Tuesday 26 December 2017

LÁ THƯ TRẦN THẾ

Yến Nguyễn
25 Tháng 12 10:15

Kính thưa quý thầy cô, và quý anh chị thân mến !

Hôm nay Ngọc Yến xin hân hạnh chia sẻ đến quý vị về bài viết " LÁ THƯ TRẦN THẾ " của cô Bùi Mỹ Dương . Cô từng là giáo sư văn chương của trường Nguyễn Thượng Hiền chúng ta trước năm 1975. Cô đã về hưu khá lâu và hiện tại là giáo sư cố vấn của Hội CHS TB-NTH .

Bài viết này Cô đã viết từ năm 2008 .

Bài viết không chỉ là hồi ký của một phụ nữ Việt khuê các , thông minh , duyên dáng , mà còn là hồi ký của một giáo sư văn chương với văn phong mạch lạc , lôi cuốn , đầy bản lĩnh ... 

Điều NY tâm đắc nhất là qua đó Cô đã cho người đọc hình dung về một giai đoạn lịch sử của VN một cách thật dễ nhớ với tài văn chương lịch lãm của Cô .

Có lẽ chúng ta cũng ít nhất một lần tự hỏi "Ta là ai ? Ta đến với cuộc đời để làm gì ? Cuộc đời ta có gì đáng nhớ, và khi ta ra đi liệu còn ai sẽ nhớ về ta?!"

Mấy ai trong chúng ta đã nghĩ tới và thực hiện được hồi ký của mình !!! 

Tuy NY chưa từng được học Cô ngày nào dưới mái trường TB-NTH , nhưng vẫn rất tự hào được gặp gỡ , thân mật với Cô từ khi gia nhập Hội cho đến hôm nay , và sẽ luôn yêu quý Cô như một trong những người THẦY đáng kính của mình.

Xin mượn trang nhà kính chúc Cô và QUÝ THẦY CÔ kính mến luôn dồi dào sức khỏe , được an vui trong cuộc sống bên con cháu, và trẻ lại bên những học trò cũ thương yêu.

Và cũng cầu chúc Cô sẽ thành công trong cuộc phẫu thuật đầu gối sắp tới , thật mau hồi phục , đôi chân sẽ dẻo dai trở lại để nhanh chóng đồng hành cùng con cháu chinh phục những chuyến du lịch mới !

Ngọc Yến

LÁ THƯ TRẦN THẾ

Tính đến ngày hôm nay tôi đã được Cha Mẹ cho tới Thế-gian này được 69 năm. Người ta vẫn coi đời sống con người là 100 năm nên thường chúc nhau trăm tuổi, bạc đầu. Bây giờ thì đầu đã bạc, muối nhiều hơn tiêu. So với thời-gian vô-thuỷ vô-chung thì 100 năm có là bao? Một chấm nhỏ trên đường dài bất tận… Tôi sinh năm 1940, thì trước 1940 và sau 2040 còn gì là dấu-tích? Ngay cả trong gia-đình nếu may-mắn đôi khi con cháu còn chút luyến-lưu nhắc tới cũng chỉ là một thoáng kỷ-niệm!
Cao Chu Thần đã ngán-ngẩm vì cuộc đời ngắn ngủi !

Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy?
Cảnh phù-du trông thấy cũng nực cười… 


Là con lớn trong gia-đình 6 chị em, bố tôi tài giỏi đã lèo lái cho cả nhà thoát khỏi lũy tre xanh để chúng tôi có được nếp sống như ngày nay. Cuộc sống xứng-đáng, được tôn-trọng, có tự-do, dân-chủ, bình-quyền, bình-đẳng, vật-chất và tinh-thần luôn cải-thiện. Trở về quê-hương sau nửa thế-kỷ buồn vui lẫn lộn, buồn vì làng quê bà con họ-hàng vẫn nghèo-nàn tụt hậu mặc dầu đã là thế kỷ 21 của khoa-học văn-minh tiến-bộ. Người dân vẫn con trâu, cái cầy, nước ao, nước giếng. Trồng cấy còn dùng “phân bắc tức phân người” lam-lũ nhiều vẫn không đủ sống, thấy thương cho dân-tộc bị đoạ-đầy. Nhìn lại nếu như không thoát khỏi làng chắc cũng chỉ một đời khổ ải trầm-luân cho cơm áo. Ra khỏi luỹ tre được đi học có chút kiến-thức nhận xét về cuộc đời, thân-phận con người, có cơ-hội làm cho cuộc sống xứng-đáng!

Vài giòng tản mạn về đời người, cuộc sống như để nhớ lại một thời đã qua với những vui buồn của một người.

Trước 1939 là tình yêu của thời tiền-chiến, nghĩa là văn-hoá Âu -châu hay văn-hoá Pháp đã manh-nha vào Việt-Nam. Thời những tiểu-thuyết của nhóm Tự-lực Văn-đoàn, với cô Loan, cô Mai, rồi truyện Tố-Tâm Đạm Thuỷ của Hoàng ngọc Phách. Thời-trang của những người con gái tỉnh-thành: mặt hoa, da phấn, tai không đeo khuyên mà thay bằng bông đầm, vấn tóc trần có đuôi gà, lông mày cong như cô đào Marlene Dietrich, răng trắng hay răng đen hạt huyền. Áo Le Mur của hoa-sĩ Cát-Tường & hài cong cao gót làm nổi bật nét đẹp mềm-mại của thiếu-nữ thời-đại, đó là hình-ảnh của Mẹ.

Một thanh-niên theo Tây-học, cắt bỏ búi tóc như lời cổ-võ của cụ Phan Tây-Hồ, quần tây, áo sơmi, đầu đội mũ phớt lên tỉnh học. Tâm-hồn phóng-khoáng, làm thơ, viết bài trên báo Phong Hoá, Ngày Nay, Loa. Nàng thiếu-nữ có chút Tây-học đã cảm-mến vần thơ hay đẹp, con người lịch-lãm đẹp trai, hai tâm-hồn đồng-điệu đã nên đạo vợ chồng.

Nàng là con cầu-tự tại đền Đức Thánh Trần, và được mang họ Trần của Đức Thánh, nép bóng ngài nên cuộc đời hạnh-phục với chồng con, cháu, chắt.

Chàng là con cả, trách-nhiệm của đại-gia-đình, một mình lo toan nuôi-nấng nào bà, nào mẹ và đàn em nhỏ, rồi vợ con bằng chính tài-lực của mình. Nếu chỉ quanh luỹ tre làng với vài sào ruộng thì các con cháu cũng sẽ chỉ là các anh chị nông-dân làm không đủ ăn và bây giờ biết đâu không là những nô-lệ bán làm lao-động hay gái mua cho khắp thế-giới. Nghĩ lại thật kinh-hoàng; vui vì gia-đình thoát khỏi địa-ngục trần-gian nhưng không khỏi thương quê-hương và hơn 80 triệu đồng bào ruột thịt còn bị đoạ-đầy!

Tôi ra đời vào thời kỳ khá nhiễu nhương, chính sách thuộc địa của Pháp lan tràn và Việt-Minh bắt đầu khởi dậy tuy nhiên tôi vẫn được đầy đủ sung-sướng cả về vật chất lẫn tinh-thần vì “ Con đầu, cháu sớm”. Năm 1945 nạn đói hoành-hành cả triệu người mất mạng, tuổi còn bé nhưng cũng ghi nhận được cảnh chết chóc ở chung quanh. Việt-Minh cướp chính quyền dân ta bị lôi cuốn vào phong trào chống Pháp đất nước càng ngày càng kiệt quệ tất cả mọi người đều thiếu thốn.

Lúc còn bé 4, 5 tuổi vài hình-ảnh lãng-đãng trong đầu: cảnh đại gia-đình, nào bố mẹ, bà nội, bà ngoại, bà cô và các cô chú. Kháng-chiến chống Pháp, cuộc sống khó-khăn hơn, thêm lũ em lần-lượt ra đời mà vẫn chỉ có Bố gánh vác. Bắt đầu phải chia sẻ việc nhà với mẹ, sự học bị gián-đoạn vì máy bay oanh-tạc: nay học ở Đền, mai học ở Chùa. Bố là một thầy giáo đúng nghĩa, tốt nghiệp trường Bưởi khoa sư-phạm, khởi đầu từ vùng thượng-du Bắc-Việt (Thái-Nguyên) rồi miền đồng-bằng ở ngay quê nhà. Ông trau dồi nghề-nghiệp thêm bằng sách vở .Với chức-vụ hiệu-trưởng hàng huyện, vào dịp hè ông thường tổ chức lớp tu-nghiệp giúp các giáo-viên thêm kiến-thức sư-phạm để giảng dậy có kết-quả. Làm việc với hết cả lương-tâm chức-nghiệp của một nhà mô-phạm, vì quan niệm: Đất nước muốn tiến thì giáo-dục phải là hàng đầu.

Chiêu-bài kháng-chiến chống ngoại-xâm lôi cuốn toàn-dân yêu nước. Vào “tuần-lễ Vàng” chính tôi lúc 5 tuổi đã tháo chiếc kiềng bạc đeo trên cổ hiến-dâng! Nhưng rồi tư-tưởng & chủ-thuyết Cộng-sản dần lấn chiếm nên Bố mang gia-đình rời bỏ làng về vùng “Tề” nghĩa là nơi không thuộc sự kiểm-soát của Việt-Minh. Năm 1951 để dò đường ông mang cậu em trai ra Hải-phòng dậy học, ba năm sau cả nhà đoàn-tụ, căn nhà thuê ở Phố Hàng Kênh đã cho chúng tôi mái ấm gia-đình, sau khi rời nơi chôn rau cắt rốn. Trường tiểu học Lệ-Hải bước đi đầu tiên ở phố thị, được ít tháng gia-đình đổi về Hà-Thành, trường Lý-Thường-Kiệt nơi tôi hoàn tất bậc Tiểu học. Lớp nhì cô Nguyễn Liên-Dung phụ-trách, chương-trình nặng so với học-sinh miền quê, Bố phải dậy gấp thêm ở nhà mới theo kịp. Lớp nhất bà giáo Nguyễn-thị-Thơm; bà dậy giỏi, tôi đã đỗ vào trường Trung-học Trưng-Vương trường nữ duy nhất ngoài Bắc. Ở Hà-nội Bố đã viết sách cho học-sinh thi tiểu-học và tuyển vào các trường trung-học, sách bán rất chạy nên một căn nhà hai tầng khang trang ở 22 ngõ Yên-Sơn đã cho chị em chúng tôi có nơi ăn chốn ở thoải mái.

Chiến tranh lan tràn chú em trai kế bố tôi tử trận tại làng Đại-Đồng, rồi hiệp định Geneve chia đôi đất nước, cả triệu người di cư vào miền Nam. Hiểu rõ Cộng-Sản gia-đình tôi rời bỏ làng nơi chôn rau cắt rốn bao nhiêu đời, sản nghiệp của Tổ-Tiên và căn nhà Hà Nội với hai bàn tay trắng ra đi cho Tự-Do.
Vào Nam, những năm đầu làm trên Bộ Giáo-dục, ban tu-thư đại diện phía Việt-Nam hợp-tác với USAID soạn sách giáo-khoa cho toàn-quốc. Công-việc hoàn-tất, ông học được rất nhiều: cách viết giáo khoa mới hợp thời đại có phần cho thầy giáo và phần cho học trò. Phần của thầy giúp giáo viên miền quê ít sách vở tra cứu dễ giảng dây. Phấn trắng bảng đen và học-sinh là niềm mơ ước và nhiệm-vụ nên ông đã xin trở lại trường sở. Thâm-niên và kinh-nghiệm luôn được giao trọng-trách hiệu-trưởng ở đâu ông cũng được thương yêu, từ bác tuỳ-phái, tới giáo-viên và phụ-huynh học-sinh. Vừa là nhà giáo, nhà thơ, đã từng là huynh trưởng hướng đạo, yêu mến tuổi thơ ông thành lập nhà xuất bản Nhật-Tảo. Phương tiện trong tay ông chủ trương và xuất bản tờ báo Tuổi-Xanh, nhà văn, nhà giáo được mời hợp soạn Hà Mai Anh, Phạm cao Củng, Đinh Hùng, Lê Tất Điều, Bảo Vân cùng một số hoạ-sĩ Vivi Võ hùng Kiệt, Hồ vũ Nam, Nguyễn mạnh Tuân và các cây bút thiếu nhi, tất cả làm nên thực đơn cho học-sinh, cho tuổi trẻ. Ông là tác giả của các sách giáo-khoa bậc Tiểu-học từ Toán-học, khoa-học thường-thức, vệ-sinh, cho tới văn-phạm, tập-đọc, luận văn, đầy đủ để học sinh có căn bản bước vào Trung-học. Sách giáo khoa do Nhật-Tảo và Sống-Mới xuất bản và phát hành lợi nhuận rất khá nên chúng tôi có phương tiện học tới nơi tới chốn để vào đời.

Những năm tháng của tuổi dậy thì 

Cuộc đời con gái trải qua 7 năm trung học ở trường nữ trung học Trưng-Vương, một trường nữ nổi tiếng từ Hà Nội di-cư vào Nam để sánh với trường Gia-Long Sài-Gòn. Mới đầu không có trường sở nên phải học nhờ trường Gia-Long 3 năm: lục, ngũ, tứ, các lớp tam, nhị, nhất, trường sở mới trên đường Nguyễn bỉnh Khiêm. Đây là khu nhà thương của quân đội Pháp để lại, khu này rộng nên một phần thuộc bộ giáo dục như nha khảo thí v..v... Sửa sang tu bổ cổng đã có tên Trường Trưng-Vương, những ngày đầu mùi thuốc của bệnh viện vẫn còn thoang thoảng đâu đây.

Bẩy năm trôi qua với bao vui buồn của đời học sinh, cơ thể diện mạo, tư tưởng thay đổi để thành thiếu nữ, xưa gọi là tuổi “Cập-Kê”. Áo dài trắng đồng phục, nón bài thơ quai đủ mầu tha thướt, kính mát, găng tay, xe sô-lếch đen trên đường Thống Nhất thật đẹp và kiêu-sa (Giang, Dung, Cương, Dương). Nhớ lại thấy yêu và hãnh diện, cảnh đó chắc cũng làm nhiều kẻ ngẩn ngơ không biết ông chồng của tôi có trong đám thanh niên đó không ???. Cám ơn các thầy cô trường Trưng-Vương đã có công dậy dỗ tạo môi trường sinh hoạt cho tuổi thanh xuân để ngày nay nhớ mãi không quên : nữ sinh Trưng-Vương.Tâm hồn xao xuyến của tuổi trăng tròn nhưng kỷ luật gia-đình, được trông nom kỹ lưỡng bởi bà Nội, bà Ngoại và Bố Mẹ, đi thưa về trình. Kiểm soát từ việc học đến sự giao du với các bạn, tóm lại tôi sống trong khuôn khổ gia-đình không hề có bạn khác phái trước khi lấy chồng. Hoàn tất trung học với bằng Tú-Tài khoa học thực nghiệm, Bố muốn tôi trở thành Dược-sĩ nhưng là học sinh tôi rất mê đời giáo chức trước hết là Bố sau là các giáo sư, hấp dẫn hơn nữa là có rất nhiều ngày nghỉ: 3 tháng hè, Tết Tây, Tết Ta rồi còn nhiều ngày lễ các anh hùng dân tộc.

Thế là tôi thi vào Trường Đại học sư phạm ban Việt-Hán, nước ta chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của văn hoá Trung-Hoa nên muốn giảng dậy văn chương Việt phải học Hán-văn vì phần lớn thơ văn của tiền nhân đều dùng Hán tự. Tự ái dân tộc và tinh thần độc lập các cụ đã tạo ra chữ Nôm vì không có văn tự nên vẫn phải dùng chữ Hán làm căn bản để ghép âm và nghĩa. Khởi đầu trường chỉ đào luyện giáo sư đệ nhất cấp gọi là Cao đẳng 2 năm sau vì nhu cầu thời gian tăng lên 3,4 năm là Đại học sư-phạm sài-Gòn.

Theo truyền thống trai gái lớn phải có gia-đình thì xã hội mới ổn định và bổn phận của cha mẹ là lo dựng vợ gả chồng coi như mới tròn nhiệm vụ. Xưa bà nội bà ngoại có ai được biết hoặc gặp gỡ nhau trước khi trở thành vợ chồng thế mà cũng ăn đời ở kiếp hạnh phúc tới già. Tân tiến hơn Bố đã tự lựa chọn đối tượng rồi dùng thơ văn thật lãng mạn tỏ tình qua các báo chí mua lòng Mẹ. Thế kỷ thứ 20 phong-tục, tập-quán cởi mở hơn, có kẻ quá trớn tự do luyến ái phụ-huynh lo sợ con cái bị cuốn hút theo phong trào mới. Dễ dãi hơn các cụ cho được bàn bạc và điều tra xem con mình có vội vàng, lầm lẫn không ??việc làm của Bố Mẹ tựu trung lòng thương, mong con cái sống đời hạnh-phúc.

Năm tháng dần trôi.

Xưa đàn ông chủ gia-đình lo tài chính, người phụ nữ tề gia quán xuyến việc nhà trông nom nuôi dưỡng con cái, công việc nặng, không mang lợi nhuận vì thế cảnh nàng dâu mẹ chồng là những thảm kịch trong xã hội. Hiểu được điều đó Bố Mẹ trang bị cho con có nghề thứ nhất phụ giúp chồng, gia-đình sẽ thoải mái hơn, thứ hai tự lập, đối phó với mọi hoàn cảnh vì đường đời muôn vạn nẻo nhất là trong thời chiến. Cuộc tình của tôi do sự sắp xếp, mối manh và gia đình cho phép, chàng đã kéo tôi ra khỏi căn nhà cổ kính, dĩ nhiên hãnh diện sự trong trắng của cái xương sườn! Nhiều kẻ gieo cầu nhưng Bố mẹ đã chọn cho một chàng trai hiền lành vừa tốt nghiệp y-khoa, ngôn từ xưa Trường Thuốc, nghề này luôn được coi trọng vì tôn chỉ cứu người. Lương y như từ mẫu.

“Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta thương” hay “ con gái mười hai bến nước” bà Nội khuyến khích vì thầy thuốc vừa có đức lại ích dụng ngay cho gia-đình. Nước ta nghèo, chậm tiến với tỷ lệ bác sĩ săn sóc dân còn thấp như ở miền Nam tổng cộng khoảng 1500 bác-sĩ, diễm phúc của tôi là ở đấy.

Gia đình chấp nhận, tình cảm dâng hiến chân thành, mùa Thu dịu dàng, yêu đương, mộng mơ, có cốm gói lá sen xanh ngọc, có hồng ngâm đỏ au thật đẹp để ghi nhớ ngày kết hợp lứa đôi của chúng tôi. (Dậy trẻ, cứu người)

Là trai thời chiến Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, chàng khoác chiến y ra đơn vị (cưới xong là tôi đi) cấp cứu đồng đội và bàn tay nhân ái xoa dịu vết thương cho dân lành trong các làng hẻo lánh. Theo chồng lên núi (Pleiku) xuống biển (Gò Công) thực hành việc trồng người của chính phủ, reo rắc văn chương hay đẹp của nền văn hoá hơn 4 ngàn năm.

Mừng thay khai sinh của chúng tôi và các con mang địa danh thân yêu của đất nước mà giờ đây đã nghìn trùng xa cách: Thái-Bình, Hưng-Yên, Sài-Gòn, Pleiku, Chợ Lớn.

Sau bao năm phục vụ quê-hương, nơi đèo heo hút gió cao nguyên (Pleiku), miền biển mặn (Gò Công) gia-đình về định cư tại Thủ đô Sài-Gòn ( hòn ngọc Viễn Đông), nỗ lực vợ chồng xây dựng tương lai cho các con nhưng đời không như là mơ.

Năm 1975 vì là nước nhược tiểu đành phải chịu sự chia chác của các thế lực mạnh, bao công lao tan như mây khói, Trời Phật, Tổ-Tiên phù hộ thoát mọi hiểm nghèo đến bến bờ Tự-do với bốn con thơ dại.Vất vả nơi đất mới, khác tiếng nói, phong tục tập quán nhưng vì con trẻ, chúng tôi lại ngoi lên bằng chính tài sức của mình. Các con là động lực, khắc phục mọi khó khăn chỉ sau vài năm anh trở lại nghề. Ngày xưa bố kiên cường, lao khổ mới thành công nay con cái được yêu thương, hướng dẫn và giúp phương tiện nối nghiệp nhà.Nước Mỹ là quê hương thứ hai, anh đã hành nghề lại trên 30 năm, con cái học xong cũng làm việc trên mười năm và tiếp tục đóng góp cho quê-hương mới vì đây là Hiệp Chúng Quốc. Bây giờ người yêu của tôi đã ra đi để lại nỗi cô đơn, buồn chán vẫn biết có Sinh là có Tử và một ngày rất gần sẽ trùng-phùng ở một thế giới không sinh, không diệt! Nhưng là con người có Thất Tình không tránh khỏi ??? Buồn khôn nguôi!!

Thương cho đất nước ta, Tổ-Tiên ơi chúng con mong mang tài hèn sức mọn phục vụ quê hương nhưng mới được hơn mười năm phải bỏ nước ra đi lánh nạn mong ngày về ôm Tổ-Quốc. Bây giờ là công dân của nước cư ngụ nhưng vẫn rèn luyện đức, trí, giữ gìn tiếng mẹ đẻ để sau này khi Bình Minh trở lại, con cháu sẽ đem sự hiểu biết, học hỏi, về kiến tạo lại quê cha đất Tổ.

Nước và con người Việt-Nam thật oai hùng và kiêu dũng vì Tổ-Tiên ông cha ta đã lập quốc từ mảnh đất nhỏ rồi mở rộng cho giải giang sơn gấm vóc trải dài từ Ải Nam-Quan tới mũi Cà-Mâu hơn 2000Km đường biển .

Mạnh hiếp yếu là lý lẽ thường tình ở đời, như nước Việt Nam đã mở rộng bờ cõi về phía Nam lấn át Chiêm-Thành, Chân Lạp để ngày nay hai nước đó không còn tên trên bản đồ . Trung-Hoa rộng lớn luôn là hiểm hoạ và vẫn thường coi nước Việt như một quận huyện, 1000 năm bị đô hộ nhưng dân ta vẫn dũng cảm giữ được bờ cõi, dân Việt vẫn có tiếng nói, văn hoá riêng không bị đồng hoá . Một trăm năm Tây hiếp đáp nhưng rồi cũng thoát khỏi . Nước ta nhỏ bé nhưng tài nguyên rất lớn đã là miếng mồi béo bở cho những thế lực ngoại lai, nay lũ người không tim óc mang chủ thuyết không tưởng áp đặt cho dân ta để đến nỗi đất nước tang thương. Thật là đau khổ cho kiếp sống! Con cháu thán phục tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của người Việt, ngày nay vì hoạ nước dân tứ tán khắp năm châu nỗi băn khoăn là làm sao đàn trẻ sau này không mất gốc ?Tất cả trách nhiệm là của cha mẹ hãy nghĩ đến danh dự, Tổ-quốc đừng làm nhục người Việt-Nam.

Mùa Xuân Kỷ-dậu - 2008

Bùi Mỹ Dương