Saturday, 18 June 2016

Hillary Hay Trump? - Vi Anh

Một, phân tích Bà Hillary Clinton trước theo kiểu xã giao “nịnh đầm” (galanterie) của Pháp. Theo thống kê của hãng thông tấn AP, Bà Hillary Clinton đã đạt con số thần kỳ 2.383 đại biểu cần thiết để giành quyền được đảng Dân chủ đề cử tranh cử tổng thống. Theo AP, bà Clinton đã bỏ ông Sanders ở khoảng cách khá xa. Và Bà là người gây quỹ nhiều nhứt, một phương tiện vô cùng cần thiết để tranh cử ở Mỹ, nơi người ta nói, không có tiền thì đừng làm chánh trị, sẽ uổng công.

Nhưng Ông Sanders đã phớt lờ những con số tổng kết về phiếu đại biểu mà các cơ quan truyền thông đưa ra. Những đại biểu hứa ủng hộ Bà có quyền, có thể thay đổi ý kiến trước đại hội đảng. Ông cương quyết không bỏ cuộc, thậm chí tuyên bố tiếp tục đấu tranh vào phút chót tại đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, dù TT Obama tuyên bố ủng hộ Bà. Nhưng Bà cũng đang bị hai cái mô rắc rối pháp luật lớn là vụ dùng email cá nhân trong khi làm ngoại trưởng và vụ thiếu trách nhiệm gây cái chết của một đại sứ Mỹ ở Libya và khai gian trước Uỷ ban Quốc Hội

Bà Hillary mới dẫn đầu trong Đảng Dân Chủ, nhờ đi trước cấp tiểu bang như thời Bà tranh cử với TNS Obama, lúc nào Bà cũng đi trước từ bầu cử sơ bộ đến thăm dò. Nhưng khi đại hội Đảng, Bà thua ứng cử viên Dân Chủ Obama một cách áp đảo. Bà phát khóc, không dè.

Nhiều dấu chỉ cho thấy trên con đường chạy đua vào Toà Bạch Ốc với ứng cử viên Công Hoà, trong cuộc tổng tuyển cử, cử tri được quyền bỏ phiếu không cần đảng tịch, Bà rất mệt với ứng cử viên đối lập Trump.

Bà bị rất nhiều thế kẹt. Dân chúng Mỹ nói chung, cử tri năm 2016 nói riêng, không dễ gì dành lá phiếu cho Đảng Dân Chủ làm tổng thống ba nhiệm kỳ. Obama hai, Bà một hay hai nếu tái đắc cử. Khó có thể để nhà Clinton Hillary làm tổng thống 4 nhiệm kỳ. Bà Hillary sẽ bị cái bóng quá nặng của TT Clinton đè, khó tự chủ được. Nếu Bà Hillary đắc cử, đất nước và nhân dân Mỹ phải nằm dưới chánh quyền Dân Chủ cả thảy 16 năm, vì thường thường tổng thống đương nhiệm có nhiều ưu thế về tiền, quyền để tái đắc cử. Lịch sử công quyền và bầu cử Mỹ ít có tiền lệ lão làng như thế.

Và để vô tư phần nào, xin lấy ý kiến của một nhà báo Anh, Katty Kay người dẫn chương trình BBC Thế giới vụ phân tích về Bà, trong bài “Vì sao phụ nữ không háo hức về bà Clinton?” “Sau 42 vị tổng thống (với 41 người là da trắng), Mỹ chưa từng có phụ nữ nào nắm giữ vị trí quyền lực nhất thế giới… Một nữ tổng thống là chuyện mới, Hillary Clinton thì không. Điều đó có lẽ giải thích vì sao nhiều cử tri cũng không mấy phấn chấn. Mấy tuần vừa rồi tôi trò chuyện với nhiều phụ nữ ở đây và đặc biệt đáng chú ý là phụ nữ trẻ dường như chỉ tỏ thái độ đón nhận tin ứng viên tổng thống của bà Clinton bằng cái nhún vai… “Bà ấy là tin mới đã cũ”, “bà ấy già rồi”, “bà ấy cứng nhắc”, “bà ấy cũng chỉ là một chính trị gia bình thường”, “bà ấy xuất hiện đã quá lâu rồi”, “bà ấy không kết nối với chúng tôi.”… “trong số những phụ nữ chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho Hillary, và thậm chí trong số những phụ nữ chắc chắn sẽ góp tiền cho chiến dịch của bà, điều tôi nghe được gần như là cảm giác hối tiếc khi họ không thấy phấn khích hơn vào lúc này.”

Hai, tiếp theo là Ô Donald Trump [DT]. DT là một ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hoà, người dẫn đầu và người duy nhứt còn lại trong hơn một tiểu đội 16 chuẩn ứng cử viên đã rút lui. Sự vươn lên trong hàng ngũ ứng cử viên Cộng Hoà, sự vượt qua những cái mô của các lãnh tụ chánh trị lão làng của Đảng Cộng Hoà để trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hoà tưởng như là một trò đùa nhưng đã biến thành sự thật. Sự thật là tỷ phú Donald Trump, ăn nói không nể ai, chỉ trích, chê bai những chánh trị gia chuyên nghiệp lão làng sống và làm việc như giới quí tộc, mất quan điểm quần chúng. Ông cũng đả phá những định chế lỗi thời của Cộng Hoà, Dân Chủ. Và Ông đã trở thành ứng cử viên có thể đắc cử tổng thống Mỹ 2016.

Ông Trump đã kiếm được 1.361 phiếu, vượt xa mức tối thiểu 1.237 phiếu theo luật định để có thể trở thành ứng cử viên tổng thống đại diện cho đảng Cộng hòa. 

Viên chức chót Cộng Hoà rất nguyên tắc, chức trọng quyền cao trong Quốc Hội Mỹ, đang làm Chủ Tịch Hạ Viện đã gặp Ông và đã tuyên bố ủng hộ Ông đại diện cho Đảng Công Hoà để giành lại Toà Bạch Ốc, không cho Bà Hillary Dân Chủ tiếp tục làm chủ Toà Bạch Ốc.

Ông Trump vượt qua cửa ải Đảng Cộng Hoà, thắng những lãnh tụ lão làng Cộng Hoà, là nhờ người dân Mỹ, cử tri Mỹ bất mãn. Bất mãn 8 năm làm tổng thống của Ô. Obama. Bất mãn dàn dân biểu, nghị sĩ Dân Chủ lẫn Cộng Hoà trở thành "đảng cử dân bầu”, mất quan điểm quần chúng, xa rời quần chúng. Ông nói lên được, Ông nói dùm, đúng tim đen của dân chúng Mỹ.

Ông nói thẳng, nói thật, không lựa lời, nói tiếng nói bình dân, dùng chữ dễ hiểu, đưa ra những giải pháp cụ thể. Như TC thao túng tiền tệ, cướp việc làm của người Mỹ, Ông nói sẽ trị TC bằng cách tăng 40% thuế trên hàng hoá của TC. Ông chủ trương cấm dân Hồi Giáo vào Mỹ để tránh khủng bố, biện pháp là xây tường theo biên giới. Ngay sau vụ xả súng trong hộp đêm Pulse ở TP Orlando, tiểu bang Florida hôm 12 tháng 6, làm 50 người Mỹ chết, 53 bị thương, Ô. Trump viết trên Twitter rằng, ông “đã đúng về chủ nghĩa khủng bố liên quan đến Hồi giáo cực đoan”. Ông nói những gì xảy ra ở Orlando chỉ mới là khởi đầu. Lãnh đạo của chúng ta quá yếu đuối và thiếu hiệu quả.

 Tổng thống Obama không chịu nói ra từ "Hồi giáo cực đoan". Chỉ với lý do đó, ông ta đã nên từ chức rồi.

Còn với bà Hillary Clinton, nếu sau vụ tấn công mà bà ta vẫn không nói "Hồi giáo cực đoan" thì bà ta cũng nên rời khỏi cuộc đua làm tổng thống.

Đảng Cộng Hoà, chánh quyền Dân Chủ chỉ trích Ông không biết chánh trị, dốt ngoại giao, quân sự, không thể làm tổng thống. Nhưng thăm dò và kết quả bầu cử sơ bộ cho thấy cử tri Mỹ, dân chúng Mỹ ủng hộ chủ trương của Ông, tán đồng quan điểm bị coi là cực đoan phi chính trị của Ông.

Ông vạch ra cái phi lý, cái bất công của chánh quyền Dân Chủ đã lấy tiền thuế của lớp trung lưu Mỹ còng lưng ra đóng rất nặng và cao, lấy quá nhiều để dồn giúp dân nhập cư bất hợp pháp hầu tạo cảm tình, kiếm phiếu cho Đảng Dân Chủ. Chánh quyền mị dân sợ mất phiếu đến nổi không dám chính danh gọi họ là dân nhập cư lậu, mà gọi là không giấy tờ, và dùng sắc lịnh dể họp thức hoá, qua mặt quốc hội, cả chục triệu người. Khiến tầng lớp trung lưu càng ngày càng suy giảm, teo lại dù đó là tầng lớp động lực của sự phát triển, tiến bộ và ổn định của xã hội Mỹ của nước Mỹ.

Sưu khảo 2015 của Trung tâm nghiên cứu Pew chỉ rõ tầng lớp trung lưu Mỹ đã bị co rút lại phân nửa, khoảng 61% so với hồi cuối thập niên 1960. Kinh tế Mỹ suy giảm đã làm gia tăng đáng kể các vụ ly dị, tình trạng nghiện rượu, sử dụng ma túy và tự tử. Ông Trump là người mạnh dạn nói lên cái phi lý và bất công ấy cho tầng lớp trung lưu, một cách cụ thể và rõ ràng, khác Bà Hillary thuộc tầng lớp thượng lưu giàu có.

Trong cuộc bầu cử sơ bộ tại California đông dân nhứt nước Mỹ, thành trì của đảng Dân Chủ, Ô. Trump được tỷ lệ 76,7%, cao hơn hẵn Hillary Clinton chỉ được tỷ lệ 54,6%.

Vi Anh