Sunday, 24 September 2017

“không có gì phải vội vàng cả”

Ảnh: Danlambao
Thiền Lâm
Vietnam – Cali Today News – Chưa phải cuối cùng, nhưng cái “không có gì phải vội vàng cả” của người Đức đã dẫn đến những hậu quả còn tầm trọng hơn cả nhiều giả thiết trước đây về hàng loạt hậu quả có thể xảy ra sau vụ Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Berlin vào tháng Bảy năm 2017.
Ngày 22/9/2017, Bộ Ngoại giao Đức chính thức ra thông báo tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, đồng thời trục xuất thêm một nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức.
Một cú sốc ngoại giao chưa từng có đối với giới chóp bu Việt Nam!
Quan hệ Đối tác chiến lược Đức – Việt được thiết lập trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Angela Merkel năm 2011, khi hai bên đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc này.

Cũng có thể là một cú sốc nhẹ dành cho giới phân tích chính trị. Bởi sau khi cuộc hoảng ngoại giao Đức – Việt nổ ra, từ đó đến gần đây hầu hết các dự đoán của giới này vẫn chủ chủ yếu đề cập đến việc nếu Việt Nam không chịu trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức, không xin lỗi và không có cam kết “sẽ không tái phạm” với Đức, phía Đức có thể trục xuất thêm nhân viên ngoại giao Việt Nam, cắt khoản viện trợ khoảng 260 triệu Euro cho Việt Nam trong hai năm tài khóa 2017 – 2018, “bóc tách” những đường dây an ninh và tình báo Việt Nam ở Đức, hạn chế hoặc cắt đứt một số quan hệ văn hóa – xã hội với Việt Nam… Nhưng đã không có giả thiết nào nêu ra việc Đức có thể đi đến quyết định chấm dứt quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Trong thực tế, cấp độ quan hệ đối tác chiến lược còn cao hơn và bao trùm hơn so với quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Dù chỉ tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược, đây là lời cảnh báo rất trực tiếp về khả năng người Đức có thể tiến tới cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Người Đức đã hành động!
Một hành động thích đáng và không hề “Đức cần Việt Nam hơn Việt Nam cần Đức” như một lối tuyên truyền của giới dư luận viên tuyên giáo và công an Việt nam.
Người Đức chưa bao giờ giận dữ đến thế trong suốt chiều dài quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Với Quốc vụ khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức, ông Markus Ederer, đó còn là từ ngữ “bội tín”. Cái từ thiên về bản chất dưới đáy của chính trị này lại càng khiến công luận xã hội ở Việt Nam không thể nào quên được nhân vật ủy viên trung ương đảng, chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối xử với người dân Đồng Tâm ra sao – ký sống, lăn tay điềm chỉ nhưng sau đó xổ toẹt tất cả.
“Khủng hoảng bắt cóc” rất có ích cho những người Đức nghiên cứu về Việt Nam học. Họ sẽ càng hiểu rõ hơn rằng tại sao mật vụ Việt Nam – vốn mang thói quen bắt cóc, hành hung hay bắt giam người bất đồng chính kiến trong nước theo “luật rừng” như cơm bữa – lại dám sang tận Berlin làm cái nhiệm vụ đày dọa và bất chấp cả danh thể quốc gia đó.
“Không có gì phải vội vàng cả” – cần nhớ lại cụm từ này với mọi hàm ý của nó.
Sau tuyên bố của Bội Ngoại giao Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin, đã có một buổi Họp báo Liên bang ngày 9/8/2017. Phó Phát ngôn viên của Chính phủ Liên bang, Bà Ulrike Demmer và Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ông Schäfer đã trả lời các câu hỏi liên quan đến mối quan hệ Đức-Việt.
Trước câu hỏi ‘Nếu tôi nhớ không nhầm thì có một chương trình đối thoại nhà nước pháp quyền với Việt Nam. Liệu việc chấm dứt chương trình này có phải là một biện pháp không?”, ông Schäfer đã trả lời: “Ngay từ tuần trước chúng tôi đã phát biểu rằng sự hợp tác giữa hai nước đang trên đà phát triển rất tốt đẹp. Quan hệ về thương mại và đầu tư đột phá mạnh trong những năm vừa qua. Việt Nam là một đối tác lớn trong chính sách hợp tác phát triển của Đức với nhiều khoản hỗ trợ đã và dự kiến sẽ được Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang cung cấp. Có nhiều lý do để vui mừng về điều đó. Tuy nhiên, khi vụ việc như vậy xảy ra thì chắc chắn ở đâu đó còn thiếu sự tôn trọng và lưu tâm. Vì vậy, như đã nói, chúng tôi không thể để vụ việc dừng lại tại đây. Chúng tôi sẽ bình tĩnh phân tích. Không có gì phải vội vàng cả. Chúng tôi sẽ cân nhắc và bàn thảo kỹ lưỡng rồi sau đó sẽ thông tin tới các đối tác Việt Nam của chúng tôi”.
Một số ý kiến cho rằng câu “Không có gì phải vội vàng cả” có vẻ thừa. Nhưng một số ý kiến khác lại suy ngẫm về câu nói này với một ẩn ý nào đó.
Giờ đây, giới chính khách Đức nhận ra một Việt Nam của tráo trở chính trị rõ đến như thế. Nhưng họ đã có đủ tầm cao để đối phó.
Với một chính thể quen tráo trở như thế, đúng là “không có gì phải vội vàng cả”.