Saturday, 18 June 2016

THƯ CHO BỐ

alt

THƯ CHO BỐ  

Bố kính yêu của con.

Thực ra con đã muốn viết những hàng chữ này từ rất lâu nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Dù bây giờ bố đã không còn hiện diện trên cõi đời này, đã thoát ra khỏi những đau khổ dằn vặt mà mọi người đã đem lại cho bố, nhưng con nghĩ bố vẫn đang ở trên cao nhìn xuống, và đọc được những ý nghĩ của đứa con khờ khạo này, phải không bố kính yêu của con? Từ những ngày con vừa tròn sáu tuổi rưỡi thì hình ảnh Bố thời điểm đó đã cho con nhiều ấn tượng đặc biệt. Ngày ấy, Bố vừa từ trong trại tù Cộng Sản trở về với thân thể tàn tạ gầy ốm và xanh xao. Dù con đã được mẹ dắt đi thăm bố nhiều lần, nhưng sự trở về đột ngột của bố vẫn cho con cảm xúc lớn khi gặp lại bố ở khung cảnh khác ngoài trại tù. 

            Cả xóm ùa ra đường đón mừng bố, la to “ Cô P ơi, chú về rồi nè”, khiến hai anh em con đang đá banh trước sân nhà mồ hôi nhễ nhại đầy người cũng giật mình ngơ ngác như gặp phải… ma!  Người chở bố về tận cửa nhà là chú đạp xích lô xa lạ nhất định không lấy tiền công, chỉ xin ly nước uống. Mẹ chạy vội ra cửa nhìn bố sững sờ đến đánh rơi cả rá gạo đang nhặt thóc sạn dang dở, rồi cất tiếng khóc òa. Bố tiến lại choàng tay ôm mấy mẹ con con rồi cũng nghẹn ngào với khuôn mặt đầm đìa nước mắt. Cả nhà mình cùng khóc làm mấy bác hàng xóm cũng rơi nước mắt mếu máo theo.  Hình ảnh ấy vẫn còn mãi trong lòng con, đứa con được sinh ra trong thời điểm đất nước Việt Nam gặp cơn quốc biến. Bố vào tù đến mấy tháng sau con mới được nhìn thấy cuộc đời, mẹ một mình xách giỏ quần áo đến nhà Bảo Sanh để sinh con, rồi suốt mấy ngày mẹ nhớ bố nằm ôm con khóc đến sưng mắt khi nhìn cảnh gia đình người khác đông đảo thăm nom, trong khi mẹ chỉ lủi thủi có một mình. Con còn thơ dại nào đã hiểu gì tâm tình của mẹ, cứ khóc vòi vĩnh để được ẵm bồng làm mẹ mệt mỏi thêm.

            Những ngày theo mẹ đi thăm nuôi bố tận các nơi xa xôi, đường dài khó khăn mệt nhọc  nhưng con vẫn hào hứng vui cười, vậy mà khi gặp mặt không được lại gần bố, con đã biết ghét mấy chú cầm súng đứng canh hay la lối cản ngăn khi bố muốn ôm con vào lòng. Suốt mấy ngày đi đường mà chỉ chỉ gặp được có 20 phút ngắn ngủi thôi, rồi phải người về người ở lại. Con đã gào khóc đến khan cả tiếng nhưng vẫn phải chia tay bố. Nhìn đôi mắt đỏ hoe của bố mẹ, và bước chân ngập ngừng của bố trong tiếng hối thúc ồn ào, con lại khóc nấc lên. Mẹ con con trơ trọi nhìn theo bóng bố khuất dần,  thêm một chuyến trở về buồn bã.

Bây giờ có bố, hình như nhà mình có sinh khí hơn với những tiếng cười vui mỗi buổi cơm tối. Bố chỉ cho chúng con học và làm bài tập ở trường mang về, chúng con học hành tiến bộ trông thấy. Mỗi tối mẹ dọn dẹp xong liền lại ngồi bên bàn máy may, cạnh bố con mình để tiếp tục may đống hàng hóa nhận từ Hợp Tác Xã. Con đã mang hình ảnh hạnh phúc của gia đình mình vào trong bài Tập Làm Văn, hình ảnh mà từ lâu con thèm thuồng vì tưởng là chỉ có trong sách vở. Con đã có thể khoe với đám bạn là mình có bố đưa đón đi học, dắt đi chơi mà lâu nay vẫn thường ao ước.  Chúng con cảm thấy đã thỏa mãn và sung sướng hơn khi thấy mẹ cười nhiều hơn. Nhưng một ngày nọ vô tình con nghe được những lời của tên cán bộ hàng xóm nói mỉa mai và sỉ nhục bố, một người mà Cộng Sản quy cho tội “Có nợ máu với nhân dân”, bố nghe hiểu nhưng vẫn nhẫn nhịn. Nhìn gương mặt bố với đôi hàm răng nghiến chặt và quai hàm bạnh ra, con đã sớm nhận biết bố không hề vui mà chỉ gượng gạo cười với mọi người thôi.  Bố đang phải nuốt những đau khổ vào trong lòng vì hoàn cảnh, chao ơi bố tội nghiệp của con! Thế mà con vẫn luôn làm cho bố phải buồn lòng hay lo lắng bởi những trò nghịch ngợm trẻ con.  

Bố thương yêu, con còn nhớ rất rõ năm con lên mười tuổi vì nghịch ngợm leo trèo đã trượt chân ngã bị gãy một cánh tay phải bó bột cả hai tháng, rồi năm mười hai tuổi chơi đùa bị bạn đá vào bụng đau đết ngất đi… bố đã hốt hoảng ôm con đưa đến Bệnh Viện và đã giành việc chăm sóc con thay cho mẹ cả tuần lễ liền. Trong lúc bố về nhà có việc, nằm một chỗ buồn nên con đã rút kim truyền nước biển để trèo qua cửa sổ phòng bệnh chạy ra ngoài chơi. Cô y tá giận nên mắng vốn và đuổi con về không cho nằm lại nữa. Bố lại phải năn nỉ, nét mặt bố buồn thiu nhưng không hề la mắng con làm con thấy thương và kính bố hơn. Không hiểu sao suốt một thời gian dài con luôn làm những việc khiến bố mẹ khổ tâm mà không nhận ra. Trong trường học, con đã từng là đứa trẻ luôn đứng hạng nhất nhì nhưng cũng nghịch ngợm nhất lớp,  học bạ thường bị cô giáo phê: Học giỏi, thông minh nhanh nhẹn nhưng hạnh kiểm xấu, nói chuyện nhiều và hay chọc ghẹo bạn. Khi về nhà thì con không dám cãi vì sợ, nhưng vẫn hay làm trái ý của bố mẹ. Mặc dù bố rất hiền nhưng nghiêm nên nhiều lần con bị đòn, đau lắm mà vẫn chứng nào tật đấy. Còn không nhớ hết bao nhiêu tội lỗi của con. Có những lần Công An nửa đêm đến xét nhà thình lình, một bọn mặt mũi hằm hằm đến gõ cửa rồi chĩa súng xông vào nhà dùng đèn pine soi tận gầm giường, nhà bếp và buồng tắm cùng các ngõ ngách khắp nơi. Họ kéo nhau đi khi không tìm thấy gì nhưng làm cả nhà mình hốt hoảng đến mất ngủ. Con lại thấy bố nằm vắt tay lên trán thở dài.

Rồi khi bố dắt con đi vượt biên, những cuộc đuổi bắt trốn chạy suốt đời vẫn ám ảnh tâm trí con. Một lần con mới vừa 7 tuổi đang học lớp Một, bố vừa trong tù ra được có vài tháng. Bố con len lén theo đoàn người đến một nơi nào đó ở vườn quê mà con không nhớ nổi, nằm chờ hai bữa nhưng chưa kịp xuống tàu thì ban tổ chức đến báo là bị phát hiện và Công An đang truy bắt. Lại hốt hoảng trốn chạy, con sợ hãi bám chặt trên lưng bố qua từng đoạn rừng cây. Ngồi trên lưng bố nhìn xuống con sợ đến khóc không thành tiếng, chân bố chạy nhiều cả trên những bụi gai nhọn đến mất  cả dép nên bị chảy máu be bét. Con vẫn không rời khỏi tấm lưng gầy yếu nhưng vô cùng ấm áp của bố, bố để con lên cổ khi lội qua một mương lớn sâu hoắm đục ngầu những bùn, mà mực nước cao đến ngực bố, con lại càng sợ hơn (dù rất thích đi vớt cá mỗi lần mẹ dắt đi chơi vườn Tao Đàn khi bố chưa ra tù). Đỉa, vắt bám đầy người bố và con đến chết khiếp mà con không dám hét lên sợ bị bắt. Cha con đi mất cả tuần lễ ăn bờ ngủ bụi rồi lại trở về, sự sợ hãi cùng nắng gió khiến con lên cơn sốt làm bố mẹ lại lo lắng nhiều hơn. Mấy năm liền tiếp như thế vẫn không thoát được, ngay cả khi bố đi có một mình. Con nghe bố mẹ nói chuyện, lần này bị lừa hết tiền nên chắc không còn khả năng để bố tiếp tục vượt biên nữa. Con mừng rỡ trong lòng vì đã ngán lắm cảnh lang thang trốn chạy, nhưng nét buồn trên mặt bố hiện lên rõ rệt. Con thấy bố cáu kỉnh hơn, hay la rầy chúng con hơn dù lỗi lầm rất nhỏ, bố cũng thường gắt gỏng với mẹ nữa làm mẹ khóc. Lúc đó trong lòng con thấy buồn giận bố lắm, tội nghiệp mẹ đã phải chịu lây những tội không phải do mẹ gây ra.

Người anh trai hiền lành của con đã bỏ học và vượt thoát thành công sau khi bị nhà trường phạt, vì anh lên tiếng phản đối lời nhục mạ của ông thầy thân Cộng. Anh không công nhận bố và những chiến sĩ  VNCH là những người có tội với nhân dân.

Dù anh đã bị bịnh trong suốt sáu ngày lênh đênh trên tàu, bị sóng gió và cướp bóc. nhưng kết quả thành công khiến cả gia đình ai cũng vui mà không dám nói ra, mẹ đã hết phải khóc vì thương lo cho anh mỗi đêm. Phải chăng bố đã phần nào thực hiện được ước nguyện nên dễ tánh hơn một chút. Con biết bố hy vọng nhiều ở con nên con cố gắng học, nhiều lần con được chọn đi thi trên Quận rồi Thành Phố đã làm bố mẹ rất vui. Đến năm mười bảy tuổi con đã hoàn thành xong cấp Trung Học. Cũng vừa lúc nhà mình được gọi đi phỏng vấn HO, con thấy trên nét mặt bố thời gian này đã trở nên vui hơn nhiều. Gia đình lo sắm sửa thu xếp để ra đi, lại thêm một lần con làm bố phải đánh đòn. Bố mẹ đi về thăm Nội, con đã lén châm điện cho chiếc xe máy của bố để chạy đi chơi với bạn bè dù bố đã dặn dò kỹ trước khi đi. Và không may bị tai nạn nhẹ, tuy không sao nhưng bố giận vì lo lắng cho con.  

Nhà mình lên máy bay qua xứ tự do vào mùa Thu tháng Chín năm đó với sự chia tay quyến luyến của các cô chú, dì cậu nội ngoại. Ngồi trên cao qua khung cửa sổ bé xíu nhìn xuống Saigon lần cuối, tự nhiên con buột miệng hỏi một câu ngớ ngẩn :
 
-         Bố mẹ ơi, từ nay mình không còn được về nhà cũ nữa sao?
Bố mẹ cười hỏi lại thay cho câu trả lời:
-         Con muốn ở lại Saigon hả,  hay là xuống máy bay quay về nghe!
Con lắc  đầu :
-         Dạ không đâu, con muốn đi Mỹ mà.
 
Chuyến đi kéo dài đến gần hai ngày và qua 5 chặng chuyển tiếp mới đến được nơi dừng chân. Con cũng không còn nhớ được những nơi nào vì chỉ đợi có một hai tiếng rồi lại lên máy bay đi tiếp. Thành phố lạnh miền Bắc Mỹ đón gia đình mình về sinh sống, dù mới giữa tháng Chín nhưng thời tiết đã lạnh khiến mẹ co ro.  Gia đình Bác Hai và một số người lạ mặt ra đón, mọi người cười vui và rất thân thiện dù lần đầu gặp mặt gia đình mình. Con thấy bố là người cười to nhất trong tất cả. Từ nay thực sự thoát ra cảnh luôn bị theo dõi và hăm he chắc là bố vui hơn ai hết.
 
Vì đã bắt đầu mùa nhập học nên anh em con được nhận vào trường học ngay sau khi làm hồ sơ xong. Chỉ sau 3 tuần lễ, bố mẹ lại bắt đầu xin vào lớp học ESL, nhưng bất ngờ người sponsor báo cho biết là phải tìm công việc làm ngay. Ông ta trả lời khi bố thắc mắc hỏi, không ngờ sự hiểu biết và nhưng câu trả lời bằng tiếng Anh của bố mẹ đã khiến ông ta cùng Ban Bảo Trợ cho là bố mẹ đã giỏi rồi, nên không cho xin trợ cấp hay đi học!  Thế là bố mẹ lại đôn đáo đi kiếm việc làm, dù trời tuyết đổ lạnh thấu xương mà đường xá lạ, chưa có bằng lái xe. Mẹ vừa mới đi apply , chưa nhận việc là ông Sponsor đã báo với văn phòng Social Security và họ cắt luôn cả Medical của gia đình kể cả của anh em con còn trong tuổi học trò. Bố lại trở về trạng thái trầm uất buồn bực, nhưng biết làm sao hơn khi không có ai đứng ra binh vực giúp đỡ cho gia đình mình.

Tuyết càng ngày càng đổ nhiều hơn, chỉ ngủ một đêm tới sáng không mở cửa ra được vì tuyết đã bám chặt từng lớp cứng ngắc. Bố sợ chúng con cảm khi phải dẫm sâu trong tuyết lạnh, mỗi sáng bố dậy thật sớm mặc trùm áo rồi dùng xẻng xắn xuống lớp tuyết dày hơn nửa thước làm thành con đường dẫn ra ngoài đường lộ, chỗ xe bus đậu đón học sinh. Con chưa cảm nhận được tình thương bao la của bố dành cho con cái nên vẫn vô tư đón nhận không thắc mắc hỏi han. Trong khi đó ở trường học anh em con lại thích chạy ra sân chơi với những bông tuyết bay hay nghịch ngợm nắm từng nắm tuyết ném nhau vui đùa mà đâu có sợ lạnh.
alt

Chỉ  sau 7 tháng, bố trở cơn bệnh ho liên tục nhưng vẫn cố giấu mẹ vì thấy mẹ vất vả đi làm tới hai việc khác nhau cả ngày. Khi bố chịu nghe lời khuyên của mẹ đến gặp Bác Sĩ thì qua xét nghiệm được báo cho biết bệnh tình của bố, bắt bố phải nhập viện để chữa trị. Hậu quả của những trận đòn thù tàn độc làm cho bố bị thổ huyết khi bố còn trong trại tù “Cải Tạo”, khiến 2 lá phổi của bố gần như dập nát.  Bố mẹ đã mệt mỏi càng thêm suy sụp tinh thần. Con là đứa trẻ được sự dạy dỗ kỹ lưỡng của cha mẹ, luôn vui tươi thích hòa ái, không biết căm thù ai xưa nay, nhưng bây giờ thì con cảm thấy không thể đứng chung một bầu trời với bọn Cộng Sản ác nhân. Con đã hiểu vì sao hồi còn nhỏ con bị bố la, cấm không cho học hát bài: “Ai Yêu Bác Hồ Chí Minh Hơn Những Em Nhi Đồng”, hay “Đêm Qua Em Mơ Gặp Bác Hồ”… Con khóc giận bố vì sợ thầy cô phạt khi không thuộc bài. Nhờ mẹ giải thích nên bố đã dằn lòng không còn ngăn cấm con nữa. Lớn lên một chút, con đã hăng hái tham gia nhiều hoạt động để đạt được thành tích “cháu ngoan”. Bây giờ nghĩ lại thấy tự giận mình và càng thương bố hơn. 
 
Trời mùa Xuân tháng Tư nhưng tuyết vẫn còn dầy đặc, con vào Bệnh Viện thăm bố sau giờ học, nhìn bố mà rưng rưng nước mắt. Bố hỏi con bất ngờ:
-         Con có giận gì bố không, có buồn nhớ những khi bố đánh mắng con?
-         Dạ không bố, đó là tại con hư nên bố phải dạy dỗ. Con xin lỗi đã làm bố lo lắng nhiều.
      Bên giường bệnh, hai cha con cùng không ngăn được giòng lệ cảm xúc. Lần đầu tiên bố nắm tay con thân thiện xiết chặt. Cảm giác trào dâng trong lòng và con ôm bố thật chặt. 
 
Con đã vào ở hẳn trong nội trú của trường, vì ngôi trường Đại Học con theo xa nhà quá nên mỗi tuần mới theo bạn về thăm gia đình, ở đến chiều Chủ Nhật lại đi. Hai đêm ở nhà, từ phòng bên này con nghe tiếng bố ho mỗi lúc một nhiều hơn, mẹ đi làm đến hơn 1 giờ sáng mới về và phải cùng thức chăm sóc bố. Mẹ gầy hẳn đi theo bố và hốc hác trông thấy rõ, con nhận thấy quầng mắt mẹ sâu hoắm nhưng mẹ vẫn âm thầm không tỏ lộ sự mệt mỏi. Khi con trở lại trường mẹ còn lo làm thức ăn cho con xách mang theo dù con không muốn mẹ mệt thêm. Mẹ hay trách vì sao con cứ để quên những hộp thức ăn mẹ bỏ công làm riêng cho con. Mẹ ơi, nào phải con quên, vì con không muốn lần sau mẹ phải cực khổ như thế nữa nên cố tình để lại. Con đã trưởng thành và không còn là đứa trẻ nghịch ngợm làm cho bố mẹ buồn giận ngày xưa, không biết từ bao giờ con lại trở nên nghiêm trang đến nỗi bạn bè con thường trêu chọc gọi con là :” ông cụ non”. Từng ngày từng ngày hình ảnh và những lời dạy của bố đã ảnh hưởng tới tâm hồn con. Thương cha mẹ con không biết tỏ lộ nên dồn hết vào việc học.
 
Vào năm thứ ba Đại Học của con là năm đau buồn nhất, sau thời gian dài chịu đựng căn bệnh quái ác, bố đã rời xa mẹ con con. Cũng may là những ngày cuối cùng của bố con đã nghỉ hè nên thường xuyên bên cạnh để nghe bố dặn dò, dạy dỗ. Những lời ấy hằn âu trong tâm trí con, quặn thắt tim gan con mỗi khi nhớ đến.. Mười mấy năm nay con đã lấy được tấm bằng PHD của ngành Dược như bố hằng mong muốn. Nhưng bố ơi!  Con tiếc vì chưa trả được ngày nào công ơn và sự hy sinh của bố thì đã không còn được nhìn thấy bố trên đời này nữa rồi. Đứa con bất hiếu đành xin tạ tội với phụ thân.
alt
 
Bố ơi, bây giờ con đã làm cha nên lại càng hiểu rõ hơn tình thương của bố dành cho chúng con. Mẹ đã lớn tuổi và hay đau yếu, nhưng anh em con dù ở xa nhau vẫn luôn chăm nom đến mẹ, đến nhau. Lời trăn trối của bố trong cuốn Video khiến chúng con khóc đến khan tiếng khi bất ngờ được xem, sau khi đưa tiễn bố đi con vẫn còn trân quý giữ gìn và noi theo. Cho đến trước khi qua đời, bố vẫn không quên trách nhiệm dẫn dắt chúng con. Mỗi lần giỗ bố suốt gần hai mươi năm nay, chúng con họp mặt và là dịp nhắc nhở nhau. Bố hãy yên lòng an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng,  người cha kính yêu của chúng con. Dù hoàn cảnh nào con vẫn luôn hãnh diện được làm hậu duệ, và sống cho xứng đáng với giòng giống của một Sĩ Quan QLVNCH, nhân ái và ngay thẳng.
Kính thư. 
Nhã Giang Thu Tâm ( Viết thay lời của con trai)
Ngày lễ Cha  19-6-2016