Với
tay muốn lấy cuốn sách đọc dở dang tối hôm qua để đọc tiếp, nhưng Phượng-Quỳnh
vội dừng tay; vì, qua khung cửa sổ, Phượng-Quỳnh vô tình thấy giàn hoa giấy nhà
bên cạnh nở rộ, màu tim tím.
Phượng-Quỳnh
không nhớ người láng giềng trồng giàn hoa giấy từ bao giờ; nhưng Phượng-Quỳnh
lại nhớ chỉ ở Nha-trang hoa giấy mới được tưng tiu, được kết thành giàn che mát
hoặc kết theo hình vòng cung trên cổng vào nhà để tạo vẻ thơ mộng cho ngôi nhà.
Đang
nghĩ vẩn vơ chợt nghe điện thoại reng, Phượng-Quỳnh vội chụp ống nghe, bước
nhanh sang chiếc xa-lông nhỏ; vì ngại tiếng nói chuyện sẽ làm mất giấc ngủ của
đứa cháu cưng.
-
Allo.
-
Cho tôi được tiếp chuyện với bà Phượng-Quỳnh.
-
Dạ, tôi là Phượng-Quỳnh. Xin ông cho biết quý danh?
Từ
đầu giây bên kia, tiếng nhạc vẫn vui tươi, rộn ràng, từ phân đoạn của bản nhạc
này chuyển sang phân đoạn của nhạc khúc khác thật tài tình và chỉ đàn toàn nhạc
ngoại quốc. Phượng-Quỳnh không thể đoán được trong số bạn hữu ai là người có
ngón đàn piano đầy ma lực như vậy.
Càng
lắng nghe tiếng đàn Phượng-Quỳnh càng cảm thấy nàng lạc hậu và quê mùa như một
người chưa hề biết gì về âm nhạc; vì nhiều đoạn Phượng-Quỳnh không nhận ra được
tựa đề cũng như âm giai của bản nhạc. Trong khi Phượng-Quỳnh tủi thân cho sự
“tuột dốc” thảm hại của nàng thì từ đầu giây bên kia, theo tiếng đàn, một giọng
nam cất lên. Mấy câu đầu Phượng-Quỳnh nghe không rõ vì giọng người hát hơi nhỏ.
Sau cùng Phượng-Quỳnh nghe được “...
Stronger than any mountain cathedral, Truer than any tree ever grew, Deeper than any forest primeval, I am
in love with you...” (1) Lấy làm lạ, Phượng-Quỳnh lại
lên tiếng “Allo” nhưng vẫn không ai
trả lời.
Phượng-Quỳnh
đắn đo, không biết nên tiếp tục lắng nghe hay là gác ống nghe để đọc sách. Bất
ngờ tiếng hát chuyển sang: “Ngày nào một
giấc mơ. Đâu những đêm trăng mờ ai ngóng chờ…”(2) Phượng-Quỳnh
ngẩn ngơ, không biết người bạn nào nghịch mà lại đàn và hát những tình khúc dễ
thương đến như vậy! Phượng-Quỳnh lắng nghe cho đến câu cuối: “...hay đớn đau vì câu chờ kiếp sau. Trăng
úa màu, lệ dâng ướt ngàn sao.”(3) Không dưng Phượng-Quỳnh cảm thấy buồn và nhớ
những ngày Danh và nàng yêu nhau. Ngày xưa đó, mỗi khi giận hờn hoặc hôm nào
Danh không đến điểm hẹn là Phượng-Quỳnh tưởng như trái đất sắp ngừng quay, ngày
tận thế sắp cận kề và tối đó thế nào Phượng-Quỳnh cũng thơ thẩn nhìn Trời mây rồi
rơm rớm nước mắt, hát đi hát lại hai câu này để nghĩ đến Danh.
Tiếng
hát ngưng và Phượng-Quỳnh nghe:
-
Phượng-Quỳnh.
-
Dạ, xin lỗi, ai đầu giây ạ?
-
Lâu quá cho nên không nhận ra giọng, phải không? Lân đây. Lân ngày xưa dạy
Lý-Hóa ở Võ-Tánh, nhớ không?
Phượng-Quỳnh
vô cùng ngạc nhiên và bối rối, không biết nên xưng bằng “con” như ngày xưa hay
là xưng bằng “em”. Nghĩ lại, Lân cũng không lớn hơn nàng nhiều nên đáp:
-
Dạ, thưa Thầy, vì bất ngờ quá cho nên em không nhận ra. Em xin lỗi Thầy. Làm
thế nào Thầy biết được điện thoại của em?
-
Cách nay mấy tuần, nhân buổi họp mặt Võ-Tánh và Nữ Trung-Học, tôi gặp lại Nghi.
Nghi hồi đó cùng học B4 với Phượng-Quỳnh, nhớ không? Tôi hỏi thăm Phượng-Quỳnh
và Nghi cho tôi số điện thoại.
Vì
tính hay quên, Phượng-Quỳnh không thể nhớ được nhiều chi tiết về Lân. Nhưng kể
từ ngày Nghi, người bạn gái duy nhất cùng lớp “B” với Phượng-Quỳnh ngày xưa,
nói cho Phượng-Quỳnh biết ngày đó Lân để ý và có cảm tình với nàng thì
Phượng-Quỳnh mới từ từ ôn lại khuôn mặt, vóc dáng, giọng nói và cử chỉ của Lân.
-
Thưa Thầy, khi nói chuyện, em nhận ra giọng của Thầy; nhưng khi Thầy hát, nhất
là khi Thầy hát tiếng Anh em cứ ngỡ là ông Mỹ nào đang hát.
Lân
cười. Phượng-Quỳnh tiếp:
-
Thầy cho em hỏi một câu, được không, thưa Thầy?
-
Vâng, cứ nói chuyện tự nhiên. Nếu Phượng-Quỳnh tiếp tục gọi tôi bằng Thầy, tôi
sẽ gọi Phượng-Quỳnh bằng... bà đó.
-
Thưa Thầy, em quen rồi, đổi không được. Thưa Thầy, Thầy học piano từ hồi nào? Em nhớ, ngày xưa, Thầy
không chơi đàn mà.
Lân
im lặng. Ngày xưa, mỗi khi trường Võ-Tánh tổ chức văn nghệ tại rạp Tân-Quang,
Việt-Quang, Tân-Tân hoặc trên sân khấu lộ thiên nơi bãi cát phía sau trường,
Lân cứ thầm nôn nóng mong chóng đến phần văn nghệ do Phượng-Quỳnh phụ trách.
Khi nghe xướng ngôn viên giới thiệu Phượng-Quỳnh, Lân hồi hộp, sửa lại dáng
ngồi. Phượng-Quỳnh ôm đàn bước ra sân khấu, tươi cười, cúi chào khán giả. Nhìn
Phượng-Quỳnh độc tấu những nhạc khúc ngoại quốc, Lân cảm thấy Phượng-Quỳnh trên
sân khấu và Phượng-Quỳnh, cô học trò duyên dáng, đẹp tự nhiên và rất ít nói
“của chàng” không phải là một. Lân tự hỏi không hiểu Phượng-Quỳnh có biết chàng
đang chú tâm theo dõi từng cử chỉ của nàng – một hành động mà Lân cố tình giấu
kín mỗi khi bước vào lớp B4 – hay không. Khi Phượng-Quỳnh đàn cũng như khi
Phượng-Quỳnh hát, Lân cảm nhận được những xao xuyến, những rung động, những ước
mơ trong lòng. Lân thầm mong sẽ tạo cơ hội để Phượng-Quỳnh nhận biết được tình
cảm của chàng dành cho nàng. Nhưng, suốt mấy năm dạy Phượng-Quỳnh ở các lớp đệ
nhị cấp, Lân chỉ thấy nàng vô tư như trẻ thơ và ngây thơ cho đến độ chưa biết
làm dáng và chưa biết chưng diện như các bạn cùng lứa, cho nên chàng vẫn dè
dặt.
Sau
khi Phượng-Quỳnh và Nghi rời Võ-Tánh, vào Saigon
học Luật, nhiều lần Lân tự trách tại sao chàng quá kín đáo, đắn đo và rụt rè.
Nhưng không kín đáo, đắn đo sao được khi mà nền đạo lý Á-Đông còn quá khắc khe
đối với những người chọn ngành mô phạm!
Gặp
lại Phượng-Quỳnh khi nàng trở lại thăm trường cũ, Lân thấy Phượng-Quỳnh có vẻ
bạo dạng hơn trước, Lân vui thầm. Chàng hy vọng sẽ tạo cơ hội gặp lại Phượng-Quỳnh.
Nhưng khi Lân vào lớp – lớp cũ của Phượng-Quỳnh và Nghi – trên lầu, nhìn xuống
cổng chính, thấy Phượng-Quỳnh thướt tha đến bên một thanh niên đang ngồi chờ
trên Vespa rồi nàng ngồi vào yên sau thì niềm hy vọng của Lân tan đi! Lân nghẹn
ngào quay mặt nhìn lơ chỗ khác. Về sau Lân mới biết người lái Vespa hôm đó là
Danh, một người bạn lớn lên cùng thành phố với Lân.
Từ
hôm đó, ý nghĩ “đi lính” cứ lãng vãng trong lòng Lân; vì Lân cảm thấy buồn về
mối tình đơn phương. Nhưng rồi Lân tìm được một giải pháp khác hay hơn để xoa
dịu niềm thất vọng. Chàng học piano
để được đàn những bản nhạc mà Phượng-Quỳnh đã đàn và đã hát; và cũng để có cơ
hội được trút xuống phím piano nỗi
buồn thầm kín trong lòng. Vì vậy Lân đáp:
-
Tôi học piano lâu rồi. Nhưng piano dễ, không phải mang vào người như accordéon của Phượng-Quỳnh.
-
Dạ, em không nhớ tại sao ngày đó em lại chỉ thích đàn accordéon thôi.
Nói
ngang đây Phương-Quỳnh vội cải chính:
-Ô,
thưa Thầy, em nhớ rồi.
-Nhớ
gì?
-Em
thích accordéon vì hình ảnh của Dean Martin trong những phim ca nhạc. Thầy nhớ
Dean Martin không, thưa thầy?
-Nhớ
chứ sao không. Dean Martin không những đàn hay mà hát cũng hay nữa.
-Dạ.
Em thích anh chàng đó lắm.
Lân
chuyển đề tài:
-
Phượng-Quỳnh và Danh vẫn khỏe chứ?
-
Dạ, cảm ơn Thầy. Thầy muốn nói chuyện với anh Danh, phải không ạ?
-
Tôi mới gặp Danh tại phi trường Los
Angeles cách nay khoảng hơn một tháng, đã thăm hỏi
nhau rồi. Tý nữa sẽ nói chuyện thêm với Danh, bây giờ nói chuyện với
Phượng-Quỳnh, có chi trở ngại không?
-
Dạ, thưa Thầy, không.
-
Phượng-Quỳnh dạo này chắc đàn tuyệt lắm, phải không?
Phượng-Quỳnh
cảm thấy khó thở như ai vừa “đấm” vào ngực nàng! Phải vài tích tắc sau
Phượng-Quỳnh mới đáp được:
-
Thưa Thầy, em bỏ đàn từ mấy mươi năm nay rồi!
Lân
thảng thốt, tưởng như chàng nghe nhầm:
-
Hả? Phượng-Quỳnh nói gì?
Phượng-Quỳnh
lập lại câu nói. Cả hai cùng im lặng. Nén tiếng thở dài, Lân hỏi:
-
Tại sao vậy, Phượng-Quỳnh?
-
Dạ, vì “ông bạn” của Thầy không thích.
Im
lặng. Tiếng piano “rơi” nhè nhẹ, rời
rạc, văng vẳng. Một lúc lâu Lân hỏi:
-
Danh nói thẳng với Phượng-Quỳnh là Danh không thích Phượng-Quỳnh đàn hay sao?
Tôi nghĩ ngày đó Danh biết Phượng-Quỳnh chơi đàn mà, phải không?
-
Dạ, ngày đó anh ấy biết em chơi đàn nhưng về sau anh ấy thay đổi, làm sao em
biết được. Anh ấy không nói thẳng với em; anh ấy chỉ nói những câu khó chịu, em
không thích nghe cho nên em bỏ đàn luôn để anh ấy không có cơ hội dùng những
câu đó với em nữa. Còn Thầy, cô có thích Thầy đàn và viết hay không?
-
Nhà tôi và tôi không còn sống với nhau từ lâu rồi.
Phượng-Quỳnh
thoáng giật mình. Lần Phượng-Quỳnh về Việt-Nam cách nay hai năm, vào hôm họp
mặt bạn hữu, các bạn cho Phượng-Quỳnh biết tin thầy Lân trở về đời sống độc
thân, nhưng vì tính hay quên, Phượng-Quỳnh không nhớ. Phượng-Quỳnh chỉ nhớ các
bạn nhao nhao hỏi nàng là tại sao ngày đó không “chịu” thầy Lân? Phượng-Quỳnh
đáp rất thật lòng: “Có biết Thầy để ý
mình đâu mà chịu với không chịu?” Anh bạn cao lêu nghêu, ngày xưa ngồi bàn
cuối, bảo: “Chính tôi nghe thầy Lân nói
với thầy Hảo là Phượng-Quỳnh có nụ cười rất đầm và cái cằm chẽ đôi.” Phản
ứng tự nhiên, Phượng-Quỳnh đưa tay sờ cằm. Cái lũng sâu nho nhỏ nhưng vô cùng
duyên dáng ngay giữa cằm, ngày xưa đã làm mê mệt nhiều chàng trai, nay không
còn nữa. Một cô bạn Huế, ngày xưa cùng trong ban văn nghệ với Phượng-Quỳnh,
cười dòn: “Vô lý. Trong khi toàn trường
ai cũng biết Thầy để ý nhà ngươi mà tại răng nhà ngươi lại không biết?”
Phượng-Quỳnh ngẫn người, không biết nên buồn hay nên vui. Bây giờ nghe Lân hé
lộ chuyện gia đình của Lân, Phượng-Quỳnh mới chợt nhớ:
-
Dạ, em xin lỗi đã vô tình khơi lại chuyện buồn của Thầy.
-
Có chi mà buồn. Đời là vô thường. Trở lại nguyên nhân Phượng-Quỳnh bỏ đàn. Danh
nói như thế nào, Phượng-Quỳnh thử lập lại đại ý xem?
-
Dạ, mỗi khi em đàn, anh Danh thường bảo: “Đờn
gì mấy bài lạ huơ lạ hoắt, không ai biết mà cũng đờn; còn mấy bài như Lính Dù
Lên Điểm, Anh Là Lính Đa Tình hay thấu Trời sao không chịu đờn? Đờn mà không ai
hiểu, không ai biết thì đờn địch làm chi cho mất công? Dẹp đi cho rồi!”
Trong
khi Lân nghẹn lời trước một câu nói phủ phàng như vậy thì Phượng-Quỳnh lại liên
tưởng đến những câu nói khác, cũng của Danh. Vào những dịp họp mặt bằng hữu,
thấy Phượng-Quỳnh được bạn bè tỏ ra thương mến hoặc khen ngợi bao nhiêu thì
trên đường về nhà Danh cũng nói những lời độc hại, làm tổn thương Phượng-Quỳnh
bấy nhiêu! Mỗi khi biết Phượng-Quỳnh nghe nhạc ngoại quốc, Danh “xì” một tiếng
rồi bảo, nghe chi ba thứ nhạc đó, bộ mất gốc rồi hả? Nếu nhạc bán cổ điển hoặc
nhạc hòa tấu hay độc tấu, Danh bảo, nghe thứ nhạc gì mà toàn đờn không, buồn
ngủ thấy bà. Phượng-Quỳnh nghe Smooth
Jazz, Danh bảo, thứ đồ nhạc của tụi đen mà cũng nghe. Khi thấy Phượng-Quỳnh
trang điểm, Danh bảo, “bôi quẹt” để làm gì? Trẻ trung gì nữa mà bày đặt.
Phượng-Quỳnh còn nhớ, ngày nàng mới sinh xong đứa con đầu lòng, Danh dằn mặt,
gần “băm” (ba mươi) rồi, không còn trẻ nữa đâu nghe, cô; Phượng-Quỳnh trên ba
mươi, Danh bảo, gần nửa đời người rồi, còn gì nữa mà “bôi quẹt”; Phượng-Quỳnh
trên bốn mươi là tuổi...về vườn! Phượng-Quỳnh mặc áo màu tươi, Danh quặu, bảo chồng
con đầy đàn mà còn bày đặt chưng diện? Phượng-Quỳnh mặc áo màu đậm, Danh lại
bảo: Mặc mấy màu gì quê mùa quá vậy? Khi bắt gặp Phượng-Quỳnh gửi check mua báo
dài hạn, Danh bảo, tiền cô không biết xài vào đâu hay sao mà mua báo dài hạn?
Sang quá mà! Báo người ta chất cả đống ngoài chợ, đi chợ sao không lượm về đọc
mà lại mua? Giàu rồi đó! Phượng-Quỳnh nghiệm ra rằng, chưa bao giờ Danh hài
lòng và cũng chưa bao giờ Danh đừng tìm cách chê bai hoặc dè bỉm về những điều
nàng làm!
Trong
khi Danh cố tìm những khuyết điểm của Phượng-Quỳnh để chỉ trích và Danh bịa
những chuyện không thật về nàng để làm đề tài cho bạn bè cười trong những lần họp
mặt thì, đối với mọi người – nhất là những người có tiền hoặc có chút địa vị xã
hội – Danh tìm đủ mọi cách làm quen, để rồi không tiếc lời ca tụng, tâng bốc
cho nên nhiều người thích Danh, nghĩ rằng Danh là người bặt thiệp.
Mỗi
khi nghe những câu Danh nịnh bợ người khác một cách sống sượng rồi nghĩ đến
những câu Danh cố tình “hạ” nàng, Phượng-Quỳnh chỉ nhìn Danh một cách ngán ngẩm
rồi đi lơ chỗ khác, cảm thấy đau trong lòng. Bất cứ điều gì hay ho, đẹp đẽ hoặc
thành công của bạn hữu hay của gia đình, Danh cũng đều bảo với mọi người là do
công trạng của chàng cả; còn những gì không tốt hay thất bại thì Danh đổ lỗi
cho Phượng-Quỳnh.
Cũng
với luận điệu tương tự, ngày xưa, thấy Danh đam mê tửu sắc, bỏ bê vợ con, nhiều
người khuyên ngăn Danh, Danh đáp tỉnh bơ: “Tôi
hư là tại bả.” Các bạn ngạc nhiên: “Bả
làm gì mà tại bả? Tụi tao thấy bả hiền quá mà.” Danh gạc phăng: “Hiền! Bả mà hiền! Hiền, cắn cơm không bể,
cắn tiền bể hai! Thôi, tụi bay đừng có nịnh. Bả đâu có mặt ở đây đâu mà tụi bay
nịnh. Nhậu tiếp đi. Tao còn phải đưa em Ánh-Mộng của tao về để tao...làm thịt!”
Sau khi nghe bạn bè lập lại những câu như vậy, Phượng-Quỳnh cật vấn Danh, Danh
chối dài, thề độc và bảo chàng không phải là một người đàn ông hèn hoặc ngu mà
đi “hạ” vợ trước mặt bạn bè. Phượng-Quỳnh phân vân, không biết tin ai! Nhiều
khi Phượng-Quỳnh tự hỏi, tại sao nàng không thể quên được những câu cay độc,
những điều xót xa do Danh đem đến mà nàng lại quên những điều tốt đẹp trong
cuộc đời! Bây giờ chỉ lập lại cho Lân nghe một câu thôi mà Phượng-Quỳnh cũng
vẫn còn cảm thấy tê tái trong lòng.
Lân
hỏi:
-
Rồi Phượng-Quỳnh trả lời như thế nào?
-
Dạ, anh ấy không thích em đàn thì em bỏ, cho yên chuyện.
Đó
cũng là một câu né tránh của Phượng-Quỳnh; vì thật ra nàng có phản ứng một cách
ôn hòa. Nhưng Danh là một người đàn ông vũ phu. Khi nào bị Phượng-Quỳnh nói
đúng tâm lý mà Danh không thể biện luận được, Danh sẽ đánh Phượng-Quỳnh không
nương tay và nói những câu thô lỗ, nặng nề hơn nữa để nàng ngượng, không trả
lời được, phải im. Đôi khi Danh còn “cúp”, không đưa tiền đóng tiền học cho các
con: “Trường công của chính phủ, khỏi tốn
tiền, sao không cho tụi nó học mà bày đặt học trường Tây?Muốn làm sang, cho tụi
nó học trường Tây thì cho bà giúp việc nghỉ đi, lấy tiền đó mà đóng tiền học
cho tụi nó.” Phượng-Quỳnh muốn đi làm để khỏi lệ thuộc vào Danh. Danh phản
đối dữ dội: “Tôi đâu có bỏ cô chết đói mà
cô đòi đi làm để bỉ mặt tôi!” Phượng-Quỳnh đành im lặng, ôm trong lòng niềm
thất vọng, nỗi chán chường về người đàn ông mà ngày xưa đã thề thốt và nói với
nàng những điều không thật để du nàng vào con đường tình không lối ra!
Không
những Danh luôn nói những điều không thật mà Danh còn có tài chối bừa, không
sượng mặt. Phượng-Quỳnh vẫn nhớ, ngày đó, khi nào Phượng-Quỳnh “trúng” một
“áp-phe” là Danh về nhà ngọt ngào, năn nỉ nàng trả giùm những món nợ do Danh
“lầm lỡ” gây ra, và Danh thề độc là sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Phượng-Quỳnh
muốn đích thân nàng đem tiền đi trả để có dịp nói riêng với người bạn đó đừng
cho Danh mượn tiền nữa. Dường như Danh hiểu dụng ý của Phượng-Quỳnh cho nên
Danh không đồng ý. Danh bảo chàng mượn thì để chàng đem trả chứ Phượng-Quỳnh
đem đến trả sẽ làm mất thể diện của chàng. Phượng-Quỳnh nhẹ dạ và vẫn còn tin
tưởng Danh cho nên giao tiền cho Danh đi trả.
Lần
nào cũng vậy, Danh không đem tiền đi trả mà Danh dùng số tiền đó “rải” đều cho
các em vũ nữ tại vũ trường, đưa các em ca sĩ vào những nhà hàng sang trọng và
đem bồ đến sòng bài để chứng tỏ sự “chịu chơi” của Danh. Vài tuần sau, hết
tiền, Danh lại nhắc Phượng-Quỳnh tại sao chưa trả những số nợ đó. Phượng-Quỳnh
bảo: “Em đưa cho anh đem đi trả rồi mà.”
Danh nhìn thẳng vào mắt Phượng-Quỳnh rồi chối tỉnh bơ: “Đưa hồi nào?Em cứ đòi chính em
đem tiền đi trả chứ em đâu chịu đưa cho anh. Tính em hay quên rồi em đổ thừa.” Phượng-Quỳnh
tự biết tính nàng hay quên cho nên nửa nghi nửa ngờ, đành im. Lâu dần, sự lừa
dối trắng trợn và sự đổ thừa đầy dã tâm của Danh cứ được Danh lập đi lập lại
hoài khiến Phượng-Quỳnh đâm ra lo sợ, hoài nghi và không tin bất cứ một người
nào và cũng không còn tin tưởng vào chính nàng nữa. Mãi đến khi sang Mỹ,
Phượng-Quỳnh mới biết vì Danh mà nàng bị Obsessive
Compulsive Disorder!
Riêng
Lân, chàng biết Phượng-Quỳnh là một cô gái hiền lành cho nên Lân không ngạc
nhiên vì câu nói của nàng mà chỉ cảm thấy xót xa, cay đắng trong lòng. Lân biết chàng không nên nói gì trong lúc này
nên im lặng.
Phượng-Quỳnh
nghe tiếng thở dài của Lân rồi từng tràng hợp âm trầm vang xa. Chỉ một thoáng
thôi, tràng hợp âm đó trở nên cuồng loạn. Phượng-Quỳnh có cảm tưởng như Lân
đang trút tất cả tức giận của chàng lên phím đàn. Một lúc sau, có lẽ đã bình
tâm trở lại, Lân chuyển sang một nhạc khúc êm dịu, thiết tha. Trong lúc Phượng-Quỳnh còn
nhíu mày, cố nhận ra dòng nhạc thì giọng Lân khe khẻ: “Hay quá! Đoạn này chuyển sang Mineur, tuyệt quá!” Câu nói của Lân
khiến Phượng-Quỳnh đau đớn, tủi buồn nhận ra sự “dốt nát” của nàng sau mấy mươi
năm xa lìa thế giới âm nhạc! Câu nói của Lân cũng khiến Phượng-Quỳnh nhớ đến
ông Ngữ, thân phụ của nàng.
Ngày
xưa, nhiều khi đang đàn, Phượng-Quỳnh nghe tiếng dép lẹc xẹc rồi giọng ông Ngữ:
“Con! Con đàn lại đoạn đó cho Ba nghe.”
Phượng-Quỳnh ngạc nhiên: “Ủa, con đàn
sai, phải không, Ba?” Ông Ngữ khoác tay: “Không. Không phải. Ba muốn nghe lại vì đoạn đó chuyển sang Mi Mineur
tuyệt quá. Sự chuyển âm đột ngột này tụi Tây gọi là...” Ông Ngữ tuôn một
tràn tiếng Pháp mà đến nay không thể nào Phượng-Quỳnh nhớ được! Bây giờ nghe
Lân nói một câu tương tự, Phượng-Quỳnh nhớ Cha và thương cho công khó của người
Cha đã dạy nàng đàn. Tủi thân, Phượng-Quỳnh gục mặt vào lòng bàn tay, muốn khóc
nhưng khóc không được!
Trước
sự hủy diệt của thời gian và luật vô thường, Phượng-Quỳnh bất lực, đã đành; còn
trước sự hủy diệt có chủ tâm của một người đàn ông dành cho nàng tại sao
Phượng-Quỳnh cũng cúi đầu câm lặng suốt mấy mươi năm qua? Nhiều khi
Phượng-Quỳnh nghĩ rằng nàng hèn. Nhưng không hèn sao được khi mà Phượng-Quỳnh,
vì danh dự gia đình, vì tự ái cá nhân, không muốn ai biết được sự nhầm lẫn của
nàng. Phượng-Quỳnh không muốn các con không có cha và cũng vì Phượng-Quỳnh được
nuôi dạy theo “nền đạo lý thánh hiền(!)
Con gái mười hai bến nước; trong nhờ, đục chịu!”
Không
muốn nhớ lại những chuyện buồn xưa, Phượng-Quỳnh nghĩ cách chuyển đề tài. Chợt
nhớ đến tác phẩm Lân viết cách nay gần nửa thế kỷ, Phượng-Quỳnh hỏi:
-
Dạ, thưa Thầy, Thầy còn giữ tác phẩm Nỗi Buồn Ngày Tháng Cũ không, thưa Thầy?
-
Tuyệt bản rồi. Phượng-Quỳnh thích cuốn đó à?
-
Dạ.
Im
lặng. Lân thở dài, nhớ lại buổi sáng Chủ Nhật năm xưa, Lân buồn buồn đi dọc bờ
biển thì gặp Phượng-Quỳnh và Danh đẩy chiếc xe có em bé gái nằm ngủ bên trong.
Lân và Danh vồn vã bắt tay, chuyện trò nhưng trong lòng Lân lại vang lên nhiều
câu tự trách. Như không chịu đựng được lâu hơn nữa trước một thực thể không thể
cứu vãng, Lân lấy từ cặp-táp cuốn Nỗi Buồn Ngày Tháng Cũ vừa mới xuất bản, viết
“Tặng Danh và Phượng-Quỳnh với những kỷ
niệm ấu thơ còn đó” rồi vội vã chào tạm biệt. Bắt tay từ giã Lân, Danh hỏi:
“Lâu ngày mới gặp lại, chưa kịp thăm hỏi gì
cả thì mày đòi đi. Đi đâu mà vội vậy?” Lân cười buồn: “Tao đi bắt con giã tràng!”
Lúc
đó, nghe câu trả lời của Lân rồi đọc nét chữ quen thuộc của Lân, Phượng-Quỳnh
không nghĩ gì xa xôi. Nhưng sau khi nghe Nghi rồi các bạn bên Việt-Nam kháo
nhau Phượng-Quỳnh mới ngẫm nghĩ lại và nàng nhớ một câu trong tác phẩm đó.
Phượng-Quỳnh muốn nhân cơ hội thân mật này hỏi Lân xem đó là sự trùng hợp hay
có điều gì khác.
-
Thưa Thầy, có một câu trong tác phẩm Nỗi Buồn Ngày Tháng Cũ mà em cứ thắc mắc,
vì không hiểu được dụng ý của tác giả. Thầy cho phép em hỏi Thầy câu đó hay
không?
-
Hỏi đi.
-
Thưa Thầy, em không nhớ trang mấy, nhưng trong truyện ngắn đầu tiên, có đoạn: “...Điệp là con ông Ngữ ở Nha-Trang. Điệp có
nụ cười rất đầm và cái cằm chẻ đôi...” Ông Ngữ là tên của Ba em còn Điệp là
ai, thưa Thầy?
Lân
giật mình, không ngờ một chi tiết nhỏ như vậy mà Phượng-Quỳnh còn nhớ. Như vậy
có thể Phượng-Quỳnh đã biết được tình yêu đơn phương của chàng? Suốt mấy mươi
năm qua, kể cả thời gian Lân sống hạnh phúc với vợ con, chưa bao giờ hình dáng
của Phượng-Quỳnh phai nhòa trong tâm trí chàng. Gần đây, hình dáng của
Phượng-Quỳnh càng rõ nét hơn vì Lân nghe học trò cũ, cũng như Nghi, cho biết
Phượng-Quỳnh trải qua rất nhiều đau khổ và luôn luôn sống trong sự chịu đựng
dai dẳng và nặng nề. Nghe như vậy, Lân động lòng, muốn tìm cách an ủi
Phượng-Quỳnh. Nhưng khi biết dường như Phượng-Quỳnh đã lờ mờ nhận ra được tình
cảm của Lân đối với nàng thì Lân lại ngại. Sự mâu thuẫn này cũng như sự nhút
nhát khi xưa khiến Lân đáp không kịp suy nghĩ:
-
Thôi. Thôi. Cấm, không cho hỏi nữa; để tôi đàn tiếp cho mà nghe.
Phượng-Quỳnh
cười. Lân tiếp:
-
Ngày đó Phượng-Quỳnh đàn, nhiều người chết vì Phượng-Quỳnh. Bây giờ tôi đàn,
không biết có chinh phục được một người hay không!
Phượng-Quỳnh
lại cười, rất bằng lòng khi biết được sự nghi ngờ của nàng cũng như những lời
“nhao nhao” của nhóm bạn xưa đã được Lân xác định một cách gián tiếp.
Lân
cũng rất vui khi hiểu được rằng, một phần nào đó, Phượng-Quỳnh đã biết được
tình yêu thầm kín Lân đã dành cho nàng. Lân lướt nhẹ và rất nhanh mấy ngón tay
của bàn tay phải lên phím đàn rồi tay trái hòa vào, tạo nên dòng Tango rộn rã. Vừa đàn Lân vừa hỏi:
-
Phượng-Quỳnh nhớ bản này không?
Giọng
của Phượng-Quỳnh có vẻ ngường ngượng:
-
Dạ, không.
Lân
ngạc nhiên:
-
Hồi đó Phượng-Quỳnh thường đàn bản này lắm mà.
Phượng-Quỳnh
lại muốn khóc vì nàng vẫn không nhớ được! Phượng-Quỳnh nhìn hai bàn tay của
nàng đã nhăn nhúm, rồi nhìn đứa cháu nội đang nằm ngủ nơi ghế xa-lông. Mỗi cuối
tuần mới giữ cháu được một lần vậy mà Phượng-Quỳnh cũng nhận ra con bé lớn
nhanh quá. Càng lớn con bé càng mủm mỉm và càng giống Phượng-Quỳnh vì sóng mũi
cao, thẳng và cái lúm sâu giữa cằm. Nhiều người bạn vô tình khen; “Con bé xinh quá, trông giống Bà Nội ghê.” Không
thể nào chịu được khi phải nghe một lời khen như vậy, Danh “phản pháo” liền: “Con nhỏ này mà xinh gì, đừng có nịnh.”
Các bạn nhìn Phượng-Quỳnh, chờ đợi sự phản ứng của nàng. Phượng-Quỳnh chỉ cười
lạc, nói lơ chuyện khác.
Vì
bị phân tâm, Phượng-Quỳnh không thể biết được Lân đã chuyển sang nhạc khúc khác.
Lân hỏi:
-
Bản này, nhận ra không?
- Dạ,
em nhận ra nhưng em không nhớ tựa và tác giả.
Lân
ngạc nhiên tột độ. Ngày đó, nam giáo sư độc thân cùng thuê chung một ngôi biệt
thự ở Xóm-Mới. Sân trước, hoa giấy được kết thành giàn rồi uốn vòng hình cánh
cung trên hai trụ gạch nơi cổng. Vào những dịp lễ, Lân cùng các bạn thường tổ
chức tiệc, mời các bạn đồng môn và những học sinh có năng khiếu văn nghệ để bữa
tiệc thêm phần khởi sắc. Trong những dịp như vậy không thể nào thiếu
Phượng-Quỳnh.
Trước
khi nhập tiệc, nhạc thời trang hoặc nhạc bán cổ điển được mở lên, đem đến không
khí ấm cúng cho ngôi nhà. Phượng-Quỳnh thường lặng lẽ ngồi một mình trong góc,
lắng nghe. Thỉnh thoảng Lân giả vờ lấy cái này, đổi cái nọ để đến cạnh
Phượng-Quỳnh, hỏi nàng về những dĩa nhạc đang nghe xem nàng có thích hay không.
Rất nhiều lần Lân hỏi Phượng-Quỳnh về những nhạc khúc thời trang cũng như bán
cổ điển Tây phương; lần nào Phượng-Quỳnh cũng
nhận ra và nói đúng tên người hát và tên tác giả. Một lần Lân hỏi
Phượng-Quỳnh thích nhạc của ai nhất và ai nhì. Phượng-Quỳnh đáp: “Dạ, thưa Thầy, con thích Franz Liszt và
Strauss.” Vậy mà bây giờ....Lân than:
-
Trời! Liszt! Franz Liszt. Ngày đó Franz Liszt là “ruột” của Phượng-Quỳnh mà sao
nay vô tình quá vậy?
Sau
một thoáng bàng hoàng, Phượng-Quỳnh reo lên:
-
Em nhớ rồi. Liebestraum.
Phượng-Quỳnh
xúc động quá, ngồi bệt trên thảm, để tâm hồn quyện theo dòng âm thanh dịu dàng,
thiết tha, trầm thống và đầy u uất của tình khúc được viết theo âm giai Do Majeur, thể điệu Tempo di Valse. Theo dòng âm thanh phù thủy của Lân, Phượng-Quỳnh
tưởng như nàng có thể thấy lại dáng vóc cao, gầy và nét mặt nghiêm nghị của Lân
mỗi khi Lân chạy Vespa vào cổng chính của trường trong khi Phượng-Quỳnh cùng
các bạn đi vào bằng cổng nhỏ bên cạnh.
Lân
khen:
-
Giỏi. Vậy Phượng-Quỳnh còn nhớ mối tình vương giả của Liszt không?
Một
lần nữa Phượng-Quỳnh lại cảm thấy hụt hẫng như một bà nhà quê đi thi vào quốc
tịch Mỹ, bị hỏi, hãy nói tên vị tổng thống Hoa-Kỳ có liên hệ trong cuộc đổ bộ
vào vịnh Con Heo (Bay of Pigs) tại Cuba :
-
Dạ, em không nhớ. Em chỉ nhớ, ngày xưa Ba em có kể cho em nghe về mối tình
không trọn của Franz Liszt nhưng em không nhớ là với ai.
-
Với công nương Carolyne Sayn Wittgenstein.
Lân
vừa đáp vừa tiếp tục đàn. Phượng-Quỳnh im lặng, chăm chú nghe. Một lúc sau Lân
ngưng đàn, bảo:
-
Bây giờ Phượng-Quỳnh cho tôi nói chuyện với thằng bạn già của tôi một chốc,
nhé.
Phượng-Quỳnh
lúng túng:
-
Thưa Thầy, anh Danh không có ở đây.
-
Bao giờ Danh về để tôi gọi lại?
Phượng-Quỳnh
không biết phải đáp như thế nào. Nói dối thì khó, vì không biết phần nào nên
dối, phần nào nên thật; mà nói thật thì ...nói những gì?
Nhận
ra được điều không ổn, Lân dục:
-
Phượng-Quỳnh.
-
Dạ.
-
Có gì trở ngại, phải không?
Phượng-Quỳnh
lính quýnh, ngại Lân hiểu lầm:
-
Dạ không. Thưa Thầy, lúc nãy Thầy bảo rằng Thầy đã gặp anh Danh cách nay hơn
một tháng, tại phi trường Los Angeles, đúng không, thưa Thầy?
-
Vâng.
-
Thưa Thầy, hôm đó anh Danh có nói gì nhiều với Thầy không?
-
Không. Danh chỉ bảo là Danh được một công ty lớn của Mỹ chỉ định qua Việt-Nam
điều nghiên về việc đầu tư cả mấy tỷ Mỹ kim.
Phượng-Quỳnh
vội đưa tay che miệng để khỏi thốt ra tiếng than “Trời!”
Từ
ngày Danh, Phượng-Quỳnh cùng các con vượt biển sang đây, chỉ sống nhờ vào ngành
bán tạp hóa. Lúc đầu vợ chồng làm cho công ty 7-11; sau, hai vợ chồng để dành
được ít tiền rồi vay thêm ở ngân hàng, sang được một tiệm, tự làm chủ. Gần đây
Danh năn nỉ Phượng-Quỳnh nên bán tiệm tạp hóa, về hưu non cho khỏe, có thì giờ
đi chơi và lo cho cháu. Hơn nữa dạo này tiệm của mấy người bạn bị cướp hoài,
Danh ngại rủi thằng khùng nào vào cướp rồi “thảy cái bùm” thì uổng cuộc đời.
Phượng-Quỳnh đồng ý vì thấy đề nghị của Danh rất hợp lý. Với luận điệu ra giá
cao khó bán, lại phải trả tiền thuê chỗ, Danh ra giá rất hạ để bán cho nhanh.
Phượng-Quỳnh cứ nghĩ rằng Danh đã có tuổi, có lẽ Danh đã hồi tâm, thật lòng
muốn vợ chồng cùng sống già bên nhau cho nên Phượng-Quỳnh không cản trở gì cả.
Bán
tiệm xong, Danh nằn nặc đòi về Việt-Nam thăm Mẹ. Phượng-Quỳnh muốn cùng về với
Danh. Nhưng Danh nêu nhiều lý do, nhất là lý do Phượng-Quỳnh đã về cách nay hai
năm rồi, về làm chi nữa, tốn tiền, rồi bỏ cháu không ai lo. Danh hứa chỉ về hai
tuần rồi trở qua.
Sau
khi Danh về Việt-Nam, Phượng-Quỳnh mới vô tình khám phá mối-tình-i-meo (e-mail)
giữa Danh và một cô gái bên Việt-Nam, trẻ bằng tuổi cô con gái út của Danh. Hai
người thề ước nặng lời. Không thể nào Phượng-Quỳnh quên được một câu Danh “gõ”
cho cô đó: “Em đừng lo. Theo luật của
tiểu bang này, hễ vợ chồng không còn chung sống với nhau hơn sáu tháng là kể
như...xù. Bằng mọi cách anh sẽ về bên em để em giúp anh tìm lại tuổi thanh xuân
mà người vợ miệt vườn của anh đã không tạo được cho anh lúc anh còn trẻ.” Phượng-Quỳnh
không cảm thấy đau khổ nữa, vì tâm hồn đã chai lỳ; nhưng Phượng-Quỳnh lo cho số
tiền lớn vừa mới bán tiệm tạp hóa.
Phượng-Quỳnh
tức tốc ra ngân hàng. Nữ trang và tiền mặt để trong Safe Deposit Box biến mất.
Checking Account chỉ còn hơn năm trăm đô-la; đó là tiền hưu của Phượng-Quỳnh mà
chính phủ chuyển trực tiếp hằng tháng vào trương mục. Còn tiền hưu của Danh
được Danh yêu cầu chuyển về địa chỉ nào đó, ngân hàng không thể tiết lộ. Các
trương mục hưu bỗng IRAs và 401K của Danh đều bị đóng từ lâu.
Cố
kềm nước mắt, Phượng-Quỳnh vội vàng đi ra cửa, chưa biết phải hành động như thế
nào thì gặp Thúy, người bạn quen từ lúc vượt biển, từ ngoài đi vào. “Chị Danh. Chị làm gì mà mặt mày xanh lè, bộ
tịch hớt hơ hớt hãi vậy?” Phượng-Quỳnh gượng cười, nói dối: “Ô, thưa chị. Anh chị khỏe chứ?Riêng tôi,
trong người không được khỏe.” Thúy cười, ra vẻ bí mật: “Tụi tôi mới ở Việt-Nam về được mấy hôm. Tụi tôi gặp anh Danh bên đó.”
Phượng-Quỳnh hơi mất bình tĩnh vì nàng cảm thấy xấu hổ nếu ai biết được việc
làm thất đức của Danh: “Dạ, anh ấy về
thăm bà cụ. Anh ấy sắp trở qua rồi.” Thúy háy nhẹ Phượng-Quỳnh: “Ở đó mà ảnh trở qua. Hôm gặp anh Danh,
ảnh năn nỉ tụi tôi đi ăn với ảnh để ảnh
có thì giờ tâm sự. Anh Danh bảo chị lúc nào cũng cấm cản, canh giữ ảnh như canh
tù. Suốt mấy mươi năm qua ảnh gắng chịu đựng để con cái yên tâm học hành. Bây
giờ con cái lớn hết rồi mà chị cũng còn hành hạ ảnh như ngày xưa cho nên ảnh
chịu không nổi. Ảnh bứt!...” Dường như Thúy còn muốn nói tiếp nhưng
Phượng-Quỳnh hốt hoảng như muốn chạy trốn: “Dạ,
nếu anh Danh chỉ nói bây nhiêu đó thôi thì tội của tôi cũng còn nhẹ. Xin lỗi
chị, tôi phải đi có việc.” Bước vài bước, Phượng-Quỳnh quay lui, thấy Thúy
nhìn theo nàng. Trong ánh nhìn của Thúy, Phượng-Quỳnh có thể đọc được rằng:
Người gì thiếu lịch sự. Người ta đang “đem tin tức” cho mà không thèm nghe.
Người như vậy chồng bỏ cũng đáng!
Sự
việc xảy ra như vậy nhưng Phượng-Quỳnh không biết phải nói với Lân như thế nào,
đành đáp:
-
Thưa Thầy, chuyện của anh Danh như chuyện-dài-nhân-dân-tự-vệ ngày xưa, nói hoài
không hết. Thôi, Thầy đàn tiếp cho em nghe, được không, thưa Thầy?
Lân
linh cảm được điều gì đó, rất mơ hồ, giữa Phượng-Quỳnh và Danh, nhưng Lân không
thể đoán được. Nghe Phượng-Quỳnh yêu cầu, Lân sửa lại dáng ngồi:
-
Phượng-Quỳnh thích nghe nhạc gì?
-
Thầy biết rồi. Em chỉ thích nhạc tình cảm thôi.
Lân
cười, dạo một đoạn ngắn rồi vừa đàn vừa hát:
“Wise men say, only fools rush in. But I can’t help falling in love with you.”
(4) Nhận ra đây là bản
nhạc mà ngày xưa, mỗi khi đến nhà quý Thầy dự tiệc, Lân thường mở dĩa nhạc cho
khách nghe, Phượng-Quỳnh xúc động dạt
dào.
Tiếng
đàn và giọng hát của Lân đưa tâm hồn Phượng-Quỳnh lìa khỏi thực tại đảo điên để
trở về khung trời cũ; nơi có ngôi trường Võ-Tánh thân yêu; và cũng là nơi
Phượng-Quỳnh lớn lên trong ngôi nhà có giàn hoa giấy nở rộ, màu đỏ thẫm.
Dưới
giàn hoa giấy đó, vào những đêm có phần ca nhạc của ban Tiếng Tơ Đồng, ông Ngữ
thường nằm trên võng, ôm radio, nghe
một mình. Cũng dưới giàn hoa giấy đó, không biết bao nhiêu lần Phượng-Quỳnh
thấy Ngoại nằm trên võng, em của Phượng-Quỳnh được nằm nghiêng mặt trên ngực
của Ngoại để nghe Ngoại hát ru “...Ầu
ơ...Chim quyên ăn trái khổ qua...hò ơi... nuốt vô, nuốt vô... (thì) sợ
đắng...hò...hò ơi...(mà) nhả ra...(thì) bạn cười!...Hò.. ơi...Gió đưa, gió đưa
cây cải về trời... Hò ơi, Rau răm ở lại...hò ơi...(rau răm ở lại).... chịu lời
đắng cay!...” Nhớ đến những câu ca dao này Phượng-Quỳnh mới cay đắng nhận
ra rằng nàng như con chim quyên khờ dại! Và Danh đã thành công khi “hóa kiếp”
cho Phượng-Quỳnh thành loại rau răm, chỉ cam phận lủi mình vào bùn đất chứ
không thể nào đơm những nụ hoa tươi thắm như
ngò, cải, tần ô!
Phượng-Quỳnh
thở dài, bâng quơ nhìn giàn hoa giấy của nhà bên cạnh. Trong giây phút xúc
động, Phượng-Quỳnh tưởng như nàng có thể
thấy được khuôn mặt của một thanh niên chờn vờn trên những cành hoa giấy
đầy gai.
Trong
khi Phượng-Quỳnh không hiểu nàng bị lẫn lộn giữa hiện thực và quá khứ hay là
nàng bị lẫn lộn giữa hình dáng của Lân ngày xưa và chân dung của Franz Liszt – trong
hình vẽ của Istvan Oroszm – thì Lân đắm hồn vào dòng nhạc và lời ca. Lân muốn
mượn lời ca gửi đến “ai đó” lời tự tình mà Lân đã âm thầm ấp ủ suốt mấy mươi
năm dài: “...Take my hand, take my whole
life too…” (5)
Theo tiếng hát ngọt ngào của
Lân, Phượng-Quỳnh cảm nhận được niềm ước mơ vừa chớm dậy trong lòng.
Phượng-Quỳnh hát nho nhỏ theo Lân: “For I
can’t help falling in love with you…” (6)
ĐIỆP-MỸ-LINH
1.-Longer của Dan Fogelberg..
2.-Ngày Nào Một Giấc Mơ của Ngọc-Bích.
3, 4, 5 và 6.-Can’t Help Falling
In Love của George Weiss, Elvis Presley trình bày.