Monday, 26 February 2018

Triển lãm Viet Stories: ‘Họ mất tất cả, nhưng họ làm lại tất cả’ - Đằng-Giao


Như mới hôm qua. Hình ảnh tại cuộc triển lãm Viet Stories: Recollections & Regenerations (Câu Truyện Việt: Hồi Tưởng & Tái Tạo). (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

YORBA LINDA, California (NV) – Ngay ngày khi mạc hôm Thứ Bảy, 24 Tháng Hai, cuộc triển lãm Viet Stories: Recollections & Regenerations (Câu Truyện Việt: Hồi Tưởng & Tái Tạo) đã thu hút rất đông người đến thưởng lãm tại bảo tàng viện Richard Nixon Presidential Library & Museum, Yorba Linda.
Đây là cuộc triển lãm do Viện Bảo Tàng Nixon Library Museum cùng với Giáo Sư Linda Trinh Võ thuộc trường đại học UC Irvine, giám đốc Dự Án “Câu Chuyện Việt: Lịch sử truyền khẩu của người Mỹ gốc Việt” và cô Trâm Lê, cố vấn ngoại vụ về nghệ thuật và văn hóa của thành phố Santa Ana, đồng tổ chức.
Ban tổ chức đã khéo léo sắp xếp những món đồ cũ kỹ, từ những tấm hình trắng đen cong oằn, ghi lại hình ảnh của những người Mỹ gốc Việt từ khi còn ở Việt Nam, đến lúc ở trại tị nạn, đan xen cùng những tác phẩm nghệ thuật khác để tất cả cùng kể lại câu chuyện bỏ nước ra đi bằng hành trình vượt biển, nỗ lực làm lại từ đầu tại Mỹ và sự thành công của những người di tản Việt Nam.


Cả nhà cùng chăm chú nhìn ngắm những hình ảnh, vật phẩm trưng bày tại cuộc triển lãm Viet Stories: Recollections & Regenerations (Câu Truyện Việt: Hồi Tưởng & Tái Tạo). (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Khách đến xem triển lãm gồm đủ mọi sắc dân, mọi lứa tuổi tấp nập chen chân để săm soi từng hiện vật, từng bức tranh tại phòng trưng bày. Có người ngạc nhiên, thích thú, có người trầm buồn hồi tưởng nỗi kinh hoàng đã trải qua trong quãng thời gian đen tối nhất đời mình.
Điều ngộ nghĩnh, đáng yêu, đáng khích lệ là những thanh thiếu niên lại là người giải thích cho ông bà, cha mẹ hiểu ý nghĩa của sự kiện qua những vật phẩm trưng bày, bởi vì… các em đọc được tiếng Anh. Nói khác đi, các bậc lão thành được nghe con cháu giải thích về những kinh nghiệm mà chính mình đã trải qua.
Em Jason Nguyễn, 16 tuổi, ở Anaheim, bẽn lẽn nói: “Xưa nay, em cứ nghĩ là cha mẹ em ở Việt Nam, lên máy bay rồi qua đây thôi. Không ngờ họ đã nhiều lần suýt chết mới được là công dân Mỹ. Em thấy mình rất may mắn có ngày hôm nay.”
Em Tina Lê 17 tuổi, ở San Diego, cho biết em đã nhiều lần tranh cãi với cha mẹ vì không muốn học tiếng Việt.
“Cuối tuần, em muốn nghỉ ngơi chứ không muốn đi học, nhất là học tiếng Việt, chỉ để nói chuyện ở nhà,” em kể. “Nhưng bây giờ, em hiểu cha mẹ em muốn em hãnh diện về nguồn gốc mình. Em nghĩ em đã có lý do để chiều lòng cha mẹ rồi.”

Em bé cũng bị lôi cuốn bởi những hình ảnh, vật phẩm trưng bày tại cuộc triển lãm Viet Stories: Recollections & Regenerations (Câu Truyện Việt: Hồi Tưởng & Tái Tạo). (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Nhiều người ở mọi thế hệ đều cảm thấy xúc động khi chứng kiến cuộc hành trình tìm sự sống này.
Bà Lương Thị Bích Huyền, cư dân San Juan Capistrano, rưng rưng cảm xúc: “Tôi như sống lại thời gian bỏ nhà cửa, bỏ quê hương, liều mạng vượt biển để sang đến trại tị nạn ở Thái Lan rồi phải chầu chực chờ phát chẩn để có miếng ăn. Nghĩ lại, tôi còn rợn người.”
Bà cười: “Dân mình tài thật. Vượt qua tất cả. Những người trong nước cũng sẽ không để giặc nào chiếm nước đâu.”
Ông Hà Trọng Đức, ở Reseda, nói: “Tôi rất thích tranh chị Ann Phong nên ghé coi. Không ngờ cuộc triển lãm này như nhắc nhở tôi rằng mình từ đâu đến đây.”
Ông thêm: “Cũng trong buổi triển lãm này, tôi lại được gặp người bạn họa sĩ mất liên lạc lâu lắm rồi. Tôi mừng lắm.”
Anh Benjamin Ford, sinh viên đại học Fullerton, gật gù: “Bây giờ tôi mới phần nào cảm nhận được sự can đảm phi thường của người Việt Nam. Họ mất tất cả, từ tài sản đến ngôn ngữ, văn hóa. Nhưng họ làm lại tất cả.”
Anh nhận xét: “Thảo nào họ muốn con cháu phải học giỏi, như vừa có chức phận trong xã hội, và vừa để khẳng định sự hiện hữu của mình trong một đất nước xa lạ.”

Tuổi nào cũng bị lôi cuốn bởi những hình ảnh, vật phẩm trưng bày tại cuộc triển lãm Viet Stories: Recollections & Regenerations (Câu Truyện Việt: Hồi Tưởng & Tái Tạo). (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Bà Gladys F. Glenn, ở Riverside, cười: “Con trai tôi đang quen một cô gái Việt. Tôi sẽ bảo nó phải cẩn thận vì cô này xuất thân từ một dân tộc bất khuất.”
Ông Nguyễn Phước Hải, ngụ tại Westminster, nói: “Căn phòng như cái máy ngược thời gian và không gian, đưa tôi trở lại thời 1980 ở đảo Galang. Hồi đó tôi mới 30 tuổi mà bây giờ, tôi 68 tuổi rồi.”
Chỉ người vợ, ông cười: “Bà này lúc đó mới gặp tôi mà bây giờ cháu nội, ngoại đầy nhà rồi. Tết lì xì tụi nó muốn nghèo luôn.”
Trong buổi lễ khi mạc cuộc triển lãm tại phòng chiếu phim 37, bà Janet Nguyễn, Thượng Nghị Sĩ California, ông Andrew Đỗ, chủ tịch Hội đồng Giám Sát Orange County, cùng có mặt để chia sẻ câu chuyện tị nạn của mình và để tặng bằng tưởng lục cho hai cô Trâm Lê và Linda Võ vì nỗ lực thực hiện cuộc triển lãm công phu này.
Trong số khách danh dự có ông Tony Lâm, cựu nghị viên gốc Việt đầu tiên tại Mỹ, tiểu thuyết gia Nguyễn Thanh Việt, người đoạt giải Pulitzer 2016 cho cuốn The Sympathizer (Người Đồng Cảm), ông Jack Toàn, quản lý ngoại vụ cho Wells Fargo, bà Dương Thị Thu Hương, bác sĩ tại bệnh viện St. Joseph…
Tất cả cùng đóng góp bằng kỷ niệm hoặc đắng cay, chua xót, hoặc ngộ nghĩnh, dễ thương trong những buổi đầu bỡ ngỡ trên đất Mỹ còn quá xa lạ của mình, nhưng tất cả cùng hòa quyện thành một tiếng nói chung, tiếng nói kiêu hùng bất khuất đầy sức sống và quật khởi của dòng giống Lạc Hồng.
Trở lại phòng trưng bày, càng lúc, người xem càng đông.
Cô Susan Thái, sống ở Los Angeles, nói: “Con gái tôi gọi điện thoại gọi tôi đến đây. Nó nói, ‘Má phải tới liền. Ba cũng đang trên đường rồi. Má coi, rồi má sẽ khóc.’”
Bà chùi nước mắt: “Con tôi đoán không sai.”
Cứ nhìn những gương mặt vừa rạng rỡ, vừa thoáng buồn cũng thấy được sự thành công của cuộc triển lãm.
Bà Trương Ngọc Nga, cư dân Oceanside, chia sẻ: “Coi cái này, vợ chồng tôi nửa buồn, nửa vui, nhưng hoàn toàn thích thú.”
Phải đi vài vòng mới thấy được sự sắp đặt tỉ mỉ của ban tổ chức.

Tìm lại cội nguồn. Hình ảnh tại cuộc triển lãm Viet Stories: Recollections & Regenerations (Câu Truyện Việt: Hồi Tưởng & Tái Tạo). (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Sau khi đưa quan khách ôn lại dĩ vãng rồi nhắc nhở những thành đạt của cộng đồng từ đầu đến cuối phòng bằng những tranh ảnh, hiện vật, thì tác phẩm nghệ thuật cuối cùng được chọn treo nơi cửa ra là hình ảnh một cây đại thụ thân bị chẻ làm tư mà vẫn đứng thẳng và cành lá xum xoe vươn lên.
Đó là bức tranh sơn dầu vẽ cây cổ tùng của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng.
“Loại tùng này có tên Mỹ là Bristlecone pine, có khả năng sinh tồn trên vùng núi cao, nơi có đất đai khô cằn nhất, trong khí hậu khắc nghiệt nhất mà sống trên 4,000 năm là thường,” họa sĩ Nguyễn Việt Hùng cho biết.
Ông thêm: “Ban tổ chức muốn đây là hình ảnh quan khách nhìn thấy trước khi ra về. Sau những bằng chứng về những cam go, thử thách mà người Việt tị nạn phải trải qua, hình ảnh một cây tùng hơn 4,000 năm mà còn trổ cành, trổ lá, trổ hoa như một niềm tin vững chắc vào ngày mai tươi sáng của dân tộc Việt.”
Bế đứa con gái bé nhỏ trên tay ra cửa, một người cha vừa đi, vừa hứa: “Bà ngoại phải về đi lễ. Mai ba chở hai chị em quay lại đây. Ngoan, ba thương. Ba hứa, ba hứa.”
Buổi triển lãm trưng bày hàng trăm hiện vật quí hiếm được thu lượm và đóng góp từ nhiều nơi trên thế giới và những tác phẩm nghệ thuật của 17 nghệ sĩ, trong đó có họa sĩ Ann Phong, Bé Ký, Đinh Q. Lê, Nguyễn Thị Hợp, Châu Thụy, Hồ Thành Đức, Binh Danh, Nguyễn Việt Hùng, Long Nguyễn, Nguyễn Đồng, Nguyên Khai, Tiffany Lê, Howard Hao Vy TranNguyen Ly, N Tuan, Thuy Linh Bennet Kang, và Vi Ly.
Ngoài ra còn có sự tham dự của những nhà thiết kế thời trang như Bao Tranchi, Taryn Rose, Thái Nguyễn và nhà thiết kế nữ trang Chí Huỳnh.
Cuộc triển lãm Câu Truyện Việt: Hồi Tưởng & Tái Tạo tại bảo tàng viện Richard Nixon Presidential Library & Museum, 18001 Yorba Linda Blvd, Yorba Linda, Ca 92886 tiếp tục mở cửa cho đến 28 Tháng Năm, 2018.
——————
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com

image1.jpeg       


image2.jpeg

 
image3.jpeg

image4.jpeg


image5.jpeg

                Tầu ĐÔNG HẢI, trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại Saigon.