Saturday, 2 December 2017

Khuôn mặt phụ nữ đẹp nhất trong năm

Từ Thức (Danlambao) - Người đàn bà tươi nhất trong năm không phải là một minh tinh màn ảnh vừa lãnh Oscar. Người đàn bà đẹp nhất trong năm không phải là người mẫu với thời trang đắt tiền. Khuôn mặt đàn bà tươi đẹp nhất trong năm là một phụ nữ với trang phục bình dị, tươi cười, bình thản đi vào hang cọp, lãnh án 10 năm tù. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Nhìn hai tấm hình, một, với Như Quỳnh tươi như một bông hoa giữa một lực lượng an ninh hùng hậu, và hai, bà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nhăn nhó tuyên bố phiên tòa diễn ra đúng tiêu chuẩn dân chủ, khó tưởng tượng ai là người sắp đi tù 10 năm, ai đang loan một tin đáng hãnh diện. 


Phải chăng bởi vì một người biết mình sắp nói láo, và biết thiên hạ biết mình nói láo? Nietzsche: "Người ta nói láo bằng miệng, nhưng cùng lúc, với bộ mặt, người ta cũng để lộ sự thực" (1) 

Phải chăng NNNQ có cái an tâm tự tại của một người biết mình có chính nghĩa, biết mình có lý, biết mình đã làm chuyện phải làm, đã gỡ danh dự cho hàng triệu người cúi đầu cam chịu? 

Như Quỳnh bị y án 10 năm tù. Như người ta dự đoán. Ở VN ngày nay, có thể cướp của giết người, có thể hiếp dâm, miễn là đừng đụng tới Trung Quốc. 

Trước Như Quỳnh vài ngày, Nguyễn Văn Hóa đã lãnh 7 năm tù vì đã khui vụ Formosa. Đã phạm tội "chống phá nhà nước". Hai mươi hai tuổi, vẫn chưa hiểu Formosa là nhà nước, nhà nước là Formosa.

Ở một xứ bình thường, đó là cái án dành cho những kẻ cướp của giết người.

Một lực lượng an ninh hùng hậu áp tải Mẹ Nấm, bao vây tòa án, đàn áp những người tới chứng kiến phiên tòa. 

Bị can là một tên khủng bố nguy hiểm, đã ném bom, đặt mìn, đã cầm đầu một lực lượng võ trang lật đổ chính quyền? Không. Chỉ là một phụ nữ tay trắng, với hai đứa con dại. Mười năm tù, vì đã phạm cái tội nghiêm trọng nhất trong bối cảnh VN ngày nay. Đã gào thét Hoàng Sa, Trường Sa là của VN, Formosa đang giết dân Việt hãy cút khỏ VN.

Tàu nó chiếm từng tỉnh, từng vùng, thải chất độc giết dân, nhà cầm quyền không dám mở miệng. Một phụ nữ chân yếu tay mềm lên tiếng thay, đáng lẽ phải đội ơn, người ta tống vào nhà tù. Tuyên án 10 năm tù cho một người mẹ với hai đứa con còn nhỏ dại, chỉ vì cái tội có lòng với đất nước. Thản nhiên như búng tay kêu một ly cà phê, một tô phở.

Xin các nhà ngôn ngữ học, nhan nhản ở VN, đang thi thố tài năng trên TV, tìm một chữ gì thay cho chữ "tòa án, công lý" của người Cộng Sản.

Ở một xứ văn minh, quan tòa là người bảo vệ công lý. Ở VN, đó là một nhóm vệ binh ngồi xổm trên pháp luật, phóng uế trên lương tâm. 

Có những buổi sáng, soi gương, thấy xấu hổ là người Việt Nam. Ra đường không dám ngửng nhìn thiên hạ.

Cái tươi cười, bình thản của một người đàn bà tay trắng, với lương tâm bình an, khiến lực lượng an ninh hùng hậu chung quanh trở thành lố bịch. Bạo quyền trở thành lố bịch. Trơ trẽn. Khả ố. Một hình ảnh nói nhiều hơn một trăm trang giấy.

(1) "On ment bien de la bouche, mais avec la gueule qu’on fait en même temps, on dit la vérité quand même". Nietzsche

2/12/2017



Phiên toà y án Mẹ Nấm 
Vietnam – Cali Today News – Vụ “tòa án nhân dân” của riêng chính quyền Việt Nam xử y án 10 năm tù giam đối với blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào ngày 30/11/2017 đã gây phẫn nộ chưa từng có không chỉ với cộng đồng dân chủ nhân quyền trong nước mà còn với cộng đồng nhân đạo quốc tế. 

 Sau kết quả 10 năm y án Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, dư luận trong và ngoài Việt Nam đang phẫn nộ lên tiếng: “Quốc tế còn chờ gì nữa mà không chế tài?”.

Đặc ủy Nhân quyền của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, bà Bärbel Kofler đã tuyên bố 
„Tôi đau buồn và phẫn nộ về bản y án tù đối với nữ blogger và là nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Bà Quỳnh bị 10 năm tù chỉ vì thực hiện quyền tự do biểu đạt ý kiến mà được Hiến pháp Việt Nam đảm bảo. Bản án này đã vi phạm các Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã cam kết.
Bà Quỳnh đã đấu tranh chống các tiêu cực trong xã hội và tham nhũng. Bằng các bài viết của mình, bà đã khiến dư luận chú ý đến số lượng lớn các trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân trong trại giam và trại tạm giam. Bên cạnh đó, bà còn tranh đấu không biết mệt mỏi cho các ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường tại miền Trung Việt Nam và gia đình của họ.
Việc bắt giam, xét xử và kết án bà Quỳnh là tất cả những điều không thể nào hiểu được, khi bà dấn thấn vào đúng những lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam đã xác định nhu cầu cấp bách nhất về cải cách: Tuân thủ theo pháp luật trong hành chính, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng. Việc bắt giam, xét xử và kết án bà Quỳnh là tất cả những điều không thể nào hiểu được, khi bà dấn thấn vào đúng những lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam đã xác định nhu cầu cấp bách nhất về cải cách: Tuân thủ theo pháp luật trong hành chính, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng. Đối với tôi thì rõ ràng: Nếu không có các nỗ lực dân sự và tăng cường tính minh bạch thì mục tiêu hiện đại hóa đất nước một cách bền vững không thể nào đạt được.
Rất tiếc là quyết định của tòa án phúc thẩm phù hợp với một chuỗi dài những vụ bắt giam, kết án, quấy rối của công an và đôi khi dùng bạo lực tấn công các nhà báo, blogger, nhà hoạt động và luật sư trong những tháng vừa qua. Trong năm 2017, quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí tại Việt Nam và những người ủng hộ nó đã phải chịu đựng những sự tấn công của nhà nước theo cách thức mà chưa từng có. Tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam hãy trả tự do cho bà Quỳnh và hàng loạt tù nhân chính trị khác, hãy tôn trọng những quyền cơ bản mà được đảm bảo theo hiến pháp và hãy tuân thủ những thủ tục tố tụng đúng theo các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền.“ (bản dịch của Thoibao.de).
Một lần nữa, phía Mỹ lại ra tuyên bố phản ứng với vụ xử y án trên, nhưng với lời lẽ mạnh mẽ hơn lần trước.
Ngay chiều 30/11, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã ra thông cáo:
“Bản án này hoàn toàn trái với Tuyên bố Toàn cầu về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Chính trị và Dân sự mà Việt Nam là một bên tham gia.”
“Gia đình của cô Quỳnh nên được phép tham dự phiên xét xử diễn ra trong phòng xử án, nhưng điều này đã không xảy ra.”
“Việc chính quyền Việt Nam không cho phép đại diện Phái đoàn EU và các ĐSQ thành viên EU tham dự phiên toà đã đưa ra những câu hỏi về tính minh bạch trong quá trình xử án.”
Vụ y án thậm tệ trên lại chỉ xảy ra đúng một ngày trước cuộc đối thoại nhân quyền thường kỳ của Liên minh châu Âu (EU) với chính quyền Việt Nam tại Hà Nội – ngày 1/12/2017.
Trước đó, dư luận giới dân chủ nhân quyền đặt dấu hỏi không biết vô tình hay có chủ ý mà nhà cầm quyền Việt Nam đã xếp lịch xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngay trước đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam. Một tia hy vọng mong manh đã lóe lên khi trong bối cảnh chính thể độc đảng ở Việt Nam đang quá cần đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) thì chính thể này sẽ phải nhượng bộ giảm án cho tù nhân lương tâm như một “món quà” cho EU – điều tương tự với trường hợp “tòa án nhân dân” buộc phải trả tự do ngay tại tòa cho nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Phương Uyên vào tháng 8/2013 khi giới chóp bu Việt Nam được Mỹ hứa hẹn cho tham gia Hiệp định TPP.
Tuy nhiên kết quả 10 năm y án Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã đặt dấu chấm hết cho hy vọng trên, ít ra cho đến thời điểm này. Điều đó có nghĩa là nhà cầm quyền Việt Nam vẫn chưa có một nhượng bộ hay thay đổi nào dù là nhỏ nhất. Thậm chí, việc y án 10 năm này chính là một cú vỗ mặt trực tiếp vào Liên minh châu Âu và công đồng quốc tế.
Sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” ngay tại Berlin vào tháng 7/2017 mà đã khiến người Đức nổi giận, dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt, hàng loạt vụ bắt bớ người hoạt động nhân quyền từ đầu năm 2017 đến nay, và mới đây là vụ y án Nguyễn Ngọc Như Quỳnh rất có nhiều khả năng kéo theo EVFTA giữ nguyên trạng thái trì trệ để toàn bộ chính thể Việt Nam vẫn bị “treo” ở đó.
Không chỉ có thế, nhiều dư luận trong và ngoài Việt Nam còn đang phẫn nộ lên tiếng: “Quốc tế còn chờ gì nữa mà không chế tài?”.
Dư luận đang chờ đợi Chính phủ và Quốc hội của Mỹ và Canada sẽ làm gì, sẽ sử dụng Luật Nhân quyền Magnitsky để chế tài ra sao đối với những quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền tầm trọng.
Nếu Mỹ, Canada và cả một số nước châu Âu đồng loạt chế tài, rất nhiều quan chức Việt Nam sẽ không những bị cấm nhập cảnh vào những nước này, mà tài sản của họ và của cả thân nhân của họ cũng sẽ bị phong tỏa ở bất cứ chỗ nào Luật Magnitsky tỏa vùng phủ sóng.

Thiền Lâm