chỉ đánh vào thinh không. Một bàn tay làm sao vỗ thành tiếng.

Quê cùng mình và xấu hổ hết sức. Tôi không hỏi để biết tên hai ông để cám ơn hai ông. Nhu đạo là nhu thắng cương. Tôi ra đòn, hai ông dùng nhu khiến tôi thua liểng xiểng nhớ đời. Bài học thật khủng khiếp.

Thì ra vẫn còn nhiều người tử tế chung quanh chúng ta.