Friday, 10 November 2017

Nhắc chuyện xưa , ngẫm nghĩ chuyện nay - LNTH

1.
Tuổi già hay nhớ những chuyện xưa. Lúc mẹ tôi còn sống, trong các bữa ăn, bà thường hay nhắc lại cuộc sống của mình thưở nhỏ. Là một cô con gái nhà quê, ngoài chuyện đồng áng là chuyện chánh, mẹ tôi còn lo trong ngoài cho ông bà Ngoại vì các chị lớn đi lấy chồng ở xa. Từ những câu chuyện đó, tôi hiểu thêm về quê ngoại, về chuyện đồng quê miền Nam. Vợ chồng tôi vốn sanh trưởng nơi thành thị, những mẩu chuyện đời xưa ấy của mẹ tôi vô cùng hấp dẫn với chúng tôi. Dầu gì cáí gốc ông bà đã là máu luân lưu trong cơ thể. Nguồn cội của mình, làm sao lại không thấy gần gũi, thấy nhớ, thấy thương? Huống chi lại đang sống nơi xứ lạ quê người (cho dù bây giờ thì đất nước tạm dung này cũng đang dần dà trở thành quê hương thứ hai của chúng tôi).
Từ thói quen đó, bây giờ vợ chồng tôi cũng hay kể về thời niên thiếu cho con cái nghe, hay cho nhau nghe bên mâm cơm chiều. Con tôi nhờ đó, học và hiểu nhiều về quê hương Việt Nam: về đời sống, phong tục, sinh hoạt của người Việt, của chính ông bà cha mẹ mình; về những khổ đau, gian nan của dân tộc, của ông bà cha mẹ mình trong suốt thời gian chiến tranh; về những u uẩn, gian khổ, tù đày, tủi nhục của Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa sau ngày 30.4.1975 mất nước; về sự thật của bộ mặt gian xảo, độc ác của cộng sản Việt Nam.
Đó chính là sự giáo dục để con tôi không quên nguồn cội, hiểu rõ vì sao ông bà cha mẹ mình phải sống ly hương, có thể hiểu biết đúng đắn về cuộc chiến Quốc Cộng tại Việt Nam như chính cha mẹ mình đã hiểu và luôn giữ vững lằn ranh Quốc Cộng thật rõ ràng. Lá cờ thiêng liêng màu vàng với ba sọc đỏ phải luôn luôn được tôn trọng và bảo vệ như tổ tiên mình đã làm.
 
2. Thế hệ ông cha làm sai, làm mất nước đưa tới cảnh lưu vong của người Việt Nam ?
 
Chúng tôi thay nhau miên man kể, từ chuyện nhà lan dần sang trường học... dẫn miết đi luôn tới chuyện quốc gia. Những hình ảnh đau thương của trận Mậu Thân năm 1968 tại Sàigòn, Huế được nhắc lại trong bùi ngùi. Những hố chôn người tập thể tại Huế có bao giờ phai nhòa trong tâm khảm chúng tôi, dù rằng chúng tôi ở Sàigòn và chỉ được xem các hình ảnh trắng đen của đài truyền hình Việt Nam băng tần số 9 thời đó.
Nhớ lại những đêm đang ngủ phải choàng dậy, vội vàng chui xuống gầm giường trốn lánh những quả hỏa tiễn của Việt cộng pháo kích xối xả vào khu dân cư. (trốn cho yên lòng chứ có hiệu quả gì đâu?)
Cũng không quên cảnh thịt da tan nát, thân xác vung vãi tứ bề của dân vô tội, kết quả hành động tàn ác của bọn khủng bố nằm vùng đặt mìn, ném lựu đạn trong các rạp hát hay nơi công cộng.
Biết bao nhiêu tang thương, biết bao nhiêu thống khổ mà người dân miền Nam phải hứng chịu do sự xâm lăng tham lam chiếm đoạt của bọn giặc Hồ.
 
Nói đến cuộc chiến tự vệ chống lại bọn cộng sản xâm lăng miền Nam, không sao không khỏi nhắc tới ơn nghĩa của những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Chúng tôi luôn tâm niệm, không có sự hy sinh của họ, chúng tôi không thể có cuộc sống an nhàn hôm nay. Vì sao? Vì họ đã xả thân chiến đấu  ngoài tiền tuyến, bảo vệ cho hậu phương người ngườì có cuộc sống an ổn, học hành (và ... ăn chơi!). Họ đã chiến đấu anh dũng chống lại bọn cộng sản xâm lăng miền Bắc. Tôi đã từng chứng kiến và cũng từng là chứng nhân của rất nhiều thảm cảnh như goá phụ trẻ mang thai nức nở bên áo quan chồng; người chờ khăn cướí lại nhận khăn tang; bạn học tôi đi nhập ngũ theo luật động viên và chỉ sau vàì tháng ngắn ngủi thì gia đình lãnh tiền tử v.v...
Chúng tôi nhắc với nhau vể những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn đó mà thương nhớ và ngậm ngùi cho quê hương và dân tộc mình.
Phải là người máu lạnh mới phủ nhận công ơn hãn mã của người lính Việt Nam Cộng Hoà trong cuộc chiến tự vệ, bảo vệ quê hương độc lập, tự do, chống lại bọn cộng sản xâm lăng miền Bắc.
Làm sao có thể vong ơn bội nghĩa, bôi nhọ công ơn của họ?
Có nhìn thấy chưa cảnh chiến đấu tới viên đạn cuối cùng của người lính BĐQ trên cầu Sàigon trưa ngày 30.4.1975?
Có nghe chăng tiếng hát quốc ca hào hùng bi thiết của thiếu sinh quân Vũng Tàu trong buổi lễ chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa lần cuối cùng?
Có nhìn thấy những viên đạn tuẫn tiết của bao anh hùng quân lực Việt Nam Cộng Hòa, thà chết không đầu hàng cộng sản?
Sao lại có thể buông lời ác độc phỉ báng và kết tội thế hệ ông cha làm sai, làm mất nước đưa tới cảnh lưu vong của người Việt Nam, của các thế hệ con cháu Việt Nam?
Buộc tội phải nêu rõ "tội danh" , phải chưng bằng cớ và phải cho "bị cáo" phản biện. Thế hệ trước đã làm sai những gì đến độ thế hệ sau phải lưu vong?
 
(Trích thư cô Nancy Nguyễn : ... Con xin lỗi phải nói lời rất đau lòng này: cái hoạ mất nước có phải là do chúng con? Tại sao thế hệ đi trước được quyền sai đến độ chúng con phải lưu vong, nhưng lại tước đi cái quyền được sai của thế thệ chúng con?
Thư Cuối Gởi Cô Chú Bác Của Con - Nancy Nguyễn, 26/9/2017 - 11:54PM)
 
 
3. Cuộc chiến tranh Việt Nam có phải là cuộc nội chiến?
 
Dân Quân Cán Chính miền Nam Việt Nam, bị đặt trong một tình thế tự vệ, phải chiến đấu xua đuổi bọn xâm lăng miền Bắc. Chúng nóí "na ná" tiếng mình nhưng chúng không là đồng bào mình. Chúng tàn ác xua quân xâm chiếm đất nước mình. Chúng đã giết đồng bào mình không chút gớm tay. Cuộc chiến tự vệ đó là một cuộc chiến chống bọn xâm lăng miền Bắc. Trận chiến Cộng sản và Quốc Gia tại Việt Nam KHÔNG PHẢI là CUỘC NỘi CHIẾN.
Chiến tranh là đi đôi với tàn nhẫn. Tại sao chỉ nói đến "tội ác " của kẻ tự vệ là miền Nam mà lại khỏa lấp, thản nhiên làm ngơ trước những hành động dã man tàn ác của bọn xâm lăng miền Bắc cộng sản? Phi lý và bất công! Đám phản chiến khi xưa luôn miệng hô hào chấm dứt chiến tranh, biểu tình gây rối loạn xã hội miền Nam, nhưng tuyệt nhiên KHÔNG một mảy may "làm trời" tại miền Bắc hay hô hào Việt cộng rút quân. Tại sao?
 
4. Chống cộng sản hay chống cái ác?
 
a.
Từ khi Việt cộng xua quân "chánh qui" lén lút xâm nhập miền Nam theo "cái-gọi-là-đường-mòn-HCM", nhập chung với đám du kích ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản, dựng lên "cái-gọi-là-Mặt-Trận-Giải-Phóng-miền- Nam" để tạo cớ xâm lăng miền Nam, thì bất kỳ người Quốc Gia già trẻ nào cũng hiểu là muốn bảo vệ quê nhà là PHẢI CHỐNG CỘNG. Rõ ràng như ngày và đêm. Không ai kêu gọi nhau CHỐNG CÁI ÁC.
Gần đây trong các cuộc biểu tình tại Việt Nam hiện nay, dân chúng, già trẻ lớn bé đều cùng CHỐNG TÀU CỘNG, không thấy biểu ngữ nào ghi là CHỐNG CÁI ÁC. Điều này nói lên rằng chống cộng sản, chống Việt cộng hay Tàu cộng không còn xa lạ với thanh thiếu niên tại quốc nội, không còn là vấn đề kỵ húy phải né tránh. Không cần thiết, thực sự là không cần thiết để mập mờ đưa họ đi vòng vòng "chống Ác"  rồi cuối cùng lường gạt họ như tên già Hồ năm xưa đã lường gạt bao người ái quốc chống Pháp rồi đẩy đưa họ vào con đường cộng sản lỡ khóc lỡ cười.
 
Chống đảng cộng sản đang nắm quyền cai trị để có tự do, chống để có cơm ăn áo mặc như ngày xưa. Có lẽ sẽ thực tế và dễ hiểu cho người dân chân chất hơn là dùng những danh từ hoa mỹ "nhân quyền". Cộng Sản đã nhắm vào giới công nông để đi lên. Chúng ta nên học bài học này, lấy gậy ông đập lưng ông, nóí thẳng thừng dễ hiểu cho giới này thì sẽ dễ dàng có được hậu thuẫn lớn, dễ đạt được kết quả thì hơn. Họ là những người chân lấm tay bùn, chơn chất, nói huỵch toẹt thì dễ chấp nhận nhất.
 
b.
ÁC là một tĩnh từ trừu tượng. ÁC có một ý nghĩa tương đối.
Sao gọi là Ác? Sao gọi là Thiện?
Ác hay Thiện có thể thay đồi tùy theo cáí nhìn và cương vị của mỗi ngườì. Ác với anh chị chưa hẳn là ác với người khác. Như vậy kêu gọi chống Ác sẽ kêu gọi được bao nhiêu người? Chống một cái trừu tượng, không cụ thể sẽ khó mà đạt được thành công.
 
Ngược lại CỘNG SẢN là một danh từ, chỉ rõ một đối tượng cụ thể.
Hội Nghị Diên Hồng xưa kia đã vạch rõ mục tiêu, đặt rõ đối tượng là SÁT THÁT. Tổ tiên ta không hề kêu gọi Chống Ác. Do đó, cho dù quân lực Việt Nam xưa kia có thua Tàu nhưng nhờ đồng lòng và cương quyết can đảm duy nhất nhắm vào chống lại một kẻ thù chung  mà chiến thắng vẽ vang.
 
c.
CHỐNG CỘNG SẢN bao gồm CHỐNG những việc Ác mà cộng sản làm vì cộng sản luôn tàn ác, theo cái nhìn của hầu hết mọi ngườì trên tráí đất này, trừ chính bọn chúng không thấy chúng ác.
Trong khi CHỐNG CÁI ÁC chưa chắc đã bao gồm chống cộng sản.
 
1.    Vì sao? Vì trong cái nhìn tình cảm cá nhân, bạn có quyền chọn lựa có cảm tình với anh cán bộ kia, chị bộ đội này vì anh /chị ấy KHÔNG ÁC (đối với bạn, nhưng chưa chắc không ác với ngườì khác).
 
Trong cuộc diện chung của Quốc Gia, Dân Tộc hay Cộng Đồng, tập hợp số đông ngườì để thực hiện một lý tưởng, một chính nghĩa thì Trắng Đen phải rõ ràng, minh bạch. KHÔNG có chuyện "lờ lợ" nửa mặn nửa ngọt như nước sông đổ ra biển tại Vàm. Việc làm này chỉ tạo cơ hội cho Việt gian trà trộn, phá quấy chương trình và kế hoạch.
 
2.    Bạn đứng trên lăng kính nào để định nghĩa cái ÁC ?
Bọn phản chiến chống lại chiến tranh tại Việt Nam không ngừng tuyên truyền về những cái Ác của "Mỹ Ngụy". Sự tuyên truyền này kèm theo những hình ảnh cố tình bôi bác một nguyên nhân thật phía sau, nhưng người ta không cần tìm hiểu mà tin ngay vào đó. Họ nhanh chóng kết luận, miền Nam Việt Nam là phe "chủ chiến, xâm lăng" tàn ác (ô hô là do bọn cộng sản đã gài cho thế giới tin như vậy) và bọn cộng sản Bắc Việt (thực chất là kẻ xâm lược) lại là những người "hy sinh để giải phóng miền Nam". Nói như vậy, ai tin phe nào ÁC thì sẽ chống phe đó. Như vậy, kêu gọi chống Ác của Luật Sư Trần Kiều Ngọc hô hào, có thực sự có ý nghĩa là chống cộng sản nhưng không tiện nói ra như một vài vị đã bào chữa?
 
Tôi KHÔNG đồng thuận với câu tuyên bố của cô Luật sư Trần Kiều Ngọc. Cô cho là thế hệ trẻ của cô, của em cô nếu kêu gọi chống Cộng thì quá xa xôi mà chỉ nên kêu gọi chống cái Ác, bất kỳ do chế độ nào, thế lực nào làm ra.
 
Tài liêu của ký giả Hoàng Lan Chi.
 
Cá nhân tôi quá nghi ngờ lập trường này. Lập luận này hoàn toàn KHÔNG thể thuyết phục được tôi.
 
Với tôi, mọi việc rõ ràng như một định đề toán học:
"Phải chống cộng sản; cộng sản Việt Nam phải bị xóa bỏ; không hòa giải, không hòa hợp với Việt cộng nói riêng và cộng sản nói chung".
 
 
lê ngọc túy hương
9.11.2017