Trước khi người Pháp sang xâm chiếm đất nước, người Việt không có truyền thống gửi thiệp Tết cho thân nhân bằng hữu. Lý do đơn giản là người Việt thời đó chưa biết kỹ thuật nhiếp ảnh.
Chính người Pháp sang đã thu xã hội người Việt vào ống kính của họ, khiến ngày nay chúng ta có được hiện vật cụ thể về dòng sử Việt hồi đầu thế kỷ XX, là hình ảnh từ vua quan cho đến nhà nông, từ các anh hùng chống Pháp đến lính khố xanh khố đỏ, từ giới nho sĩ cho đến người ăn mày trên đường phố, từ nhi đồng đầu để chỏm đến phụ nữ buôn hương bán phấn, từ lò gốm cho đến nghề khảm nghề chạm, từ chợ búa cho đến ngày Lễ ngày Tết, từ kinh thành cho đến đền chùa miếu mạo, từ phong cảnh miền Bắc qua miền Trung đến miền Nam...
Người Pháp còn khởi hứng từ hình ảnh Việt Nam để tạo mẫu thiệp Tết. Đây là sinh hoạt quen thuộc hàng năm của họ, nhằm chia sẻ với người thân những lời chúc đầu năm, năm Dương Lịch dĩ nhiên, chứ không phải đầu năm Âm Lịch như người Việt chúng ta.
Theo dõi thiệp Tết hồi đầu thế kỷ XX, tôi không hề thấy một thiệp Tết nào do người Việt gửi hay nhận. Gửi hay nhận tất cả đều là người Pháp, gồm quan lại, công chức, quân nhân, thương nhân, giáo sĩ... và gia đình họ. Sử dụng thiệp Tết rõ ràng chưa phải là một sinh hoạt xã hội của dân Việt thời bấy giờ.
Có hai loại thiệp Tết do người Pháp thiết kế hồi đầu thế kỷ XX. Một là hình ảnh hoa lá quen thuộc như trong thiệp tân niên ở bất cứ nơi nào và trong thời điểm nào.
Dấu bưu điện Thái Nguyên, không rõ năm.
Gửi đi Paris. (Bộ sưu tập TAT)
Dấu bưu điện Hà Nội tháng 11.1909, gửi đi Pháp. (Bộ sưu tập TAT)
Hai, và điều này rất đặc biệt. Là họ lấy hình ảnh người Việt hồi đầu thế kỷ XX làm mẫu thiệp.
Phụ nữ và nhi đồng. Dấu bưu điện Đáp Cầu
đúng ngày 1.1.1907. Gửi về Hà Nội. (Bộ sưu tập TAT)
Chính cái áo tứ thân, chiếc khăn mỏ quạ hay khăn vấn, cái nón quai thao, hàm răng hạt huyền, và nhất là nhan sắc phụ nữ Hà thành... đã khiến họ đưa tất cả vào thiệp Tết mà người Pháp ở bên Pháp nhận được hẳn sẽ ngạc nhiên và thích thú.
Phụ nữ, nhi đồng, và lính Pháp. Dấu bưu điện
Huế ngày 1.12.1911. Gửi đi Brest, Pháp. (Bộ sưu tập TAT)
Gánh hàng hoa. Thiệp Tết từ Sài Gòn gửi đi Bordeaux, Pháp.
Không rõ năm. (Bộ sưu tập TAT)
Thôn nữ khoe sắc. Thiệp Tết chưa gửi. (Bộ sưu tập TAT)
Phụ nữ thành thị. Dấu bưu điện Tây Ninh
ngày 10.8.1914. Gửi đi Seine, Pháp. (Bộ sưu tập TAT)
Nhan sắc Hà thành. Dấu bưu điện Sài Gòn ngày
30.12.1910. Gửi đi Bouche-du-Rhone, Pháp. (Bộ sưu tập TAT)
Điểm đặc biết là thiệp Tết do người Pháp thiết kế cảnh Việt Nam còn được sử dụng ở ngay nước Pháp nữa.
Phụ nữ ba miền và nhi đồng. Dấu bưu điện Verdun, Meuse
ngày 25.9.1920. Gửi đi Saint-Mihiel, Meuse. (Bộ sưu tập TAT)
Thiệp Tết tại Việt Nam thường có yếu tố ngoại lai do hoàn cảnh lịch sử.
Hồi đầu thế kỷ XX trong nước, Pháp là người thiết kế và phổ biến thiệp Tết để sử dụng trong cộng đồng của họ. Một trăm năm sau, trong cuối thế kỷ XX, tôi là người gốc Việt sống tại Hoa Kỳ thương nhớ đất nước mỗi khi Xuân về, nên ngay năm đầu tiên khi Bưu Điện Mỹ phát hành tem Tết Nguyên Đán là năm 1992, tôi đã kết hợp hai yếu tố Mỹ và Việt để thiết kế mẫu thiệp Tết.
Phong bì "Ngày Phát Hành Đầu Tiên" của bộ tem Tết Nguyên Đán
Hoa Kỳ năm 1992. Tem này được in lại năm 2005 với giá tiền mới.
(Bộ sưu tập TAT)
Năm 2006, khi nguyên thủ của 21 quốc gia họp nhau tại Hà Nội nhân hội nghị APEC, có người công phu làm ba (3) bộ ảnh -mỗi bộ gồm 24 tấm- dán tem "Chào Mừng APEC 2006."
Một trong 24 ảnh trong bộ APEC.2006 với tem kỷ niệm của Bưu Điện VN. (Bộ sưu tập TAT)
Hình ảnh 21 nguyên thủ quốc gia trong APEC.2006 với tem Tết Hoa Kỳ. (Bộ sưu tập TAT)
Địa điểm họp APEC.2017 năm nay lại trở lại Việt Nam. Nếu độc giả nào có ảnh APEC.2017 thì tôi có thể hợp tác "hai bên cùng có lợi," như thế này. Xin gửi cho tôi ba (3) hay năm (5) bộ ảnh, tôi sẽ dán tem Tết Mậu Tuất 2018 của Bưu Điện Hoa Kỳ và gửi lại tác giả. Tôi sẽ giữ một (1) hay hai (2) bộ tuỳ số bộ ảnh tôi nhận được. Không nên gửi quá năm (5) bộ vì nhiều quá thì giá trị bị sút giảm. Độc giả nào có ảnh xin cứ gửi, càng nhiều bộ ảnh khác nhau càng tốt, coi như một dự án vui chung, nhân dịp Xuân về giữa người Việt trong nước hay người gốc Việt tại Hoa Kỳ. Năm nay, tem Tết Mậu Tuất của Bưu Điện Hoa Kỳ phát hành ngày 11.1.2018 nhưng tôi được phép của Bưu Điện Hoa Kỳ có thể gửi lấy dấu "First Day of Issue" cho đến ngày 11.5.2018. Cho nên vẫn còn kịp thì giờ cho chúng ta làm thiệp Tết năm nay.
Cầu nguyện, hình nghệ thuật của Vũ Công Hiển với tem Tết Hoa Kỳ
và dấu "Ngày Phát Hành Đầu Tiên 11.1.2018" tại Hawaii. (Bộ sưu tập TAT)
Trước thềm năm Mậu Tuất 2018, tôi xin nhờ VănHóa-Online California chuyển đến quý thân hữu và quý độc giả lời chúc một năm an lành và thịnh vượng.
TRẦN ANH TUẤN