Friday, 2 March 2018

Câu chuyện người nữ tạp dịch - Phạm Khắc Trung

image001
GS Đào Thị Hợi và GS Nguyễn Ngọc Bích


Đã lâu lắm rồi, một người quen chuyển lên diễn đàn câu chuyện "Người nữ tạp dịch", của Jacques Moreau Raconte, như sau:

“Vào tháng thứ hai của chúng tôi ở đại học, giảng sư của chúng tôi đã ra một bài thi bất ngờ: Tôi từng là một sinh viên chu đáo nên đã trả lời mọi câu hỏi dễ dàng cho tới khi đọc đến câu hỏi cuối cùng, “Bạn có biết tên gọi của chị phụ trách tạp dịch trong trường không?” Quả là một câu hỏi như chuyện đùa. Tôi đã gặp bà ấy hằng bao nhiêu lần rồi. Bà có vóc dáng lớn, tóc sậm màu và tuổi trạc ngũ tuần, nhưng làm sao mà tôi lại có thể biết tên?

Tôi đành nộp bài, bỏ trống câu trả lời cuối cùng.

Cuối khóa một sinh viên nêu vấn đề không biết câu hỏi cuối cùng đó có tính vào điểm thi không. “Dĩ nhiên là có”, vị giảng sư trả lời, “trong nghiệp vụ ngoài đời, các bạn rồi sẽ gặp gỡ nhiều người. Tất cả họ đều quan trọng. Họ nên được sự quan tâm và ân cần của các bạn, dẫu cho chỉ một nụ cười hay một lời chào hỏi”.

Tôi không thể nào quên bài học này, tôi đã tìm biết ngay tên bà phụ trách tạp dịch là... Dorothée” (Ngưng trích).


Đọc qua câu chuyện này, tôi mường tượng rằng vị giảng sư trên chính là Giáo Sư Đào Thị Hợi, phu nhân của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, Tổng Thư Ký Viện Đại Học Cửu Long, trong khi Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích là Phó Viện Trưởng.

Ngày đó, tôi là một sinh viên linh động nhưng có một khuyết điểm rất lớn là cố duy trì cái danh hiệu "sinh viên ngỗ nghịch nhất trường", bằng cách là chọn một thế đứng đối lập với lãnh đạo nhà trường để chứng tỏ rằng mình ngang tàng, không xu nịnh. Tôi luôn tìm cách chọc ghẹo bạn bè và phá phách thầy, cô. Trong số bạn bè thì chị Văn Thị Lý là nạn nhân số một, còn thầy cô thì ai đáng phá cho bằng thầy Phó Viện Trưởng và cô Tổng Thư Ký?

Thú thật, thầy Bích xuề xòa và có miệng cười hiền như Bụt, còn cô Bích nghiêm nên ai cũng ngán cô chứ không sợ thầy, cho nên mỗi lần chọc được cô Bích giận, tôi vênh mặt hãnh diện với tiếng reo hò, nể nang của bạn bè, đến khi về nhà thấy mắt cô qua mắt mẹ, tôi lại đem lòng hối hận và nguyện với lòng rằng không phá phách làm cô buồn nữa, nhưng được vài bữa thì bổn cũ lại tái sinh...

Một buổi tối trong giờ Văn Minh Văn Hóa Việt Nam ở giảng đường A, Giáo Sư Bích hỏi các diễn tiến cách thức xưng hô giữa người nam và người nữ từ lúc mới quen cho đến lúc lấy nhau, rồi ăn ở đến lúc bạc đầu thế nào? Tôi mau mắn trả lời thầy:

− Thói thường, lúc làm quen mình gọi cô ta bằng chị xưng tôi, vừa lịch sự, vừa để cô ta chủ quan không chú ý đề phòng mình dở độc chiêu!

Ða phần sinh viên trong lớp lớn tuổi hơn tôi, nên tôi gọi chị xưng em ngọt sớt. Quốc Hùng mau mắn cười hô hố bảo:

− Hèn gì trong lớp ai nó cũng kêu bằng chị!

Tiếng mấy chị nhao nháo lên:

− Cái thằng Trung này quỷ quái hết sức nói!

Thầy Bích cười tươi hỏi tiếp:

− Rồi đến giai đoạn kế?

Tôi trả lời một cách khoan thai:

− Giai đoạn kế tiếp bắt đầu thân thiết, mình gọi bằng tên và cũng xưng tên cho thân mật... Thêm một bước nữa mình gọi bằng em xưng anh cho thắm thiết. Rồi gọi bằng bé, bằng mình... Và cuối cùng gọi mụ xưng tao, đó là lúc đã tận cùng bằng số!

Cả lớp cười vui như pháo Tết, ai cũng biết rằng tôi ghẹo thầy, bởi thầy gọi cô bằng “Bé”. Lúc hết giờ chị Lý hớn hở bảo tôi:

− Nạy giờ cô Bịch ngồi dượi lợp, Trung cọ biệt không?

Tôi le lưỡi rút vai than:

− Chết cha! Nghe em chọc thầy liệu cô có giận?

Chị Lý cười toe toét bảo:

− Không cọ đâu, chị thậy cô cười vui vẹ lặm!

Tố cười nói chen vào:

− Bạn làm như bạn sợ cô không bằng?

Tôi nhún vai cười, vừa làm ra vẻ hờ hững, vừa ra vẻ nghiêm trang:

− Đúng! Tôi sợ cô buồn!

Cả chị Lý lẫn Tố đều “xí” thật dài, nhưng đó là lời tôi nói thật! Đôi mắt cô mới nhìn tưởng là nghiêm khắc lắm, nhưng thật ra đôi mắt cô rất ướt át, dịu hiền và mềm yếu như đôi mắt của mẹ tôi. Tôi nghĩ thầy yêu cô là ở đôi mắt này?

Bố tôi cọc và đánh tôi dữ lắm những khi tôi lầm lỗi nhưng tôi không sợ, tôi lại sợ mắt mẹ buồn nên luôn cố làm vui lòng mẹ. Tôi phá phách, chọc ghẹo cô Bích để chứng tỏ rằng mình anh hùng, không xu nịnh, nhưng khi thấy ánh mắt cô không vui tôi lại ân hận trong lòng! Tôi sợ cô buồn nhưng chưa làm được điều gì gọi là làm vui lòng cô hết! Hai lần tôi xúc động tính ôm chầm lấy cô nhưng không dám, đành thôi: Lần thứ nhất lúc còn ở Việt Nam, cái hôm thầy Bích giận đập bàn nạt tôi, tôi giận mất khôn nên đập bàn nạt lại một cách hỗn hào rồi bỏ phòng họp vô cuối lớp trống ngồi. Cô Bích cũng bước theo, mon men đến ngồi kế bên tôi an ủi, “Nãy thầy giận quá nên mất bình tĩnh chứ thầy không có ý vậy đâu. Cô mong em nghĩ lại mà bỏ qua đi!” Sự nhu hòa của cô giống y hệt mẹ, đã làm cô thật lớn trong tôi.

Lần thứ hai vào một sáng sớm hè 95 tôi đến nhà thăm thầy cô. Sau 20 năm trời cách biệt, mặc dù đã phone hẹn trước, nhưng khi thấy cô mở cửa mời tôi vô nhà, tôi xúc động định ôm chầm lấy cô và nói lớn lên rằng, “Em nhớ cô lắm cô ơi!” Nhưng tôi nuốt kịp lời, thầm nghĩ bụng nếu nói ra lại thành đứa đóng kịch vụng về! Có thật nhiều điều tôi muốn kể chuyện bên nhà, nhưng lại sợ thầy cô nghĩ mình muốn kể công đấy hẳn?

Tính tôi phóng túng, không thích gò bó nghiêm khắc thái quá, nên mỗi khi nghe tới tiết mục “Cô Bích ban huấn từ” là tôi trốn mất tiêu. Sau ngày 30/04/75 chứng kiến cảnh giảng viên chụp mũ, kêu công an bắt bớ học trò…, tôi mới tiếc thương cho nền giáo dục Nhân Bản của miền Nam, và đem lòng hối hận, rằng ngày xưa tôi đã chọc ghẹo, phá phách thầy cô!

Thói thường là vậy, những gì trong tầm tay, chẳng ai biết quý trọng giữ gìn, đến khi vuột mất rồi mới đâm hối tiếc. Hôm Kim Anh đi họp “triển khai công tác” kiểm kê sách ở thư viện Quốc Gia về kể rằng, người ta sẽ phân loại và hủy hoại toàn bộ sách báo của miền Nam, tôi mới giật mình ân hận. Tôi học ở đây 2 năm rồi mà đã mấy khi vào thư viện trường mình? Nên tôi vội vã vào bốc hàng chục quyển sách đủ loại, mở quyển nào ra cũng thấy note ghi chú tóm tắt của thầy Bích. Tôi nghĩ thầy bỏ lại số sách này chắc thầy đau đứt ruột! Lòng tôi băn khoăn hối hận, thầm trách tại sao trước kia mình không chịu vào đọc số sách này? Từ đấy tôi bắt chước thầy, tôi bắt đầu đọc, ghi note rõ ràng và suy ngẫm thật sâu. Trong phần "Giới thiệu" bài "Việt Sử Hùng Ca", tôi viết, "Bài này viết bởi đứa học trò có tính khôi hài và tinh nghịch, được đào tạo từ nền giáo dục Nhân Bản dưới thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa. Nếu không được coi là một khám phá mới mẻ, ít ra cũng là câu chuyện giàu tưởng tượng, tôi xin ghi ơn quý thầy cô đã dạy dỗ trong đời", với dụng ý cám ơn thầy Nguyễn Ngọc Bích nhiều nhất về cách thức đọc sách của thầy.
  
Mấy ngày sau khi Thành Ðoàn kiểm kê văn phòng GS Nguyễn Ngọc Bích, tôi thấy có một xấp giấy đánh máy liệng trong thùng rác ở văn phòng dưới lầu, tò mò tôi lượm lên xem hóa ra mấy bài ca dao do GS Bích dịch sang tiếng Anh, không biết thầy có lưu giữ được bản copy nào khác không? Không thì tiếc chết được! Tôi ngồi thẫn thờ nhớ lại một buổi sáng tôi đến trường sớm, gặp thầy đang huýt gió, loay hoay ngắm mấy khóm hoa trong lúc chờ tài xế đến đón đi làm. Chào thầy xong, tôi nhìn trời mông lung rồi hỏi thầy, “Hôm nay trời đẹp quá há thầy?” Thầy mỉm cười hỏi lại tôi, “Bộ tôi khó tính lắm sao anh?” Nói chuyện với thầy thú vị như thế đấy, nhưng ngày ấy thầy vừa dạy tôi, vừa là Phó Viện Trưởng, nên mặc dù tôi quý trọng thầy, nhưng tôi luôn giữ một khoảng cách.

Cuối năm 75 tôi đã biết người ta lấy cơ sở Đại Học Cửu Long làm chỗ ở cho nhân viên giảng huấn trường Đại Học Kinh Tế TP Hồ Chí Minh, nhưng tôi không có một ấn tượng nào rõ rệt trong đầu.

Đầu năm 76, một hôm Nguyễn Thanh Sơn chạy PC đến trường Luật cũ tìm tôi và rủ tôi đi thăm trường cũ. Tôi cho Sơn biết rằng trường Cửu Long đã biến thành chỗ ở cho ban giảng huấn rồi. Sơn bảo, "Thây kệ! Mình tới đứng dòm bên ngoài thôi!" Thế là hai anh em đèo nhau đi.

Đến nơi, chúng tôi ngỡ ngàng nhìn quần áo các loại phơi la liệt khắp lan cang các tầng lầu. Ôi! Trường Đại Học Cửu Long của chúng tôi đã biến thành những ổ chuột dơ bẩn của khu lao động nghèo nàn trong phim thời sự bên Tàu dưới thời Mao Trạch Đông tự hồi nào rồi! Sơn thở dài chửi đổng và chạy thẳng một mạch không dám đứng lại dòm. Tôi bâng khuâng nhớ quý thầy cô, nhớ bạn bè và những nhân viên làm việc ở viện đại học Cửu Long ngày trước:

Viện Trưởng: GS Nguyễn Sỹ Thân.

Viện Phó: GS Nguyễn Ngọc Bích.

Tổng Thư Ký: GS Đào Thị Hợi.

Khoa Kinh Tế Quản Trị: GS Phạm Thị Tích Quý là Khoa Trưởng và GS Nguyễn Thị Liên Hương là Khoa Phó.

Khoa Truyền Thông Đại Chúng: GS Phan Lâm Hương là Khoa Trưởng và GS Huỳnh Văn Tòng là Khoa Phó (Trước khi di tản, GS Nguyễn Ngọc Bích ủy quyền cho GS Huỳnh Văn Tòng làm Quyền Viện Trưởng viện ĐH Cửu Long).

Phụ trách Sinh Viên Vụ là anh Lê Văn Hưu.

Quản thủ thư viện là bác Trần Phong Giao, phụ giúp bác Giao có bác Thu và một anh tóc hơi dài đeo kính cận (không nhớ tên).

Phụ trách in ấn kiêm tài xế là bác Trịnh Văn Tài. Phụ giúp bác Tài in ấn là sinh viên Phạm Văn Căn.

Phụ trách Thể Dục Thể Thao kiêm ngoại giao là chú Lê Ngọc Hiển.

Trưởng phòng Học Vụ là anh Phạm Duy Từ.

Thư ký gồm: (1) Lê Ngọc Hằng, con gái chú Hiển; (2) Phạm Thị Hương, em gái anh Từ; (3) Vũ Thị Liễu, bạn gái Trung Úy Mạc Đạm; (4) Nguyễn Thị Lê Khanh; (5) sau này có thêm 2 anh em Quang và Quỳnh nữa.

Chị Liễu (không phải Liễu bạn gái Trung Úy Mạc Đạm) trông coi Câu Lạc Bộ.

Hoàng trông coi xe và kẻ biển hiệu cho trường.

Tạp dịch gồm Bác Bái và chị Long.

Cả chị Long bác Bái đều là người Bắc. Lúc đó chị Long trạc 36 - 37 tuổi. Chị hút điếu cày, ăn to nói lớn, cười đùa vui vẻ, chị kêu các sinh viên bằng cô, bằng cậu rất lễ phép nhưng không khúm núm quá đáng như bác Bái.

Bác Bái nhìn già hơn tuổi, tôi đoán bác khoảng 65 - 66 gì thôi. Bác Bái có cái mũi lân, mắt híp, miệng rụng răng móm xọm, nhìn bác y hệt hình Lê Đức Anh bây giờ, có điều không được béo tốt như vậy. Bác Bái luôn tay quyét dọn lau chùi, nhưng hễ thấy sinh viên bác lại khúm núm chắp tay thưa cô thưa cậu. Tôi thường kéo bác ngồi nghỉ làm điếu thuốc nói chuyện chơi, và dặn bác không nên chắp tay thưa gửi, gặp nhau cười chào hỏi thăm là vui lắm rồi.

Riêng chị Long thì tôi ưa ghẹo, "có chịu lấy bác Bái làm chồng tôi sẽ làm mai". Một hôm gặp chung trong câu lạc bộ, tôi hỏi, “Bác Bái thấy chị Long có đẹp không?” Bác trả lời, “Đẹp lắm!” Tôi quay qua hỏi chị Long, “Thế Long thấy Bái có điển trai không?” Chị chửi toáng lên, “Đồ thằng chết tiệt!” Kim Anh phá lên cười làm chị cũng che miệng cười rồi đập lưng tôi nói, “Mày cứ chọc cho tao chửi để mang tội!” Tôi ngồi ngước mặt làm dáng, thở dài than, “Chưa gì mà ông mai đã lộn cổ từ cậu xuống mày?” Kim Anh lại ré lên cười, “Anh Trung toàn chọc cho người ta cười đau cả bụng!”

Sau ngày 30/04/75 tôi lập danh sách xin trợ cấp lương thực cho sinh viên chiến nạn cùng chị Long và bác Bái. Tiêu chuẩn đầu người lúc đầu gồm 15 kg gạo mỗi tháng, trợ cấp thức ăn $100VNCH/ngày cho mỗi đầu người. Chị Long đi chợ nấu cơm, bác Bái vẫn lau chùi dọn dẹp. Ngoài phần ăn, cả hai đều làm việc không lương.

Mỗi ngày tôi vẫn lên trường sinh hoạt với anh em, đến lúc gần cuối tháng 6, khi Hai Khánh và đám sinh viên phá cửa nhà GS Bích lấy cắp đồ, tôi giận chửi rủa cả nửa ngày xong mới bỏ về luôn, không lên trường nữa, nghe đâu Hai Khánh cũng đuổi luôn chị Long và bác Bái khỏi trường. Làm lụng suốt ngày chỉ đổi lấy miếng cơm độn với vài cọng rau cũng không xong.

Hè 77 tôi ra trường và nhận nhiệm sở đi làm ngay. Tháng 10 tôi chuyển về Tổng Công Ty đi làm hạch toán các công ty con 2 tháng trong thành phố. Một hôm, tôi đang đạp xe boong boong trên đường Nguyễn Thông thì nghe tiếng người đàn ông gọi giật, "Cậu Trung! Cậu Trung!"

Tôi dừng xe quay lại thấy bác Bái đang đứng róc mía cho một xe nước mía bên đường. Tôi tắp xe vào thì bác mừng rỡ quăng cả chiếc dao bào chạy lại nắm tay tôi reo hò như con nít, “Cậu Trung! Trời ơi cậu Trung! Tôi mừng quá!” Hỏi ra mới biết bác về làm ở đây từ ngày đó tới giờ. Nhìn đôi bàn tay bác bị nước ăn lở đỏ loét, thấy thương, tôi vỗ vai bác chép miệng than, “Tội nghiệp! Già cả mà chưa được nghỉ ngơi!” Không biết bác nghĩ gì lại cười híp mắt bảo, “Lao động là vinh quang mà cậu!” Tôi cũng cười nhưng đôi giòng lệ tuôn rơi. Lên xe tôi đạp một đỗi mới quyệt nước mắt quay đầu nhìn lại, bác Bái vẫn đứng dơ tay vẫy vẫy chào tôi. Thật khổ thân cho số phận người dân tôi!  

Hôm nay được tin "Giáo sư, học giả, dịch giả Nguyễn Ngọc Bích vừa đột ngột qua đời ngày 3/3/2016 trên chuyến bay từ Hoa Kỳ sang Phi Luật Tân để tham dự một hội nghị về Biển Đông ở Manila", tôi xin thắp nén hương lòng, cầu nguyện cho vong linh thầy sớm tiêu diêu miền cực lạc.

Em xin chân thành chia buồn cùng cô Đào Thị Hợi và thân quyến. Xin cô rán bảo trọng sức khỏe.

Kính quý,
Học trò của thầy cô,
Phạm Khắc Trung

(Cám ơn chị Nguyễn Thị Lê Khanh đã bổ túc)