Sunday, 18 February 2018

Lịch sử trong lòng dân - Bạch Hoàn - HÈN CÓ HỆ THỐNG - Phạm Đoan Trang

Như vậy hóa ra vụ tổ chức rầm rộ kỷ niệm biến cố Tết Mậu Thân chỉ là một màn trình diễn được bọn cầm quyền cố tình dựng lên ngầm khiến dư luận trong nước quên đi ngày 17 tháng 2 này.Hèn theo đúng kế hoạch. 
QH

Image result for 17-2-1979 chiến tranh biên giới

Sáng ngày mồng 2 Tết, tôi tìm mải miết trên nhiều tờ báo xem người ta có nói gì về ngày này 39 năm trước hay không.

Ngoài tờ Vietnamnet, Dân Trí, thì trên rất nhiều tờ báo lớn khác, có một sự im lặng không thể nào lý giải nổi. Nhiều tờ báo không một dòng nào nhắc nhớ về cuộc Chiến tranh biên giới chống quân Trung Quốc xâm lược, bắt đầu vào đúng ngày 17-2-1979.

Rất lâu trước, tôi nhớ có một người lính trở về từ cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc nói rằng, họ không sợ kẻ thù mà chỉ sợ bị lãng quên.


Ngày hôm nay, 39 năm sau, trên những tờ báo lớn nhất của đất nước này, người ta im lặng. Thậm chí, họ chạy những dòng tít lớn về tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam, hành động giày xéo mảnh đất phương Nam của những kẻ đến từ Phương Bắc, lại không có lấy một dòng tưởng nhớ.

Thế nhưng, các anh chị và tôi, chúng ta sẽ không quên.

Ngày 17-2-1979, Trung Quốc tung 600.000 quân ồ ạt tấn công trên toàn tuyến biên giới Việt Nam. Số lượng này lớn hơn cả những thời điểm Mỹ, Pháp huy động lượng quân lớn nhất vào Việt Nam (Mỹ 550.000 quân, Pháp 250.000 quân).
Quân đội chính quy của Việt Nam thời điểm ấy đóng ở khu vực biên giới chỉ có khoảng 50.000 người.

Gần 30 ngày xâm lược Việt Nam, gần 30 ngày mà Đặng Tiểu Bình, phó thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ nói rằng: "Phải dạy cho Việt Nam một bài học", Trung Quốc đã huỷ diệt 4 trong số 6 thị xã dọc biên giới phía Bắc Việt Nam. Chúng tàn phá làng mạc, công trình di tích, chúng phá huỷ trường học, bệnh viện. 6 tỉnh biên giới có 3,5 triệu dân thì một nửa trong số ấy mất nhà cửa, tài sản. Hàng chục ngàn thường dân vô tội bị giết hại. Tận cùng của sự tàn ác là trong đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ em.

Cuộc chiến tranh biên giới, trên thực tế không chỉ 30 ngày bi thương ấy, mà nó kéo dài ròng rã suốt 10 năm sau mới kết thúc.

Đó là một quãng lịch sử đầy đau đớn. Nhưng càng bi thương thì càng không thể nào quên được. Dẫu nhiều tờ báo hôm nay không có một dòng nhắc nhớ về những người lính Việt đã để lại máu xương mình nơi biên cương năm ấy, dẫu vì lý do nào đó họ phải vờ như quên đi những đồng bào mình đã chết thảm dưới họng súng quân thù năm ấy, thì trong lòng dân, những người có hiểu biết và lương tri, sự thật vẫn tồn tại.

Chừng nào dân tộc Việt vẫn còn hơi thở, chừng đó sẽ không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên. Lịch sử, dù có hào hùng hay bi tráng, dù có thịnh hay suy, dù có trên đỉnh vinh quang hay tận cùng đau đớn, sẽ vẫn luôn được lưu giữ lại đến muôn đời. Bởi vì, lịch sử đâu chỉ tồn tại trên những trang viết, lịch sử còn tồn tại trong lòng người, lịch sử tồn tại trong lòng dân.


HÈN CÓ HỆ THỐNG

Sáng 17/2/2018 một số nhà hoạt động cho biết, tại tượng đài Lý Thái Tổ vẫn có cảnh người dân đến đây khiêu vũ. Ảnh: internet
Sáng nay (17/02/2018), tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (trung tâm Hà Nội), dù mới là mồng 2 Tết Mậu Tuất và trời còn lạnh, nhưng chính quyền công an đã chuẩn bị sẵn sàng biện pháp ngăn chặn những người dân đến tượng đài Lý Thái Tổ thắp hương tưởng niệm liệt sĩ chống Trung Quốc, bằng cách xua một loạt “quần chúng” cao tuổi vào khu vực, ôm eo nhau nhảy múa, khiêu vũ.
Hồi 17/02/2013 thì nhà cầm quyền bố trí quần chúng, gồm cả bà già mặc áo hai dây, ra chân tượng đài múa điệu “Con bướm xinh”.
Đợt 19/01/2014 (tưởng niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa) thì công an, dân phòng cải trang làm thợ đá đến cưa đá, tạo tiếng ồn và bụi mù mịt, cũng ở khu vực này.
Đó là các biện pháp ngăn chặn có tính chất ngắn hạn. Còn về dài hạn thì chính sách của Hà Nội còn thâm hiểm hơn nữa.
Chẳng hạn, nhà cầm quyền cho xoá bỏ tên các đường phố đặt theo tên liệt sĩ chống Tàu cộng. Sau năm 1975, phố phường ở các đô thị lớn, nhất là Sài Gòn, dày đặc tên các thể loại anh hùng, liệt sĩ, dân quân, du kích, biệt động trong chiến tranh chống Pháp hay Mỹ. Lắm người mà đại đa số dân chúng có khi chẳng biết là ai, đúng là xứ sở “ra ngõ gặp anh hùng” có khác. Nhưng chắc chắn là trong số đó, chẳng có tên một liệt sĩ chống Trung Quốc nào.
Nhà cầm quyền cũng chủ trương không nhắc tới các liệt sĩ hy sinh trong Chiến tranh Biên giới 1979, rút tên họ khỏi sách lịch sử, thu hồi, không lưu hành các văn hoá phẩm (sách báo, bài hát…, nếu còn) viết về họ. Lê Đình Chinh, Hoàng Thị Hồng Chiêm… tới nay không chỉ là những liệt sĩ mà còn là nạn nhân của một chính sách xoá bỏ lịch sử, cố gắng làm các thế hệ sau quên lãng một cuộc chiến đẫm máu do nhà cầm quyền bạo ngược của hai nước cộng sản gây nên.
Thâm hiểm hơn nữa là việc cấm biểu diễn, lưu hành các nhạc phẩm, ca khúc chống Tàu, ví dụ như “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên (hay còn được nhiều người gọi là bài “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”), “Lời tạm biệt lúc lên đường” của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, “Lena Belicova” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ…
Ca khúc hoặc tác phẩm văn học nào nổi tiếng quá và lời lẽ không chống Tàu lộ quá thì có thể vẫn được “chiếu cố”, nhưng cũng bị sửa đi nhiều so với bản gốc. Còn lại, hầu hết các ca khúc liên quan tới cuộc chiến năm 1979 đều biến mất, nghĩa là không còn được biểu diễn trên các sân khấu lớn, trên sóng truyền hình, hay ghi âm, in ra sách… Việc không lưu hành những bài này là theo một thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước, từ sau năm 1991. Truyện ngắn “Mặt trời bé con của tôi” của nhà văn Thuỳ Linh bị rút khỏi sách giáo khoa một cách không thương tiếc, hẳn là vì nhân vật chính của truyện là một liệt sĩ trẻ chống Tàu.
Ôi, giá mà các chính sách vì quốc kế, dân sinh của Hà Nội đều “có hệ thống”, có “tầm nhìn xa” như vậy!
Đến đây chắc các dư luận viên hoặc những thành phần có não trạng dư luận viên sẽ lại rống lên: Quá khứ khép lại, tương lai mở ra, sao chúng mày cứ bàn mãi về chuyện đã qua thế, sao cứ khoét mãi vào giai đoạn quan hệ hai nước Việt-Trung gặp trục trặc thế, muốn gieo rắc thù hận à?
Tất nhiên, họ có quyền hỏi, kể cả quyền rống lên như vậy. Nhưng họ thật là mặt dày khi không bao giờ đặt câu hỏi: Vì sao lại không cấm luôn cả “Nguyễn Viết Xuân”, “Bế Văn Đàn sống mãi”, “Cô gái vót chông”, nhất là “Cô gái vót chông” với những ca từ như: “Mỗi mũi chông nhọn sắc căm thù, xiên thây quân cướp nào vô đây”, “Còn giặc Mỹ cọp beo, khi còn giặc Mỹ cọp beo, em chưa ngừng tay vót chông”…
Và mới đây thôi, sát giao thừa rồi, nhà nước vẫn còn hân hoan kỷ niệm “chiến thắng” Mậu Thân 1968…

Phạm Đoan Trang