Đông Ba và Gia Hội là hai địa phương quan trọng và quen thuộc của cố đô Huế. Trong vụ thảm sát Mậu Thân 1968 tên họ Hoàng Phủ Ngọc Tường gắn liền với hai địa danh này. Đối với vùng Đông Ba, Hoàng Phủ Ngọc Tường dính líu vì khẳng định rằng máy bay Mỹ đả bỏ bom tiêu hủy một bệnh viện nhỏ ở đây gây tử vong cho hai trăm người. Đối với vùng Gia Hội, Hoàng Phủ Ngọc Tường bị công luận tuyên án vì bị buộc tội ngồi ghế chánh án hạ lệnh xử tử hằng trăm đồng bào.
*
Hoàng Phủ Ngọc Tường và bệnh viện Đông Ba
Trong bài Hoàng Phủ Ngọc Tường sắp chết vẫn nói dối tôi viết nguyên văn “Người viết bài đặt tiền đề như vậy làm giả thuyết – nghĩa là nêu vấn đề ra theo tinh thần khoa học để giải thích một hiện tượng ngoài đời hay trong tự nhiên nào đó (trong trường hợp này là vụ gọi là Mỹ thả bom giết hai trăm người ở một bệnh viện toạ lạc tại Đông Ba, Huế) – và tạm chấp nhận sự kiện liên hệ tuy chưa thể kiểm nghiệm, chứng minh hầu căn cứ vào đó mà phân tích, suy luận.“ Hành động thận trọng đi đôi với lối viết lương thiện là nguyên nhân khiến tôi phải nhấn mạnh cung cách làm việc của bản thân. Tôi không có phương tiện hầu xác nhận chắc chắn rằng tại Đông Ba có hay không có một bệnh viện nhỏ bị máy bay Mỹ “thảm sát“ (sic)1. Nhằm giúp tôi làm sáng tỏ nghi vấn này, nhiều bằng hữu và đồng hương sinh trưởng ở Huế, có người hiện diện tại Huế vào đúng Tết Mậu Thân 1968, đã cung cấp cho tôi một số dữ kiện, càng ngày càng nhiều và càng ngày càng rõ, qua mạng internet. Bài viết này tổng kết những dữ kiện liên quan đến cơ sở y tế mà Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi là “bệnh viện nhỏ ở Đông Ba“, căn cứ vào các tin tức tôi thu thập được. Để thêm tính xác tín, tôi nêu rõ danh tính chứng nhân khi người lên tiếng dùng phương tiện phổ biến rộng rãi là internet; trong rất nhiều trường hợp tôi không thể nêu tên họ nguồn tin bởi vì tôi nhận được tin tức qua hình thức điện thư gởi riêng cho tôi. Trong mọi trường hợp, luận cứ của tôi dựa vào sự kiện khách quan; tôi triệt để gạt bỏ lối lập luận hồ đồ dựa vào suy đoán chủ quan.
*
Trích. “Cái bệnh viện nhỏ mà Hoàng Phủ Ngọc Tường nói đến chỉ là một bệnh xá nhỏ ở khu Gia Hội chứ không phải là bệnh viện lớn với những 200 bệnh nhân trong đó, bệnh xá này chỉ có một bác sĩ và hai cô y tá khám bệnh và phát thuốc cho dân trong vùng. Bên cầu Gia Hội về phía sông Hương là bệnh xá này. Hết trích.
Bây giờ tôi xin trình bày những chi tiết do bạn bè và người quen cung cấp. Tôi đặc biệt trân trọng các chi tiết do một cựu nhân viên của chính cơ sở chẩn đoán điều trị liên hệ trực tiếp gởi đến cho tôi qua e.mail, nhờ sự giới thiệu của một người bạn và một người quen ở Canada và ở Hoa Kỳ. Vị cựu nhân viên này là một y tá, từng phục vụ lâu năm tại cơ sở khám bệnh và chăm sóc người ốm đau mà chúng ta đang đề cập. Hi hữu và quí hoá hơn nữa, sau tội ác Tết Mậu Thân, đích thân Ông đã trở lại thăm viếng cơ quan y tế nơi Ông từng phụng sự.
Vượt qua cửa Đông Ba, quẹo trái, đi dọc theo bờ thành có con đường nhỏ trước kia gọi là Đường Nhà Thương. Cách cửa Đông Ba trên dưới một cây số có một cơ sở điều trị y tế. Tên chính thức của nó là Bệnh xá Thành Nội. Đó là một căn nhà trệt – nghĩa là không có lầu – diện tích lối 25m x 30m. Phía bên trái có nhà hộ sinh diện tích chừng 5m x 8m, nằm tách rời khỏi bệnh xá bằng một lối đi. Đây là loại trạm xá y tế, có thể xem như trạm xá cứu thương, do Bộ Y tế Việt Nam Cộng Hoà thiết lập ở xã hoặc ngay trong lòng một cơ quan. Đồng dạng và ngang cấp với nó có thể kể các trạm biến thế điện hay các trạm khí tượng. Trạm có thể cung cấp những dịch vụ y khoa sơ cứu, cấp cứu hay thường nhật, phổ thông như chích ngừa dịch bệnh, săn sóc vết thương nhẹ, phát thuốc; ngoài ra còn nhận hộ sản những trường hợp sinh nở thuận lợi dễ dàng. Trang thiết bị rất thô sơ, chỉ gồm các phương tiện tối cần thiết. Không có xe cứu thương di tản bệnh nhân, không có phòng tiểu phẫu, không có máy quang tuyến; không có giường bệnh nhân nằm. Trạm chỉ khám ngoại chẩn nghĩa là người ốm chỉ đến khám rồi về nhà, không nằm lại nhà thương. Phụ trách trạm xá là một y sĩ2, khám bệnh mỗi tuần ba lần. Quản lý tổng quát nặng phần hành chánh tiếp liệu là một y tá trưởng. Tập thể nhân viên chuyên môn gồm bốn y tá, một nữ hộ sinh, hai y công và sáu nam nữ thực tập học nghề.
Như đã trình bày, sau thảm hoạ Tết Mậu Thân 1968, người chứng liên quan đã chính mình trở lại thăm viếng trạm xá này; trạm xá vẫn tồn tại hầu như nguyên vẹn, chỉ có mảnh đạn, mảnh pháo ghim trên các bức tường. Trạm xá không hề bị máy bay Mỹ ném bom; điều này một nhân chứng khác gởi e.mail dưới tên họ David Hoang cũng quả quyết như vậy. Tác giả David Hoang là một cư dân lưu cữu nơi vùng trạm xá được xây cất, Ông mô tả hầu như từng căn nhà một ở xung quanh trạm xá.
Tóm lại ở Huế không có bệnh viện Đông Ba – dầu nhỏ, theo cung cách trần thuật của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Từ chợ Đông Ba đi qua cầu Gia Hội quẹo xuống dốc bên phải là Bệnh xá Gia Hội.
*
Hoàng Phủ Ngọc Tường và Toà án Gia Hội
Nhiều người tố cáo đích danh Hoàng Phủ Ngọc Tuờng ngồi ghế chánh án toà án nhân dân thiết lập tại trường tiểu học (hay trung học?) Gia Hội nhằm xử án và sau đó tuyên án tử hình trên hai trăm đồng hương Huế.
Người thứ nhất là Ông Nguyễn Lý Tưởng, cựu Dân biểu Quốc hội Việt Nam Cộng Hoà, nhiệm kỳ 1967-1971. Cựu Dân biểu Nguyễn Lý Tưởng hiện ở Westminster, California, Hoa Kỳ.
Người thứ hai là Linh mục Phan Văn Lợi, thuộc giáo xứ Phú Cam, Huế, Việt Nam. Linh mục cho biết không trực tiếp tận mắt nhìn thấy Hoàng Phủ Ngọc Tường trong vai trò quan toà ma quỉ nhưng nhiều chức sắc Thiên chúa giáo kể lại cho Cha nghe như vậy. Linh mục Phan Văn Lợi hiện ở Huế. Ngày 13.02.2018, Linh mục đã trực tiếp gởi cho tôi ba bài viết do Linh mục chấp bút và liên quan đến Mậu Thân Huế 1968. Ngày 14.02.2018 đài RFA tường thuật lời Linh mục trả lời phỏng vấn như sau : Trích. “Điểm thứ 2 là ngay năm 1968, sau biến cố đó tôi có nghe nhiều linh mục giáo sư của tôi trong chủng viện nói với tôi ông Hoàng Phủ Ngọc Tường từng ngồi ghế Chánh án Toà án nhân dân. và sau đó tôi cũng đọc được nhiều tài liệu là ông Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi ghế Toà án nhân dân tại thành phố Huế trong biến cố tết Mậu Thân.”Hết trích.
Người thứ ba là cựu Thiếu tá Liên Thành, nguyên Trưởng ty Cảnh sát Huế. Trong cuốn sách Huế Thảm sát Mậu thân, Tội ác Đảng Cộng sản Việt Nam, từ trang 197 đến trang 203, viên sĩ quan phụ trách ngành cảnh sát ở Huế vào lúc thảm sát Mậu Thân 1968 xảy ra cho biết Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi ghế chánh án phiên toà xử tử hình hơn hai trăm đồng bào Huế. Theo Thiếu tá Liên Thành, thái độ khẳng định này dựa vào thẩm vấn cả trăm nhân chứng sau vụ Mậu Thân. Cựu Thiếu tá Liên Thành hiện cư ngụ tại Chino, California, Hoa Kỳ.
Tác giả thứ tư là nữ ký giả người Hoà Lan Elje Vannema trong chương sách The Vietcong massacre at Hue, Nhà Xuất bản Vintage Press, New York, 1976. Cơ quan thông tin Saigon Times ở Úc đã dịch một phần sách của Elje Vannema sang tiếng Việt như sau : Trích“Dân chúng hiện diện khá đông tại các phiên tòa ở Tiểu chủng viện, ở Gia Hội bên kia cầu và ở trong thành. Tòa án ở Tiểu chủng viện do Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ trì. Tên này tốt nghiệp đại học Huế và là cựu lãnh tụ sinh viên trong Ủy Ban Phật Giáo chống chính quyền trước đây. Cầm đầu ở Gia Hội là Nguyễn Đắc Xuân, trước kia là một liên lạc viên cộng sản nay đột nhiên lại xuất hiện. Tòa trong thành do hai sinh viên Nguyễn Đọc và Nguyễn Thị Đoan điều khiển. Các phiên tòa vang lên những lời đe dọa với khẩu hiệu tuyên truyền, kết tội, qui chụp. Hầu hết những người bị lôi ra tòa chẳng biết lý do mình bị bắt. Nhưng tất cả đều bị kết tội, một số bị tử hình tức khắc.“ Hết trích.
Về phần mình tất nhiên Hoàng Phủ Ngọc Tường chối bay chối biến là mình không hề chủ trì một phiên toà ác ôn như bị gán ghép. Tai vạ thảm khốc này đổ lên đầu y một cách hết sức oan ức bởi vì y không hề có mặt tại Huế khi xảy ra tội ác chiến tranh Mậu Thân 1968.
*
Khẳng định và nghi vấn
Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nói láo, đã dối trá, đã lừa lọc, đã gian giảo và thâm hiểm trong vấn đề bệnh viện Đông Ba.
Y tuyên bố ở Đông Ba có một bệnh viện nhỏ và bệnh viện này bị máy bay Mỹ “thảm sát“. Y cố tình quan trọng hoá cơ quan y tế và y hoàn toàn bịa ra tội ác của không quân Hoa Kỳ. Chỉ có Gia Hội mới có bệnh xá, còn trạm xá y tế Đông Ba thì không hề bị bom Mỹ tàn phá mà vẫn nguyên vẹn sau biến cố Mậu Thân. Y khơi khơi đưa ra con số hai trăm nạn nhân của vụ phi cơ Hoa Kỳ ném bom xuống bệnh viện. Là người ra đời, lớn lên, ăn học rồi dạy học ở Huế lại có nhà ở ngay trong Thành nội, y không thể đui mù đến độ lầm lẫn một trạm cấp cứu với một nhà thương. Và con số hai trăm nạn nhân chết một lúc và chết một loạt vì các phi vụ Hoa Kỳ thì chỉ có bọn Việt cộng Nguyễn Đắc Xuân + Hoàng Phủ Ngọc Tường mới dám đưa ra. Đó là những điều tôi quả quyết được qua tìm hiểu cẩn thận trong khả năng của mình.
Nhưng qua vấn đề Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi ghế chánh án toà án nhân dân thì bản thân tôi gặp nhiều nghi vấn.
Trước hết, chỉ có một toà án nhân dân duy nhất hay có nhiều toà án nhân dân. Thiếu tá Liên Thành nhất định bảo chỉ có một toà án nhân dân ở tại Gia Hội trong khi nữ tác giả Elje Vannema cho biết có đến ba toà án ở ba địa phương khác nhau và với ba thành phần quan toà khác nhau!
Địa điểm thiết lập phiên toà xử tử hàng loạt đồng bào nằm tại đâu? Thiếu tá Liên Thành cho biết toà án được triệu tập tại trường trung học Gia Hội. Cựu Dân biểu Thừa Thiên Nguyễn Lý Tưởng cho biết toà thực thi tố quyền sát nhân tại trường tiểu học Gia Hội. Linh mục Phan Văn Lợi chỉ nói tổng quát là Hoàng Phủ Ngọc Tường xét xử và xử tử đồng bào tại Huế trong vụ Mậu Thân. Bà Elje Vannema cho rằng toà án do Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ trì nằm ở Tiểu chủng viện còn toà án bên Gia Hội thì do Nguyễn Đắc Xuân phụ trách3.
*
Kết luận
Bản thiết án treo trên đầu Hoàng Phủ Ngọc Tường không thể nào phá án được, dầu nói thế nào đi nữa và dẫu chối cách gì đi nữa. Nhưng nền công lý nhân loại – trong đó có nền công lý Việt Nam Cộng Hoà – là một nền công lý công minh, nhân bản và hợp luật. Nền công lý đó thượng tôn pháp quyền. Trong một vụ án mà có nghi vấn thì nghi vấn phải được nêu ra. Nêu ra khi có thể nêu ra, nhất là khi Mậu Thân lại trở về sau năm mươi năm trong niềm đau của Huế.
Nhưng đã nói thì phải nói cho trót. Hoàng Phủ Ngọc Tường nhất định có tội. Nhưng con cái y thì không. Y kết hôn với Lâm thị Mỹ Dạ sau Mậu Thân Huế 1968. Con cái y ra đời sau Mậu Thân. Chúng không thừa kế tội ác của cha chúng. Cho nên chúng ở Việt Nam hay sang Hoa Kỳ là việc của những người cho phép chúng ở Việt Nam hay chấp nhận cho chúng sang sinh sống ở Mỹ quốc. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân có thể tuyên án tử hàng loạt cho hằng trăm người nhưng chính nghĩa quốc gia Việt Nam Cộng Hoà thì tôn trọng và bảo vệ quyền lợi pháp lý của từng cá nhân một.
Chỉ có cộng sản mới có chủ trương tàn ác vô nhân xét lý lịch ba bốn đời.
18.02.2018
1Thảm sát là giết chóc hàng loạt người một cách tàn ác không nương tay. Người ta không thể thảm sát một bệnh viện, tức là một ngôi nhà!
2Vị ân nhân giúp đỡ cung cấp tiểu tiết cho tôi dùng chữ “y sĩ“, tôi xin tôn trọng cách sử dụng từ vựng của Ông. Tuy nhiên chỉ có chế độ Việt cộng mới hay dùng tên gọi y sĩ. Trong văn cảnh trình bày kiến trúc, bố trí, chức năng, trang bị, nhân sự v.v..của trạm xá, tôi nghĩ có lẽ giới chức chuyên môn y tế trung cấp đứng đầu trạm xá là một nam hay nữ cán sự y tế hoặc một nam hay nữ cán sự điều dưỡng. Ở Sàigòn và Huế đều có Trường Cán sự Y tế, về sau cải danh thành Trường Cán sự Điều dưỡng. Ứng viên tham gia thi tuyển vào Trường phải có bằng Trung học Đệ nhất cấp hay bằng Tú Tài Một. Nam Cán sự Y tế/Cán sự Điều dưỡng nhập ngũ mang cấp bậc chuẩn uý trừ bị và được gọi là Sĩ quan Trợ y. Ở Sàigòn Trường Cán sự Y Tế/Cán sự Điều dưỡng toạ lạc tại đường Đại tá Trần Hoàng Quân, sau 75 Việt cộng đổi tên thành đường Nguyễn Chí Thanh. Cơ sở nhà trường nằm sát cạnh bệnh viện Chợ Rẫy.
3Hoàng Phủ Ngọc Tường từng theo học Trường Đại học Văn khoa Sàigòn. Cả hai vợ chồng tôi đều đã gặp mặt y và nói chuyện với y tại đây.