Monday, 11 April 2016

Sau đôi tai đến cục gạch sưởi của Nguyễn Tất Thành!

Nếu muốn người ta tin những điều dối trá, cần phải hội một hay nhiều những điều kiện sau:

Mạo hóa, bịa chế

- Chuyện bịa phải dựa trên một điều có thật, hợp lý 100%, rồi thêm thắt hoa lá cành vào theo điều muốn lừa.
- Chuyện bịa phải thật lớn, không thể kiểm chứng và suy luận bình thường được, vì vượt qua tầm nhìn, tầm suy luận và phối kiểm của đa số trong xã hội.
- Chứng thật và chứng gian đan kỹ khéo léo với nhau
- Càng nhiều tưởng tượng, mơ mộng thần kỳ đan khéo với hoa, lá, cành đánh vào đầu óc tự tôn hay tự ti dân tộc, chạm đến thân phận bị đè nén, hất hủi, ngược đãi mà vẫn muốn ngoi lên càng tốt.

Phổ biến, tuyên truyền

- Dùng trung gian những người được tin tưởng để phổ biến đến đám đông những điều đã lừa được người đó
- Dùng tình cảm che lý trí
- Tung hỏa mù làm rối ren suy luận của đám đông
- Dùng một đám đông đã "thuần tín" (hay "sùng tín") để tạo phản ứng "bày đàn"
- Thuần hóa trí thức trước và sau đó dùng trí thức và cán bộ "thuần hóa" đám đông (bằng dụ dỗ, giáo dục cải tạo, phản ứng có điều kiện...)
- Lập đi lập lại những điều dối trá.
- Hoan hô, khen thưởng ai đồng ý, hò hét, dọa nạt, cưỡng chế ai tỏ vẻ ngờ vực, không tin, hoặc "lờ tờ mờ" đứng ngoài
- Thông tin một chiều

Tiêu diệt nhân chứng, vật chứng

- Hủy (tiêu diệt) đi mọi nhân chứng dẫn, vật chứng đến sự thật; và sau đó có thể giả mạo điều mới thay vào
- Cắt đi đường dây suy luận; và sau đó có thể giả mạo điều mới thay vào
- Hủy mọi dấu chỉ để dẫn đến sự thực; và sau đó có thể giả mạo điều mới thay vào
- Dùng khủng bố để làm im những tiếng nói nghi ngờ, phản biện. Chụp mũ phản bội, gián điệp, điên rồ...

"Vạn tuế" hóa những lừa bịp

- Thánh hóa một lãnh tụ và gán cho lãnh tụ đó những lời chứng gọi là chân lý.
- Dùng quyền lợi, ganh tị, hận thù để cô lập hóa những nạn nhân rồi có thể làm biến mất.
- Càng để lại ít  tang chứng càng tốt.
- Gây sợ hãi về điều mới lạ, niềm tin mới... có thể đem đến sự thực.
- Tạo thành một công tác tối quan trọng để chỉ lo mạo hóa, tuyên truyền và bảo vệ (bao gồm hủy diệt 
- Giáo dục, thông tin một chiều, và nhồi sọ những điều được cho là "tư tưởng, chân lý, hướng đi, kinh điển" và gán nó vào phần danh tính, tâm linh, niềm tin của một tập thể 
...

0o0

Tuy nhiên, những điều trên coi như thất bại hoặc khó mà thành công, trong một xã hội mà dân trí cao, thông tin minh bạch, tự do ngôn luận, giáo dục trong sáng tự do, thiểu số được tôn trọng và bảo vệ bởi một bộ phận gồm 3 thành phần (tam quyền phân lập) được đa số bầu, và một lực lượng báo chí tự do, cùng sự độc lập của trí thức và các ngành giáo dục. Có nghĩa là:

- Thông tin và ngôn luận được tự do, được luật pháp bảo vệ cũng như ấn định

- Quân đội và các cơ quan an ninh độc lập nhưng bị kiểm soát chặt chẽ bởi quốc hội.
(Khi kiêm nhiệm cần có quốc hội và ủy ban kiểm sát thông qua và quyết định cho phép chỉ dưới dưới một hoàn cảnh đặc biệt và ngắn hạn)

- Những cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp đều phải độc lập, phân quyền và minh bạch, do dân kiểm soát qua quốc hội, báo chí, và các cơ quan dân sự.

- Quyền tự do có nghiệp đoàn, cơ quan dân sự...

- Hoàn toàn không phân biệt tôn giáo, giới tính, quan niệm chính trị, giai cấp... Mọi người đều bình đẳng trong xã hội.

0o0

Người Việt hải ngoại, sống tại Mỹ, Canada, Úc, Tây Âu, Nhật, Tân Tây Lan... coi như hội đủ những điều kiện để thoát khỏi cái ách lừa bịp của thông tin. Vấn đề tin và theo cộng sản không còn là bị bịp mà là tình nguyện theo, có nghĩa chính những người đó đã chọn chỗ đứng chung và đồng hành với những người CSVN.

Ở VN, càng ngày càng có nhiều người đã ý thức về những "quả lừa" trên hai nhân vật Hồ Chí Minh và Nguyễn Tất Thành.

Sau đây là một bài đã được "viết lách" về một "chi tiết" dùng để lừa người, đó là: Chuyện viên gạch của Nguyễn Tất Thành, mà người ta cố lẫn với thiếu tá Hồ Quang, hay Hồ Chí Minh:

Chuyện viên gạch sưởi của Bác Hồ

Hình minh họa: Tiết kiệm chi phí sưởi ấm với gạch chịu nhiệt
Nguồn: Ở đây
Câu chuyện về viên gạch sưởi của Bác Hồ thì hầu hết người Việt Nam ai cũng từng được nghe. Nó cũng gắn liền với câu thơ "Một viên gạch hồng, bác chống lại cả mùa băng giá" của nhà thơ Chế Lan Viên. Theo cách câu chuyện được viết ra thì có vẻ tác giả là một người không mấy hiểu biết về viên gạch sưởi cũng như cuộc sống ở nước Pháp, Châu Âu, thời xưa, điều này có thể cho thấy người viết ra câu chuyện đó không phải là Bác Hồ (người trực tiếp sống trong hoàn cảnh đó). Có thể là tác giả được nghe ai đó kể rồi viết lại.

Ban đầu mới nghe chuyện viên gạch sưởi thì tôi cũng chỉ nghĩ đó là mẹo chống rét của một số dân nghèo, sau này tìm hiểu thì mới biết đó là một cách sưởi ấm rất phổ biến và có từ lâu ở Châu Âu và Mỹ. Lý do là vì trước kia lò sưởi chưa được tốt nên chi phí sưởi ấm rất đắt, ít người có thể ở nhà có lò sưởi, đa phần người ta phải dùng những cách đơn giản như vậy để sưởi ấm khi đi ngủ hoặc thậm chí là cả khi làm việc. 

Trong cuốn sách The House Book: Or, A Manual of Domestic Economy for Town and Country, một cuốn sách hướng dẫn nội trợ ở Mỹ do tác giả Eliza Leslie viết năm 1844 có đoạn mô tả về việc nung nóng gạch, cuộn nó vào quần áo cũ dầy, rồi mang lên giường đặt ở phía chân để ngủ cho ấm như sau:
A bed may be kept warm much longer by heating a brick in the oven of stove, wrapping it up closely in a large, thick, old cloth, folded several times round the brick to prevent its burning the sheets, and putting it into bed near the foot, seeing that it is too hot.
Cách sưởi ấm này rất từng phổ biến ở Châu Âu và Mỹ. Nhiều vùng ở Châu Âu người ta vẫn bán những viên gạch nung nóng cho những người buôn bán ở chợ, hoặc những người nghèo không có lò sưởi, để sưởi ấm. Sau này, khi lò sưởi tốt hơn và chi phí sưởi ấm rẻ đi cũng như các công cụ giữ nhiệt khác được phát minh ra thì nó ít được dùng hơn, nhưng nó vẫn tồn tại. Tờ tạp chí New York số 26 tháng 11 năm 1973 vẫn khuyên độc giả của họ nung nóng gạch rồi đặt lên giường ngủ cho ấm
8. Bricks: Heated in the oven and placed at the bottom of your bed, real bricks are good socks supplement (or substitute), according to Pennsylvania Dutch tradition. Buy them at a refractory, or get them free in the rubble of the red brick building that was just demolished on 23rd Street, between Fifth and Sixth Avenues.
Đoạn văn trên rất đặc trưng kiểu Mỹ, không chỉ mách độc giả về việc dùng gạch nung nóng để sưởi ấm mà còn chỉ cho độc giả chỗ mua (nhà máy gạch) hoặc nhặt ở chỗ tòa nhà mới bị đập bỏ trên phố số 23. Tác giả nói rằng đây là theo truyền thống của người Hà Lan ở vùng Pennsylvania, tức là truyền thống của người Châu Âu mang sang từ thời di cư. 

Khi mà chi phí sưởi ấm trở nên đắt đỏ, những người Mỹ muốn sống tiết kiệm vẫn mách nhau cách đặt những viên gạch vào bếp khi đun nấu thức ăn và dùng những viên gạch đó để sưởi ấm, nhằm giảm bớt chi phí sưởi ấm. Thậm chí những bà hay làm từ thiện còn nung nóng gạch để đem phân phát cho những người vô gia cư, giúp họ sống sót qua đêm mùa đông phương bắc lạnh giá.

Hầu hết những người sau này không trải qua cuộc sống ấy thì không biết viên gạch sưởi đó là gì. Ở Châu Âu lúc đó lò sưởi đã được phát minh, để lò sưởi không bị thoát nhiệt nhanh thì người ta phải xây bằng loại gạch chịu nhiệt (firebrick). Gạch dùng để sưởi ấm chính là loại gạch dùng để xây lò sưởi. Loại gạch này chịu được nhiệt độ cao và có khả năng giữ nhiệt lâu, một số vùng người ta còn dùng soapstone nung nóng để sưởi ấm trên giường ngủ, song soapstone thì không phổ biến bằng gạch chịu nhiệt. Gạch có lẽ là được nung khoảng 400 độ và khi được bọc gói kỹ lưỡng sẽ giữ nhiệt được khoảng 5-7 tiếng đồng hồ, tức là đủ cho một giấc ngủ đêm.
Hình minh họa: Đá soapstone dùng để sưởi ấm
Nguồn: Esty
Vào thời Bác Hồ sống ở Châu Âu thì người ta đã sản xuất ra những viên gạch chuyên dùng để sưởi ấm, hình dạng cũng giống viên gạch nhưng làm bằng sứ, hiện giờ vẫn còn được rao bán trên mục đồ cổ của trang Ebay. Loại phổ biến nhất ở Châu Âu là Chauffeuse của Pháp. Viên gạch sưởi mà Bác Hồ dùng, hiện đang được trưng bày ở bảo tàng có lẽ là loại Victorian của Anh.
Hình minh họa: Gạch sưởi Chauffeuse của Pháp
Nguồn: Esty

Hình minh họa: Gạch sưởi Victorian của Anh
Nguồn: Ebay
Hình minh họa: Gạch sưởi Alsace kích thước 23x12cm của Đức
Nguồn: Rubylane

Như đã nói ở trên, câu chuyện viên gạch sưởi của Bác Hồ là do người không hiểu gì về cuộc sống ở Châu Âu thời đó viết lại nên có nhiều chi tiết rất xa lạ, ví dụ như chiếc nệm, bọc viên gạch bằng giấy báo cũ, đặt viên gạch dưới gầm giường hay dưới lưng, đặt nhờ viên gạch ở lò sưởi của bà chủ nhà hay bếp của khách sạn. Toàn bộ câu chuyện thực ra rất đơn giản. Thời đó nhà không có lò sưởi rất phổ biến, nệm cũng chưa có, những người nghèo chủ yếu sống trong những phòng không có lò sưởi. Mỗi sáng khi đi làm, họ sẽ đưa cho chủ nhà một viên gạch sưởi, vào buổi chiều khi chủ nhà nấu nướng hoặc đốt lò sưởi buổi tối thì sẽ đặt viên gạch của họ vào lò cho nóng. Khi những người thuê nhà trở về vào buổi tối thì họ sẽ lấy viên gạch bọc kỹ nó bằng quần áo cũ hoặc giấy báo rồi để lên giường, về phía chân, để ngủ cho ấm. Việc nung nóng gạch giống như một dịch vụ thường ngày mà chủ nhà cung cấp thêm cho những người thuê nhà vậy, nếu chủ nhà không làm thì những người thuê nhà sẽ phải mua những viên gạch nung nóng từ người chuyên bán gạch sưởi ở gần đó, hoặc cũng có thể là chính chủ nhà bán dịch vụ nung nóng những viên gạch ấy. Việc này hoàn toàn là một sinh hoạt thường ngày phổ biến ở Châu Âu, không có gì lạ lùng với người dân thời đó.

Nhưng có một chuyện thú vị hơn nữa, hiện giờ vẫn còn có những người Mỹ hỏi nhau rằng "Did your brick stay warm?". Với thế hệ hiện tại có lẽ câu đó hoàn toàn là vô nghĩa. "Gạch của anh có ấm không?" là một câu vô nghĩa. Nhưng đó là một câu thành ngữ liên quan đến gạch sưởi. Trước đây, nhiều gia đình người Mỹ sống theo triết lý khắc khổ và thanh đạm vẫn cho rằng đốt lò sưởi vào đêm mùa đông là lãng phí và tội lỗi, thế nên buổi tối khi đốt lò sưởi thì họ đặt những viên gạch sưởi vào đó, khi đi ngủ thì họ đặt viên gạch nung nóng được quấn kỹ vào giường và tắt hết lò sưởi đi. Sáng hôm sau, bên bàn ăn sáng họ sẽ hỏi nhau "Did your brick stay warm?", câu đó có nghĩa là "Anh ngủ có ngon không?", bởi vì viên gạch tỏa hơi ấm suốt đêm sẽ giúp anh ngủ ngon. 


TP HCM, ngày 13 tháng 3 năm 2011

Kính chào Bác,

Thưa Bác, cháu là Nguyễn Văn Nếu, thành viên của một tổ chức trên Phây Búc có tên TẬP HỢP THANH NIÊN TRUNG THÀNH VỚI TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH. Trước tiên, cháu xin kính gởi Bác lời chào cộng sản thân ái và thắm tình đồng chí nhất.

Thực hiện theo cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cháu quyết lần này thực hiện hết mình. Và nhất là theo lời của một vị giáo sư sử học khả kính, cháu luôn kiên định rằng học Bác thì không được nói suông, nói chung chung... và học tập Bác để làm "Tất cả trong một".

Vì vậy, cháu đã tự hứa với mình là chỉ một mình cháu thôi, cháu sẽ không nói suông, mà thực hành, làm đúng như tất cả những gì Bác đã làm.

Nhưng thưa Bác, khó quá ạ! Việc nào cũng khó!

Thứ nhất, do tình hình thời nay đã khác, nên cháu không thể nào lên tàu viễn dương để đi nước ngoài như thời Bác khi xưa. Cháu có đến Cảng Sài Gòn xin các tàu thuỷ vận tải ở đấy cho phép cháu lên để đi Pháp một chuyến, nhưng liền bị từ chối và đuổi về vì cháu chưa có thị thực do Pháp cấp. Cháu quyết tâm đến Lãnh sự quán Pháp để nộp đơn xin visa thì bị từ chối vì cháu không có ai bảo lãnh để đi xuất khẩu lao động như Bác đã đi khi xưa.

Nhưng học việc này không được, cháu liền học việc khác của Bác.

Cháu được biết Bác lúc làm anh Ba trên tàu viễn dương đã bị sóng to đánh trúng một lần. Bác bị ngã và nhanh tay bám được vào một chồng dây xích nằm trên boong tàu. Làm theo gương Bác, cháu đã thử vờ té vài lần trên một mảnh ván nằm nghiêng giả làm boong tàu, nhưng vẫn không tài nào chụp được chồng dây xích nằm ngay cạnh đấy. Thưa Bác, chẳng may mà đi biển thật, sóng đánh trúng cháu thì chắc là cháu sẽ làm mồi cho cá mập ở Ấn Độ Dương rồi, và không thể nào đến Paris được. Bác vĩ đại quá ạ.

Cháu vẫn không nản, và quyết làm theo lời Bác một lần nữa. Lần này, cháu cố học Bác về việc dùng viên gạch hồng đặt dưới gầm giường để sưởi ấm trong mùa Đông ở thủ đô Luân Đôn của nước Anh. Ở TP HCM thì không thể có mùa Đông lạnh giá, nhưng cháu không bỏ cuộc. Cháu đã nghỉ ra cách mở máy lạnh trong phòng ngủ xuống mức thấp nhất là 17oC, và xuống nhà dưới nướng một cục gạch trên bếp ga trong 1 giờ đồng hồ để viên gạch hồng lên giống như mô tả trong chuyện kể về Bác.

Cháu làm đúng theo hướng dẫn là bọc viên gạch vào 1 tờ báo để mang vào phòng ngủ. Xin thưa Bác là khó quá, 1 tờ báo thì không thể nào bọc được viên gạch đang nóng đỏ. Cháu đã thử mấy lần, khi thì tờ báo bị cháy, lần thì cháu gập lại nó 4-5 lớp mà hơi nóng vẫn xuyên qua báo làm phỏng tay cháu. Có lẽ là tờ Tuổi Trẻ nhỏ hơn và mỏng hơn tờ Người Cùng Khổ của Bác khi xưa... Mỗi lần mang đi không thành công như vậy, viên gạch không còn hồng nữa, nên cháu phải nướng nó lại mấy lần.

Lần thứ 8, cháu nhanh trí không dùng giấy báo nữa, mà úp viên gạch vào một cái nồi to. Thế là cháu cầm cán nồi và mang cả nồi cùng gạch vào phòng mà chẳng bị phỏng tay. Cháu phải kính phục Bác là chỉ 1 tờ báo mà Bác bọc được cả viên gạch hồng, mà gạch Tây thì to hơn gạch Việt Nam đến mấy lần, thế mà Bác không phỏng tay. Bác vĩ đại quá ạ.

Cháu để viên gạch cùng nồi xuống dưới gầm giường, nhưng vì viên gạch cách xa với nệm giường của cháu quá và không đủ ấm, nên cháu dùng thêm một cái ghế nhỏ để nâng viên gạch lên cao cho gần giường hơn. Lần này thì có ấm hơn thật. Nhưng Bác ạ, vấn đề là chỉ ở 17oC mà đã làm viên gạch hồng của cháu mất hết nhiệt và lạnh ngắt trong vòng 1 giờ đồng hồ. Sau đấy cháu rét quá, nên phải chạy xuống bếp nướng viên gạch lại thêm 30 phút, rồi cho vào nồi, mang viên gạch lên bỏ xuống dưới gầm giường 1 giờ. Viên gạch nguội, cháu lại chạy xuống bếp nướng tiếp... Cả đêm, cháu chẳng ngủ được gì.

Bác vĩ đại quá, Bác chỉ nướng một viên gạch mà có thể sưởi ấm suốt đêm trong thời tiết lạnh dưới 0 độ C, thì chắc chắn là viên gạch đấy phải to lắm, nặng lắm Bác nhỉ. Viên của cháu nặng 2kg, mà chỉ ấm 1 giờ ở 17 độ C. Viên của Bác chắc phải có đến ít nhất 20kg thì mới có thể ấm suốt đêm 7 giờ trong nhiệt độ 0 độ C. Bác khoẻ quá, mang được cả viên gạch 20kg. Lò nướng ở chỗ Bác làm to quá, cả cục gạnh to thế mà lại lại nằm gọn trong đấy, và nóng đỏ hồng.

Cháu chỉ có một thắc mắc nhỏ là làm thế nào Bác mang viên gạch nóng đỏ 20kg mà chỉ bọc trong 1 tờ giấy báo được ạ. Bác vĩ đại quá. Nếu là cháu, cháu đành chịu, vì nhà cháu không có nồi nào to đủ để đựng 20kg gạch.

Cháu cũng cố học theo gương Bác trong nhiều việc khác, nhưng việc nào cũng khó, cũng có vấp váp, cũng không thành công. Bác vĩ đại quá, đã làm được bao chuyện khó nhọc vượt quá sức của người bình thường.

Nhưng cháu hứa với Bác là cháu sẽ làm được một việc thành công theo gương Bác. Đấy là cháu sẽ không lấy vợ, và nhất quyết không sinh em bé nào.

Thưa Bác, nhưng cháu có được phép yêu không ạ?

Cháu xin kính chúc Bác yên giấc ngủ trong Lăng ạ.

(Tú Nếu, 3/2011, x-cafevn.org)