Saturday, 26 March 2016

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc 25-3-2016

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc

Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta


TIÊN HỌC CÁI... CỦ GÌ?

Trong thời buổi này mà còn lôi "Nhị Thập Tứ Hiếu" của Lý Văn Phức ra để dậy và bắt các học sinh phải học và làm theo thì nhất định là không còn thích hợp nữa. Ấy là chưa nói tới một số những tấm gương đẹp ấy còn có thể bị hiểu là những trường hợp bạo hành, ngược đãi, gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ là khác. Một số chuyện thì thấy có vẻ hề hơn là gương đạo đức. Như chuyện ông lão Lai nhẩy múa cho cha mẹ giải trí chẳng hạn. Thêm nữa, có cha mẹ nào nỡ để con ngồi cho muỗi cắn để muỗi tha cho cha mẹ, hay để cho con nằm trên băng đá để bắt cá cho mình ăn? Vậy thì đọc "Nhị Thập Tứ Hiếu" để giải trí, đọc cho biết là đúng nhất.

Nhưng "Gia Huấn Ca" của Nguyễn Trãi thì vẫn có thể đem ra dậy cho tuổi trẻ và đáng để cho tuổi trẻ noi theo. Phần lớn những điều dậy của Nguyễn Trãi dành cho nam cũng như nữ vẫn còn nguyên giá trị như khi Nguyễn Trãi đặt bút viết xuống hồi thế kỷ XV. Đó là những lời giáo huấn, răn dậy cho con trai, con gái lúc còn ở nhà với cha mẹ cho đến lúc trưởng thành, có vợ, có chồng, có con cái, những cách cư xử với vợ, với chồng, với các con... Những bài gia huấn viết bằng song thất lục bát ấy ngày nay vẫn có thể là những bài học hay và tốt đẹp cho tuổi trẻ.

Ở các lớp bậc tiểu học, ít nhất là trong những năm 1950 của tôi, trong số những bài học ở trường, có bài đức dục. Chúng tôi được dậy cách cư xử với anh em, bạn bè trong lớp, bổn phận đối với cha mẹ, ông bà ở nhà, thầy cô giáo ở trường, gặp người lớn phải thưa gửi, cung kính, thấy đám ma ngoài đường phải đứng lại, im lặng cúi đầu...

Ngày nay ở các trường học trong nước không dậy những điều như thế nữa. Nghe cách ăn nói xem cách cư xử, hành động của những thành phần được đặt cho một cái tên (khá mới đối với những người không ở Việt Nam đã lâu) là "trẻ trâu" hay "sửu nhi" thì người ta tin chắc là như thế.

Nhiều vụ xung đột có đánh nhau dữ dội xẩy ra trong lớp, ngoài sân, cổng trường hay trên đường đi học. Những vụ như thế thường diễn ra giữa các thanh thiếu niên tuổi trạc từ 11, 12 tới 15, 17. Đa số đều ăn mặc sạch sẽ, một số còn thắt khăn quàng đỏ, giầy dép cũng rất kiểu cọ. Nhưng bọn chúng đánh nhau cũng rất dữ dội. Đấm, đạp, đá vào mặt, vào bụng, vào lưng, lên gối, túm, giật tóc, dùng giầy dép quật vào mặt, vào đầu... Những đòn hay nhất của Thai boxing đều được đem ra dùng rất hào hứng và ngoạn mục.

Không chỉ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay mà thường chúng rất thích đánh hội đồng, có khi hai ba đứa đánh một, có khi là năm hay bẩy đứa đánh một như cảnh tố khổ thời cải cách ruộng đất, vừa đánh vừa chửi, dùng những thứ ngôn từ tục tĩu nhất, những câu chửi mà thường chỉ phát ra từ miệng của những người đàn ông hay lũ nam sinh vô giáo dục để xúc phạm tối đa mẹ của đối phương.
Mới đây có hai video clip (mà nhiều người trong nước gọi là "líp" hay "cơ líp") thu cảnh hai trận giao chiến giữa hai toán nữ sinh của hai trường trung học ở Huế là trường Trần Phú và Bùi Thị Xuân. Tất cả đều là nữ sinh võ nghệ cao cường và ra toàn những đòn ác liệt nhất. Phải nói thêm một chi tiết nữa ở đây, đó là tuy hai trận đấu đều diễn ra ở Huế, nhưng nghe kỹ những câu chửi thề thì người ta thấy ngay không phải là giọng của sông Hương và núi Ngự, mà là giọng tục tĩu và thô bỉ nhất của miền Bắc. Chao ôi, cái giọng Bắc của tôi sau khi bị làm xấu đi vì bị pha với những giọng của vài ba miền khác thì nay lại được đưa tới những vùng khác của đất nước với những nét thô tục, khốn nạn và mất dậy nhất.

Vì những nét rất dã man của cả hai vụ đánh nhau nên những báo trong nước đều tường thuật kỹ và các giới chức giáo dục cũng vào cuộc để có biện pháp kỷ luật. Nhưng đáng ghi nhận nhất ở đây là những nhận xét của cô hiệu trưởng Phạm thị Ngọc Tâm trường Bùi Thị Xuân về vụ các học sinh của trường đánh nhau. Sau vài lời như để trốn trách nhiệm cho trường như đại khái chuyện đánh nhau diễn ra ở ngoài khuôn viên của trường và sau giờ học, cô hiệu trưởng còn đưa ra thêm nhận định nguyên văn như thế này: "Đây là tuổi mới lớn, nếu các em không đánh nhau, không xích mích nhau thì các em không bao giờ năng động được."

Như thế, theo lời của cô hiệu trưởng, người có nhiệm vụ dậy dỗ các em, thì các em cần phải đánh nhau đều đều. Càng đánh nhau nhiều thì càng tốt. Không đánh nhau là không tốt. Các em đang tuổi lớn. Phải đánh nhau mới phát triển được, mới năng động được, mới trở thành những người khá trong xã hội được, mới nên người, mới hữu ích cho mai sau được.

Thì ra vậy. Nhưng các em không chỉ đánh nhau thôi, mà ngay cả thầy cô nếu lạng quạng, các em cũng ra tay, ngay ở trong lớp, trên bục giảng như một video clip thu được cách đây không lâu tại trường trung học phổ thông Nguyễn Huệ, Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định. Một giáo sư trẻ tên là Trần Anh Tuấn 23 tuổi dậy môn hóa học đã nặng tay với một nam sinh bằng mấy cái tát. Lập tức, một nam sinh khác liền chạy lên bục và tấn công ông giáo sư trẻ đó bằng mấy đòn rất nặng. Nội vụ diễn ra ở ngay trong lớp trước tấm bảng xanh và dưới một khẩu hiệu nhắc nhở các học sinh bằng hàng chữ lớn mà video clip cũng ghi lại được rất rõ: "HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH".

"Nhị Thập Tứ Hiếu" của Lý Văn Phức và luôn cả "Gia Huấn Ca" của Nguyễn Trãi là... cút xéo, là đi chỗ khác chơi cho được việc.
Đạo đức của Hồ Chí Minh mới đáng học tập và làm theo ở trong lớp cũng như ngoài đời! Bác đã dậy, cô đã bảo mà!


Vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay! Tiên phải học lấy tất cả những trò mất dậy và khốn nạn nhất. Còn hậu học cái... củ gì thì có gì quan trọng đâu.