Monday, 4 December 2017

Phó Tiến Sỹ "Buồi" Hiền

'Đôi lời : Đã định kết thúc loạt bài về những « cải cách » tiếng Việt của ông Bùi Hiền, nhưng lại đọc được ý kiến của một người nước ngoài 100% viết về vấn đề này. Anh Kyo York là một chuyên gia máy tính người Mỹ sinh năm 1985, sau khi đến Việt Nam cuối năm 2009 với tư cách tình nguyện viên dạy tiếng Anh ở Hậu Giang, đã trở thành ca sĩ chuyên hát nhạc Việt, với lòng yêu mến tiếng Việt. Xin phép được giới thiệu bài viết của Kyo York trên Facebook.

Nếu “Tiếq Ziệt” được chấp nhận thì hàng ngàn, thậm chí hàng triệu bạn tuổi teen Việt đã trở thành “PGS.TS” từ nhiều năm trước, và có thể họ giỏi hơn ở “công trình nghiên cứu này” bằng phiên bản Teencode cực siêu ngắn nhưng cũng cực kỳ “hại não”.

Cách đây vài năm khi tôi mới bắt đầu học tiếng Việt, nhận được một tin nhắn của một bạn khán giả nhỏ tuổi nhắn rằng: “Ak Kyo ọ*, seo ak gjoj tjeg vjt wa’ zay, thek ank cok đọc dk ch4 vj3t tắk & ch4 teencode cux e hog?”


Người ta thường nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” nhưng chính có lẽ vì sự “phong ba” đó mà tiếng Việt vô cùng độc đáo, biết bao từ ngữ ý nghĩa, trong ca dao tục ngữ, trong các tác phẩm văn thơ âm nhạc, luôn cuốn hút… 

Cho đến khi buổi sáng đẹp trời thức dậy, tôi hơi choáng váng với vị giáo sư đã “dành cả tuổi thanh xuân” cho công trình nghiên cứu để “cải cách” tiếng Việt của mình. 

Ngài cho rằng mọi người “ném đá” ngài là những kẻ “thậm chí có thể được đánh giá là thiếu giáo dục, vô văn hóa và kém nhận thức vì nếu có nhận thức họ sẽ hành xử một cách khác. Nếu họ có học thức, chân thành và văn minh thì có thể đến gặp tôi rồi cùng nhau trao đổi.” (theo báo Tiền Phong ra ngày 28/11/2017).

Nhưng cũng mong ngài hiểu được sự hoang mang ở họ? Nếu họ vô giáo dục thì họ chẳng quan tâm đến chữ nghĩa để làm gì? Tôi nghĩ thế!

Tôi càng choáng váng hơn khi ngài cho rằng cải cách để người nước ngoài học tiếng Việt dễ hơn?
Giời ạ! Làm gì có chuyện dễ hơn được? Tôi đây là người nước ngoài 100%, mà thử áp dụng bản chữ cái của PGS, phải loay hoay cả ngày chưa xong cho một đoạn văn bản và đọc chúng còn lộn lên lộn xuống, thì thử hỏi biết bao nhọc nhằn của những gì liên quan đến Tiếng Việt sẽ diễn ra thế nào? Tài liệu Lịch sử sẽ ra sao? Tài liệu của thế giới về Việt Nam thế nào? Pháp luật nữa, chúng sẽ lẫn lộn với ngôn ngữ mới này phải chăng? Cả ngành giáo dục, thầy cô, học sinh, sinh viên, công nhân viên, luật sư, truyền hình, nghệ sĩ… phải tham gia lớp học mới vì cú “hit” rất sốt này?


Việc cải cách Tiếng Việt lúc này, chẳng khác nào như việc “đào xới” tung một con đường đang quá đẹp đẽ, thuận lợi biết bao nhiêu năm qua, “để rào chắn, gây kẹt xe”, bắt mọi người phải sang ngã đường khác. Thưa ngài, chắc chắn nó ảnh hưởng xấu thêm đời sống của người dân trong khi chúng đang vận hành tốt đẹp ạ? Khi nào bản chữ cái Tiếng Việt chúng “hỏng (hư)” khiến người ta không thể dùng để giao tiếp với nhau, thì công trình của Ngài là điều khiến người dân rơi nước mắt thay vì “ném đá”!

Thực tế, Chúng ta cần nghiên cứu những điều cần thiết khác để giúp ích cho người dân, ví dụ như việc "Đám quần chúng" (theo cách gọi của một tiến sĩ ủng hộ ngài) trong đó có nông dân Việt chỉ học lớp 7 thôi đã chế robot: Israel thán phục, Nhật, Mỹ xếp hàng xin mua. Hoặc có nhiều anh nông dân đã sáng chế ra nhiều phương tiện phục vụ nông nghiệp, đời sống người dân và gia đình… được nhiều nước phát triển xin mua lại bản quyền, tôi nghĩ những nghiên cứu sáng tạo này thật đáng “xưng danh”ạ! Tôi lại nghĩ thế!

Đành rằng yêu mến tiếng Việt, muốn tiếng Việt phát triển. Nhưng với điều của ngài nghiên cứu, rằng “sự phức tạp” của một ngôn ngữ mà chúng đã trải qua bao thăng trầm để tồn tại được như hôm nay trong niềm tự hào của dân tộc, cần phải thay đổi, chẳng khác nào “phủ nhận” tất cả niềm tự hào, kiêu hãnh của rất nhiều nhiều thế hệ đã ca ngợi về ngôn ngữ thuần Việt này? Mà tôi được biết rằng người Việt ghét lai căng, kiểu nửa Tây nửa Ta, nửa Tàu nửa Việt có mấy ai ưng? Trừ khi… Tôi lại nghĩ vậy!

Đành rằng tiết kiệm, rút gọn là tốt, nhưng rút quá gọn trở thành vô nghĩa. Đôi khi cái gì ngắn quá cũng chẳng tốt, hoặc tiết kiệm quá mức thì luôn để lại những hậu quả trầm trọng đó ngài ạ.

Ví dụ: Cha sẽ gọi thành gì? Viết thế nào? Chưa kể việc viết sai chính tả của thứ ngôn ngữ mới này còn nguy hiểm “chết” người hơn. Ví dụ một buổi tối đẹp trời nào đó cô người yêu mới quen nhắn tin "thả thính": "Em muốn rú to lên, em nắm chặt anh đi khắp thế gian" - bằng ngôn ngữ đổi mới của ngài: "Em muốn zú to lên, Em nắm cặt an' đi xắp wế zan" (bản dịch chính thức từ app tiếq Việt).

Mặc dù công trình của ngài được một số chuyên gia ủng hộ. Nhưng không ít vị giáo sư chuyên môn lên tiếng không đồng tình, và nhận định nó được sửa đổi dựa trên tiếng nói văn hóa của người Hà Nội - cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn. Nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt (như dùng z để thay cho cả d, gi, r; dùng c thay cho ch, tr; dùng s thay cho cả s và x) chắc chắn sẽ không được cả nước tán thành là đúng rồi ạ vì nước Việt phải có ba miền BẮC – TRUNG - NAM!

Thế đấy là vô số lý do ngài ạ! Thực tình tôi chẳng giỏi tiếng Việt để “đối chất” cùng ngài, nhưng tôi có thể thấy được sự khó khăn vô vàn khi chúng bị thay đổi thế nào bằng tâm hồn của một người nước ngoài yêu Tiếng Việt. 

Tôi không ủng hộ những ai chửi ngài, vì ngài lớn tuổi và cần được tôn trọng.

Hoặc họ nói PGS.TS cả đời nghiên cứu không ai biết đến tên tuổi chỉ cần gây sốc“scandal” là cả nước nhớ tên, tôi thấy hơi quá với ngài. Bởi “scandal” gây sốc hay ngã rẽ dư luận chẳng lẽ bây giờ độc hại và dễ lây nhiễm đến thế sao? Không thể nào!

Tôi nghĩ ngài cần được tôn trọng, cũng giống như tiếng Việt cần được tôn trọng vậy.

Xin mượn lời bài hát của nhạc sĩ Đức Trí để khép lại: 
"Tiếng Việt còn trong mọi người, người Việt còn thì còn nước non 
Giữ tiếng Việt như ngày nào, hào hùng xưa mãi vọng ngàn sau."

Xin vui lòng cân nhắc khi đọc bài viết không xuyên tạc mà chia sẻ, không chỉ trích mà thắc mắc và giãi bày.
FB KYO YORK 30.11.2017

Không đơn giản chỉ là cải cách chữ viết?


Bảng chữ cái Bùi Hiền
Chu Mộng Long: Một số người trịnh trọng biến dư luận về việc cải cách chữ viết theo sáng kiến Bùi Hiền thành thuyết âm mưu, rằng người ta đang đánh lạc hướng dư luận để quên đi những chuyện động trời khác. Trong khi dư luận cộng đồng bao giờ cũng nhạy cảm hơn số người trịnh trọng ấy. Tôi hình dung có một âm mưu khác còn to hơn âm mưu vặt vãnh mà mấy ông đa nghi này đặt ra.
Sự thực, người ta đủ khôn để không rơi vào mớ bùng nhùng, rắc rối khi cổ súy cho cái món cải cách chữ viết của ông già không còn đủ tỉnh táo. Vấn đề môi trường, dân chủ, dân sinh ư? Thì nó vẫn chình ình ra đó hết ngày này đến ngày khác chứ mất đi đâu mà lấp liếm, ai bức xúc cứ lên tiếng chứ có sự cấm đoán nào đâu. Nhưng cải cách chữ viết như Bùi Hiền tưởng là chuyện điên rồ, nhưng không điên rồ tí nào khi nó nhân danh khoa học và được các nhà khoa học tai to mặt lớn đứng ra lên tiếng bảo kê. Không phải ngẫu nhiên mà họ quảng bá công trình của Bùi Hiền trên phương tiện báo chí, trên truyền hình quốc gia, lại cho những nhà khoa học có danh như Phạm Văn Tình, Trần Ngọc Thêm, Đoàn Hương… lên tiếng khẳng định đó là khoa học!
Xét hệ thống vấn đề, theo tôi, đó là một chiến lược diễn ngôn. Có thể sau thăm dò dư luận sẽ là một sự áp đặt bằng một dự án tiền tỉ trong cải cách giáo dục. Hiện tại có thể vấp sự phản ứng quyết liệt nhưng rồi sẽ dần quen. Giới tuổi teen thấy lối chữ này phù hợp với chế biến lâu nay của chúng, chúng tin tưởng và sẽ bắt chước làm theo, cứ thế cái chưa quen thành quen dần, đến lúc chấp nhận và trở thành phổ biến. Theo Foucault, tri thức – quyền lực – niềm tin là bộ ba trong chiến lược diễn ngôn phổ biến của giới cầm quyền. Tri thức do một nhóm cầm quyền tạo ra, dùng quyền lực áp đặt để hợp thức hóa và tạo ra thói quen gọi là niềm tin để hoàn tất một quy trình của chiến lược diễn ngôn.
Vấn đề nghiêm trọng nằm ở chỗ, không chỉ là cải cách chữ viết. Theo triết gia Derrida, chữ viết không kí sinh vào tiếng nói như Aristotle và Saussure nói, mà ngược lại, nó hình thành độc lập và có xu hướng điều chỉnh và thống nhất âm đọc theo quy ước của con chữ. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi phổ biến chữ viết Bùi Hiền? Thế hệ tiếp theo sẽ đọc “ngờ” /ng/ thành “quờ” /qu/, “chờ” /ch/ thành “cờ” /k/, “thờ” /th/ thành “uờ” /w/, “trờ” thành “cờ” /c/… Cải cách hợp lý để tối ưu hóa giao tiếp thì không có gì để nói, nhưng cải cách làm dị dạng ngôn ngữ từ chữ đến tiếng nói của một dân tộc là một âm mưu thâm độc.
Bảng so sánh phiên âm tiếng Trung với phiên âm Bùi Hiền
Âm đôi khi bị mất chức năng khu biệt như nói ngọng, lẫn lộn hỏi/ngã, n/ng, c/t, d/gi,… nhưng chữ viết lại có chức năng khu biệt rất lớn về nghĩa của từ. Bùi Hiền nói lấy tiếng Hà Nội làm chuẩn, trong khi không có lý do gì tiếng Hà Nội phải là chuẩn phổ thông. Sự cải biến tự nhiên lâu nay để có chữ viết như hiện tại là cả một quá trình lựa chọn dung hòa tiếng nói giữa các vùng miền và khu biệt nghĩa cho nhiều trường hợp đồng âm. Cải cách như Bùi Hiền không còn là tiếng Việt nữa. Không phải vô lý khi một số bạn phát hiện âm đọc trong cách ghi âm của Bùi Hiền na ná như người Việt học tiếng Tàu. Hậu quả là cả ngàn năm Bắc thuộc, người Việt dù mượn chữ Hán nhưng vẫn đọc âm Việt do chữ ghi hình không liên quan đến âm đọc, nay chỉ trong vài mươi năm mà toàn dân có thể phát âm giống người Hán để dễ dàng học… tiếng Tàu! Vậy là tiếng Việt đẹp đẽ trong veo của dân ta biến mất ngay khi dân ta học tiếng mẹ đẻ của mình!
Và câu chuyện không ngẫu nhiên khi Bộ Záo zụk và Dào tạo từng chủ trương phổ cập hóa tiếng Trung với hàng loạt sách giáo khoa đã in. Và cũng không phải ngẫu nhiên có kẻ đang đánh động dư luận sẽ thay Facebook, Google thành mạng Weibo, WeChat và Baidu Tieba của Trung Quốc (?).
Nếu nói thuyết âm mưu thì âm mưu nào lớn hơn? Tiếng nói của dân tộc không là vấn đề môi trường, dân chủ, dân sinh? Môi trường văn hóa, sự độc lập tự chủ và sự tồn sinh tinh thần dân tộc không lớn hơn mọi thứ khác sao? Saussure nói, người bản ngữ luôn luôn đúng. Tôi nói thêm, phản ứng cộng đồng luôn luôn đúng!
Ngôn ngữ, trong đó có chữ viết khi đã phổ cập thành ngôn ngữ toàn dân, là tài sản của cả cộng đồng. Nó sinh ra để giao tiếp và mọi thay đổi đều nhằm mục đích tối ưu hóa giao tiếp chứ không phải là tri thức mới như phát minh Galieo, Copernic. Nghiên cứu quy luật khách quan của ngôn ngữ thì đúng là câu chuyện riêng của chuyên gia ngôn ngữ học. Nhưng ý muốn chủ quan nhân danh sự tiến bộ đòi làm thay đổi toàn bộ tài sản ngôn ngữ của cộng đồng thì không có ông vua Mèo nào dám tuyên bố với cái lý rằng, cộng đồng bản ngữ không được phép phản ứng. Một bảng chữ cái với mấy mươi ký hiệu là cái gì cao siêu đến mức “đám quần chúng” không được phép lên tiếng, hỡi các ông vua ngôn ngữ học trịch thượng Phạm Văn Tình, Trần Ngọc Thêm, và cả bà chuyên viết văn, bình văn yết hậu “rất là thiền luận” Đoàn Hương???
———-
Bấm vào đây thử nghe một bạn đọc theo phiên âm quốc tế văn bản theo chữ cái Bùi Hiền: