Sunday, 24 September 2017

Nhật Bản Trước Mối Đe Doạ Của Bắc Hàn


Motoko Rich (NYT)
Lâm Viên lược dịch

Khi Bắc Hàn phóng một phi đạn (hoả tiễn) bay qua Nhật vào sáng thứ Sáu, khiến chính quyền phát đi một thông báo trên điện thoại di động và truyền hình, và nhiều người đã tự hỏi: "Tại sao quân đội Nhật không bắn hạ nó?"

Chính phủ đã nhanh chóng đánh giá rằng mục tiêu của hoả tiễn này không phải là Nhật Bản, và nó đã rơi xuống Thái Bình Dương, khoảng 1,370 dặm về phía đông của Hokkaido, hòn đảo cực bắc của Nhật Bản.

Tuy nhiên, các nhân viên của chính phủ Nhật Bản có thể đã cân nhắc việc bắn hạ phi đạn trước hai trở ngại trực tiếp: Hệ thống phòng thủ phi đạn của nước này vẫn còn hạn chế, và Hiến Pháp giới hạn hành động quân sự là chỉ được đối phó với những trường hợp tự vệ mà thôi.


Những ràng buộc này cũng đã gây nhiều tranh cãi trong những tuần gần đây về việc Nhật Bản nên đáp ứng lại chương trình vũ khí hạt nhân (nguyên tử) đang phát triển nhanh chóng của Bắc Hàn, bao gồm vai trò của họ là một đồng minh của Mỹ và mức độ tăng cường lực lượng vũ trang của quốc gia.

Mặc dù Nhật Bản đã cung cấp hỗ trợ hậu thuẫn cho Hoa Kỳ trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam và Triều Tiên, thế nhưng liên minh này chưa bao giờ được thử nghiệm nếu xảy ra một cuộc xung đột với Bắc Hàn.

Bất kỳ một hành động quân sự nào của chính phủ ông Trump chống lại Bắc Hàn đều có nguy cơ Bắc Hàn sẽ tấn công trả đũa bằng hoả tiễn đạn pháo vào Nhật Bản, nơi có 54,000 binh sĩ Mỹ đang trú đóng. Hôm thứ sáu vừa qua, Bắc Hàn đã đe dọa "nhận chìm" các hòn đảo của Nhật bằng vũ khí nguyên tử và nói thêm rằng "Nhật Bản không còn cần thiết để tồn tại gần chúng ta (Bắc Hàn)".

Vị trí của Nhật Bản ở phía đông của Bắc Hàn, có nghĩa là các hoả tiễn bắn vào phía bắc của Hoa Kỳ, bao gồm khu vực đảo Guam, hầu như chắc chắn sẽ phải bay qua lãnh thổ Nhật Bản.

Tuy nhiên, các hệ thống phòng thủ hoả tiễn di động đặt khắp nơi trên Nhật Bản được thiết lập chỉ để đánh chặn hoả tiễn khi chúng đang rơi xuống, chứ không phải ở trên không khi chúng đang bay. Các hệ thống phòng thủ khác trên bốn tàu khu trục của Hải Quân Hoa Kỳ có thể bắn hạ các hoả tiễn khi đang bay, nhưng chúng phải ở đúng nơi và vào đúng thời điểm.

Cũng không rõ Hiến Pháp Hoà Bình của Nhật Bản có cho phép họ bắn hạ hoả tiễn đang trên đường bay đến Hoa Kỳ hay không? Đó là chưa nói đến việc khởi đầu một cuộc tấn công trước (pre-emptive attack) để triệt hạ hệ thống phóng hoả tiễn của Bắc Hàn, như một số người Nhật tin rằng cần phải chuẩn bị để làm.

Trong những tháng gần đây, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã phục hồi được một cuộc thảo luận dài về việc có nên mua hoả tiễn vô tuyến điều khiển (loại hoả tiễn được điều khiển bằng tín hiệu truyền đi từ vệ tinh nhân tạo đang bay quanh quả đất của Mỹ) - có thể phóng đi từ mặt đất, trên không hay biển - để có thể tấn công một khu vực phóng hoả tiễn của Bắc Hàn, nếu họ phát hiện dấu hiệu của một cuộc tấn công sắp xảy ra.

Năm 1956 chính phủ Nhật đã quyết định rằng một cuộc tấn công trước (pre-emptive strike) như vậy được cho phép vì thuộc vào quyền tự vệ của quốc gia, nhưng một số nhà lập pháp cho biết việc phát triển các loại hoả tiễn vô tuyến điều khiển có thể vượt qua một ranh giới và phá vỡ chính sách lâu dài được thiết lập sau Thế Chiến Thứ Hai với mục đích tránh phát triển vũ khí tấn công. Trong khi công chúng Nhật Bản đang lo lắng về mối đe doạ của Bắc Hàn, họ cũng phân vân về việc phát triển tiềm năng quân sự để bảo vệ quốc gia.

Richard Samuels, một chuyên gia Nhật Bản và là giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc viện Đại Học Kỹ Thuật Massachusetts cho biết: "Công chúng Nhật vẫn chưa chắc chắn về điều này (phát triển quân sự)."

Tháng vừa qua, Tổng thống Trump đã báo hiệu rằng ông muốn Nhật Bản, cùng với Nam Hàn, nên tăng cường chi phí quốc phòng và phát triển vũ khí. Trong bài viết trên Twitter, hai ngày sau khi Bắc Hàn tiến hành việc thử bom nguyên tử lần thứ 6, ông Trump nói rằng ông sẽ cho phép hai quốc gia này "mua vũ khí quân sự tối tân của Hoa Kỳ".

Không rõ liệu ông Trump có ý nói về loại vũ khí nào, và có bao gồm hoả tiễn vô tuyến điều khiển hay không?

Ở Nhật Bản, một phần của tính toán chính trị là Trung cộng hoặc Bắc Hàn sẽ thể phản ứng như thế nào với việc mua những loại vũ khí tối tân như vậy. Koji Murata, giáo sư về quan hệ quốc tế tại viện Đại Học Doshisha ở Kyoto, nói: "Đây sẽ là một lý do để Trung cộng tiếp tục tăng cường quân sự. Và ngay cả ở Nam Hàn, việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những người vẫn mang ý tưởng chống Nhật."

Itsunori Onodera, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, đã tránh thảo luận về một cuộc tấn công trước chống Bắc Hàn. Thay vào đó, ông nói về các cuộc phản công, cho thấy một cách giải thích thụ động hơn về các quyền hợp Hiến của nước này.

Noboru Yamaguchi, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại Học Quốc Tế Nhật Bản ở Niigata, và cũng là một đại tá đã nghỉ hưu trong quân đội Nhật Bản, gọi là Lực Lượng Tự Vệ Lãnh Thổ (Ground Self-Defense Force), đã nói: "Trong trường hợp của Nhật Bản, tôi không nghĩ chúng ta có thể bắn, trước khi chúng ta bị bắn. Rất có thể, một khi chúng ta bị bắn và cái hoả tiễn thứ hai hoặc thứ ba đang đến và rơi xuống đất, chúng ta có thể phản pháo (tấn công ngược lại)".

Một số nhà phân tích nói rằng các viên chức trong chính phủ của ông Abe đã cẩn thận sử dụng ngôn ngữ để không gây náo động cho công chúng. Trong các cuộc thăm dò, khoảng một nửa số người được hỏi đã cho biết họ sẽ phản đối việc Nhật Bản mua các loại hoả tiễn vô tuyến điều khiển để dùng trong việc tấn công trước (pre-emptive strikes).

Tuy nhiên, khi Bắc Hàn tiến hành phóng hoả tiễn và các cuộc thử bom nguyên tử, ông Abe và nội các của ông có thể đưa ra một lập luận mạnh mẽ hơn cho việc mua những hoả tiễn tối tân của Hoa Kỳ. "Họ có thể nói, Hãy nhìn vào những gì Bắc Hàn đang làm. Vâng, chúng ta phải tự bảo vệ mình", Jeffrey W. Hornung, một nhà khoa học chính trị thuộc cơ quan RAND nói.

Về mặt chính trị, việc tăng cường hệ thống phòng thủ phi đạn hoả tiễn của đất nước sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn.

Để bảo vệ bản thân khỏi một cuộc tấn công bằng hoả tiễn (của Bắc Hàn), một số chuyên gia cho biết, Nhật Bản nên mua một Hệ Thống Phòng Thủ Ở Cao Độ  (Terminal High Altitude Area Defense system - THAAD) để  đánh chặn hoả tiễn của đối phương ở độ cao (trên không), hữu dụng hơn các hệ thống trên mặt đất hiện tại của họ.

Hoa Kỳ đã hoàn thành việc trang bị hệ thống THAAD ở Nam Hàn qua các cuộc biểu tình ồn ào từ Trung cộng, cũng như đã trả đũa Nam Hàn bằng cách trừng phạt về mặt kinh tế. Phản ứng đó đã khiến Nhật Bản tạm ngưng việc trang bị hệ thống THAAD trên quốc gia của họ.

Thay vào đó, Nhật Bản cho biết họ có kế hoạch trang bị và phát triển nhiều tàu khu trục hơn với hệ thống phòng thủ hoả tiễn Aegis. Bộ Quốc phòng cũng cho biết họ muốn có một hệ thống trên đất, được gọi là Aegis Ashore, có thể đánh chặn hoả tiễn trên không, vượt trên cả tầm cao của THAAD.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đã nói rằng phòng vệ quốc gia bằng vũ khí chống hoả tiễn chưa chắc đã là phương pháp hữu hiệu hay dễ dàng nhất.

Patrick M. Cronin, giám đốc của Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung Tâm An Ninh Mới ở Washington (Asia-Pacific Security Program at the Center for a New American Security in Washington), cho biết: "Việc phòng thủ bằng hoả tiễn vẫn còn hạn chế và rất tốn kém, vì vậy bạn phải có chút may mắn vào thời điểm này. Để có được quyết định đúng về chính trị để khai hoả, bạn phải đánh một canh bạc lớn. Bởi vì nếu bạn không bắn thì tình trạng sẽ như thế nào?"

Bắc Hàn đã tuyên bố ý định rõ ràng của họ về việc phát triển vũ khí nguyên tử có khả năng đánh vào đất liền của Hoa Kỳ và đã đe dọa sẽ tấn công vùng biển gần Guam ở Tây Thái Bình Dương với một "đám cháy kinh khủng."

Hai năm trước, ông Abe đã giúp đẩy mạnh các đạo luật an ninh để cho phép các đơn vị chiến đấu ở nước ngoài của quân đội Nhật Bản tập trận cùng với quân đội đồng minh dưới danh hiệu "tập thể tự vệ - collective self-defense".

Đối với Nhật Bản, để được tham gia vào hành động tập thể như vậy, luật mới nói rằng, an ninh của chính họ cũng phải đang chịu sự đe dọa vũ trang. Một số nhà phân tích đặt câu hỏi liệu theo định nghĩa đó, các nhà lập pháp Nhật Bản sẽ có thể cho phép một nỗ lực để bắn hạ hoả tiễn đang trên đường bay đến Hoa Kỳ.

Tsuneo Watanabe, một nhà nghiên cứu cấp cao của Tổ Chức Hòa Bình Sasakawa ở Tokyo, nói: "Các giới hạn về an ninh và luật pháp của Nhật Bản phức tạp vô cùng."

Những người khác cho rằng một cuộc tấn công vào các đồng minh quan trọng nhất của Nhật Bản chắc chắn phải được hiểu như là một mối đe dọa cho chính bản thân Nhật Bản, vì chủ đích của (đồng minh) Hoa Kỳ là bảo vệ Nhật Bản.

Giáo sư Yamaguchi của Đại học Quốc tế Nhật Bản cho biết: "Nếu Nhật Bản nhìn thấy những căn cứ của Mỹ, trên đất Nhật, bị tấn công, trong tình thế đó nếu chúng ta không cứu họ, thì sẽ nguy hiểm đến sự tồn tại của Nhật Bản. Trong trường hợp đó, chúng ta có thể hợp tác một cách hợp pháp."

Mặc dù Bộ Quốc phòng Nhật Bản gần đây đã tăng ngân sách hàng năm của họ lên mức kỷ lục 5.26 nghìn tỷ Yen, hay khoảng 48 tỷ đô la, chi tiêu quân sự so với tổng sản phẩm quốc nội là tối thiểu so với các nước khác. Đồng thời Nhật Bản cũng có thể có các trang bị quân sự khác trong danh sách mong muốn, bao gồm cả những chiếc xe lội nước (amphibious vehicles) hoặc nhiều máy bay chiến đấu.

Giáo sư Yamaguchi nói: "Nếu tài nguyên có hạn, thì chúng ta phải sắp xếp thứ tự ưu tiên. Bắc Hàn không phải là vấn đề duy nhất. Chúng ta phải đối phó với chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, và chúng ta cần phải giải quyết một cách xây dựng với Trung cộng", ông nói thêm, đề cập đến các cuộc xâm lăng lãnh thổ của Trung cộng ở Biển Đông và Nam Hải.


 Nổi bật trong bối cảnh hiện nay là vấn đề liệu Nhật Bản có nên phát triển vũ khí nguyên tử để chống lại mối đe dọa của Bắc Hàn hay không?

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm ngoái, ông Trump đã đề nghị Nhật Bản có thể "tốt hơn" với kho vũ khí nguyên tử của riêng họ. Nhưng ý kiến của công chúng ở Nhật Bản vẫn chống lại điều đó.

Chính phủ Hoa Kỳ hiện nay đang phản đối việc Nhật Bản và các quốc gia ở châu Á, mua vũ khí nguyên tử, một viên chức chính quyền cấp cao nói, nhưng cũng cảnh cáo Trung cộng và Nga rằng việc phổ biến vũ khí nguyên tử có thể không tránh khỏi nếu Bắc Hàn không từ bỏ chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của họ.

Ken Jimbo, giáo sư về Quản Lý Chính Sách (Policy Management) tại Đại Học Keio, Tokyo, ghi nhận Nhật Bản là quốc gia duy nhất từng bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử, vụ đánh bom vào Hiroshima và Nagasaki của Hoa Kỳ.

"Vì vậy, lựa chọn về vũ khí nguyên tử sẽ phải là phương sách cuối cùng của chúng ta", ông nói.

Motoko Rich (NYT)
Lâm Viên lược dịch

Tham khảo:
North Korea’s Threat Pushes Japan to Reassess Its Might and Rights
https://www.nytimes.com/2017/09/15/world/asia/japan-north-korea-missile-defense.html