Sunday 24 September 2017

Những Ẩn Số Trong Cuộc Khẩu Chiến Giữa Mỹ Và Bắc Hàn - Thanh Thủy

  • A.- Sau lưng những cuộc khẩu chiến
  • 1.- Bắc Hàn:
a.- Sự thách thức: Sau khi phóng hai lần hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân trong vòng một tháng, Bắc Hàn đã tỏ rõ thái độ xem thường sự trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và còn lên giọng là sẽ dùng vũ khí hạt nhân để nhấn chìm Nhựt Bổn xuống biển, biến Hoa Kỳ thành đống tro tàn và bóng tối. Những lời tuyên bố nầy quả thật là sự thách thức ngạo mạng cực độ dễ dàng tiến đến một cuộc chiến tranh quy mô mà ai cũng có thể dự đoán là sẽ vô cùng tàn khốc, chẳng những đối với những nước tham chiến, nhứt là Bắc Hàn có thể bị diệt vong, mà còn vạ lây nghiêm trọng đến những quốc gia vô tội khác. 
  
b.- Đồng minh phía sau: Là một nước nhỏ bé, nghèo nàn thì dù có được một kho vũ khí hạt nhân được tích lũy từ bấy lâu nay, nhưng chắc chắn Bắc Hàn không thể nào đủ sức tranh hùng với Mỹ và những nước đồng minh của Mỹ như Nhựt Bổn, Nam Hàn vốn là những quốc gia phát triển và có một nền kinh tế vững mạnh từ nhiều thập niên qua. Giới lãnh đạo Bắc Hàn dĩ nhiên hiểu rõ điều đó, nhưng lý do nào họ lại dám liều mạng chọn một giải pháp như vậy? Dĩ nhiên Bắc Hàn phải dựa vào sự bảo đảm của những thế lực đồng minh sau lưng tương đối có đủ sức mạnh quân sự lẫn kinh tế nên họ mới dám làm như vậy vừa để kềm chế được Mỹ không dám khởi động cuộc chiến vừa được yên tâm phát triển vũ khí hạt nhân mà không sợ bị thế giới trừng phạt. 
  
c.- Thách thức để thăm dò: Mấy năm nay, mỗi lần Bắc Hàn thử hoả tiễn hạt nhân là mỗi lần bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt và bị thế giới lên án, nhưng càng bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt và càng bị thế giới lên án thì Bắc Hàn càng hung hăng thử những loại hỏa tiễn nầy nhiều hơn và càng lúc càng hung tợn hơn. Cho đến nay, như Bắc Hàn đã luôn tuyên bố là hỏa tiễn hạt nhân của họ có đủ sức nhấn chìm nước Nhựt xuống biển và bay xa đến mọi nơi, đủ sức biến nước Mỹ thành đống tro tàn và bóng tối. 
  

Sự huênh hoang nầy rõ ràng là một thách thức có tánh cách quyết liệt nhằm cố tâm lôi kéo dọa dẫm xem Mỹ và đồng minh của Mỹ có vì quá lo sợ mà ra tay châm ngòi phát động cuộc chiến không?, một cuộc chiến mà Bắc Hàn đoan chắc rằng Mỹ vì e ngại những thế lực đồng minh sau lưng của Bắc Hàn nên sẽ chỉ có những phản ứng bằng mồm chớ thật sự không bao giờ dám khởi động làm nên cuộc chiến. 
  
d.- Hệ lụy có thể xảy ra: Nếu quả thật như sự mong muốn của Bắc Hàn và các thế lực sau lưng đạt được như đã nói trên, thì chỉ một thời gian nữa thôi, kho vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn sẽ cao bằng núi, đủ sức và đủ nhiều để tung hoành trên khắp thiên hạ, trong khi đó, Trung Quốc và Nga sẽ chiếm trọn Biển Hoa Đông, Biển Đông, vượt Ấn Độ Dương, mang Đường Tơ Lụa đi chinh phục khắp năm Châu luôn cả Bắc Mỹ. 
  
Một giả thuyết quan trọng cần lưu tâm là hiện nay sức lực của Bắc Hàn và các thế lực đồng minh của họ còn yếu mà Mỹ còn không dám đụng chạm gì đến thì có phần chắc rằng đến giai đoạn cả bọn họ cùng mạnh lên thì Mỹ có thể sẽ bó tay, may ra Mỹ còn có được mảnh đất dung thân để khoanh tay đứng nhìn anh Tàu Phù hoàn thành giấc mộng Đại Hán bên cạnh anh đồng minh Nga Sô và gã họ Kim  mặc tình ra sức chọc trời khuấy nước. 
  
e.- Những bóng ma sau lưng họ Kim đã mập mờ ló dạng 
Những diễn biến quốc tế trong những ngày tháng gần đây, các giới theo dõi thời cuộc có thể nhận thấy được những thế lực ẩn hiện sau lưng của Bắc Hàn một cách khá rõ rệt: Mặc dầu Trung Quốc và Nga Sô vẫn lên tiếng và ký thuận lệnh trừng phạt về việc bắn thử liên tục hỏa tiễn hạt nhân của Bắc Hàn trước Đại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nhưng có phần chắc đó chỉ là hành động giả hiệu, mục đích để tránh mặt và lừa bịp dư luận. 
  
Tờ Nhân dân nhựt báo của đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho đăng những bài viết biểu lộ cho thấy là họ luôn chỉ trích yêu cầu của Hoa Kỳ đòi Bắc Kinh tăng áp lực với Bắc Hàn để kềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của nước nầy. Bài báo nói Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận  trách nhiệm do Hoa Kỳ áp đặt và cho rằng các chế tài  không nên can thiệp vào việc buôn bán  hợp pháp giữa Bắc Hàn và thế giới bên ngoài, hay làm hại đến dân chúng và chế tài không phải là một công cụ để bóp nghẹt một chế độ. 
  
Vì là đồng minh rất thân cận và cũng là nguồn tiếp vận kinh tế sống còn của Bắc Hàn, cho nên Hoa Kỳ đã yêu cầu Bắc Kinh tăng áp lực với Bắc Hàn để kềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Việc yêu cầu nầy rất hợp lý, đúng với tinh thần của sắc lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc mà Trung Quốc và Nga đã đặt bút ký thuận. Nếu thật sự có quyết tâm thì thay vì chỉ trích, Bắc Kinh sẽ hợp tác với Hoa Kỳ một cách chặt chẽ hơn. Sự nghịch lý cố hữu nầy không ai còn lạ gì đối với Bắc Kinh và  những con người Cộng sản, chuyên nói một đàng làm một nẻo, chữ ký còn chưa ráo mực thì đã vội quay lưng. 
  
Cấm vận là hình thức của sự chế tài, vì thực tế cho thấy những sự giao thương buôn bán đã giúp cho Bắc Hàn có đủ nguồn kinh phí, không phải để nuôi dân của họ mà là để phát triển vũ khí hạt nhân, cho nên, nếu chế tài mà không cấm vận vào sự giao thương nầy thì làm sao có thể áp lực được Bắc Hàn từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ. 
  
Từ trước đến nay, cũng chỉ vì Liên Hiệp Quốc vì nhân đạo mà cấn vận Bắc Hàn có giới hạn  cho nên nguồn thu nhập của Bắc Hàn không bị suy giảm, vì vậy Bắc Hàn xem sự cấm vận của Liên Hiệp Quốc chẳng ra gì, mặc nhiên công khai thách thức, đặt dư luận thế giới ra ngoài tai. 
  
Trung Quốc cũng cho rằng chế tài không phải là một công cụ để bóp nghẹt một chế độ. Điều nầy rất đúng nếu chế độ đó là một chế độ tốt, trái lại Bắc Hàn là một chế độ độc tài tàn bạo và chương trình phát triển vũ khí hạt nhân cuả họ đã gây lên nổi lo sợ kinh hoàng và bất an cho cả thế giới, làm náo loạn cả bán đảo Triều Tiên và vùng Hoa Đông. Một chế độ như vậy có đáng được chế tài để bóp nghẹt, buộc họ phải thay đổi lập trường hay không? 
  
Nêu lên điều nầy, Trung Cộng đã để lộ tâm tánh của sự quay lưng sau khi đặt bút ký tên thuận vào lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, thay vì áp lực với Bắc Hàn để họ thay đổi thì lại quay lưng ra sức công kích Mỹ và Nam Hàn về vấn đề thiết lập hệ thống lá chắn THAAD tự vệ trên phần đất của Nam Hàn. Giả sử nếu không có chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn thì dĩ nhiên hệ thống lá chắn THAAD rất tốn kém trên đất Nam Hàn sẽ  không xảy ra. 
  
Một điều đáng nói nữa là với những lời đe dọa trịch thượng của gã họ Kim thì ít thấy ai có lời phê phán, nhưng lại chờ đợi để soi bói những lời phát biểu của ông Trump. Dư luận rất nhiều khi thiếu công bằng và nghiêng về một chiều như thế cho nên thường dẫn tới những kết quả rất tai hại, trường hợp như Việt Nam trước năm 1975 chẳng hạng, chuyện rõ như ban ngày là Cộng sản Bắc Việt xua quân xâm lăng Miền Nam, vậy mà dư luận Tây Phương cứ nhắm mắt biện hộ, cho rằng đạo quân xâm lăng nầy có chánh nghĩa và tìm cách soi bói Nước Việt Nam Cộng Hòa. Sư thiếu công bằng nầy dẫn tới sự sụp đổ một đất nước từng được Mỹ mệnh danh là tiền đồn chống Cộng, sát cánh với Mỹ để ngăn chận sự bành trướng của Cộng sản Bắc phương. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hiện đang bị vây khỗn  bởi một số dư luận bất công đầy ác ý như vậy của Tây Phương và thậm chí còn đáng buồn hơn khi ông còn bị chính nhiều đồng bào của ông tiếp tay chống phá. Thật tệ hại và đáng tiếc, hy vọng rằng ông sẽ vượt qua. 
  

  • 2.- Trung Cộng và Nga:
Đối với Trung Cộng và Nga, cuộc chiến giữa Mỹ và Bắc Hàn có xảy ra hay không, theo sự toan tính của họ thì cả hai trường hợp đều mang lại quyền lợi cho họ, tùy theo hoàn cảnh, quyền lợi đến với họ mau hay chậm mà thôi. Với sự dự tính của họ:  
  
a.- Nếu cuộc chiến xảy ra, thì dù Mỹ có chiến thắng vẻ vang, nhưng dĩ nhiên sẽ bị tiêu hao lực lượng, suy yếu tiềm lực và trong khi đó Mỹ còn phải đương đầu với nhiều khó khăn khác trong vấn đề giải quyết nạn khủng bố, vấn đề Trung Đông và khối Á Rập cho nên không thể đủ sức ôm đồm thêm một cuộc chiến khác đối đầu với sức mạnh của Trung Quốc ngay được. 
  
Trong tình huống như thế, Trung Quốc sẽ có cơ hội thuận tiện để dồn mọi nổ lực tiến chiếm một cách dễ dàng những vùng đất và biển phía Nam mà không sợ bị Mỹ can thiệp. Nga là đồng minh cốt lõi của Trung Cộng nên sẽ được chia phần để tăng cường thêm sức mạnh. Gã họ Kim sẽ là vật tế thần, nhiều sư đoàn của Trung Cộng hiện đang dàn quân dọc theo biên giới Trung Cộng-Bắc Hàn sẽ kịp thời nhanh tay ngăn chận Nam Hàn bắc tiến để thống nhứt bán đảo Triều Tiên của họ. Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách để chiếm giữ cho được phần đất Bắc Hàn không bị mất vào tay Nam Hàn để dùng làm rào giậu hướng Đông với Nhựt Bổn.  
  
b.- Nếu như vì một lý do nào đó mà Mỹ chùn tay, cuộc chiến không xảy ra thì Trung Cộng sẽ dễ dàng chứng minh cho Bắc Hàn rằng Mỹ chỉ là con cọp giấy, không có gì phải lo sợ, cứ mặc cho Mỹ hâm dọa, đàn em Bắc Hàn cứ ung dung tiến hành chương trình thử nghiệm các loại vũ khí hạt nhân. 
  
Nếu tình trạng nầy xảy ra thì chỉ một thời gian nữa thôi, kho vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn sẽ cao bằng núi, đủ sức và đủ nhiều để tung hoành trên khắp thiên hạ, trong khi đó, Trung Quốc và Nga sẽ chiếm trọn Biển Hoa Đông, Biển Đông, vượt Ấn Độ Dương, mang Đường Tơ Lụa đi chinh phục khắp năm Châu luôn cả Bắc Mỹ. 
  
  • B.- Phản ứng của Mỹ và các đồng minh
Để thách thức lại những hành động của Bắc Hàn, Mỹ, Nhựt và Nam Hàn đã tổ chức một cuộc tập trận rất quy mô, gần một chục máy bay chiến đấu của Mỹ, Nhựt và Nam Hàn  trang bị vũ khí bắn đạn thật, bay trên không phận của bán đảo Triều Tiên, một cuộc tập trận mà quân đội Hoa Kỳ nói là  để đáp lại vụ phóng  hỏa tiễn tầm trung lần thứ hai của Bắc Hàn ngày 15/9/2017 bay ngang qua Nhựt Bổn. Điều nầy đã làm cho gã họ Kim càng thêm cay cú, dẫn dụ gã liều mạng tiến xa hơn trong việc thử nghiệm bắn hỏa tiễn vũ khí hạt nhân, khi đó Mỹ sẽ có đủ lý do để hạ quyết tâm, ra tay triệt hạ Bắc Hàn mà dư luận dù ác ý với Mỹ cũng khó có thể phê phán điều gì khác hơn được. 
  
Để biểu lộ sự quyết tâm và không nhượng bộ của Mỹ, tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ngày 19/9/2017, TT Mỹ Donald Trump đưa ra cảnh báo nghiêm khắc rằng Mỹ sẽ buộc phải hủy diệt hoàn toàn Bắc Hàn trừ khi họ chịu thoái lui khỏi cuộc đối đầu vũ khí hạt nhân đồng thời ông cũng hối thúc các thành viên LHQ hợp tác để cô lập chánh quyền của ông Kim cho đến khi nào chánh quyền nầy chịu chấm dứt hành vi thù địch của họ
  
Ngoài ra, ông Trump còn tuyên bố: “Chúng ta phải bác bỏ các mối đe dọa đối với chủ quyền của những nơi từ Ucraina cho đến Biển Đông . Chúng ta phải duy trì sự tôn trọng luật pháp, tôn trọng các đường biên giới và tôn trọng văn hóa và sự can dự hòa bình  mà những điều đó cho phép”. 
  
Rõ ràng là như vậy, nhưng để rào đón cho những lời phát biểu cứng rắn của Tổng thống Trump, trong một phát biểu với các phóng viên tại Ngũ Giác Đài hôm 18/9/17, ông Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis nhấn mạnh là nếu các phi đạn của Triều Tiên được xem như là một mối đe dọa thì Mỹ sẽ có cách đáp ứng khác và ông cho hay là Mỹ chưa bắn hạ phi đạn nào của Triều Tiên vì chúng không đề ra mối đe dọa  với nước Mỹ hay đồng minh của Mỹ. 
  
Các phi đạn của Bắc Hàn vừa qua có được Mỹ xem là mối đe dọa hay không thì chưa biết, nhưng những lời lẽ của họ Kim rõ ràng là mối đe dọa và thách thức táo bạo, không thể xem thường. Những phát biểu của ông James Mattis có thể được đánh giá là cách thức để mua thời gian cho sự vận động vì Mỹ lúc nào cũng cần thêm nhiều đồng minh trước những khó khăn lớn cần phải được giải quyết trước khi ra tay, sự vận động của Mỹ và Nhựt để kéo Ấn Độ về phía mình trong thời gian vừa qua là một thành công đáng kể.   
  • C.- Tạm kết
Xem thế thì cuộc chiến giữa Mỹ và Bắc Hàn khó có thể tránh khỏi, tuy nhiên, sở dĩ có những cuộc thách thức dằng co kéo dài có thể là do sự thận trọng và cân nhắc của chánh quyền Mỹ về các biến cố bất chợt do Trung Quốc và Nga dàn dựng rất có thể xảy ra trong khi và ngay cả sau cuộc chiến. Ngoài những thiệt hại vật chất và tiêu hao lực lượng trong cuộc chiến với Bắc Hàn, Mỹ còn phải thận trọng đo lường, cân nhắc về khả năng của mình ra sao để đối đầu với những mưu lược và toan tính của Nga và Trung Quốc. 
  
Điều nầy vô cùng quan trọng đối với tương lai của thế giới mà đây có thể là chiến trận sau cùng để xác định cụ thể “Ai thắng Ai” và cũng để xác định vị trí Số Một của một cường quốc lãnh đạo thế giới mà cuộc chiến Mỹ-Bắc Hàn chỉ là sự khởi đầu. 
  
Nếu Mỹ dành được chiến thắng sau cùng thì thế giới sẽ tránh được đại họa xâm lăng của bọn người Hán tộc, còn ngược lại thì cả thế giới sẽ đều bị nhuộm đỏ và trở thành Thiên Đường Trong Nghĩa Địa mà trong đó ngoài bọn người Hán tộc gian ác làm chủ và cai trị, thiểu số các dân tộc khác còn sót lại sẽ trở thành bọn người nô lệ chung thân, muôn kiếp sẽ không bao giờ có thể ngóc đầu lên nổi. Then chốt của mọi Ẩn Số đều nằm ở đây và tùy theo cách giải quyết nầy. 
  
Chánh phủ Hoa Kỳ với một ủy ban Cố Vấn hùng hậu, nhiệt quyết và đầy bản lãnh như hiện nay, tin rằng Hoa Kỳ khó có thể bị “sụp bẫy” mà tập đoàn Nga-Hoa đã giăng lên từ bấy lâu nay. 

Thanh thủy