Monday 26 March 2018

KHI CHA MẸ LÀ NHÓM LỢI ÍCH? - DƯƠNGTHÀNH TÂN

"..Tôi thường thắc mắc tại sao cộng sản Việt Nam lại sống dai đến thế?
Đến khi trở thành cha mẹ, tôi đã tìm ra được một phần trả lời:
Văn hóa Việt Nam đã khiến cha mẹ nuôi dạy con cái như cộng sản mong muốn!..."
Theo ý kiến của riêng tôi, chế độ độc tài sống đến bây giờ là sự tiếp tay của những người làm cha mẹ. Với sự đồng lõa của cái gọi là giáo dục, cha mẹ tự cho quyền đối xử với trẻ em rất bất công. Cũng như ngoài xã hội, chế độ cộng sản cai trị bất công với dân chúng.
Xin lấy kinh nghiệm sống của bản thân làm chứng. Dù không được tăng lương, nhưng từ khi có con, vợ chồng tôi mua được nhà cửa xe cộ và nhiều thứ tốn kém khác. Dù nuôi con hao tốn tiền bạc lẫn thời gian nhưng gia đình tôi lại khá giả hơn. Lý do của sự thịnh vượng này là con tôi đã tác động lớn vào tâm lý làm cha mẹ của chúng tôi. Từ những kẻ tiêu thụ đã biến thành những kẻ tích lũy. Rất nhiều người khác cũng gặp trường hợp tương tự. Nhưng đố ai tìm được trong sách vở Việt Nam một câu văn thơ nào ghi chép công lao của những đứa con đã làm cho cha mẹ giàu có khi mới lọt lòng? Tín ngưỡng dân gian biện hộ bằng lý do huyền bí:

Giàu có nhờ sinh con hạp tuổi!
Nhưng của cải chỉ là một trong nhiều lợi ích. Có con còn giúp con người hoàn thiện hơn. Vợ tôi là một người hiền thục nhưng có khuyết điểm rất lớn theo văn hoá Á Đông: Không biết nấu ăn. Vì muốn gia đình có những bữa ăn vừa miệng, nàng đã mua sách vở, xoong nồi, dụng cụ làm bánh... Và nấu những bữa ăn càng ngày càng tuyệt. Đến mức cha con tôi hết muốn đi ăn nhà hàng. Đồng nghiệp ve vãn chúng tôi để được mời cơm. Buổi tiệc trong nhà được họ hàng hai bên chờ đợi như những sự kiện ẩm thực! Mẹ tôi, người từng có tiếng ra tiếng vô vì nàng dâu không biết nấu ăn, cũng phải tâm phục khẩu phục. Dù không cố ý, gia đình tôi vẫn lên « số má » với dòng họ. Mấy đứa cháu thường lấy quá khứ của chúng tôi để biện hộ cho thất bại hiện tại của chúng nó.
Tôi xa cha mẹ từ nhỏ. Theo tâm lý có thể xem là mồ côi, tôi lớn lên như cỏ dại mọc trong rừng. Tuổi vị thành niên đau đớn và nổi loạn như loài thú hoang bị mất đất sống. Sự khát khao được thương yêu cắn xé với nỗi sợ rằng mình không tạo dựng được một gia đình êm ấm. Tôi lớn lên trọn vẹn về thể xác nhưng bị què quặt trong tâm hồn. Sự ra đời của con tôi làm thay đổi tất cả. Con tôi cho một thứ mà tôi đã cố công tìm kiếm hơn nữa đời người mới gặp: Hạnh phúc. Là cha mẹ, chúng tôi cám ơn con tôi. Vỏn vẹn chỉ vì nó là con của chúng tôi.
Nhiều người không thành công vào khoảng đầu của cuộc đời thì lại thành công về sau nhờ con cái. Có lúc kẻ cướp thành người hoàn lương. Đứa lêu lỏng chơi bời thành người chí thú làm ăn. Khứa nghèo mạt rệp thành gã đại gia. Bùi Thanh Hiếu đã thành Người Buôn Gió từ khi chở vợ đi đẻ, nếu không thì chắc vẫn còn là một kẻ giang hồ đâm thuê chém mướn. Cha mẹ của Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên, Đỗ Thị Minh Hạnh… đã thành những người đấu tranh ai cũng biết đến cũng nhờ con cái của họ làm yếu tố xúc tác. Những người may mắn được êm ấm thời non trẻ vẫn phải công nhận con cái khiến họ mãn nguyện hơn với cuộc sống.
Nhưng văn học Việt Nam lại thiếu vắng sự ca ngợi công lao của con cái. Bù lại, tục ngữ ca dao dài dằng dặc những sinh đau đẻ khó, hy sinh vô bờ bến, công cha như núi Thái Sơn…
Văn hóa Việt Nam cho phép và biện hộ cha mẹ hành xử bất công. Khi đánh con thì đã có những lý do cao đẹp:
Thương cho roi cho vọt
Ghét cho ngọt cho bùi.
Bắt buộc con nghe theo lời mình thì có sẵn những lời răn đe của tiền bối:
Cá không ăn muối cá ươn.
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.
Cha mẹ Việt tự cho phép được quyết định thay con mình. Từ những chuyện nhỏ nhặt như ẩm thực, thời trang đến những chuyện trọng đại hơn như chọn nghề nghiệp, vợ chồng... Độc tài không ở đâu xa, văn hóa Việt Nam đã cho phép nó hiện diện ngay trong mỗi gia đình. Nghĩ cho cùng, bậc cha mẹ và con cái đã mang ơn nợ lẫn nhau. Đã mang ơn nghĩa lẫn nhau thì phải kính trọng lẫn nhau.
Giáo Dục Kiểu Ta, Kiểu Tây Và Kiểu Dân chủ.
Gặp khó khăn trong cách thức dạy dỗ con em kiểu truyền thống, nhiều cha mẹ đã tìm cách dạy dỗ con cái theo kiểu Tây, Mỹ, Thụy Điển, Phần Lan... Từ cách ăn uống đến chuyện học hành. Từ lau nhà đến ăn mặc. Những cách dạy dỗ kiểu bắt chước chỉ đến nữa chừng nếu không hiểu vấn đề then chốt:
Trẻ em có quyền lợi và trách nhiệm cũng như những thành viên khác trong gia đình.
Luật lệ của các nước tiến bộ bảo vệ trẻ em hơn người lớn. Ngay cả khi người lớn này là cha mẹ. Tối thiểu lắm thì cũng ngang hàng. Vì vai vế ngang nhau, những gì liên quan đến đứa bé đều có sự đồng thuận của nó. Gia đình mẫu mực là một gia đình có đối thoại. Con cái có quyền hỏi tại sao và phản biện. Cha mẹ có quyền phân tích và giải thích những quyết định của mình. Chúng ta có thể kết luận :
Sự dân chủ của các nước dân chủ đã bắt đầu ngay trong gia đình.
Gia đình, tự nó đã là một xã hội và trường học đầu tiên. Trong một tổ chức gia đình-dân chủ, cha mẹ là người hướng dẫn dạy dỗ. Nhưng trước hết, là những người làm gương.
Trong gia đình tôi cấm chửi thề. Người nào phạm lỗi này thì sẽ bị khẻ tay. Con tôi bị khẻ tay đã đành mà tôi bị nó khẻ tay cũng lắm. Khổng Tử sống lại chắc ngỡ ngàng lắm khi nghe kể chuyện giáo dục mà cha bị con đánh!
Sau nhiều thăng trầm, tôi tìm được một công việc nhàn hạ, có quyền uy và mức lương cao. Thấy bằng cấp chẳng có ăn nhập với nghề nghiệp. Càng chẳng thể làm gương để thúc đẩy con mình học hành tới nơi tới chốn, tôi lại cắp sách đến trường dù đã hơn bốn mươi. Các nhà mô phạm cũng thở dài khi biết con tôi là người « xúi dại » cha nó làm việc lẫn học hành mỗi ngày từ 12 giờ đến 16 giờ!
Cộng sản cũng như phần đông cha mẹ người Việt không phải là những kẻ làm gương. Nếu có luật lệ, lời dạy bảo thì chỉ dành cho người khác chứ không phải chính họ. Riêng về học vấn, đụng đến thì đã có vô số lý do như lớn tuổi học không vô, không có thời giờ, mắt kém tai yếu...
Đường lối dạy dỗ của Tây Phương có nhiều thứ mà đạo đức Á Đông không thể chấp nhận. Nhiều phóng viên lẫn chuyên gia Việt Nam cố tình không đào sâu vào vấn đề. Nếu ai tinh ý, sẽ thấy rằng họ cứ quanh quẩn trong giai đoạn trẻ em sanh ra đến ba bốn tuổi. Nếu đi xa hơn, họ dễ động chạm đến quyền lợi của nhóm lợi ích: Cha mẹ.
Nhiều người đấu tranh đổ lỗi sự xuống cấp của tuổi trẻ do sự giáo dục của cộng sản. Trẻ em trong mọi chế độ độc tài đều hèn hạ và nhu nhược. Nếu không thì lại tàn độc và nham hiểm. Tại vì trong xã hội như vậy chỉ có hai loại người : Cai trị hay bị trị. Đạp người hay bị người đạp. Qua vai trò cha mẹ, nền văn hóa Việt đã dọn đường cho cộng sản. Trong gia đình Việt thuần túy chỉ có những kẻ ra lệnh và những kẻ làm theo lệnh. Cha mẹ Việt đã dạy dỗ con cái tâm lý phục tùng. Không được hỏi lại. Không được cãi lời. Cộng sản nương theo đó mà cai trị dân chúng. Dân chúng là ai?
Chẳng qua cũng chỉ là những trẻ em đã thành người lớn.
Kết Luận

Chế độ cộng sản sẽ qua đi. Ừ phải. Sửa đổi sách giáo khoa thì rất dễ và rất mau. Chỉ cần có một phần dân chủ, thì cũng chỉ cần 5, 7 năm. Nhưng thay đổi cách giáo dục của cha mẹ đối với con cái thì rất lâu và rất khó. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục nuôi nấng con em như những con cừu chỉ biết vâng dạ, sớm muộn gì cũng sẽ có những bầy chó sói xuất hiện. Và nguy cơ những chế độ độc tài khác nổi lên không xa.
Dương Thành Tân