Sunday 3 July 2016

Con “lạc đà Fomosa”: Sự cố, bồi thường và sự tồn vong của dân tộc

Sự cố thường được hiểu là nguyên nhân gây ra một cách đột ngột, bất thường, một tai nạn, một sự trục trặc, một sự hư hỏng khách quan ngoài ý muốn, khiến cho một chương trình, kế hoạch, hoạt động… phải dừng lại, không thể tiếp tục được. Người ta cũng có thể lường trước được những sự cố có thể xảy ra để có những biện pháp giải quyết tức thời, có hiệu quả để giảm nhẹ mức độ thiệt hại.
Sự cố, nói chung là những tai nạn xảy ra không ai muốn. Nhưng những sự cố xảy ra do sự cố ý của con người thì lại ở bình diện khác, nên cũng phải xem xét trên góc cạnh khác, dựa vào mức độ gây hại có chủ ý mà buộc tác nhân phải chịu trách nhiệm ở mức tối đa.
Chiều ngày 30/6, sau ba tháng điều tra, cơ quan chức năng Việt Nam đã chính thức xác nhận việc xả thải của nhà máy Formosa tại Khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, gây ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt tại khu vực bốn tỉnh miền Trung. Đại diện Công ty Formosa công khai xin lỗi chính phủ và người dân Việt Nam, tự đưa ra năm điều cam kết và hứa bồi thường thiệt hại cũng như hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp, với số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD.
Tại sao chỉ cúi đầu xin lỗi mà không phải tra tay vào còng sau khi nhận tội?

ca-chetĐó là thắc mắc chính đáng của nhiều người trên cả nước đang đấu tranh đòi minh mạch vụ cá chết và thảm hoạ môi trường. Bởi việc lén xả thải những chất độc hại qua hệ thống cống ngầm dưới biển của Formosa là có chủ ý chứ không phải “sự cố”; “sự cố” chính là việc họ làm đã bị phát hiện, nếu không phải cố ý “tận diệt” môi trường biển, triệt tiêu phương kế sinh nhai của người dân bốn tỉnh miền Trung và huỷ hoại tương lai dân tộc Việt Nam, thì cũng vì lợi nhuận mà họ đánh mất lương tâm mà “lương tâm” là thứ hoàn toàn xa lạ đối với công ty này, vốn nổi tiếng về những vụ bê bối ô nhiễm môi trường nơi có các nhà máy Formosa trên thế giới, và đã từng được nhận nhiều giải “hành tinh đen”.
Nếu Formosa không ngờ đến hậu quả tai hại của “sự cố” xả thải này, ít ra họ cũng phải cúi đầu tạ tội, giải thể Formosa, bán tất cả nhà máy để đền bù cho sự tàn phá khủng khiếp họ đã gây ra cho môi trường biển, cho con người Việt Nam về lâu về dài, chứ không chỉ 500 triệu USD.
Chỉ có 500 triệu USD thôi ư?
Sau những gì họ đã làm và để lại hậu quả trầm trọng cho quốc gia mà chính quyền này lại còn “hân hoan vui mừng” coi đó là thành công đạt được về mọi mặt ư. Thật đau xót và nhục nhã. Vì ngay sau đó họ có thể “ngạo mạn ngửng cao đầu” tuyên bố: “Đố ai làm được gì tao nữa. Lỗi đã nhận, cam kết đã hứa, tiền đã trao dưới sự chứng kiến và đồng thuận của chính quyền, của truyền thông và của quốc tế. Từ nay tao “trong trắng”, không phải có bổn phận nào hay phải có bất cứ một trách nhiệm nào nữa; từ nay tao sẽ “rút kinh nghiệm” chôn ống sâu hơn, thải đi xa hơn, và nếu cần, sẽ chi nhiều tiền hơn cho các quan chức, những người giúp tao “tẩy nhớp thành trượng phu”. Ai động đến tao là làm “tổn hại đến lợi ích quốc gia”, là chống lại đường lối của đảng, chính sách của chính phủ, là phản động, là lợi dụng tình hình gây mất trật tự trị an, là cấu kết với các thế lực phản động có yếu tố nước ngoài… Chọn đi, cá hay thép!”.
Ngay cả Bộ luật Hình sự đã có quy định rất rõ về tội danh gây ô nhiễm và tội hủy hoại môi trường và các biện pháp chế tài thích đáng. Nhưng sau ba tháng “điều tra” nghiêm túc, sâu rộng, tổ chức hàng chục cuộc hội thảo “kín”, có sự lắng nghe các yếu tố phản biện để tìm nguyên nhân thảm hoạ môi trường biển của chính quyền sở tại lẫn trung ương, của các bộ ngành liên quan và của hàng nghìn tiến sĩ trong nước, để “đánh giá thiệt hại, giữ vững trật tự an toàn xã hội, xử lý nghiêm tổ chức sai phạm dù họ là ai…” theo lời ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông hôm 30/6, phải chăng là để tìm ra cách để chạy tội thành “lỗi”? Hành động có chủ ý thành “sự cố”? Thảm họa thành tai nạn nghề nghiệp? Sự nghiêm minh của những người thi hành luật pháp là “thoả hiệp ngầm”? Tương lai sống còn của người dân các tỉnh miền Trung là “Năm Trăm Triệu Đô La Mỹ”?
Và, đảng cùng chính quyền đã sung sướng chọn thép thay cho cá, chọn Đô la thay cho tiền đồ dân tộc, chọn tiền thay cho sự sống chết của người dân!
Do đó “con lạc đà Fomosa” ung dung chui qua lỗ kim, nhếch mép cười khinh khỉnh!.
Con “lạc đà Fomosa” cười nhạo trên luật pháp Việt Nam, trên 6 bộ liên ngành, những “công bộc” của dân đã mau mắn “chối tội” giúp nó sau khi đến hiện trường xem xét hôm 27/4; nó cười nhạo vào “cái chất gì có vẻ xam xám” của các nhà khoa học Việt Nam, cười vào hệ thống truyền thông và báo chí Việt Nam cứ loanh quanh, ấp úng vì định hướng và chỉ đạo của Ban tuyên giáo TW ra sức tung hỏa mù vào việc tìm kiếm nguyên nhân cá chết và gây ra thảm họa môi trường.
Con “lạc đà Formosa” lại được dịp cười đến ngoạc cả mồm khi thấy, không phải lúc nào cũng được thấy, các quan chức đảng và chính quyền Đà Nẵng kịp thời chứng minh cho dân thấy biển đã sạch, cá đã an toàn một cách rất khoa học, là đích thân “ăn hải sản và tắm biển” trong sự hân hoan chưa từng thấy, mặc cho những tin tức về người dân ngộ độc khi ăn cá và cả thợ lặn tử vong sau khi lặn ở cảng Sơn dương.
Thế nhưng “con lạc đà Fomosa” đã phải méo miệng vì bất ngờ trước phản ứng của người dân cả nước đã có những buổi toạ kháng và tuần hành ôn hoà để ép chính quyền phải mau chóng minh bạch việc cá chết và biển ô nhiễm, bất chấp những sự đàn áp hung bạo của công an, an ninh và tay sai côn đồ.
Bất chấp những đòn roi giáng xuống trên đầu, trên cổ, bất chấp khủng bố, tù đày, ý chí của những người đã  ý thức được những quyền của con người, quyền “làm chủ” thực sự, quyền được nói, được sống và sống hạnh phúc, quyền của những người làm chủ vận mệnh đất nước, có trách nhiệm đối với sự an nguy và tồn vong của dân tộc.
Ý thức của những người toạ kháng hay tuần hành trong trật tự, ôn hoà ấy đã thức tỉnh cộng đồng. Người dân không còn đứng ngoài chính trị nữa, không còn sợ chính trị nữa, vì chính trị đích thực chính là việc họ biết mình cùng với dân tộc có quyền giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước. Đó chính là “quyền lực mềm”.
Nếu “con lạc đà Fomosa” hớn hở với Nhà cầm quyền thế nào, miệng nó càng méo xệch với thứ quyền lực mềm ấy, như đã từng méo xẹo khi lên bục danh dự nhận giải “hành tinh đen” tại những nước có nhà máy của nó. Vì thế việc bồi thường của nó là vì những cuộc đấu tranh của người dân, còn việc chi 500 triệu USD mới là thoả thuận giữa nó và Nhà cầm quyền cộng sản.
“Con lạc đà Fomosa” vẫn còn hy vọng, vì đảng và nhà nước đang ở phía nó, nhà tù và dùi cui vẫn đang là hàng rào phòng thủ kiên vững nhất trước mọi cuộc tấn công, vả lại, nó vẫn còn tiền, còn rất nhiều tiền, thế nên lẽ phải là của nó, công lý vẫn thuộc về nó. Nếu lâm cảnh bế tắc, nó chỉ cần cúi rạp mình “xin lỗi về sự cố”, hứa khắc phục và sửa chữa, tung ra nắm tiền là xong, đời vẫn tươi, nó vẫn vui…
Bất giác nó lại mỉm cười, cái “con lạc đà Fomosa” ấy cười, cái cười của nó thật đểu và thâm!
Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.