Saturday, 19 March 2016

Trao đổi Thư tín ngày 18.03.2016 - Hòa Ái, phóng viên RFA

000_8Q3VQ
Các nhà hoạt động đặt hoa và thắp hương tại tượng đài vua Lý Thái Tổ trong buổi tưởng niệm các tử sĩ Gạc Ma hôm 14/3/2016 tại Hà Nội.
 AFP photo
Trong mục “Trao đổi Thư Tín”, ý kiến của quý khán thính giả cùng độc giả chia sẻ với đài qua thư từ và trên trang Facebook sẽ do anh chị em trong Ban Việt ngữ đọc.
Một tuần qua ở trong nước quả là có quá nhiều sự kiện xảy ra. Hòa Ái nhận được chia sẻ của quý khán thính giả cùng độc giả Đài ACTD rằng tâm trạng của họ buồn vui lẫn lộn cứ đan xen nhau khi mỗi ngày mới trong tuần đón nhận các tin tức liên quan đến VN.
Hôm đầu tuần thứ Hai, 14 tháng 3, ngày kỷ niệm trận chiến Gạc Ma năm 1988, một trận chiến bi thương trong lịch sử của dân tộc khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm khu vực đảo ở Trường Sa khiến cho 64 binh sĩ VN bị thiệt mạng. Lần tưởng niệm thứ 28 những người lính đã hy sinh, dư luận trong và ngoài nước ghi nhận các cơ quan báo chí và các kênh truyền thông chính thống đăng tải nhiều thông tin về cuộc chiến mà chính những người trong cuộc nay còn sống cho rằng “họ đã bị lãng quên”. Hòa Ái mời quý thính giả cùng nghe tâm tình của những người lính trong trận chiến Gạc Ma năm xưa:
“Tôi là Trần Thiên Phụng, người đã tham gia trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988. Trận chiến Gạc Ma đó tôi thấy phía bên kia (Trung Quốc) có hỏa lực quá mạnh, trong lúc phía Việt Nam trong tay tấc sắt không có, vì thế anh em đồng đội của tôi đã hy sinh quá nhiều. Lúc ấy nhìn quân thù xả súng bắn vào đồng đội của mình, nhưng mình không được bắn trả lại, nên bây giờ vẫn bức xúc lắm.”
“Chỉ có một số ít gia đình có cuộc sống đầy đủ, còn hầu hết cuộc sống của anh em tôi hết sức khó khăn. Về sức khỏe thì có rất nhiều người bị bệnh tật, có một số đã chết, người còn sống thì một số mắc bệnh hiểm nghèo và số còn lại thì sức khỏe cũng đã yếu. Gia đình các liệt sĩ thì bố mẹ cũng đã rất già yếu, rất là thương. Chúng tôi có nguyện vọng muốn nhận mong muốn được sự quan tâm của xã hội về sự hy sinh và đóng góp của đồng đội chúng tôi, đồng thời dư luận xã hội cũng như thế hệ mai sau cần được biết nhiều hơn về sự hy sinh đó. Đây là sự hy sinh vì đất nước, vì tổ quốc. Mong muốn các chính quyền địa phương cần có sự hỗ trợ thực tế, như giúp cho con em họ có công ăn việc làm hoặc giúp đỡ cho thân nhân các gia đình đã có đóng góp.”
Hòa Ái hy vọng rằng ít nhất có một cựu chiến binh trong trận Gạc Ma của 28 năm về trước đang nghe chương trình hôm nay. Là một nhân viên làm việc trong đài phát thanh, Hòa Ái nhận thấy các thế hệ người Việt chưa bao giờ quên sự cống hiến của những người lính trong trận chiến này. Nhiều cá nhân và các tổ chức xã hội dân sự độc lập trong những năm qua vẫn làm lễ tưởng niệm các anh hùng đã ngã xuống trong các trận hải chiến ở Hoàng Sa và Trường Sa mặc dù gặp trở ngại, phá rối. Tuy nhiên ngày 14 tháng 3 năm 2016, dư luận đón nhận thông tin tốt lành như các buổi lễ tưởng niệm được diễn ra suôn sẻ, buổi chào cờ tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma của học sinh ở Sài Gòn được báo chí tường thuật và còn có nhiều tiếng nói yêu cầu Bộ Giáo Dục VN cần phải đưa 2 cuộc hải chiến Hoàng Sa-Trường Sa vào sách giáo khoa lịch sử.
hanhan-400
Hai người đàn ông lưới cá bên cạnh một đập ngăn mặn trên một con kênh đã gần cạn ở Sóc Trăng hôm 8/3/2016. AFP photo
Những ngày kế tiếp trong tuần quý vị cùng Hòa Ái lại đón nhận các tin tức không được tốt lành; nào là các tù nhân Lương tâm tại trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tuyệt thực, công an sách nhiễu những người đi thăm cựu tù nhân Trần Minh Nhật, hàng trăm công nhân đình công đòi quyền lợi, hơn 200 hộ dân ở quận Bình Tân- Sài Gòn bị cưỡng chế, rồi tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và ĐBSCL trầm trọng đến mức Chính phủ VN kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo khẩn cấp…
Nhưng thông tin gây chú ý nhất đối với dư luận cũng như khán thính giả cùng độc giả của Đài RFA liên quan đến tuyên bố của nhân viên Ban Giám sát, thuộc Tiểu ban An ninh của Hội đồng Bầu cử Quốc gia rằng có những tổ chức phản động đứng sau số người tự ra ứng cử Đại biểu Quốc hội hóa 14. Trước thông tin này, dư luận đặt ra câu hỏi ‘phản động’ là gì, ai là phản động?”
Tiếp tục chương trình, Hòa Ái trích đăng một số ý kiến của quý khán thính giả và độc giả gửi về đài:
“Phản động là bọn hành dân từ bệnh viện cho đến làm các thủ tục hành chính, bọn dựa vào luật để cướp tài sản của dân ngoài đường, là bọn tham ô tham nhũng làm nghèo hóa đất nước và dân tộc”.
“Phản động là một thế lực nào đó tự tách ra và đối đầu với nhân dân”.
Phản động là những tên đội lên đầu người bạn ‘4 tốt-16 chữ vàng’, là những tên khom lưng rước giặc vào nhà với cái gọi là ‘láng giềng hữu nghị’, là những tên đi bằng đầu gối cầu xin ân huệ của Trung cộng và cuối đầu nhận ‘chiếu chỉ’ để đàn áp dân mình”.
“Từ ‘phản động’ thường được dùng đối với những ai bày tỏ quan điểm không giống với chủ trương và đường lối lãnh đạo của Đảng CSVN”.
“Phản động là những người chống lại đại nạn tham nhũng và chủ trương quỳ lụy vào Trung Quốc của lãnh đạo VN”.
Qua các ý kiến gửi về đài cho thấy nhiều khán thính giả và độc giả bày tỏ sự phẫn nộ đối với lời cáo buộc của nhân viên thuộc Ủy ban Bầu cử Quốc gia. Họ cho rằng chế độ độc đảng lãnh đạo thì những ai có tiếng nói đối lập cũng là “thế lực thù địch”. Tuy vậy không lâu sau đó, dư luận lại đón nhận tin vui khi danh sách ứng cử viên ở Hà Nội và Sài Gòn được công bố có cả những ứng cử viên được đề cử lẫn ứng cử viên độc lập. Thính giả Thuy Nguyen Hoang viết trên Facebook RFA:
“Hoan nghênh Nhà nước mở rộng dân chủ bằng cách các công dân có quyền ứng cử tự do. Dĩ nhiên các ứng cử viên phải hợp pháp trong việc tranh cử và phải thật vô tư trong việc xét hồ sơ các ứng cử viên, không bị thiên vị cũng như thành kiến. Có như vậy nền dân chủ trong tương lai mới được mọi người dân thật sự tin tưởng”.
image-400
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một ứng cử viên độc lập cho kỳ bầu cử quốc hội sắp tới, tại một cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm 16/2/2014. AFP photo
Thính giả Bùi Tuấn Lâm nói lên nuyện vọng của mình:
“Mong sao những người không phải là đảng viên và có lòng với quê hương đất nước, họ hiểu được hiện trạng những bất công, có thể góp những tiếng nói. Bởi vì những Đại biểu Quốc hội đa phần là đảng viên Đảng Cộng sản thì họ luôn luôn thuộc về hệ tư tưởng duy ý chí và có một cách điều hành riêng”.
Và một cử tri trong nước chia sẻ:
“Tôi nghĩ đây là việc hết sức là tốt và cần thiết cho xã hội VN. Bởi vì chắc chắn 100% những ứng cử viên tự do này không phải là Cộng sản. Khi vào Quốc hội, những người này thật sự mang tiếng nói của người dân phản ánh đến cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Tôi cũng hy vọng nhà cầm quyền VN cũng nên để cho họ có những chương trình vận động một cách tự do và bầu cử một cách công bằng. Tôi tin chắc nếu để bầu cử một cách công bằng thì rất nhiều ứng cử viên tự do sẽ trúng cử vào Quốc hội. Khi các ứng cử viên tự do này trở thành Đại biểu Quốc hội thì tôi nghĩ là đất nước VN sẽ có thể chế dân chủ hơn và dân chủ thực sự chứ không phải là dân chủ giả tạo như hiện giờ đang có”.
Trong thời gian còn lại của chương trình, Hòa Ái trả lời các tin nhắn sau:
“Cô Hòa Ái ơi, số phone mở để nghe đài vẫn là số cũ hay đổi số mới rồi? Ngày hôm qua tôi mở còn được mà hôm nay tôi mở nghe không được”.
Kính thưa vị thính giả không nêu tên cùng quý thính giả nghe đài qua số điện thọai tại Hoa Kỳ, số điện thoại có sự thay đổi, hiện tại là số 424-203-8185. Quý thính giả vui lòng kiểm tra hợp đồng điện thoại với công ty cung cấp dịch vụ viễn liên quý vị ký kết vì đây không phải là chương trình miễn phí qua điện thoại.
“Sao dạo này các chương trình nghe đài trên Podcast, bị lỗi tải về. Quý đài có cách nào chỉ giúp tôi?”
Quý thính giả quý mến, Hòa Ái kiểm tra “Chương trình Podcast” trên trang nhà của Ban Việt ngữ vẫn hoạt động bình thường. Quý vị truy cập vào đường dẫn trang web:
Ở cuối trang chính, bên góc phải có 7 biểu tượng (icon), quý vị bấm vào biểu tượng thứ 5 có hình cây ăng-ten màu tím nhạt từ trái sang. Chương trình Podcast sẽ hiện ra với 2 đường dẫn dành cho chương trình phát thanh buổi sáng và chương trình phát thanh buổi tối riêng biệt. Quý vị có thể nghe các chương trình phát thanh qua 2 đường link này:
http://streamer1.rfa.org/archive/VIE/Vie2330UTC.php
Mục “Trao đổi Thư tín” đến đây xin tạm dừng. Hòa Ái kính mong quý khán thính giả và độc giả tiếp tục liên lạc với đài cũng như đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm. Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉvietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.