Saturday 27 January 2018

CHUYỆN THUỞ ẤY...

Năm 1993, người tị nạn bị xua đuổi, bị đem về quê nhà từ những trại tạm cư Hồng Kông, Phi Luật Tân, Thái Lan. Thế giới ngoảnh mặt vì họ đã ký kết với nhau. Nhà cầm quyền Việt Nam nhận lại người vượt biển, thế giới gửi theo viện trợ để giải tỏa gánh nặng kinh tế. Cô ở Hồng Kông đi làm, xem TV thấy cảnh sát võ trang vào trại tù, dùng vòi chữa lửa áp đảo, rồi trùm mền lôi người tị nạn khốn khổ ra xe, quăng lên phi cơ. Cô nóng mặt. Cô xót ruột, cái hình ảnh một nhóm người khốn khổ bị lôi đi sao mà thô bỉ quá, và người ta quay phim, người ta chụp hình.

Cô* bắt đầu học môn Quốc Tế Công Pháp (International Laws) từ Dan Finn. Pam Baker dạy cô chương Luật Tị Nạn (Refugee Laws). Cô gặp Dan Finn qua sự giới thiệu của nhóm LAVAS. Dan, thủa trước là Chief Counsel for the Senate dưới thời ông Bush số 1, là luật sư thiện nguyện của nhóm LAVAS trong thời gian ấy. Cô dịch những bản đơn tiếng Việt của người tị nạn và thông dịch cho Dan khi ông ấy vào trại Tài A Chau để gặp thân chủ thuyền nhân.

 Cô vẫn giữ mối thân tình cho đến bây giờ. Pam Baker là bạn của người Việt tị nạn ở trại tù Hồng Kông, bà ấy đại diện thuyền nhân chống án trước tòa án HK, đòi cứu xét cho nhiều lá đơn bị bác bỏ tình trạng tị nạn (refugee status). Pam một thân một mình, tả xung hữu đột giữa một ngàn lẻ tám công việc hàng ngày, làm công việc của một chú bé vớt từng con sao biển mắc cạn đưa trở lại đại dương. Cái công việc vui ít buồn nhiều vì làm hết sức mà thành quả chẳng có bao nhiêu. Nhưng một lá đơn thành công, là một gia đình đến được bờ tự do. Ta đếm từng con sao biển bơi lội giữa đại dương làm sự trợ lực tinh thần để ta tiếp tục, dù biết rằng những con sao biển mắc cạn khác sẽ mòn mỏi...

alt

Dan Finn & Pam Baker - Hong Kong (1993).

Pam đã qua đời vì ung thư, xin mượn những giòng này để tạ ơn tấm lòng vị tha của bà, tạ ơn bà đã giúp đỡ những người Việt đồng hương của cô và để thương nhớ bà...

Ngày ấy, người tị nạn gọi những người “rớt’ phỏng vấn là bị ăn cánh gà! Khi người ta bị ăn cánh gà đến lần thứ ba thì họ bị trả về Việt Nam.

HongKong, trại tị nạn Tài A Châu

Cô nhớ những ngày mùa hè đi phà từ đảo Hồng Kông ra Tài A Châu, một tiếng đồng hồ lắc lư. Phà hai chuyến đi về mỗi ngày, lỡ phà là bỏ nguyên một ngày làm việc hoặc phải ở lại trại qua đêm. Dan và cô quá giang nhân viên Sở di trú Hồng Kông, đi phà không trả tiền, chỉ phải xoè giấy giới thiệu của văn phòng bà Pam Baker. Lúc ấy trại tị nạn còn được bảo trợ bởi Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR, United Nation High Commissioner for Refugees), ra vào trại tương đối dễ dàng. Họ dễ dàng chắc cũng có lý do vì chẳng có ai mò ra đảo Tài A Châu làm chi nếu không phải làm một việc nào đó. Nhìn từ xa, trời xanh nước biếc, ai mà biết đâu đằng sau là cả một khối chờ đợi thảm sầu, mòn mỏi.


alt

Trại tị nạn Tài A Châu - HongKong


Bạn ta ơi, có người ở trại cả chục năm đằng đẵng mà vẫn không đến bến tự do. Lá đơn nào cũng nặng trĩu khổ đau và một mối hy vọng mỏng manh. Rồi bị từ chối, thất vọng, rồi kháng cáo, rồi lại chờ đợi. Những người đồng hương của cô sống bằng sự chờ đợi ngày này qua tháng khác. Ba tháng ở Hồng Kông, cô có được đúng 4 lần mời những người đồng hương ăn cơm ở bên ngoài trại tị nạn khi họ “đậu” “thanh lọc” và được chuyển ra trại “chuyển tiếp” (Transit Center) ở Hồng Kông, sửa soạn đi định cư ở một quốc gia thứ ba. Không hiểu tại sao người ta dùng chữ “thanh lọc” cho một công việc phũ phàng thiếu nhân đạo như việc quyết định cuộc sống tự do của những thuyền nhân Việt Nam khốn khổ.

Có lần cô đi ngang một dãy nhà đóng kín cửa, thấy người ta xếp hàng rồng rắn bên ngoài, hỏi ra mới biết là phòng y tế, và họ sắp hàng chờ bác sĩ từ 5-6 giờ sáng. Người già, em bé, những em bé tiêu xài tuổi thơ của mình trong trại tị nạn. Cô gặp gỡ nhiều người. Hai chị em cô bé trong ảnh là những người bạn nhỏ của cô. Hai em theo ghe ra biển, những ngày giữa biển cả, bạn có thể nhìn được nỗi kinh hoàng trên mặt bà mẹ khi kể lại chuyện gia đình thoi thóp sắp chết khát thì trời mưa! Cả gia đình hai cô bé này bị đưa về Việt Nam khoảng Tháng Ba năm 1994. Không biết bây giờ hai em nhỏ ra sao, cầu mong vết thương năm xưa đã lành...


alt

Hai em nhỏ trong trại tị nạn


Ba tháng ở Hồng Kông, cô học được bài học vị tha của Pam, cô học được bài học nhẫn nại từ đồng bào ta, từ người già đến em bé. Cô hiểu phần nào được mặt trái của những mỹ từ, những bàn cờ kinh tế và chính trị. Phiền một nỗi là cô không chấp nhận được những kết quả của những ván cờ này, mười mấy năm rồi, cô vẫn bứt rứt, loay hoay.

Một tuần lễ trước khi rời HK về Mỹ, cô nhận lời giúp nhóm Amnesty International. Hai luật sư trẻ tuổi, Jan và Peter, nhận trách nhiệm đi quan sát những thuyền nhân bị cưỡng bách hồi hương, xem chính quyền Hà Nội có thi hành đúng như lời họ cam kết. Cô đi theo qua Hà Nội thông dịch cho những cuộc phỏng vấn. Phi trường Tân Sơn Nhất đã làm cô sững sờ ngẩn ngơ vì cái nghèo, vì cái thiếu thốn, phi trường Nội Bài trông còn lụp xụp xơ xác hơn nữa. Bạn ta ơi, sân bay của “thủ đô ngàn năm văn hiến” mà sao giống như phi trường Nigeria bên Phi Châu! 

Qua cửa Di Trú, nhìn mặt công an nhân dân xét giấy tờ, ông bà nào cũng hầm hầm sưng xỉa, cô mới biết rằng mình... dấn thân. Cô khều hai chàng luật sư và từ lúc ấy cho đến khi về lại HK, hoặc Jan hoặc Peter theo cô từng bước. Cô nhận ra rằng mình ngây thơ đến là ái ngại! Hình như cuộc đời nương tay suôn sẻ không dạy ta nhìn mặt trái. Năm ngày ở Hà Nội, những người thuyền nhân hồi hương chẳng ma nào đến trụ sở tạm của Liên Hiệp Quốc. Hỏi đến gia đình nào câu trả lời cũng tương tự, họ đau ốm hoặc bận rộn bất ngờ vì một công việc nào đó. Gặp được ba gia đình thì câu phỏng vấn nào cũng được trả lời in như nhau, chính quyền địa phương đối xử tốt, sắp có việc làm, con cái sắp đi học trở lại, nhưng làm ở đâu, công việc gì, học trường nào thì chẳng ai biết!

Cô nản lòng, hai người bạn trẻ của cô cũng nản lòng. Cô có cả một một bầu nhiệt huyết... đường trường xa ta quyết đi cho đến cùng, mà đi tới đâu? Quay qua quay lại, phù thủy chơi trò ảo thuật. Tiếc rằng mình không phải là người đi xem xiệc mà bị làm diễn viên bất đắc dĩ. Cô tiếc những ngày lội mưa “field trip”, đi thăm nơi cư trú của người hồi hương, nhà không đồng trống... Không thành công nhưng may ra thì thành nhân? Những ngày đi làm bổn phận công dân nước Việt, cô bỏ ông xã loay hoay một mình bên kia bờ đại dương...

Hai người bạn trẻ của cô mang hoài bão hiệp sĩ. Cô cảm tấm lòng vàng của họ nên cùng dấn thân. Tuổi trẻ chao ôi là đáng yêu, ít tính toán và không biết sợ! Họ hứa hẹn nhiều thứ, sự giúp đỡ tại địa phương, xe cộ di chuyển. Trời, nếu ta mà cứ ngồi chờ! Hôm đầu tiên, người dẫn đường “đến hẹn” mà chẳng “lại lên”. Cô ngây thơ dẫn hai ông mắt xanh lêu bêu đi kiếm cái địa chỉ họ ghi trên danh sách nơi cư trú của thuyền nhân hồi hương. Những người trẻ dắt nhau đi xe, đi bộ..., nửa ngày trời thì đến một bãi đất hoang, rác cao hơn đầu người, cách thành phố khoảng 30 cây số. Hỏi thăm ai cũng lắc đầu không biết “chốn ấy” là chốn nào, địa danh không thấy trên bản đồ! Trở về đến quán trọ thì trời tối mịt, hai ông công an đứng chờ sẵn đã hầm hừ quát tháo cô đi bậy bạ không có giấy phép.

Cô không cần diễn dịch gì ráo, Peter và Jan cũng hiểu là nếu tự tiện đi lại nữa thì sẽ có “vấn đề”. Hôm sau, vừa ra cửa đã có người hộ tống, cô có vệ sĩ thứ thiệt, súng ống đàng hoàng, đi theo bảo vệ đề phòng “bọn xấu”! Thế rồi họ đưa nhóm người của cô đến một vùng ngoại ô, có vài gian nhà trống sạch sẽ, có người chờ sẵn. Cuộc tiếp xúc khoảng 20 phút, cô ngớ ngẩn nhận ra rằng cái bà ngồi kể chuyện trước mặt hình như chưa bao giờ ở trại Tài A Châu! Cô chán quá mà không dám nói cho hai người bạn trẻ biết là mình bị trưng dụng để diễn một vở kịch hạng bét. Rồi cô ra về, bài phúc trình của hai chàng trẻ tuổi đầy chỗ bỏ trống mà không làm sao... điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa! Những người bạn trẻ thành tâm ngay thẳng của cô không chịu nói láo!

Rồi hai người bạn tóc vàng sợi nhỏ tìm ra đồng chủng, Ralf, người bạn mới là Field Officer của UNHCR. Anh ta đến Hà Nội đã 6 tháng nên kinh nghiệm đầy mình! Thật là ngượng nghịu, cô là người mình mà không hiểu gì về... mình hết trọi! Ralf bỏ 2 ngày để giúp nhóm bạn mới khỏi sa lầy, vũng lầy ở khu đất mới vỡ và vũng lầy của chính trường thu nhỏ. Anh ấy là người giơ tay cho cô nắm khi cô té xuống một hố bùn non nhão nhoẹt. Thuyền nhân hồi hương được đưa về một khu đất mới, không biết khu kinh tế mới ở miền Nam sau cuộc đổi đời có giống như thế không, không thấy nước, không thấy điện và ngày ấy họ đang “khắc phục” mọi khó khăn để thành công dân tốt! Cô hy vọng (hão?) hay có chút an ủi là ít ra họ không bị cầm tù, tra tấn.

Hà Nội năm ấy Tháng Tám, Tháng Chín mưa cuối mùa. Ngày nào cũng mưa, cống rãnh nghẽn nước nên thành phố ngàn năm văn vật được gọi rất đúng tên là Hà Lội. Trong thành phố thì lội nước, vùng ngoại thành thì lội bùn.Đám người dấn thân đến vùng đất tạm trú của thuyền nhân hồi hương, những con đường sống trâu lầy lội, bước cao bước thấp trên những vũng bùn non. Nhấc chân lên là chiếc dép còn ở lại, ta lại mò tay tìm chiếc dép, cứ như thế ta đi!

Không thấy vườn, không thấy ruộng, không thấy nhà máy chỉ thấy những mái rạ rải rác và những khuôn mặt hốc hác, lo âu, mệt mỏi. Có người dúi tay nhờ gửi hộ một vài lá thư. Đến lần thứ ba thì bồ câu bị cắt cánh, họ bảo rằng thư từ sẽ được chuyển đến tận tay người nhận, “phái đoàn không phải no đến những việc nặt vặt thế lày”. Trời, “phái đoàn” có những bốn ngoe, áo thun quần jean, lưng đeo ba lô và ba người hộ tống chưa kể người lái xe, người dẫn đường. Không có người dẫn đường thì không được đi lộn xộn, chắc sợ trẻ lạc?

Những vùng đất tạm cư ở miền Bắc, ở miền Nam, ở những miền đất khác trên quê hương cũ... Không hiểu những thuyền nhân hồi hương sinh sống ra sao? Mạnh ai nấy lo tự mình tìm về quê cũ? Tự tìm cách hòa nhập vào giòng đời mình đã lìa bỏ? Đất lành cưu mang hay đất thù? Cô có cả ngàn câu hỏi nhưng hoàn toàn mù tịt về câu trả lời...

Cô trở về Mỹ hoang mang bứt rứt, nghe và nhìn thấy một vài mảnh đời trong trăm ngàn mảnh đời khác... rồi đặt câu hỏi vì cô không hiểu tại sao sự việc lại xảy ra như đã diễn tiến. Cô tiếp tục bước tới mặc dù sau lưng là những khoảng trống đen ngòm. Sự việc tự nó sang trang rồi rơi vào quên lãng bởi vì chẳng còn ai có đủ thì giờ mà thắc mắc đến những chuyện năm xửa năm xưa, nhất là chuyện không vui như chuyện thuyền nhân bị đưa về một miền đất mà họ đã một hai liều chết từ bỏ?

Trần Lý Lê

* Danh xưng “Cô” trong bài chính là tác giả Trần Lý Lê, chị đã một thời quay về giúp người tị nạn (chú thích của tòa soạn).