Thủ tướng Shinzo Abe (T) và bộ trưởng Quốc Phòng Tomomi Inada duyệt đội quân danh dự trước cuộc gặp gỡ với các sĩ quan cao cấp Nhật Bản tại Tokyo, ngày 12/09/2016.REUTERS/Toru Hanai
Nhật Bản sẽ gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông thông qua một loạt các cuộc tuần tra “tập huấn” chung với Mỹ và các đồng minh của Mỹ tại vùng biển đang tranh chấp này. Đó là tuyên bố của tân bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Tomomi Inada ngày 15/09/2016 tại Washington.
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS, bà Inada, được xem là một nhân vật “diều hâu”trong chính phủ Nhật, cho biết là các cuộc tuần tra tập huấn mà Nhật Bản tham gia sẽ bao gồm các chiến hạm của Hoa Kỳ và Hàn Quốc và các cuộc tuần tra này sẽ có bản chất tương tự như các cuộc tuần tra mà hải quân Mỹ tiến hành thường xuyên để bảo đảm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Vào đầu tháng 09, Nhật Bản đã loan báo sẵn sàng cung cấp các tàu tuần duyên mới cho Việt Nam, đồng thời chấp thuận cấp hai tàu tuần duyên lớn cho Philippines cũng như cho nước này thuê các máy bay giám sát cũ. Nhưng theo lời bộ trưởng Quốc Phòng Nhật, chính các cuộc tuần tra của Mỹ đã đóng vai trò trọng yếu trong việc chặn bớt những hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hiện giờ chưa biết là Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào về các cuộc tuần tra chung mới của Nhật với Mỹ ở Biển Đông, nhưng trong những tháng gần đây, Trung Quốc đáp trả ngày càng cứng rắn các cuộc tuần tra như vậy của Mỹ. Tháng 5/2016, các tư lệnh Trung Quốc đã ra lệnh cho một đội chiến đấu cơ bay đến khu vực bên trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross) khi một chiến hạm của Mỹ tuần tra sát đảo này.
Tuy vậy, trong bài phát biểu hôm qua tại CSIS, bà Inada nhấn mạnh rằng, trong khi củng cố tiềm lực quân sự trước sự xâm lấn của Trung Quốc trong khu vực, Tokyo cũng muốn “thảo luận thẳng thắn” với Bắc Kinh về phương cách giảm nhẹ căng thẳng ở vùng châu Á.