Wednesday 7 February 2018

Đêm đông của một ông già

Bài thơ An Old Man's Winter Night của Robert Frost trong tuyển tập thơ Mountain Interval xuất bản năm 1916.

Phan Hạnh

 Inline image 1

An Old Man's Winter Night là bài thơ thứ ba trong số 30 bài thơ của tập thơ Mountain Interval của Robert Frost. Frost còn có nhiều tập thơ khác nữa trong sự nghiệp sáng tác của ông.


Bài thơ xưa đã trăm năm nói về một ông già cô độc trong ngôi nhà vùng quê hẻo lánh của ông giữa đêm đông. Là một người già lại cũng đang trải qua những ngày đông lạnh giá của mùa đông miền Bắc Mỹ, tôi đọc bài thơ này và cảm thấy thấm thía. Ông thi sĩ nổi tiếng Robert Frost (1874 – 1963) nói lên điều mà tôi hay suy tư. Ông nổi tiếng vì ông là thi sĩ người Mỹ duy nhất bốn lần đoạt giải Pulitzer bộ môn thơ trong các năm 1924, 1931, 1937 và 1943. Đây được xem là một trong số các bài thơ u buồn tăm tối nhất của Frost.

Qua bài thơ, Frost nói về một ông già cô độc trong một ngôi nhà vùng quê vào giữa mùa đông. Vì trí nhớ hao mòn của tuổi già, ông già không nhớ rõ lý do tại sao ông lại cứ bám víu mãi ngôi nhà đó. Thêm nữa, dường như ông cũng không nhận thức rõ về thân phận mình. Nhưng ông vẫn nhận thức được sự hiện diện của ông giữa mùa đông lạnh giá ngoài trời. Có lúc ông sợ hãi vì bóng tối của đêm đen và có lúc ông hồi hộp vì tiếng sàn nhà kêu ọp ẹp khi ông bước chân đi bên trên hầm rượu. Vì lo sợ vu vơ, ông dậm chân thật mạnh trên sàn gỗ như hầu mong xua đuổi đi cái tiếng động mà ông không biết rõ nó từ đâu. Sau cùng, ông đến ngồi trước lò sưởi lim dim đôi mắt; tiếng lửa reo lách tách đều đều êm đềm làm ông buồn ngủ. Một thanh củi cháy sụm làm ông hơi giật mình, xong rồi ông rơi vào giấc ngủ sâu hơn.

 Vừa nhìn tiêu đề của bài thơ này, có thể người đọc tưởng đâu sẽ bắt gặp một câu chuyện mô tả không khí ấm cúng cảnh một ông già ngồi trước lò sưởi gỗ có tiếng của những đóm lửa reo vui tí tách. Nhưng đọc xong bài thơ, nghiền ngẫm kỹ hơn, chúng ta mới thấy không phải vậy. Frost đã tạo ra một câu chuyện đầy ám ảnh, ít nhất là cho tôi. Hơn mười năm trước, tôi cư ngụ trong một ngôi nhà có lò sưởi gỗ nơi tầng hầm. Thời gian đó tôi hay đau bệnh, nhất là vào mùa đông, hay buồn, nếu không muốn nói là trầm cảm, nhìn đời mình vô vị. Để thư giãn, tôi hay ngồi một mình hàng giờ trước lò sưởi, ngắm những đóm lửa bắn tung toé và phát ra tiếng kêu tí tách. Đọc bài thơ này, nghiền ngẫm nó, tôi cảm thấy như bắt gặp chính mình.

Về hình thức, bài thơ này không theo một khuôn mẫu vần điệu truyền thống nào; giới phê bình văn học dí dỏm gọi đó là “cuộc chơi quần vợt không có lưới”. Có người còn khắt khe cho rằng thơ Frost kém giá trị văn chương vì ngôn từ trong thơ Frost tương đối bình dị, không bóng bẩy. Điều này khiến cho chúng ta liên tưởng đến phong cách chân quê trong thơ Nguyễn Bính. Nhưng trong bài thơ này, Frost khéo léo dùng điệp âm (alliteration), dùng nhân cách hóa và dùng những hình ảnh ám ảnh để nhấn mạnh sự suy giảm trí nhớ của tuổi già, sự cô độc mong có người bầu bạn. Ngoài ra cũng có người cho rằng bài thơ giàu nhạc điệu; rất tiếc tôi không rành về lãnh vực âm nhạc, không giỏi thẩm âm và cũng không đủ trình độ thưởng thức thơ Anh ngữ.

Về nội dung, bài thơ này thuộc diện bi quan yếm thế (bleak), chủ yếu nói về số phận cô đơn của người già, bất lực trước hoàn cảnh. Nói rộng hơn, đó là số phận con người trong một vũ trụ dửng dưng vô tình (loneliness of the individual in an indifferent universe).

Về không gian, Frost đã sáng tác khi ông sống nơi một nông trại ở làng quê Franconia, tiểu bang New Hampshire miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Chỉ ở khoảng tuổi bốn mươi mà ông làm bài thơ sầu não về một ông già sống cuối đời trong nỗi cô đơn vào một mùa đông buồn thảm; như vậy ông tưởng tượng cũng hay. Ông sống đến 88 tuổi, hai năm trước khi chết ông còn đọc thơ trong buổi lễ nhậm chức tổng thống của John F. Kennedy.

Inline image 4
Hình: nông trại của Robert Frost ở Franconia, New Hampshire, nay là một nhà lưu niệm.
 Bài thơ Frost không cho biết lý do tại sao ông già ở trong căn nhà đó một mình; nó chỉ nói ông ta lẻ loi, hoàn toàn cô độc. Phần đáng sợ nhất của bài thơ này là sự mất trí nhớ của ông già; ông không nhớ là ông có mặt ở đó với mục đích gì, tại sao. Không những ông cô lập thể chất mà còn cô lập cả tâm hồn; những kỷ niệm về hạnh phúc trong quá khứ cũng không thể an ủi ông khỏi nỗi buồn. Tôi lo sợ ngày nào đó tôi cũng lâm vào tình trạng đó.

Sống tự lập một mình ở một nơi xa xôi hẻo lánh vào mùa đông, ông lão không khỏi cảm thấy bất an. Tiếng cành cây gãy bên ngoài, tiếng động dưới hầm rượu cũng đủ làm cho ông giật mình lo sợ. Mặc dù ông không biết chính xác là ông sợ cái gì ngoài trời hay trong hầm rượu, nhưng mỗi khi sợ, ông cứ dậm chân xuống sàn nhà như một sự tự trấn an. Tôi nghĩ chắc ông dậm chân như để thầm bảo với kẻ vô hình nào đó là “Lão đang có mặt ở đây nha! Đừng có lộn xộn!” Ông dậm chân gây tiếng động thay cho lời nói vì giọng thều thào của một ông già chắc chắn chẳng đủ làm cho ai sợ cả.

Có thể Frost đã cố ý dùng sự nín lặng của ông già để cho người đọc cảm nhận được sự lẻ loi của ông ta trong bài thơ và thông hiểu tình trạng chung của người già sống như thế nào. Đôi khi không phải vì người đời bỏ bê ruồng rẫy họ nhưng chính vì họ tự muốn sống cô lập xa lánh thế nhân trong im lặng và quên lãng do sự trầm cảm và hết tha thiết với quãng đời vô vị còn lại.

Tuy nhiên, bài thơ không hẳn kết thúc bằng hoàn toàn vô vọng. Mặc dù ông lão lo sợ những gì ông không rõ, ông vẫn biết cách xua đuổi chúng ra khỏi tâm trí và tạm tìm được sự an ủi qua giấc ngủ. Frost gợi ý rằng ngay cả khi cảm thấy cô lẻ, người già vẫn có khả năng duy trì sự hiện diện của ông ta trong ngôi nhà thân thuộc yêu quý. Mặc dù Frost chỉ tập trung vào người già, ý tưởng này cũng có thể áp dụng chung cho con người như một tổng thể. Một người già cố bám víu sống một mình trong ngôi nhà thân quen không hẳn là lý tưởng nhất và nhân bản nhất về mặt xã hội và y tế. Nhưng dù sao, được trút hơi thở cuối cùng để ra đi trong chính ngôi nhà của mình vẫn là ước nguyện chính đáng nhất của con người đúng như câu tục ngữ của người Việt chúng ta là “sống có nhà thác có mồ” (hoặc “sống cái nhà thác cái mồ”). Tôi cũng chỉ mong ước được ra đi trong giấc ngủ tại nhà.

Inline image 6

Bài thơ gồm 28 dòng. Dựa vào các dấu chấm câu (.), tôi nhận thấy bài thơ có thể chia làm 8 phân đoạn dài ngắn khác nhau.

1.(dòng 1, 2, 3):
All out of doors looked darkly in at him
Through the thin frost, almost in separate stars,
That gathers on the pane in empty rooms.

Đêm đen ngoài trời nhìn ông lão (đang đứng trong nhà) qua làn sương giá mỏng có hình dáng trông giống như những ngôi sao riêng rẻ tích tụ lại trên kính cửa của những gian phòng trống trải

Nhân cách hóa: đêm đen nhìn ông lão. Nhân vật ông lão trong bài thơ không muốn mất những bông tuyết hình những cánh sao rời rạc bám trên kính cửa. Phải chăng những cánh sao tuyết khiến cho ông cảm thấy bớt cô đơn khi một mình trong ngôi nhà rộng có cả hầm rượu. Đọc đoạn thơ này, tôi không khỏi nghĩ đến cái họ Frost của tác giả.

2. (dòng 4, 5):
What kept his eyes from giving back the gaze
Was the lamp tilted near them in his hand.

Ánh sáng lóa của chiếc đèn ông cầm trên tay nghiêng gần bên cửa kính làm ông chói mắt khiến cho ông khó ngắm kỹ những hình sao tuyết đóng trên kính cửa

Người già khó thích hợp với ánh sáng vì mắt kém; ánh sáng chói làm mắt khó chịu.

3. (dòng 6, 7):
What kept him from remembering what it was
That brought him to that creaking room was age.

(Sự lú lẫn) Tuổi tác là điều đã làm cho ông lão quên mất, không nhớ ông định vào căn phòng có sàn gỗ kêu ọp ẹp này để làm gì

Đây chính là chủ đề của bài thơ.

4. (dòng 8):
He stood with barrels round him -- at a loss.

Ông đứng ngơ ngác giữa những thùng rượu như người mất hồn, hoang mang, thẫn thờ, bối rối, không còn biết phải làm gì nữa

Đây là trạng thái của một người già mà đầu óc không còn minh mẫn bén nhạy nữa, trí nhớ đã hao mòn cạn kiệt.
  
5. (dòng 9, 10, 11, 12, 13, 14):
And having scared the cellar under him
In clomping there, he scared it once again
In clomping off; -- and scared the outer night,
Which has its sounds, familiar, like the roar
Of trees and crack of branches, common things,
But nothing so like beating on a box.

Dọa nhát hầm rượu bên dưới từ nãy đến giờ bằng cách bước mạnh chân, ông làm lại một lần như thế nữa. Ông bước mạnh chân cũng vì ông sợ cả đêm đen ngoài trời với những âm thanh quen thuộc, chẳng hạn như tiếng cây gầm rú và tiếng cành gãy kêu răng rắc, những tiếng động đó cũng thường thôi, nhưng không tiếng nào giống như tiếng tay ông đập lên một cái hộp. 

Ông bước mạnh chân trên sàn nhà, ông đập tay lên một cái hộp để dọa nhát vu vơ, nhưng đó chính là hành động tự trấn an nỗi sợ đang lấn áp tâm trí ông. Frost dùng những  động từ “clomp”, “roar”, “crack” “beat” để nhấn mạnh sự im lặng của ông già.

6. (dòng 15, 16, 17):
A light he was to no one but himself
Where now he sat, concerned with he knew what,
A quiet light, and then not even that.

Ông là ánh sáng của chính ông chứ không phải của ai khác cả, nơi ông ngồi giờ đây quan tâm đến điều ông biết, một ánh sáng im lặng và rồi cũng không phải như vậy nữa. 
Frost dùng hình tượng ánh sáng bên trong ông lão để chỉ mạng sống của ông già rất mong manh. Tình trạng cô độc của ông có thể là do sự tự chọn; chính ông muốn như vậy chứ không phải vì ai khác cả. Và ông cũng không muốn liên lạc trò chuyện với ai; ông chỉ quan tâm đến điều ông biết mà thôi. Ông là một ánh sáng nhưng im lặng. Ông chẳng muốn thắp sáng cho ai khác; đồng thời ông cũng không muốn thế giới bên ngoài dòm ngó ông.

7. (dòng 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25):
He consigned to the moon, such as she was,
So late-arising, to the broken moon
As better than the sun in any case
For such a charge, his snow upon the roof,
His icicles along the wall to keep;
And slept. The log that shifted with a jolt
Once in the stove, disturbed him and he shifted,
And eased his heavy breathing, but still slept.

Ông giao phó cho vầng trăng mọc muộn, vầng trăng vỡ (“late-arising broken moon”, hình tượng của tuổi già) nhưng dù gì nó cũng tốt hơn ánh nắng mặt trời (vì nắng nóng sẽ làm tan chảy tuyết băng). Với phần sở hữu thuộc về ông là đám tuyết phủ trên mái nhà, mớ băng nhũ bám trên bờ tường, ông giữ chúng và ông ngủ ngon. Khúc củi trong lò sưởi cháy đỏ một lần xê dịch có quấy rầy ông đấy, làm ông cũng lay chuyển trở mình, làm ông ngưng hơi thở mạnh, nhưng ông vẫn ngủ. 

Ông già cảm thấy đêm đông với tuyết trên mái nhà và băng nhũ đóng trên kính cửa gần gũi hơn, dễ chịu hơn là ánh nắng chói lọi ban ngày. Frost muốn cho bài thơ mang nét u buồn sầu thảm. Ẩn dụ ở đây là mọi tài sản sở hữu của ông già không có ai khác ngoài ông chăm lo săn sóc; ông phó thác nó cho thiên nhiên là vầng trăng mọc muộn và rạn vỡ, hình tượng của tuổi già tàn tạ. Trong đoạn thơ này, hai lần Frost nói đến chữ “slept” (ngủ). Ngủ là ẩn dụ của chết, giấc ngủ thiên thu. Frost đề cập đến cái chết ít nhất trong 3 bài thơ khác là “Fire and Ice”, “Stopping byWoods on a Snowy Evening” và “After Apple Picking.” Đề tài mùa đông và tuyết được ông nhắc đến trong nhiều bài thơ hơn khiến tôi không khỏi nghĩ đó là vì tên họ của ông là Frost.

8. (dòng 26, 27, 28):
One aged man -- one man -- can't keep a house,
A farm, a countryside, or if he can,
It's thus he does it of a winter night.

Một ông già – từng là một người đàn ông khỏe mạnh – không thể giữ mãi một ngôi nhà, một nông trại, một vùng thôn quê. Nhưng may ra, nếu có thể, ông sẽ giữ nó trong một đêm đông. 

Ước nguyện tột cùng của một người già cô độc lúc cuối đời là được ngủ giấc ngàn thu trong ngôi nhà do chính mình sở hữu, cho dù ông sống một mình, hay quên, tâm trạng bất an và lo sợ vu vơ.

Inline image 5

Lục tìm kho tài liệu trên internet, tôi thấy có một số bài thơ của Robert Frost đã được nhiều người dịch ra Việt ngữ, chẳng hạn như những bài The Road Not Taken, Sand Dunes, The Pasture, Stopping By Woods On A Snowy Evening, Fire And Ice, The silken Tent, Wind And Window Flower, Desert Places, I Have Been One Acquainted With The Night, Choose Something Like A Star, Love And A Question, A Prayer In Spring, A Dream Pang, Acceptance, Nothing Gold Can Stay, Birches. Có khi chỉ một bài thơ của Frost mà có đến năm người dịch ra Việt ngữ thành năm bản dịch khác nhau.

Thế nhưng tôi chưa thấy bản dịch Việt ngữ nào dành cho bài thơ An Old Man’s Winter Night này cả. Do đó, bằng sự am hiểu rất giới hạn về ý nghĩa bài thơ như vừa trình bày trên đây, tôi mạo muội thoát dịch bài thơ như sau.

Đêm đông của một ông già

Đêm đông của một ông già
Bóng đêm xuyên cửa tựa là nhìn ông
Qua làn sương giá mênh mông
Hình sao trên kính các phòng trống trơn
Mắt lóa chẳng thấy rõ hơn
Đèn nghiêng nghiêng rọi gần còn trên tay
Vì sao mình lại ở đây
Đã quên chẳng nhớ khổ thay tuổi già
Giữa những thùng rượu quanh nhà
Thất thần ông đứng rất là lo âu
Mạnh chân bước để mong sao
Đuổi tan nỗi sợ đêm gào âm u
Cây gãy nhánh, gió vi vu
Ông gõ chiếc hộp để hù cho oai
Chỉ mình ông, nào có ai
Ánh đèn leo lét cảm hoài đêm thâu
Ngồi trong yên lặng lo âu
Trao vầng trăng muộn vỡ sầu miên man
Còn hơn ánh nắng chói chang
Tuyết đóng trên mái đừng tan làm gì
Băng nhũ trên vách đừng đi
Ru vào giấc ngủ đôi khi cựa mình
Củi cháy trở nứt rung rinh
Ông ngưng thở mạnh lung linh giấc nồng
Thân già liệu giữ được không
Ngôi nhà, nông trại, ruộng đồng thôn quê
Chốn quen như được vỗ về
Giữa nơi cô tịch bốn bề đêm đông.

Phan Hạnh. 1/2018.