Saturday 2 December 2017

Đoàn Văn Toại và sinh viên Sài Gòn một thời

Bùi Văn PhúGửi cho BBC từ California, Hoa Kỳ
Ông Đoàn Văn ToạiBản quyền hình ảnhPROPUBLICA
Image captionÔng Đoàn Văn Toại từng bị giam hai năm trong các nhà tù của cộng sản ở Thành phố Hồ Chí Minh mà không hề bị xét xử, theo tác giả Bùi Văn Phú.
Đoàn Văn Toại, tác giả của ba quyển sách, hiệu trưởng hai đại học tư, người hoạt động nhân quyền, một lãnh tụ sinh viên, người gây sôi nổi, ồn ào trong dư luận ở Việt Nam, Pháp, Hoa Kỳ trong hai thập niên 1970 và 1980 đã qua đời tại California vào trung tuần tháng 11 vừa qua, hưởng thọ 72 tuổi.
Là phó chủ tịch Tổng hội Sinh viên Đại học Sài Gòn và có khuynh hướng thân cộng, năm 1971 ông đã đi Mỹ, đến các đại học trong đó có Đại học Berkeley và Stanford để kêu gọi sinh viên ủng hộ quyền dân tộc tự quyết của nhân dân miền Nam bằng cách đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam, vì thế ông bị chính quyền Sài Gòn bắt giam nhiều lần.
Hơn một tháng sau ngày 30/4/1975 ông lại phải vào tù cộng sản. Bị bắt khi đang dự buổi hòa nhạc ở nhà hát thành phố, mà bộ đội không đưa lí do. Ông nghĩ có thể là vì trùng tên với lãnh đạo sinh viên chống cộng Ngô Vương Toại, hay vì ông không muốn thi hành chính sách tịch thu tài sản của dân do Hà Nội đưa ra.
Dù bất cứ vì lí do gì thì ông cũng đã bị giam hai năm trong các nhà tù của cộng sản ở Thành phố Hồ Chí Minh mà không hề bị xét xử.
Được thả, Hà Nội cho ông ra đi đoàn tụ gia đình - vợ ông có quốc tịch Pháp và đã được hồi hương năm 1977 - với hy vọng ông sẽ nói tốt cho chế độ khi đó đang bị thế giới lên án vì chính sách cai trị hà khắc.
Ông đã không làm như ý lãnh đạo Hà Nội. Sau khi đến Pháp, ngày 30/5/1978 ông tổ chức họp báo và công bố "Tuyên ngôn Nhân quyền cho Việt Nam" được một số trí thức ký tên, luật sư Trần Danh San tuyên đọc trước Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn và đã bị bắt giam.
Bản tuyên ngôn ông đã phải dấu ở một chỗ kín trong người khi rời Việt Nam vì sợ an ninh sân bay lục soát hành lý. Qua họp báo, ông đã phơi bày những vi phạm nhân quyền của Hà Nội trước công luận thế giới.
Cuối năm đó ông qua Mỹ cũng có họp báo, gặp gỡ nhiều dân cử Quốc hội Hoa Kỳ, đến nói chuyện tại nhiều đại học về tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam.

Khiến Joan Baez 'tỉnh ngộ'

Ông Đoàn Văn Toại (bên trái)Bản quyền hình ảnhBÙI VĂN PHÚ/BBC
Image captionÔng Đoàn Văn Toại (bên trái) và bà Laola Hironaka của Tổ chức Ân xá Quốc tế trong một buổi gặp gỡ ở Berkeley năm 1980.
Lần trở lại Đại học Berkeley năm 1979, theo lời mời của Viện Nghiên cứu Đông Á (Institute of East Asian Studies) dưới sự điều hành của Giáo sư Robert Scalapino, ông đã gặp bà Laola Hironaka là trưởng nhóm Ân xá Quốc tế (Amnesty International - Campus Network). Qua bà Hironaka và Ginetta Sagan, ông và nhà thơ Nguyễn Hữu Hiệu gặp ca sĩ phản chiến Joan Baez và đã khiến bà tỉnh ngộ.
Biết đến những trại học tập cải tạo giam giữ hàng trăm nghìn người, những nhà tù giam văn nghệ sĩ, trí thức, lãnh đạo tôn giáo, Joan Baez đã vận động cả trăm trí thức, nghệ sĩ ký tên vào một thư ngỏ lên tiếng về hồ sơ nhân quyền của Hà Nội. Lá thư được đăng trên các báo lớn tại Hoa Kỳ cuối tháng 5/1979.
Mạnh mẽ chống Hà Nội, nhưng ông có cùng quan điểm với Hoàng Văn Hoan, Ủy viên Bộ Chính Trị vừa trốn sang Trung Quốc và Trương Như Tảng, cựu bộ trưởng tư pháp của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mới vượt biển đến Pháp, cùng với Thái Quang Trung là những người có khuynh hướng thân Tàu chống lại Việt Nam, vì thế ông bị nhiều người Việt hải ngoại phản đối, bị nghi ngờ là cộng sản nằm vùng, là người của CIA.
Khi đến Berkeley nói chuyện do Amnesty International tổ chức, ông nói về đời sống tù khổ cực ở Việt Nam sau 1975 mà bản thân đã trải qua trong hai năm và những trại học tập cải tạo, thực chất là nhà tù, do Hà Nội dựng nên để giam giữ không xét xử 800 nghìn cựu quân nhân, cán bộ và công chức Việt Nam Cộng hòa.
Một người tham dự hội thảo đã hỏi, đại khái là ngày xưa ông tranh đấu đòi loại bỏ chính quyền độc tài Nguyễn Văn Thiệu, để ngày nay ở Việt Nam lại có một chế độ còn độc tài và tàn ác hơn, nhìn lại ông có suy nghĩ gì? Đoàn Văn Toại trả lời vì ông là một người suy nghĩ độc lập và vì lý tưởng thì ở đâu có độc tài, áp bức ông sẽ tranh đấu. Đó là lý do tại sao ông vẫn tiếp tục hoạt động cho tự do, dân chủ, cho những người còn bị giam tù vì lý do chính trị tại Việt Nam.
Trở lại miền Đông nước Mỹ, Đoàn Văn Toại cùng với Nguyễn Hữu Hiệu thành lập Ủy ban Tranh đấu cho Tù nhân Chính trị tại Việt nam và đã xuất bản tập thơ "Tiếng vọng từ đáy vực" của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, mà khi đó danh tính của nhà thơ còn được giữ kín. Tập thơ là một bằng chứng nữa về nhà tù của Hà Nội dành cho những người phản kháng chế độ từ mấy chục năm qua.
Bị bắn bể hàm, thủng ruột
Ông Đoàn Văn ToạiBản quyền hình ảnhKENDRICK BRINSON/PROPUBLICA
Image captionNăm 1989, ký giả và nhà hoạt động chính trị Đoàn Văn Toại bị bắn gần nhà ông ở Fresno, CA. Một viên đạn làm vỡ hàm răng và đã xuyên ra ngoài phía dưới lỗ tai của ông, theo ProPublica.
Những hoạt động của Đoàn Văn Toại được chính giới Mỹ chú ý và ủng hộ. Ông viết những bài báo về hiện tình Việt Nam đăng trên Wall Street Journal, New York Times và làm việc nghiên cứu tại Fletcher School of Law and Diplomacy, Đại học Tuft ở Boston; Institute of East Asian Studies, Đại học Berkeley ở California.
Ông đã cho ra đời 3 tác phẩm về Việt Nam, viết chung với David Chanoff, là: "The Vietnamese Goulag", nguyên bản tiếng Pháp "Le goulag Vietnamien" xuất bản năm 1979; "Vietnam : A Portrait of its People at War" và "Portrait of the Enemy".
Những năm cuối thập niên 1980, đầu 1990, khi thế giới có những thay đổi và khối cộng sản đang tan rã, Đoàn Văn Toại thành lập Institute for Democracy in Vietnam - Viện Vận động Dân chủ cho Việt Nam - qua đó ông thúc đẩy Washington thiết lập quan hệ ngoại giao với Hà Nội và công khai lên tiếng cổ võ cho quan điểm của mình vì tin rằng giúp Việt Nam phát triển kinh tế sẽ đưa đến thay đổi chính trị.
Ông cũng lên tiếng chỉ trích Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam của Tướng Hoàng Cơ Minh, lúc đó đang quyên tiền cho phong trào kháng chiến mà ông cho là lừa gạt.
Tháng 8/1989 ông bị kẻ lạ mặt bắn ba phát làm bể hàm, lủng ruột nhưng ông chỉ bị thương nặng và thoát chết. Thủ phạm tẩu thoát. Dư luận đồn đoán là Mặt trận của Tướng Hoàng Cơ Minh đứng sau.
Sau vụ ám sát bởi những người cùng màu da sống trên đất Mỹ, ông không còn coi Hoa Kỳ là nơi an toàn nên đã về Việt Nam làm ăn và sống trong im lặng nhiều năm.

Người có ý tưởng kỳ lạ

Năm 2015 khi đài truyền hình PBS chiếu phim "Terror in Little Saigon", ông có trả lời phỏng vấn, nhưng không muốn xuất hiện trước máy thu hình, và nói rằng ông quyết định nói về vụ ám sát, vì tuổi đã 70 không còn phải lo sợ. Tuy nhiên ông không tin có ngày ông sẽ thấy được người đã bắn ông ra trước công lý.
Cựu Tổng Bí thư ĐCSVN Đỗ MườiBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionÔng Đoàn Văn Toại từng đề nghị một vài trường ở Mỹ cấp bằng tiến sĩ danh dự cho Tổng Bí thư ĐCSVN Đỗ Mười và Thủ tướng Campuchia Hunsen, theo tác giả Bùi Văn Phú.
Ngày nay tên ông cũng đã đổi để ít gây chú ý. Trên mạng xã hội Facebook có ghi Prof. Patrick T Doan, Ph. D kèm với chức danh Founder, Bristol University, California và Emeritus Chancellor, California Southern University.
Những đại học tư này đã cấp bằng tốt nghiệp cho một số người Việt và gần đây tạo dư luận trong nước khi nhắc đến bằng cấp của các quan chức cũng như về phẩm chất và giáo trình.
Hơn 20 năm trước Đoàn Văn Toại có nói với tôi ông từng đề nghị một vài trường ở Mỹ cấp bằng tiến sĩ danh dự cho Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Hunsen. Nghe thấy lạ. Nhưng ông là người hay có những ý tưởng kỳ lạ.
Năm 1991, nhân danh giám đốc Institute for Democracy in Vietnam, ông đề nghị Hoa Kỳ thuê cảng Cam Ranh của Việt Nam, khi Philippines không còn muốn cho Mỹ thuê Subic Bay, để giúp Việt Nam thoát nghèo và sẽ đưa đến thay đổi chế độ mang bản chất Stalin sang tự do. Ông cũng từng đưa ra đề nghị Hoa Kỳ trả 5 nghìn đôla cho mỗi H.O. để họ ở lại Việt Nam sinh sống thay vì qua Mỹ định cư.
Hôm tháng Bảy vừa qua, trao đổi thông tin với tôi, ông có viết: "Thời gian trôi qua nhanh. Hồi nào anh em mình trẻ trung nhiệt huyết. Bây giờ 60 hay 70 rồi mà chuyện Việt Nam vẫn tồi tệ hơn xưa… Hôm nào về lại California nhất định sẽ lên gặp."
Ông vừa về lại California, có mấy bạn đưa ảnh chụp chung với ông trước một khu thương mại ở Quận Cam, trông ông gầy hẳn đi. Chưa kịp gửi lời nhắn gặp lại nhau thì nghe tin ông qua đời.
Hơn phần tư thế kỷ trước, bị bắn ba phát đạn mà ông không chết.
Năm 2013 tim ngừng đập 12 giây và ông được cấp cứu. Hai tuần trước bất ngờ tim ông ngừng đập luôn khiến bạn bè thân quen ngỡ ngàng.
Sinh năm 1945 tại Vĩnh Long, mất năm 2017 tại California. Qua bên kia thế giới nếu có ai nhắc chuyện Việt Nam chắc ông cũng vẫn gây xôn xao với những ý tưởng kỳ lạ. Chúc ông yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.
Bài viết phản ánh quan điểm và thể hiện văn phong của tác giảmột nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Franisco, California, Hoa Kỳ.